Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (5)
Bản tin ngày: 28/02/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Nếu đẹp lòng Chúa

Lắm lần bạn tự hỏi: Cần gì phải thưa với Chúa điều nọ điều kia, vì Chúa đã biết tất cả? Phải xin Chúa cái chi? Tại sao bao lời cầu khấn chẳng được nhậm lời? Lời cầu nguyện của ta có tác dụng gì trên thế giới? Nơi Thiên Chúa? Có được phép cầu xin phép lạ không?...

Cầu nguyện có bảo chứng

Nếu bạn mua một vật gì có giá trị, người ta trao cho bạn một phiếu bảo hành. Người sản xuất cam kết cho bạn khỏi mọi trục trặc. Miễn là bạn sử dụng đúng theo chỉ dẫn, bạn có thể tin cậy sản phẩm vận hành kỹ thuật tốt, ít là trong thời hạn bảo hành. Tôi xin lỗi đã dùng một so sánh thô tục để nói về việc cầu nguyện ‘xin ơn’! Nhưng Chúa Giêsu đã muốn cho bạn những bảo đảm. Bạn hãy nghe Ngài nhấn mạnh: “Bạn hãy xin thì sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ được mở cho. Ai xin thì sẽ nhận được; ai tìm thì sẽ thấy; ai gõ thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh  em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, thì phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,7-11).

Bạn muốn gì hơn nữa? Bạn có một người cha trên trời vô cùng tốt lành. Người biết bạn cần cái gì, cả trước khi bạn xin Người (Mt 6,8). Nhưng Người muốn sự tín nhiệm của bạn. Người chờ đợi lời cầu nguyện của bạn, trong niềm vui luôn luôn ban cho bạn nhiều hơn bạn xin. Sự bảo đảm mà Ngài ban cho bạn thuộc về lãnh vực tình yêu, chứ không phải lãnh vực thương mại.

Thái độ của Chúa giống thái độ của người cha tuyệt vời này là Thánh Thomas More (Nhân vật lịch sử này là thủ tướng của vua Henri VIII nước Anh. Vì từ chối theo vua trong việc đoạn tuyệt với Giáo hội Công giáo, ngài bị chém đầu vào năm 1535. Ngay trước khi chết, ngài nói với đao phủ: “Đừng chặt bộ râu của tôi, nó đã không làm chi xấu cả!”). Là người cha gia đình tuyệt vời, người Anh đầy khôi hài và tốt bụng này ngày kia đã viết cho con gái xin ngài tiền như sau:

“Con gái cưng của ba, con xin ba tiền cách quá nhút nhát và do dự. Con đã dư biết, ba con luôn sẵn sàng cho con, và lá thư của con lẽ đáng còn được hơn nữa, không phải hai đồng tiền vàng cho mỗi dòng chữ, như Alexandre đã làm cho mỗi câu thơ của thi sĩ Chérilus, nhưng nếu túi tiền của ba tương xứng với ước muốn của ba, thì sẽ là hai lượng vàng cho mỗi vần của lá thư con… Tuy nhiên, ba gởi cho con đúng số tiền con xin. Ba đã có thể thêm hơn chút nữa, nhưng nếu ba muốn cho, thì ba cũng muốn rất nhiều là con gái cưng của ba xin ba một cách nhã nhặn dễ thương, như nó biết cách làm. Vậy con hãy xài mau số tiền ấy đi – ba chắc chắn rằng con gái ba sẽ sử dụng tốt. Và con càng sớm trở lại nhiệm vụ, ba càng hài lòng”.

Đọc qua lá thư, chắc bạn dễ dàng nghe Chúa nói: “Con ơi, con quá nhút nhát cầu xin Cha…”. Nhưng bạn cũng đoán được rằng tất cả tuỳ thuộc vào cái bạn xin và tinh thần thúc đẩy bạn xin.

Xin với điều kiện

Điều kiện đầu tiên để được Chúa nhậm lời là bạn xin Ngài “những sự tốt lành”. Phúc Âm Thánh Luca quả quyết nếu bạn xin Thánh Thần thì chắc chắn bạn sẽ nhận được (Lc 11,9-13). Tôi sẽ trở lại nói về Chúa Thánh Thần sau. Bây giờ, hãy xem vấn đề làm sao biết đánh giá “những sự tốt lành”. Cái đáng buồn là lắm lần chúng ta như những đứa trẻ không biết thẩm định những sự tốt lành (x. Mt 11,16-19). Chúng xin cha mẹ mua cho chúng khí giới để chơi trò chiến tranh, và chúng gặp phải sự từ chối ngay lập tức. Cha mẹ biết rõ hơn chúng cái gì thích hợp cho chúng. Với Thiên Chúa cũng vậy. Trước khi bạn trình bày với Chúa tất cả các nhu cầu của bạn, bạn hãy tìm khám phá ra cái gì Ngài nói và trình bày là tốt nhất cho bạn. Bạn hãy học thuộc lòng câu này: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự Công Chính của Người, rồi mọi sự khác sẽ được ban thêm cho bạn dư dật” (Mt 6,33).

