Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (2)
Bản tin ngày: 25/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Thời gian đối thoại

Thời giờ cho Chúa

Tôi đề nghị bạn mỗi ngày dành một thời gian cho việc cầu nguyện cá nhân. Bắt đầu 5-10 phút rồi 15-20 phút, cho đến nữa giờ hoặc hơn. Đó là thời gian nguyện gẫm, nghĩa là tự do đàm đạo với Chúa trong tình yêu. Đó là “một cuộc hẹn tình yêu”: Chúa có mặt thường trực và mời gọi bạn. Ngài nhẫn nại chờ đợi bạn, và có khi chờ đợi cả với lo âu nữa! Thảm hại thay, Ngài rất thường gặp phải một sự dửng dưng. Bạn hãy nhớ lại dụ ngôn những người được mời dự tiệc trong Phúc Âm Luca (Lc 14,16-20):

“Nghe vậy, một trong những người đồng bàn nói với Chúa Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cổ bàn đã sẵn’. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu’. Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây, cho tôi xin kiếu’. Người khác nữa nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được’.

Câu chuyện này vẫn là thời sự mỗi ngày. Chúng ta thường viện cớ bận việc này việc nọ, ngay cả việc mục vụ, để không cầu nguyện. Chúng ta dè dặt không dám thú nhận rằng vì lười biếng, hay vì ham giải trí, hoặc cố ý bỏ quên… Phải, Chúa bị rơi vào quên lãng. Đừng bảo rằng ‘tôi không có thời giờ’. Đúng hơn là phải thú nhận sự thật: “Tôi không tổ chức thời dụng biểu thích hợp, tôi không đủ can đảm…, tôi không có sức…, đức tin của tôi quá yếu…, tôi không biết làm cách nào…, tôi chưa yêu Chúa đủ”.

Trở ngại chính không phải do bên ngoài, nó ở ngay trong mỗi người chúng ta, trong tôi và trong bạn. Thật đúng là “đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!” Làm sao cất đi sự khó ngăn cản bạn bước đi trên đường cầu nguyện yêu thương và trung thành?

Vững tin vào lời mời gọi của Chúa

Mỗi ngày, mỗi lúc, Chúa vẫn cho bạn giờ hẹn. Ngài chú ý đến từng cử chỉ, từng tư tưởng nhỏ nhặt của bạn. Ngài luôn đứng chờ bạn, cầm sẵn ‘lương thực hằng ngày’ cho bạn. Thực đơn không gì ngoài lời yêu thương và chân lý của Ngài, mà nếu thiếu chúng thì con người không thưởng thức được cuộc sống. Vì “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Đó là xác tín đầu tiên phải được ghi đậm nét vào thời dụng biểu của bạn.

Hăm hở hướng tình yêu về Chúa

Quan trọng hơn, bạn hãy tìm lại cái đà tình yêu hướng về Chúa. Một linh mục ký giả đã cho chứng từ rằng ngài đã bỏ nguyện gẫm mỗi ngày ‘vì bận quá’. Một hôm, được mời tới một “Nhà cầu nguyện” để làm một phóng sự. Và tại đó, ngài được đắm mình lại trong nguyện gẫm. Suốt một tuần, ngài đã nguyện gẫm 3 giờ liên tục, và 3 giờ qua nhanh hơn là 30 phút lúc trước! Từ đó, ngài đã tìm lại được giờ hẹn cho việc cầu nguyện nội tâm mỗi ngày. Ngài đã hiểu rằng một quyết định như thế tuỳ thuộc vào sự đói khát Thiên Chúa, chứ không phải do đã ghi vào trong thời dụng biểu một thời gian dành cho việc cầu nguyện. Đó là một sự trở ngược hoàn toàn.

Thời gian miễn phí nhưng không mất đi

Ngày nay, với tâm thức kỹ thuật và thực dụng, có lẽ người ta sẽ dễ dàng hỏi “Cầu Nguyện ích lợi gì?”’ Họ tìm cái gì có lợi và hiệu quả: nếu hoạt động nào không sinh lợi là thời giờ mất đi và tiền bạc lãng phí.

