Print  
Đức Maria - Người Nữ "Y Tá" tuyệt vời
Bản tin ngày: 07/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

(Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2, Ngày Quốc tế Bệnh nhân)

Người Do Thái hết sức kinh ngạc và nói: Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được (Mc 7,37).

Năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, là Ngày Thế giới Cầu cho các Bệnh nhân. Kể từ đó, cứ hằng năm, vào ngày 11/2 trở thành ngày lễ kính nhớ sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Toàn thể Giáo Hội tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân, có những giáo xứ thực hiện nghi thức xức dầu thánh cho nhưng bệnh nhân, những người cao tuổi có lòng ao ước được xức dầu thánh.

Theo lược sử, Mẹ Maria đã hiện ra với chị thánh Bernadette tất 18 lần, từ ngày 11/2 đến ngày 16/7 năm 1858, dưới chân dãy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp. Ngoài việc Mẹ Maria, qua cô bé nhà quê, ít học Bernadette, gởi đến toàn thể nhân loại, nhất là những ai đã tin nhận Thiên Chúa, tin nhận Đức Kitô lời mời gọi: “Hãy trở về với Thiên Chúa qua việc ăn năn sám hối, hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đồng thời Mẹ xin vị linh mục tại sở, xây cất ngôi thánh đường nơi Mẹ hiện đến”; điều tuyệt vời Mẹ Maria đã chỉ cho cô bé Bernadette mạch nước chữa bá bệnh, không chỉ về thể xác, nhưng cả những căn bệnh về đời sống nội tâm. Đặc biệt nhất Mẹ Maria đã mạc khải cho cô bé Bernadette một điều tối quan trọng: “TA LÀ ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI”.

Trong quyển sách về những ơn lạ của Đức Mẹ Lộ Đức có một câu chuyện như sau:

Nơi sở bưu điện thành phố Lecco, thuộc miền Lombardia (Bắc Ý) có nữ nhân viên trẻ tuổi, duyên dáng và nhanh nhẹn. Ai ai cũng quý mến cô. Mọi người âu yếm gọi cô bằng tên Benedetta, trong nguyên ngữ Ý có nghĩa là người có phúc, được chúc lành...

Bình thường cô Benedetta tiếp đón và phục vụ khách hàng hết sức chu đáo, lịch sự và nhã nhặn. Cô không tỏ ra cáu kỉnh bao giờ, kể cả đối với những khách hàng “ngu ngơ, lẩm cẩm” và hay quấy rầy nhất...

Thế nhưng có sự kiện “bất thường”, không ai hiểu nổi và giải thích được, kể cả chính đương sự. Đó là hằng tuần, cô Benedetta chỉ nổi giận duy nhất vào ngày cô cầm trên tay để đóng dấu bưu điện thành phố Lecco vào tờ tuần san thông tin Công giáo đến từ Lộ Đức, Trung tâm Thánh Mẫu nổi tiếng của nước Pháp. Không hiểu vì lý do gì, mỗi khi cầm trên tay tờ tuần san, nhất là nhìn thấy trên tờ tuần san có đóng con dấu bưu điện mang tên Lộ Đức, cô ta như mất hết sự bình tĩnh vốn có, cô ném vào góc bàn, đôi khi mạnh tay ném vào thùng rác, để thoả mãn cho cơn giận giữ, có những lần cô lấy con dấu của bưu điện thành phố Lecco, đóng chồng lên nhiều lần vào chữ Lộ Đức, để không ai có thể nhận ra chữ Lộ Đức nữa. Sự việc cứ mãi tiếp diễn, nhưng điều lạ kỳ đã xảy ra.