Bởi vì chúng ta bị mắc bẫy trong ảo tưởng của chúng ta về những sự tốt lành phải xin, nên cần thiết phải đặt mình trong sự tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Ba lời cầu xin đầu trong Kinh Lạy Cha sẵn đó để hướng dẫn chúng ta: Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Vậy bạn phải bắt đầu xin cái gì Chúa thích. Và chỉ sau đó, bạn xin những gì bạn trực tiếp thích nhất (xin cho chúng con…, xin tha cho chúng con…, xin chớ để chúng con…, xin cứu chúng con…).

Bạn hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con không biết rõ được cái gì con phải xin Chúa”. Bạn bắt đầu bằng việc giao cho Chúa tờ giấy trắng, Chúa ghi vào cho bạn. Chính Chúa biết rõ cái gì tốt nhất cho bạn. Bạn xin Chúa ban cho bạn Thánh Thần, là Đấng mạc khải cho bạn tất cả chân lý về Chúa, về thế giới, về chính bạn. Bạn chỉ xin cho Thánh Ý Chúa được thực hiện. Tất cả con người bạn hướng về Chúa để thành thật nói với Chúa rằng: Nếu đẹp lòng Chúa, tất cả những gì đẹp lòng Chúa, chỉ những gì đẹp lòng Chúa thôi.

Hiệu quả cái lao

Nếu bạn thành khẩn thực hành lối cầu xin đó, bạn sẽ sớm nhận ra sự thay đổi trong cái nhìn của bạn. Hiệu quả đầu tiên của lời cầu nguyện là biến đổi chính con người cầu nguyện. Cái lao phóng đi bảo đảm biết bao! Đại văn hào Julien Green đã nói: “Mục đích của lời cầu nguyện có lẽ là chúng ta ít đạt được điều chúng ta xin cho bằng là chúng ta trở nên khác. Có lẽ nên đi xa hơn mà nói rằng việc cầu xin Chúa cái gì đó dần dần biến đổi chúng ta thành những con người có khả năng vượt quá điều mình xin”. Chẳng hạn hằng ngày bạn xin Chúa lương thực, bạn cũng trở nên đủ khả năng vượt quá của ăn vật chất, mà khám phá thấy những của ăn thiêng liêng dưỡng nuôi hơn nữa.

Trong lời cầu nguyện xin ơn, mọi sự xem ra giống một chiếc tàu được kéo vào bờ bằng một sợi giây rất dài, càng kéo tàu càng gần bờ. Bạn càng cầu xin, bạn càng thấy bờ của Chúa tiến lại phía bạn. Bạn biết rõ, thực ra không phải Chúa cử động mà là chính bạn. Bạn càng kéo sợi giây cầu nguyện, bạn càng lôi chiếc thuyền của bạn tới đúng chỗ Chúa đang chờ đợi bạn. Chính vì thế, bạn đừng ngại xin những điều tốt lành cho chính bạn. Đó không phải là ích kỷ nhưng là thực tiễn. Có những người tưởng rằng họ rất quảng đại vì họ chỉ xin cho người khác, không bao giờ xin cho họ… Họ quên đi rằng họ chưa được Thánh Thần Chúa Kitô biến đổi đủ, để lời cầu xin của họ hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Không được giảm thiểu lời cầu nguyện cho kẻ khác, nhưng cũng phải cầu nguyện nhiều cho chính mình, như một người nghèo, chứ không phải là xa xỉ.

