Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (7)
Bản tin ngày: 03/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Bạn cám ơn Chúa

Khi bạn nói ‘Cám ơn’, bạn đáp lại một người nào vì một ân huệ bạn đã nhận lãnh của người đó (sự giúp đỡ, món quà, lời nói nhã nhặn…). Khi bạn nói ‘Hoan hô’ là bạn ca ngợi người đó, vì chính họ, một cách vô tư. Trong lời cầu nguyện của bạn, bạn gặp cả hai khả năng: bạn cám ơn Chúa vì những ân huệ Chúa đã làm cho bạn; bạn ca ngợi và thờ lạy Chúa trong khi chiêm ngưỡng những đặc tính của Chúa, vượt quá những ân huệ của Ngài. “Ca ngợi” vô vị lợi hơn “cám ơn”. Nhưng để thuần tuý ca ngợi Chúa, bạn cần bắt đầu cám ơn Chúa về muôn ân huệ Chúa đã ban cho bạn. Và lời cầu nguyện không ngừng đi từ cám ơn đến ca ngợi, từ ca ngợi đến cám ơn, vì cái nhìn đức tin đưa bạn từ thế gian đến Chúa và từ Chúa đến thế gian… Đó là nhịp đi về của một con tim biết thán phục!

Một con tim biết thán phục

Có lẽ đôi khi bạn thèm địa vị những người Dothái có được may mắn gặp gỡ Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, được nghe Chúa, được thấy Chúa, được trực tiếp chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa làm! Trái tim họ reo vui trong một sự thán phục liên lỉ! Bạn đừng lầm tưởng. Hôm qua cũng như hôm nay, trái tim con người vẫn chai đá trong việc đón nhận những kỳ diệu của Chúa. Dĩ nhiên các phép lạ của Chúa Giêsu mang lại nhiều thành công, song đám đông chỉ vội vã lợi dụng các phép lạ ấy thôi. Chúa Giêsu không để bị ảo tưởng đâu:

“Lúc Chúa Giêsu vào một làng kia, có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi’. Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với tư tế’. Đang khi đi thì họ được lành sạch. Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Chúa Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được lành sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,12-18).

Còn bạn? Bạn có xúc động trước sự ngạc nhiên đau đớn của Chúa Giêsu trước 90% vô ơn không? Bạn có sẵn sàng chạy đến Đấng Cứu Chuộc bạn với tâm hồn nghèo khó không? Bạn đang sống trong một thế giới mà người ta loại bỏ mọi phục vụ tình nguyện (không công, miễn phí), để mở rộng vương quốc của lợi lộc. Nếu làm một cuộc thăm dò về số người không cám ơn Chúa thì chắc chắn kết quả sẽ giống trường hợp mười người phong cùi. Chúng ta xử sự rất giống những đứa con hư, luôn nghĩ rằng cái gì người ta cũng phải làm cho chúng. Khi nào thì chúng ta mới trở nên những đứa con biết ơn và thán phục, vì cái gì người khác làm đều là ân huệ đối với chúng ta?

Tạ ơn Chúa, 10% biết ơn đang có đó, ít ỏi nhưng có mặt. Tôi kể cho bạn kinh nghiệm này: một bà mẹ gia đình bị bệnh ung thư, hiện tại có vẻ khoẻ mạnh nhưng tương lai thì không biết sao, bà xin chịu phép xức dầu bệnh nhân, bà viết: “Con hết sức xúc động khi nhận bí tích xức dầu bệnh nhân. Con tin chắc rằng lúc ấy, Chúa Giêsu đã bồng con lên, đã nâng đỡ con… con tràn ngập bình an và vui sướng. Con ao ước chớ gì thời gian đừng qua đi. Sẽ không bao giờ con quên…”.

Khi nghe một lời cám ơn như thế, tôi cũng tràn ngập lòng biết ơn. Là linh mục, tôi được phúc chiêm ngắm những việc kỳ diệu Chúa làm cho tha nhân và chuyển đạt lên Chúa bao lời tạ ơn của anh chị em đồng loại. Ôi lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ quên ơn Chúa, xin Chúa vén mở cho con thấy những kỳ công của Chúa, Danh Ngài là Thánh. Con cám ơn Chúa về tất cả, tinh thần lẫn vật chất, quá khứ, hiện tại và tương lai, con cám ơn Chúa về chính Chúa.

