Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (8)
Bản tin ngày: 03/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Bạn ca ngợi Chúa

Bạn ca ngợi Chúa là bạn trả lại cho Ngài sự vinh hiển mà chỉ một mình Chúa mới thực sự đáng được. Tại sao chúng ta lại chậm chạp trong việc ca ngợi Chúa? Chắc chắn vì thiếu đức tin, tình yêu và hy vọng.

Sức mạnh của lời ca ngợi

Cha sở họ Ars đã nói: “Thiên Chúa đã ban cho con người miệng lưỡi để ca ngợi”. Lời ca ngợi thường được diễn tả bằng ca hát. Nhưng trước hết tôi muốn bạn hiểu rõ hơn bước nhảy vọt biến lời tạ ơn của bạn thành lời ca ngợi. Khi nói cám ơn Chúa, bạn nhìn thấy quà tặng và ân huệ ban trải trong tất cả con người và biến cố. Còn khi đi vào lời ca ngợi thuần tuý thì chính là với Chúa mà bạn nói lên “cám ơn vì đã hiện hữu”. Lời cầu nguyện của bạn trở nên tuyệt đối vô tư, hoàn toàn nhưng không.

Lời ca ngợi vượt quá tất cả mọi sự, kể cả bom đạn, hoả hào hay tù ngục. Chính trong lúc mọi sự xem ra đều hỏng cả, không có gì để có thể nói cám ơn, và đúng hơn chính là lúc phải kêu cứu, thì lời ca ngợi còn có thể phát ra như ngọn lửa tình yêu mãnh liệt sống động.

Trước hết là chứng từ trong sách Daniel của các thanh niên Dothái: Anania, Azaria và Misael từ chối thờ lạy tượng thần, bị vua Nabuchodonosor kết án thiêu sống. Lính trói các cậu lại và ném vào lò lửa cháy phừng. Nhưng thiên thần Chúa, đáp lại lời khẩn cầu, đã xuống bảo vệ họ khỏi hoả hào. Bấy giờ trong lò lửa, cả ba đồng thanh ca hát, ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa. Bạn đọc thấy trong Kinh Thánh những lời ca ngợi ấy (x. Đn 3,1-90).

Bạn có thể tìm thấy một thí dụ khác trong sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 16,25-28): Phaolô và Sila ca ngợi Chúa, lúc nửa đêm, khi bị giam trong ngục. Bỗng chốc một trận động đất làm rung chuyển nền móng ngục thất, mọi cánh cửa đều được mở toang và xiềng xích các tù nhân rơi xuống. Người cai ngục suýt nữa tự vẫn trước khi trở lại với Chúa Kitô. Quyền năng kỳ diệu của lời ca ngợi!

Nhưng không được coi đó như là một định luật phổ quát. Lời ca ngợi không phải là một trò ảo thuật để thoát ra khỏi những hoàn cảnh tuyệt vọng. Phép lạ lớn nhất luôn luôn nằm ở lãnh vực thiêng liêng. Maximilien Kolbe không thoát khỏi cái chết, nhưng đã chiến thắng hận thù và sự tuyệt vọng. “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ nhục, bách hại và bị vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mầng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).

Bạn hãy ca hát cho Thiên Chúa của bạn

Những thí dụ tôi vừa đưa ra đó phải khích lệ bạn ca ngợi trong cả cuộc đời bạn. Có thể ca ngợi trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, thì càng có thể ca ngợi hơn nữa trong cuộc sống bình thường mỗi ngày. Lời ca ngợi cộng đồng là kết quả của lời cầu nguyện cá nhân. Để lòng nhiệt huyết của bạn với Chúa triển nở phong phú, bạn thực hành mấy cách này:

Trước hết bạn hãy xin ơn ca ngợi. Đó là thực hành mỗi sáng của những ai cử hành phụng vụ giờ kinh: “Lạy Chúa, xin mở môi con và miệng con sẽ cao rao lời ngợi khen Chúa” (Tv 50,17). Một lời cầu nguyện như vậy là cần thiết, vì lời ca ngợi là một ơn ban, chứ không phải là một việc của ý chí thuần tuý. Đôi khi bạn thấy có những người hát các ca khúc vui tươi với một nét mặt chảy dài não nề làm sao! Sự bộc lộ của con tim chưa có. Vậy phải ưu tiên cầu xin, hầu sưởi ấm lời ca ngợi của bạn.

