Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (6)
Bản tin ngày: 01/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Bạn đang lắng nghe Chúa

Khi Chúa nói với bạn

Vì bạn nhường lời cho Chúa, bạn đừng ngạc nhiên thấy tôi trích dẫn Kinh Thánh nhiều hơn. Hãy bắt đầu bằng lời kêu gọi của cậu bé Samuel. Chúa gọi hai lần rồi, nhưng Samuel vẫn tưởng là Thầy Hêli gọi:

“Samuel chưa nhận biết Chúa và Tiếng Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa gọi cậu lần thứ ba. Cậu vội dậy, chạy đến bên Hêli và nói: “Con đây, vì Thầy gọi con”. Bấy giờ Hêli hiểu là Chúa gọi cậu bé liền nói với Samuel: “Con đi ngủ đi và nếu có người gọi thì con hãy nói: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và Samuel đi về chỗ ngủ. Chúa lại đến và gọi cậu như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3,7-10).

Đó là chỉ dẫn tuyệt vời để bạn nối mạng vào tần sóng của Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Bạn đừng ngại năng xin như vậy khi bạn cầu nguyện một mình. Nhưng bạn cũng sẽ sớm gặp phải khó khăn, vì tất cả chúng ta đều khó lắng nghe kẻ khác, Đấng Khác. Phản ứng đầu tiên là chúng ta lắng nghe chính mình và bắt kẻ khác lắng nghe chúng ta nữa: “Nghe đây, nghe đây…”. Với Chúa, chúng ta cũng có khuynh hướng muốn đảo ngược câu trả lời của Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe, vì tôi tớ Chúa đang nói!” Tiến bộ của việc cầu nguyện cá nhân của chúng ta hệ tại chỗ loại bỏ dần dần tật hay nói của chúng ta, mà để Chúa được tự do bộc lộ.

Cái khó khăn khác cản trở bạn dễ dàng lắng nghe là Lời của Chúa không như những lời khác. Cậu bé Samuel đã có kinh nghiệm đó, cậu lầm tưởng Tiếng Chúa với tiếng của thầy Hêli. Đối với bạn ngày nay cũng thế. Bạn cần một người có kinh nghiệm phục vụ Lời Chúa để giúp bạn nhận ra ngôn ngữ của Chúa và hiểu rõ điều Chúa muốn nói với bạn. Cuốn sách nầy giúp bạn điều đó. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng nhiều phương thế khác nữa.

May mắn thay, so với Samuel, bạn có lợi điểm vô cùng lớn lao là bạn nhận được Lời Chúa qua Chúa Giêsu. Có lẽ bạn không bao giờ có được “lời nói” hay “thị kiến” như các tiên tri hay một số vị thánh. Nhưng nếu bạn chịu khó, bạn cũng hưởng nếm được Lời Chúa ngọt ngào đến độ thói ham nói của bạn tự nó lặng im. Bạn sẽ chăm chú lắng nghe Đấng Độc Nhất, hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Bạn có muốn thanh luyện trái tim bạn đến mức độ cao là tránh được tất cả mọi nhiễu âm, mọi tiếng động tận đáy thẳm, để nắm bắt được tiếng nói vô cùng tinh tế và khác lạ của Chúa không? Bạn lắng nghe sự ngọt ngào của ca khúc này:

“Như một hơi gió nhẹ mỏng manh,

Lời Chúa được trao ban,

Như một bình đất thợ gốm,

Tình Chúa uốn nắn nên con,

Lời Chúa thì thầm,

Như là bí mật tình yêu…”.

Bạn hãy mở sách Thánh Kinh của bạn ra

Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng không bao giờ “nói trong không khí”. Lời Chúa không phải để cho văn chương, mà đúng hơn cho hành động. Lời Chúa tác tạo nên thế giới, Lời Chúa cũng tác tạo nên từng biến cố. Điều xảy đến cũng giống như mưa dầm hay trời đẹp nắng:

“Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống sẽ không lên trời mà lại nhuần tưới đất đai, làm cho nó ra phì nhiêu, làm nẩy sinh hạt giống cho người gieo có hạt và làm cho người ta có cơm bánh ăn, thì Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không mang lại kết quả, không thực hiện điều Ta muốn và làm trọn sứ mệnh Ta giao phó” (Is 55,10-11).

