Ấn bản thứ hai
Nguyên bản: COMMUNICATING IN MINISTRY AND MISSION
Tác giả: FRANZ-JOSEF EILERS, SVD
***
PHẦN II
TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ
5. Các phương tiện truyền thông mục vụ
Bên cạnh những yếu tố cơ bản của việc truyền thông nhân văn vốn là thiết yếu cho mọi hoạt động truyền thông mục vụ như một cuộc gặp gỡ giữa hai hay nhiều cá nhân, cũng phải xét đến các phương tiện kỹ thuật khác nhau, trong đó có các phương tiện đại chúng. Chúng bao gồm từ các phương tiện truyền thông truyền thống cho tới các công nghệ truyền thông mới nhất. Ta có thể sử dụng các phương tiện thích hợp tuỳ theo các nhu cầu khác nhau của công việc mục vụ và cơ cấu của Hội Thánh. Chẳng hạn trong số các phương tiện truyền thống, khiêu vũ và kịch nghệ, âm nhạc và các sáng tạo nghệ thuật phải được xét đến, cũng như việc chia sẻ cá nhân có thể được dùng trong việc linh hướng và tư vấn.
5.1. Truyền thông giữa người với người và các phương tiện ‘truyền thống’
Phương tiện truyền thông trước hết và trên hết trong việc mục vù là quan hệ người với người: người ta tìm kiếm nhau và trao đổi cho nhau mọi nhu cầu và tình cảm. Sự truyền thông này chỉ bao gồm những con người và khả năng chia sẻ với nhau. Ngay cả trong thời đại truyền thông đại chúng hay đa phương tiện ngày nay, lối truyền thông này vẫn là cơ bản và hiệu quả nhất.
Vì vậy mọi việc truyền thông mục vụ đều bắt đầu với sự truyền thông giữa người với người. Ở đây tính cách của người truyền thông mục vụ đóng một vai trò chính trong cách thức họ tự trình bày về mình và được nhận ra như một con người. Josef Goldbrunner, một nhà tâm lý học và giáo sư thần học mục vụ, đã viết ngay từ năm 1971 một chương về truyền thông mục vụ trong một cuốn sách về “Chăm sóc mục vụ - một đề tài bị quên lãng” (tr. 62-78), trong đó ông bàn về những mong đợi của giáo dân và công việc của linh mục. Ông liệt kê 5 tiêu chuẩn, khía cạnh hay mức độ để một người truyền thông trong việc mục vụ. Goldbrunner triển khai bản liệt kê này bởi vì, theo ông, một tiến trình truyền thông trong hoạt động mục vụ tạo ra một mối quan hệ đặc biệt giữa hai con người tham gia vào việc truyền thông này. Bản liệt kê này không chỉ nói đến nội dung và các kỹ thuật, nhưng chú trọng nhiều hơn về các thái độ nội tâm mà người linh mục phải để ý đến. Trong tư cách một con người, họ ảnh hưởng và tác động như thế nào đối với những người mà họ truyền thông với? Trong tiến trình này, Goldbrunner thấy có các khía cạnh sau đây:
1. Thái độ cảm xúc: người ta phản ứng trước thái độ cảm xúc của một linh mục. Nếu linh mục này thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ, người ta sẽ có cùng một thái độ ưa hay ghét như thế. Vì vậy trong truyền thông người với người, điều quan trọng là phải biết thái độ của chính mình và ấn tượng mình tạo ra nơi người ta. Người ta thấy chúng ta như thế nào và chúng ta khơi dậy những cảm xúc gì nơi họ? Chúng ta cũng phải để ý đến các cảm xúc đang phát triển nơi mình trong khi tiếp xúc với người khác và tìm kiếm những khả năng để tạo ra một ‘môi trường cảm xúc’ cho một đức tin sống động nơi người ta.
2. Thái độ trí tuệ liên quan đến các khả năng trí tuệ và các ứng dụng của nó đối với người mục tử và những người được giao phó cho mình. Tuy nhiên một mình trí tuệ không khơi dậy đức tin mà chỉ có thể là một con đường dẫn tới sự tin tưởng.
3. Thái độ nguyên mẫu trong tâm lý học của C.G. Jung là một mối quan hệ vô thức giữa người mục tử và những người truyền thông với họ. Những người này có thể tìm kiếm các mẫu người chủ chốt trong cuộc đời họ và dọi phóng các mẫu này vào người mục tử để đạt được sự truyền thông mục vụ. Ví dụ, cha và mẹ có thể được dọi phóng trong tiến trình, nhưng một linh mục với một số tính cách nào đó cũng có thể được dọi phóng như một mẫu người cơ bản trong tiến trình truyền thông mục vụ. Đây chính là điều quyết định những mong đợi của người nhận. Bởi vì linh mục nói điều này hay điều kia, nên người nhận có thể nâng nó lên một mức mà người ấy không còn có thể đạt đến được: ‘Tôi không bao giờ có thể đạt đến điều này’ hay ‘chỉ ông ấy mới làm được, còn trong thực tế đời sống của tôi thì không thể’. Các phản ứng như thế rất dễ cản trở một sự truyền thông trọn vẹn. Người ta thấy tôi thế nào và thấy tôi là ai, đó là một câu hỏi cơ bản cho mọi người truyền thông mục vụ, nhưng câu hỏi liên quan với câu hỏi trên cũng quan trọng như thế: Tôi thấy những người sống quanh tôi như thế nào? Các nguyên mẫu như cha và mẹ, vua và đầy tớ, anh em và chị em, bệnh tật, sống và chết, bạn và thù, chiến tranh và hoà bình là những nguyên mẫu có trong Sách Thánh và lời rao giảng của chúng ta. Chúng ta truyền thông các nguyên mẫu ấy như thế nào?
4. Khía cạnh hiện sinh chỉ về một quan hệ sâu xa đang tồn tại hay đang phát triển giữa người truyền thông mục vụ và người đối ứng. Giống như mẹ và con là một thật sâu xa trong dạ mẹ, hành động và phản ứng là một, thì mối quan hệ giữa người với người trong tiến trình truyền thông mục vụ cũng phải giống như một cái ‘chúng ta’ duy nhất trong kinh nghiệm đức tin. Điều này không thể chỉ là một tình cảm đơn thuần mà phải là một kinh nghiệm hiện sinh. Tính chất duy nhất này là cơ sở để phát triển tình liên đới và tình bạn thâm sâu, cũng như khả năng đồng hành với nhau qua các hoàn cảnh khó khăn hay thậm chí qua các hoàn cảnh ‘tội lỗi’. Phương thức hiện sinh này mở toang cánh cửa cho một sự truyền thông hỗ tương có chiều sâu, trong đó tính duy nhất được tạo ra và cánh cửa đi vào tận thâm tâm con người được mở rộng. Đây có thể là trường hợp của việc linh hướng hay các tình huống mục vụ tương tự. Nó đòi người truyền thông mục vụ một thái độ khiêm tốn sâu xa để coi mình là một dụng cụ phục vụ khiêm tốn giống như Đức Kitô (x. Pl 2,5-11). Một kinh nghiệm hiện sinh như thế trong tiến trình truyền thông mục vụ giúp tạo ra nơi người nhận ba điều sau đây: 1) Nó làm cho họ có thể có một quyết định đức tin, và 2) nó nuôi dưỡng tình liên đới chân chính trong kinh nghiệm đức tin này, từ đó dẫn tới 3) hiệp thông và cộng đoàn. Trong phương thức này, người truyền thông mục vụ tạo ra một “môi trường thâm sâu để sống đức tin và cử hành phụng vụ” (tr. 76).
5. Khía cạnh Thần Khí hay thiêng liêng chỉ về Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho người truyền thông mục vụ trở thành một công cụ của Người. Cuối cùng chính tình yêu thâm sâu của Ba Ngôi là nguồn mạch mọi sự truyền thông mục vụ. Càng đặt mình dưới ảnh hưởng này của Thần Khí Thiên Chúa, người truyền thông mục vụ càng làm cho thực tại thiêng liêng trở nên hiện hữu và rực rỡ. Không chỉ có người truyền thông mục vụ, mà cả những người tiếp nhận cũng trải nghiệm một cảm giác thanh thản nội tâm do chính Thần Khí thực sự tác động. Khía cạnh Thần Khí này phải thấm nhuần mọi bình diện và mọi mối quan hệ khác và tác động từ bên trong.
