Print  
Tham luận của Lm. Fr. Phạm Ngọc Quang, GP. Kontum
Bản tin ngày: 22/11/2010   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

 Tham luận của Lm. Fr. Phạm Ngọc Quang, GP. Kontum

1.       Dẫn nhập:

2.       Điều gì làm nên căn tính một con người? căn tính của cộng đoàn?

3.       Thực tại nào cho căn tính của cộng đoàn kitô hữu Việt Nam?

a)    Hỗ trợ sự phát triển đa dạng của các cộng đoàn địa phương.

b)    Duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội địa phương.

4.       Vài đề nghị thêm cho hướng đi mục vụ.

a)    Triển khai Mục Vụ Tiếp Đón

b)    Hệ Thống Thông Tin Vĩ Mô

c)    Đào tạo nhân sự

5.       Kết:

 


 

  1. Dẫn nhập:

Giáo Hội tại Việt Nam ước mong thực hiện cuộc đổi mới. Hội đồng Giám mục Việt Nam thao thức thực hiện cuộc nhập thể của Giáo Hội vào nền văn hoá đặc thù của địa phương, nhưng vẫn giữ được căn tính của mình là Giáo Hội Chúa Kitô[1].

Đất nước đang phát triển nhanh chóng về mọi lĩnh vực, trong bối cảnh toàn cầu hoá, các trào lưu khoa học, văn hoá, nhân bản - hay dở lẫn lộn - đang tràn ngập vào xã hội Việt Nam, kéo theo nhiều thay đổi lớn trong sinh hoạt xã hội. Cuộc sống đa văn hóa, đa tôn giáo, thành thị hoá đang đưa con người hôm nay thoát khỏi khung trời nhỏ hẹp của làng xóm, của cộng đoàn, của gia đình truyền thống. Cuộc sống đó làm phát sinh nhu cầu đi tìm lại ý nghĩa cuộc sống con người, xây dựng lại ý thức hệ tôn giáo cho riêng mình, cho cộng đoàn trong thế giới hôm nay. Người Công giáo, xuất thân từ môi trường tôn giáo truyền thống, đang đứng trước nguy cơ lạc lõng, mất hút trong đám đông, không biết làm sao để thể hiện căn tính người Công giáo (identité chrétienne) như xưa. Thanh thiếu niên đang tuổi chuẩn bị bước vào đời có lẽ dễ bị dao động nhất. Giáo xứ nào cũng có hiện tượng thanh thiếu niên không thiết tha học giáo lý nữa. Giáo lý viên thường cảm thấy hụt hẫng, không thể thu hút giới trẻ đến với sinh hoạt tôn giáo. Giới trẻ, một khi phải sống xa nhà vì công việc hay để đi học - những kẻ di dân nội địa - tức là rời môi trường gia đình và sinh hoạt giáo xứ, khó có thể sống căn tính Kitô hữu trong lòng dân tộc. Phải chăng Tin Mừng thành xa lạ với họ ? Phải chăng sống Tin Mừng - sống đạo - không giúp cho họ tìm được căn tính của mình, không giúp họ thích ứng với cuộc sống đa chiều hôm nay? Những kiến thức văn hoá tôn giáo của thế hệ cha ông truyền đạt lại – mầu nhiệm cứu độ, luân lý đạo đức – như tách rời khỏi hệ thống giá trị và cấu trúc hiện hành của xã hội.

Căn tính và hoạt động của cộng đoàn kitô hữu Việt Nam cần được canh tân cho phù hợp với cuộc sống phức tạphôm nay. Giáo Hội Việt Nam muốn tìm hướng đi mới qua ba chủ đề: Mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ. Có lẽ, theo tôi, đó là ba khía cạnh, 3 góc nhìn khác nhau của một vấn đề:

Làm thế nào để xây dựng, hình thành căn tính của cộng đồng dân Chúa trong xã hội hôm nay?

Hướng đi nào Giáo hội Việt Nam cần chọn để thể hiện được một sức sống phù hợp với tình hình xã hội – đang trên đà thay đổi nhanh chóng - mà vẫn giữ được căn tính Giáo Hội của đức Kitô ?

