Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (1)
Bản tin ngày: 25/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Lời nói đầu

Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm sống rằng nhờ lời cầu nguyện cá nhân, tức đời sống tương giao thường xuyên và thân mật với Chúa, họ được nâng đỡ đứng vững trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thử thách và đau khổ, cả những thử thách và đau khổ gây nên bởi những người đáng ra phải hiểu, phải bênh vực và nâng đỡ mình.

Vây bạn hãy cố gắng giữ sự hài hoà giữa đời sống cầu nguyện chung, đời sống cầu nguyện cá nhân và cuộc sống thường nhật với bổn phận và công việc riêng của mỗi người. Có những người rất đạo đức và vững vàng khi còn ở chung trong môi trường đào tạo, nhưng khi va chạm thực tế và sống một mình giữa đời, hay không còn chịu sự kiểm soát của những người đào tạo có quyền cho tiến hay bắt phải lùi thì lại rất khác.

Vậy, dù đang sống cộng đoàn, bạn cũng hãy tự ra kỷ luật cho mình: Phải có một nếp sống đạo đức cá nhân tự nguyện và bền vững. Có ai hay không có ai, mặc! Bạn vẫn giữ liên lạc và đời sống cầu nguyện cá nhân với Chúa. Được hiểu hay không được hiểu, được ủng hộ hay bị chống đối, vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, mặc! Vẫn liên lạc với Chúa bằng đời sống cầu nguyện cá nhân, bạn sẽ nhận được một sức mạnh nâng đỡ lạ lùng, bạn không thể hiểu khi nhìn lại, sức mạnh mà Thánh Phaolô xác quyết là “chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Bạn hãy luôn kiên trì làm việc bổn phận và cầu nguyện cá nhân. Nhiều người phải ra đi hay sống một đời tu không hạnh phúc, vì thiếu sót nhiều trong hai bổn phận tiên quyết này. Phải, bạn đừng bao giờ bỏ việc bổn phận, cũng như đừng bao giờ viện dẫn bất cứ lý do gì để bỏ cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cá nhân, vì không có ai khác có thể làm thay cho bạn được. Trong cuộc đời con người, có những cái phải tựa vào nhau mà sống, nhưng có những cái cũng phải cố “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Việc bổn phận và đời sống kết hợp với Chúa sẽ giúp bạn tìm được sức mạnh nâng đỡ nơi chính Chúa. Ngài biết tất cả, nghe tất cả, thấy tất cả, hiểu tất cả. Ân sủng và tình yêu của Ngài mạnh hơn tất cả, mạnh hơn tình yêu và sự chết của bạn. Lòng của Ngài lớn hơn lòng bạn, lớn hơn thử thách và đau khổ của bạn, lớn hơn cả tội lỗi của bạn và Ngài sẽ không hề bỏ bạn.

Nếu bạn không tương giao với Chúa bằng đời sống cầu nguyện cá nhân và kiên bền chu toàn bổn phận, bạn làm sao nhận được tất cả những thứ cần thiết đó để trụ vững trước phong ba bão táp, trước những chống đối kịch liệt mà Chúa Giêsu đã khuyến cáo rằng những kẻ làm cho bạn như thế tưởng là làm vinh danh Chúa, với tinh thần tin yêu và lạc quan?

Đó là kinh nghiệm và cũng là lý do tôi gửi đến bạn tập sách nhỏ “Cầu nguyện cá nhân, bí quyết tình yêu và vui sống’’ này, viết theo cuốn “Ta prière, un secret d’amour’’ của Cha Jean-Marc Bot, do Nhà Xuất bản Le Sarment. Ước mong những trang sách này góp phần vào quyết tâm không bao giờ thay đổi của bạn: “Luôn liên kết với Chúa bằng đời sống bổn phận và cầu nguyện cá nhân”.

