Xin giới thiệu những Tóm
Kết của Linh mục J. Trần Sĩ Tín, CSsR, về
quyển sách có tựa đề “DIEU
AIME LES PAIENS” (CHÚA THƯƠNG DÂN NGOẠI) của Linh
mục Jacques Dournes (Đức) MEP. Trong năm 2011, Toà Giám mục Kontum dự định sẽ
cho ra mắt bản dịch tiếng Việt quyển sách quan trọng về mặt truyền giáo học và
nhân chủng học của vị linh mục thừa sai suốt đời gắn kết với dân tộc Jrai nằm
trong địa bàn Giáo phận Kontum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
***
CHÚA
THƯƠNG DÂN NGOẠI
J. Trần
Sĩ Tín, CSsR, tóm kết
Chương
I: KHÔNG CÓ CHỖ CHO NGƯỜI NGOẠI QUỐC
Ngày 1-8-1955, Jacques Dournes,
một linh mục thừa sai Pháp, được Giám mục Paul Seitz đưa tới thôn Bon
Ama-Djơng, Cheoreo, không nhà không cửa, không người quen, giữa những người
Thượng mà trước đó ông “chẳng biết có họ trên đời hay không” (tr. 12, hàng 20
từ dưới lên). Tối đến, khi người ta chẳng đành để ông ở ngoài “cho cọp” nó
tha, chấp nhận cho ông tạm trú một đêm (tr. 11, hàng thứ 5 từ dưới lên), ông
được leo lên căn nhà sàn với cảm tưởng mình mới là “người mọi rợ, chẳng
biết đến một tiếng Jrai, chẳng ai nói tiếng của ông” (tr. 14, hàng thứ 10 từ
trên xuống). Và ông đã có cảm nghiệm: “KHÔNG CÓ CHỖ CHO NGƯỜI NGOẠI QUỐC!”. Tôi
đoán ông ao ước và tìm cách sống làm sao cho bản thân ông dần dần bớt đi cái
tính “ngoại quốc” của ông (chương II, tr. 19, hàng 1) để trở thành Do Thái với
Do Thái, Hy Lạp với Hy Lạp, yếu với người yếu,… thượng với thượng (x. 1 Cr
9,19-23). Người ta kể rằng, lúc ban đầu, ông đã đóng khố (ông tây đóng khố),
trồng ớt (dễ trồng nhất) và đem ra chợ, ngồi chờ người tới mua. Vào cuối đời
tại Paris, người ta còn chụp được tấm hình ông đóng khố trong phòng riêng. Ông
làm thế “vì Tin Mừng”, vì Đấng Nhập Thể, như ông viết: “Những
người Jrai này chỉ biết Chúa Giêsu theo như những gì tôi sẽ nói với họ và qua
bản thân tôi… Ta có nghĩ đủ đến cái trách nhiệm, kinh khủng nặng nề, của vị
thừa sai đầu tiên ra mắt với một dân tộc mới để cho họ một hình ảnh của Thiên
Chúa?… Có lẽ đó là nỗi đau khổ nhất của người thừa sai… Không có chỗ cho sai
sót của tôi, không có chỗ cho công việc của riêng tôi” (tr. 14, từ hàng thứ 12). Nếu
vị thừa sai không biết đến những gì mình làm nảy sinh trong tâm hồn người dân
ngoại đang tiếp đón mình, thì vị thừa sai ấy chỉ tiếp xúc được cái bề mặt hay
chỉ xúc phạm đến người dân ngoại ấy mà thôi (tr. 16, hàng 21 từ trên xuống)…
Cái cảnh tượng con người vẫn còn là bề ngoài thôi, còn rất xa lạ với vũ trụ
quan mà người Jrai nhận thức. Vấn đề là không nên gán ghép cảm nghĩ của ta cho
cái vũ trụ quan của họ, hay tưởng rằng họ không có một vũ trụ quan nào cả (tr. 17,
hàng 8 từ dưới lên). Ông đã đi đến kết luận: “Việc trước tiên phải làm là coi
trọng người ta, tất cả mọi người, cho dù họ là ai… Khiêm tốn và tôn trọng, đó
là những đức tính mạnh mẽ để mở ra những nội tâm bất khả xâm nhập. Và việc thứ
hai phải làm là học tiếng nói của những con người đó” (tr. 18,
những hàng cuối).
