Ấn bản thứ hai
Nguyên bản: COMMUNICATING IN MINISTRY AND MISSION
Tác giả: FRANZ-JOSEF EILERS, SVD
***
PHẦN III
TRUYỀN THÔNG TRONG TRUYỀN GIÁO
1. Rao giảng Tin Mừng như là Truyền thông
Truyền thông rao giảng Tin Mừng (hay truyền thông truyền giáo) là gì? Một chủ chăn tốt không chỉ quan tâm tới những người được giao phó cho mình trực tiếp chăm sóc, mà cũng phải chăm lo cho những người sống quanh mình mặc dù họ không phải là ‘đàn chiên’ trực tiếp của mình. Theo nghĩa này, ở một mức độ nào đó truyền thông mục vụ cũng là rao giảng Tin Mừng. Nhưng quan tâm chủ yếu của người mục tử vẫn là dân ‘của ông,’ là những người ông chăm sóc và truyền thông với họ. Trong cách hiểu này, truyền thông mục vụ chủ yếu là truyền thông đối nội (ad intra) cho cộng đoàn Kitô hữu và Hội Thánh. Tuy nhiên, truyền thông đối ngoại (ad extra) chủ yếu quan tâm tới những người mà cách này hay cách khác không phải là phần tử của đàn chiên. Hội Thánh hiện hữu không chỉ cho cộng đoàn các tín hữu (‘Koinonia’) mà còn được sai đi chia sẻ và loan báo Tin Mừng cho toàn Thế Giới (x. Mt 28,19: ‘Kerygma’).
Công đồng Vatican II (Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes, số 2) nhắc nhở chúng ta rằng truyền giáo là thành phần cốt yếu của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu là để truyền giáo! “Hội Thánh ở trần gian tự bản tính là truyền giáo, vì theo ý định của Chúa Cha, Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Thông điệp Redemptoris Missio (số 34) cắt nghĩa chi tiết hơn: “Hoạt động truyền giáo đúng nghĩa, tức là sứ mạng ‘đến với muôn dân’ (ad gentes) là hướng tới ‘các dân tộc hay các nhóm người chưa tin Đức Kitô’, ‘những người còn ở xa Đức Kitô’, nơi họ Hội Thánh ‘chưa đâm rễ’ và văn hoá của họ chưa chịu ảnh hưởng của Tin Mừng. Hoạt động truyền giáo khác với các hoạt động khác của Hội Thánh theo nghĩa là nó nhắm tới các nhóm người và các khung cảnh không phải Kitô giáo vì ở đó việc rao giảng Tin Mừng và sự hiện diện của Hội Thánh còn chưa có hay chưa đủ. Vì vậy có thể mô tả nó là hoạt động loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Người, xây dựng Hội Thánh địa phương và cổ xuý các giá trị của Nước Thiên Chúa. Bản chất riêng của sứ mạng ad gentes này hệ tại việc đến với những người ‘ngoài Kitô giáo’”. Đức Giáo hoàng (Gioan Phaolô II) phân biệt giữa việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu, việc Tin Mừng hoá mới và hoạt động truyền giáo chuyên biệt mà ngài gọi là sứ mạng ad gentes.
Truyền thông Truyền giáo liên quan tới sứ mạng ad gentes này. Nó liên quan tới đường lối truyền thông, các phương tiện và cách thức truyền thông ad gentes (cho muôn dân). Nó là sự truyền thông loan báo chứ không chỉ là ‘duy trì’ hay đào sâu hay nuôi dưỡng giống như truyền thông mục vụ theo nghĩa hẹp.
Truyền thông rao giảng Tin Mừng cũng có thể được gọi là truyền thông kerygmatic, truyền thông loan báo hay truyền thông truyền giáo. Nó quan tâm tới việc quảng bá Tin Mừng và mở rộng Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh. Kể từ ngày đầu của Hội Thánh vào lễ Hiện Xuống, truyền thông truyền giáo đã luôn luôn ở tâm điểm của Hội Thánh và lịch sử Truyền giáo sẽ minh chứng đường lối này.