Tuy nhiên, cuộc sống nào cũng có những bước thăng trầm của nó, đó là thân phận con người hèn yếu mà Thánh Phaolô đã diễn tả: “Có những điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm được; lại có những điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm”. Bạn hãy trao vào lòng nhân lành của Chúa tất cả và cứ tin tưởng bắt đầu lại mỗi ngày: càng sống đời linh mục, bạn sẽ trở thành linh mục hơn; càng sống đời tu sĩ, bạn sẽ trở thành tu sĩ hơn; càng sống đời tông đồ, bạn sẽ trở thành tông đồ hơn; càng sống đời Kitô hữu, bạn sẽ trở thành Kitô hữu hơn.

Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

VÀO ĐỀ

Trưa nào cũng thế, một ông già đáng thương đi vào nhà thờ, rồi ít phút sau lại trở ra.

Một hôm, ông từ đem lòng khả nghi chận hỏi ông già, xem ông vào nhà thờ làm gì, vì trong nhà thờ có nhiều đồ gỗ quý. Ông già thản nhiên đáp:

- Tôi đến cầu nguyện.

- Tôi không hiểu ông cầu nguyện sao mà nhanh thế!

- Ồ, ông biết, tôi không có khả năng đọc một kinh dài. Nhưng cứ mỗi buổi trưa, tôi đến trong nhà thờ này và tôi chỉ nói: “Lạy Chúa Giêsu, con là lão già Tương Lai đây”. Một phút sau, tôi ra về. Đây chỉ là một lời cầu nguyện nhỏ bé ngắn ngủi, nhưng tôi tin chắc Ngài nghe tôi.

Ít hôm sau, vì một tai nạn, ông già Tương Lai được đưa vào bệnh viện, ở chung phòng với nhiều người. Ông già đã gây được một ảnh hưởng lạ lùng lên những người chung quanh: các bệnh nhân hay cau có nay lại trở nên vui vẻ, và lắm khi cười vang khắp cả phòng.

Một hôm, lấy làm kinh ngạc, sơ y tá hỏi ông già:

- Này ông Tương Lai, các bệnh nhân đánh giá ông là người đã tạo nên thay đổi bất ngờ ở trong phòng này. Họ bảo rằng lúc nào ông cũng vui vẻ.

- Đúng vậy, thưa sơ. Tôi không thể nào cầm mình không vui được. Sơ biết, đó là nhờ người khách đến thăm tôi mỗi ngày. Người đến thăm làm cho tôi rất hạnh phúc.

Sơ y tá ngạc nhiên:

- Tôi có thấy người khách nào đến thăm ông mỗi ngày đâu!

Nói thế, vì sơ thấy rằng chiếc ghế cạnh giường ông Tương Lai luôn luôn bỏ trống, và ông là một ông già cô độc, chẳng có ai thân thích cả. Và sơ hỏi ông:

- Khi nào thì vị khách của ông đến thăm ông?

Đôi mắt sáng lên, ông đáp:

- Mỗi ngày. Vâng, mỗi buổi trưa thì Người lại đến. Người đứng ở đầu giường tôi. Tôi thấy Người và Người cười nói với tôi: “Ông Tương Lai ơi, Ta là Giêsu đây”.

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng: Lời cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ thân mật mỗi ngày với Chúa Giêsu. Ngài tỏ mình ra cho người Ngài thương, bằng cách cho họ cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Sự hiện diện nầy đem lại hạnh phúc sâu xa. Và hạnh phúc này có tính cách truyền lây.

Còn bạn? Như ông già Tương Lai kia, bạn có ước ao làm cho lời cầu nguyện của bạn thành một bí quyết tình yêu, một suối nguồn của niềm vui, một tỏa lan của tự do không?  Tôi đặc biệt nói với bạn, vì bạn còn trẻ, mặc dầu sự trẻ trung của con tim không tính bằng số năm tháng tuổi đời. Hẳn bạn đã khám phá được rằng Chúa Giêsu mời gọi bạn theo Ngài cho đến cùng.

