Những “diễn viên” từ thiện bậc thầy
Một hộp sữa bột cho trẻ em được bật nắp trước đó và hạn sử dụng chỉ còn vỏn vẹn 1 tháng, 1 chai nước mắm hết hạn từ hơn 2 năm trước, 1 gói bột ngọt và 10 gói mì ăn liền. Đó là xuất quà từ thiện mà mỗi hộ dân thuộc 656 đối tượng nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của Hà Tĩnh nhận được. Những con người này, chỉ chưa đầy 2 tháng trước đang oằn mình chống chọi cơn bão số 3, tận mắt chứng kiến những người bị thương, chết, chứng kiến cả nghìn ngôi nhà sập, tốc mái và hàng ngàn héc ta lúa ngập úng...
Và họ không phải trường hợp hi hữu có “may mắn” được nhận những món quà như vậy. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, đã có ít nhất 2 vụ việc tương tự được báo chí “vinh danh”. Cuối tháng 3, các em học sinh một trường khuyết tật ở Hà Nội nhận được 3.000 gói bột dinh dưỡng ăn liền hết hạn từ lâu do một doanh nghiệp chuyển qua Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. Tiếp đến, tháng 6, Đoàn Y, Bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã lặn lội về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh và phát thuốc... quá “đát”, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người nghèo.
Trong những “bộ phim” từ thiện kiểu này, thường có một “kịch bản” khá tương đồng. Trong đó, “diễn viên” sắm vai nhà từ thiện là những người ít nhiều cơm no áo ấm, khoẻ mạnh và lành lặn về thể chất. Trước niềm hân hoan và vui sướng của những con người thiệt phận, các “diễn viên” này rưng rưng cảm động giơ tay phân phát món quà từ tâm. Chỉ khi những chiếc nhãn dán đè, những hạn dùng thuốc bị cắt lộ ra, ánh đèn trường quay vụt tắt, dàn diễn viên mới trở về đúng nghề nghiệp đích thực của mình: các bậc thầy trong một lĩnh vực đầy tiềm năng - tiêu thụ hàng quá đát.
Để thực sự “toả sáng” trong nghề nghiệp hấp dẫn này, họ phải chinh phục được hai thử thách sống còn: bước qua lương tri con người, lương tâm nghề nghiệp và bôi đen trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Trong một xã hội nhân văn, những con người thiệt thòi luôn là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Ở đó, những số phận thiệt thòi, sự mất mát của người khác là nỗi đau chung của cộng đồng và được cộng đồng giang tay đón nhận, che chở. Đối với một đất nước có truyền thống “lá lành đùm lá rách” như Việt Nam thì đó chính là những chiếc lá rách cần che chở, đùm bọc nhất.
Bởi không chỉ thiệt thòi về số phận, thân thể, đây còn là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Điều họ cần không chỉ là những món quà vật chất, lòng thương mà còn là sự tôn trọng và tình cảm đồng loại xuất phát từ đáy lòng.
Trong một thế giới nhân văn, các doanh nghiệp ngoài và trên cả mục tiêu kinh doanh, phải luôn nhận thức được trách nhiệm xã hội. Bởi đó là một cách để các doanh nghiệp đền đáp và hoàn trả món nợ với cộng đồng của mình. Các hoạt động bảo vệ môi trường, từ thiện... nằm trong món nợ phải trả này.
Hơn nữa, tính toán một cách sòng phẳng, những hoạt động này cũng góp phần mang lại danh tiếng, củng cố thương hiệu cho các doanh nghiệp. Với các chứng nhận, với cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn nhỏ, dù cố ý hay vô tình, các doanh nghiệp cũng đã PR cho tên tuổi “vì cộng đồng” của mình.
Và trong một thế giới nhân văn, bất kỳ bệnh viện, bác sĩ nào cũng nhận thức sâu sắc, đầy đủ sứ mệnh cứu người cùng trọng trách “lương y như từ mẫu” của mình.
Nhưng tất cả những con người đó, tổ chức đó đã sử dụng phần trách nhiệm, lương tâm của mình thế nào khi phát quà quá “đát” vào tay người nghèo, người khuyết tật, ốm yếu. Họ lạm dụng lòng tin của người khác ra sao khi chỉ chăm chăm tăng “doanh số” hàng quá “đát” lên cao nhất, nhanh nhất và “làm duyên” điệu nghệ nhất trước mắt người dân và báo chí?
Bằng việc làm của mình, liệu họ có khiến những người thiệt thòi cảm thấy bị xỉ nhục và mất lòng tin vào lương tâm và tình yêu thương đồng loại? Liệu những con người đó có bị đẩy sâu thêm vào bi kịch của mình?
Tất cả những điều đó được đánh đổi bằng vài “mớ” phế phẩm hoàn toàn vô giá trị, liệu có phải cái giá quá đắt?