Tiếp đến, bạn hãy tiên liệu một thời khắc ca ngợi trong buổi cầu nguyện cá nhân của bạn. Khởi đi từ việc cám ơn, bạn dễ dàng tiến sang việc ca ngợi. Bạn có thể sử dụng một tập thánh ca hay thánh vịnh (hơn một nửa là ca ngợi hay tạ ơn). Bạn đừng hài lòng chỉ lẩm nhẩm, song hãy hát lớn tiếng, nếu việc đó không làm phiền kẻ khác. Dùng những bài quen thuộc. Chỉ đơn giản tìm làm vui lòng Chúa. Càng tìm lui tới những thi ca tình yêu Thiên Chúa, bạn càng sớm nhận được bước khởi đầu của ơn linh hứng. Có những người thích ca ngợi vào cuối ngày: “Mỗi tối, tôi tìm được cả chục lý do để ca ngợi Chúa về những niềm vui trong ngày xuyên qua các biến cố khác nhau, rồi tôi xin lỗi Chúa về những gì còn thiếu tình yêu. Sau khi đã thực hành đều đặn như thế một thời gian, hôm nay tôi có thể nói rằng niềm vui của tôi đã trải ra như vậy, dường như tấm màn bao phủ trái tim tôi đã rơi xuống”.

Bạn cũng có thể dùng một băng thánh ca phụng vụ để ca ngợi, hoà theo các lời, cung nhạc và tiết điệu. Cũng chẳng có gì ngăn cản bạn diễn tả lời ca ngợi với cả thân xác bạn. Nếu bạn cầu nguyện ở nơi riêng biệt, bạn có thể giang tay lên trời, nhún nhảy và mỉm cười với Chúa Giêsu đang nhìn bạn. Bạn cũng có thể múa nhảy như David đã làm trước Hòm Giao Ước. Phải chăng trong khi nhảy múa mà các người trẻ trên khắp thế giới thích bộc lộ sức sống của mình? Vậy tại sao lại không múa nhảy được cho Thiên Chúa, Đấng đã ban trao Sự Sống? Phải, Thiên Chúa quá tốt đẹp, không thể chỉ mừng lễ Ngài với lời nói. Tất cả thân xác con người, tất cả mọi nhạc cụ, tất cả vạn vật và tất cả các thiên thần đều phải được điều động vào lời Hoan Ca Alleluia liên lỉ.

Và cuối cùng, bạn hãy đi vào sự thinh lặng tràn đầy tình yêu, vì đối với Chúa “cả sự thinh lặng cũng là lời ca ngợi”. Khi bạn không thể thốt nên lời, hay khi bạn bận công việc, thì con tim chìm lắng của bạn cũng luôn thầm thì được bài tình ca cho Người Dấu Yêu. Không hề mệt mỏi, bạn hãy dâng mọi sự, kể cả những thử thách, để “ca ngợi vinh hiển Ngài”. Và Thiên Chúa có đủ đôi tai thính nhạy sẽ không để mất đi lời nào trong bản diệu ca kín đáo, càng lúc càng chuyển sang sự tôn thờ thuần tuý.

Bạn hãy nói cho tôi hay bạn tôn thờ ai…

Sự tôn thờ dẫn ta đến chóp đỉnh của lời cầu nguyện. Tôn thờ nghĩa là yêu say đắm. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng chỉ một mình Thiên Chúa đáng được tôn thờ, và đó là điều răn trọng nhất: “Con hãy yêu mến Thiên Chúa con, hết lòng con, hết linh hồn con, hết trí khôn con, hết sức lực con” (Mc 12,30).

