Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (4)
Bản tin ngày: 28/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Xin Chúa tha thứ cho bạn

“Có hai người lên Đền thờ cầu nguyện: một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, tạ ơn Chúa, vì tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của tôi’. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Tôi nói cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10–14).

Nhìn nhận sự thật

Lòng kiêu ngạo nguy hiểm nhất của người biệt phái là cho rằng mình hoàn hảo và khinh miệt “người tội lỗi công khai”, tức là người không che giấu được lỗi lầm của họ. Bạn có khéo che đậy lầm lỗi của bạn không? Có những người chỉ trích tấn công khuyết điểm của kẻ khác để che đậy tội lỗi của họ. Bạn hãy sợ “lối đánh lừa thiên hạ” đó và nghĩ đến hậu quả khi bị lột mặt nạ!

Trái lại, Chúa Giêsu tôn trọng và đặc biệt yêu thương những người nhìn nhận tội mình. Như vậy, kiêu ngạo không phải là một tội như những tội khác, mà là một “tội bình phương”, vì nó che mắt lương tâm không cho ta nhìn thấy tội mình. Người kiêu ngạo là người mù và lời cầu nguyện của y hoàn toàn lầm lạc. Khi ra trước mặt Chúa, y luôn luôn đặt mình trong vị trí ưu thế, vô tội và do đó không thể xin ơn tha thứ một cách thành thật được, vì y không biết nhìn nhận mình là tội nhân.

Người không nhìn nhận tội lỗi mình không thể nào gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện Tuyệt Đối được. Trong một thị kiến, Isaia đã kêu lên: “Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì tôi là một con người miệng đầy nhơ bẩn mà mắt tôi đã trông thấy Thiên Chúa Hằng Sống” (Is 6,5). Cả Phêrô khi khám phá thấy quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Kitô cũng thốt lên: “Lạy Chúa, xin Ngài tránh xa con, vì con là một người tội lỗi’’ (Lc 5,8).

May mắn thay Thiên Chúa Chí Thánh cũng là một đại dương của tình yêu, dịu dàng và thương xót. Ngài hằng đưa tay ra cho tội nhân được an lòng. Ngài mở rộng vòng tay đón đứa con hoang đàng trở về và ban cho nó mọi phương tiện để được thanh tẩy. Như thế, nhìn nhận sự thật, trước tiên là nhìn vào Thiên Chúa, chứ không phải nhìn mình như là trung tâm điểm.

Rồi dưới cái nhìn của Thiên Chúa, biết nhìn nhận mình là tội nhân, ngay cả khi không biết cáo mình về tội gì rõ rệt. Phải khẩn trương chống lại lòng kiêu ngạo bằng cách hạ mình như người thu thuế. Bạn có nhận xét thấy thái độ vật lý của người thu thuế khi cầu nguyện không? Ông ta đứng xa xa, ngay cả không dám ngước mắt lên trời, cúi đầu đấm ngực mình. Bạn cũng hãy làm như vậy trong khi bạn cầu nguyện, đó sẽ là một thực tập cải tạo tuyệt vời. Bạn cũng thốt lên cùng những lời như thế nhiều lần: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Bạn cũng có thể thêm vào mà không sợ lầm: “Xin thương xót con là kẻ kiêu ngạo. Xin dạy con bí quyết của khiêm nhường”.

Lòng chúng ta như là đáy sâu hang tối. Sự nhìn nhận sự thật mở ra con đường tha thứ, mang ánh sáng xuống tận đáy sâu hang tối ấy. Ngọn đèn trên nón nhà thám hiểm chính là ánh sáng Phúc Âm. Dây an toàn chính là Thánh Giá đưa đến Phục Sinh của Chúa Giêsu. Mỏ neo đánh bạt mọi chướng ngại là sự thống hối. Và nhà hướng đạo chuyên nghiệp bảo đảm chiến thắng là linh mục, thừa tác viên của ơn tha thứ.

Ánh sáng Phúc Âm được ban cho bạn để bạn ra khỏi mù tối về chính bạn, về Thiên Chúa và thế giới. Nếu bạn muốn lời cầu nguyện của bạn thực sự là lời cầu nguyện, bạn hãy không ngừng tìm chân lý Phúc Âm.

Vì đang nói tới tội và ơn tha thứ, tôi lấy thí dụ rất thông thường là có những tội ta lấy làm khó chịu, có những tội lại không. Tất cả tuỳ thuộc cái nhìn Kitô của ta. Mê ăn đối với người này là tội mà đối với người khác lại không. Có những người coi cái gì về tính dục cũng đều là tội, trong khi chẳng bao giờ coi giận hờn và xét đoán kẻ khác là lỗi nặng. Do đó, điều quan trọng là cần có sự soi chiếu khách quan, đầy đủ và chính xác. Trong lĩnh vực này, không gì tốt hơn là quy chiếu vào Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7). Bạn hãy đọc 3 chương này của Phúc Âm Matthêu để học biết cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì không đẹp lòng Chúa.