Đó là một thách đố lớn cho Giáo Hội Việt Nam, một công việc dài hơi của mọi thành phần Dân Chúa. Những suy tư này không phải là cuộc nghiên cứu về căn tính của Giáo Hội, cũng không tìm cách giải quyết những xung đột, rạn nứt trong Giáo Hội và với xã hội hiện hành. Nhưng nêu lên một cái nhìn khái quát về cộng đoàn dân Chúa để có thêm hướng suy tư cho cộng đồng dân Chúa. 

  1. Điều gì làm nên căn tính một con người? căn tính của cộng đoàn?

Căn tính là điều làm cho một cá nhân mang tính đặc thù. Căn tính một người được hình thành ngoài nguồn gốc di truyền còn có truyền thống gia đình, văn hóa địa phương và môi trường xã hội. Như vậy căn tính con người được tổng hợp từ nhiều nguồn và tiến triển không ngừng trong suốt cuộc đời. Cuộc sống, ít nhiều văn minh tiến bộ,tạo thành bối cảnh cho con người có cùng lúc nhiều căn tính khác nhau như : căn tính của người làm cha, mẹ trong gia đình, căn tính đặc thù của làng xóm, địa phương, căn tính của người công giáo.

Căn tính một cộng đoàn cũng mang tính chất phức hợp như căn tính cá nhân. Căn tính cộng đoàn giúp các thành viên hoà nhập trong môi trường của cộng đoàn, cảm thấy mình gắn bó với cộng đoàn, mỗi người một cách thức khác nhau, nhưng đều có cảm nhận mình thuộc về cộng đoàn. Chính sự thống nhất, hòa hợp đó tạo nên căn tính cộng đoàn[2]. Và cũng như căn tính cá nhân, căn tính cộng đoàn luôn ở số nhiều, tức là ngay trong một thánh phần của cộng đoàn cũng mang nhiều căn tính tập thể khác nhau. Căn tính cộng đoàn hình thành qua kinh nghiệm thể hiện sự khác biệt với các cá nhân hay nhóm khác. Khi căn tính cộng đoàn trở thành đống nhất, tất cả sự khác biệt bên trong cộng đoàn bị xóa bỏ, những cảm nhận đặc thù - để nhận diện mình thuộc về cộng đoàn - trở thành ưu tiên một. Đây là yếu tố quan trọng cần ghi nhận khi những căn tính cộng đoàn được sử dụng như công cụ tuyên truyền cho cộng đoàn trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay.

Như vậy căn tính cộng đoàn mang tính chất, phần nào đó, mỏng dòn, ít nhiều ổn định, được các thành viên ý thức ít nhiều. Các sắc thái này hiện diện khi căn tính cộng đoàn gặp khủng hoảng, đang đi tìm hướng đi mới, đang gặp nhiều sợ hãi, bị lạm dụng hay mang nhiều tham vọng để biện minh cho hiện tại và mang niềm hy vọng cho tương lai[3].

Căn tính văn hoá và tôn giáo thường gắn kết với căn tính cộng đoàn, qua những tập tục, thói quen, nghi lễ. Luật lệ, quy định thường gắn liền với văn hoá, tạo thành cơ cấu xã hội, làm các thành viên nhận biết nhau và gắn bó với một cộng đoàn đặc thù[4].

 Khi một cộng đoàn bị phân tán, khi môi trường có nhiều văn hóa hội tụ, như trường hợp thành thị hóa, con người sẽ phải đối diện với một thực tại của hai cơ chế xã hội đối lập. Nói cách khác, khi có sự chung sống của nhiều nền văn hoá, nhiều sắc tộc, nhiều căn tính cộng đoàn, sẽ phát sinh những kinh nghiệm sống căn tính đặc thù của một cộng đoàn. Các thành viên thể hiện những thói quen, nghi thức, nguyên tắc thường xuyên hơn, để tăng cường hoặc củng cố cảm nhận gắn bó, thuộc về cộng đoàn rõ nét hơn. Như vậy một nền văn hóa có thể là căn tính cộng đoàn của nhiều sắc tộc, hay ngược lại, một sắc tộc có thể mang nhiều văn hóa, nhiều truyền thống khác nhau.

Những khái niệm về căn tính cá nhân hay cộng đoàn trên đây dựa trên hai điểm chính:

  1. Nguồn xây dựng nội tại, chủ quan của các thành viên trong cộng đoàn.
  2. Nguồn xây dựng ngoại tại, theo mối tương quan của môi trường văn hoá, chính trị, xã hội.

