Print  
Chỉ thị về các tiêu chuẩn để nhận định ơn gọi đối với các người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, trong việc thâu nhận vào chủng viện và chức thánh
Bản tin ngày: 24/01/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Giới thiệu

Tiếp nối giáo huấn của Công đồng Chung Vatican II, và cách riêng, Sắc lệnh Optatam Totius [1] về huấn luyện linh mục, Bộ Giáo dục Công giáo đã ban hành các văn kiện khác nhau với mục đích cổ vũ một sự huấn luyện thích hợp và toàn vẹn cho các linh mục tương lai, bằng cách cung cấp các hướng dẫn và quy tắc chính xác liên quan đến các khía cạnh đa dạng của việc huấn luyện [2]. Trong khi đó, Thượng Hội đồng Giám mục năm 1990 cũng suy tư về việc huấn luyện linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, với ý định hoàn thành giáo thuyết của Công Đồng về đề tài này và làm cho nó rõ ràng và hiệu quả hơn trong thế giới ngày nay. Tiếp theo Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Pastores Dabo Vobis [3].

Trong ánh sáng của giáo huấn phong phú này, Chỉ thị này không có ý định chú tâm vào tất cả các vấn đề trong lĩnh vực tình cảm và tính dục, là lĩnh vực đòi hỏi một sự phân định kỹ lưỡng trong suốt quá trình huấn luyện. Chỉ thị này bao gồm các quy tắc về một vấn đề đặc biệt, vốn là khẩn thiết trong tình thế hiện nay, đó là: liệu nên nhận các ứng sinh có khuynh hướng đồng tính sâu bền vào chủng viện và chịu chức thánh hay không.

1. Sự trưởng thành tình cảm và làm cha thiêng liêng

Theo truyền thống kiên định của Giáo Hội, chỉ người nam đã chịu phép rửa tội [4] mới có thể nhận lãnh có hiệu lực phép truyền chức thánh. Nhờ bí tích Truyền Chức, Chúa Thánh Thần làm cho người ứng viên nên giống Đức Giêsu Kitô theo một cách thức mới mẻ và đặc biệt: thực vậy, người linh mục, về phương diện bí tích, đại diện Đức Kitô, là đầu, vị mục tử, và hiền phu của Giáo Hội [5]. Vì sự nên giống với Đức Kitô, toàn đời sống của thừa tác viên thánh hiến phải được linh hoạt bằng sự dâng hiến toàn thể con người mình cho Giáo Hội và bằng sự nhân ái mục tử đích thực [6].

Vì vậy, người ứng viên cho sứ vụ truyền chức phải đạt đến sự trưởng thành tình cảm. Sự trưởng thành như vậy sẽ cho phép người ứng viên tương quan một cách đúng đắn với cả nam giới và nữ giới, phát triển trong người ấy một cảm thức đích thực của tình cha thiêng liêng hướng về cộng đồng Giáo Hội, vốn được trao phó cho người đó [7].

2. Đồng tính luyến ái và sứ vụ linh mục

Từ thời Công đồng Chung Vatican II cho đến ngày nay, nhiều văn kiện khác nhau của Huấn Quyền, và một cách đặc biệt là Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, đã khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái. Sách Giáo Lý phân biệt giữa hành vi đồng tính và khuynh hướng đồng tính.

Về các hành vi đồng tính, Sách Giáo Lý dạy rằng Kinh Thánh trình bày chúng là tội trọng. Thánh Truyền đã liên lỉ xem chúng là vô luân nội tại và đối nghịch với luật tự nhiên. Như thế, chúng không thể được chấp nhận trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khuynh hướng đồng tính sâu bền nơi một số người nam và người nữ, cũng là vô trật tự một cách khách quan, và đối với những người đó, thường tạo nên một thử thách. Những người như thế, phải được đón nhận với sự tôn trọng và nhạy cảm. Nên tránh mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công với họ. Họ được mời gọi để hoàn thành ý Thiên Chúa trong đời sống của họ, và kết hiệp các khó khăn mà họ có thể gặp phải với hy lễ của Thập giá Chúa Kitô [8].

