Print  
Câu chuyện Giêsu
Bản tin ngày: 08/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Bạn thân mến

Những trang chữ nhỏ bé này để bạn kể và nghe kể về Thầy Giêsu và các môn đệ.

“Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20).

Nghe Giêsu kể truyện Thầy sống bên trò. Nghe các môn đệ kể lại những giây phút sống bên Thầy, những tháng ngày cùng Thầy rong ruổi trên muôn nẻo đường, và đã… ngỡ ngàng trước Đấng Vô Hình.

Thế hệ môn đệ thứ nhất:

Môn đệ Phêrô tuyên xưng Thầy có lời ban sự sống (Ga 6,68).

Môn đệ Gioan, người môn đệ Chúa yêu kể rằng: điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống (1 Ga 1,1).

Gioan quả quyết: điều đã được tạo dựng ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (1 Ga 1,4).

Thế hệ môn đệ của thầy Giêsu năm 2010:

Những người môn đệ diễm phúc vì không thấy mà tin (Ga 20,29)

Chúng ta được sai đi từ giữa lòng Hội Thánh, vững vàng như thấy Đấng Vô Hình (Dt 11,27).

Là môn đệ của Thầy Giêsu, là người của Hội Thánh hôm nay, dù bạn là ai và thuộc bất cứ thành phần nào trong Hội Thánh của Thầy.

Hội Thánh tại gia, giáo xứ, giáo hạt và giáo phận.

Bạn đã nghe Thầy nói và nói với Thầy, truyện được kể và không chỉ kể lại mà loan báo về biết bao điều kỳ diệu Người đã thực hiện giữa chúng ta, những chuyện diễn ra trong đời sống hằng ngày, làm thành câu chuyện Giêsu, truyện kể về Giêsu  trên đường LBTM, ngang qua bóng dáng và bước chân của từng người môn đệ: giữa những nhóm thợ đang xây dựng trên các công trường, những người công nhân trong các xí nghiệp, giữa những người nông dân trên nương rẫy, và ngay cả giữa các em học sinh, truyện được kể từ trong nhà thờ, ra tới ngoài khuôn viên và khắp phố xá ruộng đồng.

… Lời Chúa lan tràn khắp miền… (Cv 13,49)

GIÊSU kể

Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16)

Một người Cha có 2 người con (Lc 15,11-31)

Truyện kể về Thiên Chúa với con người mà cứ như một câu chuyện đang diễn ra trong đời thường.

Đứa con thứ thì hoang đàng, gom hết phần gia tài của mình ăn chơi trác tang.

Người anh cả ở nhà bao nhiêu năm hầu hạ Cha, không bao giờ trái lệnh Cha.

Thoạt nghe ai cũng nghĩ đứa con thứ hoang đàng đáng trách làm sao, còn người anh cả dễ thương biết mấy.

Những tháng ngày con thứ đi hoang, trong nhà chỉ có Cha và người anh.

Khi đứa em đi hoang trở về, cha cho mở tiệc mừng… trong nhà có Cha và có em. Người anh chẳng những không chịu vào nhà mà còn lên giọng mỉa mai:

“Thằng con của Cha đó… Cha nói như nài nỉ: “Em con đây…”

Câu chuyện được kể là câu chuyện người Cha nhân hậu, và cũng là người Cha cô đơn giữa hai người con. Khi trong lòng của Cha là con cái thì:

* Trong lòng của con thứ là chốn ăn chơi, có đáng gọi là con không.

* Và trong lòng của người anh cả là con dê con để vui với bạn bè, khoe với bạn bè, không thấu tình Cha, cũng chẳng đoái hoài gì tới em.

Một người anh như thế này có thể coi là bất hiếu và bất nghĩa không?

Nơi lòng của người Cha nhân hậu thì không có khoảng cách giữa Cha và các con, nhưng nơi lòng của các con thì có một khoảng cách nhất định giữa con với Cha.

Anh cả suốt bao năm tháng hầu hạ Cha, nhưng hình như gần mặt mà cách lòng.

Con thứ hoang đàng xa mặt và cũng cách lòng. Và một khoảng cách giữa anh em với nhau, một khoảng cách đáng ngại, khoảng cách này có thể trở thành vực thẳm không ai qua lại được, vì thế người Cha ấy vẫn cứ cô đơn giữa hai loại người con này?

Cuối cùng câu chuyện được kể hình như dừng lại ở khoảng cách, những khoảng cách vẫn đang diễn ra. Giêsu kể tiếp về khoảng cách từ trong nhà ông phú hộ ra tới ngoài cổng (Lc 16,19-31).

