Thứ Năm ngày 26/12, sau Thánh lễ mở Cửa Thánh tại Nhà tù Rebbibia ở Roma, Đức Thánh Cha trở về Vatican và lúc 12 giờ trưa, ngài đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ngài có một bài huấn dụ ngắn theo lễ kính Thánh Stêphanô.
AYE_GIUABài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, mừng lễ anh chị em!
Hôm nay, ngay sau Lễ Giáng Sinh, phụng vụ mừng kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Câu chuyện về việc ném đá ngài được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ (xem 6,8-12; 7,54-60) và trình bày cho chúng ta thấy lúc sắp chết, ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Và điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm: thực ra, ngay cả khi thoạt nhìn chúng ta thấy Thánh Stêphanô dường như bất lực trước bạo lực, nhưng thực tế, với tư cách là một người thực sự tự do, ngài vẫn tiếp tục yêu thương cả những kẻ giết mình và hiến mạng sống mình cho họ, như Chúa Giêsu trên thập tự giá (xem Ga 10,17-18; Lc 23,34); Ngài hiến mạng sống mình để họ ăn năn và được tha thứ, có thể nhận được sự sống đời đời như một món quà.
Bằng cách này, phó tế Stêphanô xuất hiện với chúng ta như một chứng nhân của Thiên Chúa, Đấng chỉ có một ước muốn lớn lao rằng “mọi người được cứu” (1 Tim 2.4) - đây là ước muốn của trái tim Thiên Chúa - và không ai bị hư mất. (xem Ga 6.39; 17.1-26). Thánh Stêphanô là nhân chứng của Người Cha đó - Cha của chúng ta - Đấng muốn điều tốt và chỉ điều tốt cho mỗi con cái của mình, và luôn luôn; Chúa Cha không loại trừ ai, Chúa Cha không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm mỗi người (xem Lc 15:3-7), và chào đón họ trở về để khi họ bỏ ra đi, họ ăn năn trở về với Người (xem Lc 15:11-32) và Chúa Cha không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa luôn tha thứ và Thiên Chúa tha thứ mọi sự.
Trở lại với thánh Stêphanô. Thật không may, ngay cả ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người nam nữ vẫn bị bách hại, đôi khi đến chết, vì Tin Mừng. Những gì chúng ta nói về thánh Stêphanô cũng áp dụng cho họ. Họ không để mình bị giết vì sự yếu đuối, cũng không để bảo vệ một ý thức hệ, nhưng làm cho mọi người tham dự vào hồng ân cứu độ. Và họ làm điều đó trên hết vì lợi ích của kẻ giết họ; cầu nguyện cho những kẻ giết họ.
Chân phước Christian de Chergé đã để lại cho chúng ta một tấm gương đẹp, người đã gọi kẻ giết mình là “người bạn ở phút cuối”.
Vậy mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: liệu tôi có ước muốn mọi người biết đến Thiên Chúa và mọi người đều được cứu không? Tôi có biết mong muốn điều tốt lành ngay cả cho những người làm tôi đau khổ không? Tôi có quan tâm và cầu nguyện cho nhiều anh chị em bị bách hại vì đức tin không?
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Tin Mừng để cứu rỗi thế giới.