Trong ánh sáng của giáo huấn này, Bộ Giáo dục, trong sự hoà hợp với Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, tin rằng cần nói một cách rõ ràng rằng Giáo Hội, trong khi tôn trọng một cách sâu xa các người đồng tính [9], không thể nhận vào chủng viện hay chức thánh những ai thực hành đồng tính luyến ái, biểu lộ khuynh hướng đồng tính sâu bền hay ủng hộ cái gọi là “văn hóa đồng tính” [10].

Thật vậy, những người đồng tính như thế, thấy rằng chính họ ở trong một tình huống ngăn trở họ một cách nghiêm trọng, không thể tương quan một cách đúng đắn với nam giới và nữ giới. Người ta không cách nào có thể bỏ qua hậu quả tiêu cực có thể xảy đến do sự truyền chức những người có khuynh hướng đồng tính sâu bền.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác đi, với trường hợp mà khuynh hướng đồng tính chỉ là sự diễn tả của một vấn đề tạm thời - thí dụ, trường hợp của một người có thời thiếu niên hơi đồng tính. Dẫu sao, khuynh hướng đồng tính này phải được khắc phục một cách rõ ràng ít nhất là ba năm trước khi được truyền chức phó tế.

3. Phân định bởi Giáo Hội về tính thích hợp của các ứng viên

Có hai yếu tố không thể tách rời trong ơn gọi linh mục: là ân ban tự do của Thiên Chúa và sự tự do có trách nhiệm của người nam. Ơn gọi là một quà tặng của ân sủng Thiên Chúa, được nhận lãnh qua Giáo Hội, trong Giáo Hội và để phục vụ Giáo Hội. Khi đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, người nam dâng hiến chính mình một cách tự do trong yêu thương [11]. Chỉ riêng ước muốn trở thành linh mục thì chưa đủ, và không có quyền để lãnh nhận chức thánh. Chính Giáo Hội - trong trách nhiệm của mình, Giáo Hội quyết định các đòi hỏi cần thiết cho việc lãnh nhận các bí tích được Chúa Kitô thiết lập - phân định sự thích hợp của ứng viên, người ước muốn gia nhập chủng viện [12], cùng đồng hành với người ấy trong suốt các năm tháng huấn luyện, và kêu gọi người ấy vào chức thánh nếu xét thấy người đó có được các phẩm chất cần thiết [13].

Trong một cách thức bổ sung một cách chính yếu, việc huấn luyện linh mục tương lai phải liên kết với 4 chiều kích huấn luyện: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ [14]. Trong bối cảnh này, cần nhấn mạnh sự quan trọng đặc biệt của việc huấn luyện nhân bản như là nền tảng cần thiết cho mọi huấn luyện [15]. Để nhận một ứng viên được truyền chức phó tế, Giáo Hội phải xác minh, trong số các điều kiện, rằng ứng viên đã đạt đến sự trưởng thành tình cảm [16].

Lời mời gọi chịu chức thánh cho ứng viên là trách nhiệm cá nhân của giám mục [17] hay của bề trên thượng cấp. Ghi nhận ý kiến của các người được trao phó nhiệm vụ huấn luyện, vị giám mục hay bề trên thượng cấp, trước khi nhận ứng viên vào chức thánh, phải có được phán đoán chắc chắn trong luân lý về phẩm chất của ứng viên. Trong trường hợp còn nghi ngờ nghiêm trọng ứng viên về mặt này, vị giám mục hay bề trên thượng cấp không được nhận ứng viên đó vào chức thánh [18].

Phân định ơn gọi và phân định sự trưởng thành của ứng viên cũng là một nhiệm vụ quan trọng của cha giám đốc và của các người khác được trao phó công việc huấn luyện trong chủng viện. Trước mỗi lần phong chức, cha giám đốc phải nói lên phán đoán của riêng mình về việc ứng viên có đủ phẩm chất cần thiết mà Giáo Hội yêu cầu hay không [19].