Thánh Kinh chỉ là gom góp lại bằng chữ viết những dấu vết của Lời hành động ấy. Nhưng chính nhờ Thánh Kinh mà chúng ta có thể theo dõi được tất cả mọi diễn biến của lịch sử thánh. Như một tình sử vĩ đại, Thánh Kinh thuật lại cho chúng ta từng chi tiết của đại gia đình Thiên Chúa. Trong bằng ấy trang sách, chúng ta khám phá được cách Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Ngài và cách con người đáp lại, về mặt tốt cũng như về mặt xấu. Từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, công trình vĩ đại của Lời Chúa làm đảo lộn khoa địa lý, lịch sử, văn chương, tôn giáo. Tất cả Thánh Kinh đều nói về Thiên Chúa, từ câu đầu tiên của sách Sáng Thế ký cho đến câu cuối cùng của sách Khải Huyền.

Không cần phải dài dòng phô trương với bạn về cuốn sách phi thường này, tôi sẽ chỉ cho bạn con đường thực tiễn để đi vào thôi, bởi vì không thể đi vào một công trình như thế mà không có chuẩn bị.

Khởi đi từ đầu bạn nhé. Bạn đã có một cuốn Kinh Thánh rồi chứ? Bạn có năng mở ra đọc không? hay là để bụi lấm trong một xó? Coi như là bạn có mở đọc đi. Trước tiên, sự hiểu biết Lời Chúa khởi đi từ việc đọc đi đọc lại hoài. Ví như học một ngoại ngữ. Càng ngày người ta càng gởi đám trẻ đi ra ngoại quốc để có một cuộc ‘bơi ngôn ngữ’. Thánh Kinh cũng đòi hỏi một cuộc ‘xuất ngoại’ tương tự. Sau một thời gian dài, bạn mới cảm thấy dễ dàng quen thuộc với Thánh Kinh. Bạn đừng ngạc nhiên về điều đó. Lời Chúa không phải như những điều chúng ta lặp đi lặp lại mỗi ngày đâu. Khi giao tiếp với lời phàm nhân chúng ta, Kinh Thánh có một ngôn ngữ mới, rất độc đáo, đó là “ngôn ngữ Thánh Kinh”. Tất cả những ai muốn đối thoại với Thiên Chúa đều phải học biết cái ngôn ngữ đó.

Bạn phải tổ chức việc đọc Thánh Kinh như thế nào?

Tôi không khuyên bạn tìm đọc cách may rủi vì tò mò, nghĩa là mở trúng chỗ nào thì đọc chỗ đó. Tôi thích bạn đọc một cách liên tục hơn. Không nhất thiết phải đọc thật nhiều chú giải để có một hiểu biết tri thức về Thánh Kinh. Những dẫn nhập và ghi chú ở các sách Thánh Kinh hiện thời nghĩ cũng đủ cho bạn, vì việc học hỏi mà tôi muốn nói đây dựa vào một sự tìm kiếm thiêng liêng. Nó giả thiết Đức Tin thúc đẩy bạn đọc một cách tò mò thánh thiện.