Bạn hiện hữu, món quà tốt đẹp biết bao!

Bạn cám ơn Chúa vì được hiện hữu. Đó là tiếng kêu đầu tiên phải được thốt lên tự đáy lòng biết ơn của bạn. Mỗi giây phút, Chúa tác tạo nên bạn, vì Ngài yêu thích sự sống: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!”

Bạn ơi, cả khi một kỷ niệm nặng nề còn theo bạn, vì đã phải trải qua những ngày thơ ấu dường như ‘không có tuổi thơ’, thì dưới cái nhìn của Thiên Chúa và trong niềm vui của Thánh Thần, bạn hãy ghi lại mọi biến cố hạnh phúc của cuộc đời bạn. Bạn hãy nhìn đến mọi dấu hiệu của lòng tốt đã đến với bạn từ khi bạn còn nhỏ. Thay vì quay lại vòng luẩn quẩn của những hụt hẫng cũ xưa, bạn hãy viết cuốn sách vàng những ngỡ ngàng kỳ diệu. Bạn hãy cầu nguyện với Cha bạn đang ngự trong kín ẩn và thưa lên với Ngài lời cám ơn vui tươi về mỗi một ân huệ Ngài đã tặng ban.

Ngay khi bạn cảm thấy tận trong đáy lòng bạn, lòng biết ơn bao la về tất cả những gì bạn đã nhận lãnh, bạn cũng ước muốn đem chia sẻ. Cái nhìn của bạn về người khác sẽ rất niềm nở và thân ái, đến đỗi bạn muốn nói với mỗi một người rằng ‘cám ơn vì đã có mặt’. Chính đó là phương thế tốt nhất đập tan băng giá dửng dưng hay ngờ vực, là những thứ cản trở chúng ta yêu thương lẫn nhau. Bạn hãy tưởng tượng bạn đang đi qua một nơi tối tăm nguy hiểm, có kẻ rượt đuổi để hãm hại bạn, bỗng bạn gặp được người, ôi sự có mặt giải thoát cho bạn, dù người đó bình thường bạn không ưa! Nếu bạn thực sự có lòng biết ơn: một cái gì mới mẻ, tốt đẹp hơn bắt đầu chớm nở…

Tôi mong ước bạn luôn còn có thể nói đi nói lại lời ‘cám ơn vì đã có mặt’ này, không phải chỉ cho bạn, không phải chỉ cho những anh chị em bạn gặp gỡ trên đường đời của bạn, mà còn cho mọi tạo vật. Cho các thiên thần đang chiêm ngưỡng Chúa. Cho cộng đoàn các thánh đang chia sẻ niềm hoan lạc. Cho tất cả mọi thú vật lớn nhỏ, cho núi đồi và đại dương, cho cây rừng và hoa đồng… Tôi có thể viết cho bạn đầy bao nhiêu trang sách về lòng tốt của Chúa như thế! Nhưng tôi thích để bạn tự tìm lấy. Bạn hãy để thời giờ chiêm ngắm công trình của Chúa: sững sờ trước cánh chim bay, hay một đóa hoa đang nở… Bạn hãy mơ về vĩnh cửu khi ở bên bờ biển cả, hay khi trải mình trên nệm cỏ dưới bầu trời đầy sao…

Thánh Phaolô đã nói: “Có cái gì bạn có mà bạn đã không nhận lãnh?” Đôi lúc cũng phải biết dâng lên Chúa những nước mắt vui mừng bạn ạ! Bạn hãy nghe một người bạn gái đồng tuổi bạn chia sẻ: “Cuộc sống chỉ là hạnh phúc! Song chính con người đã làm cho nên đau khổ! Chớ gì mọi người hiểu cho như vậy… Tôi ngỡ ngàng trước vô vàn tình thương của Chúa, và tôi cũng chiêm ngưỡng Ngài vì đã ban tặng cho tôi bao nhiêu ân huệ để chẳng nhận lại được chi!”

Được cứu độ, ân huệ quý giá ngần nào!

