Print  
Trung tâm Truyền giáo Kontrang cho người Sơđang (2)
Bản tin ngày: 19/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

CHƯƠNG BA

KONTRANG - THỜI KỲ THỬ THÁCH (1857-1884)

Năm 1857, Cha Dourisboure rời khỏi nhiệm sở Kontrang vào năm 1884, Cha Irigoyen HƯƠNG đến nhiệm sở này chuẩn bị cho một thời kỳ triển vọng. Thời gian 27 năm này nhiều biến động về mọi mặt, nhất là thời cuộc đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động truyền giáo vùng Tây Nguyên. Đây là giai đoạn “dẫm chân tại chỗ” trong việc truyền giáo.

I. NHỮNG BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ

1. Chính sách đối ngoại của Triều đình Huế là bế quan toả cảng; đối nội là trấn áp, sát hại đạo Công giáo. Đây là chính sách sai lầm, tạo nên cớ cho thế lực ngoại bang xâm chiếm đất nước ta.

Thật vậy, tháng 3-1847, Lapierre và Rigault de Genouilly đem hai chiến thuyền thị uy Cửa Hàn. Chính phủ Pháp sai ông Leheur de Ville-sur-Ars đem chiến thuyền “Catinat” vào cửa Đà Nẵng, rồi cho người đem thơ đến trách Triều đình Huế về việc giết đạo[32]. Quân Pháp thấy quan quân ta lôi thôi, nên bắn phá đồn luỹ ở Đà Nẵng rồi bỏ đi (1856).

Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện lệnh mình chưa thực thi đồng loạt, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo có những người theo đạo công giáo. Ngày 15-12-1859, nhà vua ban hành một chiếu chỉ nữa nhằm vào các cấp quan lại ở trung ương và các tỉnh[33].

2. Sau mỗi lần bị quân Pháp lấy cớ Triều đình Huế bắt đạo, đem quân đánh chiếm nước ta, nhà vua gia tăng cấm đạo tàn bạo hơn. Chiếu chỉ của Tự Đức ngày 5-8-1861 đưa cuộc bách đạo đến chỗ man rợ, được gọi là chiếu chỉ “phân sáp”[34]. Trong chiếu chỉ này, người ta thấy thâm ý của triều đình là tiêu diệt tận gốc các cơ sở tôn giáo địa phương. Đây là chính sách “tát nước bắt cá”, kiểm soát và bắt các linh mục. Biết bao cảnh tù tội, lục soát, bắt bớ mọi nơi để tàn sát người dân có đạo.

Đức cha CUENOT, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Đông Đàng Trong, bị bắt và chết rũ tù trong dịp này vào ngày 14-11-1861.

II. THỬ THÁCH TẠI VÙNG SƠĐANG

Cục diện đất nước Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX như một cái “guồng máy gia tốc tội ác”: đánh chiếm - bắt đạo, cướp đất - chết chóc - tù đày mà người Công giáo là nạn nhân.

1. Hậu quả lớn lao của cục diện đó có ảnh hưởng rất tai hại cho việc truyền giáo vùng Tây Nguyên nói chung, cho vùng Sơđang xa xôi nói riêng: bị cô lập, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, thiếu thốn mọi thứ về tiền của, lương thực, thuốc men, kể cả rượu lễ và bột làm bánh lễ. Cha Doursiboure tâm sự:

“Ôi nhờ ơn Chúa, không phải nghèo khó, thiếu thốn vật chất làm cho tôi lo âu. Dẫu thế, sau một thời gian vá víu lại các quần áo cũ, tôi đã phải mặc rách rưới như kẻ ăn xin (…). Rồi vì sợ đường giao thông bị cắt đứt, tôi đã phải dè xén từng tí bột mì, từng chút rượu nho. Chỉ các ngày Chúa Nhật và một vài ngày lễ trọng tôi mới dâng Thánh lễ”[35].

2. Cha Verdier qua đời (4-1861)

Một tai hoạ xảy ra tại vùng Sơđang: Cha VERDIER bị bệnh suy nhược ngày càng tồi tệ hơn. Ngài không thể xê dịch, bị liệt phải chuyển về Rơhai an dưỡng. Vì cuộc chiến, nên các cha  không thể chuyển ngài về Trung Châu, để đưa ngài đến Tân Gia Ba chữa trị được. Cuối cùng, thấy không còn sống bao lâu nữa, ngài nói với Cha Dourisboure lúc đó là bề trên vùng truyền giáo:

“Vì Chúa muốn tôi chết bây giờ, tôi xin vâng theo Thánh Ý Chúa, nhưng tôi muốn được chết giữa giáo dân con cái của tôi”[36].