Bạn nên xin gì cho bạn? Trước hết là ơn cầu nguyện sốt sắng. Những nhân đức Kitô giáo mà bạn nỗ lực thực hành: khiêm tốn, vui vẻ, dịu dàng, nhẫn nại, giản dị, trong sạch, niềm nở, tín nhiệm, can đảm, tự chủ. Bạn đừng ngại tha thiết cầu xin những sự tốt lành ấy cho bạn. Bạn hãy miệt mài kêu xin. Chúa muốn bạn khẩn khoản cho đến đỗi Chúa phải mềm lòng, như người đàn bà goá kêu oan với ông quan toà bất lương, và đến cuối cùng bà đã đạt được yêu cầu. So sánh như vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không ngừng, chớ ngã lòng, vì Thiên Chúa sẽ “kíp giải oan cho những người được tuyển chọn ngày đêm hằng kêu lên Ngài’’ (Lc 11,5-8). Thực tế, bởi lời khẩn khoản ầm ỉ không ngừng đó, lửa tình yêu thêm mãnh liệt trong trái tim và dần dần chúng ta trở nên những người được tuyển chọn, có khả năng làm Chúa vui lòng và lay chuyển cả thế giới.

Bạn cũng đừng quên trình bày với Chúa tất cả những nhu cầu và lo toan cá nhân của bạn: công việc làm ăn, học hành thi cử, tình yêu, ơn gọi, sức khoẻ, những vấn đề tiền bạc, nhà ở, di chuyển, lương thực… Không phải nhất thiết xin Chúa can thiệp cách tức thời, nhưng là xin ơn sống tinh thần Kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống mỗi ngày. Nhiều lúc chỉ cần làm như Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana. Khi nói với Chúa Giêsu “họ hết rượu rồi”, Mẹ không xin cái gì rõ rệt, nhưng Mẹ trình bày với Chúa nỗi khó khăn, với tất cả lòng cậy trông. Và sau đó, “nhờ ơn Chúa” như người ta thường nói. Vậy bạn hãy giải bày mọi nỗi lo âu của bạn, cũng như mọi nỗi âu lo của kẻ khác, với lòng tin tưởng thực sự rằng Chúa lắng nghe bạn và Ngài chăm sóc đến mỗi người.

Những lời cầu nguyện không được chấp nhận

Phải cư xử làm sao khi, mặc dầu bạn khẩn khoản kêu xin, vẫn không luôn được nhậm lời, nhất là không mất lòng cậy trông? Nếu bạn cầu nguyện trong tinh thần Đức Tin, bằng cách thành thật xin cái bạn phải xin, thì phải nói rằng Chúa nghe bạn. Lời cầu nguyện của bạn không mất đi. Như một làn sóng thiêng liêng ném vào không gian, năng lượng của nó được sử dụng cho một công cuộc nào đó, mặc dầu bạn không hay biết chi. Thiên Chúa điều hành và sử dụng mọi lời cầu nguyện cho những nhu cầu sâu xa nhất, khẩn trương nhất. Chúng ta không thể hiểu được mọi lý do của Chúa.

Điều đó không cản trở chúng ta suy nghĩ để thăng tiến lời cầu xin của chúng ta. Chẳng hạn, bạn có thể suy nghĩ các trường hợp cầu nguyện không được nhậm lời trong Tân Ước:

* Phêrô muốn làm ba lều ở trên núi, lúc Chúa Giêsu biến hình, và Thánh sử Luca ghi “ông không biết điều mình nói’’ (Lc 9,33). Lắm khi ta cũng nói lên những điều dại dột!

* Khi một môn đệ xin về chôn cất cha đã rồi đến theo Chúa Giêsu, ông không biết rằng như thế là hãm lại sự dấn thân quảng đại ông được mời gọi trong giây phút hiện tại (Lc 9,59-60).

* Khi Matta xin Chúa Giêsu can thiệp để em cô là Maria giúp cô trong việc phục vụ, Chúa Giêsu quở trách cô loay hoay lo lắng và cho là Maria có lý khi lắng nghe (Lc 10,40-42).

* Hay khi bà mẹ Giêbêđê xin những chỗ nhất cho hai con mình (Mt 20,20).

Qua 4 thí dụ trên, bạn thấy rõ rằng khi bạn không được nhậm lời là có nhiều duyên do:

* hoặc vì bạn xin những điều xấu, do thiếu trở lại sâu xa hoặc thiếu suy nghĩ.

* hoặc bạn xin những điều tốt, nhưng với những lý do xấu, và Chúa muốn thanh thẩy lòng bạn trước tiên.

* hoặc bạn xin những điều tốt, nhưng không phải là những điều tốt nhất, ưu tiên làm Chúa vui lòng.

* hoặc vì bạn thiếu đức tin, nhẫn nại, bền tâm và Chúa chờ đợi lúc thuận tiện hơn.

* hoặc vì bạn không có đủ ánh sáng để biết phải xin cái gì trong một trường hợp cụ thể như thế.