“Đau khổ biến tan trước vẻ đẹp’’, nhưng có biết bao vẻ đẹp bị tan biến vì đau khổ. Thật khó cám ơn khi bị bạo lực buộc trói, khi thất bại chua cay, khi bệnh hoạn đổ xuống và huỷ hoại dần dần cái thân xác hay tấm tinh thần này! Càng bất lực trước những đổ vỡ ghê tởm làm nên bất hạnh của thế giới, càng mất đi cảm thức về cái đẹp, càng ngụp lặn trong đêm tối ngờ vực và tuyệt vọng giày vò.

Chỉ có một phương cách để thoát ra là bạn hãy nhớ đến những kỳ công của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong số phận buồn thảm của nó. Từ đầu và trong suốt dòng lịch sử, Ngài đã luôn can thiệp để cứu chuộc con người. Đọc lại cuộc đời bạn, đọc lại lịch sử, những khám phá bao kỳ công Chúa đã làm cho Dân Ngài, bạn có cái gì nuôi dưỡng niềm hy vọng, và bạn sẽ nhận thấy một sự tất nhiên mới mẻ: hoài niệm tình thương chiến thắng hoài niệm sự chết, và bạn sẽ không ngừng ca hát “Tạ ơn Chúa, vì tình thương Ngài tồn tại đến muôn đời”.

Trên chóp đỉnh của lịch sử dài cứu độ là Đấng Cứu Thế Giêsu, Vật Hy Sinh dâng làm hiến tế, Đấng Công Chính được phó nộp vì kẻ bất lương, Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi của thế gian. Ngài đã chịu mọi khổ đau của con người trong cuộc thương khó. Ngài đã đổ đến giọt máu cuối cùng cho bạn. Mỗi phút giây của cuộc tử nạn đổ xuống trên toàn thể nhân loại một hồng thuỷ tình yêu vô biên. Làm sao mà bạn có thể lãng quên đi được? Và với thành quả quyết định là sự phục sinh, lời tạ ơn sẽ vang lên, mặc dầu đau khổ. Tôi nói ‘mặc dầu đau khổ’ mà không nói ‘vì đau khổ’. Tôi không chấp nhận tôn vinh đau khổ vì cớ nó giúp vượt quá anh hùng. Tuy nhiên phải nhận rằng những thử thách cam go nhất là môi trường tạ ơn tinh tuyền nhất.

Không bao giờ tôi quên được chứng từ của một thanh niên phế tật sau một tai nạn ôtô. Khi đến Paray-le-Monial (nơi Chúa Giêsu tỏ Thánh Tâm Ngài cho Thánh nữ Margarita), anh mang trong lòng một nỗi xao xuyến sâu xa: sợ xưng tội và sợ gặp linh mục. Anh không còn sử dụng được đôi chân mà cũng không còn nói được, phải viết để truyền thông với kẻ khác. Qua ngày thứ tư của khoá đặc sũng, anh được ý muốn xưng tội thúc đẩy. Anh bắt đầu viết tội mình lên giấy, nhưng không biết làm thế nào để gặp linh mục. Sau thánh lễ, chính linh mục tìm đến gặp anh. Đoán được ước muốn của anh, linh mục thân ái mời anh xưng tội. Anh đưa cho linh mục đọc tờ giấy anh ghi chi tiết tội lỗi trong 10 năm của anh. Đọc xong, linh mục ban phép giải tội và nói tiếp: “Chúa Giêsu tha thứ cho anh, bây giờ anh hãy cám ơn Ngài đi”. Người thanh niên cố thử, nhưng không một lời nào thoát ra khỏi miệng anh. Linh mục nhấn mạnh: “Không, không, tôi muốn nghe anh nói “Cám ơn Chúa Giêsu” và ngài đặt tay trên anh. Anh chia sẻ: “Bấy giờ, tôi cảm thấy nóng trong cổ họng, rồi đến toàn thân. Và lần đầu tiên từ 3 năm nay, tôi đã có thể thốt ra một tiếng nghe được ‘cám ơn Chúa Giêsu’. Tôi đã khóc nức nở mấy phút liền, rồi tôi bắt đầu “Kính Mừng Maria đầy ơn phước…”.