1.1. Truyền thông rao giảng Tin Mừng trong lịch sử truyền giáo
Truyền thông rao giảng Tin Mừng vẫn luôn luôn ở tâm điểm của cộng đoàn Kitô giáo. Vào ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Phêrô đứng lên loan báo trong quyền năng Chúa Thánh Thần những hành động và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,1-41), thì đó là truyền thông truyền giáo, truyền thông loan báo Tin Mừng. Tất cả lịch sử thời kỳ đầu của Hội Thánh là một lịch sử của một hoạt động truyền thông như thế. Sách Công vụ Tông đồ, được coi là quyển sách đầu tiên về Hội Thánh truyền thông, kể lại các hành động của Chúa Thánh Thần trong việc soi sáng cho Hội Thánh sơ khai truyền thông Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho một thế giới còn chưa biết Người. Cả cuốn sách giống như bản ‘Hiến Chương’ cho việc truyền thông loan báo Tin Mừng. Tràn đầy Chúa Thánh Thần, các môn đệ đi khắp Châu Á và đến tận Châu Âu để chia sẻ các niềm xác tín và đức tin của họ. Dù những khó khăn như các cuộc bách hại và các trở ngại khác cũng không ngăn cản nổi họ rời xa việc truyền thông Tin Mừng bằng mọi cách. Thực vậy, họ thấy tất cả những trở ngại ấy chính là những hướng đi mà Thần Khí ban cho để thực hiện các cuộc mạo hiểm mới.
Trong lịch sử Hội Thánh luôn luôn có những con người vĩ đại truyền thông tình thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, như các vị truyền giáo mà ĐGH Grêgôriô Cả sai đi với Thánh Augustinô Canterbury tới nước Anh vào thế kỷ 6; các vị truyền giáo người Ai Len đến Trung Âu từ thế kỷ 8 trở đi. Có các vị truyền giáo như Cha John de Montecorvino và các bạn đồng hành của ngài chủ yếu thuộc dòng Phanxicô đã đi đến Trung Á và Trung Hoa. Có các vị truyền giáo và các nhà truyền thông lỗi lạc ở thế kỷ 16 với một tinh thần thích nghi đặc biệt với văn hoá như Cha Mattero Ricci, S.J. (1552-1610) mà ngày nay vẫn được người Trung Hoa coi là một con người đặc biệt; Cha Roberto de Nobili, S.J. (1577-1656) tại Ấn Độ và Cha Bartolome de las Casas, O.P. (1484-1566) tại Châu Mỹ Latinh. Các cao trào truyền giáo vào thế kỷ 19 với việc sáng lập nhiều tu hội truyền giáo là một minh chứng nữa về một ước muốn sống động muốn truyền thông vượt ra ngoài các ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh địa phương.
Hồng y Francesco Ingoli, Bộ Trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin tại Rôma chính là người đã phản ánh một cách đặc biệt khía cạnh truyền thông đang thấm nhuần các công nghệ truyền thông tiên tiến của thời ấy. Bốn năm sau khi Thánh Bộ Truyền bá Đức tin được thiết lập, năm 1626 ngài đã mở nhà in riêng có khả năng in hơn 20 thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Malayalam ở Ấn Độ. Các sách và các ấn phẩm khác trong đó có các sách Kinh Thánh đã được in ra để phục vụ việc truyền thông rao giảng Tin Mừng. Khi bảo vệ sáng kiến này trước các hồng y ở Rôma, Hồng y Ingoli đã đưa ra các lý do sau đây:
1. Việc học ngôn ngữ của các nhà truyền giáo tương lai tại Rôma cần có các sách đặc biệt.
2. Chi phí in sách với nhà in riêng rẻ chỉ bằng 1/3 chi phí in tại các nhà in khác.
3. Chỉ có Nhà In của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin là chuyên môn về các ngôn ngữ khác nhau, kể cả các ngôn ngữ Ấn Độ.
4. Nếu người Tin Lành in và phân phát nhiều sách Kinh Thánh như thế, thì người Công giáo cũng phải theo gương họ.
5. Sứ mạng của Chúa Giêsu buộc chúng ta phải sử dụng sách để hoạt động truyền giáo. “Các nhà truyền giáo không thể hoàn thành sứ mạng nếu không có sách, và sách cũng đến được những nơi mà các nhà truyền giáo không đến được.
6. Để truyền bá Lời Thiên Chúa, thì không một sự đầu tư nào là quá đắt (x. Eilers, 2002, tr. 67tt).
Hầu hết các văn kiện Giáo hoàng về Truyền giáo từ thế kỷ 19 trở đi đều nói về nhu cầu truyền thông loan báo Tin Mừng. Các văn kiện ấy khuyến khích sử dụng mọi phương tiện hiện đại đang có, đặc biệt các ấn phẩm, nhưng cả việc phát sóng, phim ảnh và các đa phương tiện hiện đại. Một trong những lời khích lệ gần đây nhất là thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002 nói về “Internet - Một Diễn đàn mới cho việc Loan báo Tin Mừng”.