Thánh giá Chúa Kitô là chỗ trung tâm nhất để sống ơn tha thứ. Ở đó, bạn khám phá được tội lỗi của bạn dẫn tới đâu. Ở đó, bạn chiêm ngắm những gì Chúa Giêsu đã làm cho bạn, trải qua muôn vàn khổ đau. Bạn hãy năng đến cầu nguyện dưới chân thập giá, để tội lỗi bạn lại đó mà xin ơn tha thứ. Càng nhìn Chúa Chịu Đóng Đinh, bạn càng khám phá thấy sự khủng khiếp của hoả ngục, đồng thời bạn cũng khám phá được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nhờ sự chiến thắng của Chúa Phục Sinh, bạn nhận ra bí quyết của tình yêu lớn nhất.

Lòng thống hối cứu ta khỏi mọi tội lỗi. Nhưng coi chừng, không phải là cứ nhìn vào gương để rồi bạn tự cảm thấy mãn nguyện hay thất vọng về chính mình bạn. Có khi bạn tự nhủ: “Tôi hài lòng về tôi, tôi không thấy tôi xấu như thế, lỗi của tôi chẳng nặng nề chi…”. Đó là lương tâm của biệt phái! Có khi bạn lại nói: “Tôi thất vọng lắm, tôi quá tồi tệ, tôi không ngờ tôi lại như thế, tôi thật xấu hổ…”. Đó là lương tâm của Giuđa! Lòng thống hối đích thực chỉ nói đơn sơ: “Con là kẻ tội lỗi, con không thể chữa mình trước mặt Chúa. Lòng nát tan, con xin Chúa thứ tha. Con tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Con cám ơn Chúa”.

Linh mục có đó để bảo đảm cho bạn cách cụ thể ơn tha thứ của Chúa. Qua Bí tích Hoà Giải, bạn có thể thành công trong việc nhìn nhận đúng sự thật đời mình. Nhiều người đạt được kinh nghiệm quý báu đó. Hãy khiêm tốn để được lòng thương xót của Chúa và được biến đổi. Ngay khi có dịp, bạn hãy đón nhận bí tích trở về mang lại ơn tha thứ giải phóng ấy.

Đèn đỏ phải ngừng

Có những người bị ùn tắc, không thể tha thứ và đón nhận tha thứ. Khi bị người nào lăng nhục mà bạn nuôi trong lòng một ước muốn báo thù, thì nó sẽ trở nên một ám ảnh làm cho ký ức bạn bị tổn thương. Nó sẽ đầu độc các tương quan của bạn với Chúa và với tha nhân. Nó sẽ làm bạn khựng lại trong việc cầu nguyện, chẳng hạn bạn không thể đọc cách thành thật được “xin tha thứ những xúc phạm của con, như con cũng tha thứ cho những ai xúc phạm con”. Và có thể như thế, tận đáy lòng, bạn thù ghét Thiên Chúa, bạn thù ghét chính bản thân bạn, bạn thù ghét mọi người! Hãy coi chừng, đó là đèn đỏ phải ngừng lại: nguy hiểm của cái chết thiêng liêng!

Ma quỷ rất tài tình trong việc cầm hãm chúng ta chối từ lòng thương xót Chúa. Nó làm cho chúng ta bỏ lời cầu nguyện khiêm tốn của mình. Chiến thuật đầu tiên của nó là “thất vọng trắng”. Nó đẩy chúng ta đến chỗ không còn sợ tội, vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Tại sao phải nhọc công? Sớm muộn chi ai cũng được kéo vào trong lưới tình thương bao la của Chúa. Do đó chẳng cần sửa mình, chẳng cần tìm ơn tha thứ, chẳng cần khiêm nhường van xin. Xưng tội ư? Không hợp thời nữa rồi!

Chiến thuật tiếp theo của nó là “thất vọng đen”. Nó đẩy chúng ta đến chỗ quá lưu ý đến tội lỗi, đến đỗi không còn tin vào lòng thương xót của Chúa. Như Giuđa, chúng ta tự kết án mình, cả đi đến tự vẫn. Thất vọng trắng hay đen đều là một lời chửi rủa thậm tệ Thiên Chúa. Nó giam hãm chúng ta trong con người nhỏ bé của mình, đến đỗi không còn trông cậy vào sự giúp đỡ của những người khác, kể cả của Đấng Cứu Thế. Đó là sự giam cầm của hoả ngục.