Cả 5 tiêu chuẩn này của Goldbrunner cho linh mục và người truyền thông mục vụ cũng phải được mong đợi một cách nào đó nơi chính những người tiếp nhận. Cần có rất nhiều sự hiểu biết về các thái độ hỗ tương giữa người truyền thông mục vụ và người được truyền thông. Ví dụ như các thái độ cảm xúc của ‘người nhận’ như xấu hổ, bối rối, mặc cảm tự ti, các ức chế, các kinh nghiệm thương đau chưa được giải quyết trong quá khứ và cả các khác biệt văn hoá cũng phải được nhận ra và được tìm hiểu phần nào trong việc tư vấn liên văn hoá. Tất cả tuỳ thuộc vào thái độ cởi mở và sẵn sàng ‘học’ và nâng đỡ lẫn nhau.
Ở đây cũng có thể xét đến một sự hiểu biết sâu hơn về tình bạn. Quan hệ giữa người truyền thông mục vụ và người đối ứng có thể giống như tình bạn thiêng mà Aelred ở Rievaulx (1109-1167) đã mô tả qua những lời này: “Hạnh phúc biết bao, an toàn biết bao, vui vẻ biết bao khi có một ai đó mà bạn dám nói chuyện với tư cách bằng vai giống như nói với bản thân mình; một ai đó mà bạn không phải sợ khi thú nhận những lỗi lầm của mình; một ai đó mà bạn không phải đỏ mặt khi nói ra những tiến bộ bạn đã làm được trong đời sống thiêng liêng; một ai đó mà bạn có thể thổ lộ những bí mật của lòng bạn và có thể phô bày ra trước người ấy mọi dự tính của bạn! Còn gì vui thích hơn là kết hợp tinh thần với một người khác...” (x. Eilers, 1999, tr. 166).
Vì vậy, làm kế hoạch và phát triển các khả năng tiếp xúc cá nhân với những người cần đến chúng ta là một việc quan trọng. Điều này có nghĩa là vượt qua tâm trạng riêng của người truyền thông để nhìn và vươn ra tới những người cần được giúp đỡ mục vụ. Một người truyền thông mục vụ giỏi phát hiện được những người cần giúp đỡ, biết lắng nghe họ và có khả năng đi vào tận tâm hồn của người khác bằng sự am hiểu, cảm thông và sẵn sàng đồng hành với họ và giúp đỡ họ phát triển về mục vụ và thiêng liêng.
Liên quan tới loại truyền thông này cũng còn có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống tồn tại trong mọi nền văn hoá như kể truyện, ca múa, kịch nghệ, và cũng ý thức được những dòng truyền thông trong cơ cấu xã hội như giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò. Một người truyền thông giỏi biết cách vươn ra hay tương quan với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và thậm chí các nền văn hoá khác nhau.
Thêm vào với phương thức này còn có việc truyền thông với hơn một người, diễn ra trong các nhóm chia sẻ và thảo luận. Ở đây sự tiếp xúc cá nhân vẫn là trọng điểm: mọi người có thể thấy và nghe mọi người và tất cả cùng chia sẻ qua lời nói và đôi khi cũng sử dụng các phương tiện truyền thông không bằng lời. Việc dạy dỗ mục vụ và chia sẻ đức tin diễn ra theo cách này và thậm chí ở một bình diện cao hơn nữa, vẫn có thể sử dụng các phương tiện truyền thông ‘truyền thống’ như thể hiện các tình huống bằng diễn xuất và ca múa, âm nhạc. Tất cả những hình thức này đã tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại song song với mọi tiến bộ kỹ thuật và nhiều khi vẫn còn là hình thức truyền thông mục vụ hiệu quả nhất.
Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), ĐGH Phaolô VI nhắc nhở các người rao giảng Tin Mừng “đừng quên hình thức rao giảng người-cho-người này, nhờ đó lương tâm thâm sâu của một cá nhân được chạm tới bởi một thế giới hoàn toàn độc đáo mà họ nhận được từ một người khác...” Chính Chúa đã sử dụng các cách thức truyền thông như thế, ví dụ như với ông Nicôđêmô, ông Dakêu, người phụ nữ Samaria, và ông Simon người Biệt phái (EN, số 46).
Chỉ khi có một sự truyền thông mục vụ người với người như thế làm nền tảng chung, thì cuối cùng các kỹ thuật hiện đại mới có thể hiệu quả.
5.2. Truyền thông nhóm
Truyền thông xã hội trong bối cảnh mục vụ không dừng lại ở một hay hai người mà thôi. Mọi bối cảnh mục vụ đều mang tính cộng đoàn và các cộng đoàn chia sẻ các kinh nghiệm để tăng cường tính gắn bó với nhau nhờ việc truyền thông ở các bình diện khác nhau: họ cung cấp thông tin, suy tư, thảo luận, lập kế hoạch và quyết định với nhau về các công việc, các mối quan tâm, các mong đợi và sứ mạng của họ. Tất cả việc này xảy ra nhờ truyền thông nhóm, và tất cả các qui luật và kinh nghiệm về truyền thông nhóm nói chung đều phải được áp dụng một cách đặc biệt cho truyền thông mục vụ (về truyền thông nhóm nói chung và chi tiết, xem Eilers, 2002, tr. 195-211). Trên thực tế, sự phát triển đặc biệt về các phương tiện truyền thông nhóm trong tình hình Châu Mỹ Latinh vào những năm 1970 bắt nguồn từ những quan tâm mục vụ và những nhu cầu đặc biệt vào thời ấy nhằm tạo một đối trọng chống lại các thế lực kinh tế chính trị của các tập đoàn Truyền thông Đại chúng.
Thuật ngữ ‘Truyền thông Nhóm’ chỉ về sự truyền thông của một nhóm ít người mà ở đó mọi người có thể nhìn thấy, hành động và phản ứng trực tiếp với bất cứ ai xung quanh. Các việc chia sẻ Kinh Thánh, chia sẻ đời sống thiêng liêng, thần học và kinh nghiệm trong các nhóm như các ‘Cộng đoàn Kitô giáo Cơ bản’, là những sinh hoạt như thế. Loại truyền thông này không bó buộc phải dùng đến bất cứ phương tiện kỹ thuật nào, chỉ cần có sự hiện diện của những con người.
Tuy nhiên, khi ứng dụng Truyền thông Nhóm vào mục vụ, cần phải biết rằng các quy luật về năng động tập thể cũng đóng một vai trò trong các bối cảnh ấy. Nhóm có một lãnh đạo năng động và đoàn sủng để giúp mọi người khác hoà hợp hay mỗi người trong nhóm đều bình đẳng và vì thế tập hợp của những người tham dự có năng động riêng của mình? Hay trong nhóm có mấy người đặc biệt bằng cách này hay cách khác giữ vai trò lãnh đạo? Ai tổ chức các cuộc chia sẻ và các đề tài chia sẻ được quyết định như thế nào? Thời gian và địa điểm có đều đặn không? Thức ăn thức uống và các việc sắp dặt khác thế nào? Ai triệu tập các cuộc gặp gỡ và thông báo cho người tham dự, thậm chí tìm kiếm thêm các tham dự viên mới? Có ghi lại biên bản không hay các cuộc họp được tổ chức ít nhiều tự do và chỉ dựa vào ngẫu hứng để chuyển từ phiên này sang phiên khác?
Các Nhóm Nhỏ Kitô giáo, các Cộng đoàn Kitô giáo Cơ bản hay Cộng đoàn Hội thánh Cơ bản đều thuộc loại truyền thông nhóm như thế. Thông thường các nhóm này có liên hệ cách này hay cách khác với ‘gia đình’ rộng lớn hơn của một giáo xứ, một tu hội hay một cộng đoàn.
Bất luận trong trường hợp nào, các yếu tố cơ bản của Truyền thông Nhóm cũng phải được áp dụng và suy xét. Trong nhiều trường hợp, các nhóm như thế luôn tỏ ra là một yếu tố năng động trong việc chăm sóc mục vụ. Với các ứng dụng truyền thông thích hợp, chúng phải trở nên hiệu quả và khích lệ hơn nữa. Các phương pháp học hỏi Kinh Thánh như phương pháp AsIPa do FABC đã triển khai là những phương thức hiệu quả đã được kiểm nghiệm cho Truyền thông Nhóm, và các sách viết về chúng rất hữu ích trong tiến trình này (xem www.fabc.org dưới mục FABC office of Laity).