1.2. Từ Truyền thông cá nhân đến truyền thông đại chúng
Truyền thông truyền giáo không chỉ giới hạn vào các phương tiện truyền thông hiện đại hay các người truyền thông chuyên nghiệp trong việc phục vụ “Sứ mạng ad gentes”. Truyền thông truyền giáo là mọi hoạt động nhắm vào việc chia sẻ và truyền bá tình thương và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho loài người vượt qua mọi ranh giới - vật chất hay tinh thần - của cộng đồng Kitô giáo đã được thiết lập. Cách hiểu này cũng đã được diễn tả trong sự “đối thoại ba chiều” của “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC): đối thoại với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo (x. Hội nghị Toàn thể của FABC, Bandung 1990; Rosales/Arevalo 1997, tr. 273-289).
Trong sứ mạng của Người, chính Đức Giêsu Kitô đã truyền thông trên mọi bình diện của mối tương tác con người. Người giảng dạy cho quần chúng bằng các câu truyện, các dụ ngôn, các lời tuyên bố, và Người chia sẻ trong các nhóm nhỏ hơn với các tông đồ và môn đệ của Người. Người cũng gặp gỡ các cá nhân như ông Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria và nhiều cá nhân khác bằng một sự chia sẻ sâu xa và rất cá nhân. Việc truyền thông truyền giáo được xây dựng trên mẫu mực của Đức Giêsu Kitô, luôn luôn tìm cách gặp gỡ con người ở trình độ tri thức, tình cảm và hiểu biết của họ để đưa họ từ các kinh nghiệm cuộc đời của họ đến gần với Cha và sự sống vĩnh cửu hơn. Như vậy, truyền thông truyền giáo bao gồm mọi bình diện và mọi phương tiện truyền thông, từ bình diện cá nhân, qua truyền thông nhóm cho tới các phương tiện truyền thông đại chúng và các phương tiện truyền thông hiện đại ngày càng phát triển nhiều hơn, cho tới việc truyền thông trong các nhóm chuyên môn và truyền thông cá nhân qua Internet trong không gian mạng (‘cyberspace’). Việc phát triển phương thức truyền thông như thế trong bối cảnh các phát triển của Hội Thánh thời nay có thể được diễn tả một cách tiêu biểu khi suy nghĩ về Tông huấn Ecclesia in Asia trong một viễn tượng truyền thông truyền giáo (xem số 3 dưới đây).
Hướng chính của truyền thông truyền giáo là đạt đến và nâng đỡ những người chưa là thành viên đầy đủ của cộng đoàn Kitô hữu. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm mọi cố gắng truyền thông cho “sứ mạng ad gentes” trong lòng Hội Thánh để chuẩn bị các người rao giảng Tin Mừng và giúp họ có khả năng đến với những người ở ngoài Hội Thánh. Vì vậy các hoạt động như sinh động hoá truyền giáo, cổ vũ truyền giáo và các hoạt động truyền thông của các tu hội truyền giáo cũng phải được coi là truyền thông truyền giáo, theo nghĩa rộng.
1.3. Văn hoá và truyền thông
Truyền thông truyền giáo có một tương quan đặc biệt với văn hoá. Với mối quan tâm bền bỉ của ngài về văn hoá (cũng xem Gaudium et Spes, số 53-62), ĐGH Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh điểm này trong một cuộc triều kiến ngày 9-11-2002 dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực này và được sự hỗ trợ của HĐGM Ý. Ngài nhắc nhở họ rằng “truyền thông tạo nên văn hoá và văn hoá được truyền đi nhờ truyền thông. Nhưng văn hoá nào”, ĐGH nói tiếp, “có thể được tạo ra bởi truyền thông mà không đặt trọng tâm vào phẩm giá con người, khả năng giúp giải quyết các vấn đề lớn của cuộc sống con người, bổn phận phục vụ lợi ích chung một cách chân thành, và chú ý tới các vấn đề về sự sống chung trong công lý và hoà bình? Cần có những con người trong lĩnh vực này, để với khả năng thiên phú của đức tin, họ có thể giải thích các nhu cầu văn hoá đương đại, dấn thân vào thời đại truyền thông không phải như một thời đại suy đồi và hỗn loạn, nhưng như một thời đại có giá trị cho việc tìm kiếm sự thật và phát triển sự truyền thông giữa các con người và các dân tộc. Chúng ta phải ngày càng ý thức hơn khi đứng trước ‘Areopago mới’ này, vốn được hình thành chủ yếu bởi các phương tiện truyền thông, khiến cho ‘chính việc loan báo Tin Mừng cho nền văn hoá thời nay tuỳ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông” (RM, số 37c). Chúng ta có thể cảm thấy mình bất cập và không được chuẩn bị, nhưng dù sao chúng ta cũng không được nản lòng. Chúng ta biết mình không đơn độc: chúng ta được nâng đỡ bởi một nguồn sức mạnh vô biên phát sinh từ cuộc sống của chúng ta với Chúa...”.