Ngài từ trần tháng 4-1861 và được mai táng bên cạnh em GIUSE NGUI trong cánh rừng ở KONTRANG.

3. Bệnh đậu mùa (1864)

Dưới sức ép của quân Pháp, một Hoà ước Sài Gòn ngày 5-6-1862 được ký kết giữa Pháp và Triều đình Huế. Cuối năm 1862, nhân ngày sinh nhật của vua Tự Đức, một chiếu chỉ “Ân xá” được công bố[37].

Nhờ tạm dứt cuộc bách hại, Cha Dourisboure xuống Trung Châu và vào Sài Gòn. Cha gặp một linh mục thừa sai: Cha Besombes. Cha Besombes lên vùng Tây Nguyên năm 1863 trong khi đó Cha Dourisboure ở lại Sài Gòn dưỡng bệnh, giúp một họ đạo ở cảng Sài Gòn từ tháng 4-1864 đến tháng 9 cùng năm. Ngài trở về lại Tây Nguyên và gặp một thử thách lớn cho toàn vùng: bệnh đậu mùa.

Bệnh đậu mùa kéo dài gần 2 năm[38] đã giết chết hầu hết nửa số cư dân, trong đó có hơn 1/3 số giáo dân. Tai họa này hầu như người thượng chưa hề nghe biết đến bao giờ, chỉ có những người già nghe nói đến mà thôi. Nguyên nhân bệnh là do người giáo dân kinh ở An Sơn (An Khê ngày nay) vì nghèo khổ đã đến Rơhai xin làm ăn, lúc đó chỉ có Cha Hoà ở họ KOTUM, còn Cha DO vừa đi Trung Châu. Mỗi cổng ra vào làng bị đóng kín. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn lan tràn khắp nơi, đến vùng Jơlơng, cả Kon Kơxâm, dù đã được hai linh mục cố gắng ngăn ngừa cũng không thoát nạn, kể cả Cha Besombes cũng trở nên nạn nhân của nó.

Bệnh lan đến vùng bắc Kontum. Người Sơđang cho rằng nguyên nhân bệnh là do Đạo, do người có đạo. Vì thế, họ nhất định sẽ đi trừng trị Rơhai. Họ tổ chức 3 đợt đột kích, nhưng đều thối lui vì họ gặp “điềm xấu”. Sự hận thù này ảnh hưởng rất tai hại đến cộng đoàn tín hữu nhỏ bé tại Kontrang, trong lúc không có linh mục phụ trách tại chỗ.

Nhưng sau này, những người muốn tấn công Rơhai nhận thấy việc mình làm là sai trái và bất chính. Do đó, theo họ nghĩ các “yang” không ưng thuận cho họ tấn công Rơhai. Họ trở nên thần tình và muốn tòng giáo.

4. Số linh mục trên vùng Tây Nguyên

Vì thời cuộc phức tạp: lúc bị cấm cách, có khi tình thế hoà hoãn, nên số linh mục lên vùng Tây Nguyên bị giới hạn.

Từ năm 1861-1875:

Không kể một số linh mục đến trước năm 1861 như Cha Dourisboure, Cha DO, Cha Hoà, Cha Bảo. Các cha sau đây đến sau 1861:

+ Cha Besombes KÍNH đến năm 1863, phụ trách vùng Jơlơng tại Sơlăng và qua đời ngày 16-8-1867 tại Sơlăng.

+ Cha ĐẠT người Việt Nam đến năm 1867 thay Cha Desombes cho đến năm 1871.

+ Cha Suchet CẢNH đến năm 1868 và sống trên vùng đất Tây Nguyên chỉ có 3 tháng, đã lâm bệnh và qua đời.

+ Cha Hugon XUÂN đến vùng Truyền giáo năm 1873[39], ở Rơhai thay Cha DO đang lâm bệnh nặng buộc lòng phải về Trung Châu và qua đời tại Đồng Hâu.

Cha Vialleton TRUYỀN đến năm 1875, phụ trách làng Kontum thay Cha Hoà.

Cộng đoàn Kontrang không có linh mục thay thế sau khi Cha Verdier qua đời năm 1861. Sau 13 năm (1874), Cha Bề trên sai một thanh niên Công giáo người kinh lên là SỰ đến điểm truyền giáo KONTRANG giúp đỡ giáo hữu tại đó.

Từ năm 1875-1884

+ Năm 1875, Cha Poirier lên vùng Sơđang, phụ trách Kontrang sau 14 năm thiếu linh mục. Nhưng năm sau, ngài về đảm nhận địa sở BẦU GỐC (Quãng Ngãi). Ngài được diễm phúc tử đạo ngày 16-7-1885, trong ngôi thánh đường cùng một số giáo dân bị hoả hoạn.