Cũng như bao lần khác, tờ tuần san thông tin Công giáo Lộ Đức qua bưu điện thành phố Lecco tới tay cô. Nhưng lần này tờ tuần san bị gấp lộn, nên một tờ bên trong tờ báo lại nằm ra bên ngoài với tựa đề thật lớn: “Một cuộc khỏi bệnh lạ lùng”. Vừa cầm tờ báo trên tay, lại đọc thêm hàng chữ lạ lùng đó, máu nóng của cô nhân viên dâng lên tới đầu. Con dấu bưu điện như bị đứng yên lơ lửng giữa trời... trước tâm tình ngổn ngang của Benedetta. Sau cùng, bị tính tò mò thúc đẩy cô vội đọc xem nội dung của tựa đề trên ra sao. Đó là bài tường thuật về cuộc khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức của một phụ nữ Công giáo, sau 14 năm bị tê bại hoàn toàn.

Sau khi đọc hết câu chuyện, Benedetta thật sự xúc động, không như những lần trước cô giận dữ ném vào góc bàn, lần này, cô cẩn thận cho vào giỏ và mang về nhà. Thời gian rảnh rỗi ở nhà, cô đọc đi đọc lại nhiều lần. Môi lần đọc tâm trí cô như bấn loạn, trái tim như thổn thức, và đặc biệt như có một sự thôi thúc vô hình nào đó đã khiến cô nhận ra những lỗi lầm của mình với Đức Mẹ Lộ Đức. Benedetta lấy giấy và viết thư cho phụ nữ Công giáo may mắn, được Đức Mẹ chữa lành tại Lộ Đức. Thư gửi đi, không bao lâu, Benedetta nhận được thư trả lời của người khỏi bệnh. Từ đó, cuộc đời Benedetta hoàn toàn đổi khác.

Ba tháng sau, Benedetta quyết định đáp xe lửa đến Lộ Đức. Quỳ trước hang đá Đức Mẹ, Benedetta khiêm tốn thỏ thẻ: “Thưa Mẹ, lần này, người đóng dấu bưu điện chính là Mẹ. Chính Mẹ đã đóng dấu Lộ Đức của Mẹ trên trái tim con. Nhờ thế trái tim con được biến đổi và được chúc lành. Từ nay, tên gọi Lộ Đức trở thành tên gọi dấu ái và được ghi khắc mãi mãi trong trái tim con, không bao giờ mờ xoá”.

Câu chuyện trên không là chuyện cổ tích mà các bà mẹ thường đọc để ru ngủ cho con trẻ mỗi khi đêm về, nhưng đây là một câu chuyện có thật và thật hoàn toàn. Các vị chân tu đã sưu tầm và lược ghi lại cho hậu thế về hình ảnh Từ Mẫu và vai trò của Mẹ Maria đối với tất cả con cái Thiên Chúa và con cái của Mẹ, cả về đời sống thể chất lẫn đời sống nội tâm.

Vâng! Kể từ sau giây phút kinh hoàng nơi vườn địa đàng năm xưa, sau khi Tổ Tông ta lỗi nghịch cùng Thiên Chúa, qua việc ăn trái cấm, toàn nhân loại như chìm vào trong bóng đêm của tội lỗi, khổ đau, con người phải đối diện với tất cả những thách đố từ bản thân cho tới thiên nhiên, phải mang nơi thân xác và tâm hồn những bệnh tật, những tật nguyền. Nặng nề nhất là đánh mất đi sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban tặng.

Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và từ tâm, Ngài cảm thấy đớn đau khi con cái do chính Ngài sinh dựng lại phản bội lại tình yêu của Ngài. Thế nhưng, Ngài không đoán phạt, trái lại Ngài hoạch định chương trình cứu rỗi con người. Vì thế, ngài sắp đặt Con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần gian, mặc lấy thân xác yếu đuối của người trần gian, hầu qua Đức Giêsu Kitô, Ngài thi ân, giáng phúc và cứu độ toàn thể nhân loại.

