Sau Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, sáng ngày 26/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức Năm Thánh tại Nhà thờ Kinh Lạy Cha trong Nhà tù Rebibbia của Roma. Đức Thánh Cha bước qua Cửa Thánh cùng với Đức Giám mục Ambarus, các tù nhân và những người điều hành. Trong Thánh lễ, ngài mời gọi “mở rộng những cánh cửa trái tim”, bởi vì “những trái tim khép kín và chai cứng không giúp chúng ta sống”.
AYE_GIUATrước khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đã mở Cửa Thánh đầu tiên vào Lễ Giáng Sinh ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, nhưng tôi muốn mở Cửa Thánh thứ hai ở trong nhà tù này. Tôi muốn mỗi người chúng ta đang ở đây, trong cũng như ngoài, cũng có cơ hội mở cánh cửa trái tim mình và hiểu rằng niềm hy vọng không làm thất vọng.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đang ngồi, với lễ phục màu đỏ, trước cánh cửa đồng phía bên phải Nhà thờ Kinh Lạy Cha, bên trong Nhà tù Rebibbia. Sau đó, ngài đứng lên và gõ cánh cửa đồng sáu lần, cửa được mở ra. Với những bước chậm rãi, ngài đi qua Cửa Thánh tại nhà tù này. Lần đầu tiên trong lịch sử, một Đức Giáo hoàng mở Cửa Thánh không phải trong một vương cung thánh đường mà bên trong một nhà tù. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm điều đó để mang món quà hy vọng – chủ đề của cả Năm Thánh – đến một nơi bị giam cầm và khó khăn, nơi nó rất dễ bị đánh mất.
Một cử chỉ xuất phát từ yêu cầu của tù nhân
Một cử chỉ đặc biệt, chưa từng có của Đức Thánh Cha, thậm chí còn rất long trọng không kém nghi thức mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Một cử chỉ là kết quả từ những câu hỏi của chính các tù nhân: “Thật hay, Năm Thánh bắt đầu nhưng có gì đặc biệt đối với chúng tôi?” Họ nói điều này với giám mục phụ tá của Roma, Đức cha Benoni Ambarus, người đã trình bày những yêu cầu này với Đức Thánh Cha. Đức cha Ambarus tâm sự: “Đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã nuôi dưỡng trong thời gian dài.”
Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ứng khẩu:
“Hôm nay tôi muốn mở Cánh Cửa ở đây. Tôi đã mở Cửa đầu tiên tại Đền thờ Thánh Phêrô, cái thứ hai là của anh chị em. Thật cử chỉ thật đẹp khi mở Cánh Cửa, mở ra. Nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa của nó: nó đang mở rộng trái tim anh chị em. Hãy mở cửa trái tim. Và đây chính là điều mà tình huynh đệ thực hiện.”
Ngài nói tiếp: “Những trái tim khép kín, những trái tim chai cứng, không giúp chúng ta sống. Do đó, ân sủng của Năm Thánh là mở rộng, mở ra và trên hết là mở rộng trái tim để hy vọng.” Ngài so sánh niềm hy vọng này với một chiếc neo, một cái gì đó để bám vào giữa những khó khăn và những viễn cảnh đen tối nhất.
Đức Thánh Cha khuyến khích: “Hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng! Hãy suy nghĩ cẩn thận về điều này. Tôi cũng nghĩ như thế, vì trong những lúc tồi tệ người ta nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc, không thể giải quyết được gì. Nhưng hy vọng không bao giờ làm thất vọng.” Niềm hy vọng ở đó, giống như chiếc neo vào bờ, “trên đất” và “chúng ta ở đó với sợi dây, an toàn, bởi vì niềm hy vọng của chúng ta giống như chiếc neo vào đất”.
Một lần nữa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đừng mất hy vọng! Đây là thông điệp tôi muốn gửi đến anh chị em; đến mọi người, tất cả chúng ta. Tôi là người đầu tiên. Mọi người. Đừng mất hy vọng. Hy vọng không bao giờ thất vọng. Không bao giờ!” Đôi khi thật khó để giữ chặt sợi dây này: “Nó làm cho tay đau…” Nhưng khi chúng ta nhìn vào bờ, thì “mỏ neo” sẽ đưa chúng ta “tiến về phía trước”. “Luôn có điều gì đó tốt đẹp, luôn có điều gì đó để tiến về phía trước.”
Mở cửa trái tim là lời mời cuối cùng ngài gởi đến các tù nhân và nhân viên của Nhà tù Rebibbia: “Trái tim khép kín sẽ quên đi sự dịu dàng. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi chúng ta đều có hoàn cảnh riêng - dễ dàng hơn, khó khăn hơn - nhưng luôn có một trái tim rộng mở. Trái tim chính là thứ làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Hãy mở rộng cánh cửa trái tim. Mọi người đều biết cách thực hiện. Mỗi người đều biết nơi đâu cửa đang đóng hay đóng một nửa. Mỗi người đều biết.”
Vì thế tôi cầu chúc anh chị em có một “trải nghiệm một Năm Thánh tuyệt vời”: “Tôi chúc anh chị em thật nhiều bình an, nhiều bình an. Và mỗi ngày tôi cầu nguyện cho anh chị em. Thật sự. Đây không phải là một cách nói. Tôi nghĩ đến anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Xin Cảm ơn!”