+ Cha ROGER KÍNH lên thay Cha Poirier tháng 6-1876. Ngài cố gắng xây dựng lại Kontrang. Ngài phục vụ tại đây 8 năm.

Công cuộc truyền giáo cho người Sơđang trong giai đoạn này như dẫm chân tại chỗ. Vì hoàn cảnh thời cuộc phức tạp, do mê tín dị đoan, cũng như tâm tính khó mà vào khuôn phép giới luật Chúa đòi hỏi, chưa kẻ những khó khăn thiếu giao thông mất an ninh, nên người Sơđăng chưa mạnh dạn xin tòng giáo.

Tuy nhiên, Cha Roger rất cố gắng quy tụ và tổ chức cộng đoàn, nhất là dạy giáo lý cho trẻ em. Vào dịp Đức cha Galibert viếng thăm mục vụ vùng truyền giáo dân tộc (1880), Cha Roger ở Kontrang và Soubeyre ở Kon-Jơdreh dẫn 600 tân tòng đến chào Đức cha. Anh em dân tộc vui mừng, phấn khởi, tác động mạnh vào đức tin sống động nhờ hình ảnh của vị chủ chăn[40].

Để hiểu rõ cuộc đời của Cha Roger và sau đó, chúng ta thấy được những công việc ngài làm, những thử thách ngài chịu, cũng như những tâm tình của người phụ trách như thế nào, qua bản báo cáo trong Compte rendu MEP năm 1884, tr. 107tt:

“Vùng cư dân Bahnar trong năm này còn gặp những thử thách nặng nề do cái chết của Cha Roger, người đã làm việc ở đây 8 năm” (x. tr. 107).

“Cha Roger đến miền truyền giáo trong năm 1875 và sau vài tháng ở Việt Nam để học tiếng, ngài được Đức cha Chabonnier gởi lên vùng dân tộc (…). Tâm tính thật thà, trung thực, quảng đại, ngài càng bình dị, chịu đựng và sẵn sàng đón nhận tất cả từ bàn tay Thiên Chúa đã thương trao phó nhiệm sở vinh dự này. Trung thành với bổn phận như một linh mục cũng như xưa kia đã trung thành như một chiến binh, cha biết kiên trì đến cùng trong các trận chiến của Chúa. Rất nhiều lần bị thử thách do bệnh tật, những khổ tâm không làm cho ngài lùi bước. Ở giữa các cư dân hững hờ và ít thích hợp để đón nhận Tin Mừng, người đã nhận thấy những năm tháng vắn vỏi của công tác tông đồ của ngài (…). Những điều đó không làm cản trở ngài giữ vững được sự thanh thản tâm hồn và luôn chứng tỏ lòng chân thành của ngài với Thiên Ý. Nên chúng tôi hy vọng sau chuỗi ngày truyền giáo cực khổ, ngài sẽ lãnh phần thưởng trên thiên quốc nhờ các công việc, những cố gắng của ngài ở giữa đoàn chiên nhỏ bé và hửng hờ, đã được trao cho ngài. Xin vâng, xin vâng”[41].

+ Năm 1877, Cha NGUYÊN linh mục Việt Nam lên Tây Nguyên phụ trách Rơhai, thế chỗ cho cha DO về Trung Châu từ 1872. Cha SOUBEYRE đến phụ trách vùng Kon-Jơdreh (Kon-Mơnei), thay thế cha Dourisboure vừa rời khỏi vùng Truyền giáo thân yêu vào năm 1879. Nhưng năm 1880, Cha Soubeyre qua đời tại nhiệm sở của ngài. Cha CHABAS đến Kon-Jơdreh vào năm 1882 thay Cha Soubeyre, nhưng một năm sau ngài thình lình chết (1882)[42] và người ta tin rằng ngài bị bỏ thuốc độc[43].

+ Cha Guerlach CẢNH đến An Khê vào thứ 7 ngày 30-12-1882. Qua ngày sau, ngài đến Tơuer gặp Cha Vialleton và Cha Roger, tay bắt mặt mừng, cùng nhau vào nhà nguyện hát bài Tạ ơn Chúa.

Trong thời gian này, trên vùng truyền giáo chỉ còn một linh mục Việt Nam là Cha NGUYÊN, 3 linh mục thừa sai: Cha Vialleton (Bề trên), Cha Roger và Cha Guerlach.

Cuối năm 1883, Cha Irigoyen đến vùng truyền giáo dân tộc, đảm nhận vùng cư dân Sơđang, mở đầu một giai đoạn triển vọng, thu đạt nhiều thành quả trong công việc truyền giáo.