Đức Giêsu Kitô, sau khi vâng lệnh Chúa Cha, xuống trần gian mặc lấy thân xác yếu đuối của nhân loại, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đến và sống giữa nhân loại như lời của Thánh Phaolô đã minh định: “Đức Giêsu Kitô… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô đã đem đến cho nhân loại một luồng khí mới, luồng khí của sự bình an, luồng khí của hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu, từ người quyền quý, cho đến kẻ cơ hàn; từ người đạo đức cho đến người tội lỗi, ai ai cũng được đón nhận. Đặc biệt nhất, Ngài là một “Thần Y” tuyệt vời, một “Thần Y” từ trời xuống, Ngài chữa lành tất cả những ai tìm đến với Ngài, tin tưởng nơi Ngài và thành tâm, thiện chí kêu xin Ngài. Ngài không chỉ yêu thương, chữa lành thân xác và tâm hồn cho chính bệnh nhân, nhưng Ngài trân trọng và đón nhận những tấm lòng bác ái của những người đến xin chữa lành cho người thân, bè bạn. Trình thuật Tin Mừng của Thánh sử Máccô đã minh chứng:

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt ta... Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng… Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được…” (Mc 7,31-37). Thật là tuyệt vời.

Một điều tuyệt vời nữa, khởi đi từ tình Yêu của Thiên Chúa. Đó là, Thiên Chúa, Ngài hoạt động không chỉ đơn lẻ một mình, hình ảnh Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha, là Đấng Quan Phòng, Ngôi Con, là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ và Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi và kiện toàn, đã minh chứng cho ta. Từ đó, Thiên Chúa cũng mời gọi con người cộng tác với Ngài trong mọi lĩnh vực. Ngài đã mời goi Đức Trinh Nữ Maria. cộng tác vào chương trình trao ban tình yêu, ân sủng và hồng ân cứu độ của Ngài cho toàn thể nhân loại. Mẹ đã mau mắn đáp trả lời mời gọi của thiên Chúa qua lời xin vâng trong ngày truyền tin: “Vâng, tôi đây là tôi tớ Chúa, xin chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Kể từ sau lời xin vâng khiêm hạ ấy, Mẹ Maria đã thực sự trở thành cộng sự viên đắc lực và tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, Mẹ đã thực hiện công việc cộng tác với Thiên Chúa một cách hoàn mỹ, từ máng cỏ Belem cho tới đỉnh đồi Canvê.

Mẹ Maria không chỉ mau mắn đáp lại lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa, nhưng Mẹ còn học và thấm nhuần nơi Thiên Chúa một tình yêu trao ban, một tình yêu vô vị lợi. Điều này được tỏ hiện khi Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Êlisabeth (x. Lc 1,39-56); Mẹ hiện diện nơi tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12); Mẹ đồng hành với Đức Kitô trên đường thập giá và kiên cường đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu Kitô trên đồi Canvê; cuối cùng Mẹ cùng ở lại an ủi, động viên và cầu nguyện cùng các Thánh Tông đồ, sau khi Chúa về trời (x. Cv 1,12-14). Đặc biệt nơi Lộ Đức vào thời đại của ta, Mẹ hiện diện để an ủi, dạy dỗ và thông chuyển muôn ơn của Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Vì thế, một khi Đức Kitô là vị Thần Y tuyệt vời, vị Thần Y Thánh, Chí Thánh, thì Mẹ Maria nghiễm nhiên trở thành Người Nữ Y Tá tuyệt hảo của Ngài, với vai trò Người cộng sự đắc lực và đẹp lòng vị Thần Y nhất.

Trong đời người, ít là một lần, ta tìm đến các trung tâm y tế, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, công cũng như tư, để kiểm tra sức khoẻ, để chữa chạy những căn bệnh làm ta đau đớn, tuy hao tiền, tốn của, nhưng bằng mọi cách ta tiếp cận  với vị bác sĩ, mong rằng qua kiểm tra, tư vấn, và thuốc uống do người bác sĩ kê toa, sức khoẻ của ta sẽ mau chóng được hồi phục. Có một điều không thể thiếu trong quá trình khám và chữa bệnh, để gặp được vị bác sĩ, trước tiên ta phải qua người cộng sự, đó là y tá, người y tá sẽ lấy tên tuổi, hỏi han ta muốn khám về vấn đề nào, nội khoa, hay ngoại khoa… kế đến là đo huyết áp, nhịp tim… đôi khi ta gặp được người y tá ân cần, lịch thiệp, nhưng cũng lắm khi gặp phải y tá vì áp lực công việc hay vì nhiều lý do khác nhau, tỏ ra gắt gỏng, quát tháo, tuy ta hơi bực mình và cảm thấy khó chịu trong lòng, nhưng vì sức khoẻ là quan trọng, ta cố nhịn nhục, chờ đợi để được thăm khám.