1.4. Các hướng dẫn cho việc truyền thông truyền giáo
Có một số hướng dẫn chung cho việc truyền thông truyền giáo mà chúng ta có thể rút ra từ Tông huấn Ecclesia in Asia nói về việc “loan báo Đức Kitô tại Châu Á” (số 20). Các hướng dẫn này có thể tóm tắt như sau:
1. Hãy biết rằng “nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, nơi mỗi cá nhân và mỗi dân tộc đều đã có một sự mong đợi, cho dù là vô thức, được biết sự thật về Thiên Chúa, về con người, và về cách thức làm thế nào chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết” (x. RM, số 45).
2. “Hội Thánh vâng lệnh Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng, vì biết rằng mọi người có quyền được nghe Tin Mừng; Hội Thánh làm việc này không phải vì bị thúc đẩy bởi một động cơ bè phái hay chủ nghĩa chiêu mộ tân tòng hay bất cứ mặc cảm tự tôn nào”.
3. Truyền thông truyền giáo là “việc phục vụ tối thượng mà Hội Thánh có thể cống hiến” để “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”. Việc phục vụ này đáp ứng “khát vọng thâm sâu của các dân tộc về Đấng Tuyệt Đối: nó bộc lộ những sự thật và những giá trị sẽ bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện của họ”.
4. Việc Truyền thông Truyền giáo của Hội Thánh bằng loan báo Tin Mừng phải được làm “với lòng kính trọng thân thương và quý mến đối với người nghe”; việc truyền thông này phải “tôn trọng các quyền của các lương tâm... không vi phạm quyền tự do, vì đức tin luôn luôn đòi hỏi một sự đáp ứng tự do từ phía cá nhân”.
5. “Tuy nhiên, lòng tôn trọng không loại trừ nhu cầu phải loan báo công khai Tin Mừng trong tất cả sự toàn vẹn của nó”.
6. Sự tôn trọng của việc Truyền thông Truyền giáo đối với các tôn giáo khác có hai khía cạnh: a) “tôn trọng con người trong cuộc tìm kiếm các câu trả lời cho các câu hỏi thâm sâu nhất của đời họ; và b) tôn trọng hành động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi con người”.
2. Truyền thông truyền giáo trong các văn kiện của Hội Thánh
Về việc truyền thông truyền giáo, có nhiều suy tư trong các văn kiện cơ bản của Hội Thánh về truyền thông xã hội và các thông điệp giáo hoàng cho Ngày Thế giới Truyền thông, là những suy tư phải được lưu tâm một cách đặc biệt.
* Theo sau tuyên bố của Inter Mirifica rằng Hội Thánh tự bản chất có quyền truyền thông (số 3), Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio nhấn mạnh về nhu cầu rao giảng (số 126): “Đức Kitô đã truyền cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài đi ‘dạy dỗ muôn dân’, làm ‘ánh sáng cho thế gian’ và loan báo Tin Mừng ở mọi nơi và mọi thời. Trong cuộc sống trần gian của Người, Đức Kitô đã tỏ ra là một người truyền thông hoàn hảo, còn các Tông đồ cũng sử dụng mọi phương tiện truyền thông xã hội hiện có vào thời đại của các ngài. Ngày nay cùng một thông điệp ấy cũng cần được truyền đi bằg mọi phương tiện truyền thông đang có hôm nay. Thật vậy, sẽ khó có thể nghĩ rằng lệnh truyền của Đức Kitô được tuân thủ nếu chúng ta không sử dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến cho chúng ta để loan báo Tin Mừng của Người cho biết bao con người thời nay...”.