CHƯƠNG BỐN

TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO KONTRANG THỜI KỲ TRIỂN VỌNG (1884-1905)

CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ

Cha IRIGOYEN HƯƠNG đến Việt Nam năm 1883 và lên vùng truyền giáo dân tộc ngày 25-12-1883, nhằm vào ngày thứ ba, LỄ GIÁNG SINH. Theo ý của Đức Cha địa phận, Cha Irigoyen lên thay Cha NGUYÊN đang bị bệnh. Nhưng thình lình Cha ROGER qua đời năm 1884, nên Cha Bề trên cho lên thay cha vừa qua đời ở Kontrang[44]. Như vậy, vào thời điểm này, ngoài một linh mục Việt Nam là Cha NGUYÊN, có 3 linh mục thừa sai: Cha Vialleton, Cha Guerlach và Cha Irigoyen.

Trong thời gian này, tình hình chính trị càng phức tạp và ảnh hưởng xấu cho vùng Sơđang. Tuy nhiên, với những cố gắng của Cha IRIGOYEN HƯƠNG, dần dần các làng Sơđang xin tòng giáo, để rồi chuẩn bị thành lập các địa sở trong giai đoạn kế tiếp.

I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ (1884-1905)

1. Tình hình hoà hoãn giữa Triều đình Huế và quân Pháp không kéo dài được lâu, vì một mặt chính sách của Triều đình Huế không nhất khoáng và thái độ còn muốn lập bang giao với nhiều nước Tây phương để tỏ mình độc lập, làm cho Pháp nghi ngờ và bực mình. Pháp trách Triều đình Huế không tuân giữ Hoà ước đã ký (Nhâm Tuấn 1862; Giáp Tuất 1874)… Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra.

Tình hình quốc nội trở nên căng thẳng và gay cấn, khi Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai (tháng 4-1882). Được thêm quân, Rivière đánh chiếm Hòn Gay (12-3-1883), đánh Nam Định (25-3-1883). Hậu quả của vụ đánh chiếm này của quân Pháp là tình thế hoà hoãn nổ ra thế tấn công. Khâm sứ Rheinart rời bỏ Huế vào Sài Gòn. Sau khi Rivière tử trận, Thủ tướng Pháp Jules Ferry khởi xướng việc phục thù, được Quốc hội Pháp thuận. Sự bang giao hai bên bế tắc: lãnh sự Việt Nam Nguyễn Thành Y rời khỏi Sài Gòn. Giữa lúc đó, vua Tự Đức băng hà (18-7-1883).

Triều đình Huế lâm vào rối loạn. Giờ đây Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đổi tờ di chúc, tôn Lạng Quốc Công lên làm vua, là Hiệp Hoà.

2. Duới áp bức của quân đội Pháp trên đất Bắc và Cửa Thuận An[45], Nguyễn Trọng Hiệp được cử xuống Thuận An xin điều đình. Hoà ước 25-8-1883 (Quý Mùi) đặt Việt Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp: Bình Thuận thuộc Nam Kỳ; Triều đình Huế cai trị từ Khánh Hoà ra đến đèo Ngang; các tỉnh phía Bắc Kỳ đều có Công sứ pháp kiểm soát các quan Việt Nam. Sau đó, Hoà ước Giáp Thân (6-6-1884), Triều đình Huế công nhận quyền bảo hộ của Pháp[46].

3. Trước tình hình mất nước như vậy, các quan lại, sĩ phu đứng lên chống Hoà ước Giáp Thân. Trong Triều đình Huế, vua Hoà Hiệp bị buộc uống thuốc độc chết[47]. Vua Kiến Phúc lên ngôi hơn 6 tháng, đến ngày 30-4-1884 (nhằm 6-4 Giáp Thân) mất vì bệnh[48]. Vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau khi vua Hàm Nghi khởi quân đánh Pháp bị thất bại, nhà vua và Tôn Thất Thuyết chạy lên vùng núi Quảng Trị kêu gọi Cần Vương chống Pháp.

4. Các sĩ phu lấy khẩu hiệu “Bình tây sát tả”. Cao trào sát hại người Công giáo lan rộng và tàn bạo vào tháng 7-1885. Cuộc tàn sát người Công giáo tại Địa phận Đông Đàng Trong bắt đầu ngày 17-7-1885. Họ đạo Trung Tín bị bao vây, lan đến phía nam đến địa sở Làng Sông ngày 4-8-1885. Tối hôm đó, Toà Giám mục, chủng viện với ngọn lửa bốc cao, thiêu huỷ toàn bộ các cơ sở tôn giáo. Cuối năm 1885, nhóm Văn Thân kéo lên gieo rắc kinh hoàng, đốt phá nhà thờ và nhà giáo dân ở rải rác họ đạo Chợ Đồn (An Khê). Từ đó, họ chuẩn bị tiến quân lên miền truyền giáo Tây Nguyên. Cha Bề trên Vialleton Truyền và Cha Guerlach Cảnh tìm phương thức ứng phó. Tai nạn khủng khiếp xảy ra toàn Địa phận Đông Đàng Trong thật to lớn và nặng nề[49].

