Print  
Bài tham luận của đại biểu Linh mục đoàn Giáo phận Xuân Lộc: Kiến nghị về gia đình và giáo dục
Bản tin ngày: 22/11/2010   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
(Đăng ký phát biểu trong buổi tham luận ngày thứ nhất – PHẦN I - NỀN TẢNG)

Trọng kính Đức Hồng Y, quý Đức Cha,

Kính thưa quý Đại biểu, 

Trước tiên, Linh mục đoàn Giáo phận Xuân Lộc chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống và tham dự Năm Thánh 2010 này với nhiều ơn phúc.

Thứ đến, chúng con hoàn toàn nhất trí và tâm đắc với chủ đề Năm Thánh: “Giáo Hội: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ”. Trong suốt Năm Thánh, Chủ đề này được trải dài, trải rộng trong đời sống của Giáo Hội tại Việt Nam, nhất là nhờ các sinh hoạt Năm Thánh cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ. Bản đề cương - Tài liệu học hỏi Năm Thánh và đặc biệt Tài liệu làm việc (TLLV) của Đại hội hôm nay, làm nên tính thống nhất và xuyên suốt của Năm Thánh.

Chúng con càng nhất trí và tâm đắc hơn về TLLV của Đại Hội trong nội dung và dàn bài tổng quát, tuy chưa thấy phần Kết luận.

TLLV đã đặt nền tảng trên Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi triển khai mầu nhiệm này (số 3), tài liệu đã vận dụng những hình ảnh Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần. Điều này đúng nhưng chưa đủ, nhất là khi ứng dụng vào Giáo Hội tại VN và trong thời điểm hiện nay cũng như tương lai. Chúng con kiến nghị thêm hình ảnh “gia đình” với 5 lý do sau:

1) “Gia đình” là một thực tại của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. LG, các số 6d, 11b, 18b, 27c, 28a, 28e), của mầu nhiệm nhập thể - cứu chuộc, cũng là một thực tại của nền văn hoá Việt Nam, và là đường lối mục vụ của HĐGMVN, là lời cầu nguyện tha thiết suốt năm thánh: “Xin Cha giúp chúng con xây dựng GHVN thành một gia đình hợp nhất: yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ”...

2) “Đạo Hiếu”, một nét sâu đậm trong truyền thống văn hoá Việt Nam, cần được trân trọng và vận dụng vào suy tư, phụng vụ, sống đạo nơi tín hữu và nhất là cho công cuộc truyền giáo tại VN.

3) Vai trò của gia đình trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam: nơi dừng chân đầu tiên của các thừa sai luôn, nơi các ngài tập họp dân chúng để giảng dạy, cử hành bí tích, sinh họat tôn giáo kể cả lễ tấn phong giám mục! Các gia đình Việt Nam đã góp phần rất lớn vào việc truyền giáo, khi đón tiếp, cưu mang, nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ các thừa sai… Ngày xưa đã vậy, ngày nay vẫn thế, dĩ nhiên dưới nhiều hình thức mới… Cần nhớ lại những đóng góp của gia đình Công giáo Việt Nam đối với Giáo hội Miền Bắc những năm từ 1954 đến 1975, và của mọi gia đình Công giáo Việt Nam đối với toàn Giáo hội Việt Nam từ 1975.

4) Trước thực tế của xã hội VN hôm nay, Giáo Hội đang kỳ vọng nơi gia đình: “Giáo Hội tại gia”, “tế bào xã hội” để chấn chỉnh đạo đức, phong hoá, xây dựng nền văn minh sự sống và tình thương... cho dân tộc VN, và là nguồn phong phú của ƠN GỌI linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân...

5) Từ nền tảng giáo lý đức tin, nét đẹp của văn hóa VN và đường lối mục vụ của HĐGMVN, 15 đại biểu giáo dân giáo phận Xuân Lộc đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của 10.167 quý chức và 861.400 giáo dân, sẽ tham gia thêm những kiến nghị trong 6 đề nghị mục vụ của phần II TLLV của Đại hội Dân Chúa.

Đi vào nội dung TLLV, trong dự thảo (1) của TLLV, chúng con đọc thấy tiêu đề phần I này là "NHỮNG SUY TƯ NỀN TẢNG". Chúng con thiết nghĩ tiêu đề này thích hợp hơn “NỀN TẢNG THẦN HỌC” vì từ “Thần học” còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, ngay cả với các tín hữu.