Cảm tạ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Vị “Thần Y” Thánh, Chí Thánh, Ngài đã ban tặng cho ta một người “Nữ Y Tá” tuyệt hảo, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Không như những y tá trần gian, đôi khi làm ta bứt rứt khó chịu, đối với Mẹ Maria, người “Nữ Y Tá” tuyệt hảo của Thiên Chúa, Mẹ không những tiếp đón ta môt cách ân cần, săn sóc ta một cách chu đáo, nhưng Mẹ còn chờ đợi ta, đến với ta, để dẫn ta đến với “Thần Y” là Đức Giêsu Kitô. Hơn thế nữa, Mẹ còn thấu suốt những căn bệnh đang tìm ẩn trong thân xác cũng như trong tâm hồn của ta, để rồi Mẹ thưa với Chúa giúp ta, như xưa Mẹ đã từng biết trước việc hết rượu nơi tiệc cưới Cana và Mẹ đã thưa với Chúa: “Này Con, họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Tình yêu và sự săn sóc của Mẹ Maria, Người Nữ “Y Tá” tuyệt hảo dành cho ta, trước tiên là khởi đi từ tấm lòng quảng đại mà Mẹ đã thấm nhuần từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, kế đến là Mẹ thực hiện lời di chúc của Đức Giêsu Kitô, khi Ngài thưa với Mẹ trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng: “Này Bà! Đây là con của Bà”, và Ngài nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con” (Ga 19,28-27).

Ngày xưa, vào thời cựu ước, Thiên Chúa đã quan phòng, sắp đặt cho Giuse con Tổ phụ Giacóp làm tể tướng dưới thời vua Pharaon, và là người cấp phát lương thược cho dân. Để rồi, khi đất nước Aicập cùng tất cả các vùng phụ cận bị mất mùa đói kém, dân chúng đói khát chạy đến Pharaon, Ông ta đã nói: Hãy đến cùng Giuse(St 41,55), nhờ Giuse mà gia đình Tổ phụ Gia cóp thoát cảnh đói khổ. Vào thời Tân Ước, Thiên Chúa cũng quan phòng sắp đặt Mẹ Maria là Người năm giữ kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, Ngài cũng nhắc nhở và mời gọi nhân loại hãy đến với Mẹ Maria qua lời của Đức Giêsu Kitô trên thập giá: “Rồi Người nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con (Ga 19,27).

Vì thế! Để ta có được sức khoẻ từ thân xác, đến nội tâm, không chỉ sức khoẻ, nhưng tất cả những gì ta cần trong cuộc sống trên bước đường lữ hành như bình an và hạnh phúc, hoan lạc và niềm vui… Thiết tưởng không con đường nào khác ngoài con đường ta đến với Mẹ Maria, Người Nữ “Y Tá” tuyệt hảo của Thiên Chúa. Tin chắc một điều Mẹ sẽ giúp ta và dẫn ta đến với Đức Giêsu Kitô vị “Thần Y” Thánh Chí Thánh. Ngài có đủ quyền và khả năng chữa lành cho ta từ những căn bệnh thể xác, đến những căn bệnh tâm hồn. Có những căn bệnh nan y các bác sĩ trần gian “bó tay”, nhưng chỉ một cái sờ chạm, hơi thở và một Lời của Ngài, ta sẽ được chữa lành tức khắc, đối với những căn bệnh tâm hồn những căn bệnh mà chính ta không thể và khó có thể nhận ra, hoặc giả ta có nhận ra nhưng không tài nào thoát ra được vì sự yếu kém của ta, Ngài sẽ chữa lành và đem lại cho ta sự bình an và nhất là giúp ta đón nhận hồng ân cứu độ của Ngài.