Chương
II: TÔI HỌC NÓI
“Nếu không có chỗ cho người
ngoại quốc, thì tôi phải hết là một người ngoại quốc”.
- Bằng cách bập bẹ như một em bé
bắt đầu bắt chước cha mẹ để trở thành người và trao đổi với cha mẹ. Bắt chước:
đó là luật vàng để học một thứ tiếng, mà không chỉ là một thứ tiếng, mà cả một
thế giới” (những hàng đầu của tr. 2). Thế giới của ngôn ngữ, của văn phạm, của
sự vật, của tư tưởng, của con người… “Từ những khái niệm như thế, tôi dần
dà thâm nhập vào thế giới của người Jrai, những con người vốn chỉ nắm bắt một
Toàn Thể và vì quá hội nhập vào đó nên họ không thể phân tích… Khi mà ta không
chắc chắn có được những đặc sủng như của một Phanxicô Xaviê, thì tôi nghĩ: khôn
ngoan hơn là cứ từ từ đọc những gì Thiên Chúa đã viết trong tâm hồn những người
Jrai; Thiên Chúa gọi họ bằng một tên mới, nhưng Người nói với họ bằng ngôn ngữ
Jrai” (tr. 24, hàng
18 từ trên xuống). Đối với một dân tộc không có chữ viết, thì ngôn ngữ là rất
quan trọng, vì nó đòi hỏi và tạo nên sự tiếp xúc giữa người với người, cùng lúc
khơi dậy tình cảm, một cách trực tiếp. Mọi truyền thông, mọi sự hiểu biết, mọi
công cuộc đào tạo đều qua lỗ tai. Kiểu Fides ex auditu như Tin Mừng đã được
loan báo thuở ban đầu. Trí khôn của người Jrai xuất phát từ lỗ tai (tơngia),
chứ không phải từ đầu óc (ako’ dlo). Hluh măng tơngia (thông hay thủng lỗ
tai), có nghĩa là thông hiểu. Hơdach tơngia có nghĩa là thông minh, nhanh nhạy.
Thâo măng tơngia có nghĩa là biết điều. Lỗ tai nhớ (hơdor tơngia). Lỗ tai quên
(wor-bit măng tơngia). Sống với nhau nên theo lỗ tai (hơdip tui măng tơngia),
chứ không theo con tim (bu tui hơtai boh), vì con tim là nơi xuất phát những
tâm tình cay đắng (hơtai đi’ phi’ ruă). Vì thế cho nên, cô bé hay cậu bé Jrai
khoảng một vài tháng sau khi sinh, được bà đỡ nhai gừng, lấy ống chỉ, thổi vào
lỗ tai và cầu “cho tai bên phải nhớ rẫy nhớ nương,
tai bên trái nhớ công nhớ việc; cho tai bên phải biết nghe ông nghe bà, tai bên
trái biết nghe cha nghe mẹ”. Đó là nghi lễ bơhet tơngia. Qua thời
gian sống với người Jrai, riêng tôi thấy cần tập nghe hơn là nói, nhất là không
độc thoại. Như thế tôi sẽ học được rất nhiều từ dân nghèo, không phải chỉ ngôn
ngữ của họ mà cả Tin Mừng của họ nữa. Không chỉ Evangelizare pauperibus mà còn
là Evangelizari a pauperibus.