Dọc theo những trang sách này, tôi muốn gặp gỡ bạn, nói chuyện trao đổi với bạn, hỏi ý kiến bạn, đón nhận những chứng từ và phản ứng của bạn. Tôi cũng đã làm được như thế với nhiều người, trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau, suốt dòng đời linh mục của tôi. Như vậy, cuốn sách nhỏ này cũng là phản ánh kinh nghiệm sống-cầu-nguyện của nhiều con cái Chúa.

Bạn được mời gọi mỗi ngày dành ra một thời gian cho cuộc đối thoại thân mật với Chúa, mà người ta quen gọi là Cầu Nguyện. Những bài học về nguyện gẫm chỉ như một người hướng dẫn, một bản đồ chỉ đường, nhằm giúp bạn khỏi lạc đường và mất thời giờ. Chính việc bạn tiến bước trên đường mới thực là quan trọng: bạn vừa đi, vừa học, lại vừa thực hành. Càng sống đời cầu nguyện, bạn càng trở nên con người cầu nguyện. “Con người cầu nguyện”, đó là nhận xét của tất cả những người thân cận Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Mỗi ngày, ngài cầu nguyện đến 7 giờ và lắm lần người ta bắt gặp ngài nằm sấp trước Nhà Tạm ban đêm.  

Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn. Chúc bạn lên đường may mắn và thành công.

Phần I

Những chỉ dẫn tổng quát để thực hiện tốt việc cầu nguyện cá nhân

I

Đến điểm hẹn với Chúa

“Khi cầu nguyện, con hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha con, Đấng đang ngự trong nơi kín ẩn. Và Cha con, Đấng thấu suốt mọi kín ẩn, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).

Có phải Chúa Giêsu đòi phải có một căn phòng riêng để cầu nguyện không? Nếu thế thì những người nghèo, những người không thể có một căn phòng riêng không thể cầu nguyện nội tâm với Chúa sao? Không phải thế đâu, nhưng chính là trạng thái hồi tâm. Hay nói rộng ra là sự giảm trừ thế giới ngoại tại để tránh sự chia trí.

Như vậy là Chúa Giêsu muốn nói với bạn: hãy vào trong chính mình bạn, hãy hồi tâm, hãy chăm chú vào sự hiện diện vô hình và hãy cầu nguyện với Chúa, Đấng ngự trong nơi kín ẩn. Chúa Giêsu không yêu cầu bạn tạo nên sự trống rỗng của chiêm niệm siêu vượt. Ngài chỉ đề nghị bạn gặp gỡ một bản vị thần linh mà bạn phải gọi là Cha, Cha của bạn.

Lời cầu nguyện luôn luôn là một cuộc gặp gỡ, một đối thoại giữa hai bản vị, có người nói và có người nghe. Do đó, bạn có thể đặt ra cho bạn những vấn nạn: Tôi có thực sự có một người Cha đang mời gọi tôi đi vào trong sự thân mật của tình yêu Người không? Tôi có muốn thiết lập sự trao đổi tín cẩn với Người không? Tôi có thể đặt cuộc đời tôi dưới cái nhìn của Người, hơn là dưới cái nhìn của tôi hay của những người khác không?

Vâng, Cha của bạn đang có mặt ở đó, trong nơi kín ẩn, trong cung thánh lòng bạn. Bạn không nghe tiếng Ngài, bạn không cảm nhận được Ngài. Bạn không biết được chính mình và bạn cũng không biết Ngài đang ở trong bạn. Tuy nhiên, Ngài vẫn chờ đợi bạn, Ngài vẫn nhìn thấy bạn trong kín ẩn, bằng một cái nhìn không đè nặng, nhưng như sự ve vuốt của bàn tay trẻ thơ. Nếu bạn chấp nhận đưa nội tâm bạn trở về với Ngài, Ngài sẽ “trả công” cho bạn. Nhưng bạn đừng lo âu, ở đây không có gì là tính toán, là mặc cả hết. Phần thưởng (trả công) mà Ngài chuẩn bị cho bạn chính là sự khám phá ra Vương quốc Tình Yêu. Khi bạn thông hiệp với Ngài, bạn sẽ thừa hưởng món quà vô giá Ngài dành cho các bạn yêu dấu: thông dự vào sự sống thần linh của Ngài, trong lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần và trong ánh sáng dẫn đường của Chúa Giêsu.