* Cùng văn kiện này (số 128) còn cho thấy thêm rằng “các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến những cách thức mới để đưa con người đối diện với thông điệp Tin Mừng, cho phép những người Kitô hữu dù ở những nơi rất xa xôi vẫn có thể cùng tham dự các nghi thức thánh, các việc thờ phượng và các hoạt động của Hội Thánh...
* Một lời đặc biệt về truyền thông truyền giáo được nói ra trong Aetatis Novae, ở đó (số 8) các điều kiện của truyền thông xã hội trong hoạt động truyền thông truyền giáo được cắt nghĩa chi tiết hơn: “Những ai loan báo Lời Thiên Chúa có nghĩa vụ phải lắng nghe và cố gắng hiểu những ‘lời nói’ của các dân tộc và các nền văn hoá khác nhau... Vì vậy Hội Thánh phải duy trì một sự hiện diện tích cực, không ngừng lắng nghe thế giới - một thứ hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa nâng đỡ những con người trong việc tìm kiếm những giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội. Hơn nữa, vì Hội Thánh phải luôn luôn loan truyền thông điệp của mình một cách thích hợp với mỗi thời đại và nền văn hoá của mỗi nước và mỗi dân tộc, nên Hội Thánh hôm nay phải truyền thông trong và cho nền văn hoá truyền thông mới xuất hiện... Vì vậy, khi tìm cách đi vào cuộc đối thoại với thế giới đương đại, Hội Thánh nhất định mong muốn có những cuộc đối thoại chân thành và trân trọng với những người có trách nhiệm về các phương tiện truyền thông... Thế nên một sự đối thoại như thế đòi Hội Thánh phải tích cực quan tâm tới các phương tiện truyền thông thế tục, và đặc biệt quan tâm tới việc hình thành chính sách truyền thông. Thực vậy, người Kitô hữu có trách nhiệm làm cho tiếng nói của mình được nghe thấy trên mọi phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ này không chỉ giới hạn vào việc cung cấp các tin tức của Hội Thánh. Đối thoại cũng cần có sự nâng đỡ dành cho các chuyên gia truyền thông; nó đòi hỏi việc triển khai một khoa nhân học và thần học về truyền thông - việc này cũng giúp ích không ít để chính thần học có thể mang nhiều giá trị truyền thông hơn.
* Cũng văn kiện này (số 9) còn mô tả nhiều hơn về sứ mạng của truyền thông truyền giáo qua những lời sau đây: “Tự bản chất của nó, truyền thông trong và bởi Hội Thánh là truyền thông về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó là loan báo Tin Mừng như là một lời tiên tri, có sức giải phóng cho mọi con người ở thời đại chúng ta. Trước tình trạng thế tục hoá triệt để của thế giới hôm nay, nó là một chứng tá về chân lý của Thiên Chúa và về số phận siêu việt của con người; nó là một chứng tá của sự đoàn kết giữa mọi tín hữu chống lại những xung đột và chia rẽ, một chứng tá về công lý và hoà hợp giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hoá. Cách hiểu này của Hội Thánh về truyền thông chiếu rọi một ánh sáng độc đáo vào lĩnh vực truyền thông xã hội và vào vai trò của các phương tiện truyền thông mà Chúa Quan Phòng đã định cho chúng thể hiện để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của con người và xã hội”.
* Một lời đặc biệt về truyền thông truyền giáo được nói lên ở số 11 trong cùng văn kiện: “Cùng với các phương tiện truyền thống như chứng tá đời sống, huấn giáo, tiếp xúc cá nhân, lòng đạo đức bình dân, phụng vụ và các cuộc cử hành mừng lễ, việc sử dụng các phương tiện truyền thông hôm nay là thành phần thiết yếu trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo. Thực vậy, ‘Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày’ (EN, số 45). Các phương tiện truyền thông xã hội có thể và phải là các công cụ của chương trình tái Tin Mừng hoá và tân Tin Mừng hoá của Hội Thánh trong thế giới hôm nay...”.
* Nhiều thông điệp giáo hoàng cho các Ngày Thế giới Truyền thông lấy việc rao giảng Tin Mừng làm một đề tài đặc biệt: “Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay” (1974), “Loan báo thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông” (1992), “Loan báo Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông trước thềm thiên niên kỷ mới” (2000), “Rao giảng trên các mái nhà: Tin Mừng trong thời đại truyền thông toàn cầu” (2001) và “Internet: Một hình thức mới để loan báo Tin Mừng” (2002).