Thực ra, Thánh Kinh vừa mạc khải vừa giấu kín một bí mật diệu kỳ. Việc đọc Thánh Kinh trở nên say mê khi bạn đọc như một thám tử tìm giải quyết một điều bí ẩn. Điều bí ẩn nào vậy? Đó là bí ẩn của Đấng Thiên Sai, tức là Chúa Giêsu Kitô. Tất cả Cựu Ước chuẩn bị cho nhân vật bí mật này đến. Cựu Ước phác hoạ ra rất nhiều nét, khó hài hoà nơi một khuôn mặt duy nhất. Rồi trong Tân Ước, Chúa Giêsu tự mạc khải dần dần như là lời giải đáp của điều bí ẩn. Đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cuối cùng vẽ nên một gương mặt diệu kỳ, đến đỗi gương mặt đó vừa hoàn tất vừa vượt quá cách lạ lùng tất cả những lời đã báo trước. Chỉ khi nào bạn cảm nhận được như thế thì Thánh Kinh mới thực sự trở nên Lời của Chúa cho bạn. Thánh Kinh không còn là một tài liệu của quá khứ nữa, nhưng là một Mạc Khải cho hôm nay, một sứ điệp nóng bỏng, một ánh sáng mãnh liệt chiếu soi mọi chi tiết của cuộc đời bạn. Và bạn sẽ hiểu được lời quả quyết này của Thánh Jérôme: “Không biết Kinh Thánh chính là không biết Chúa Kitô”.

Bạn còn phải làm gì nữa? Bạn hãy lấy Kinh Thánh làm sách gối đầu giường. Bạn hãy cầm Thánh Kinh trong tay như một vật gì quý giá đáng kính trọng. Bạn hãy cầu nguyện trước khi đọc, để Chúa soi lòng mở trí cho bạn hiểu được Thánh Kinh, như Chúa đã làm cho các môn đệ sau khi Ngài sống lại (x. Lc 24,45).

Trước hết, bạn hãy chọn đọc trọn vẹn các sách của Tân Ước. Trong Cựu Ước, bạn chọn đọc các sách gần với Phúc Âm hơn, chẳng hạn sách Giáo sĩ, Khôn Ngoan, Daniel, Jonas, Zacaria, Malakia. Bạn đừng lo lắng, nếu bạn không hiểu hết tất cả. Bạn cứ đọc với tin tưởng và bền tâm. Đôi khi một chữ, một câu nào đó sẽ nói với bạn. Lúc đầu, bạn đừng đòi hỏi nhiều hơn. Dần dần bạn sẽ nhận được hương vị của Lời. Và Lời sẽ trở nên bánh nuôi sống cho bạn.

Bạn hãy tập suy niệm

Việc đọc Thánh Kinh liên tục nhất thiết phải có như là nền tảng, nhưng chưa đủ. Bạn hãy đặt việc suy niệm lên hàng đầu. Trong khi tập suy niệm Lời Chúa, bạn sẽ cảm được trọng lượng của các từ và sự đánh động của Thánh Thần. Đây là những điểm chính yếu để thực hành việc suy niệm Thánh Kinh cách lợi ích:

* Bạn chọn một bản văn

Tốt nhất nên chọn bản văn trước khi bắt đầu cầu nguyện. Hoặc là bản văn phụng vụ ngày hôm đó, hoặc là một đoạn trong sách Thánh Kinh bạn đang đọc liên tục. Đừng lấy may rủi, mà hãy khiêm tốn theo chương trình phụng vụ. Đó còn là cách lắng nghe Chúa, thay vì lắng nghe chính mình! Chọn một bản văn ngắn chừng nào tốt chừng đó: tối đa một trang, tối thiểu vài chữ. Không phải để bạn ăn cho được nhiều, mà là để bạn thưởng thức.

* Bạn hãy kêu xin Chúa thánh Thần

Thánh Phaolô đã nói rằng chữ viết giết chết, chính Thánh Thần mới làm cho sống. Để biết đọc và biết nghe Đấng phán dạy qua sách thánh, bạn cần sự soi sáng thần linh. Vậy bạn hãy cầu xin Chúa để Ngài ban cho bạn ‘một con tim biết lắng nghe’ (IR 3,9). Bạn hãy xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa bạn tới ‘chân lý toàn vẹn’ (Ga 16,13).

* Bạn hãy đọc hết sức chậm rãi

Bạn hãy đọc bản văn, không phải một lần, mà là nhiều lần, cả với lớn tiếng nữa. Nếu gặp một bản văn bạn đã biết rồi, thì bạn cần buộc mình phải đọc chậm lại. Nếu cần, bạn hãy chép lại, như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chép lại Tân Ước. Bạn đừng chỉ đưa mắt đọc, mà phải ghi khắc vào tim bạn, như là một lá thư tình vậy. Trong suy niệm, không nên vội vã, để khỏi mất một mãnh vụn nào của Lời Chúa.