Chứng từ của anh giúp ích cho việc xưng tội: đừng ngại nói hết, coi linh mục như là Chúa Giêsu đang ở bên cạnh bạn, lấy đi tất cả tội lỗi của bạn. Bởi đâu mà có quyền lực phục sinh như vậy, nếu không phải từ Thánh Giá Chúa Kitô? Từ trên cao của thập giá, Ngài kêu lên với bạn: “Cha khát chính con, cha khát câu đáp trả tình yêu của con”.

Bạn hãy dâng lên Ngài ngàn tiếng ‘cám ơn’

Để việc cám ơn xâm chiếm cả cuộc sống thường nhật của bạn, bạn hãy dâng bản thân bạn qua ngàn lời cám ơn. Bạn hãy mở mắt ra với tất cả những gì là đẹp, là tốt. Hãy mở rộng trái tim bạn. Hãy học bí quyết của niềm vui.

Phương thế hữu hiệu là Nụ Cười. Ai nói được sức mạnh phi thường của nụ cười? Là bông hoa nhiệm mầu của tình yêu, nụ cười chứng tỏ cho tất cả mọi người biết rằng có một sự hiện diện bí mật đổ đầy trái tim bạn. Nụ cười là kiểm chứng quyết định cho tính chất lời cầu nguyện cá nhân của bạn. Trong lĩnh vực này, trẻ em là thầy dạy của chúng ta.

Bạn hãy nghe chứng từ này: “Trái tim lạnh giá, tôi lên xe ca chở vào thành phố. Tôi đã quyết định tự vẫn. Lúc ấy, tôi cảm thấy như có ai đang nhìn tôi. Đó là một em bé gái mới 4, 5 tuổi. Đôi mắt em tràn đầy thân thiện. Em đã mỉm cười. Và tôi đã hiểu rằng ánh sáng của một cái nhìn còn rộng lớn hơn cái trống rỗng hư vô kia, và rằng còn có một cái gì đang hứa hẹn, và rằng phải sống”.

Niềm vui ấy không dễ dàng. Lời tạ ơn đích thực là hoa trái của con đường thập giá. Chính vì thế mà Kinh Thánh nói “Hiến tế Tạ ơn”. Phải sống sâu xa mầu nhiệm tạ ơn: Bí tích Thánh Thể là lời tạ ơn. Khi bạn tham dự Thánh lễ, bạn vào trong hoạt động tạ ơn của Giáo Hội, liên kết với Chúa Kitô. Sau truyền phép, linh mục công bố: Đây là mầu nhiệm trọng đại của Đức Tin.

Nếu bạn hiểu được giá trị kho báu bạn lãnh nhận trong hiệp lễ, trái tim bạn sẽ tràn ngập lòng biết ơn. Bạn sẽ tìm được nơi mỗi thánh lễ chóp đỉnh và suối nguồn của lời cầu nguyện, của công việc, của mọi hoạt động của bạn. Vì vậy tôi khuyên bạn nối liền lời cầu nguyện của bạn với việc rước lễ. Sau khi rước lễ, dùng một thời gian để cám ơn là điều rất quan trọng. Khi nào có thể được, bạn nên kéo dài thời gian cám ơn đó.

Hãy giữ trong trái tim bạn hương vị kết hợp với Chúa Kitô. Buổi mai vừa thức dậy, bạn dâng cho Chúa ngày sống của bạn, những niềm vui, những khổ nhọc, những người bạn gặp gỡ, mưa dầm hay nắng đẹp… Bạn hãy trở nên ‘tư tế’, vì đó là ơn gọi Kitô hữu của bạn. Dân tộc tư tế mà bạn là thành phần có nhiệm vụ hiến dâng không ngừng Hiến Tế Tình Yêu “vì vinh danh Chúa và phần rỗi thế gian”.

Bạn đừng bao giờ quên cái địa vị trung tâm của việc tạ ơn trong đời sống Kitô hữu. Tất cả lời cầu nguyện và mọi hoạt động của một người Công giáo phải được tắm gội trong việc tạ ơn liên lỉ, như Thánh Phaolô lặp đi lặp lại trong các thánh thư của ngài.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print