Trở ngại lớn nhất là do các thần tượng chiếm mất cái chỗ dành riêng cho Thiên Chúa. Ngay từ lúc bạn yêu nhiều, yêu say đắm, yêu điên dại, đến độ dám nói “tôi tôn thờ” là bạn tự tạo nên cho bạn một thần tượng, để rồi bạn không còn khả năng tôn thờ Thiên Chúa chân thật, Đấng Duy Nhất.

Bạn hãy nói cho tôi hay bạn tôn thờ ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào. Phúc Âm đã nói rõ: “Kho tàng con ở đâu thì lòng con cũng ở đó” (Mt 6,21). Điều quan trọng là phải xem xét bạn “say đắm” trong những lĩnh vực nào. Tôn thờ là cho đi tất cả. Như Abraham được gọi hy sinh đứa con trai độc nhất, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hy sinh những gì chúng ta thích thú nhất, để đem đặt tất cả vào nơi Chúa. Đối với người tôn thờ Thiên Chúa, thì tất cả những gì không phải là Chúa đều là tương đối, giới hạn và phụ tùy. Chỉ một mình Thiên Chúa là Tuyệt Đối.

Bạn hãy nghĩ bạn là gì khi đến trước sự thánh thiện chói ngời của Chúa? Thật chỉ là một chút bụi đất! Vậy hãy cúi mình sấp mặt xuống đất trong thái độ khiêm hạ nhất, để lòng bạn chìm đắm trong sự thờ phượng. Chúa sẽ tỏ mình cho bạn ngọt ngào tốt lành biết bao, và bạn dám gọi Ngài là “Cha”. Trong sự thân mật của tình yêu Ngài, bạn được thúc đẩy hiến dâng cho Ngài tất cả, toàn thể bản thân bạn, với tất cả lòng tín thác. Bạn hãy nói với Ngài những lời yêu thương giản dị: “Chúa của con ơi, con yêu mến Chúa nhất trên đời này. Chúa là Người Dấu Yêu của lòng con. Con không có hạnh phúc nào lớn hơn Chúa. Con tôn thờ Chúa và con hết sức ao ước được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt!” Mắt nhắm lại, mũi chạm đất, bạn cứ ở như vậy, lâu chừng nào bạn có thể, trước sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh.

Nếu bạn chưa đạt tới được sự tôn thờ nội tâm như thế, bạn hãy mở mắt ra và chăm nhìn vào một mẫu tượng, chẳng hạn một thánh giá, gương mặt Chúa đổ mồ hôi máu hay Chúa khát. Sự tôn thờ là cái nhìn ngưỡng mộ bắt gặp cái nhìn yêu thương của Chúa trên bạn. Khi bạn chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh, bạn tôn thờ Đấng đã chịu phó nộp vì bạn với bao đau khổ khủng khiếp. Chỉ một mình Ngài là con người có quyền được sự tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Nhờ Ngài mà sự tôn thờ của bạn dựa được trên cái gì cụ thể. Các tượng thánh trở nên những cánh cửa mở ra với Đấng Vô Hình, nhất là các i-côn diễn tả kinh nghiệm chiêm niệm của các nghệ sĩ Công giáo. Khi cung kính đặt môi hôn lên thánh giá hay một ảnh thánh, bạn có thể nói lên cái ngôn ngữ của tình yêu ‘con tôn thờ’.