Hơn nữa, Truyền thông Nhóm trong mục vụ cũng đặc biệt cần phải xét đến các truyền thống văn hoá và nhất là các cách thức truyền thông giữa những người thuộc các nền văn hoá khác nhau.
5.3. Truyền thông đại chúng
Truyền thông Đại chúng thời nay cống hiến cho truyền thông mục vụ thêm nhiều khả năng ở ngoài việc tiếp xúc cá nhân và việc sử dụng các phương tiện của truyền thống. Bằng việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất và phân phối, chúng ta có thể đến được với nhiều người hơn ở những nơi xa hơn, với tất cả các hệ luỵ của nó. Trong truyền thông mục vụ, chúng ta cần phải biết sử dụng chúng một cách đúng đắn nhưng cũng phải biết xử lý chúng với óc phê phán giống như khi nói về Giáo dục Truyền thông. Các Phương tiện Đại chúng không phải là những cây đũa thần bảo đảm thành công chắc chắn. Chúng chỉ là những phương tiện cần dùng và phải dùng một cách đúng đắn.
5.4. Báo chí và thông tin
Vào những thời kỳ đầu của Hội Thánh, viết và sao chép các bản thảo là một hoạt động chính quy, đặc biệt trong các tu viện. Không chỉ có các triết gia xưa và sách Kinh Thánh, mà cả các tác phẩm thần học cũng được biên soạn và sao chép lại để lưu giữ. Chúng cũng bao gồm các suy tư thiêng liêng và mục vụ như các tác phẩm chú giải Kinh Thánh của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh lớn, các tiến sĩ Hội Thánh hay các suy tư mang tính mục vụ như tác phẩm Quy luật Mục vụ của Đức Grêgôriô Cả.
Kể từ buổi đầu của Hội Thánh, viết và sách là những thành phần của truyền thống và văn hoá của Hội Thánh. Công việc này đã phát triển mạnh với phát minh máy in của Johannes Gutenberg. Bây giờ sách có thể được sản xuất và phát hành một cách dễ dàng hơn, với cùng phiên bản và số lượng nhiều hơn (x. Eilers 2002, tr. 66tt). Hoạt động xuất bản này cũng góp phần một cách đặc biệt vào việc chăm sóc mục vụ cho dân chúng, cũng như nó nâng đỡ đời sống trong cộng đoàn tu sĩ.
Ngày nay với tất cả các khả năng kỹ thuật để in sách và tạp chí, cũng như Internet, có rất nhiều khả năng được cống hiến cho truyền thông mục vụ để làm phương tiện sử dụng hay được áp dụng để nâng đỡ các nhu cầu mục vụ. Trước hết là các ấn phẩm của Hội Thánh hay trong Hội Thánh. Các tạp chí bên ngoài Hội Thánh cũng có thể hữu ích.
Xuất bản sách báo trong Hội Thánh
Sách và thư viện
Khi nghĩ đến các nhu cầu mục vụ, người ta nghĩ ngay đến sách. Chúng cần để giảng dạy, như trong huấn giáo, nhưng cũng cần để đào sâu đức tin, linh đạo và hiểu biết thần học.
Làm cho sách dễ dàng đến được với những người có nhu cầu là một việc phục vụ có giá trị đặc biệt. Các hiệu sách Công giáo rất có ích, nhưng một giáo xứ cũng có thể là một điểm bán sách. Giáo xứ có thể phát triển một thư viện riêng, tại đó những người quan tâm có thể dễ dàng mượn miễn phí hay rất rẻ các sách hay các tư liệu nghe nhìn để sử dụng theo sở thích riêng hay cho công việc, nhưng cũng để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, đào sâu đức tin và hiểu biết thần học. Tại một số quốc gia, thậm chí cũng có các tổ chức của Hội Thánh được thiết lập đặc biệt vì mục đích này. Tại Đức, tổ chức “Borromaeusverein” giúp thiết lập và trông coi các thư viện giáo xứ như thế, và cũng đào tạo các nhân sự để lo về các sách chuyên môn.
Các tạp chí và các ấn phẩm khác
Các ấn phẩm thường kỳ trong Hội Thánh (tạp chí định kỳ) có thể giúp việc truyền thông mục vụ nhiều hơn. Với Tờ tin Giáo xứ (“Parish Bulletin”), cha xứ và các cộng sự viên của ngài có một công cụ to lớn để đến được với các giáo dân và giúp họ thêm phong phú. Tờ tin giáo xứ có nhiều mức độ và loại khác nhau tuỳ theo các nhu cầu và sự sáng tạo, nhưng cũng tuỳ theo khả năng tài chính của các giáo xứ. Sau đây là một số điểm cần phân biệt và xem xét có thể giúp ích cho các công cuộc như thế.
Về mục đích và tổ chức, một Tờ tin giáo xứ có thể là:
1. Một lá thư đơn giản của cha xứ gửi cho giáo dân.
2. Một tờ thông tin về các giờ Thánh Lễ và các sinh hoạt khác trong giáo xứ.
3. Tất cả những điều trên, nhưng còn thêm một ít tin tức về các sinh hoạt giáo xứ, các tổ chức khác nhau và các chương trình của chúng...
4. Một ấn phẩm với những thông tin cơ bản về giáo xứ nhưng cũng còn có các câu truyện, các bài suy niệm, các suy tư thần học và cả các tin tức của Hội Thánh từ giáo phận, trong nước và trên thế giới, gồm cả các sáng kiến đại kết, các dự án và các sự kiện.
Khái niệm về biên tập và tổ chức của tờ tin giáo xứ có thể khác nhau rất nhiều, từ ‘công việc đơn độc’ của một mình cha xứ, cho tới một đội ngũ biên tập với một chủ biên (giáo dân), hoạ sĩ thiết kế, các phụ tá và các cộng tác viên.
Thành phần độc giả nhắm tới cơ bản là giáo dân trong một giáo xứ, nhưng cũng có thể có sự cộng tác giữa các giáo xứ lân cận hay thậm chí các Giáo hội Kitô khác dựa trên cơ sở đại kết.
Kỳ phát hành tờ tin có thể là hằng tuần, hai lần một tháng, hằng tháng hay lâu hơn nhưng vẫn phải giữ một mức ra đều đặn.
Có thể phân phối trong nhà thờ khi nó chỉ nhắm dành cho những người đi nhà thờ mà thôi. Nhưng cũng có thể phân phát cho mọi gia đình trong giáo xứ hay cả ngoài giáo xứ, cho bất cứ hộ nào trong lãnh thổ giáo xứ.
Tờ tin có thể cho không, hay cũng có thể bán với giá tượng trưng. Thường việc duy trì tờ báo là nhờ các ân nhân, các người hảo tâm, các nhà tài trợ hay một hình thức ‘quảng cáo’ từ các doanh nghiệp trong giáo xứ.
Nội dung của một tờ tin đầy đủ có thể bao gồm nhiều thứ như tin tức, các bản tường thuật, bài xã luận, các bài thần học, phỏng vấn, truyện ngắn, truyện cười, kinh nguyện và suy niệm, đối thoại và thư độc giả, góc thiếu nhi...
Tại một số nước, có các ấn phẩm chuyên môn với những tư liệu dọn sẵn để dùng cho các tờ tin giáo xứ hay các loại tương tự. Chúng cung cấp những bản văn và hình ảnh có thể được sử dụng tự do. “Image” là một trong số các nguyệt san lâu đời nhất thuộc loại này được xuất bản từ 1970 tại Đức (Bergmoser & Hoeller Verlag, Aachen, Đức).
Ngoài các tờ tin ở cấp giáo xứ, cũng có các Tuần san Công giáo cho việc chăm sóc mục vụ và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tín hữu. Chúng có thể là các ấn phẩm chính thức của giáo phận nhưng cũng có thể do tư nhân xuất bản ở ngoài ranh giới một giáo phận hay một vùng và có thể ở cấp quốc gia. Đây là các ấn phẩm chuyên đề có nội dung là cung cấp thông tin nhưng cũng để đào sâu đức tin và đưa ra những suy tư về tình hình chính trị-xã hội và văn hoá của một nước, vùng hay thế giới. Các ấn phẩm này dành nhiều chỗ cho các tin tức tôn giáo, các suy tư thần học, các bài suy niệm và cả các hình ảnh và tranh minh hoạ giúp độc giả đào sâu và quí chuộng đức tin và mối quan hệ với Chúa. Các nhu cầu kỹ thuật và biên tập của loại này cũng giống như mọi tạp chí khác thuộc loại này, nhưng các quan tâm mục vụ đòi hỏi những người biên tập phải có một chiều sâu về đời sống thiêng liêng và đức tin.