Có lẽ bạn sẽ nói rằng việc cầu nguyện “trong phòng” mỗi ngày như thế không phải dễ. Đúng thế! Đâu đâu người ta cũng gặp cùng một khó khăn tương tự, bởi vì sự hồi tâm tĩnh lặng làm cho người ta buồn chán. Và để thoát khỏi buồn chán, người ta tìm trải lướt trên bề mặt cuộc sống. Tính ham hoạt động không ngừng đẩy chúng ta choán lấy thời gian hay giết chết thời gian. Xã hội hưởng thụ tìm gia tăng thêm mãi những phương tiện kỹ thuật và cơ hội để giải khuây. Người trẻ ngày càng bị lôi cuốn bởi nhịp độ hấp dẫn của thời trang, của quảng cáo, của Internet, của vidéo, truyền hình, phim truyện, âm nhạc, thể thao. Một cơn lốc mãnh liệt khó mà thoát ra được!

Chúa Giêsu đã nói rằng các môn đệ của Ngài ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Jn 17,14-18). Đó là vấn đề hệ trọng phải giải quyết. Dĩ nhiên giới trẻ phải quan tâm khám phá đúng chiều kích của thế giới hiện đại, làm quen với tin học và tất cả những kỹ thuật cao cấp, theo đuổi những học hỏi đem lại địa vị tốt... Nhưng cuối cùng nhìn lại thì thấy có một cái gì đó không xuôi chảy, cần phải lìa bỏ một chút bề mặt để đi vào chiều sâu của cuộc đời.

Cái đáng ngại nhất là đời sống nội tâm có thể bị mắc bẫy bởi dáng vẻ giả tạo bên ngoài của một chiều sâu. Viện cớ đào sâu những mầu nhiệm của Thiên Chúa, người ta cẩn thận giam mình trong cái bong bóng nước chỉ lướt sà trên bề mặt. Chẳng hạn nói là rút lui về phòng riêng cách khôn ngoan để cầu nguyện với Chúa trong kín ẩn, nhưng rất có thể bạn tìm được ở đó tiện nghi hay một sự lôi cuốn mãnh liệt nào đó, hoặc bạn có tính khí co mình lại khiến bạn thích thú sự thinh lặng, cô tịch, suy tư. Và như thế, bạn có mọi điều kiện lý tưởng để tạo nên và ẩn núp trong cái bong bóng nước của bạn! Thay vì cầu nguyện dưới cái nhìn của Chúa, bạn có thể độc thoại dưới cái nhìn của chính bạn, hay của những người khác.

Tới lúc phải thoát ra khỏi cái bong bóng nước đó. Tất cả chúng ta đều có thể đã phải ngang qua đó, bằng cách nầy hoặc bằng cách khác. Hãy cẩn thận để không thích thú ở mãi trong đó. Dấu hiệu của một lời cầu nguyện nội tâm đích thực là không bao giờ nó làm cho chúng ta tự đóng mình lại, nhưng nhất thiết mở rộng chúng ta ra với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân.