1974 là năm của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Rao giảng Tin Mừng, sự kiện này cũng đã ảnh hưởng tới chủ đề của ngày Chúa Nhật Thế giới Truyền thông năm ấy. Trong thông điệp của ngài nhân dịp này, ĐGH Phaolô VI đã trích lời của chính ngài trong Thông điệp Ecclesiam Suam khi nêu lên một trong các lý do của việc truyền thông truyền giáo: “Nếu Hội Thánh thực sự ý thức Chúa muốn Hội Thánh phải như thế nào, thì từ nơi Hội Thánh phải tuôn trào một ước muốn sung mãn và một sự thôi thúc mãnh liệt để loan truyền một sứ mạng vượt lên trên chính Hội Thánh, một lời loan báo mà Hội Thánh phải truyền đi” (Eilers 1997, số 597). ĐGH nói tiếp rằng bổn phận này “bị chi phối bởi các hoàn cảnh đặc thù của mỗi thời đại lịch sử”, và ngài trích dẫn thêm Communio et Progressio (số 126): “Thật vậy, sẽ khó có thể nghĩ rằng lệnh truyền của Đức Kitô được tuân thủ nếu chúng ta không sử dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến cho chúng ta để loan báo Tin Mừng của Người cho biết bao con người thời nay...”. ĐGH còn nói: “Rao giảng Tin Mừng là một phần thiết yếu của sứ mạng Hội Thánh, được Đức Kitô sai vào thế giới để loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mt 16,15), và ngài vạch ra tầm quan trọng của việc làm chứng bằng đời sống: “Suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng toàn thể cuộc đời người Kitô hữu sống phù hợp với Tin Mừng thì liên tục ở trong tình trạng rao giảng Tin Mừng giữa thế giới... Họ mang chứng tá Tin Mừng, đóng góp sự cống hiến của mình như hạt men Kitô giáo, một ảnh hưởng Kitô giáo từ bên trong. Và trong thế giới truyền thông xã hội, ảnh hưởng Kitô giáo này tìm được một viễn tượng rộng lớn và có một tầm quan trọng ghê gớm”.
ĐGH Phaolô VI nhìn thấy 3 điểm đáng chúng ta đặc biệt suy nghĩ:
1. “Có nhu cầu đặt các kênh thông tin hiện đại và các dịch vụ liên hệ vào trong một dòng phát triển có thể giúp phổ biến Tin Mừng và tạo một bầu khí thuận lợi cho việc kiện cường các khái niệm như phẩm giá con người, công lý, tình huynh đệ đại đồng; các giá trị giúp cho con người dễ hiểu hơn về ơn gọi đích thực của mình và đồng thời mở đường cho một sự đối thoại xây dựng với người khác và sự kết hợp với Thiên Chúa”.
2. “Có cuộc tìm kiếm các phương pháp tông đồ mới và tiên tiến bằng cách ứng dụng các dụng cụ nghe nhìn mới và các dụng cụ tương tự cho huấn giáo, hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức, việc giới thiệu về đời sống, phụng vụ và các mục tiêu của Hội Thánh, nhưng trên hết là ứng dụng vào việc làm chứng đức tin và đức ái, là những nhân đức làm cho Hội Thánh luôn luôn sinh động và đổi mới không ngừng”.
3. “Người Kitô hữu phải tìm cách sử dụng tốt nhất các phương tiện truyền thông xã hội để đến được với các quốc gia, các xã hội và các cá nhân mà hoạt động tông đồ bằng lời không thể trực tiếp đến được vì các hoàn cảnh đặc thù, hay vì thiếu các thừa tác viên, hay vì Hội Thánh không thể thi hành sứ mạng một cách tự do được”.
Thông điệp tiếp theo cho Ngày Thế giới Truyền thông, trực tiếp liên quan tới truyền thông truyền giáo là thông điệp cho năm 1992: “Loan báo Thông điệp của Đức Kitô qua các Phương tiện Truyền thông Đại chúng”, Trong thông điệp này, Đức Gioan Phaolô II nhìn thấy các cách thức khác nhau sau đây để loan báo và rao giảng Tin Mừng:
1. “Chúng ta nói lên điều đó trước tiên bằng chứng tá đời sống của chúng ta, vì như Đức Phaolô VI đã nói một cách khôn ngoan: ‘Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân’ (EN, số 41). Người ta mong đợi chúng ta phải như một thành trì trên ngọn đồi, một cái đèn trên giá đèn, để ai cũng có thể thấy được, ánh sáng của chúng ta phải chói lọi như ngọn hải đăng, để chỉ lối an toàn tiến về quê trời bình an (x. Mt 5,13,14).