Cũng có thể là khoảng cách từ nhà thờ tới những gia đình đang sống ngoài kia, ngoài cổng nhà thờ:

khoảng cách giữa những người đang dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể với biết bao nhiêu người anh chị em tôi đang đói khát Lời Chúa và Thánh Thể!!!

Những khoảng cách có thể sẽ trở thành vực thẳm không ai qua lại được (Lc 16,26).

Không ai nghĩ mình là kẻ bất hiếu trong nhà Cha, không ai nghĩ mình là kẻ bất nghĩa giữa anh em, nhưng ít ai nghĩ điều Cha chúng ta nghĩ, ít ai muốn điều Cha chúng ta muốn, ít ai ôm ấp những gì Cha chúng ta đang ôm giữ canh cánh trong lòng.

Cha nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của con

Người Con Một yêu dấu thưa: “Tất cả những gì Con có đều là của Cha” (Ga 17,10).

Chúa Cha đang chờ đợi cùng một lời đáp của con cái hôm nay.

Một lời đáp trong Giêsu, Người con yêu dấu của Cha, đầy tràn ân nghĩa và sự thật.

Môn đệ lắng nghe và làm chứng

Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Con của Nguời đến làm Đấng Cứu Độ thế gian… (1 Ga 4,14).

Câu chuyện Giêsu tại Kontum

Truyện được kể trong Thánh Thần, một câu chuyện đang diễn ra và cũng là câu chuyện của mọi người, vì thế tại ĐẠI HỘI LOAN BÁO TIN MỪNG TOÀN QUỐC, anh chị em Kontum đã mời cả hội nghị cùng hoà mình vào câu chuyện trong lời ca khẩn nguyện cùng với tiếng coong chiêng: lạy Thần Khí của Đức Chúa Trời, lạy Thần Khí của chính Ngôi Lời, xin Ngài hãy đến…

Câu chuyện được mở đầu với phần tham luận, và người trình bày là một chú giáo phu người Jarai đã quen đi vào rừng già, dù biết rằng rừng già có cọp dữ:

… Tình yêu của Chúa thôi thúc chúng con ra đi làm chứng cho Chúa. Chúng con sẵn sàng chấp nhận tất cả: mệt mỏi, gian truân, khốn khó, bị xua đuổi, bị chống đối… và sau cùng là để làm chứng cho tình yêu Chúa.

Lời mời gọi của Chúa và Hội Thánh đã và đang mời gọi chúng con lên đường LBTM. Chúng con tha thiết muốn LBTM, noi gương hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô…

Người tiếp theo kể chuyện Giêsu ngang qua chính cuộc đời của mình: … khi còn là chàng trai ngoại đạo, may mắn gặp một cô gái ngoan đạo… sau 6 năm ở rể, năm 1980, tôi đưa vợ con về sinh sống tại quê mình là nơi chưa có ai theo đạo… Quê tôi lúc đó nằm giữa 2 xã AJUN và Kon Tơng. Chân ướt chân ráo về lại quê nhà làm ăn, coi như tất cả từ con số không, gia đình chúng tôi bắt tay vào gây dựng một cuộc sống mới, cùng nhau khai phá ruộng rẫy. Tuy nhiên, đưa gia đình về lại quê nhà lần này, ao ước lớn nhất của chúng tôi là phải làm một điều gì đó để bà con trở thành con cái Thiên Chúa, phải lo sao để con trẻ quê mình được học hành… ngoài ra chúng tôi cũng thường hay giúp đỡ những ai lâm cảnh yếu đau bệnh tật tìm đến với chúng tôi, từ đó chúng tôi được nhiều người thương mến, coi chúng tôi như anh em. Chẳng bao lâu có người nhờ chúng tôi dạy học cho con em họ, đám học trò đầu tiên là những trẻ ban ngày đi chăn bò, giữ em, hoặc phụ giúp cha mẹ làm ruộng rẫy. Gia đình chúng tôi đã nhận lời dạy cho các em mỗi tối từ 6 giờ đến 8 giờ. Một thời gian sau có vài người hỏi muốn theo đạo, và tôi đã dạy giáo lý cho ho từ 9 giờ đến 11 giờ đêm, từ 11 giờ đến nửa đêm, chúng tôi lại giúp đỡ những người đau ốm cần chăm sóc, và số người theo đạo từ vài 3 người lên đến 30 người, giờ đã trên 2000 và nơi đây đã trở thành một họ đạo thuộc Giáo xứ Châu Khê.

… Hiện nay tôi là tổ trưởng nhóm 12, một lần nữa chúng tôi lại được sai đến huyện Kơ Bang, huyện Kon Chro, và huyện Đắc Pơ là những vùng đất nhiều gai góc.