Chương
III: HỌ ĐÃ CÓ MỘT TÔN GIÁO
Họ sống trong một môi trường
toàn linh. Không phải cái gì cùng là thần, cũng là linh, nhưng mọi cái đều có
linh. Họ gọi là yang (thường dịch là thần, nhưng nên hiểu là “cái thần” hơn là
một “vị thần”), J. Dournes gọi đó là khía cạnh linh thiêng… cái chủ thể thường
tồn - của mọi sự (tr. 47, hàng 4 từ trên xuống). Không hề có và cũng không thể
vẽ hình, tạc tượng các yang Jrai. Họ cũng đã có Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hoá, trên
các yang. Đó là Ơi Adai – thương yêu người nghèo hèn – thường xuất hiện để giúp
đỡ họ. Tuy nhiên, người ta ít cầu cúng, vì thế Ơi Adai chỉ dành cho những
trường hợp đặc biệt và cho những người đặc biệt. Kêu tới Ơi Adai là phải cúng
từ heo cho tới trâu. Không phải lúc nào cũng được kêu danh Ơi Adai. Việc kêu
tới Trời dành đặc biệt cho các Pơtao, quen gọi là Vua Nước, Vua Lửa, Vua Gió:
Có 3 Vị nhưng lại nhằm một mục đích: nhắc nhở lương tâm con người sống làm sao
cho Nước đừng mạnh quá kẻo gây ra lũ lụt, Lửa đừng mạnh quá kẻo gây ra khô hanh
hoả hoạn, Gió đừng mạnh quá kẻo gây ra bão tố. Những nghi lễ mà ai cũng có
phần, ai cũng tham gia, cuối cùng nhằm mục đích duy trì tính linh thiêng của
vạn vật, nhất là nơi con người. Động từ ngă yang, rất khó phiên dịch, có nghĩa
là “làm thần”, “linh hoá”, có gì đó tương đương với từ sacri-ficium (sacrum
facere). Thành thử chúng ta không thể vơ đũa cả nắm mà nói rằng tất cả đều là
mê tín dị đoan, như có đấng bậc cho tất cả đều là trò ma quỷ (tr. 59, hàng 12
từ dưới lên). J. Dournes đề nghị phân biệt cái gì cần giữ lại, và cái gì cần
thay thế (tr. 49, hàng 4 từ dưới lên). Và ông dựa trên thực tế của môi trường
và khái niệm Hội Thánh minh nhiên và mặc nhiên, dựa trên khái niệm Logos spermaticos
để chủ trương như thế (tr. 58-59). Ông nói: “Tôi càng học hỏi cái thế giới ấy,
tôi càng thấy bất lực để thay đổi bất cứ điều gì. Chỉ có Chúa mới làm cho người
ta trở lại, việc của tôi là để cho Người được thoải mái hành động” (tr. 62,
hàng 5 từ trên xuống).
Chương
IV: MỘT TRUYỀN THỐNG BẰNG LỜI
Truyền thống Jrai nằm trong
AKHAN, LỜI CẦU, CHÂM NGÔN TỤC NGỮ. Đặc biệt J. Dournes nói về các AKHAN JRAI:
những chuyện kể, những trường thi, những anh hùng ca, những huyền thoại Jrai…
vốn phản ánh những ước mơ của họ (tr. 60, hàng 17 từ trên xuống), là những hành
động do ý thức tôn giáo, tạo thành một cơ cấu tín lý, qui định những giá trị,
dựa trên một sự kiện được diễn tả bằng hình ảnh, một hành động hơn là chuyện kể
suông, với mục đích làm nên những nghi thức tôn giáo (tr. 75, hàng 11 từ dưới
lên). Ta có thể nói cách khác: AKHAN JRAI là một loại văn như những mật thư, mà
nếu ta tìm ra được cái chìa khoá, ta sẽ biết được vũ trụ quan và nhân sinh quan
có tính tôn giáo của người Jrai (tr. 80, hàng 5, từ trên xuống). AKHAN như là
“Thánh Kinh” của họ được kể hằng ngày, không thể bỏ qua, hay huỷ diệt AKHAN để
loan báo Tin Mừng (tr. 78, hàng 16 từ trên xuống). Thiên Chúa đã lớn tiếng nói
với dân Israel qua các vị ngôn sứ, cũng đã thầm thì nói với tâm thức dân Jrai
qua các huyền thoại lưu truyền (tr. 78, hàng 4 từ dưới lên). Kinh Thánh đã điều
chỉnh những huyền thoại của dân ngoại để mạc khải chân lý (tr. 80, hàng 13 từ
trên xuống). Và J. Dournes đã áp dụng phương pháp sư phạm Kinh Thánh này trong
công cuộc hướng dân đức tin Jrai: tôi trình bày tín lý cho họ bằng chuyện kể
linh thánh (tr. 81, hàng 6 từ trên xuống). Để gặp gỡ tâm hồn Jrai, tôi phải nói
với họ bằng ngôn ngữ các Yang và tổ tiên họ, chứ không chỉ nói bằng ngôn ngữ phàm
tục học được trong vài tháng (tr. 75, hàng 13).
