|
Sáng ngày 21/12/2024, Đức Thánh Cha đã
tiếp các hồng y và thành viên khác của Giáo triều Roma đến chúc mừng
ngài nhân dịp Giáng sinh và Năm mới. Ngài mời gọi mọi người chúc lành,
nói tốt cho người khác, chứ không nói xấu, để nhờ đó các thành viên của
Giáo triều có thể loan truyền phúc lành của Chúa và Mẹ Giáo hội cho thế
giới.
Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng y Giovanni
Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến
việc nói tốt về người khác và không nói xấu họ. Đây là điều tất cả chúng
ta đều quan tâm. Về vấn đề này, chúng ta điều bình đẳng, vì đó là một
phần trong bản chất con người chúng ta.”
Ngài giải thích, nói tốt
và không nói xấu là biểu hiện của sự khiêm nhường, và sự khiêm nhường
là dấu hiệu của Sự Nhập Thể và đặc biệt mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mà
chúng ta sắp cử hành. Một cộng đoàn Giáo hội sống trong sự hoà hợp vui
tươi và huynh đệ, các thành viên bước đi trên con đường khiêm nhường, từ
chối nghĩ và nói xấu lẫn nhau. Thánh Phaolô nói: “Hãy chúc lành chứ
đừng nguyền rủa” (Rm 12,14). Chúng ta cũng có thể hiểu là “hãy nói tốt
và đừng nói xấu” người khác.
Đường dẫn đến sự khiêm nhường: tự trách mình
Đức
Thánh Cha đề xuất cách sống sự khiêm nhường này đó là tự trách mình.
Ngài trích lời dạy của bậc thầy về linh đạo Doroteo ở Gaza xưa: “Khi một
người khiêm nhường gặp phải điều xấu, người này ngay lập tức nhìn vào
nội tâm và tự nhủ mình đáng bị như vậy. Người khiêm nhường cũng không
cho phép mình đổ lỗi cho người khác. Người này đơn giản chịu đựng khó
khăn, không làm ầm ĩ, không đau khổ và thanh thản. Sự kiêm nhường không
làm phiền mình và người khác. Không tìm cách để biết lỗi lầm của người
khác hoặc nuôi dưỡng sự nghi ngờ chống lại họ. Nếu cái xấu của chúng ta
nảy sinh những nghi ngờ, hãy cố gắng biến chúng thành những điều tốt.”
Đức
Thánh Cha nhận xét, những ai thực hành được điều này dần dần sẽ giải
thoát mình khỏi mọi ngờ vực, và tạo không gian cho Thiên Chúa, là Đấng
duy nhất có thể gắn kết mọi con tim. Nếu mọi người đều tiến triển trên
con đường này, một cộng đoàn có thể được sinh ra và phát triển, một cộng
đoàn trong đó tất cả đều bảo vệ nhau và cùng nhau bước đi trong sự
khiêm nhường và bác ái.
Theo Đức Thánh Cha nền tảng của lối sống
thiêng liêng này bắt nguồn từ “sự hạ mình” của Ngôi Lời. Một tâm hồn
khiêm nhường hạ mình xuống như Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng mà trong những
ngày này chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ.
Chúc lành cho người khác
Đức
Thánh Cha nói tiếp: “Sự Nhập Thể của Ngôi Lời cho chúng ta thấy Thiên
Chúa không lên án nhưng chúc lành cho chúng ta. Hơn nữa, sự kiện này cho
chúng ta thấy trong Thiên Chúa không có sự lên án, nhưng chỉ có và luôn
luôn chúc lành.”
Ngài mời gọi mọi người nghĩ đến điều này trong
bài thánh thi tuyệt vời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hưu Êphêsô:
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong
Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn
ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3), và giải thích, ở đây chúng ta thấy
nguồn gốc của khả năng “chúc lành” cho người khác: chính vì chúng ta đã
được giáng phúc, nên chúng ta có thể chúc lành cho người khác. Chúng ta
cần phải lao mình vào sự sâu thẳm của mầu nhiệm này, nếu không chúng ta
có nguy cơ trở thành những con kênh khô cằn không giọt nước. Trong điều
này, mẫu gương mà chúng ta cần hướng đến là Đức Maria. Mẹ đã được chúc
phúc và sau đó mang phúc lành này đến với bà Êlisabeth.
Nghệ thuật chúc lành
Ngài
nói: “Khi chúng ta hướng về Đức Mẹ, hình ảnh và mẫu gương của Giáo hội,
chúng ta được dẫn dắt suy ngẫm về chiều kích Giáo hội của việc chúc
lành này. Trong Giáo hội, dấu chỉ và công cụ của phúc lành của Chúa, tất
cả chúng ta được kêu gọi trở thành nghệ nhân của việc chúc lành.”
Đức
Thánh Cha quảng diễn thêm rằng việc chúc lành này như dòng sông lớn dẫn
đến các con suối để tưới toàn trái đất. Như thế, Giáo hội xuất hiện như
sự hoàn thành kế hoạch mà Chúa đã mặc khải cho Abraham: “Ta sẽ làm cho
ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi
ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc
cho những ai chúc phúc cho ngươi… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ
được chúc phúc” (St, 12,2-3).
Ngài so sánh Giáo triều Roma như
một công xưởng lớn, trong đó có nhiều công việc khác nhau nhưng mọi
người đều làm vì cùng một mục đích: mang lại phúc lành cho người khác và
loan truyền phúc lành của Chúa và Mẹ Giáo hội cho thế giới.
|