Người thứ ba đứng ra kể chuyện là một nữ tu trẻ, một cô gái được giới thiệu là mang 3 giòng máu: Banar, Jrai và Sêđăng, thực ra chị muốn nói như Thánh Phaolô: Tôi đã trở nên Do Thái với người Do Thái…

Chúng ta hãy nghe chính chị kể lại:

… Biết mình sẽ đượ̣c đi sứ vụ trên vùng truyền giáo Tây Nguyên, lòng tôi lo âu, vui sướng lẫn hồi hộp. Việc đầu tiên của tôi là chuẩn bị hành trang cho mình, ngoài một thùng sách tài liệu về các kiến thức thần học căn bản, tôi còn tậu thêm một thùng sách về sư phạm giáo lý, giáo án giáo lý các khối, cử hành phụng vụ, kỹ năng sinh hoạt… Tôi tự tin với hai thùng sach đầy nhóc và lên đường. Trên chuyến xe 45 chỗ ngồi, tôi thả hồn mình vào những ước mơ, những dự tính cho tương lai. Nếu giúp giáo lý viên, tôi sẽ…, nếu dạy giáo lý, tôi sẽ…, nếu giúp ca đoàn, tôi sẽ… tôi sẽ và tôi sẽ… tất cả trở nên hoàn hảo trong tôi.

Đến cộng đoàn Hàm Linh Gialai, nghỉ ngơi vài ngày, tôi được Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đưa đi thăm một vòng các trung tâm truyền giáo của Giáo phận và một vài nhà nguyện của anh chị em dân tộc Jrai ở Gialai. Ngài nói với tôi:

Việc đầu tiên trong sứ vụ truyền giáo của con là học tiếng dân tộc bản địa.

Thưa Đức Cha, con đi học ở đâu? – Vào làng

Dầu vậy, tôi vẫn được học tiếng Jrai với cô giáo người Jrai và một vài anh chị em tu sĩ khác. Học để biết cách đọc, cách viết còn học để biết nói thì đi vào làng thôi. Ngày nào không học, tôi xách túi lân la vào làng tiếp cận với anh chị em dân tộc Jrai, người biết Chúa cũng như chưa biết Chúa. Ban đầu, tôi sợ và ngại nữa nhưng có lẽ sức mạnh của sứ vụ giúp tôi lì ra. Tôi cùng đọc kinh chung với anh chị em Jrai, học cách cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa theo lối sống, văn hoá của anh chị em. Khi đã có chút ít vốn từ, tôi đi sâu hơn vào những làng xa xôi, hẻo lánh làm quen, thăm hỏi, cùng ăn cơm, uống rượu ghè với anh chị em,… Cứ thế, hai năm trôi qua, tôi đi cũng khá nhiều làng và quen biết nhiều người. Sống “lang thang”, tôi bị cuốn hút vào ước mong làm sao để sống hoà nhập với anh chị em, nói chuyện, chia sẻ cuộc sống với anh chị em bằng chính văn hoá và ngôn ngữ của anh chị em đến chẳng còn nhớ mình “đi truyền giáo” nữa. Tôi từng có tham vọng như thánh Phaolô “với người Do Thái, tôi trở nên người Do Thái, để chinh phuc người Do Thái (1 Cr 9,20). Nhưng rồi, tôi vẫn là tôi, vẫn chỉ sống bên lề cuộc sống của anh chị em dân tộc.

Cuối cùng cha trưởng ban LBTMGPKT đã đứng ra kết thúc câu chuyện hôm nay.

Nói kết nhưng thực ra lại là lời mở vì câu chuyện Giêsu vẫn đang diễn ra, và lúc nào cũng cứ như khởi đầu

Lời Chúa lan rộng…

Hôm vừa rồi, con theo cha sở đi thăm kẻ liệt, trong đó có cả Sr. Thu. Đó là vùng Tư Lương, trước kia là họ Tư Lương có khoảng 40 gia đình, thuộc Giáo xứ Chợ Đồn, nhưng nay chỉ con duy nhất có 1 bà cụ trên 70 tuổi cùng với 2 ông bà cũng gần đất xa trời.

Sau giờ khuyên nhủ, cha sở xin Sr. Thu dạy dỗ chỉ bảo thêm cho 2 ông bà vì tất cả đã quên hết rồi, một ông nhà kế bên nghe tin có người đến thăm 2 ông bà nên cũng qua coi và cho biết mình cũng có đạo, người này hỏi người kia, đã có thêm 9 người nữa …

Lời Chúa vẫn lan rộng…

Mời bạn kể tiếp câu chuyện Giêsu…

MMSJ
gpkontum.wordpress.com
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print