Ngoài các tuần san như thế với thông tin và nội dung thiêng liêng, cũng có các tạp chí chuyên môn có thể giúp ích cho việc truyền thông mục vụ. Các tạp chí này đề cập chuyên môn về phụng vụ, linh đạo, đời sống Kinh Thánh, huấn giáo và các hoạt động khác của Hội Thánh, để giúp chính các người hoạt động mục vụ hay cá nhân các tín hữu muốn đào sâu và nuôi dưỡng đời sống tôn giáo của họ...
Một cách khác nữa để giới thiệu giáo xứ, nhà thờ hay cộng đồng là dùng các biểu đồ và các minh hoạ sinh động trên một bảng thông báo hay một tủ kiếng. Các bảng này có thể giới thiệu địa điểm, nhà thờ hay cộng đoàn với bối cảnh lịch sử nhưng cũng có đủ thông tin về giáo dân và những khách đến thăm... Các bảng thông báo này cũng có thể phản ánh các sinh hoạt của giáo xứ và thông báo các chương trình và cách tham dự.
Các phương tiện khác để truyền thông mục vụ trong một giáo xứ hay cộng đoàn có thể là các tấm áp phích, cờ, nhãn dán, biểu tượng, và áo thun (T-shirts).
Các cơ quan thông tin
Người ta luôn luôn thích nghe tin tức, và điều này cũng có liên quan tới truyền thông mục vụ. Các tin tức về đời sống Hội Thánh và các sự kiện xảy ra trong các tổ chức cũng như những gì liên quan tới mối quan tâm chung giúp người ta giữ được sự chú ý và cũng giúp xây dựng con người họ trong đời sống cá nhân và vì lợi ích chung. Vì vậy cần phải có một sự lưu thông tin tức về Hội Thánh ở các cấp từ giáo xứ đến giáo phận và Hội đồng Giám mục. Việc này có thể thực hiện qua các hệ thống xuất bản hiện có nhưng cũng có thể thông qua các cơ quan thông tin chuyên môn.
Tại một số nước và châu lục, có các cơ quan thông tấn Công Giáo chuyên nghiệp thuộc cấp quốc gia hay châu lục như “Cơ Quan Thông Tấn Công Giáo” (CNS) ở Mỹ, “Liên hiệp Thông tấn Công giáo” (UCA News) ở Châu Á, “Thông tấn Tôn giáo Nam Á” (SAR), ở Nam Á, đặc biệt ở Ấn Độ. Nhưng ở cấp thấp hơn, việc truyền thông cũng sẽ rất thuận lợi nếu dân chúng được cung cấp thông tin và được tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng chung. Đôi khi chỉ cần một trạm thông tin đơn sơ cũng đủ, nhưng các khả năng mới của Internet với một website hay các điều kiện thông tin khác cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích.
Một việc quan trọng đối với HĐGM là thu thập thông tin về các hoạt động và kinh nghiệm tại các giáo phận khác nhau để truyền đi một cách thích hợp và đều đặn. Dân chúng có quyền biết về các việc như có một tân giám mục, các kế hoạch và kinh nghiệm của các giáo phận và các tổ chức khác của Hội Thánh tại đất nước họ, đặc biệt tại các nước có nhiều giáo phận. Các cơ quan thông tin chính quy làm lợi cho Hội Thánh cũng như các ấn phẩm thế tục qua đó các tin tức có thể được phổ biến rộng rãi hơn. Những người biết thông tin là những người hạnh phúc vì họ cảm thấy mình là thành phần của Hội Thánh và/hay của tổ chức của họ. Để có thể tham gia vào việc thâu thập và viết tin tức, người truyền thông mục vụ phải thông thạo các yếu tố cơ bản của tin tức: ai, khi nào, ở đâu, cái gì, tại sao và thế nào? (x. Eilers 2002, 102tt).
Vấn đề phân phối, tài chính và biên tập
Việc phân phối các tạp chí của Hội Thánh có thể thực hiện thông qua các giáo xứ trước hay sau các giờ phụng vụ. Nhưng cũng có thể nhờ các lễ sinh hay các thành viên khác của các hội đoàn trong giáo xứ phụ giúp công việc này. Tuỳ theo loại ấn phẩm, có thể gửi qua đường bưu điện hay các dịch vụ chuyên môn.
Vấn đề tài chính có thể thực hiện qua việc bán trực tiếp, đăng ký hay tài trợ. Quảng cáo cũng có thể giúp trang trải các chi phí.
Tuỳ theo loại ấn phẩm, công việc biên tập có thể được làm bởi những người chuyên nghiệp hay tình nguyện. Một nhóm giáo dân quan tâm hay là các nhà báo đã nghỉ hưu mà muốn phục vụ cộng đoàn cũng có thể giúp rất nhiều trong việc biên tập các tờ tin giáo xứ. Các tờ báo lớn hơn, đặc biệt các tuần san, phải có các nhà báo chuyên nghiệp lo việc biên tập, trong khi các cha xứ và các người hoạt động mục vụ có thể giúp trong vai trò cố vấn. Để có hiệu quả mục vụ, các tạp chí của Hội Thánh phải có nội dung và cách trình bày sinh động bao có thể. Cách trình bày bắt mắt, các hình ảnh giàu màu sắc và các cách sắp xếp nội dung thích hợp với độc giả sẽ giúp tạo một sợi dây gắn bó giữa độc giả với các biên tập viên. Các ấn phẩm của Hội Thánh phải phục vụ nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Các sách báo đời
Ngoài các loại báo được xuất bản để sử dụng trong nội bộ Hội Thánh, cũng có thể giới thiệu và cống hiến các nội dung mục vụ cho các loại báo không chính thức liên quan tới Hội Thánh. Các tờ báo đời cũng thường sẵn sàng và thích đưa các tin tức và các câu truyện liên quan đến Hội Thánh, cũng như các thông tin về các việc phục vụ của Hội Thánh cho công chúng. Đôi khi cả các suy tư thần học cũng được hoan nghênh nếu có liên quan tới đời sống hằng ngày và hợp với tính chất của tờ báo và độc giả của nó.
Về phương diện này, các người đại diện của Hội Thánh không những phải được đào tạo chuyên môn mà còn phải có một thái độ tích cực đối với ‘thị trường’ truyền thông, các chuyên gia của thị trường này và các nhu cầu mục vụ của dân chúng. Có thể suy nghĩ về các phương thức sau đây:
* Hội Thánh phải phát triển các mối tiếp xúc thường xuyên với các tờ báo đời và các phóng viên của chúng. Việc chăm sóc mục vụ của Hội Thánh cho các nhà báo làm việc cho các tờ báo thế tục là một bổn phận mục vụ đặc biệt. Aetatis Novae yêu cầu Hội Thánh “triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ đáp ứng đặc biệt các điều kiện làm việc đặc thù và các thách thức đạo đức mà các chuyên gia truyền thông phải đối diện” (số 19).
* Các tin tức về Hội Thánh có liên quan tới công chúng phải được tạo điều kiện dễ dàng và thích hợp bằng cách đưa ra một bối cảnh để cả những người ngoài Hội Thánh cũng có thể hiểu được. Bằng cách này, các nhà báo và độc giả có thể hiểu biết tốt hơn và tích cực hơn về đời sống và lập trường của Hội Thánh đối với các vấn đề mà công chúng quan tâm. Thực vậy, Communio et Progressio đã yêu cầu phải có “một sự lưu hành hai chiều về các tin tức và thông tin. Một mặt, việc này nhằm trình bày một hình ảnh thực về Hội Thánh sao cho mọi người có thể thấy được, nhưng mặt khác sự trao đổi hai chiều này cũng bộc lộ cho giới chức giáo quyền biết những động lực, trào lưu và ý tưởng đang kích động thế giới loài người. Rõ ràng việc này đòi hỏi phải vun trồng các mối quan hệ thân thiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa Hội Thánh, những con người và những nhóm người. Bằng cách này các cuộc trao đổi có thể được thực hiện dễ dàng, trong đó mỗi bên đều vừa cho vừa nhận” (C&P, số 175).