Không, bạn ạ, cầu nguyện là một đầu tư tuyệt hảo: làm vui lòng Chúa, làm sáng danh Chúa! Cần gặp gỡ Thiên Chúa là vì Ngài và vì bạn. Tình yêu đến bằng nhiều cách: có thể bất ngờ như sét đánh, có thể cách tiệm tiến và hữu lý hơn, tuỳ thuộc vào một quyết định của ý chí hơn là của tình cảm đam mê.

Nếu bạn không có được ‘tình yêu sét đánh’ đối với Chúa, bạn đừng buồn, bạn không phải là người đầu tiên. Chúa Giêsu biết rõ điều đó. Vậy bạn hãy bắt đầu bằng một tình bạn hữu lý, duy trì một sự lui tới thường xuyên. Bạn tìm lợi ích của bạn và hãy biết rằng đó là một khởi điểm thông thường. Bạn thế nào, Chúa đón nhận bạn thế ấy, bất cứ bạn đang ở đâu. Nhưng bạn hãy mau chóng đập vỡ cái bong bóng của bạn đi.

Mỗi ngày dành cho Chúa một thời gian, đó là cái lợi của bạn. Thời gian này miễn phí nhưng không bao giờ là thời gian mất đi. Lấy thí dụ việc học: tôi khuyên bạn cầu nguyện trước khi học, trong khi học và sau khi học. Hiệu quả của lời cầu nguyện này là nó đem lại cho bạn bình an và niềm vui, vì đã làm việc cho Chúa Kitô, nó đánh tan những tăm tối của trí khôn, xua đuổi các cám dỗ và chia trí. Tóm lại, lời cầu nguyện làm gia tăng phẩm chất của công việc trí thức. Bạn có thể nói như thế trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Nguyên một điều này thôi là biết dừng lại, biết suy nghĩ, biết chú ý… đã cho phép bạn làm chủ được nhiều hơn các khả năng cá nhân của bạn. Và lời cầu nguyện còn thêm cho bạn một cái “hơn” mà không ở đâu có được: đó là sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa đang hành động qua những yếu đuối của chúng ta. Ai cầu nguyện với tình yêu và trong chân lý sẽ đạt được quân bình và sức mạnh. Người đó xây ở trên đá.

Tôi rất thích lối so sánh của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu khi nói về bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe Ngài: “Phải chăng chính trong cầu nguyện mà thánh Phaolô, Âutinh, Gioan Thánh Giá, Tôma, Phanxicô, Đôminicô và nhiều bạn danh tiếng khác của Chúa đã kín múc được khoa học thiêng liêng này? Một nhà bác học đã nói: ‘Cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nâng thế giới lên’. Điều mà Archimède không đạt được - vì ông không xin với Chúa và chỉ nằm ở bình diện vật chất - thì các thánh đã đạt được cách sung mãn. Đấng Toàn Năng đã cho các thánh chính Ngài và chỉ một mình Ngài làm điểm tựa. Còn đòn bẩy chính là lời cầu nguyện được đốt nóng bằng lửa tình yêu. Chính nhờ đó, các ngài đã nâng thế giới lên. Cũng chính như vậy, các thánh chiến đấu hiện nay đang nâng thế giới lên, và cho đến tận thế, các thánh trong tương lai cũng sẽ nâng thế giới lên” (Chuyện Một Tâm Hồn).

Têrêxa Nhỏ có lý. Nhìn vào đời sống của một vị thánh, bạn sẽ kinh ngạc về khả năng làm việc, yêu thương và hy sinh của ngài. Làm sao mà có được bằng ấy hoa trái trong một con người? Mọi người đều phải trả lời: “Không phải tôi, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô làm thế nào mà sống trong mỗi người? Bằng lời cầu nguyện liên lỉ của trái tim, 24 trên 24. Chắc bạn biết câu cách ngôn này: “Thế giới thuộc về ai thức dậy sớm”. Tôi thì muốn nói ở đây rằng: “Thế giới thuộc về những ai sống cầu nguyện tình yêu mỗi ngày”.