Chương I: MẦU NHIỆM

TLLV đã đề cập ngay đến chiều kích Ba Ngôi trong mầu nhiệm Giáo Hội”, trong đó, như chúng con kiến nghị trên đây, đề nghị thêm cụm từ Gia đình Thiên Chúa. "Gia đình”, một hình ảnh vừa có trong giáo lý đức tin, vừa có trong đặc thái của nền văn hoá dân tộc VN!

Cũng tương tự, trong số 2.a. (trang 13 TLLV) Cấu trúc Thần-Nhân: Khi nói “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”, đề nghị thêm “trong khung cảnh gia đình” (x. Mt 2,11-23): Chúa Giêsu đã dành 30 năm sống ẩn dật “trong khung cảnh gia đình”; và trong đời công khai, Ngài kêu gọi các Tông đồ, sống với các ông và thành lập Giáo Hội như một GIA ĐÌNH (x. LG 51b). Tính cách gia đình này cũng nên được coi là nền tảng cho Phần II: HƯỚNG ĐI MỤC VỤ.

Chúng con rất nhất trí và tâm đắc với nội dung số 2 (trang 13-19).

Chương II: HIỆP THÔNG

Nơi trang 21, triệt 2 của số (12) TLLV viết: Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội... trở thành tác nhân kiến tạo sự hiệp thông của cả gia đình nhân loại”. Dĩ nhiên, khi nói “nhân loại” là đã có dân tộc Việt Nam, nhưng chúng con ước ao Đại Hội làm nổi bật “tính dân tộc”, làm sáng tỏ sự gần gũi, cụ thể của đạo Công giáo với dân tộc VN, cũng như nêu rõ chủ trương "gắn bó với dân tộc" của HĐGMVN bằng cách thêm từ “dân tộc và” giữa 02 từ gia đình nhân lọai (... của cả gia đình dân tộc nhân lọai).

Nơi trang 27 chữ d. TLLV viết "Góp phần xây dựng... nhân loại". Đọc vào Nội dung của TLLV, chúng con có cảm tưởng TLLV chỉ đề cập đến "xây dựng sự hiệp thông trong cộng đồng dân tộc VN". Do đó, chúng con kiến nghị:

1) Nếu giữ nguyên nội dung của TLLV, thì bỏ từ "nhân loại" và thay thế từ “nhân lọai” bằng từ “dân tộc VN”.

2) Nếu giữ tiêu đề "góp phần xây dựng sự hiệp thông trong cộng đồng nhân loại" (là điều phải có), chúng con đề nghị thêm từ “dân tộc và nhân lọai” và phải thêm 01 triệt mang nội dung xây dựng tình hiệp thông giữa các dân tộc, từ cộng đồng Á châu đến các châu lục khác.

Chương III: SỨ VỤ

Chúng con nhất trí hoàn toàn và tâm đắc với nội dung của chương III, nhất là vì "gia đình" đã được viết đầu tiên của số 4 "Những mối quan tâm".

Kính thưa ĐHY, quý Đức Cha và quý Đại biểu,

Chúng con kính xin ĐHY, quý Đức Cha và quý Đại biểu tha thứ những vụng về, thiếu sót và hạn chế của bản góp ý này. Kính chúc ĐHY, quý Đức Cha và quí Đại biểu dồi dào sức khoẻ và đầy tràn ơn thánh Chúa.

Chúng con xin cảm ơn và kính chào.

Long Khánh, ngày 14  tháng 11 năm 2010

Đại biểu linh mục đoàn Gp Xuân Lộc:

- Lm. Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Tổng Đại diện

- Lm. JB Nguyễn Đăng Tuệ, đại diện Tư pháp

 (*) Những trích dẫn Hiến chế Lumen Gentium minh chứng cho hình ảnh “gia đình”:

- “Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục” (LG 11b)

- “Tiếp tục công trình đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô, Ðại Diện Chúa Kitô, và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng sống” (LG 18b).

- “Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, giám mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10,11)” (LG 27c)

- “Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha” (LG 28a).

- “Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các giám mục và giáo hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa” (LG 28e).

- “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Chúa Kitô…” (LG 51b).

- Và nhiều văn bản khác của Giáo Hội. 

daihoidanchua.net
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print