* Hội Thánh phải cung cấp thông tin và bối cảnh của các vấn đề mà các nhà báo và công chúng quan tâm. Việc này bao gồm thái độ sẵn sàng để bình luận và thảo luận xa hơn, như Communio et Progressio nói rõ khi yêu cầu phải có “đối thoại hiệu quả trong Hội Thánh và với thế giới bên ngoài”. Vì vậy, “các bản tin chính thức là không thể thiếu. Chúng sẽ phổ biến các tin liên quan một cách nhanh chóng bao có thể. Bằng cách này, công chúng sẽ nhận được thông tin đúng lúc. Đương nhiên phải dùng mọi phương tiện để làm cho các mục tin như thế “tuyệt đối chính xác và nhờ đó tránh phải đính chính sau này... những công cụ hiện đại nhất sẽ được sử dụng để truyền đi các ý nghĩa chính xác một cách đáng tin cậy nhất” (số 176).
* Có thể cung cấp các bài viết có sẵn nếu là những bài viết hay, và cũng có thể đưa các hình minh hoạ.
* Vai trò và bổn phận của các phát ngôn viên hay đặc trách báo chí như Communio et Progressio cổ vũ (số 174) phải được xem xét nghiêm túc. “Các ngưởi phát ngôn này sẽ cung cấp đầy đủ và không chậm trễ các thông tin về đời sống và hoạt động của Hội Thánh trong lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm. Mỗi giáo phận và các tổ chức Công giáo lớn rất nên có người phát ngôn thường xuyên của mình với các bổn phận đã kể trên”.
Tất cả các cố gắng và sáng kiến này phải lưu ý đến loại độc giả của mỗi tờ báo. Các độc giả và phóng viên của tờ “Times” của Luân Đôn có những mong đợi và nhu cầu khác với các độc giả và phóng viên của tờ “Daily Telegraph” hay tờ “Sun”. Cũng phải xét đến bối cảnh sự cạnh tranh giữa tờ báo này với tờ báo khác ở đâu và về điểm gì. Các quan hệ báo chí tốt thường dựa trên các quan hệ cá nhân tốt với các chủ biên của mỗi tờ báo.
Về các sách báo, điều quan trọng là phải phát huy ngay từ bé sự ham thích đọc sách báo và khả năng đọc với óc phê bình. Nếu các trẻ em yêu thích đọc sách báo và đọc thực sự khi còn bé, thì lớn lên chúng cũng làm như vậy. Về mặt này, Hội Thánh có rất nhiều cơ hội để thể hiện mối quan tâm mục vụ của mình. Các sách thiếu nhi tốt là rất quí. Cả huấn giáo cũng có nhiều cơ hội ở đây. HĐGM Đức đã lập một giải thưởng hằng năm cho các sách thiếu nhi được trao cho những sách thiếu nhi hay nhất được xuất bản tại các nước nói tiếng Đức.
Giáo dục việc đọc sách có phê phán là một biện pháp tốt để uốn nắn lòng ham thích sách báo của giới trẻ chống lại bạo lực và khiêu dâm.
5.5. Phát sóng: Truyền thanh và Truyền hình
Các điều kiện mục vụ của Hội Thánh trong việc phát sóng được quyết định trước hết bởi hệ thống pháp luật tại mỗi nước (x. Eilers 2002, tr. 130tt). Trong một hệ thống mà việc phát sóng hoàn toàn do Nhà nước làm chủ, các hoạt động phát sóng của Hội Thánh hoàn toàn tuỳ thuộc phép của Nhà nước. Trong các hệ thống tổ chức công cộng, tôn giáo và đặc biệt các Giáo Hội thường được coi là thành phần của đời sống công cộng và vì thế cũng được đại diện trong hệ thống công cộng. Trong một hệ thống tư nhân, Hội Thánh cũng có thể cố gắng để là một thành phần của thị trường ‘thương mại’ bằng cách mua thời lượng phát sóng, sản xuất các chương trình riêng của mình, hay thậm chí có các trạm phát sóng riêng. Không dễ để quyết định xem sở hữu một trạm phát sóng riêng hay hợp tác với các hệ thống có sẵn đàng nào có lợi hơn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta vẫn chưa khai thác đúng mức khả năng bán hay chia sẻ các sản phẩm tốt cho các đài hiện có. Điều hành và sở hữu một trạm phát sóng riêng cần phải có những khả năng về chuyên môn và quản lý, mà những điều này thì Hội Thánh thường không có. Các khó khăn tài chánh trong việc bảo trì hằng ngày và tiếp tục nâng cấp càng làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn. Ngoài ra, một trạm do Hội Thánh làm chủ thường dễ tạo sự cạnh tranh với các trạm phát khác, mặc dù nhờ cạnh tranh mà chúng ta có thể đạt được một vị trí và ảnh hưởng. Đối với việc truyền thông mục vụ, cả hai phương thức này đều có thể ích lợi bởi vì quan tâm chính ở đây là dùng mọi phương tiện có thể có để thực sự tiếp cận được những người có nhu cầu và làm thế nào để sử dụng các phương tiện truyền thông một cách tối ưu nhằm phục vụ các nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Dù sự tham dự của Hội Thánh bằng phát sóng truyền thanh hay truyền hình, chất lượng chương trình tốt và chuyên nghiệp luôn là yếu tố quyết định. Chất lượng chương trình được định đoạt tuỳ theo phương tiện truyền thông mà ta dùng và phải được điều chỉnh theo phương tiện này. Radiô là phương tiện mang tính cá nhân hơn, khía cạnh này ảnh hưởng tới việc định dạng chương trình. Các chương trình rađiô chủ yếu là hướng tới các cá nhân và vì vậy các chương trình này có giá trị chăm sóc mục vụ nhiều hơn cho các cá nhân. Chẳng hạn, nó có thể cống hiến các chương trình suy niệm hay tư vấn cá nhân một cách dễ dàng hơn. Về phương diện kỹ thuật và chi phí, radiô cũng thường dễ tiếp cận về thời gian và nơi chốn hơn là TV.
TV thì nhắm mục đích giải trí nhiều hơn và được xem trong khung cảnh gia đình hay với bạn bè. Vì thế TV có thể ít thuận lợi hơn cho các bài giảng và suy niệm, nhưng thích hợp hơn cho việc cung cấp thông tin và cả các chương trình giải trí. Nó có thể trình bày các tin tức và các bài tường thuật dài về một cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng tới một quốc gia, hay các sinh hoạt khác của Hội Thánh. Các truyện truyền hình hay cả các ‘tiểu thuyết truyền hình’ (‘telenovelas’) có thể trình bày và củng cố các giá trị Kitô giáo và nếp sống Kitô giáo.
Giống như mọi hình thức truyền thông, phát sóng cũng cần sự tiếp xúc với các khán thính giả. Thông thường sự tiếp xúc này không thể phát triển mà chỉ nhờ một chương trình riêng lẻ. Các ‘sêri’ chương trình rađiô và TV phát đều đặn thường hiệu quả hơn bởi vì chúng thiết lập được mối quan hệ và một bản sắc nhất định. Việc phát đều đặn các lễ nghi tôn giáo như Thánh Lễ từ cùng một nơi với cùng vị chủ tế giúp cho người nghe hay người xem cảm thấy đó là giáo xứ ‘của mình’, và nhờ đó có ảnh hưởng mục vụ lớn hơn.
Về việc phát sóng nói chung, J. Harold Ellens (1974) đã giới thiệu bốn mẫu điển hình được thực hiện bởi các tổ chức phát sóng Kitô giáo nổi tiếng:
1. Mẫu bục giảng với kiểu giảng bình dân như các chương trình của Fulton Sheen. Với mẫu này, tiếng tăm nhân cách của người giảng có tầm quan trọng đặc biệt.
2. Mẫu ấn tượng, theo đó thông điệp được trình bày một cách ấn tượng hơn, như các chương trình của Billy Graham hay các nhà giảng đạo Giáo Hội Điện Tử.
3. Mẫu sư phạm, theo mẫu này các chương trình tôn giáo mang tính chất giáo dục nhiều hơn.
4. Mẫu men, theo đó thông điệp Kitô giáo được trình bày như một sự ‘mời mọc’ của men, như được làm trong một số chương trình TV tại chỗ và cả một số truyện truyền hình hay biểu diễn truyền hình.