Hiện tại người Jrai vẫn đang có
gắng học giáo lý bằng cách kể cho nhau nghe tất cả các chuyện Kinh Thánh, liên
hệ với những chuyện AKHAN và những chuyện hiện tại.
Chương
V: MỘT TRUYỀN THỐNG HÀNH ĐỘNG
Truyền thống lời chuyển qua,
biến thành hành động hay thực hành. Lời đã có tính tôn giáo thì hành động là
nghi lễ. J. Dournes trong chương này nói về tế lễ hay nghi lễ Jrai, ông gọi là
“huyền thoại được hiện hành” (le mythe actualisé) và những gì cần thích nghi.
Nghi lễ Jrai trước nhất bao gồm
một CỘNG ĐỒNG (cộng đoàn). “Người ta cùng nhau tế lễ cùng như
người ta cùng cuốc và cùng gieo trồng với nhau… Ngoài cộng đồng, không còn tôn
giáo, cũng như không thể có lao động; từ bỏ những nghi thức ruộng đồng, là từ
bỏ trồng trọt; chấm dứt những nghi lễ trong gia đình là tự lên án triệt sản.
Làm sao mà có thể trở thành Kitô hữu một mình được?” (tr. 85, hàng 19 từ trên xuống).
Yếu tố thứ hai là LỜI CẦU mời
thần linh tới cùng ăn cùng uống và những của ăn của uống ấy tương đương với của
lễ hiến dâng.
Yếu tố thứ ba là VẬT HY TẾ ĐỔ
MÁU – thịt được chia cho hết mọi người. Còn yếu tố thứ tư là mọi người tham gia
đều HIỆP LỄ với thần linh và với nhau. Một sự say sưa, ở một mức độ nào đó, làm
cho cộng đồng hụt hẫng và như là bước vào cõi đời sau (tr. 85-86).
Nghi lễ nhằm tìm một sự bảo đảm
(an lành mạnh khoẻ), một sự đền bù (cho những lỗi phạm), một sự trao đổi với
thần linh như câu chuyện: Con Trời xuống trần gian, đến với một người nữ rất
nghèo, và hỏi cưới. Người phụ nữ rất xấu hổ bối rối vì chị chỉ có một tấm váy
rách nát. Con Trời lấy cái váy của chị đánh đổi với lúa gạo ê hề… Ông Trời yêu
người nghèo biết hiến dâng mọi sự, hay đúng hơn làm cho người nghèo biết hiến
dâng tất cả để đưa người nghèo vào một tình trạng sung sướng hơn (tr. 89).
Môi trường tối ưu cho nghi lễ là
NƯỚC. Nước tẩy uế, như trong trường hợp loạn luân, đụng vào xác chết hay tẩy
gở, thả trôi theo dòng xuống hạ lưu, cũng là phía mặt trời lặn, miền tăm tối.
Nước thanh minh trong trường hợp một người bị tố cáo trộm cắp hay ma lai, chịu
lặn nước cùng với một người bên tố cáo: ai lặn lâu hơn, người ấy vô tội. Những
nghi thức liên quan đến nước như thế đã khiến J. Dournes dịch Baptizare là Dìm
chứ không phải là Rửa như thường thấy (tr. 91, hàng 7 từ trên xuống).
Nghi lễ đồng hành với người Jrai
từ trong lòng mẹ, trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, cho tới sau khi chết. Nhận
ra đây là những tiền bí tích trong tiền mạc khải, J. Dournes có những thích
nghi dựa trên truyền thống Thánh Kinh và Hội Thánh như trong thư Thánh Grêgoriô
Giáo Hoàng gửi cho Mellitus:
“Không thể vứt bỏ một lần tất cả những tập tục của họ: người ta không thể nhảy
một cái lên nơi cao, người ta leo lên từng bước một”. Và vị thừa sai nào tại Á Châu cũng biết
Chỉ Thị năm 1659 của Công đồng Juthia: Đừng có nhiệt tình, viện vào bất cứ lý
do nào để thuyết phục các dân tộc này thay đổi những nghi thức, những thói quen
và những tập tục của họ, trừ phi rõ ràng trái với đạo và luân lý. Còn gì phi lý
cho bằng bê cả nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Ý vào cho người Trung Hoa.
