Lạy Cha chúng con ở trên trời
Chúng
ta có hai bản Kinh Lạy Cha, một của Matthêu và một của Luca (Mt 6,9-15 và Lc 11,2-4).
Kinh Lạy Cha của Matthêu là một phần của Bài Giảng Trên Núi, Chúa dạy cho dân
chúng và các môn đệ. Còn của Luca thì Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi các ông
xin Chúa dạy cho các ông cầu nguyện. Như vậy xem ra Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha
nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và theo những công thức khác biệt.
Có lẽ Ngài cũng thêm cả một phần chú giải chi tiết nữa. Như thế phải vừa chăm
chỉ đọc vừa suy niệm sâu xa, chứ không phải học thuộc lòng rồi đọc như con vẹt!
Do
đó, tôi muốn mời bạn chậm rãi suy niệm lời kinh Phúc Âm này. Tôi chọn bắt đầu
từ cuối và đi lên cho đến tận đầu, bằng cách theo lối hành trình của đứa con
trai hoang đàng (Lc 15,11-32). Bạn hãy đặt mình trong da thịt đứa con hư của dụ
ngôn. Nó lìa xa cha để đi hoang phí cuộc đời của mình cách dại dột. Nó đã tìm
thấy mình phá sản xác xơ. Vì phải chăn heo và đói, nó mới cảm thấy nhớ cha. Bấy
giờ nó mới bắt đầu tìm đường trở về.
Những
kẻ thoát khỏi địa ngục
Xin
cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ
Đứa
con lạc bước bắt đầu lên đường trở về với cha. Cuối cùng nó rứt khỏi Sự Dữ. Sự
Dữ (chữ hoa) cũng chính là Satan và tất cả những gì làm chúng ta hư hỏng. Nhờ
phép thanh tẩy và đức tin sống động, Chúa giựt thoát chúng ta khỏi cạm bẩy của
hỏa ngục, để mở lối về thiên đàng cho chúng ta. “Với Chúa Giêsu dẫn dắt, bạn có
thể được tái sinh, bạn có thể bắt đầu lại tất cả, quét sạch đời sống quá khứ
của bạn và khởi đi lại từ con số không”.
Lạy
Cha chúng con, chúng con cám ơn Cha về ân huệ tự do quý báu dường ấy. Xin Cha
dạy cho chúng con đừng phung phí nó. Xin Cha giải thoát chúng con khỏi những
nỗi sợ hãi của chúng con. Chúng con cầu xin Cha cho tất cả những ai đang còn nô
lệ cho Sự Dữ. Xin Cha cứu họ, xin Cha giải thoát họ, vì tình yêu của Cha.
Mạnh
hơn Sự Dữ
Xin
chớ để chúng con sa chước cám dỗ
Trên
đường trở về, đứa con bị cám dỗ nhìn lại đàng sau. Tên Cám Dỗ rình chực những
yếu đuối nhỏ nhất. Nhưng nó đã bị đánh bại trước, vì Chúa Kitô đã sống lại.
Ngay một đứa trẻ còn mạnh hơn nó. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu thuật lại khi
lên bốn tuổi, ngài đã mơ thấy hai thằng quỷ nhỏ nhảy múa trước mặt ngài, dù
chân chúng phải mang xiềng xích. Thánh nữ sợ quá, nhưng ngài đã thấy chúng còn
sợ hơn ngài nữa, chúng chạy trốn khỏi cái nhìn của ngài và đi ẩn núp trong đống
quần áo. Thánh nữ viết: “Tôi tin rằng Chúa Nhân Lành đã cho phép tôi nhớ lại
chuyện đó để chứng tỏ cho tôi biết rằng một linh hồn trong tình trạng ơn nghĩa
Chúa không việc gì mà phải sợ ma quỉ cả, chúng là những tên hèn nhát chỉ biết
chạy trốn trước cái nhìn của một đứa trẻ con” (Chuyện Một Tâm Hồn).
Chúng
ta cầu xin Cha chúng ta ban cho chúng ta cái nhìn trong sáng, để vượt qua các
cơn cám dỗ mà không dừng lại một giây. Nhưng nhiều lần chúng ta đã có dừng lại!
Chẳng hạn, trong một con đường đầy cửa tiệm, bạn thấy có cái gì hấp dẫn bạn.