Bạn hãy nhảy xuống nước 

Bước đầu sống cầu nguyện tình yêu mỗi ngày và cầu nguyện liên lỉ 24 trên 24 rất khó. Bạn hãy nghe câu chuyện sau đây:

“Ngày kia, một môn sinh đến gặp vị tôn sư và nói: ‘Thưa Thầy, con muốn được gặp Thiên Chúa’. Vị tôn sư nhìn chàng thanh niên, không nói gì mà chỉ mỉm cười với chàng. Chàng thanh niên đến lặp lại mỗi ngày rằng chàng muốn Đạo. Nhưng vị tôn sư biết rõ hơn chàng phải làm như thế nào. Một hôm trời rất nóng, ông gọi chàng theo mình ra sông tắm. Chàng thanh niên nhảy xuống nước. Vị tôn sư theo anh và dùng sức mạnh giữ anh lại dưới nước. Để chàng thanh niên vùng vẫy dưới nước một hồi, ông thả chàng ra và hỏi chàng đã muốn gì nhất khi ở trong nước. Người môn sinh đáp: ‘Khí thở’. Vị tôn sư nói: ‘Con có khao khát Thiên Chúa cùng một cách như khao khát khí thở không? Nếu con khao khát Ngài như thế, thì con sẽ gặp được Ngài ngay. Nếu con không có ước muốn và sự khao khát đó, thì con chiến đấu vô ích, con sẽ chẳng tìm được Đạo. Bao lâu cơn khát đó không được thức dậy trong con, thì con chẳng hơn gì một người vô thần. Nhưng người vô thần còn thành thật hơn, trong khi con lại không, vì người vô thần nhận rằng mình vô thần”.

Bạn hãy kéo dài câu chuyện này bằng cách so sánh việc cầu nguyện với việc tập bơi. Bạn đọc nhiều sách hướng dẫn bơi rất hay, và bạn đã bắt đầu trong nước nhưng không có kết quả. Bạn cần một huấn luyện viên hơn là một cuốn sách. Nhất là bạn cần vẫy vùng trong nước và thực tập cho đến khi nào các động tác bơi lội trở thành phản xạ tự nhiên. Không ai làm thay việc đó cho bạn được! Nếu bạn hiểu ra điều đó, bạn đừng do dự rời bỏ sách để lao mình vào việc cầu nguyện trực tiếp. Bạn hãy coi sách và lời kinh như bàn nhảy, chứ không phải là hành lang khán giả. Bạn hãy dùng chúng lúc cần thiết, như chiếc phao giúp bạn khỏi chìm thôi.

Bây giờ hãy trở lại thời dụng biểu của bạn. Bạn dành bao nhiêu thời giờ mỗi ngày trước TV? Và bạn dành bao nhiêu thời giờ cho việc cầu nguyện? Một linh mục kia xem TV mỗi ngày khoảng 2 giờ. Một hôm, do ơn soi sáng nội tâm, ngài quyết định bán TV. Câu hỏi hằng ám ảnh ngài như thế này: “Cái gì sẽ đến, nếu tôi bán TV và dành 2 giờ đó cầu nguyện mỗi tối?” Ngài đã sớm khám phá ra được câu trả lời: sau một buổi tối cầu nguyện, ngài cảm thấy lời mời gọi mãnh liệt và rồi ngài đã có được một cuộc hành trình thiêng liêng phi thường. Với một sự bạo dạn trầm tĩnh được xây nền trên lời cầu nguyện, ngài đã tổ chức một công cuộc cứu giúp rất hiệu quả cho các thanh niên bụi đời.

Bạn hãy quyết định lấy chọn lựa của bạn. Bạn không bị bắt buộc loại bỏ hoàn toàn TV, nhưng bạn phải từ chối những chương trình không cần thiết hay nguy hiểm. Bạn hãy đặt liều lượng sao cho quân bình trong thời dụng biểu của bạn. Nếu Thiên Chúa thực sự quan trọng cho bạn thì chẳng có vấn đề, bạn sẽ tìm được thời giờ cho Ngài.