Đừng có đưa đất nước chúng ta, nhưng là đưa đức tin đến với họ, một đức tin
không xua đuổi, cũng không xúc phạm đến các nghi thức hay tập tục của bất cứ
dân tộc nào, miễn là chúng không đáng trách, trái lại còn muốn người ta giữ lại
và bảo vệ chúng nữa” (tr. 94-97).
Thế rồi, J. Dournes đã có những
thích nghi cụ thể như nghi thức cầu nguyện cho các bệnh nhân, chiêng trống
cồng, nghi lễ Cầu Mùa… Và tác nhân của công cuộc thích nghi này là các người
nòng cốt, các giáo lý viên trong các cộng đoàn. Chỉ có người Jrai mới biết được
tâm hồn và lỗ tai của người Jrai và biết được tâm tình tôn giáo của họ. Chỉ có
người kitô hữu Jrai sống đạo mới có thể chỉ cho ngưởi Jrai biết Kitô giáo là
như thế nào. Giáo lý viên là môi trường lý tưởng cho việc thích nghi, nơi họ,
qua sự tiếp xúc với người thừa sai sẽ hình thành người Kitô hữu Jrai, bằng việc
thăng hoa những hạt giống linh thiêng tàng ẩn. Giáo lý viên là những tác nhân
lý tưởng của việc thích nghi; nhờ họ - bằng đời sống và sự giảng dạy của họ -
Kitô giáo sẽ tìm ra một cách diễn tả mà dân ngọai có thể lĩnh hội được. Vì thế,
nếu mối lo đầu tiên của tôi là học tiếng, thì mối lo thứ hai của tôi là đào tạo
những người phụ tá như thế (tr. 103). Và thời gian chính để thích nghi đó là
thời gian DỰ TÒNG, là thời gian vừa để nhận ra những gì Thiên Chúa đã khởi sự
nơi con người và vừa để tiếp thu những gì Thiên Chúa muốn hoàn thành trong Chúa
Giêsu, nghĩa là hoán cải đổi mới (tr. 105). Việc thích nghi và hoán cải lại vẫn
là công việc của Chúa Thánh Thần (tr. 106).
Chương
VI: CĂN BỆNH CỦA TÔN GIÁO
Chúng ta đã nói người Jrai đã có
tôn giáo. Nhưng xét theo hiện tượng của con người thì ngoài những cái hay cái
đẹp, tôn giáo nào cũng hàm chứa những giới hạn, những căn bệnh có thể làm cho
suy thoái, lệch lạc, nếu không kịp thời sửa chữa và đổi mới. Vậy tôn giáo Jrai
cũng đã già cỗi và đang suy thoái, do nhưng nguyên nhân nội tại, và do những
nguyên nhân ngoại lai.
J. Dournes cho thấy về mặt nội
tại, hệ thống tôn giáo Jrai đang suy thoái vì tính cộng đồng hoàn toàn lấn lướt
lương tâm cá thể, nghi thức biến thành hình thức và ma thuật rồi bói toán. Lại
cũng có xu hướng tự nhiên tục hoá mọi sự. Thực tế thay vì là dấu chỉ cho một
cái gì đó cao hơn, sâu hơn, linh hơn thì lại chỉ còn là thực tế suông. Thay vì
một môi trường toàn linh, thì chỉ còn một môi trường trần tục và duy vật. Đây
là một hiện tượng toàn cầu, có thể xảy đến bất cứ nơi đâu, cho bất cứ tôn giáo
nào.