Bạn muốn mua cái đó. Bạn dừng lại ngắm nghía. Bạn vào tiệm và bạn mua. Tại sao
lại không? Nhưng khi ra khỏi cửa tiệm, bạn tự nhủ: “Thực ra, tôi chẳng cần cái
này. Sự ham muốn của tôi lại đã chơi tôi một trận nữa rồi!” Đó là chưa nói tới
những thứ quảng cáo đi qua con mắt mà thức dậy ‘con heo’ trong lòng chúng ta!
Chính
chúng ta là những kẻ chịu trách nhiệm. Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ ai và
Ngài cũng bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu cám dỗ quá sức chúng
ta: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài
người. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá
sức, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em
có sức chịu đựng’’ (1 Cr 10,13). Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn can đảm
chiến đấu cho tới tận cùng cuộc đời chúng con và được chiến thắng.
Toả
chiếu dịu dàng
Xin
tha thứ cho chúng con, như chúng con cũng tha thứ cho kẻ khác
Đứa
con hoang đàng khó tưởng tượng được lòng tốt của cha nó, vì nó đã quá quen sống
ích kỹ. Nó nghĩ rằng nó không còn đáng được gọi là con của cha nó nữa (x. Lc
15,19). Quá nhiều lần chúng ta quá cứng cỏi: cái nhìn cứng, trái tim cứng… Với
người nọ, người kia, cái đó không thể tha thứ được! Trong khi Chúa, Ngài luôn
luôn sẵn sàng tha thứ. Nợ tình yêu mà chúng ta mắc Ngài, Ngài sẵn lòng bỏ qua, không
tranh luận chi hết (x. Mt 18,23-35).
Ngay
khi bạn gặp được lòng tốt vô biên của Chúa đối với bạn, bạn trở nên người biết
xúc động: trái tim bạn chảy ra và bạn có thể tha thứ tất cả, thật là phép
lạ! Với căn bản những ơn tha thứ đã cho đi đó, bạn lại có thể xin Chúa tha thứ
cho bạn, như bạn tha thứ cho những ai làm bạn bị tổn thương. Nhưng nếu bạn
không tha thứ, bạn sẽ cắt đứt sự lưu chuyển của lòng thương xót và mọi sự sẽ
xảy ra dường như Thiên Chúa không còn tha thứ nữa…
Trong
lời cầu nguyện tư riêng, trong Bí tích tha thứ, trong việc phục vụ tha nhân,
một ánh sáng dịu dàng làm cho chúng ta dần dần tỏa chiếu sự dịu dàng, ngay cả
với những ai làm khổ chúng ta. Một thanh niên 19 tuổi chia sẻ: “Mỗi lần xưng
tội, tôi muốn để quá khứ chìm đắm trong sự dịu dàng tỏa ra từ Trái Tim Chúa.
Hôm nay, tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn tôi luôn vẫn là kẻ kêu xin lòng thương
xót của Chúa. Ngài muốn thiết lập chỗ ở trong các thương tích của tôi. Ngài
muốn làm phát sinh từ những thương tích của tôi những lời ca hy vọng”. Vâng, “phúc
cho những ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).
Lạy
Cha toàn năng tốt lành, xin mở cho chúng con nguồn suối dịu dàng và chúng con
sẽ nên nhân chứng cho anh chị em chúng con về lòng thương xót ngọt ngào của
Cha.
Những
lữ hành khiêm tốn
Xin
cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
Càng
bước đi, đứa con hoang đàng càng cảm thấy đói. Nhưng nó không còn nhớ đến thức
ăn của heo, để đón nhận một của ăn lành mạnh. Khi xin những cái đã có rồi,
chúng ta lại ý thức được tất cả là hồng ân, ngay cả kết quả lao công của chúng
ta. Chúng ta đốt lên như thế ngọn lửa báo hiệu: Sống không phải để ăn, mà ăn để
sống! Là những lữ hành khiêm tốn, chúng ta lên đường với một hành trang tối
thiểu. Về lương thực thì chỉ vừa đủ để sống còn, như manna trong sa mạc. Dự trữ
là vô ích…
Nhưng
lương thực không phải chỉ là cơm bánh. Thực đơn còn có những lời nuôi sống, nụ
cười giải thoát, sự thinh lặng nhiệm mầu, những sự hiện diện phá tan nỗi đơn
côi… Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống, hiến trao cho chúng ta mỗi
ngày, cho đến tận thế. Được lãnh nhận qua hiệp lễ, Ngài dưỡng nuôi linh hồn,
khi lời cầu nguyện mỗi ngày mở ra cho tình huynh đệ. Chia sớt bánh trên bàn ăn
lữ hành… Chia sẻ con tim tràn ngập yêu thương, thì bất hạnh thay đổi địa chỉ và
trở thành hạnh phúc.