2. “Khi đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta biểu thị các niềm tin và các giá trị mà chúng ta tuyên nhận trong tư cách người Kitô hữu, việc ấy không thể không lôi kéo sự chú ý của thế giới bởi mọi phương tiện truyền thông phản ánh thực tại của các sự vật. Loan báo thông điệp của Đức Kitô bằng cách này đã có thể tạo được một lợi ích lớn rồi...”.
3. “Nhưng các người theo Đức Kitô còn phải loan báo Người một cách công khai hơn nữa. Chúng ta có nghĩa vụ loan báo niềm tin của chúng ta ‘giữa thanh thiên bạch nhật’ và ‘từ trên các mái nhà’ (Mt 10,27; Lc 12,3) mà không sợ hãi hay xuyên tạc, thích nghi thông điệp của Thiên Chúa một cách tự nhiên với các cách nói năng và suy nghĩ của họ’ (C&P, số 11), và luôn luôn tỏ ra tế nhị đối với các niềm tin và xác tín hiện có của họ giống như chúng ta muốn họ cũng tỏ ra như thế đối với các niềm tin của chính chúng ta. Việc rao giảng của chúng ta phải luôn luôn thấm nhuần lòng tôn trọng dưới hai khía cạnh mà Hội Thánh nhấn mạnh: tôn trọng mọi người không trừ một ai trong cuộc tìm kiếm các câu trả lời cho các câu hỏi thâm sâu nhất của đời họ, và tôn trọng hành động của Chúa Thánh Thần vốn luôn hiện diện một cách bí nhiệm nơi tâm khảm mọi người (x. RM, số 29)”.
4. “Chúng ta nên nhớ Đức Kitô không bao giờ áp đặt lời dạy của ngài trên một ai. Người trình bày giáo huấn của Người cho mọi người không trừ ai, nhưng để cho mỗi người tự do đáp lại lời mời của Người. Đây là mẫu mà chúng ta là môn đệ Người phải theo... Chúng ta không cảm thấy có bổn phận phải xin lỗi vì cống hiến thông điệp của Đức Kitô cho mọi người, chúng ta tuyên bố với đầy xác tín rằng quyền và bổn phận của chúng ta buộc chúng ta không được làm ít hơn thế”.
5. “Có một quyền và nghĩa vụ tương ứng là sử dụng mọi phương tiện truyền thông mới của thời đại chúng ta vì mục đích này. Thật vậy, Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày’ (EN, số 45)”.
Ba thông điệp đầu tiên cho Ngày Thế giới Truyền thông ở đầu thiên niên kỷ thứ ba và thế kỷ 21 đặc biệt nói về việc truyền thông truyền giáo của Hội Thánh.
Đức Gioan Phaolô II (2000) nhắc chúng ta nhớ lại tinh thần truyền thông truyền giáo rất sinh động của các Kitô hữu thời kỳ đầu như được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ, tinh thần này cũng rất cần hôm nay. Cơ bản nó diễn ra ở 3 mức độ: 1) Truyền thông cá nhân; 2) Các cách thức truyền thông xưa kia trong xã hội loài người; và 3) Truyền thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trong tất cả các mức truyền thông này, người truyền thông Kitô giáo, “ngoài việc loan báo gián tiếp... cũng phải tìm ra các cách thức để nói công khai về Đức Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh, về chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, một cách thích hợp với phương tiện sử dụng và với khả năng của người nghe”. Để làm việc này, không chỉ cần sự đào tạo chuyên môn: “Để làm chứng cho Đức Kitô, cần phải đích thân gặp gỡ Người và nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với Người qua kinh nguyện, Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải, đọc và suy niệm Lời Chúa, học các giáo thuyết Kitô giáo và phục vụ người khác. Và nếu việc này được làm một cách trung thực, thì đó luôn luôn là công việc của Chúa Thánh Thần hơn là của chính chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng coi việc truyền thông truyền giáo ở đây “không chỉ là bổn phận mà là một đặc ân”. Khi nói về mối tương quan ngày càng gia tăng giữa thực tại và truyền thông đương đại, ĐGH Gioan Phaolô II năm 2001 nhắc nhớ chúng ta về ‘sứ mạng ad gentes’ của Hội Thánh rằng truyền thông là một thách thức đặc biệt đối với việc truyền thông truyền giáo. “Thực thế, mọi loại phương tiện truyền thông có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc rao giảng Tin Mừng trực tiếp và trong việc đem đến cho con người các sự thật và các giá trị nâng đỡ và thăng tiến phẩm giá con người. Trên thực tế, sự hiện diện của Hội Thánh trong truyền thông là một khía cạnh quan trọng của việc hội nhập Tin Mừng được đòi hỏi bởi cuộc Tin Mừng hoá mới mà Chúa Thánh Thần đang kêu gọi Hội Thánh thực hiện trên khắp thế giới”.