Mười lăm phút tối thiểu

Trong “Tình Yêu Lên Tiếng Gọi III”, tôi đề nghị bạn 15 phút cầu nguyện mỗi ngày. Ít quá phải không bạn, so với nhiều thứ khác trong 24 giờ một ngày? Chỉ 1%! Bạn có thể cho Chúa lại 1% thời giờ mà chính Ngài đã ban cho bạn. Và nếu bạn yêu mến Ngài thực sự, bạn có thể cho Ngài nhiều hơn.

Thời gian cầu nguyện quan trọng hơn bạn tưởng nhiều. Bạn hãy nghĩ đến cuộc hẹn với người bạn thương yêu. Nếu câu chuyện chỉ kéo dài trong 15 phút, bạn cảm thấy mau quá phải không? Không có đủ thời giờ để trao đổi chi cả. Và nếu dùng với nhau một chén nước thì bạn càng không muốn vội vàng. Chúng ta biết chắc chắn rằng thời gian cầu nguyện rất quan trọng, để cho tác động của Chúa thâm nhập vào tận trái tim con người.

Nghệ thuật đối thoại

Làm thế nào để lấp đầy cái thời giờ bạn đã dành cho Chúa? Nhiều người nghĩ và bằng lòng một cách đơn giản rằng “đọc các kinh”! Tôi tin chắc rằng Chúa chờ đợi ở bạn cái gì nhiều hơn là những công thức làm sẵn. Ngài tìm kiếm “những người thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý”. Ngài muốn một cuộc đối thoại tự do, giản dị, tự phát, diễn tả tình yêu phát xuất tự đáy lòng.

Ngay trong các mối tương quan giữa con người với con người, việc đối thoại không phải là chuyện dễ: có những cuộc đối thoại giữa kẻ điếc, những độc thoại, người này không nói ra điều mình nghĩ, kẻ kia không biết lắng nghe... Vì thế, tôi cũng xin đề nghị với bạn một chỉ dẫn để mở cuộc đối thoại với Chúa.

Bạn chào Chúa

Chào Chúa là đặt mình bạn trong sự hiện diện của Ngài. Vì Chúa ẩn mặt, nên bạn cần thời gian và tư thế dễ hồi tâm, để tập trung chú ý vào Ngài. Muốn thế, bạn có thể nhắm mắt lại, thở chậm và đều, rồi thưa với Chúa chẳng hạn: “Lạy Chúa, con tin rằng Chúa đang hiện diện trong lòng con, Chúa đang nhìn con, Chúa đang yêu con, Chúa đang nghe con…”.

Xin Chúa tha thứ cho bạn

Chúa hoàn hảo, ta bất toàn; Chúa thánh thiện, ta tội lỗi. Bạn cần khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa và xin Ngài tha thứ. Như người con hoang đàng trở về với cha mình, bạn hãy nhớ đến lỗi lầm của bạn, mà xin Chúa thứ tha: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi…”.

Nếu đẹp lòng Chúa

Như người hành khất thiếu thốn mọi sự, bạn có nhiều điều cần xin Chúa. Nhưng trước hết phải xin Ơn Thánh Thần, vì Chúa muốn ban Thánh Thần cho ta nên thánh: “Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho con để con nên tốt hơn, cho con thương người hơn thương con và yêu Chúa trên hết mọi sự”. Bấy giờ bạn hãy trình bày với Chúa mọi nhu cầu cho bạn, cho thân nhân, cho ân nhân, cho Giáo Hội, cho Quê Hương, cho Thế Giới, cho mọi người, cho người tội lỗi, cho các đẳng linh hồn… và không bao giờ quên thêm “nếu đẹp lòng Chúa”.

Bạn đang lắng nghe Chúa

Lời cầu nguyện đích thực là một cuộc đối thoại, có lúc bạn nói và có lúc bạn nghe. Hãy để Chúa nói, chăm chỉ vào điều Chúa nói. Tai tự nhiên bạn không nghe gì, nhưng Chúa đã nói rất nhiều, nơi Chúa Giêsu. Bạn hãy lấy một đoạn Phúc Âm, chăm chỉ đọc đi đọc lại và đặt mình trong bối cảnh Phúc Âm: bạn đang có mặt ở đó, với các môn đệ, với đám đông, với các bệnh nhân… Bạn thấy và bạn nghe Chúa Giêsu. “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đang lắng nghe Chúa”.