Lạy
Cha, hôm nay trong sự hiện diện của Cha, chúng con nhận biết những hồng ân Cha
đã ban cho chúng con, cho thân xác và linh hồn chúng con. Chúng con tha thiết
khẩn nài Cha ban cho mỗi đứa con của Cha được hưởng nếm tình yêu của Cha. Xin
Cha cho người đói được no nê và lại ban cho người no nê được đói khát tình yêu
của Cha.
Lời
Xin Vâng trọn vẹn
Ý
cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Đứa
con hoang đàng càng lúc càng nghĩ tới cha nó. Nó không còn đòi lại gì hết. Nó
dọn mình để lại sống hoà hợp với cha. Vâng, xin vâng, đồng ý, amen! Bao nhiêu
lời cùng trùng hợp giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và con người. Trong niềm
tin, Mẹ Maria đã trao cho Chúa sử dụng trọn vẹn con tim mình. Tiếng xin vâng
quyết định và hoàn hảo của Mẹ vang vọng đến vô tận, dưới đất cũng như trên
trời. Mỗi người chúng ta hãy thinh lặng lắng nghe, đón tiếp cuộc thăm viếng và
thưa lại cùng với Mẹ “Xin vâng như ý Chúa”.
Càng
tiến lại gần Chúa, chúng ta càng cảm thấy một sức lôi kéo mãnh liệt. Trong từ
trường vinh quang của Chúa, chúng ta được nam châm hoá. Ý muốn ích kỷ của chúng
ta dần dần bị xóa tan như những vì sao biến đi khỏi bầu trời khi ánh dương rạng
sáng. Ý muốn dịu dàng của Chúa hoà tấu nhịp nhàng hai thế giới, hữu hình với vô
hình. “Hởi con bé nhỏ, con hãy dừng lại, lặng yên và làm một cuộc hành hương
dài đến tận đáy lòng con. Hãy tiến bước dọc theo tình yêu hoàn toàn mới mẻ của
con, như người ta ngược suối lên tìm nguồn, và ở tận cuối, nơi sâu thẳm, trong
nhiệm mầu vô biên của linh hồn con, con sẽ gặp được chính Cha, vì Cha được gọi
là Tình Yêu”.
Lạy
Cha, với tất cả lòng tín thác, con đặt vào tay Cha tất cả tự do của con.
Thánh
Thần của thời đại cuối cùng
Nước Cha trị đến
Ước
muốn của đứa con hoang đàng trở nên lo âu. Nó vội vã tiến đến nhà cha. Nó ước
mơ vương quốc. Vương quốc của Chúa là Công Chính, Bình An và Vui Mừng trong
Thánh Thần. Toàn thể tạo vật hết sức khát khao đạt tới viên mãn cuối cùng. Lạy
Chúa, xin hãy đến! Lạy Thánh Thần, xin hãy đến, xin đừng trì hoãn! Thế giới đã
quá khổ đau và máu tử đạo hằng kêu lên với Chúa ngày đêm. Mọi người công chính
âm thầm chờ đợi một cuộc Hiện Xuống của Tình Yêu trên địa cầu. Mọi lời cầu
nguyện chuyển cầu cùng hội tụ vào ngày giờ Mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải
toàn bộ.
Như
chiếc lưới bao la của người đánh cá, tiếng kêu của hằng tỉ người nghèo khắp
trên hành tinh hằng vang vọng mọi nơi:
Cuối
cùng, xin hãy đến
* sự hiệp nhất của
các giáo hội Kitô
* công lý cho những
người bị ức hiếp
* hoà bình chân thật
làm vô hiệu đạn bom
* sự trắng trong cho
mọi nơi hư hỏng
* sức khoẻ đẩy lùi
khổ đau và chết chóc
* ơn cứu rỗi đời đời
cho những kẻ hư mất
* niềm vui hiệp thông
huynh đệ
Lạy
Cha, xin lắng nghe những tiếng kêu hy vọng vang lên từ mặt đất hấp hối. Để Nước
Cha trị đến mau chóng hơn, xin Cha lại ban cho Giáo Hội lòng hăng say truyền
giáo của mình. Xin Cha dạy cho Giáo Hội biết theo trường của những người bé nhỏ
và nghèo khó nhất, vì họ là những người lớn nhất trong Nước Chúa.