Về những nghuyên nhân ngoại lai,
J. Dournes cho thấy ảnh hưởng của thế giới hiện đại, thế giới của tiền bạc, thế
giới của khoa học kỹ thuật như muốn trở thành thuyệt đối, thế giới mà người
Jrai phải hội nhập qua những con người được gọi là “ưu tuyển” (công chức), qua lớp trẻ được đào
tạo tại các nhà trường… Cũng không thể không nói đến ma quỷ phá hoại. Lại còn
có bệnh hoạn của chính công cuộc truyền giáo (pathologie de la mission). Xin
trích nguyên văn:
“Các tín hữu bị xa cách
việc phụng tự vì một thứ ngôn ngữ họ không hiểu, vì những nghi thức mà họ không
nhận ra ý nghĩa, bỏ mặc cho linh mục thay thế họ mọi sự trên bàn thờ, không
những dâng lễ thay thế họ, mà còn hiệp lễ thay họ nữa. Tính phù phép thấm nhập
vào quan niệm về các bí tích, vốn cứ tự nhiện thành, cho dù thụ nhân có thế nào
đi nữa. Căn bệnh duy lý cũng đến vô huyền nhiệm hoá (démythifie) tâm thức tôn
giáo. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, những con người của Hội
Thánh đã phạm sai lầm, nhất là vì không coi trọng tâm thức tôn giáo của các dân
tộc, cho dù họ là dân ngoại, nhưng không hề vô thần” (tr. 117, hàng 16 từ dưới lên).
Lại còn cơn cám dỗ muốn hữu
hiệu, muốn thành công bằng những phương tiện làm cho người ngoại nghĩ rằng Giáo
Hội giàu sang, dụ dỗ họ, áp đặt bằng của cải, bằng quyền lực… Làm sao tôi có
thể nghi ngờ được rằng chỉ có Chúa Giêsu mới hoàn tất công cuộc tông đồ, chứ
không phải bằng những phương tiện mà loài người tự tạo? Nếu tôi vận dụng những
phương tiện và kỹ thuật trần gian, Chúa Giêsu sẽ không có đó; Ngài chờ thất
bại, lúc đó Ngài can thiệp. Thế gian coi đó là vô lý; nhưng ai tin cậy vào Lời,
sẽ gặt hái (tr. 121).
Chương
VII: HOÁN DỊCH VÀ HOÁN CẢI
Tạm chuyển ngữ VERSION ET
CONVERSION như thế. VERSION là chuyển dịch ngôn ngữ gốc bản địa sang ngôn ngữ
của mình (coi lại tr. 21, hàmh 7 từ trên xuống), chứ không lấy ngôn ngữ của
mình mà chuyển dịch sang ngôn ngữ bản địa (THÈME). J. Dournes làm hai công việc
này chủ yếu trong thời gian DỰ TÒNG.
Một công việc dịch thuật ngữ
học, một công trình mục vụ hoán cải. Hai công việc có vẻ khác nhau, thực ra
công việc trước chuẩn bị cho công việc sau. Trong tiếng Jrai cả hai đầu gọi là
PƠBLIH. Đó là tất cả công việc của tôi ở đây, cùng các giáo lý viên; tất cả
thời gian mà chúng tôi không đào tạo dự tòng, chúng tôi dùng để chuyển dịch,
chỉnh, sửa không ngừng, cho công việc giảng dạy và xuất bản.
Về DỊCH THUẬT, nếu ta giả thiết
rằng người ngoại là không có tôn giáo, thì ta chẳng đi tới đâu, ta sẽ không
biết đến từ ngữ tôn giáo của họ và rồi ta sẽ tự tạo ra cho họ một thứ từ
ngữ vừa xa lạ vừa không phù hợp. Họ chỉ có việc trả bài thuộc lòng để làm vừa
lòng vị thuyết pháp tôn giáo mới và dĩ nhiên là tôn giáo cũ vẫn còn đó, nguyên
vẹn… Ngày xưa các vị thừa sai bắt con người ta dùng tiếng Latinh và cả tiếng Hylạp
mà họ chẳng bao giờ lĩnh hội được… Còn tôi chẳng bao giờ phải nhờ tới một tiếng
ngoại quốc nào - trừ những tiếng mọi người sử dụng như AMEN, HALLÊLUYAH - bởi
vì tôi tìm thấy trong thổ ngữ Jrai tất cả những gì cần thiết để chuyển lại cho
họ những gì mà Chúa muốn nói với họ (tr. 129-130). J. Dournes cùng với các
trưởng cộng đoàn tìm hiểu, chỉnh, sửa, nâng cao để có một ngôn ngữ nhà Đạo
Jrai, biết rằng chưa hoàn chỉnh, chưa cố định, nhưng dù sao cũng cố tránh những
nghịch nghĩa, hay giảm nghĩa như baptizare chỉ còn là “rửa tội”, nếu không phải
là “rửa đầu”. Không biết tư tưởng Jrai, cũng như không biết nội dung mạc
khải cho đủ là phản bội cả hai. Và rồi J. Dournes dịch cùng với các bạn dịch
Kinh Thánh, xuất bản những bản tin, những tập giáo lý. Giáo lý của ông không
theo kiểu hỏi thưa, vì ông cho rằng như thế là làm cho người ta có xu hướng đọc
thuộc lòng mà không cần suy nghĩ. Ông muốn để các giáo lý viên tự đắt câu hỏi
và người dự tòng tự trả lời tại chỗ. Những câu trả lời tự phát như thế, không
những cho kiểm tra sự hiểu biết của học viên, mà nhiều khi điều chỉnh ngay
những từ ngữ mà ông đã dùng.