Ngoại trừ mẫu thứ 2, tất cả các mẫu kia đều được thúc đẩy bởi các mối quan tâm mục vụ đặc biệt là phục vụ các nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Mọi hình thức truyền thông mục vụ bằng các phương tiện truyền thông và đặc biệt bằng việc phát sóng đều phải ý thức về bối cảnh hoạt động của các chương trình ấy. Bối cảnh này có thể hỗ trợ nhưng cũng có thể dễ làm tổn hại tới các chương trình và các mối quan tâm mục vụ. Everett Parker đã liệt kê bốn huyền thoại được khêu gợi bởi các phương tiện đại chúng và đặc biệt của các chương trình phát sóng:
1. Lịch sử là tiến bộ, chúng ta đang ngày càng trở nên tốt hơn.
2. Hạnh phúc là mục đích chính của cuộc đời.
3. Con người tự bản chất là tốt.
4. Suy cho cùng, vật chất là tất cả.
Truyền thông mục vụ không thể ‘bán’ thông điệp Kitô giáo như một món hàng hay một vật gia dụng. Phương thức mục vụ quan tâm tới đời sống tôn giáo và thiêng liêng của khán thính giả, chứ không tạo ra các kỳ vọng sai lạc, không thực tế và một chiều. Phương thức này đa phần chống lại một số huyền thoại trên. Tuy nhiên Giáo Hội Điện Tử có vẻ như cổ xuý và xây dựng trên các huyền thoại này: bạn cần cái này! Nếu bạn mua, bạn sẽ hạnh phúc, sẽ độc lập và không gì có thể xen vào giữa bạn và Thiên Chúa.
Qua truyền thông đại chúng, chúng ta lắm khi “bị ép nhìn mình như là những kẻ tiêu thụ và mọi sự khác như là những món hàng có thể trao đổi và tiêu thụ” (x. Ellens, tr. 148). Ngay cả tôn giáo cũng bị coi là một món hàng, một cái gì có thể đóng gói, dán nhãn hấp dẫn và bán đi để đem lại thành công, hạnh phúc, hội nhập xã hội và thoả mãn các ước muốn tương tự. Nhưng tôn giáo có thể được coi và xử lý như một món hàng chăng? Malcolm Muggeridge (1977) cảm thấy rằng TV có lẽ không phải là một phương tiện truyền thông để rao giảng về Đức Kitô, khiến ông kháng cự lại “cám dỗ thứ tư” là sử dụng TV toàn cầu trong một vở diễn lớn. Michael Traber (1987) đã viết về “Ảo tưởng của ‘Sứ mạng như là nghệ thuật bán hàng’”. Ông cho rằng các phương tiện truyền thông chủ yếu chỉ nhắm mục đích giải trí và vì vậy chúng “không thể thay thế cho việc chứng tá cá nhân và cộng đồng, cũng không thể thay thế đời sống cộng đoàn thấm nhuần việc thờ phượng và yêu thương. Chúng cũng không thể thay thế cho việc dạy dỗ và rao giảng đức tin Kitô giáo. Đương nhiên, dạy dỗ, phục vụ và thờ phượng như thế nào thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác”.
William F. Fore đã tóm tắt thế giới quan của các phương tiện truyền thông trong quyển sách của ông nhan đề: “Truyền hình và Tôn giáo. Sự hình thành Đức tin, các Giá trị và Văn hoá” (1987, 64tt) như sau:
1. Mạnh được yếu thua.
2. Quyền lực và việc quyết định xuất phát từ trung tâm rồi đi ra.
3. Hạnh phúc hệ tại việc có được vật chất vô giới hạn, nghĩa là sự tiêu thụ tự bản chất là tốt và tài sản, sự giàu sang và quyền lực quan trọng hơn con người.
4. Tiến bộ tự bản chất là tốt.
5. Có một dòng chảy thông tin tự do.
William Fore hỏi: “Các phương tiện truyền thông truyền đạt cho chúng ta những giá trị gì có lợi cho văn hoá của chúng ta? Đứng đầu danh sách là quyền lực: quyền lực trên người khác; quyền lực trên thiên nhiên... Ngay sau quyền lực là các giá trị của giàu sang và tài sản, của ý tưởng rằng cái gì cũng có thể mua được và sự tiêu thụ tự bản chất là tốt. Tiếp theo là các giá trị của sự tự mãn, sự thoả mãn tức khắc các ước muốn, và ngay sau đó là các tiện nghi vật chất. Chẳng hạn thế giới quan của các phương tiện truyền thông bảo chúng ta rằng hạnh phúc là có nhiều của cải vật chất. Các phương tiện truyền thông biến đổi giá trị của giới tính thành sức lôi cuốn tính dục, giá trị của lòng tự trọng thành kiêu ngạo, giá trị của khát vọng sống thành khát vọng quyền lực. Chúng đẩy sự chiếm hữu tới mức tham lam; chúng giải quyết tình trạng bất ổn bằng cách phát sinh nhiều bất ổn hơn, giải quyết lo lắng bằng cách phát sinh nhiều lo lắng hơn. Chúng đổi giá trị của giải trí bằng cạnh tranh và giá trị của nghỉ ngơi bằng sự chạy trốn. Và có lẽ tệ nhất, các phương tiện truyền thông bó hẹp kinh nghiệm của chúng ta và thay thế giới thật bằng thế giới của các phương tiện truyền thông khiến chúng ta ngày càng trở nên ít có khả năng làm các phán đoán về giá trị mà cuộc sống trong một thế giới phức tạp như thế đòi hỏi”.
Vì vậy khi sử dụng việc phát sóng để truyền thông mục vụ, phải xét đến bối cảnh chung của việc thực hiện chương trình và cả thời điểm thực hiện. Các chương trình tôn giáo có thể rất thông thoáng lúc ban đầu, nhưng thường bị giấu kín trong ‘thời gian đóng cửa’ như vào các giờ sáng sớm ngày Chúa Nhật là lúc rất hiếm có người nghe hay xem. Ngoài ra, loại khán thính giả muốn đạt đến cũng quyết định nội dung và hình thức trình bày của một chương trình và việc chọn giờ phát sóng thích hợp.
Các phương tiện truyền thông, như radiô và TV, cũng có năng động riêng của nó, như Alain Woodrow trên tờ ‘Le Monde’ (Paris) đã nhắc nhở những người tham dự một hội nghị về truyền thanh và truyền hình tại Prague năm 1992: “Các giới chức của Giáo Hội phải tin tưởng các nhà sản xuất chương trình, là những người phải cạnh tranh với các chương trình khác. Các giới chức này cũng phải hiểu rằng các phóng viên thường dị ứng với việc tuyên truyền và từ chối phục vụ chỉ đơn thuần như một người phát ngôn của các tổ chức tôn giáo. Một chương trình cung cấp lương thực cho tư tưởng hay khơi dậy một giải pháp tâm lý cho một vấn đề xã hội thì hiệu quả hơn nhiều so với một bài giảng hay một lời nói giáo điều. Các giới chức của Giáo Hội phải thích nghi với các công cụ ảnh hưởng mạnh mà các phương tiện truyền thông cống hiến, với các quy luật và các hạn chế của nó, chứ không phải ngược lại. Thay vì phàn nàn về việc họ mất ảnh hưởng và bây giờ TV đang thay thế vai trò trước đây của tôn giáo trong đời sống dân chúng, các giới chức Giáo Hội phải coi nhiệm vụ của các nhà phát sóng tôn giáo là thích nghi các giáo hội cơ chế với các phương tiện nghe-nhìn, vì các phương tiện này nói một ngôn ngữ chung của số lượng người đang ngày càng tăng trên thế giới” (1993, tr. 10).
Về việc sử dụng cụ thể các chương trình phát sóng và các phương tiện truyền thông trong truyền thông mục vụ, tiếc rằng chúng ta không có nhiều ví dụ để có một công trình nghiên cứu thực sự. Nhiều sáng kiến chỉ là những cố gắng lẻ tẻ mang tính chất ‘thử và sai’ mà không có một nghiên cứu chắc chắn và nghiêm túc về nội dung, chất lượng và hiệu quả của các chương trình và các tiềm năng mục vụ của chúng. Phải có những tìm tòi nghiên cứu nghiêm túc để đặt một nền móng vững chắc cho một ngôn ngữ và kế hoạch chuyên nghiệp thích hợp. Các nghiên cứu cũng sẽ cho thấy rõ hơn các tiềm năng mục vụ cho Hội Thánh trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Một yếu tố quan trọng để nghiên cứu sâu rộng hơn là mối tương tác giữa các phương tiện truyền thông và người tiếp nhận, như một người cần sự chăm sóc mục vụ. Đó là phải tìm hiểu xem bằng cách nào và trong điều kiện nào các phương tiện truyền thông có thể giúp ích cho những người cần đến sự chăm sóc mục vụ, hay những người là đối tượng quan tâm mục vụ của Hội Thánh.