Trong sự phân định về sự thích hợp với chức thánh, cha linh hướng có một vai trò quan trọng. Mặc dù buộc phải giữ bí mật, vị này đại diện cho Giáo Hội ở toà trong. Khi thảo luận với ứng viên, cha linh hướng phải chỉ ra một cách đặc biệt các yêu cầu của Giáo Hội liên quan đến đức khiết tịnh linh mục, và sự trưởng thành tình cảm, vốn là một đặc điểm của người linh mục, cũng như giúp ứng viên phân định liệu người ấy có phẩm chất cần thiết hay không [20]. Cha linh hướng có bổn phận đánh giá tất cả các phẩm chất về nhân cách của ứng viên, và bảo đảm rằng ứng viên không có rối loạn về bản tính tính dục, vốn là không tương hợp với chức linh mục. Nếu một ứng viên có làm hành vi đồng tính hay có khuynh hướng đồng tính sâu bền, cha linh hướng cũng như cha giải tội của ứng viên phải có nhiệm vụ thải hồi ứng viên đó không được truyền chức thánh, theo lương tâm của mình.

Tất nhiên chính ứng viên chịu trách nhiệm đầu tiên cho việc huấn luyện chính mình [21]. Ứng viên phải sẵn sàng tin tưởng vào việc phân định của Giáo Hội, của giám mục là người kêu gọi ứng viên vào chức thánh, của cha giám đốc chủng viện, của cha linh hướng, và của các nhà giáo dục ở chủng viện - những người đã được vị giám mục hay bề trên thượng cấp trao phó công việc huấn luyện các linh mục tương lai. Thật là bất lương nếu ứng viên che giấu sự đồng tính luyến ái của mình, để bất chấp mọi sự mà tiến đến chức thánh. Một thái độ lừa dối như thế không tương ứng với tinh thần của sự thật, sự trung thành và cởi mở, vốn là đặc trưng cho nhân cách của thừa tác viên, là người tin rằng mình được kêu gọi để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài trong thừa tác vụ của Chúa.

Kết luận

Bộ Giáo Dục tái khẳng định sự cần thiết của các giám mục, các bề trên thượng cấp và các cấp bề trên để thực hiện sự phân định cẩn thận về sự thích hợp của các ứng viên vào chức thánh, từ khi thâu nhận vào chủng viện cho đến khi truyền chức. Sự phân định này phải được thực hiện trong ánh sáng của một quan niệm về sứ vụ linh mục, vốn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội.

Các giám mục, Hội đồng giám mục, và các bề trên thượng cấp phải quan tâm để tuân giữ cách trung thành các quy tắc vững chắc của Chỉ thị này, vì lợi ích của chính các ứng viên, và để bảo đảm rằng Giáo Hội luôn có các linh mục thích hợp, những mục tử đích thật theo Trái Tim Chúa Kitô.

Ngày 31/8/2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chuẩn y Chỉ thị này và ra lệnh ban hành.

Roma, ngày 4/11/2005, lễ Thánh Charles Borromeo, Bổn mạng các chủng viện

Hồng Y Zenon Grocholewski

Bộ trưởng

J. Michael Miller, C.S.B.

Tổng Giám mục Hiệu toà Vertara

Thư ký

----------------------------

 [1] Công đồng chung Vatican II, Sắc lệnh về đào tạo Linh mục Optatam Totius (ngày 28/10/1965): AAS 58 (1966), 713-727.