Ông theo sát quy chế Dự Tòng gồm
các giai đoạn: Dự Thính, Lên Thang, Thềm Nhà (ană adring – dự tòng), Nhập Gia
(ană sang – thanh tẩy). Thời gian dự tòng là 3 năm:
1. Giải thích Kinh Tin Kính với
những thay đổi trong cuộc sống. Học Kinh Mân Côi.
2. Kể chuyện Cựu Ước theo tâm
thức Tiền Kitô. Bắt đầu cầu nguyện theo Thánh Vịnh.
3. Kể chuyện Tân Ước, liên kết
với đời sống Hội Thánh, dẫn đưa vào các Bí tích nhập đạo. Các dự tòng suy gẫm
cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha và tập sự thờ phượng.
Rồi các người tân tòng được khai
tâm vào đời sống bí tích, theo Tin Mừng Thánh Gioan và học lịch sử Hội Thánh.
Khi tôi nói với các giáo lý viên
về nhiệm vụ rao giảng của chúng tôi, thay vì dùng động từ “pơtô” (dạy), tôi
dùng động từ “pơjuat” (huấn luyện, làm quen). Những bài học của chúng tôi là
những chuyện kể, được tiếp nối bằng cử hành nghi lễ. Không có phương pháp thính
thị nào thích hợp bằng phụng vụ. Đối với giáo lý viên, tôi nhấn mạnh đến vai
trò gương lành; đối với dự tòng, tôi xin họ đem ra thực hành ngay những điều họ
mới học, bằng cách làm cho làng xóm họ trở lại nhờ gương sáng đời sống, những
cuộc thăm viếng bệnh nhân, những cuộc trao đổi về đạo… (tr. 143).
Một chút tôn giáo chẳng làm cho
người ta gần Chúa, một chút khoa học lại làm cho người ta xa Chúa. Cho nên J.
Dournes còn muốn truyền đạt cho tất cả người Jrai một kiến thức căn bản, chính
xác và đúng đắn về khoa học theo tầm nhìn của Teilhard de Chardin. Tuy nhiên,
cho dù ông có làm tất cả những công việc mà ông cần làm, ông vẫn cho là chưa
làm được trọn vẹn vì rất có thể ông không gặp được con người sống động - nhất
là con người sẽ sống ngày mai - trong một thế giới luôn chuyển động,
mà con người đó có thể chưa thích ứng được (tr. 149).
Chương
VIII: CUỘC SỐNG TRÊN NẤM MỒ
Để kết thúc cuốn sách mô tả “một
sứ vụ của Hội Thánh trên Cao Nguyên Việt Nam”, J. Dournes nói tới Lễ hội Nhà Mồ
của người Jrai, nói tới sự chết và sự sống của người Jrai. Lễ Hội lớn nhất là
Lễ Hội Bỏ Mả. Nhưng thực sự lễ hội đã bắt đầu với đêm canh thức người qua đời
(krong), với lễ an táng (pơyua), lễ tắm rửa (huă mơnơi), lễ bỏ cơm (lui asơi),
lễ tháng (huă blan), lễ năm (huă pơsat). Tất cả đều căn cứ từ những AKHAN.