Bầu trời trong phòng biệt giam

Một mình trong phòng biệt giam, mọi sự trở nên đen tối vì thất vọng, vì thù hận, một sự tệ hại còn lớn hơn sự tệ hại khiến người ta phải vào đó. Chúa Giêsu đã nói tới “phòng cầu nguyện”. Đây cũng là “phòng”, làm sao có thể cầu nguyện trong nơi quên lãng này? Không phải để lý tưởng hoá nhà tù, nhưng nhiều chứng từ cho hay phòng giam cũng có thể là nơi cung thánh gặp gỡ Thiên Chúa. Phòng giam bắt buộc tù nhân đối mặt với cái chính yếu của cuộc đời. Anh tự do phủ nhận Ngài, chọn lăng mạ Ngài hay cầu nguyện với Ngài. Nhưng anh bị đặt trần trụi trước sự chọn lựa căn để này. Vì vậy mà anh khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây là lời thố lộ của một tù nhân: “Dường như tôi không còn cô đơn nữa trong phòng biệt giam. Vâng, tôi không diễn tả được, có cái gì như một cuộc thăm viếng… Sự giam cầm đã bắt tôi trực diện với cái chính yếu…”.

Trong phòng anh có một cuốn Kinh Thánh do một linh mục bạn gửi cho. Sau nhiều thời gian tìm kiếm và đối kháng, nhờ đọc Lời Chúa và thư người bạn linh mục gửi hằng tháng, cuối cùng anh thách thức với vị Chúa Không Biết ấy. Anh ra hẹn với Ngài vào hai giờ sáng, mà chẳng tin tưởng chi bao nhiêu, đúng hơn là anh muốn thoát khỏi một vấn nạn cứ quấy nhiểu đầu óc anh mãi.

Thế rồi vào đêm 18-6-1972, một tiếng nói nội tâm dội lên trong anh như trong một đường hầm: “Hai giờ rồi, chúng ta đã có hẹn!” Sau khi kiểm tra không phải tiếng người canh tù, anh lại nghe tiếng ấy: “Đừng cứng tin. Ta là Thiên Chúa của anh, Thiên Chúa của mọi người”. Anh kể lại: “Phòng biệt giam nhỏ bé, tăm tối của tôi biến đi dần dần, không còn nữa trần và tường ngục tù, mà là một bầu trời trong phòng biệt giam. Một ánh sáng đẹp không thể diễn tả soi chiếu cho tôi nhìn thấy Đấng Chịu Đóng Đinh, Ngài tỏ cho tôi các vết thương và bảo: “Cũng là để cho anh nữa đó”. Từ lúc ấy, tôi quỳ gối xuống và cầu nguyện lần thứ nhất trong đời tôi. Cuối cùng tôi khám phá được niềm vui của ơn tha thứ”. Và như thế, trong bốn bức tường của phòng biệt giam, anh trở thành con người tự do mãi mãi, một người môn đệ Chúa Kitô và là một con người cầu nguyện.

Phòng - cuộc sống của bạn

Chúa đến tìm gặp bạn bất cứ bạn ở đâu, bất kể bạn như thế nào, trong cuộc sống mọi ngày của bạn. Bạn được tự do hoạt động, không bị đóng chặt trên giường bệnh, cũng không bị nhốt vào trại giam, tiếng mời gọi của Chúa vẫn vang lên cho bạn trong tất cả tự do: “Con hãy vào phòng con, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha con đang ngự trong kín ẩn, và Cha con thấu suốt mọi kín ẩn sẽ trả công cho con”.

Bạn hãy nhìn xem các thầy Dòng, họ cũng học khám phá “một bầu trời trong phòng tu”. Họ đã tự do chọn lựa ép mình trong một vòng rào, một giới hạn tự do thể lý. Tuy nhiên, khi vào một tu viện, bạn sẽ bị đánh động bởi sự toả chiếu của những người môn đệ Chúa Kitô đó, bạn sẽ cảm thấy lời cầu nguyện đối với họ trở thành như khí thở. Trong những Dòng chiêm niệm nhất, mỗi người cầu nguyện, ăn uống, làm việc và ngủ nghỉ trong phòng riêng của mình, những hoạt động chung rất ít. Đối với các tu sĩ này, phòng riêng của họ trở thành một thánh địa, một nơi thánh để chết và sống lại, như mộ của Chúa Kitô! Trong thinh lặng và cô tịch có Thiên Chúa ngự trị, họ khám phá được bước khởi đầu của Thiên Đàng.