Đổ phế thải vào... người sống?
Những món quà trên theo đúng quy định pháp luật, lẽ ra đã phải được mang đi thiêu huỷ, và các doanh nghiệp hẳn cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc này. Nhưng chúng đã được các chủ nhân khôn ngoan tái sử dụng theo cách lợi cả đôi đường: vừa được tiếng lại vừa tiết kiệm tiền.
Khá kỳ lạ, nhưng câu chuyện này có thể khiến người ta liên tưởng tới vụ đổ phế thải lấp mộ người chết khiến dư luận phẫn uất gần đây. Có lẽ là vì việc tặng quà hết “đát” làm từ thiện cũng chẳng khác nào đổ phế thải vào... người sống. Chỉ có điều, cái việc đổ phế thải xây dựng thì bị cấm rành rành, nên người ta luôn phải thực hiện chuyện này một cách vụng trộm, chui lủi và nếu bị bắt thì sẽ bị phạt. Còn cái việc đổ phế thải vào người sống lại được thực hiện một cách tinh vi, dưới ánh sáng ban ngày và trước con mắt của vô số người.
Tất nhiên, nếu không bị phát hiện ra thì hẳn còn được xưng tụng và biết ơn dài dài. Còn nếu bị phát hiện thì cũng chẳng biết... phạt ai và phạt thế nào.
Có một công thức “đổ lỗi vòng quanh” rất hiệu nghiệm trong những trường hợp thế này. Ví dụ, trong vụ 3.000 gói bột dinh dưỡng hết hạn, khi sự vụ vỡ lỡ thì: “Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sau khi kiểm tra lại thì cam đoan rằng đã nhận hàng, khi mà hạn đã hết. Trách nhiệm của Hội chỉ là đã không kiểm tra kỹ nên để lọt. Doanh nghiệp tặng 3.000 hộp dinh dưỡng kia thì cho biết đã chuyển hàng cho Hội trước khi hết hạn. Bằng chứng là có phiếu xuất kho” (Giadinhnet). Ai cũng có chứng cứ rõ rành, hùng hồn, chỉ có các em khuyết tật và phụ huynh các em là vẫn băn khoăn sao hạn dùng mới lại “bay trúng” vào hạn dùng cũ và sao người ta lại nỡ dành cho những số phận tội nghiệp của vứt đi.
Và những “vụ án” tưởng chẳng có gì phức tạp như thế dần rơi vào mơ hồ, cũng không thấy ai công khai nhận trách nhiệm hay lên tiếng xin lỗi những người “chẳng may” được quà.
Vậy là một câu hỏi lại bỏ ngỏ: sẽ ra sao nếu những món quà này được đưa vào sử dụng rộng rãi? Đừng quên, chúng không phải là những mặt hàng thông thường. Nếu là chai dầu gội đầu hết “đát” có lẽ nặng cũng đến mức gây rụng tóc, hay lọ mỹ phẩm thì cũng đến gây dị ứng. Nhưng đây là bột dinh dưỡng, thuốc và sữa... Đó đều là những sản phẩm dành những đối tượng yếu đuối, cần nhiều sự bảo vệ che chở hơn cả: trẻ em, người ốm, người già.
Và sự cố tình vi phạm của các “tác giả” là rất rõ, nó thể hiện ở những hạn dùng được dán đè hạn mới hoặc bị “thủ tiêu”, hay âm thầm nằm dưới nhãn “hàng tài trợ không bán”.
Bình thường, những sản phẩm này đều là một nguồn thực phẩm/thuốc rất tốt cho cơ thể con người, hoặc cứu người, nhưng một khi quá hạn, chúng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng mà còn có thể gây độc. Ai có thể đảm bảo những mặt hàng quá “đát” này nếu được đưa vào sử dụng không gây ra hậu quả khôn lường, lâu dài thậm chí là cái chết thương tâm.
Theo pháp luật, các doanh nghiệp kinh doanh hàng quá đát hoặc kém chất lượng sẽ bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nghiêm trọng. Hẳn chúng ta còn nhớ trong vụ sữa nhiễm Melamine của Trung Quốc (khiến ít nhất 6 em nhỏ tử vong và gần 300.000 em khác bị ảnh hưởng), đã có 21 bị cáo bị kết án, trong đó có 2 kẻ phải nhận án tử hình.
Nhưng sẽ ra sao khi những mặt hàng quá đát này lại được gắn lên mình cái mác đẹp đẽ - TỪ THIỆN? Còn cần “giọt nước tràn ly” nào nữa thì những “phi vụ” từ thiện như thế mới bị phanh phui và chịu sự trừng phạt thích đáng? Một nạn nhân? Hai nạn nhân?... Bao nhiêu là đủ để thức tỉnh?...