Chúng ta không thể coi đó là một
nghi lễ phàm tục biểu hiện lòng tôn kính đối với nhưng người quá cố - và hả hê
vì đó không có tính tôn giáo. Chúng ta cũng không thể lên án tất cả, xóa bỏ và
thiêu cháy - nó vẫn sẽ tiếp tục. Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu thực tế với
những hệ lụy tình cảm, một cách nghiêm túc và khoan dung; chúng tôi đã nhận ra
nó có bản chất tôn giáo - yếu tố giá trị tích cực, cần hoán cải mà không giải
linh (désacraliser)… Biết được sức lôi cuốn của lễ hội này, từ lâu chúng tôi đã
hướng lễ hội này về Kitô giáo, làm cho người Jrai tìm lại được cộng đồng trong
ơn cứu độ (tr. 152).
Trong lễ hội này, người sống,
người qua đời, cùng với tổ tiên hoà quyện với nhau. Người Jrai quá cố được coi
như là yang (linh), họ sống (chúng ta mới là những người chết) nhưng người ta
không thấy được họ; người ta dâng cho họ những của lễ mà người kitô giáo chúng
ta không chấp nhận được (trong nghi lễ cúng tô tiên - “ngă yang prin-tha” - họ
sẽ được liệt kê vào danh sách tổ tiên được mời về cùng ăn cùng uống với con
cháu, phù hộ cho con cháu).
Đối với người Jrai, sự chết chỉ
là một tai nạn huỷ diệt thân xác hiện tại của chúng ta và đưa chúng ta về một
nơi khác: Hãy đi về miền xa, đất lạ, nước khác (Nao pơ lon pleh, dêh pha, ia
pơkon). Họ tưởng nhớ tới người quá vãng mà họ biết rằng đang sống… Pơsat (Nhà
Mồ) là một dấu chỉ hữu hình về gia đình chân thật và sống động; nó là tác nhân
(chúng ta có thể nói: cơ hội) quy tụ con người chung quanh một nấm mồ, quy tụ
những con người đó với nhưng người quá vãng, bằng những lễ vật mà người ta chôn
theo (pơtui) gửi vào đời sau; theo nghĩa Jrai, pơsat thể hiện điều nó là dấu
chỉ, nó thực sự là bí tích của gia đình, bí tích của sự sống và của sự phong
nhiêu tiếp nối trong môi trường này. Để thực sự hoán cải pơsat, chúng ta phải
làm bật rõ 2 quan niệm: sự phục sinh thành Sự Sống của Đấng Sống Lại, gia đình
xác thịt mẫu hệ thành Hội Thánh của những con cái Chúa; phản đề Jrai sẽ được
giải quyết thành hiệp đề Kitô giáo trên nấm mồ của Đức Kitô (tr. 158).
Ý KIẾN
CỦA NGƯỜI TÓM KẾT
Không cần biết J. Dournes đã
thực hiện được những gì (thực ra là ông đã đóng góp rất nhiều cho Sứ vụ Tin
Mừng, cho Hội Thánh, cho dân tộc Jrai), chỉ biết rằng đối với người Jrai, J.
Dournes dần dà không còn là người lạ, người ngoại quốc, nhưng đã trở thành
người Jrai: ăn, nói, sống, suy nghĩ và hiểu người Jrai hơn cả người Jrai. Có
cái gì đó giống với Đức Giêsu, khi được sai đến loan báo Tin Mừng của Cha, Ngài
“đã làm người và ở cùng chúng ta” (Ga 1,14). Không có nhập thể, không có hội
nhập văn hoá, không có Sứ vụ Tin Mừng. Được gọi là thừa sai, chúng ta có được
đào tạo như thế không? Chúng ta có sống như thế không? Thế mà J. Dournes vẫn còn
băn khuăn. Nơi những hàng cuối cùng của cuốn sách, J. Dournes viết:
Vấn đề không phải là ấp ủ một
vài Kitô hữu, hạt giống phải được nẩy mầm trong toàn dân; tôi không hướng tới
một vài cuộc thanh tẩy để tự an ủi, nhưng là tới hằng ngàn người được thành thánh,
khi Chúa muốn, bởi một ngày kia họ sẽ nghe được tiếng gọi (tr. 166).