* Bạn hãy suy nghĩ với cả trí khôn

Bạn hãy tìm liên kết các chữ, các câu bạn đọc với những chữ, những câu khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu xin bà Samaritana uống nước (Ga 4,7), bạn có thể nhớ tới lời kêu của Ngài trên thập giá: “Ta khát’’ (Ga 19,28) và lưu ý là có thể tìm thấy các chữ đó trong các Thánh vịnh 69,22 và 22,16. Các ghi chú và tham chiếu bên lề Thánh Kinh giúp bạn liên kết các chữ, các ý tưởng và các hình ảnh.

* Bạn hãy nhìn xem bằng trí tưởng tượng

Điều này có giá trị, nhất là đối với những cảnh hoạt động hay dụ ngôn. Nhờ trí tưởng tượng hay ký ức - nếu bạn đã đi Thánh Địa - bạn có thể dựng lại khung cảnh (hình thức, nhân vật, màu sắc, tiếng nói, cử động…). Bạn có thể bị chia trí. Nhưng can đảm lên. Lâu dài, bạn cũng sẽ quen dần.

* Bạn hãy mở trói cho tim bạn

Bạn đừng chỉ hài lòng với việc đọc, suy nghĩ, nhìn thấy. Bạn hãy phản ứng lại bằng cách đối thoại với Chúa. Bạn hãy bộc lộ với Ngài tình cảm của bạn khi gặp những đoạn văn đánh động bạn nhất. Như các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,32), tim bạn trở nên sốt nóng nhờ đón nhận một mặc khải tốt đẹp như thế. Chớ gì nhờ bản văn, niềm tin, hy vọng và tình yêu của bạn vươn lên Chúa. Bạn hãy thưa với Ngài sự tôn thờ, các yêu cầu, các vấn nạn của bạn. Nếu câu nào làm thức tỉnh trong bạn một vang vọng sâu xa, bạn hãy để nó chậm lại và kéo dài. Và một khi sự thinh lặng của tình yêu được thiết lập trong bạn, bạn đừng nói gì nữa hết, bạn hãy đón nhận nó như một ân huệ vô cùng quý báu. Bạn hãy thưởng thức trong bình an sự ngọt ngào của Chúa.

* Bạn hãy cho ý chí bạn dấn thân

“Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13). Phải, Lời Chúa sẽ không để cho bạn yên. Nó sẽ lật ngửa, xô đẩy và làm toả ra một cuộc sống mới. Nó đã hoán cải, đã lật ngược đến tận căn một Thánh Phaolô, một Thánh Phanxicô Assis và bao nhiêu vị thánh khác. Bạn hãy để cho Lời Chúa phê phán, kiểm điểm, uốn nắn bạn. Bạn hãy rút ra từ suy niệm ít nhất một áp dụng thực hành làm biến đổi cách suy nghĩ hay hành động của bạn.

* Bạn hãy ghi khắc vào ký ức

Cuối cùng, bạn hãy ghi khắc vào ký ức điều bạn vừa suy niệm. Trong khi cám ơn Chúa, bạn hãy cẩn thận mang theo bạn một lương thực đi đường: một câu, một chữ, một hình ảnh, hay một quang cảnh nào đó. Lắm khi đừng ngại học thuộc lòng một đoạn ngắn, với đối chiếu của nó: “Mẹ Maria đã trung thành giữ những điều đó trong long” (Lc 2,51). Bạn sẽ tiêu hóa Lời Chúa đến đỗi nó trở thành lời của bạn. Và bạn hãy sống dấu thánh giá bạn làm trước khi nghe Lời Chúa: trên trán, trên miệng và trên ngực, hay nói khác đi, Lời Chúa trong óc, trên môi và trong trái tim: “Phúc cho ai lắng nghe Lời Chúa và gìn giữ lấy” (Lc 11,28).

