Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (3)
Bản tin ngày: 27/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Bạn chào Chúa

Gặp hay đón tiếp ai, bạn chào người đó. Chào Chúa là bạn bắt liên lạc với Chúa, là sống trong sự hiện diện của Chúa. Nhưng Chúa không phức tạp đâu. Đối với Chúa, giản dị là điều tốt nhất. Bạn xem trong máng cỏ, Chúa hiện diện như thế nào? Là một em bé! Ba vua đi vào, quỳ gối và sụp lạy chào Chúa Hài Nhi. Bạn đặt mình làm một nhân vật nơi máng cỏ. Bạn chào Chúa, mà kỳ thực Ngài chào bạn trước, bởi vì Ngài là Thiên Chúa đã đến làm người và ở giữa chúng ta. Bạn hãy yên lặng nhìn ngắm Chúa và dâng cho Ngài cái gì bạn đang lấy làm quý nhất. Bạn hãy để cho bình an và niềm vui dâng lên trong lòng bạn.

Có nhiều cuộc gặp gỡ trong Kinh Thánh có thể được dùng làm khung cảnh để bắt đầu việc cầu nguyện của bạn. Thánh Têrêxa Avila bắt đầu nguyện gẫm bằng cảnh Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Dầu. Liên lạc với thiên nhiên cũng giúp bạn đặt mình trong sự hiện diện của Chúa. Biết dừng lại giữa một cảnh đẹp, thinh lặng chiêm ngắm, Chúa cũng cho bạn dấu hiệu và nói với bạn. Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Phanxicô Assisi và nhiều vị thánh khác thích cầu nguyện lâu giờ giữa thiên nhiên.

Khi mệt mỏi, khô khan, bạn cũng có thể dùng một lời kinh lặp đi lặp lại (như kiểu lần chuỗi), để đi vào trong sự hiện diện của Chúa và bắt đầu giờ cầu nguyện của bạn. Một Tập sinh tâm sự: “Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần ‘Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con’ – ‘Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa’. Điều đó giúp tôi tập trung vào Đấng Cứu Chuộc tôi”. Hoặc bạn dùng công thức giáo đầu giờ kinh phụng vụ để hướng lòng bạn về với Chúa: “Lạy Chúa, xin mở môi con, cho con dâng lời ngợi khen Chúa”.

Nơi cầu nguyện của bạn

Có người chỉ cầu nguyện được ở trong Nhà Thờ hay Nhà Nguyện được bài trí theo sở thích của mình. Thật vậy, khung cảnh bên ngoài cũng góp phần dẫn bạn đến với Chúa, hay kéo bạn xa Ngài.

Tôi bàn ưu tiên đến lời cầu nguyện riêng tư, nên ý nghĩa nơi cầu nguyện của bạn đã được nói nhiều ở phần trên. Bạn cần bài trí cho phòng bạn thành một khung cảnh thích hợp cho việc cầu nguyện riêng: một Thánh Giá, một ngọn đèn, một Thánh Kinh chẳng hạn… Nhắm thẳng vào cái chính yếu là có thể gặp gỡ Chúa trong đơn sơ, nhưng đầy tỉnh thức chân lý. Thời điểm thuận tiện là ban sáng: bạn đến trình diện với Chúa và định hướng cả ngày sống của bạn. Nếu ban sáng khó thì ban tối hay sau trưa. Nhưng thời gian vẫn là thứ yếu. Điều quan trọng vẫn là giữ cho được việc cầu nguyện hằng ngày.

Toàn thân bạn cầu nguyện

Thể xác - linh hồn - trí khôn phải liên đới sâu xa. Dĩ nhiên lời cầu nguyện thể hiện trong sâu kín con tim và trí khôn, nhưng để đi vào cung thánh nội tâm này thì thể xác và linh hồn cũng cần được hòa hợp thống nhất. Thể xác bạn biến thành một thứ Nhà Tạm cho Chúa hiện diện, như Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Thân xác cho Chúa và Chúa cho thân xác… Thân xác bạn là Đền Thờ Chúa Thánh Thần’’ (1 Cr 6,13.19). Vì thế, bạn cần chế ngự và vô hiệu hoá ngũ quan vốn làm cho bạn hướng ngoại hơn là hướng nội. Chẳng hạn ngồi thẳng xương sống, nhắm mắt, điều hoà hơi thở, điều chỉnh thư giãn cơ bắp. Tóm lại là làm sao cho toàn thân bạn yên tĩnh, bằng an, có cảm giác thoải mái, loại bỏ lo âu để tập trung vào giây phút hiện tại. Tuy nhiên, bạn đừng để mất thời giờ và sức lực vào lối “định tĩnh yoga hay thiền”, rốt cuộc là tập trung vào chính bạn. Chỉ có mối liên lạc sống động và cá nhân với Chúa Kitô giúp giải thoát thân xác bạn, dành cho việc phụng sự Thiên Chúa.

