Print  
Các bà mẹ Công giáo với chủ đề "Giáo Hội: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ"
Bản tin ngày: 22/11/2010   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Tuy không trực tiếp đề cập đến sự liên hệ giữa vai trò của các bà mẹ Công giáo với chủ đề Năm Thánh 2010 nói trên, nhưng qua 3 khía cạnh tìm hiểu về Giáo Hội là: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ, các bà mẹ Công giáo chúng ta cũng có thể rút ra được những sứ điệp giúp ta sống đúng và chu toàn trách nhiệm của một hiền mẫu trong gia đình.

1. Về khía cạnh Giáo hội Mầu nhiệm: Các bà mẹ Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong gia đình để xây dựng nền tảng đức tin cho con cái, giúp chúng hiểu biết về Chúa và về Mầu nhiệm Giáo Hội của Người.

Thực vậy, về phần đời, người ta vẫn thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “phúc đức tại mẫu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Những câu nói đó nói lên vai trò quan trọng của người mẹ, người bà, cũng như ảnh hưởng của họ đối với các thành viên trong gia đình.

Về phần đạo, vai trò của các bà mẹ trong các gia đình Công giáo cũng không kém phần quan trọng. Với lợi thế gần gũi, quan tâm sâu sát và sống tình cảm hơn đối với con cái, họ chính là những người có ảnh hưởng lớn trong việc giúp con cái có được nền tảng đức tin, hiểu biết về các mầu nhiệm trong đạo, cũng như về Giáo Hội. Họ là người trực tiếp giúp con cái tập tành các nhân đức, các thói quen sống đạo, đọc kinh xem lễ, lắng nghe lời Chúa, biết cầu nguyện… thông qua các giờ kinh tối và nhất là qua gương sáng đời sống đạo của họ.

2. Về khía cạnh Giáo hội Hiệp thông: Các bà mẹ Công giáo còn là một nhân tố đắc lực và hiệu quả giúp cho gia đình trở thành cái nôi và trường dạy sự hiệp thông.

Giáo hội vẫn minh định: gia đình là Giáo Hội tại gia và là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Để duy trì được tổ chức hay tế bào nền tảng đó, cần phải có sự hiệp thông. Mà những bài học về sự hiệp thông trước hết với Thiên Chúa như đã nói ở mục 1 trên đây, rồi đến sự hiệp thông với các thành viên khác trong gia đình thường được xuất phát và thể hiện rõ nét nơi các bà mẹ trong các gia đình.

Thực vậy, với bản chất mềm mỏng, nhân từ, yêu thương, kiên nhẫn, chính chuyên, thủy chung và với chức năng truyền sinh không thể thay thế của mình, các bà mẹ thật sự là nhân tố đắc lực và hiệu quả trong việc tạo lập sự hiệp thông, duy trì hạnh phúc gia đình, bảo vệ sự sống của thai nhi, sự bền vững của hôn nhân, là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình trước bao nguy cơ của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay đối với gia đình như: phản bội, ngoại tình, ly thân, ly dị, phá thai…, những phản đề của sự hiệp thông. Ngoài ra, các bà mẹ còn là mẫu gương và hình ảnh sống động về ý thức trách nhiệm, về sự quan tâm, chăm sóc xây dựng sự yêu thương hiệp nhất trong gia đình.

Và một khi các thành viên trong gia đình đã thấm nhuần và thực sự sống yêu thương, hiệp nhất với nhau thì sự hiệp thông đó mới lan toả và thể hiện ra ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội. Lúc đó, những người trẻ bước ra đời từ những gia đình như thế mới biết nghĩ đến người khác, biết hợp tác, lắng nghe. Và nếu ở trong một cộng đòan, một giáo xứ, một đòan thể, những con người đó mới biết hiệp thông với các thành phần khác, biết chia sẻ trách nhiệm, gánh vác việc chung và biết đâu, nhờ ơn Chúa, những người con đó còn biết quảng đại đáp lại lời mời gọi dâng mình để phục vụ Chúa và anh chị em trong đời sống Thánh hiến, giúp kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương cho những cộng đoàn lớn hơn như giáo xứ, giáo phận.

3. Về khía cạnh Giáo hội Sứ vụ: Các bà mẹ Công giáo cùng với quý ông gia trưởng là những người đầu tiên có trách nhiệm trong việc giúp con cái ý thức chia sẻ hồng ân đức tin mà mình đã lãnh nhận cho những người chung quanh. Đó là truyền giáo hay loan báo Tin mừng.

Đây là một trách nhiệm cao cả mà các bậc cha mẹ phải góp phần gánh vác cùng với Giáo Hội. Tuy nhiên, nhiều khi tự mình, họ cũng chưa ý thức đầy đủ, huống chi nói đến việc thông truyền cho con cái. Không thể có những con người biết dấn thân loan báo Tin Mừng, nếu những con người đó không được chuẩn bị ngay từ trong gia đình. Mà chính việc đào tạo, chuẩn bị này nơi các gia đình lại nằm trong tay các bà mẹ và các ông bố.

Người ta không thể cho đi cái mà người ta không có. Vì vậy, ý thức về trách nhiệm truyền giáo của mình, trước hết các ông bố bà mẹ phải là chứng tá Tin Mừng một cách sống động bằng gương sáng đời mình vì “lời nói bay đi, gương lành lôi kéo”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cũng đã từng nói: “Thời đại ngày nay, người ta bị thuyết phục bằng việc làm nhiều hơn là bằng những lời rao giảng suông”. Để rồi từ những cái mình đã có, đã sống, họ cũng lôi kéo, thuyết phục con cái của họ trở nên chứng tá cho Tin Mừng ngay trong môi trường sống và làm việc của chúng, giúp chúng biết để cho Tin mừng thấm nhập vào đời sống Kitô hữu của mình, tức thường xuyên hoán cải trở về với Chúa, và biết thể hiện những gía trị của Tin mừng trong mọi lĩnh vực đời sống con người, để mọi người nhìn thấy việc chúng làm mà nhận biết Thiên Chúa.

Nói tóm lại, qua việc học hỏi và thấm nhuần sứ điệp của Năm Thánh, chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của những hiền mẫu trong gia đình, xã hội và Giáo Hội. Nhờ đó mỗi người chúng ta, cùng với ơn Chúa và sự dẫn dắt của Chúa Thánh thần, sẽ nỗ lực hơn nữa để thánh hoá bản thân, gia đình và xã hội cũng như để trở thành chứng tá sống động loan báo Tin Mừng Nước Trời, trước hết cho gia đình của chúng ta vì ngày nay nhiều gia đình Công giáo chúng ta vẫn còn cần phải được tái loan báo Tin Mừng bởi vì tuy có tên trong đạo, trong sổ rửa tội nhưng cuộc sống của chúng ta hòan toàn xa rời Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Vì vậy, công cuộc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay trước hết phải xuất phát và khởi đi từ chính mỗi gia đình Công giáo chúng ta. Từ đó, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng ấy cho những người chung quanh, cũng như cho anh chị em trên quê hương chúng ta theo gương của các bậc tiền nhân, anh hùng tử đạo như mục tiêu của Năm thánh 2010 này mong đợi và hướng đến.

Anna NGUYỄN THỊ THÁI HIỆP

Đại biểu Giáo phận Xuân Lộc

Anna Nguyễn Thị Thái Hiệp
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print