[2] x. Bộ Giáo dục Công giáo, Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (ngày 6/1/1970; in lần hai ngày 19/3/1985); Học Triết học ở Chủng viện (ngày 20/1/1972); Hướng dẫn đào tạo về sự độc thân linh mục (ngày 11/4/1974); Dạy Giáo luật cho người chuẩn bị làm Linh mục (ngày 2/4/1975); Huấn luyện Thần học cho Linh mục tương lai (ngày 22/2/1976); Epistula circularis de formatione vocationum adultarum (ngày 14/7/1976); Huấn thị về Giáo dục Phụng vụ ở Chủng viện (ngày 3/6/1979); Thư luân lưu liên quan một số khía cạnh khẩn thiết của huấn luyện thiêng liêng ở chủng viện (ngày 6/1/1980); Hướng dẫn giáo dục trong tình thương con người: Phác thảo về Giáo dục Tính dục (ngày 1/11/1983); Chăm sóc mục vụ cho những người hướng tới việc đào tạo linh mục tương lai (ngày 25/1/1986); Hướng dẫn huấn luyện linh mục tương lai về các công cụ truyền thông xã hội (ngày 19/3/1986); Thư luân lưu về việc học của các Giáo hội Đông phương (ngày 6/1/1987); Đức Maria Trinh Nữ trong việc huấn luyện tri thức và thiêng liêng (ngày 25/3/1988); Hướng dẫn về dạy và học Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục tương lai (ngày 30/12/1988); Huấn thị về học các Giáo phụ trong việc Đào tạo Linh mục (ngày 10/11/1989); Các chỉ thị về việc chuẩn bị các nhà giáo dục chủng viện (ngày 4/11/1993); Các chỉ thị để huấn luyện chủng sinh về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình (ngày 19/3/1995); Chỉ thị cho các Hội đồng Giám mục về việc cho gia nhập chủng viện các ứng viên đến từ chủng viện khác hoặc Dòng tu khác (ngày 9/10/1986 và 8/3/1996); Thời kỳ Dự bị (ngày 1/5/1998); Các Thư Luân lưu về các điều khoản Giáo luật liên quan đến các sự bất thường và ngăn trở của ad Ordines recipiendos (người nhận chức thánh) và của ad Ordines exercendos (người truyền chức thánh (ngày 27/7/1992 và 2/2/1999).

[3] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Pastores Dabo Vobis (ngày 25/3/1992): AAS 84 (1992), 657-864.

[4] x. Giáo luật, khoản 1024 và CCEO, khoản 754; Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Ordinatio Sacerdotalis về việc chỉ truyền chức Linh mục cho người nam mà thôi (ngày 22/5/1994): AAS 86 (1994), 545-548.

[5] x. Công đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Sứ vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis (ngày 7/12/1965), số 2: AAS 58 (1966), 991-993; Pastores Dabo Vobis, số 16: AAS 84 (1992), 681-682. Về việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Hiền phu của Giáo Hội, Pastores Dabo Vobis nói rằng “Linh mục được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Hiền phu của Giáo hội... Vì thế, trong đời sống thiêng liêng, linh mục được mời gọi sống tình phu phụ của Chúa Kitô với Giáo Hội, Hiền thê của mình. Do đó, đời sống của linh mục phải rọi chiếu tính cách phu phụ này, vốn đòi hỏi là linh mục trở nên người chứng cho tình phu phụ của Chúa Kitô” (số 22): AAS 84 (1992), 691.

[6] x. Presbyterorum Ordinis, số 14: AAS 58 (1966), 1013-1014; Pastores Dabo Vobis, số 23: AAS 84 (1992), 691-694.

[7] x. Bộ Giáo sĩ, Hướng dẫn về Sứ vụ và Đời sống của Linh mục (ngày 31/3/1994), số 58.

[8] x. sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (bản in năm 1997), số 2357-2358. Cũng xem các văn kiện khác của Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn Persona Humana về một số vấn đề liên quan đạo đức tính dục (ngày 29/12/1975); Thư Homosexualitatis Problema gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về Chăm sóc Mục vụ cho người Đồng tính (ngày 1/10/1986); Một số nhận định về câu trả lời cho các đề nghị luật lệ về sự không phân biệt đối xử với người đồng tính (ngày 23/7/1992); Các nhận định về đề nghị cho nhìn nhận hợp pháp sự kết hợp của người đồng tính (ngày 3/6/2003). Liên quan khuynh hướng đồng tính, Thư Homosexualitatis Problema nói rằng “Mặc dù sự nghiêng chiều cách riêng của người đồng tính luyến ái không phải là một tội, nó là một khuynh hướng ít nhiều mạnh mẽ hướng về một sự xấu luân lý nội tại; và vì vậy sự nghiêng chiều tự nó phải được xem như là một rối loạn khách quan” (số 3).

[9] x. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (bản in năm 1997), số 2358; cũng xem Giáo luật, khoản 208 và CCEO, khoản 11.

[10] x. Bộ Giáo dục Công giáo, Một bản ghi nhớ cho các giám mục tìm lời khuyên trong các vấn đề liên quan đồng tính luyến ái, và ứng viên để được nhận vào Chủng viện (ngày 9/7/1985); Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Thư (ngày 16/5/2002): Notitiae 38 (2002), 586.