Đứng cầu nguyện cũng là thái độ cầu nguyện thông thường của mọi tôn giáo. Nó diễn tả sự kính trọng, tỉnh thức, sẵn sàng lắng nghe và vâng theo. Quỳ gối cầu nguyện diễn tả thái độ lệ thuộc, phục tùng, sám hối, cầu khẩn. Cầu nguyện sấp mình sát đất là dấu hiệu khiêm nhường và thờ lạy trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Trong khi cầu nguyện riêng một mình, bạn tự do sử dụng các tư thế của thân xác. Bạn càng thoải mái tự nhiên trước mặt Chúa, lời cầu nguyện của bạn càng chân thực, và mọi cánh cửa sẽ rộng mở cho cuộc đối thoại thân mật với Chúa.

Những lo ra chia trí

Bạn sẽ gặp những lo ra chia trí trong khi cầu nguyện là điều không thể tránh khỏi. Nhiều lúc ta không chú ý vào giây phút hiện tại được, vì ý tưởng ta ở nơi khác, hoặc trong quá khứ hoặc trong tương lai, nghĩa là trong mơ mộng. Khi đặt mình liên lạc với Đấng Vô Hình, bạn thấy diễn ra cả một chuỗi những chia trí, đó là cái hoàn toàn bình thường. Điều chính yếu là không thuận theo hay thụ động chịu đựng chúng, mà phải không ngừng chiến đấu để trở lại cuộc đối thoại. Cuộc chiến đấu này giúp mở ra con đường cho lời cầu nguyện phong phú sâu xa.

Tôi có một kinh nghiệm sống cá nhân về chuyện này là lấy ngay sự chia trí ấy làm đề tài, làm đối tượng để trao đổi đối thoại với Chúa. Ví dụ khi bạn nghĩ đến công việc, bạn cầu xin Chúa ơn chu toàn công việc đó tốt hơn. Một bạn mù chia sẻ: “Tôi mù nên không bị chia trí vì bên ngoài, nhưng lại có chuyện khác là đôi khi bị chia trí vì tưởng tượng. Trí tưởng tượng tôi cứ đi dông dài và lúc đầu sống cầu nguyện thật là vất vả. Thái độ của tôi là cố không dừng lại ở tưởng tượng ấy, mà dâng nó lên Chúa và biến nó thành lời cầu nguyện. Khi trí tôi nghĩ tưởng đến bạo lực, tôi xin Chúa biến đổi nó nên dịu dàng. Khi trí tôi nghĩ tưởng đến điều không trong sạch, tôi xin Chúa thanh tẩy tôi. Và như thế đó mà các cơn cám dỗ biến đi. Ngay khi ý thức mình chia trí, tôi trở lại ngay với Chúa đang hiện diện thực sự trong tôi”.

Có một điều rất lợi ích khi xem xét loại chia trí hằng đến luôn với bạn trong lúc cầu nguyện. Chính những chia trí ấy mặc khải cho bạn là bạn đang ở đâu trong những dính bén, những ước muốn thầm kín, những ám ảnh… Nhờ đó mà bạn khám phá ra “mối tội đầu” của mình. Bạn đừng quên Chúa Giêsu đã nói rằng kho tàng bạn ở đâu thì lòng trí bạn cũng ở đó. Đó là nhiệt kế để đo cơn sốt nội tâm và tìm phương thuốc chữa trị. Từ đó mà lời cầu nguyện của bạn sẽ hướng đặc biệt về một khía cạnh nào cụ thể, để cầu xin Chúa ơn hoán cải, trở lại.

Dù bạn gặp phải những khó khăn nào trong khi cầu nguyện đi nữa, bạn hãy vững lòng. Sự suy niệm của người Kitô hữu luôn có tính chất đối thần, dựa trên Đức Tin - Đức Cậy - Đức Mến. Đôi khi bạn hăm hở với việc cầu nguyện, mọi sự xem ra dễ dàng và bạn cảm thấy lời cầu nguyện sống động, tập trung. Lúc khác lại trái ngược, mọi sự xem ra khó khăn, khô khan, vất vả và bạn có cảm tưởng là lời cầu nguyện chẳng có hiệu lực chi. Bạn đừng xét đoán lời cầu nguyện theo những cảm giác tức thời ấy. Cái quan trọng là sự dấn thân của bạn trong đức tin, đức cậy và đức mến. Thường chính khi cuộc chiến đấu xem ra vất vả nhất, lại là lúc lời cầu nguyện được chúc phúc nhất, dù bề ngoài có như thế nào đi nữa.