Bạn cám ơn Chúa

Trước bao nhiêu quà tặng Chúa ban, làm sao bạn lại có thể không cám ơn Chúa? Người Kitô hữu là người sống trong sự tạ ơn liên lỉ. “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã ban cho con, xin đừng để con quên ơn nào hết”. Cám ơn Chúa về ơn sự sống, về đức tin, về những người thương bạn và giúp bạn, về của ăn, nhà ở, áo mặc… tất cả và tất cả. Chớ gì lời tạ ơn của bạn luôn lớn hơn và vui hơn!

Bạn ca ngợi Chúa

Bạn hãy chúc tụng, tán dương, ngợi khen và tung hô Chúa: về sự thánh thiện cao cả của Chúa, về muôn điều kỳ diệu Chúa đã làm. Bạn hãy quỳ gối, bái lạy Chúa sát đất, hãy là bé nhỏ trước Đấng Vô Biên, Vĩnh Cữu…

Vâng, bạn đồng ý 

Bạn hãy tôn trọng và trung thành giữ thời gian bạn dành cho Chúa, dù đôi khi khó và bị chia trí. Cuối cùng, bạn hãy dâng mình bạn cho Chúa, dâng Chúa mọi hoạt động của bạn, và nhất là quyết định một cố gắng để thực hiện, đó là kết quả lời cầu nguyện của bạn. Bạn đừng ngần ngại xin sự trợ giúp của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các Thiên Thần, các Thánh. Bạn có thể kết thúc bằng một bài hát hay một Kinh bạn thuộc (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh chẳng hạn), liên kết với mọi người, đọc cách chậm rãi để cầu nguyện với tất cả con tim.

Hạnh phúc cho bạn, nếu bạn lại bắt đầu cuộc đối thoại với Chúa mỗi ngày. Chúa là Cha sẽ tưởng thưởng cho bạn những điều bất ngờ thú vị.

Lạy Chúa, Chúa ở đâu?

Con tìm Chúa trong cơn gió lớn,

Trong khi Ngài lại ở trong ngọn gió nhẹ bay,

Mọi ngày, Ngài vuốt ve con với sự dịu dàng vô tận.

Con tìm Chúa trong sự huyên náo,

Trong khi Ngài lại ở trong cô tịch êm ả,

Mọi ngày, Ngài gần bên nghe con thỏ thẻ.

Con tìm Chúa trên núi cao chót vót,

Trong khi Ngài tỏ mình qua cánh hoa đơn sơ,

Mọi ngày, Ngài cho con hưởng được hương thơm Ngài.

Con tìm Chúa trong tư tưởng triết học cao siêu,

Trong khi Ngài lại hiện diện trong em bé dịu hiền,

Mỗi ngày, Ngài mỉm cười với con vì đã tiếp nhận em bé.

Con tìm Chúa trong những hành vi vĩ đại,

Trong khi Ngài gọi con trong cử chỉ giản đơn,

Mọi ngày, Ngài nói “Cha yêu con” qua một nụ cười.

Lạy Chúa, con tìm Chúa ở khắp nơi,

Trừ nơi Chúa đang có mặt thực sự,

Chúa ẩn giấu khuôn mặt Chúa.

Con tìm Chúa trong những điều cao cả,

Trong khi Ngài ở trong những khó nghèo ti tiện nhất.

Lạy Chúa, xin tỏ cho con gương mặt Chúa,

Xin giúp con tìm Chúa ở nơi con gặp được Chúa:

Chúa ở nơi trái tim của mỗi con người, mỗi tạo vật.

Xin hướng dẫn con suốt cuộc đời trần thế,

Xin giúp con đừng bao giờ thất vọng,

Xin giúp con tìm kiếm, khám phá mỗi ngày,

Để Trái Tim Chúa thành trái tim con,

Để Sự Sống của Chúa thành sự sống của con.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 30/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print