* hoặc bạn vấp phải một sự đối kháng do tự do bạn người mà ra: ví dụ khi bạn xin cho một người trở lại, thì hiệu quả còn tuỳ thuộc sự chọn lựa của người đó. Chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện không có kết quả cho ơn cứu rỗi của Giuđa và của những kẻ hư mất.

Lời cầu nguyện cho thế giới

Bây giờ tôi nói tới lời cầu nguyện cho tha nhân, quen gọi là chuyển cầu. Bạn có biết sức mạnh của lời chuyển cầu trên đời sống của thế giới không? Bề ngoài bạn chẳng thấy gì đâu. Người ta thường có cảm tưởng rằng lời cầu nguyện chẳng liên quan gì đến các biến cố thời sự cả. Nhưng ngay khi bạn vào trong nhãn giới Đức Tin, bạn thấy mọi sự hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn bạn khám phá thấy rằng những tình trạng tuyệt vọng của dối trá, hận thù, đồi trụy hoàn toàn bị lật ngược nhờ những con người có Đức Tin mạnh mẽ chuyển được núi dời được non. Rằng khắp nơi trên thế giới, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân cũng cùng hiệu quả như trong Phúc Âm. Rằng ngọn gió tự do đã thổi trên khắp thế giới, là hoa trái của ức triệu lời cầu nguyện và hy sinh.

Chúa Giêsu đã nói rõ: “Các con hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chổ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với các con: tất cả những gì các con cầu nguyện và xin, các con cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,22-24). Bởi vì ‘tất cả mọi sự đều có thể cho kẻ nào tin’, bạn hãy mau kêu lên với Chúa: “Xin Chúa giúp cho Đức Tin yếu kém của con” (Mc 9,23-24). Bạn có thể xin Chúa cả phép lạ, nhưng hãy cẩn trọng khám phá Thánh Ý Chúa. Những phép lạ quan trọng nhất không nằm ở lĩnh vực vật lý, song ở lĩnh vực thiêng liêng.

Trên hết mọi sự, “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và đi đến nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Vậy, lời cầu nguyện chính yếu nhất là chuyển cầu cho phần rỗi của toàn thể thế giới. Bạn coi đó là trừu tượng, ngược đời và vô ích sao! Vì thường người ta cầu nguyện cho những người chung quanh mình. Bạn cần thấy những khuôn mặt trong các ý chỉ cầu nguyện của bạn. Đồng ý. Bạn hãy bắt đầu từ chỗ đó. Bạn hãy xin đủ thứ tốt lành cho những ai bạn thương mến và quen biết. Nhưng bạn cũng đừng chậm trễ mở rộng lời cầu nguyện của bạn ra cho những người bạn không thương mến và không quen biết.

Chúa Giêsu thúc giục chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù nghịch nữa. Bất cứ chỗ nào Đức Maria hiện ra, Mẹ cũng khẩn nài chúng ta cầu nguyện cho những người tội lỗi, nghĩa là cho những ai hư mất vì lỗi của họ. Tình yêu cao độ của Chúa Kitô không ngừng hiến dâng vì ‘vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi thế gian’. Trái tim bạn càng hoà nhịp đập với Trái Tim Ngài thì lời cầu nguyện của bạn cũng bao la và sâu thẳm như lời cầu nguyện của Ngài.

Một thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một Thánh Maximiliên Kônbê khẩn nài Chúa cứu chuộc tất cả mọi người đang sống hôm nay, ngày mai và cho đến tận thế. Vâng, chẳng có gì ngoài việc đó. Và lòng các ngài cháy lửa yêu mến cho ý chỉ ấy. Thánh Silouane nhấn mạnh: “Nếu ân sũng Chúa Thánh Thần ở trong trái tim một người nào, dù ở mức độ nhỏ nhất, thì người đó sẽ khóc than cho mọi người. Người đó càng xót thương những ai không biết Chúa hay chống lại Ngài. Người đó sẽ cầu nguyện đêm ngày cho họ trở lại và nhận biết Chúa”.

Bạn đừng sợ những ước mơ của bạn là ảo tưởng. Khắp nơi trên các lục địa, biết bao nhiêu người trẻ mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn. Mười năm trước, tôi cũng bắt đầu một ước mơ và bây giờ nó cũng thành một hiện thực, góp phần khiêm tốn với cuộc đời và Giáo Hội: chương trình Ơn Gọi “Cho một tương lai tốt đẹp hơn”.

