Print  
Bão lũ miền Trung: Chấp nhận “sống chung” hơn đối phó?
Bản tin ngày: 19/10/2010   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

TTO - Những thảm hoạ thiên nhiên luôn kinh hoàng và có sức tàn phá khốc liệt. Khác với động đất và sóng thần, bão lũ là những thảm hoạ hoàn toàn có thể dự báo được và đương nhiên là có ít nhiều thời gian để đối phó.

Bão lũ ở nước ta hoàn toàn không phải bất ngờ mà theo mùa, từ ngàn xưa đã vậy. Vì vậy, đáng ngạc nhiên là tại sao sự việc năm nào cũng xảy ra mà tổn thất năm sau bao giờ cũng lớn hơn năm trước, hậu trường bao giờ cũng nặng nề hơn?

Mưa lũ khiến nhà ông Nguyễn Đình Đức (xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh) tan hoang. Những gì còn sót chỉ đủ để gọn trên chiếc bè này và ông đang ngồi bám trụ - Ảnh: Văn Định

Sau bão lụt, ai nấy vất vả khắc phục hậu quả. Chính quyền vất vả thống kê thiệt hại để báo cáo, xin kinh phí để tu bổ sửa sang. Trong báo cáo cố nhiên là có phần rút kinh nghiệm nhưng hình như đại đa số đều chung chung, đại khái và... na ná năm trước. Và có thể những kinh nghiệm ấy mùa bão lụt năm sau lại được... rút tiếp (!).

Công tác diễn tập phòng chống bão lũ đây đó cũng có diễn ra nhưng chủ yếu ở khối cơ quan, ban ngành trong khi bà con mình, nạn nhân trực tiếp thì gần như ngoài cuộc. Tâm lý người dân, ngay cả bà con Quảng Trị quê tôi, chủ yếu lo đối phó với bão lũ chứ chưa chịu “sống chung”.

Philipin chuẩn bị ra sao trước siêu bão Megi?

Dân được sơ tán khẩn cấp đến những nơi an toàn cùng với lương thực thực phẩm. Cảnh sát bờ biển nghiêm cấm các tàu bè ra khơi. Chính quyền còn cẩn thận khuyến cáo các gia đình nên có người thức để canh chừng các diễn biến bất thường...

Có lẽ nhờ vậy, thiệt hại về người không nhiều (10 người trong siêu bão Magi); thiệt hại vậy chất cũng hạn chế phần nào.

Đa phần các xã của ta đều có trường học cao tầng, có văn phòng trụ sở kiên cố, cao ráo. Nếu người dân được sơ tán ngay khi hay tin mưa lớn có khả năng gây lũ thì làm sao trẻ thơ, người già phải run rẩy vô vọng trên mái nhà, làm sao người dân phải hoảng loạn chạy trốn vào hang đá đói rét như thời nguyên thuỷ?

Nếu hàng tấn gạo dữ trữ bão lụt đừng nằm yên trong kho mà được đưa về từng xã, để sẵn những nơi cao ráo trước mùa mưa lũ; nếu ở những tuyến quốc lộ ngập lụt, cảnh sát giao thông cương quyết cấm xe lưu thông... Còn nhiều chữ “nếu” xác đáng nữa.

Đồng bào cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt. Từng xe hàng hoá, sách vở, áo quần nặng trĩu tình dân tộc, nghĩa đồng bào đang nối đuôi nhau đến những vùng bão lũ.

Nhưng mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu. Trong số hàng cứu trợ bão lụt đó, có chuyến hàng nào là áo phao?

Lê Thuý Hằng (Quảng Trị)
TTO
In ngày: 27/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print