Theo nhịp các Thánh vịnh

Bạn không phải là người đầu tiên sống sự “nhai lại” Lời Chúa đâu. Từ thời Giao Ước Cũ, biết bao nhiêu người tin đã suy niệm các biến cố Lịch sử Cứu độ, và dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, họ đã viết lên bao lời cầu nguyện. Có thể nói rằng chính Chúa đã cẩn thận hướng dẫn họ để những lời cầu nguyện của con người của họ cũng trở nên Lời của Chúa. Căn bản những lời cầu nguyện đó là nội dung của 150 Thánh vịnh. Giáo Hội dùng Thánh vịnh để cầu nguyện với hai ý nghĩa, hai cung cách: nói với Chúa Kitô hoặc cầu nguyện nhân danh Chúa Kitô. Nhưng phải nhờ đến Chúa Thánh Thần mới hiểu và đi đúng những tầm vóc Chúa muốn. Bạn hãy theo nhịp các thánh vịnh. Bạn sẽ không tìm được ở đâu khác một lời cầu nguyện sống động hơn, hiện thực hơn, tha thiết hơn và sáng tạo hơn.

Văn hào Dothái André Chouraqui nói: “Một cuốn sách nhỏ, 150 bài thơ, 150 bước giữa cái chết và cuộc sống, 150 tấm gương phản chiếu những nổi loạn và thất trung, những cơn hấp hối và những cuộc phục sinh. Hơn là một cuốn sách, đó là một con người sống động đang nói với bạn, đang đau khổ, đang khóc than, đang dãy chết, đang sống lại, đang ca hát, ở bên bờ vĩnh cữu, và người nắm lấy bạn, mang bạn đi, bạn và muôn thế hệ, từ khởi đầu cho đến tận cuối”.

Đa số những ca khúc hiện đại lấy hứng từ đó. Và nếu bạn có tài nhạc sĩ hay thi sĩ, bạn cũng nên sáng tác, làm phong phú thêm cho lời cầu nguyện cá nhân của bạn.

Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?

Thưa phải tuân theo Lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,

Xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.

Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,

Để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung,

Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng,

Thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.

Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,

Các quyết định miệng Ngài phán ra.

Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng

Hơn là được tiền rừng bạc bể.

Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền,

Đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa,

Con vui thú với thánh chỉ Ngài

Chẳng quên lời Ngài phán dạy.

                                     (Tv 118,9-16)

Người trẻ trực diện với Lời Chúa

“Lời Chúa là một lời cầu nguyện? Phải, và còn hơn thế nữa. Vui sướng biết bao khi khám phá được Thiên Chúa hằng sống nhờ Lời sống động của Ngài, và được đối thoại với Đấng hằng yêu thương tôi mỗi phút giây. Kỳ diệu thay, nhờ suy niệm Lời Chúa mà tôi nhận ra được chính mình, được nuôi dưỡng và hướng dẫn trên đường đến với Chúa Kitô, được mạc khải thấy sự khốn cùng hằng luôn thúc đẩy tôi đến lòng thương xót của Chúa”.

“Việc suy niệm của tôi luôn bắt đầu khó, lắm khi tôi phải đọc cả chục kinh Kính Mừng để lấp đầy lỗ trống. Nếu không có Mẹ Maria, thường tôi mất cả khắc đồng hồ để lắng nghe mình suy tư. Chính tôi nói, chính tôi kể lại cuộc đời tôi, bộc lộ tình cảm của mình… Sau giai đoạn khởi đầu đó, tôi cố gắng đi xa hơn, khởi từ ý tưởng Thiên Chúa thổi vào tai tôi, tôi có thể dừng lại ở một chữ, một câu đến cả mươi lăm phút. Rồi các lời cứ tuần tự theo nhau, mỗi lời có một chỗ, một lợi ích được Chúa vén dần cho thấy, chẳng khác chi khi khám phá ra một mặt kim cương, ta còn thích thú quay xem những mặt khác… Mầu nhiệm Lời Chúa thật vô cùng”.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 30/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print