Số giáo dân thoát nạn Văn Thân chạy lên được vùng Truyền giáo Tây Nguyên tá túc tại các xứ đạo Kon Jơdreh, Kontum và Kontrang. Số giáo dân này ngày càng gia tăng, lập thành họ đạo người kinh như gần Kontrang họ đạo kinh có tên là NGÔ TRANG từ năm 1885. 

II. CHÍNH SÁCH PHÁP TẠI VÙNG TÂY NGUYÊN NÓI CHUNG VÀ TẠI VÙNG SƠĐANG NÓI RIÊNG (1884-1905) 

Chiến lược chiếm toàn bộ Đông Dương của Pháp rất tinh vi, chậm mà chắc. Vùng Sơđang là một trong những trọng điểm của chiến lược đó. Nó ảnh hưởng tai hại đến việc truyền giáo của các vị thừa sai.

1. Trước năm 1885, Pháp chưa đặt nền bổ hộ vững chắc tại Việt Nam, nên toàn vùng truyền giáo Banhnar chưa có sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của thực dân Pháp. Do đó, các vị thừa sai phải đảm nhận mọi phương diện nhằm mục đích duy nhất là RAO GIẢNG TIN MỪNG cho các dân tộc, nâng cao phẩm giá và tiến bộ con người.

2. Năm 1889, dưới áp lực của nhóm thực dân, Bộ Ngoại giao Pháp đã chấp nhận một chiến lược âm thầm sự hiện diện tiên khởi ở bờ phía đông sông Mêkông. Nhiệm vụ phối hợp thám hiểm thu thập dữ kiện pháp lý, lịch sử và thiết lập một mạng lưới các quày mậu dịch thông qua đường ấy, được giao phó cho Auguste Pavie, một đại diện lãnh sự Pháp ở Luang-Brabang đảm trách.

Mayréna (1888-1890), Pavie (1889) và một số nhà vẽ bản đồ hoặc quân sự khác đã dựa vào uy tín cũng như sự hiểu biết của các vị thừa sai[50] để thực hiện ý đồ. Nhờ những kết quả của nhà thám hiểm Pavie mà vùng Tây Nguyên nói chung, vùng Sơđang nói riêng thoát khỏi vòng kiềm kẹp của Xiêm và giữ được mảnh đất Tây Nguyên lại cho Việt Nam như ngày nay.

3. Nhưng từ khi quân Pháp đặt đồn bót trên vùng Tây Nguyên, nhất là khi Tây Nguyên còn là một phần thuộc Hạ Lào, thì đặt đồn tại vùng người Sơđang là điều quan trọng về mặt an ninh đối với Pháp. Tuy nhiên, cũng từ đó nhiều vấn đề tổn hại đến thanh danh tôn giáo, cản bước đường truyền giáo: những bất công, tàn bạo của quân đội Pháp gây ra cho người tín hữu Sơđang, làm cho họ nghi ngờ mục đích của các vị thừa sai. Nhiều vụ đột kích của người Sơđang vào đồn Pháp như vụ giết đồn trưởng Robert trên bờ sông Pxi (1901), sau đó tấn công Cha Kemlin Văn, Cha Bonnal Bổn… Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này theo từng giai đoạn lịch sử phát triển các địa sở. 

III- CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CÁC ĐỊA SỞ VÙNG SƠĐANG (1884-1905) 

Công cuộc truyền giáo vùng Sơđang nhiều triển vọng nhờ Cha Irigoyen HƯƠNG, một linh mục đạo đức, khôn ngoan và nhân ái.

Trong phần này chúng tôi sẽ trình bày:

A. Con người linh mục IRIGOYEN HƯƠNG và các vị thừa sai vùng Sơđang

B. Những vấn đề các vị thừa sai phải chịu

C. Thành quả công cuộc truyền giáo của Trung Tâm KONTRANG 

A. CON NGƯỜI LINH MỤC IRIGOYEN HƯƠNG
    VÀ CÁC VỊ THỪA SAI VÙNG SƠDANG (1884-1905)
 

1. Giữa năm 1884, Cha Roger ở Kontrang qua đời, Cha Bề trên sai Cha Irigoyen Hương lên Kontrang thay thế. Kontrang một làng người Sơđang khá đông đúc, nhưng khi cha lên vào cuối năm 1884, chỉ có 20 người tòng giáo. Nhờ công sức người dạy dỗ, cảm hoá, giải thích ý nghĩa đích thực của đạo, cũng như phân biệt người truyền giáo đích thực và thực dân Pháp, dần dần dân làng cảm mến lối sống và xin tòng giáo. Ngài còn truyền giáo vùng Hamong, Dak-Drei và Kon-Bơban.