Trong cuộc sống thường ngày giữa thế gian thì khó hơn. Nhưng không có một nơi nào mà lời cầu nguyện bị loại trừ, bởi vì căn phòng sâu thẳm chính là căn phòng trái tim bạn. Bạn có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Mỗi người bắt đầu khi nào và ở đâu mình có thể, cho lời cầu nguyện dần dần xâm chiếm tất cả cuộc sống mình.

Tôi rất xúc động khi đọc chứng từ đẹp đẽ của một thiếu nữ được giáo dục trong một môi trường hoàn toàn vô thần, nơi mọi biểu hiện tôn giáo đều bị cấm triệt để, ấy thế mà nàng đã khám phá được sự hiện diện của Thiên Chúa trong chùng lén. Nàng nói: “Tôi đã sớm biết nguyện gẫm khi thưa chuyện với Thiên Chúa Không Biết, vì lúc đó không ai dạy cho tôi chút gì cả. Để làm việc đó, tôi vào phòng vệ sinh và đóng cửa lại, tránh mọi tiếng động có thể, vì ngay cả ở đó cũng bị cấm đoán. Tôi quỳ gối xuống sàn và nói: “Chúa ơi, con yêu mến Chúa hết lòng con!””

Một nhà tu đức đã viết: “Tìm lại con đường về trái tim mình là nhiệm vụ quan trọng nhất của con người”. Đáng buồn thay con đường đó nhiều khi đã biến mất, giống như một con đường mòn trong rừng đã từ nhiều năm không có người qua lại. Bây giờ, nhiều chướng ngại do tội lỗi đã ngăn chặn lối đi. Vì thế, chúng ta cần đến những con người đã thành công trong việc khai phá hành trình thiêng liêng trong chính cuộc đời họ. Họ sẽ chỉ cho chúng ta con đường. Họ sẽ dạy cho chúng ta giải toả nội tâm chúng ta mà không bị lạc lối. Những nhà khai phá đó là các thánh.

Tôi nghĩ đến Thánh Gioan Thánh Giá. Ngài đã so sánh cuộc sống cầu nguyện kết hợp với Chúa như con đường trèo lên đỉnh núi. Ngài nhấn mạnh sự từ bỏ triệt để mọi khát vọng nhân loại để giúp chúng ta chỉ tập trung vào tình yêu của một mình Thiên Chúa. Ngài nói về linh hồn, hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài còn đi xa hơn nữa khi dám nói: Trung tâm của linh hồn là chính Thiên Chúa. Ngài không đồng hoá Tạo Hoá với tạo vật nhỏ bé của Người, nhưng ngài tin rằng hạnh phúc lớn nhất của linh hồn là càng ngày càng tập trung vào Thiên Chúa.

Hãy cùng nhấn mạnh đến mầu nhiệm bản vị con người. Nơi mỗi con người đều có mặt biểu kiến bên ngoài và mặt giấu ẩn bên trong, ngoại giới và nội tâm. Lời cầu nguyện sống động lôi kéo bạn trên hành trình thiêng liêng vào với “con người ẩn giấu trong đáy lòng bạn” (1 Pr 3,4). Mẹ Thánh Têrêxa nói: “Nếu con đi đến tận cùng thế giới, con sẽ gặp được dấu vết của Thiên Chúa; nhưng nếu con đi vào tận đáy lòng con, con sẽ gặp được chính Ngài”. Trong sâu thẳm nhất của lương tâm bạn đang ẩn giấu một cung thánh, ở đó Thiên Chúa đang nói với bạn. Ngài không ngừng thúc giục bạn “làm điều lành, tránh điều dữ”. Đó là lời nói phổ quát nhất, chung cho tất cả mọi người, cả những người không nhận biết Thiên Chúa, ngay cả những người chống lại Ngài. Nhưng Chúa còn muốn đi xa hơn nữa và nói với bạn lòng bên lòng.