Trong từng giây phút của cuộc sống, Mẹ Maria, Người Nữ “Y Tá” tuyệt hảo vẫn luôn chờ và đợi ta. Mẹ chờ ta ở đâu? Xin Thưa! Mẹ chờ ta trước cửa Nhà Tạm, nơi lưu giữ Bí tích Thánh Thể; Mẹ chờ ta nơi bàn tiệc Thánh, mỗi khi ta tham dự Thánh lễ; Mẹ ở bên ta mỗi khi ta tiếp cận, đọc và suy gẫm Lời Chúa; Mẹ cùng cầu nguyện với ta và cho ta mỗi khi mình ta hoặc với mọi người nguyện kinh Mân Côi; Mẹ cùng bước đi với ta, khi ta đến với những người cùng khổ, đến với bệnh nhân, thăm viếng người quá cố…

Cùng với toàn thể Giáo Hội trong ngày mừng kính Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, Ngày Quốc tế Bệnh nhân, ta tha thiết xin Mẹ giúp ta, dẫn ta đến với Chúa, để Ngài chữa lành hồn xác cho ta, và ta cũng không quên hướng về tất cả những người anh em của ta đang phải đau đớn vì nhưng căn bện, những người đang mang trong đời sống những căn bệnh đang gặm nhấm làm thương tổn linh hồn. Họ đang rất cần lời động viên an ủi, lời cầu nguyện trong từng ngày sống.

Khi viết những dòng suy tư tới đây, người viết bỗng chợt nhớ tới những hoàn cảnh đang phải chịu những hình phạt của giáo luật, khi vì lý do nào đó họ đang sống trong đời sống gia đình thường được gọi là rối, họ không được tiếp cận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, qua việc rước lễ; những người khô khan nguội lạnh, họ đang mang trong đời sống những căn bệnh không chỉ thể xác mà cả trong tâm hồn. Người viết ước chi một ngày nào đó Chúa thương tác động qua Giáo Hội giúp họ có được cơ hội tiếp cận tình thương và sự chữa lành của Chúa qua Mẹ Maria. Đặc biệt trong ngày mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức, như những bệnh nhân có đời sống đạo bình thường, họ được đưa đến nhà thờ để các vị mục tử sức dầu thánh, thì đối với những trường hợp như sống rối, khô khan, nguội lạnh, đây là những căn bệnh còn đáng sợ hơn những căn bệnh thể xác, chí ít ra cũng được lời mời gọi nhắc nhở từ người thân, cộng đoàn, để họ nhận ra tầm quan trọng của Ngày Quốc tế Bệnh nhân. Đặc biệt là ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, vì Mẹ đến không chỉ giúp cho con cái Mẹ phần xác nhưng Mẹ giúp cả phần hồn, tức những căn bệnh nội tâm. Vì như Đức Kitô đã phán: “Người khoẻ mạnh, không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi đến không để kêu gọi người công chính, mà để êu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).

Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp con xác tín điều mà sách Thánh Vịnh khi xưa đã viết: “Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khốn, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ”, để nhờ đó mà con biết tìm về với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời con.

Mẹ Maria ơi! Ngày Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, Mẹ đã đem lại cho mọi người nguồn sống mới, những bệnh nhân đến Mẹ đều xin Chúa chữa lành cả xác lẫn hồn, xin Mẹ giúp con, gia đình con, cộng đoàn và giáo xứ con trở thành Lộ Đức thứ hai, bằng sự khiêm nhường, đơn sơ, yêu thương; để rồi chúng con hân hoan nghênh đón Mẹ hiện diện giữa chúng con, Mẹ dẫn chúng con đến với Chúa là Chúa của tình thương, Ngài sẽ chữa lành, băng bó những vết thương nơi tâm hồn và thân xác chúng con, Ngài sẽ an ủi và đỡ nâng chúng con và sau cuộc đời này chúng con được sum họp cùng với Mẹ trên nước Thiên Đàng. Amen.

Sài Gòn ngày 07/02/2011

Antôn Lương Văn Liêm
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print