10.3 ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO
A. TRÌNH BÀY
Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định về thực tại tôn giáo của châu lục như sau: “Châu Á là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới như Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Đó là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Bái Hoả giáo (Zoroastrianism), đạo Giaina (Jainism), đạo Sikh và Thần Đạo (Shintoism). Chưa kể hàng triệu người cũng theo các tôn giáo truyền thống và bộ tộc, có nghi thức qui củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau. Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ của các tôn giáo và các truyền thống ấy. Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang còn chờ được kiện toàn trong Đức Giêsu Kitô.
Người dân Á châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sống giản dị, hoà hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Á châu rất yêu chuộng các giá trị như: tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính người cao tuổi và tổ tiên, ý thức sâu sắc về cộng đoàn. Cách riêng, họ coi gia đình là nguồn sức mạnh sinh tử, là một cộng đồng liên kết chặt chẽ và có ý thức liên đới cao. Các dân Á châu thường được tiếng là có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. Trong bối cảnh đa tôn giáo và đa văn hoá, tuy không phủ nhận đã xảy ra những căng thẳng và xung đột gay gắt, nhưng vẫn nói được rằng châu Á luôn chứng tỏ có khả năng thích nghi và cởi mở một cách tự nhiên để làm cho các dân tộc giúp nhau thêm phong phú. Ngoài ra, dù chịu ảnh hưởng của trào lưu hiện đại hoá (modernization) và tục hoá, các tôn giáo Á Châu vẫn chứng tỏ mình có nhiều sinh lực và khả năng canh tân, như có thể thấy qua các phong trào cải cách ngay trong các tập thể tôn giáo khác nhau. Nhiều người, nhất là người trẻ, rất khao khát các giá trị tâm linh, sự xuất hiện của các phong trào tôn giáo mới gần đây là một bằng chứng rõ ràng.
Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy trong cái hồn Á Châu có một thiên hướng tâm linh bẩm sinh và sự khôn ngoan đạo đức. Đây chính là cốt tuỷ làm trung tâm cho cảm thức về “bản sắc Á châu” ngày càng phát triển hơn. “Bản sắc Á châu” này sẽ được khám phá và khẳng định rõ nhất không phải bằng cách đối đầu và phản kháng, nhưng bằng cách bổ sung và phối hợp hài hoà với nhau. Trong khung cảnh bổ sung và phối hợp hài hoà ấy, Giáo Hội có thể truyền bá Tin Mừng một cách vừa trung thành với truyền thống của mình, vừa phù hợp với cái hồn Á châu (GHCA 6).
Nhận định của Đức Thánh Cha cho chúng ta hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đối thoại với các tôn giáo tại Việt Nam. “Giáo Hội Việt Nam phải đối thoại với các tôn giáo vì các tôn giáo ấy có những yếu tố ý nghĩa và tích cực trong nhiệm cục của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nơi các tôn giáo này, chúng ta nhận ra và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị tinh thần và đạo đức. Qua bao thế kỷ, kinh nghiệm tôn giáo của các bậc tổ tiên đã tích lũy thành những kho tàng đem lại ánh sáng và sức mạnh cho con người hôm nay. Các tôn giáo đã và còn tiếp tục diễn đạt những khao khát cao thượng nhất của cõi lòng. Đây quả là những ngôi đền cho con người đến chiêm niệm và nguyện cầu. Quả thực, các tôn giáo ấy đã giúp nắn hình lịch sử và văn hoá của dân tộc chúng ta. Đối thoại với các tôn giáo cho phép Giáo Hội Việt Nam khám phá những hạt mầm của Lời Thiên Chúa và chạm đến thực tại sâu xa nhất của dân tộc, đồng thời cũng có thể tìm ra cách sống và diễn đạt xác thực hơn cho đức tin Kitô hữu của chính mình (Đề Cương 31).
B. HỎI-ĐÁP
1- H. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định thế nào về thực tại tôn giáo tại châu Á?
T. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, châu Á là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới và là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh khác nhau, chưa kể hàng triệu người theo các tôn giáo truyền thống và bộ tộc, có nghi thức qui củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau.
2- H. Giáo Hội có thái độ nào đối với các tôn giáo và truyền thống tâm linh này?
T. Giáo Hội hết sức kính trọng các tôn giáo và truyền thống tâm linh này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ của các tôn giáo và các truyền thống ấy. Đối với Giáo Hội, các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy còn chờ được kiện toàn trong Đức Giêsu Kitô.
3- H. Người dân Á Châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hoá nào?
T. Người dân Á Châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sống giản dị, hoà hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Á châu rất yêu chuộng các giá trị như: tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính người cao tuổi và tổ tiên, ý thức sâu sắc về cộng đoàn.
4- H. Các tôn giáo Á Châu có đứng vững trước tác động mạnh mẽ của các trào lưu hiện đại hoá và tục hoá không?
T. Dù chịu ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại hoá và tục hoá, các tôn giáo Á Châu vẫn chứng tỏ mình có nhiều sinh lực và khả năng canh tân, như có thể thấy qua các phong trào cải cách ngay trong các tập thể tôn giáo khác nhau.
5- H. Vì sao Giáo Hội Việt Nam cần đối thoại với các tôn giáo?
T. Giáo Hội Việt Nam cần đối thoại với các tôn giáo vì nhờ đó, chúng ta có thể khám phá ra những hạt mầm của Lời Chúa và chạm đến thực tại sâu xa nhất của dân tộc, đồng thời khám phá ra cách sống và diễn đạt xác thực hơn cho đức tin Kitô hữu của chính mình.
C. GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Bạn có biết tín đồ của các tôn giáo như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, đạo Cao Đài tin tưởng và theo đuổi những chân lý và giá trị nào không? Chân lý và giá trị nào?
2. Thái độ của Giáo Hội đối với các tôn giáo gợi hứng thế nào cho bạn và giáo xứ của bạn trong cuộc đối thoại với các tôn giáo?
3. Bạn và giáo xứ của bạn có những kinh nghiệm nào trong việc đối thoại với các tôn giáo? Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn, những thành công và thất bại trong lãnh vực này.