Trái lại, Chúa Giêsu đẩy chúng ta đến ơn tha thứ: “Nếu con tha cho kẻ khác lầm lỗi của họ thì Cha trên trời cũng tha thứ cho con. Nhưng nếu con không tha thứ cho người khác thì Cha trên trời cũng chẳng tha thứ cho con lầm lỗi của con đâu” (Mt 6,14-15). Nói khác đi, để nhận được ơn tha thứ thì cũng phải có thể cho đi sự tha thứ.

Có phải Thiên Chúa tính toán với bạn: ‘bánh ít cho đi bánh dì trả lại’, như người làm thương mại không? Dĩ nhiên là không. Không có vấn đề tính toán nhưng là hiệp thông. Tôi lấy thí dụ một đứa trẻ phạm một lỗi nặng bị mẹ quở trách. Nó bực mình hờn dỗi thu mình trong một góc. Ít giờ sau, mẹ nó bảo: “Bây giờ là hết, mẹ tha thứ cho con, con hôn mẹ đi”. Nếu đứa bé từ chối lời mẹ và cứ tiếp tục hờn dỗi thì cái gì xảy ra? Nó không thực sự được tha thứ, mặc dầu về phía bà mẹ, sự tha thứ đã được cho đi. Sẽ không có gì thay đổi cho nó, bao lâu nó không chấp nhận tha thứ và được tha thứ. Cũng cùng một sự như thế với Thiên Chúa.

Như vậy, bạn đừng nghĩ rằng mình sẽ được tha thứ mà cứ chồng chất tội lỗi. Bạn cũng không được ngã lòng khi gặp phải khó tha thứ. Điều chính yếu là mở lòng bạn ra với Chúa, để tự do nói với Ngài những gì bạn sống, dù chẳng có chi sáng chói. Bạn có thể nói lên tất cả trong lời cầu nguyện: những niềm vui của bạn, những khổ nhọc của bạn, những nổi loạn của bạn, những nghi ngờ của bạn, những kêu ca và những khóc lóc của bạn. Các thánh vịnh đầy dẫy những tình cảm phàm nhân, từ những tình cảm cao thượng nhất cho đến những tình cảm thấp hèn nhất. Nhưng những lời nguyện tấn công, hiếu chiến đừng nhắm vào con người, mà nhắm vào những thần trí sự dữ và các thứ quỷ: ghét tội lỗi nhưng thương tội nhân.

Bạn cũng có thể than thở với Chúa, như Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao chúa bỏ con?” (Tv 21,2). Bạn cũng có thể phiền trách Chúa như Gióp khi bị nghiền nát dưới những đau khổ khủng khiếp mà ông chẳng hiểu: “Tại sao Chúa lôi con ra khỏi lòng mẹ?” (Job 10,18). Thiên Chúa nhẫn nại lắng nghe những lời kêu than đau khổ. Và khi cay đắng đã được dốc cạn trước mặt Ngài thì sẽ đến sự ngọt ngào của ơn tha thứ. Lòng thương xót của Chúa vô cùng linh hoạt hằng theo bạn mọi lúc, để giúp bạn dễ dàng tiến bước đến “bí quyết tình yêu”. Lòng thương xót Chúa như bà mẹ cảm nhận trong trái tim mình tất cả mọi tình cảm của đứa con. Ngay khi bạn nương cậy vào lòng nhân lành của Chúa, bạn sẽ đón nhận cảm giác an toàn bao la trong nội tâm.

 “Con chẳng đáng, nhưng…”

Bí quyết xin Chúa tha thứ nằm trong phương trình đơn giản này: Tha thứ = Khiêm nhường + Hy vọng. Con người chúng ta chẳng có công trạng gì, nhưng lại đắc tội trong mọi sự. Bạn đừng để một phút giây nào mà không trông cậy tất cả nơi Chúa. Hãy bám chặt lấy lòng thương xót của Chúa, vì bạn thế nào thì Chúa thương bạn thế ấy. Bạn hãy ngắm nhìn lòng tin của viên đội trưởng trong Phúc Âm. Chúng ta đọc lại lời kêu xin của ông trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa, nhưng xin Chúa phán một lời thì con sẽ được chữa lành”. Nếu bạn chờ khi nào cảm thấy “xứng đáng” để cầu nguyện, để xưng tội, để rước lễ thì không biết bạn sẽ chờ đến bao giờ! Ma quỷ là thầy dạy tuyệt hảo về sự xứng đáng, nó khuyên bạn chạy tìm cho được sự xứng đáng, mà chính nó cũng dư biết chẳng bao giờ con người có được.