Jolyon Mitchell đã liệt kê tóm tắt nhiều sự đóng góp của một hội nghị quốc tế về Truyền thông, Tôn giáo và Văn hoá năm 1999 tại Đại học Edinburgh (Tô Cách Lan). Một số bài tham luận trong hội nghị này đã được xuất bản thành một cuốn sách ông viết chung với Sophia Marriage dưới tựa đề Tôn giáo Truyền thông (Mediating Religion, Edinburgh 2003). Trong phần kết luận tóm tắt (tr. 337-350), ông nhìn thấy có 7 lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt cho tương lai. Một trong số những quan tâm này chính là nhu cầu có một đường lối đạo đức truyền thông tập trung nghiêm túc hơn vào khán thính giả (tr. 348t.).
5.6. Điện ảnh và video
Thông điệp đầu tiên về truyền thông ở thế kỷ 20, Vigilanti Cura (1936) có một quan tâm mục vụ: giá trị đạo đức của điện ảnh và sự bảo vệ những người xem phim. Tuy nhiên đây có vẻ mới chỉ là một mặt của các mối quan tâm mục vụ. Ngày càng có nhu cầu đi xa hơn sự bảo vệ để có một phương thức tích cực hơn. Sau đây là một số khả thể cho Hội Thánh với các mối quan tâm mục vụ của mình, trong việc sản xuất, hợp tác và hỗ trợ phim ảnh:
- Hội Thánh có thể đi vào hoạt động sản xuất phim riêng của mình ở các mức độ khác nhau như các phim tư liệu và cả các phim (truyện) dài. Phần đa các cơ sở sản xuất phim của Giáo Hội chủ trương làm các phim ngắn và phim tư liệu. Các phim truyện dài do Giáo Hội sản xuất rất hiếm vì các loại phim này không những đòi hỏi khả năng tài chánh và tài quản lý, mà cũng cần có đủ hệ thống phân phối.
- Giáo Hội có thể xin một số diễn viên và/hay đạo diễn xét đến các đề tài và giá trị Kitô giáo trong các phim của họ. Với cách làm này, Giáo Hội có thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia sản xuất, cổ xuý thông điệp Kitô giáo và diễn tả các mối quan tâm của mình. Việc này có thể được thực hiện bằng cách mở rộng nguồn hỗ trợ tài chánh và/hay giúp tuyên truyền và phân phối phim.
- Việc Hội Thánh tham gia các liên hoan phim và tổ chức các giải điện ảnh dành cho các bộ phim tốt cũng là cách nâng đỡ và cổ xuý các phim tốt. Tổ chức điện ảnh Công Giáo (OCIC, nay sát nhập với Unda để trở thành Signis) từ nhiều năm nay đều có đại biểu tại các liên hoan phim quốc gia và quốc tế.
- Việc chăm sóc mục vụ cho các nghệ sĩ, các nhà biên tập và các nhà sản xuất cũng là một cách quan trọng nữa để đưa phim ảnh vào trong ‘sứ mạng’ của Hội Thánh. Một ví dụ điển hình là các cộng đoàn Kitô giáo đặc sủng, như “Ốc Đảo Tình Yêu” tại Philíppin với các thành viên chủ yếu là các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng. Trong các cộng đoàn này, các nghệ sĩ tìm được ý nghĩa mới và sự hoán cải cuộc đời. Sự chăm sóc như thế là một thách thức đối với sứ vụ mục vụ của Hội Thánh. Vượt lên trên mọi sự giúp đỡ về cơ cấu, quản lý và tài chính, các cộng đoàn này trở thành một phần của sứ mạng của Đức Kitô đối với và nhờ các phương tiện truyền thông.
- Một số kha khá các phim truyện phản ánh các hoàn cảnh sống thực và các vấn đề con người mà về phương diện mục vụ cần được thẩm định và giải đáp. Truyền thông mục vụ sẽ sử dụng các ví dụ như thế để trở nên ý thức hơn về các vấn đề nhưng cũng để giúp người ta giải quyết chúng theo tinh thần Kitô giáo. Việc này có thể thực hiện qua các câu lạc bộ phim, các diễn đàn phim, nhưng cũng trong các cuộc chia sẻ cá nhân và nhóm. Nhiều phim làm nổi bật đặc biệt các vấn đề cần có một giải đáp mục vụ.
Peter Malone cùng với Rose Pacatte đã xuất bản một bộ sách bài đọc ba quyển về phim ảnh. Các bài đọc sách thánh của mỗi Chúa Nhật trong chu kỳ A, B và C đều có một phim được giới thiệu để minh hoạ và làm ví dụ cho bài đọc của ngày Chúa Nhật ấy: Tựa đề của sách là Lights, Camera... Faith. A Movie Lectionary, với phụ đề là “A Movie Lovers Guide to Scripture”, NXB Các Nữ Tử Thánh Phaolô, Boston 2001tt). Tìm hiểu kỹ hơn cho thấy các trình bày trong sách này không chỉ dành cho các ngày Chúa Nhật, mà cũng rất có ích cho việc sử dụng rộng hơn trong hoạt động mục vụ. Sách này cho thấy có khá nhiều phim hiện nay trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến nội dung tôn giáo có thể kích thích việc truyền thông mục vụ, đặc biệt đối với giới trẻ. Vì vậy không phải vô lý khi Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội đang thảo luận để đưa ra một văn kiện về linh đạo trong phim ảnh.
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio đã dành sáu đoạn để nói về quan hệ giữa Hội Thánh và phim ảnh (các số 142-147) và tin rằng phim ảnh là một kênh thích hợp để chuyển tải các đề tài tôn giáo. Văn kiện mạnh mẽ khích lệ “sản xuất các phim loại này” (số 144). Các phim cũng có thể “giúp vào việc giảng dạy sự thật” và không nên bỏ qua hiệu quả của hình ảnh đối với những người không biết chữ (số 146).
Video trong truyền thông mục vụ
Video mở ra những khả năng mới nhưng cũng đặt ra những thách thức cho việc truyền thông mục vụ của Hội Thánh. Với khả năng ‘chuyển đổi thời gian’ (x. Eilers 2002, tr. 169tt), các sự kiện tôn giáo và các chương trình mang tính mục vụ có thể được xem không chỉ vào thời gian thực tế nhưng cả vào những thời gian thuận tiện đối với người xem. Bằng cách này các sự kiện tôn giáo và các chương trình có giá trị mục vụ có thể được chiếu vào những dịp khác nhau cho các cá nhân và các nhóm tuỳ theo nhu cầu hay sở thích của họ.
Video còn cống hiến các cơ hội đặc biệt để sử dụng trong mục vụ như huấn giáo, giảng dạy tôn giáo và sinh động hoá, để làm sáng tỏ một mối quan tâm hay để cung cấp đề tài suy tư. Các chương trình về cầu nguyện và linh đạo, về các địa danh và các thông điệp của Kinh Thánh, về đời sống Kitô giáo hay cuộc đời các Thánh có thể giúp minh hoạ các giáo huấn của Hội Thánh nhưng đặc biệt có thể sinh động hoá việc truyền thông nhóm và xử lý các kinh nghiệm chung. Tình trạng ngày càng có nhiều thiết bị video và chương trình video cống hiến cho các người hoạt động mục vụ thêm nhiều cơ hội để phục vụ con người.
Với các chương trình hết sức đa dạng được cống hiến cho công chúng, các hoạt động truyền thông mục vụ cũng có nghĩa vụ đạo đức và sáng tạo trong việc cổ xuý và giới thiệu các chương trình tốt có thể làm cho kinh nghiệm đời sống của con người thêm phong phú và sâu xa hơn. Có thể soạn một sách hướng dẫn để giúp việc chọn lựa phim dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và nghệ thuật. Nhiều phim truyện hiện hữu đã có những thẩm định trước đây của các cơ quan Hội Thánh như các văn phòng quốc gia về điện ảnh. Một ‘Sách hướng dẫn phim Video’ dựa trên các thẩm định này và được phổ cập tới mọi người sẽ rất hữu ích, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ và nhà giáo. Chúng cũng có thể giúp mở ra những con đường mới trong việc khám phá các khía cạnh Kitô giáo kín ẩn trong các phim có vẻ là thế tục.