 Cả hai điểm bổ sung, đan vào nhau để xây dựng nên căn tính của một người, một cộng đoàn. Quá trình này diễn biến liên tục qua những trải nghiệm, giao tiếp, va chạm với bối cảnh thực tiễn. 

  1. Thực tại nào cho căn tính của cộng đoàn Kitô hữu Việt Nam?

HĐGMVN triệu tập ĐHDC, thao thức mong thực hiện một cuộc đổi mới Giáo Hội tại Việt Nam. Đổi mới ai? Đổi mới thế nào mà vẫn ý thức được căn tính của cộng đồng Giáo Hội đức Kitô?

  1. Hỗ trợ sự phát triển đa dạng của các cộng đoàn địa phương.

Giáo Hội Việt Nam bao gồm nhiều cộng đoàn mang sắc thái dân tộc[5], văn hóa địa phương khác biệt. Khi nhu cầu đổi mới của Giáo Hội trở nên bức thiết, là đã nảy sinh những rạn nứt, thất bại trong sinh hoạt của nhiều cộng đoàn dân Chúa tại địa phương. Mục vụ phát huy, hội nhập văn hóa, xây dựng căn tính cho cộng đoàn địa phương[6] cần chính nỗ lực của mỗi tín hữu tại cộng đoàn địa phương đó. Giáo lý truyền thống tạo nên căn tính bền vững cho cộng đoàn giáo dân từ bao đời, trong xã hội đang bùng nổ sự phát triển dân số và kinh tế này, cần nhiều nỗ lực đổi mới xây dựng căn tính cho cộng đoàn Kitô giáo mình. Nói tới xây dựng căn tính là nói tới những yếu tố gây khác biệt, tạo khoảng phân cách giữa tín hữu và người ngoài. Môi trường đa văn hóa, nhiều sắc tộc, sẽ mang nhiều sắc thái khác nhau hơn.

Sự phát triển của Internet làm phát sinh một cộng đồng mới mang tên gọi là “dân cư trên mạng”. Cộng đoàn đó ngày càng lớn mạnh, mang tầm vóc quốc tế. Giáo Hội tại nhiều quốc gia đã đưa ra những phương thế truyền giáo trên mạng. Một dạng “cộng đoàn ảo” không ranh giới, nhưng xây dựng một căn tính riêng, ngày càng có ảnh hưởng mạnh lên hệ thống xã hội hiện hành. Giáo Hội Việt Nam chưa có tiếng nói chính thức, để đối thoại và cùng nhau xây dựng một căn tính cho cộng đoàn trên mạng này. 

  1. Duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội địa phương[7].

 Để khuyến khích những sáng kiến canh tân sinh hoạt của các cộng đoàn, Giáo Hội địa phương cần lắng nghe, hỗ trợ về nhân lực, cung cấp những tài liệu, phương tiện, tài chính cần thiết.

Những sinh hoạt đa dạng của các cộng đoàn, với tính đặc thù chuyên biệt cao, dễ tạo nên sự đồng cảm, mối liên kết mật thiết hơn giữa các thành viên trong cộng đoàn đó, nhưng cũng có nguy cơ phân tán Giáo Hội địa phương thành những mảng căn tính cộng đoàn cách biệt, nhiều khi trở thành xung khắc lẫn nhau. Khi đó, có những thành viên của Giáo Hội địa phương phải đối diện với nguy cơ bị loại trừ, tức là có những lúc mất đi cảm nhận mình đang thuộc về, đang ở trong cộng đoàn: họ như người khách lạ, người ngoại cuộc trong Giáo Hội địa phương, nơi mà chính họ đã và đang góp phần xây dựng, duy trì. Hiện tượng đó thường gặp trong môi trường đa tôn giáo, gây nên xung đột và tiêu diệt lẫn nhau. Xung đột giữa Palestine và Israel là một ví dụ điển hình[8]. Với khuynh hướng cá nhân hoá, phát triển căn tính đặc thù của nhiều cộng đoàn trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, tình trạng căng thẳng, xung đột giữa hai hay nhiều cộng đoàn đặc thù, hoặc giữa các cộng đoàn địa phương với Giáo Hội địa phương là điều dễ xảy ra. 