Trái lại, Thần Trí Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta rằng chẳng bao giờ chúng ta xứng đáng rước Chúa cả. Sự xứng đáng đích thực của chúng ta chính là quên việc chạy tìm sự xứng đáng ấy để chơi trò ‘ai mất thì được’: “Kẻ nào nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Bạn càng muốn thấy loại trừ được hết tội lỗi đời bạn, bạn càng cảm thấy không xứng đáng vào Nước Chúa. Nhưng bạn sẽ nhảy mừng vì Chúa cho bạn đầy quà tặng và ban nhưng không cho bạn tất cả những gì bạn thiếu, để bạn được nên giống Chúa. Vì chúng ta phải chạy tới mục đích “không phạm tội nữa” (x 1 Jn 3,3-10) là điều “không thể” đối với loài người, nhưng lại “có thể” đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy để Chúa hành động bằng những phương thế của Ngài. Bạn hãy thẳng thắn xử sự như thế và làm sống trong bạn những lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất để xin ơn tha thứ.

Một lời cầu nguyện khiêm tốn

Bạn thuộc nằm lòng Kinh Cáo Mình, nhưng bạn có cân nhắc đủ từng chữ không?

“Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng…”. Phải, bạn thú nhận tội bạn trước mặt Đấng mạc khải cho bạn một tình yêu toàn năng có sức tha thứ. Bạn tín nhiệm vào Chúa. Bạn biết rằng tội bạn sẽ được tha thứ, nếu bạn ăn năn thống hối trở lại cùng Chúa.

“Tôi nhìn nhận trước mặt anh chị em rằng tôi đã phạm tội”. Bạn chấp nhận không còn biện minh trước mặt người khác nữa, nhưng thẳng thắn và can đảm thú nhận tội bạn. Bạn không sợ bị kết án, vì họ là anh chị em của bạn trong Chúa Kitô. Họ sẽ giúp bạn sửa chữa lầm lỗi của bạn.

“Trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Cội rễ của tội nằm ở trong lòng, trong tư tưởng. Xin Chúa tha cho bạn những tư tưởng xấu mà bạn không muốn xua đuổi đi ngay. Xin Chúa cũng tha cho bạn những lời nói dối trá, bạo lực, thiếu bác ái mà bạn không kiểm soát được. Xin Chúa tha cho bạn những hành vi ích kỷ chế ngự bạn suốt bao tháng ngày. Xin Chúa tha cho bạn biết bao quên lãng, chia trí, những cơ hội bỏ qua mà bạn đã có thể làm tốt hơn.

“Vâng, con đã thực sự phạm tội” (đấm ngực). Bạn xác nhận trách nhiệm của bạn. Trước mặt Chúa, bạn đã đắc tội hơn là nạn nhân. Bạn hạ mình xuống chỗ rốt hết, hổ thẹn nhưng tin tưởng. Bạn cám ơn Chúa vì đã cho bạn có thể cậy trông vào sự tha thứ của Chúa.

“Vì vậy con khẩn cầu cùng Trinh Nữ Maria”. Ngoài Chúa Kitô, chỉ có một người vô tội: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử”. Cám ơn Mẹ đã cầu nguyện cho chúng ta là những người tội lỗi.

“Các Thiên Thần và toàn thể các Thánh”. Một sức mạnh bao la giúp bạn chiến thắng tội lỗi. Được một đạo binh thánh thiện như thế cổ vũ và nhờ ơn Chúa, làm sao mà lại không hy vọng trở nên tốt hơn được?

“Và anh chị em nữa, xin khẩn cầu cho tôi trước mặt Chúa”. Nếu bạn cậy dựa vào lời cầu nguyện của anh chị em bạn, thì anh chị em bạn cũng phải cậy dựa được vào lời cầu nguyện của bạn nữa. Bạn cầu nguyện cùng Chúa cho các anh chị em tội lỗi của bạn. Xin Chúa giải thoát bạn khỏi kết án lỗi lầm của anh chị em bạn. Xin cho bạn có một cái nhìn yêu thương giúp anh chị em bạn biến đổi.

Chúa nghiêng xuống trên con

Chúa ơi,

buổi đầu con cầu nguyện thầm thỉ,

sợ người ta chú ý.

Rồi con vội chạy đi,

dần dần rơi vào quên lãng,

trong thói quen, trong công việc.

Sức mạnh nào hơn con thúc đẩy,

con cầu nguyện, vẫn sợ bị chú ý.

Nhưng,

Chúa nghe con, mà con không đáp lại.

Mạnh hơn, con nghe tiếng Chúa vào tai:

“Con muốn Cha làm gì cho con?’’

Chúa đã nghiêng xuống trên con.

Con thấm đượm tình yêu Chúa,

con không còn sợ, vì có Chúa.

Con tìm nghe Chúa,

Đấng mở cõi lòng,

cho con thích sống,

đầy tin tưởng và hy vọng.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print