Tình trạng các chương trình phim video khiêu dâm tràn lan trên thị trường cho cá nhân sử dụng đặt ra một thách thức mục vụ đặc biệt. Nó không chỉ đòi hỏi một sự đánh giá luân lý mà còn đòi hỏi một sự giáo dục về phương tiện truyền thông để giúp đặc biệt giới trẻ có một quan điểm phê phán và trưởng thành đối với phim ảnh và video (x. Eilers 2002: Tiêu chuẩn về Phim và TV của Hồng y Mahony, tr. 181-189; 1999, tr. 362-381). Truyền thông Mục vụ phải giúp thay đổi ‘não trạng dâm đãng’ của con người thành một ý thức về phẩm giá đối với giới tính và hành vi tính dụng trong hôn nhân.
Ngày nay các kỹ thuật video có thể được mọi người sử dụng dễ dàng, điều này cống hiến thêm những khả năng cho công việc mục vụ. Không chỉ có các bài giảng mẫu được ghi đĩa và xem lại trong các lớp thuyết giảng ở chủng viện; các hoạt động mục vụ cũng có thể được ghi đĩa, biên tập và sử dụng. Đặc biệt có thể hướng dẫn giới trẻ điều khiển các thiết bị video để thực hiện việc quay phim thực tế và bằng cách này trở nên tích cực hơn trong lãnh vực truyền thông bằng hình ảnh.
5.7. Truyền thông đa phương tiện: Internet, Website, E-mail
Với sự ra đời của truyền thông trên Internet và không gian mạng (‘cyberspace’), thêm những cánh cửa mới được mở ra cho hoạt động mục vụ của Hội Thánh trong thiên niên kỷ mới này.
Các website có thể được sử dụng để cung cầp thông tin về các cơ quan của Hội Thánh, các trung tâm mục vụ cũng như các dịch vụ và sinh hoạt của chúng. Các website này cũng có thể được phát triển để trở thành tương tác bằng cách mời người khác viết bài và phản hồi về nội dung và các chương trình của các trang web này và cũng để nói lên các nhu cầu và mong đợi mục vụ của họ.
Có thể phát triển các website đặc biệt cho việc chăm sóc mục vụ, ở đó người ta có thể hỏi các câu hỏi và diễn tả các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ. Ví dụ, website www.ffnfuncity.de ở Đức là một thành phố ảo với một Nhà Thờ giáo xứ. Một số linh mục và người hoạt động mục vụ hiện diện trong Nhà Thờ ảo này để cung cấp tư vấn và mọi người có thể đến để cầu nguyện và xin ơn. Các site như thế có thể giúp người ta làm chủ đời mình và phát triển một quan điểm Kitô giáo về các sự kiện đang xảy ra. Chẳng hạn một cha Capucinô tại Frankfurt (Đức) viết mỗi ngày một bài suy niệm Kinh Thánh trên tờ nhật báo “Bild”, một tờ báo hàng đầu mỗi ngày phát hành hơn 4 triệu 5 bản. Người đọc có thể click vào bài suy niệm của ngài hoặc cũng có thể nhận miễn phí qua đường e-mail.
Các website khác cung cấp cho độc giả các bài viết và sách thần học quan trọng, rất có ích cho các sinh viên và nhà nghiên cứu nhưng với khả năng tiếp cận khá giới hạn các thư viện chuyên môn. William Fore đã thực hiện trang web www.religion-online-org với mục đích này.
Các cổng khác liên quan tới Giáo Hội cung cầp thông tin, mua sắm, gửi thư web miễn phí, bài đọc thiêng liêng, suy tư hằng ngày, và các nhóm ‘chat’, cũng như các tiện ích khác. Ví dụ như ở Hoa Kỳ có www.catholic-forum.com hay www.catholic.org hay www.catholicexchange.com. Chỉ riêng ở Đức thôi cũng có khoảng 500 website (năm 2003) có liên quan cách này hay cách khác với Hội Thánh Công Giáo. Một mình website của HĐGM (www.katholische-kirche.de) cung cấp khoảng 3.500 đường kết nối như thế.
E-mail (‘thư điện tử’) là một phương tiện quan trọng khác nữa cho việc truyền thông nói chung của Hội Thánh về mặt đối nội và đối ngoại, nhưng đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ. Sủ dụng e-mail, người ta có thể truyền thông trực tiếp trong Hội Thánh và ra bên ngoài. Các người hoạt động mục vụ và những người có nhu cầu có thể đến được với nhau hầu như tức thời. Các dịch vụ thư mạng miễn phí được cung cấp bởi các cổng của Giáo Hội và các tổ chức khác giúp cho người ta có thể tiếp xúc với nhau nhanh hơn và rẻ hơn.
Các tin tức đều đặn về các dịch vụ mục vụ có thể được gửi qua e-mail đến những người đăng ký. Các chương trình học và dạy có thể được chia sẻ về lãnh vực huấn giáo, linh đạo và đào luyện thần học.
E-commerce (‘thương mại điện tử’) cũng cung cấp nhiều khả năng cho việc truyền thông mục vụ.
Internet là một thách thức đặc biệt cho Hội Thánh trong lãnh vực giáo dục truyền thông. Trẻ em ngày nay ‘được sinh ra với con chuột’ rồi. Máy tính đóng một vai trò quan trọng ngay từ tuổi thơ của các em, như xem các câu truyện hoạt hình trên màn hình.
Truyền thông Mục vụ sẽ cho các em sự hướng dẫn cần thiết và giúp các em tiêu hoá những gì các em thấy và nghe. Ở đây, đặc biệt giới trẻ có thể là những đối tác trong hoạt động mục vụ vì họ khá thành thạo các công nghệ truyền thông mới này. Họ có thể phát triển các chương trình đặc biệt cho hoạt động mục vụ qua Internet và giúp bảo trì máy tính và các hệ thống mạng.
Các website hay các cổng mạng còn có các công dụng khác nữa cho các mục đích mục vụ. Chẳng hạn như đang có sự gia tăng một khuynh hướng sử dụng hay tạo các website cho ‘tang lễ’. Các trang than khóc được tạo ra bởi các cá nhân xuất hiện cùng với các hình ảnh, bản văn và video để tưởng nhớ một người quá cố. Một quyển ‘sách dành cho khách’ (‘guest book’) được mở ra, ở đó bất cứ ai có những kinh nghiệm tương tự có thể chia sẻ và tìm được những lời an ủi. Đối với nhiều người, hình thức này có ý nghĩa nhiều hơn là những bông hoa và những đồ vật đặt trên mộ. Một tấm bia được dựng trong không gian mạng, trên đó người quá cố được mong đợi là vẫn còn sống. Phải chăng đây cũng là một thách thức đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ?
Còn đối với những người ‘hưởng dùng’ các chương trình tôn giáo của Net, các nghiên cứu ban đầu có vẻ cho thấy rằng các chương trình tôn giáo chủ yếu được truy cập bởi những người đã thuộc về một tôn giáo nào đó. Có vẻ như những người ngoài Hội Thánh cũng bắt đầu trở thành những người sử dụng trực tuyến các chương trình tôn giáo. Nhưng trường hợp này chủ yếu vẩn là ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhiều hơn.
Rõ ràng Internet cũng có một tiềm năng lớn cho việc rao giảng Tin Mừng, như Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002: “Internet: Một diễn đàn mới cho việc rao giảng Tin Mừng”. Trong thông điệp của ngài vào dịp này, Đức Gioan Phaolô II mô tả các khả năng rất cụ thể của phương tiện truyền thông mới này đối với việc rao giảng Tin Mừng. Các khả năng này cũng bao gồm cả việc sử dụng Internet để theo dõi các bước đầu của công việc truyền giáo, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng nhắc đến chiều kích mục vụ khi ngài viết: “Internet cũng có thể cung cấp một sự theo dõi mà công việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi. Đặc biệt trong một nền văn hoá không hỗ trợ việc này, đời sống Kitô giáo kêu gọi phải tiếp tục việc giảng dạy và huấn giáo, và đây có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể cung cấp một sự trợ giúp tuyệt vời”.
Còn tiếp