[11] x. Pastores Dabo Vobis, số 35-36: AAS 84 (1992), 714-718.

[12] x. Giáo luật, khoản 241,1: “Giám Mục giáo phận chỉ nên thâu nhận vào Ðại chủng viện những người nào, xét theo các đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và trí tuệ, sức khỏe thể lý và tâm lý cùng ý muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ khả năng hiến thân trọn đời cho các tác vụ thánh.”; xem CCEO, khoản 342 1.

[13] x. Optatam Totius, số 6: AAS 58 (1966), 717. Cũng xem Giáo luật, khoản 1029: “Dựa theo sự phán đoán khôn ngoan của giám mục riêng hoặc của bề trên cao cấp có thẩm quyền và sau mọi cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên cho truyền chức những người có đức tin tinh tuyền, chí hướng ngay thẳng, kiến thức đầy đủ, danh thơm tiếng tốt, tác phong đoan chính, nhân đức đã được thử luyện và những đức tính khác về thể lý và tâm lý tương ứng với chức thánh sẽ lãnh nhận”; xem CCEO, khoản 758. Việc không gọi cho tiến chức những người không có các phẩm chất cần thiết không phải là sự phân biệt đối xử bất công: xem Bộ Giáo lý Đức tin, Một số nhận định về câu trả lời cho các đề nghị luật lệ về sự không phân biệt đối xử với người đồng tính.

[14] x. Pastores Dabo Vobis, số 43-59: AAS 84 (1992), 731-762.

[15] x. như trên, số 43: “Linh mục, người được gọi là “hình ảnh sống động” của Chúa Giêsu Kitô, Đầu của Giáo hội và là Mục tử của Giáo hội, nên tìm phản chiếu nơi chính mình, càng nhiều càng tốt, sự hoàn hảo của con người, vốn sáng chiếu trong Con Chúa nhập thể và được phản ánh với sự sống động đặc biệt trong thái độ của mình đối với tha nhân": AAS 84 (1992), 732.

[16] x. như trên, số 44 và 50: AAS 84 (1992), 733-736 và 746-748. Cũng xem: Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Thư luân lưu gửi các Giám mục giáo phận và các Đấng Bản quyển có năng quyền Giáo luật, để cho phép nhận chức thánh liên quan đến: Điều tra về sự thích hợp của các ứng viên cho chức thánh (ngày 10/11/1997): Notitiae 33 (1997), 507-518, nhất là Enclosure V.

[17] x. Bộ Giám mục, Hướng dẫn về Sứ vụ Mục vụ của Giám mục Apostolorum Successores (ngày 22/2/2004), số 88.

[18] x. Giáo luật, khoản 1052,3: “Mặc dù đã thi hành tất cả các điều trên, nếu giám mục còn có những lý do chắc chắn để hoài nghi về khả năng chịu chức của ứng viên, ngài không được truyền chức”. Cũng xem CCEO, khoản 770.

[19] x. Giáo luật, khoản 1051: “Việc điều tra về những tư cách cần thiết của người được tiến chức phải theo những quy luật sau đây: phải có chứng thư của giám đốc chủng viện hay giám đốc cơ sở huấn luyện về những tư cách luật buộc để chịu chức, nghĩa là về giáo thuyết ngay thẳng, lòng đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ của ứng viên, chứng thư về tình trạng sức khoẻ thể lý và tâm lý sau khi đã được khám nghiệm kỹ lưỡng”.

[20] x. Pastores Dabo Vobis, số 50 và 66: AAS 84 (1992), 746-748 và 772-774. Cũng xem Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis, số 48.

[21] x. Pastores Dabo Vobis, số 69: AAS 84 (1992), 778.

Bác Sĩ Trần Như Ý-Lan chuyển dịch từ bản tiếng Anh

Instruction:

Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations

with regard to Persons with Homosexual Tendencies

in view of their Admission to the Seminary and to Holy Orders

CONGREGATION FOR CATHOLIC EDUCATION

[http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccatheduc/documents/rc_con_ccatheduc_doc_20051104_istruzione_en.html]

Tháng 1/2011

Bộ Giáo dục Công giáo
In ngày: 03/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print