Sự
hoàn hảo của Chúa Con
Xin
cho Danh Cha được thánh hoá
Giữa
gia đình của mình, đứa con hoang đàng mỗi ngày một khám phá hơn được người anh
cả. Nhưng không phải là người anh cả ghen tương (x. Lc 15,25-32), mà là một
người anh cả khác, đã làm cho nó và với nó, thành con đường trở về với Cha.
Làm
sao thánh hóa Danh Chúa Cha mà không đi qua danh Chúa Con?! Lạy Chúa Giêsu,
Người Con Cả xứng đáng của Chúa Cha, trái ngược người con cả của dụ ngôn, chính
nơi Chúa mà Chúa Cha mạc khải tất cả bí mật tình yêu của Ngài. Chúa có thể nói
lên sự thật với Cha rằng: “Mọi sự của con đều là của Cha, và mọi sự của Cha đều
là của con” (Ga 17,10; Lc 15,31). “Con đã tỏ Danh Cha cho những người mà Cha đã
đem ra khỏi thế gian để ban cho con” (Ga 17,6). Mầu nhiệm của Danh, mầu nhiệm
Ba Ngôi! Cha và Con là một: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”, Chúa Giêsu nói với
Philipphê như thế (Ga 14,9).
Trước
khi đi vào Nhà Cha, bạn hãy để sự hoàn hảo của Chúa Con thanh tẩy cho. Ngài là
Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Không ai có thể làm vinh danh Chúa
Cha mà không có Chúa Con, và cũng không ai có thể làm vinh danh Chúa Con mà
không có Chúa Cha. Đó thực quả là công việc của Chúa Thánh Thần.
Con
đường hoàn hảo là sức hút của một tình yêu luôn luôn lớn hơn, bởi vì nó luôn
luôn khiêm tốn hơn. “Để thánh hoá Danh Cha, chúng ta chỉ biết ẩn náu trong Thập
giá của Chúa Kitô. Tử đạo Kitô là một kinh nghiệm thần bí, nơi một người nào
đó, đàn ông hay đàn bà, trao hiến cho Chúa Kitô với một lòng tín thác khiêm
tốn, lúc mà những khổ đau đến cao độ nhất. Bấy giờ, niềm vui phục sinh tràn
ngập lấy họ. Có nhiều cách thế để được tử đạo” (Olivier Clément).
Lạy
Cha, xin ban cho thời đại chúng con những con người yêu Cha như thế. Trong họ,
Danh Cha chiếu sáng như hạt kim cương với muôn ngàn mặt!
Nhà
Cha
Lạy
Cha chúng con ở trên trời
Đây
là chặng cuối đường. Đứa con hoang đàng được mừng lễ tuyệt vời, với đàn ca và
múa nhảy (x. Lc 15,20-24). Hỡi công dân Nước Trời, bạn được ở trong Nhà Cha, ở
đó mọi sự rất đơn giản và sẵn sàng đón tiếp bất cứ người nào, với điều kiện
biết ngắm nhìn và chơi như một trẻ nhỏ. Người ta kể rằng trong giờ ra chơi, Cha
Gioan Bosco đến gặp Savio và hỏi:
* Con định làm gì?
* Con không biết. Cha
muốn con làm chi?
* Không, con hãy nói
cái con muốn làm cơ.
* Ô, con muốn chơi.
* Vậy con có muốn chơi
với Chúa không? Nếu con chơi với Chúa, là con làm một việc rất lớn lao chưa ai
làm đó. Con hãy chơi với Chúa đi nhé. Ngài là một người bạn chơi tuyệt vời…
Lạy
Cha trên trời của con, trong khi chờ đợi ngày con được chiêm ngưỡng Cha, con tìm
Cha trong lòng con, cái bầu trời nội tâm nhỏ bé này. Xin Cha dẫn dắt con trên
con đường vĩnh cửu.
Còn
tiếp