Nối tần sóng liên lạc với Chúa

Để nối tần sóng liên lạc đối thoại với Chúa, bạn cẩn thận lưu ý những điểm sau đây:

* Bắt đầu bằng sự cắt đứt với những mối bận tâm thường ngày của bạn, chẳng hạn khi vào nơi cầu nguyện của mình, bạn hãy thắp lên ngọn nến, đặt mình trong một tư thế thích hợp (ngồi, quỳ, đứng, sụp lạy…), nhắm mắt, tập trung tư tưởng bằng sự hít thở và thư giãn.

* Thiết lập ngay liên lạc với Chúa: Đặt Chúa Giêsu ở trước mặt bạn, bằng hình ảnh hay ký ức (Chúa Hài Đồng, Chúa Biến Hình, Chúa Hấp Hối, Chúa Vác Thánh Giá, Chúa Chịu Đóng Đinh, Chúa Sống Lại…). Bạn thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang ở trước mặt con, con yêu mến Chúa, con đang lắng nghe Chúa…”.

* Xin ơn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa dạy con cầu nguyện”. Kêu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và duy trì lời cầu nguyện của bạn, dù bạn có lo ra chia trí. Mới đầu bạn đừng mong đạt chú ý 100%. Cái quan trọng nhất là ý hướng và sự bền tâm.

* Hãy coi chừng, đừng coi giờ cầu nguyện như là một thứ dịch vụ bắt buộc, để rồi cứ dán mắt xem đồng hồ, vội vã cho xong việc. Nếu thế, bạn nên bắt đầu lại từ đầu.

* Cuối cùng, hãy nhớ rằng bạn không cô đơn trước mặt Chúa. Bạn đừng ngại liên kết lời cầu nguyện của bạn với Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh, các thiên thần và mọi người đang cầu nguyện cùng lúc với bạn trên khắp cùng thế giới, nhất là những người liên hệ thân thiết với bạn: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Lời cầu nguyện bên máng cỏ

Con đang ở trước mặt Chúa Giêsu Hài Đồng,

rất bé nhỏ, rất khó nghèo trong hang đá này,

giữa Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,

là Ánh Sáng giữa đêm đen,

là Thiên Chúa Nhập Thể,

là Lời thành xác thịt,

là Chúa Con xuống từ trời cao,

là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng con”,

là Đấng Tối Cao trở thành Thấp Hèn Nhất,

là Bánh Hằng Sống hiến trao cho loài người đói khổ,

là Đầy Tớ Khiêm Hạ đến trong vương quốc của Kiêu Căng.

Con cũng biết được một chút Phúc Âm,

niềm Tin của Giáo Hội,

nhưng con khó thực hiện những gì lời mầu nhiệm mang tới.

Con đoán thấy trái ngược bao la và mới mẻ đến kinh ngạc.

Lạy Chúa, con tin rằng Chúa là Thiên Chúa diệu kỳ,

mang đầy tình thương cho con người,

nhưng lại vô cùng khiêm tốn.

Con tin rằng Chúa tự làm người rất bé nhỏ,

để bắt nối cùng con nằm sát tận đất,

trong sự ti tiện và những khiếm khuyết của con.

Giêsu ơi, Chúa là Đấng duy nhất đáng con tôn thờ,

con sấp mình trước mặt Chúa,

với tất cả yếu đuối và thiện chí của con,

con dâng Chúa lời cầu nguyện nhỏ bé không khéo diễn tả của con.

Con dâng Chúa ước vọng đón tiếp Chúa

Hầu con được tái sinh vào Sự Sống và Tự Do:

“Một trẻ thơ đã sinh ra cho chúng ta,

Một Người Con đã được ban cho nhân loại”.

Lạy Chúa, con cảm thấy mình vụng về, bối rối,

Vì quà tặng quá quý giá,

Và bâng khuâng lo lắng trước một trách nhiệm bao la.

Con mở rộng vòng tay và con tim,

Xin Chúa hãy vào cuộc sống con,

là Đấng Cứu Độ và Thiên Chúa của con,

là người anh, người bạn,

là kiểu mẫu duy nhất của con,

là Thiên Chúa thật và là người thật,

con thờ lạy và xin theo Chúa.

Lạy Cha trên trời, Cha của Giêsu,

con dâng Chúa ý chí của con.

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Trí của Giêsu,

con tín nhiệm vào Chúa,

con cám ơn Chúa

về sự dịu dàng và sức mạnh của Chúa.

Còn tiếp

 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 30/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print