2. Năm 1885, nạn Văn Thân chém giết các người Công giáo vùng Trung Châu và An Sơn (An Khê). Số nạn nhân trốn thoát lên được miền dân tộc khá đông và được các cha lo lắng. Một số người kinh đến Kontrang và dần lập nên họ đạo NGÔ TRANG[51].

Nạn Văn Thân ảnh hưởng xấu đến vùng truyền giáo: 18 tháng bị tuyệt đường giao thông, bị túng thiếu đủ mọi mặt vì phải lo cho số đông người tị nạn cùng khốn này.

Sau nạn Văn Thân, Cha Irigoyen truyền giáo phía bắc: năm 1891, Kon Hơring xin phá yang. Cha Irigoyen và Cha Guerlach đến phá Yang, dạy giáo lý cho họ. Có 3 làng lớn xin tòng giáo: Dak-Kơdem xin tòng giáo ngày 5-8-1897; Dak-Kơdung và Dak-Kơteng xin tòng giáo ngày 5-8-1897. Ngài chia những làng này thành những làng nhỏ:

+ Dak Kơdem thành: Kontrang KEP, Dak Rơchăt, Kontrang Kơla

+ Dak Kơdung thành: Kontrang Mơnei, Kontrang Long-Loi

+ Dak Rơteng thành: Dak Rơteng Kla và Dak Rơteng Cho (cũng gọi Dak-Rơteng Kơtu)

Ngoài ra Dak-Tô tòng giáo năm 1897

3. Tháng 3-1899, Cha KEMLIN VĂN lên Kontrang phụ giúp cho Cha Irigoyen. Nhưng ngày 6-10-1899, Cha Kemlin về lại phụ trách vùng Hamong, đảm nhận vùng cư dân Rơngao. Dak-Kang Peng tòng giáo năm 1902; Dak Kang Iop (1903). Năm 1904, Cha BONNAL Bổn, một linh mục trẻ lên vùng Sơđang. Cha Irigoyen gửi Cha lên KON-HƠRING và truyền giáo vùng cực bắc (chúng tôi sẽ trình bày trong chương V, địa sở DAK-KƠNA).

Năm 1905, Cha DUCATEAU QUẢNG lên phụ giúp Cha IRIGOYEN. Ngài để Cha Ducateau tại điểm truyền giáo Kontrang. Phần ngài, ngài mở rộng vùng truyền giáo Kontrang. Ngài không ở một nơi nhất định, mà đi truyền giáo mỗi nơi một thời gian cần thiết[52]

B. NHỮNG VẤN ĐỀ CÁC NGÀI PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU

1. Như đã trình bày trong phần trên, công cuộc truyền giáo tại vùng Sơđang đa dạng, phức tạp, cực kỳ khó khăn mà các linh mục thừa sai phải đương đầu và giải quyết. Sau đây, chúng tôi xin ghi lại nhận xét và phương hướng chung của Đức cha Galibert vạch ra và thực thi như thế nào.

“Sau cuộc hành trình này, tôi[53] hoàn toàn xác tín rằng: cần và cần cấp bách thiết lập vài trạm trung gian giữa Việt-Nam và các cư dân Bahnar. Khi các trạm này xây dựng xong, con đường lưu thông sẽ đảm bảo hơn. Các linh mục cũng có thể chuyển lên miền rừng núi của họ những đồ dùng cần thiết nhất, mà các ngài thiếu thốn cho đến ngày nay, do tình trạng đường giao thông tồi tệ và mất an ninh”.

“Tôi cũng hiểu rõ những khó khăn mà công cuộc truyền giáo gặp phải nơi các cư dân này. Ngoài khí hậu bệnh tật trong miền mà tôi coi như cản trở đầu tiên và lớn nhất cho lòng hăng say của các vị thừa sai, còn tính khí tự nhiên kiêu kỳ của người dân tộc rất khó uốn nắn theo lời huấn đạo lòng tin, tính phóng khoáng ít hoà hợp với việc thực hành Công giáo và hiểu thấu được các chân lý của đạo giáo; hơn nữa mỗi một vị thừa sai chỉ có thể giảng dạy trong một làng mà thôi, vì các bộ lạc và buôn làng thù nghịch nhau hầu như thường xuyên liên tục; nếu ngài muốn thực thi mục vụ nơi khác, con chiên trước chẳng mấy chốc nhìn ngài như kẻ thù và không còn nghe ngài nữa”[54].