Các khả năng mới cho việc loan báo Tin Mừng trên Internet là một quan tâm đặc biệt của thông điệp năm 2002: “Đối với Hội Thánh, thế giới mới của không gian mạng là một lời kêu gọi đi vào cuộc mạo hiểm vĩ đại của việc sử dụng các tiềm năng của nó cho việc loan báo thông điệp Tin Mừng. Thách thức này nằm ở tâm điểm của việc thực thi vào đầu thiên niên kỷ này lệnh truyền của Chúa: ‘Ra chỗ sâu mà thả lưới’ (Duc in altum, Lc 5:4)... Internet có thể cống hiến những cơ hội tuyệt vời cho việc rao giảng Tin Mừng nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách tài tình và biết rõ những điểm mạnh cũng như điểm yếu của nó”.
Trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng thấy Internet đóng một vai trò đặc biệt cho sự gặp gỡ thông điệp Kitô giáo lần đầu tiên và cả sau này để đào sâu và sống trung thành với đức tin Kitô giáo. Internet không thể thay thế cho kinh nghiệm đức tin của cá nhân, nhưng bổ sung cho kinh nghiệm này.
Trong một ghi chú quan trọng, cũng có liên quan tới truyền thông truyền giáo, Đức Giáo Hoàng nhận xét: “Internet định nghĩa lại một cách cơ bản mối tương quan tâm lý của một người với thời gian và không gian. Sự chú ý được gắn chặt vào những điều có thể thấy được, sờ được, có lợi và có thể có tức khắc; các kích thích để suy tư sâu hơn có thể thiếu. Nhưng con người có một nhu cầu sống còn về thời gian và sự yên tĩnh nội tâm để suy nghĩ và xem xét cuộc đời và các bí ẩn của nó, và để lớn lên dần dần tới mức trưởng thành trong việc làm chủ bản thân mình và thế giới xung quanh. Sự hiểu biết và khôn ngoan là kết quả của một con mắt biết chiêm ngắm thế giới, chứ không đến từ sự chồng chất các sự kiện, cho dù thú vị đến đâu...”. Nhưng dù sao, “việc nhờ Internet mà con người nhân rộng được các mối tiếp xúc xưa nay chưa ai nghĩ tới đã mở ra những tiềm năng kỳ diệu cho việc truyền bá Tin Mừng”.
Tất cả các Thông điệp về Truyền giáo từ Đức Bênêđictô XV tới Đức Piô XI và Piô XII đều đã vạch ra nhu cầu sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là báo chí, cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cũng được Đức Gioan Phaolô II vạch ra trong Thông điệp Redemptoris Missio khi ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của máy in và các phương tiện nghe nhìn, đặc biệt cho việc sinh động hoá truyền giáo (số 83). Nhưng ngài còn đi xa hơn các lời nhắc nhở và đề xuất này khi ngài nhấn mạnh về các phương tiện truyền thông hiện đại và thế giới truyền thông Xã hội như là ‘areopagus’ hàng đầu, nghị trường hàng đầu của thời đại chúng ta. Một văn hoá mới đã được tạo ra, nó ngày càng định đoạt nếp sống của con người. Nhưng ngài nói: “Tuy nhiên, tham gia các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ có nghĩa là làm tăng sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Còn có một thực tại sâu hơn: vì chính việc Tin Mừng hoá nền văn hoá hiện đại lệ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên việc sử dụng các phương tiện này chỉ để truyền bá thông điệp Tin Mừng và giáo huấn chân chính của Hội Thánh mà thôi thì không đủ. Còn phải tích hợp thông điệp ấy vào ‘nền văn hoá mới’ do truyền thông hiện đại tạo ra. Đây là một vấn đề phức tạp, vì ‘văn hoá mới’ phát sinh không phải chỉ từ bất cứ nội dung nào được diễn tả ra, mà còn từ chính sự kiện có những cách thức truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một tâm lý mới...” (số 37c).
Còn tiếp