Trước Chúa Giêsu Thánh Thể

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ hiện diện qua hình ảnh! Ngài đã muốn đến gặp chúng ta trong một sự hiện diện thực sự: Mình Thánh Chúa. Ngài có đó cho bạn, dưới hình thức rất khiêm tốn của một miếng bánh nhỏ. Tất cả hữu thể Ngài, thân xác, linh hồn, thần tính tập trung lại trong một điểm không gian hầu lôi cuốn cái nhìn và nhẹ nhàng kéo chúng ta đến với Ngài. Ngài chẳng hề gây tiếng động hay làm cái gì đặc biệt để quyến rũ sự tò mò bệnh hoạn của con người! Đó là trực giác của tình yêu dẫn đưa bạn đến ngưỡng cửa hiện diện của Chúa. Nếu bạn nhìn Ngài với con mắt đức tin, bạn cảm nhận được mầu nhiệm phi thường. Nhà Tạm với ngọn đèn chầu đêm ngày chứa đựng một nguồn năng lượng trổi vượt mọi trung tâm hạch nhân. Sự hoà trộn tình yêu giữa Tạo Hoá toàn năng với cái nguyên tử vật chất này có khả năng làm biến đổi tất cả. Đường đời trăm vạn nẻo, bạn có quên đi, nhưng đừng bao giờ quên đường đến Nhà Tạm.

Ngày nay, nhiều người trẻ khám phá được ý nghĩa sự tôn thờ Thánh Thể. Họ thích ở trước Mình Thánh Chúa hằng giờ. Họ tổ chức nối phiên nhau chầu Chúa cả vào ban đêm, lấy làm hạnh phúc được ở gần Con Tim đang đập vì phần rỗi của thế giới. Bạn hãy nắm lấy phiên bạn trong cuộc điều động khẩn trương này. Bạn đừng bỏ qua cơ hội nào đi ngang qua nhà thờ mà không bái chào Chúa Kitô. Bạn hãy ‘xài rộng’ đi mươi mười lăm phút trước Nhà Tạm, như là nước hoa đắt giá đổ xuống chân Chúa Chiên Lành. Bạn hãy chủ động sáng kiến, đừng đợi phải có người thúc giục lôi cuốn bạn nghĩ đến Chúa.

Khi thờ lạy Mình Thánh Chúa đặt ra ngoài, mắt bạn còn thấy rõ được Thánh Thể. Bạn hãy thinh lặng kết hiệp với các anh chị em đang cùng thờ lạy với bạn, bạn càng cảm nhận sự hiện diện của Chúa mãnh liệt hơn nữa. Bề ngoài xem ra bất động, nhưng những người tôn thờ Thánh Thể đi vào một chuyển động nội tâm sâu xa. Lửa Thánh Thể quy tụ lại chung quanh mình một dân mới. Mình Thánh Chúa giống như bụi gai bốc cháy làm bạn bắt lửa như ăn nắng mặt trời, bạn cảm thấy trái tim bạn được sưởi nóng trong bình an và hoan lạc.

Phải, Mình Thánh Chúa Kitô là suối nguồn sung mãn, là bí quyết triển nở của chúng ta. Nhiều người, nam cũng như nữ, đã làm chứng về sự trở lại hay được chữa lành họ đã được ban cho khi tôn thờ Mình Thánh Chúa. Tất cả những ai có kinh nghiệm ấy đều nói: “Một lúc tôn thờ đích thực Mình Thánh Chúa có giá trị và hiệu quả thiêng liêng hơn tất cả hoạt động tông đồ mãnh liệt nhất”. Chọn lựa căn bản là thờ lạy Thánh Thể hay thất vọng: “Hãy đứng lên, hỡi những người tôn thờ Thánh Thể, nếu không, lời nói của anh chị em sẽ mất đi, như hạt giống rơi xuống trên đá sỏi hay trong bụi gai. Tôn thờ Thánh Thể là chìa khoá mở được mọi vấn đề của thế giới, vì có Chúa Giêsu trong trái tim mỗi người. Chớ gì mọi người biết được điều đó. Ta có thể đạt được tất cả trong việc tôn thờ Thánh Thể. Tất cả! Tất cả! Tất cả! Cám ơn Chúa Giêsu đã ban cho bạn món quà vô giá mà chẳng ai có thể lấy đi được”.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print