Chính vì yêu cầu truyền giáo mà các vị thừa sai đã vận động các buôn làng liên kết với nhau thành những “TƠRING”, từng khu vực hay cả những dân tộc khác nhau. Vai trò của Cha Irigoyen rất quan trọng trong việc vận động, giải thích, hòa giải các người Sơđang thấu hiểu những ích lợi việc liên minh cần thiết và hữu ích cho họ như thế nào. Đa số buôn làng người Sơđang chấp nhận[55].

2. Người Pháp đặt đồn bót trên vùng Sơđang

Vào cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX này, quân đội Pháp đã gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho công cuộc truyền giáo, nhất là vùng Sơđang, khi họ đặt các đồn lính tại đó.

Lối cư xử bất công với các làng Công giáo như: bắt làm tạp dịch, cung cấp lương thực cho các đồn bót, hoặc đời sống bất chính của quân Pháp, đóng thuế… là những nguyên nhân làm cho người dân tộc nói chung, nhất là người dân tộc có đạo nói riêng ca thán, oán trách, bất mãn “quân Pháp” và các vị thừa sai bị vạ lây. Những cuộc hành quân man rợ, phá hoại dân làng của Pháp đã gây tức tối chống đối bằng vũ lực nơi vùng Sơđang. Một thủ lãnh người dân tộc nói với Cha Guerlach như sau:

“Trước kia, chúng tôi yêu quý các ông, vì các ông làm điều tốt cho chúng tôi, nhưng bây giờ các ông “quan” đến sau các ông đã chiếm đất đai của chúng tôi và bắt chúng tôi đóng thuế, phạt tiền của chúng tôi. Vì thế chúng tôi không ưa thích các ông đến với chúng tôi nữa, vì chúng tôi sợ các ông đem các ông “quan” đến lấy của cải tài sản, hàng buôn bán của chúng tôi”[56].

Oán hận dâng cao và bộc lộ qua vụ giết ông đồn trưởng Robert ở đồn gần sông Psi.

Đồn này thiết lập năm 1901 trên bờ sông Psi, phụ lưu sông Pơkô, do ông Castanier, công sứ Attopeu, phía bắc vùng truyền giáo của Cha Kemlin Văn. Đồn nhằm mục đích đóng thuế và trấn ngự con đường phía nam thuộc cư dân Sơđang xâm nhập cướp phá Trung Châu và ngăn chận đường xâm nhập của con buôn nô lệ.

Cuối tháng 5-1901, một ông chủ làng Kon-Kơtu gần đồn, báo cho đồn trưởng biết vụ đột kích của người Sơđang đang âm mưu sẽ thực hiện. Ông Robert đề phòng nhất là vào giờ đêm khuya. Nhưng toán người Sơđang đột kích vào ngày 29 lúc 9 giờ sáng, khi toán linh không đề phòng. Ông đồn trưởng Robert bị trọng thương và vài ngày sau bị chết.

Sau khi phá huỷ đồn này, toán người Sơđang quay lại chống đối các vị thừa sai cả vùng Kontum, đặc biệt vùng Sơđang. Họ tấn công Cha Kemlin đang ở  Dak-Drei. Mỗi đêm, đàn bà con nít trong họ đạo phải trốn qua bờ bên kia sông. Tình trạng báo động suốt từ ngày 10-6-1901 đến ngày 13-4-1902. Ngày 24-11-1901, vào 5 giờ sáng, Cha Kemlin bị 450 người Sơđang vũ trang tấn công, nhưng bị đẩy lui[57].

Những vụ tấn công của người Sơđang vào cha Bonnal BỔN tại Đak-Kơna cũng do sự hận thù của họ đối với những việc bất công của đồn lính Pháp tại Dak-Tô gây ra (chúng tôi sẽ ghi chi tiết hơn về vụ này ở phần sau).

Trước những bất công, đàn áp của quân lính Pháp đối với anh em dân tộc, nhất là đối với người Công giáo, đã gây ra thiệt thòi, cản trở công cuộc truyền giáo. Một số người bỏ đạo, số khác không tin vào các vị thừa sai và đạo nữa. Cha Irigoyen phụ trách vùng Sơđang cảm thấy đau khổ, lo lắng trước tình trạng truyền giáo trong vùng. Một mặt người khuyên nhủ, phân tích và sống đời đạo đức, nhân ái giữa cộng đoàn người tín hữu Sơđang; mặt khác ngài can thiệp, tỏ thái độ phản đối lối hành động của một số người Pháp, nhất là những người trong quân đội Pháp. Dần dần, người Sơđang nhận được chân lý lẽ phải. Những làng vũ trang chống các vị thừa sai, dần dần xin tòng giáo. Thành quả này thể hiện qua sự hình thành các địa sở trong vùng.