Một số bạn trẻ của bạn cũng mơ ước:

Nếu những rào chắn giữa người với người bị huỷ bỏ,

nếu người ta xoá đi tất cả mọi biên giới,

nếu con người vất bỏ ích kỷ và sự dửng dưng,

nếu mỗi người cố gắng lắng nghe và hiểu cho kẻ khác,

nếu lòng ghen ghét tan biến đi,

nếu những tên khủng bố đốt lên những ngọn lửa của niềm vui,

nếu những nhiệt huyết hăng say không bị ném vào tù,

nếu tình liên đới xoá đi nỗi cô đơn,

nếu cuộc sống chung giúp mỗi người bộc lộ được chính mình,

nếu chúng ta không mù, không điếc, không câm trước bất công,

nếu trong mỗi con tim chiếu sáng một mặt trời lớn,

nếu mỗi người biết thương như Chúa thương,

thì bấy giờ, thế giới sẽ tốt đẹp hơn.

Vâng, thế giới sẽ thuộc về những ai vừa cầu nguyện vừa hành động để đem một chút ước mơ đi vào thực tế. Bạn có muốn là một trong những người đó không? Bạn hãy đem vào lòng bạn lời cầu nguyện chuyển cầu. Bạn hãy mau chóng đặt mình về phía những người nghèo hằng kêu lên Chúa ngày đêm, họ đang sống trong những nơi xa xôi hẻo lánh hay trong những khu phố ổ chuột. Hình thức cầu nguyện đó cũng không thể thiếu, giống như là những hành động cụ thể vậy. Nó là linh hồn của hoạt động cho một thế giới tốt đep hơn.

Một lời cầu nguyện của Thomas More:

Lạy Chúa, xin cho con một sự tiêu hoá tốt,

và xin Chúa cũng cho con cái gì để tiêu hoá.

Xin cho con sức khoẻ của thân xác,

và xin giúp con giữ sức khoẻ ấy cho tốt.

Xin Chúa ban cho con một linh hồn thánh thiện,

luôn hướng mắt về vẻ đẹp và sự trong trắng,

để nó không khiếp sợ khi nhìn thấy tội lỗi,

nhưng biết nâng dậy tình trạng suy đồi.

Xin Chúa ban cho con một tâm hồn

không biết tích để ưu phiền và than thở.

Xin Chúa đừng để con quá âu lo

cho cái thứ vướng bận này mà con gọi là “cái tôi của con”.

Xin Chúa ban cho con tâm hồn hài hước,

để con rút ra được cái gì từ cuộc đời này,

và làm cho người khác được hưởng dùng nó. Amen.

Những người trẻ cầu xin…

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về cuộc sống Chúa đã ban cho con, và tất cả hạnh phúc mà Chúa đã đặt để trong đời sống con. Chiều nay, con muốn xin Chúa bao nhiêu thứ, đặc biệt con ký thác cho Chúa việc học hành và những bài thi sắp tới vài ngày nữa. Xin Chúa giúp con không chia trí khi ôn tập. Xin Chúa ban cho con can đảm và bình an.

Lạy Chúa, xin cho con biết luôn nhìn tha nhân với cái nhìn yêu thương của Chúa, chứ không phải với cái nhìn kết án của con.

Con cầu nguyện cho một đứa bé bị bệnh bạch huyết và đã chết vì căn bệnh này, mặc dầu con đã cầu nguyện cho nó. Người mẹ mất con, khi còn nhỏ cũng đã mất một đứa em trai chết cùng một thứ bệnh, lúc mới lên bốn. Lúc đầu con không hiểu tại sao Chúa lại để bao bất hạnh đổ xuống trên gia đình này như thế. Rồi con đã hiểu: gia đình nầy tiếp tục cho đi tình yêu và luôn chia sẽ nhiều hơn, dù phải trải qua bao buồn phiền ấy.

Con bị rơi vào một tình trạng đen tối, đúng như lời của một bài hát nọ: “Giữa lòng những nỗi quẫn bách, những tiếng kêu đau thương của chúng con, chính Chúa đang khổ đau trên thập giá của chúng con, chúng con trải qua mà không nhìn thấy Chúa”. Nhưng chính trong đen tối đó, Chúa đã đến gặp con, xin con hướng mắt về Chúa và Chúa chìa tay ra cho con. Con đã nắm lấy và để mình được dẫn dắt dần dần trên con đường cậy trông và tin tưởng ở Chúa. Không những Chúa đã nâng con lên mà còn băng bó vết thương lòng con. Con ca ngợi và cảm tạ Chúa trong mọi sự và mọi hoàn cảnh.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print