  1. Khi nào căn tính cộng đoàn địa phương cần đổi mới?

Một cộng đoàn trên đà suy thoái, cần đổi mới, có thể nhìn thấy qua 4 dấu hiệu:

  1. Cộng  đoàn cơ sở/địa phương suy yếu, không phát triền.
  2. Các chủ chăn, trưởng cộng đoàn chia rẽ - bất đồng (chia rẽ nội bộ).
  3. Mục tiêu/sứ vụ mù mờ.
  4. Cơ cấu không thích ứng với môi trường sống, với sự thay đổi của xã hội hiện hành. 

Khi đó thành viên thấy mình lạc lõng, xa lạ dần với chính cộng đoàn cố hữu của mình. Căn tính của cộng đoàn địa phương cần thay đổi. Sự canh tân hữu hiệu khi được thực hiện cùng lúc trên ba bình diện: cơ cấu tổ chức (4); sứ vụ, mục đích sống của mỗi thành viên (3); và tăng cường sự hiệp thông, đoàn kết nội bộ, nhất là những người lãnh đạo.  

Giáo Hội địa phương, hơn lúc nào hết, vừa phát huy nỗ lực canh tân, tìm cách thu nhận những điểm tích cực của văn hóa địa phương, vừa phải bảo đảm được các tính chất của Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Những phương cách cấm đoán, ra lệnh hay ban đặc ơn từ trên đưa xuống - tức cơ cấu xin cho – mà một thời góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Hội Thánh, nay có nguy cơ tạo nên những hố sâu ngăn cách, thậm chí bóp nghẹt sức sống của các cộng đoàn địa phương.    

  1. Vài đề nghị thêm cho hướng đi mục vụ.

Qua vài suy tư ngắn gọn trên, tôi xin đề nghị : 

  1. Triển khai Mục Vụ Tiếp Đón[9]
  2. Phòng tiếp đón và hướng dẫn, là khâu rất quan trọng, không thể thiếu trong các công ty, cơ cấu hành chính hiện nay. Văn phòng tiếp đón – thông tin tại các cộng đoàn địa phương – hội đoàn, giáo xứ và giáo phận – có thể kiêm luôn công việc của văn phòng thường trực. Đó sẽ là nơi tạo mối dây liên lạc, cập nhật thông tin, làm cầu nối quan trọng trong cộng đoàn và với các cộng đoàn khác.
  3. Các phòng tiếp đón - thường trực trong giáo phận cần liên lạc, phối hợp thành một Hệ thống tiếp tân- ban thường trực. Các thông tin, giấy tờ trong Giáo Hội (chứng nhận bí tích, giấy chuẩn...) lúc đó có thể gởi qua đường bưu điện, liên hệ trao đổi qua email. Như vậy vừa trao đổi, gởi được những giấy tờ cần giữ kín (như giấy điều tra hôn phối), vừa giúp giáo dân đỡ đi lại, phải đến gặp trực tiếp.

 

  1.  Hệ Thống Thông Tin Vĩ Mô.
  2. Các trung tâm hành hương, giáo xứ lớn, văn phòng thường trực Tòa Giám Mục, các ủy ban của HĐGM ... cần mở trang Website cập nhật hóa thường xuyên với email liên lạc.
  3. Lập ban đại diện thường trực tiếp xúc, trao đổi với dân cư trên mạng. Việc phối hợp với các ủy ban chuyên ngành là cần thiết. Ban làm việc trực tuyến không thể làm việc khi chưa thực hiện hệ thống văn phòng thường trực chuyên ngành.
  4. Các ban thường trực của ủy ban chuyên ngành có thể - và có thẩm quyền - hướng dẫn, cung cấp những tài liệu chính thức của Giáo Hội, giải đáp thắc mắc cho đối tượng cần thiết (như văn phòng TGM, thần học gia...). 
  1. Đào tạo nhân sự
  2. Thành lập Ban phụ trách ơn gọi cấp vĩ mô. Các vị phụ trách ơn gọi nên có những buổi họp định kỳ - triều cũng như dòng - để bàn về đường hướng đào tạo và yêu cầu ban giảng huấn các chủng viện, học viện đề ra hướng đào tạo tương ứng, phù hợp với nhu cầu chung của HĐGM, các giáo phận và/hay dòng tu.
  3. Học và làm việc với thông tin Internet là công cụ cần đưa vào chương trình đào tạo các linh mục, tu sĩ, giáo dân làm công tác mục vụ.
  4. Môn mục vụ giáo lý và xã hội[10], là công cụ tìm hiểu và hỗ trợ giải quyết những vấn đề mục vụ thiết thực trong xã hội, cần đưa vào chương trình đào tạo tại chủng việc và chương trình nghiên cứu chuyên sâu.
  5. Mở thêm các điểm tĩnh tâm – cho giáo dân và tu sĩ - với các chuyên gia hướng dẫn theo chuyên đề. Các điểm hành hương có lẽ chưa chú trọng nhiều tới vấn đề này. Đó là nơi đào tạo tâm linh ngày càng bức thiết trong xã hội đa chiều hôm nay. 
  1. Kết:

Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đa chiều hôm nay thách thức tất cả chúng ta nhận thức rõ hơn căn tính kitô hữu Việt Nam và bản sắc thực của văn hóa dân tộc trong Tin Mừng. Nhu cầu canh tân Giáo Hội cần thiết để sứ điệp Tin Mừng không bị tụt hậu hay mất hút trong những trào lưu văn hóa xã hội, lu mờ vì thông tin Internet, đang dồn dập đến cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mặt khác Giáo Hội của đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Điều nào cần đổi mới, điều nào phải duy trì? Đã đến lúc các chuyên gia cần ngồi lại, đã đến lúc HĐGM cần không thể làm việc rời rạc như những tổ chức, ủy ban nằm cạnh nhau, nhưng liên kết thành hệ thống. Đã đến lúc Giáo Hội cần có những chương trình dài hạn, những nghiên cứu chuyên sâu. Và như vậy Giáo Hội Việt Nam sẽ không ngỡ ngàng phản ứng quá trễ như việc từ chức của đức TGM Warsovie của Giáo Hội Ba Lan , như sự kiện ấu dâm tại Bỉ vừa qua. 

Ước mong cho đại hội dân Chúa sẽ mở ra một hướng đi mới, cho Giáo Hội Việt Nam can đảm đón nhận luồng gió mới. Và để kết thúc, xin mượn lời của đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Tôi biết là cơ cấu Giáo Hội sẽ phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào thì tôi không biết!

 

Lm. Fr. Phạm Ngọc Quang

Gx. Ninh Đức – Yali, Giáo phận Kontum



[1] Xem “Tài liệu làm việc cho Đại Hội Dân Chúa” §1

[2] Identité collective

[3] Phỏng theoNifle Roger, Identité, culture et développement, des communautés territoriales, “Le Journal Permanent de L'Humanisme Méthodologique”, mai 1998, lên Internet T.2 26/07/2004: http://journal.coherences.com/article.php3?id_article=138

[4] Về vấn đề này, Nhà Nước thường xem tôn giáo là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, lễ nghi tôn giáo là một lễ hội văn hóa, nên tôn giáo được công nhận như là một nhu cầu tâm linh “không thể tách rời” của người dân.

[5] Nhà Nước tuyên bố Việt Nam là nước đa sắc tộc - 54 dân tộc – và muốn phát huy các nền văn hóa sắc tộc bản địa.

[6] Cộng đoàn giáo dân địa phương được hiểu như là một giáo xứ, một vùng văn hóa đặc thù, một cộng đoàn sắc tộc.

[7] Giáo Hội địa phương như là một thành phần của Giáo Hội hoàn vũ (Église particulière comme une portion de l’Église universelle): tức là tổ chức Giáo Hội tù cấp giáo phận trở lên.

[8] Xung đột giữa 2 nền văn hóa tôn giáo độc tôn đó - Hồi Giáo và Do Thái giáo - được gọi là cú sốc văn hóa (choc de civilisation)

[9] Nói cho đúng là: sách lược tiếp đón (Stratégie d’accueil)

[10] Gọi chung là mục vụ giáo lý: Pastorale catéchétique, là môn mới lạ đối với các chủng viện. Nhưng khi làm việc, các linh mục thường phải giải quyết những vấn nạn này nhiều hơn là vấn đề thần học kinh viện. Trong tài liệu làm việc ĐHDC ghi là “học viện giáo lý” dễ hiểu lầm là môn sư phạm giáo lý.

 

daihoidanchua.net
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print