“Làm sao đạt tới được mức đó?”

Chính Thiên Chúa sẽ cho bạn phương tiện. Thần Trí của Ngài đến gặp lòng trí bạn, trong sự trao đổi tình yêu, ngày càng mật thiết hơn. Tất cả tuỳ thuộc vào phẩm chất tình yêu mà bạn đáp trả lại Ngài. Tình yêu mời gọi tình yêu. Hầu như tất cả mọi người đều mơ tưởng đến tình yêu, mong ước một tình yêu vừa biết cho đi vừa biết nhận lãnh. Nhưng ai lại không thất vọng vì thiếu tình yêu? Chính bạn, bạn có yêu thương như chính bạn mong ước không? Nhiều cái giảm trừ tình yêu xuống thành một khát vọng ích kỷ, trái với Tình Yêu. Ai mạc khải cho chúng ta tình yêu đích thực và dạy cho chúng ta cách thực hành? Cho đến hôm nay, tôi chỉ biết có một người, đó là Chúa Giêsu, “Đấng đã yêu tôi và đã hiến mình cho tôi”.

Thực tế, tự mình, con người không biết yêu thế nào cho phải. Con người cần đến sự huấn luyện cấp tốc của Trường Cao đẳng Tình Yêu. Trường cao đẳng do Thiên Chúa sáng lập đó chỉ có một thầy dạy là Chúa Kitô, và chỉ có một chương trình là Phúc Âm. Bạn có muốn vào trường đó không? Trường miễn phí… tuy nhiên cũng có một giá phải trả: trao ban trái tim bạn, cho đến cả sự sống của bạn trọn vẹn nữa.

Hành trình thiêng liêng bạn đã đi vào giả thiết phải có một sự tiến bộ liên tục trong tình yêu: bạn nhận lãnh tình yêu của Chúa, bạn để Chúa biến đổi bạn và bạn chia sẻ tình yêu đó với tha nhân. Lời cầu nguyện của bạn chỉ thực sự có tính cách công giáo khi nó chấp nhận chảy xuôi dòng tình yêu, đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài, ngang qua con người. Như tiên tri Êdêkien thấy nước chảy từ bên phải Đền Thờ và tưới gội cho tất cả mọi sự trên dòng chảy của nó, bạn cũng sẽ thấy tình yêu lớn dần lên trong cuộc đời bạn, và nó sẽ mang bạn đi đến nơi Chúa muốn. Bấy giờ nếu có ai hỏi bí quyết của bạn thì bạn sẽ đáp lại: Đó là tình yêu của Chúa được kín múc trong trái tim tôi bằng lời cầu nguyện.

Ngỡ ngàng và tạ ơn

Con cám ơn Chúa,

vì Chúa đã muốn canh giữ

cho cung thánh linh hồn con

khỏi những gì xấu xa nhơ bẩn xâm nhập vào.

Con cám ơn Chúa,

vì Chúa đã không để

bất cứ vết thương nào con người gây nên

làm biến dạng khu vườn kín đáo nầy,

để chỉ một mình Chúa bước vào.

Con cám ơn Chúa,

vì mỗi lần con vấp ngã,

Chúa đã nhân từ chỉ cho con rằng

Chúa vẫn ở trong con,

vì tình yêu của Chúa lớn hơn tội lỗi của con.

Con cám ơn Chúa,

vì Chúa đã không để

một ý tưởng xấu hay nổi loạn nào của con

vượt qua được cánh cửa

mà Thiên Thần Chúa canh giữ.

Con cám ơn Chúa,

vì Chúa đã thương thanh tẩy con,

và vẫn luôn chờ đợi con

trong cuộc gặp gỡ cuối cùng rạng rỡ tình yêu.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print