C. THÀNH QUẢ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO VÙNG SƠĐANG

Chính nhờ đời sống tốt lành, khôn ngoan và nhân ái của Cha Irigoyen HƯƠNG đối với anh em dân tộc, đồng thời nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Trung tâm Truyền giáo KONTRANG đã đạt được nhiều thành quả to lớn không ngờ. Như vết dầu loang, các vùng lân cận như Hamòng, nhất là vùng bắc Kontrang dần dần tự ý đến xin “phá yang”, và xin học đạo, tòng giáo. 

Còn tiếp

-----------------------------

[32] Năm Tự Đức nguyên niên, một chiếu chỉ ban hành hồi tháng 8 nhằm bắt bớ các nhà truyền giáo ngoại quốc (x. L.E. Louvet, “La Cochinchine - Religieuse”, Paris 1885, q. II., tr. 173-174).

Năm 1851 là năm Tụ Đức thứ tư, một tờ dụ cấm đạo lần hai (x. Trần Trọng  Kim, “Việt Nam sử lược”, in lần thứ năm, Tân Việt, tr. 487).

[33] x. L.E. Louvet, sđd, tr. 251.

[34] A. Launay, “Histoire générale de la Société de Mission Etrangère”, Paris 1894, Q. III., tr. 413-414.

[35] x. Dourisboure, sđd, tr. 245.

[36] x. Dourisboure , sđd, tr. 244-245.

[37] L.E. Luovet, sđd, tr. 310-312.

[38] Việt theo Doursiboure, sđd, chương XXVI, tr. 254tt.

KONTRANG ở đây là nơi đã dời làng vào cuối năm 1852, nay gần Ngô Trang, vùng làng KONTRANG HO hoặc KONTRANG KEP ngày nay, thuộc xã Dak-Kơla.

[39] x. Compte rendu MEP năm 1875, tr. 35, và năm 1877, tr. 32 và tr. 61.

[40] x. Compte rendu MEP năm 1880, tr. 63-64.

[41] Compte rendu MEP năm 1884, tr. 199.

Cha Pascal Phanxicô ROGER sinh tại Benoist-Vill, thuộc Giáo phận Constances ngày 21-11-1849. Lãnh nghi thức cắt tóc 26-2-1873; thụ phong linh mục 22-5-1875 và vào Địa phận Đông Đàng Trong ngày 30-6 cùng năm. Qua đời năm 1884 tại Kontrang.

Theo Echos của Kontum tháng 4-1944, ngày qua đời của Cha Roger là 15-5-1884.

[42] x. Compte rendu MEP năm 1882, tr. 125.

[43] Annales MEP năm 1882, tr. 289.

[44] Annales id, tr. 289.

Theo Echos de Mission tháng 4-1944, Cha Irigoyen lên vùng Truyền giáo có 20 tín hữu vùng

Sơđang.

[45] Trần trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ 2, Tân Việt, tr. 532-542.

[46] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 542.

[47] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 656.

[48] Trần Trọng Kim, sđd, tr. 542.

[49] Guerlach, L’Oeuvre néfaste, Sài Gòn 1908, tr. 59: 8 vị thừa sai bị giết; 5 linh mục bản xứ, 60 thầy giảng, 170 nữ tu Mến Thánh Giá và hơn 24.000 giáo dân bị giết; 225 nhà thờ, cô nhi viện, nhà xứ bị tán phá; tất cả các nhà giáo dân bị phá trong 6 tỉnh thuộc địa phận Đông Đàng Trong.

[50] Patrick J.N Tuck, sđd, tr. 573-574.

Xem thêm J.B. Guerlach, sđd, tr. 93tt và tr. 129tt.

[51] x. Echos tháng 7-1945.

[52] x. Nguyệt san Chức dịch thư tín, tháng 5-1935, tr. 297-298; x. Compte rendu 1935, tr. 320;  x. Bulletin MEP 1935, tr. 380.

Cha Irigoyen sinh ngày 21-11-1866 tại Montery, Bayonne, Pháp; vào Hội Thừa sai 22-7-1880; thụ phong linh mục ngày 19-5-1883, đi Việt Nam 20-6-1883; đến Việt Nam 23-8-1883; lên vùng truyền giáo 25-12-1883. Qua đời 21-4-1935 tại Phương Hoà.

[53] Đức CHA Galibert đi kinh lý vùng Bahnar đầu năm 1880.

[54] Compte rendu MEP 1880, tr. 65.

[55] J.B. Guerlach, sđd, tr. 98tt.

[56] J.B. Guerlach, sđd, tr. 113-114.

[57] Id., tr. 120-121. Xem thêm tiểu sử “R. Père Kemlin”, 1875-1925, nhà in Quinhơn, tr. 4-5.

Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
In ngày: 19/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print