Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (12)
Bản tin ngày: 13/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Nhân Danh Chúa Giêsu

Con có thực sự yêu mến Thầy không?

Bạn biết Chúa Giêsu thế nào, nếu không phải là nhờ Phúc Âm? Nhưng đọc tiểu sử không đủ để biết Ngài. Mầu nhiệm của Ngài chỉ được tiệm tiến mạc khải theo tỷ lệ tình yêu của bạn dành cho Ngài. Càng yêu Ngài, bạn càng khám phá thấy rằng bạn đến chậm: Chính Ngài yêu bạn, Ngài biết bạn, Ngài tìm kiếm bạn không ngừng, với một sự tế nhị làm bạn ngạc nhiên.

Như Phêrô ba lần được hỏi: “Con có thực sự yêu mến Thầy không?”, bạn có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”, nhưng có lẽ bạn sẽ thêm ngay rằng: “Chúa biết con yêu mến Chúa chưa đủ, con còn phải cố gắng rất nhiều nữa để có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự!”

Trong Chúa Giêsu Kitô đang ẩn giấu mọi kho tàng của Thiên Chúa, của con người, của vũ trụ. Bạn hãy yêu mến Ngài trong niềm vui cũng như trong đau khổ. Ngày ngày bạn hãy dọn mình sống với Ngài, lúc thăng cũng như lúc trầm, tốt nhất cũng như tồi tệ nhất, mãi cho đến chết. Bạn sẽ không thất vọng đâu! Sớm muộn chi cũng sẽ tới lúc bạn sẽ nói lại những lời nầy: “Thay vì chết một cách ngu ngốc, tôi sẽ hiến dâng cái chết của tôi cho những người tôi yêu mến. Mọi sự luôn phải giúp ta đạt tới tình yêu Chúa Kitô”.

Tên của Người Yêu Dấu

Giêsu nghĩa là “Thiên Chúa cứu” (Mt 1,21). Thánh Matthêu cũng nói rằng tên này được ban cho con trẻ để lời tiên tri nên trọn: “Người ta sẽ đặt tên cho Ngài là “Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta’’ (Mt 1,23). Tên mang một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta hay nói “tên là người”. Tên đặt khi sinh ra thường chỉ định một ơn gọi, một chương trình sống. Thiên Chúa đổi tên một người khi Ngài muốn trao cho người đó một sứ mệnh mới (Abram thành Abraham, Jacob thành Israel, Simon thành Phêrô…). Có nhiều tên nghĩa là có nhiều nhiệm vụ phải chu toàn, như Salomon còn được gọi là “được Chúa thương” (2 Sm 12,25).

Trên hết mọi tên là tên của Chúa, độc nhất, mầu nhiệm: “Đấng Tự Hữu” (Ex 3,14). Thiên Chúa đã mạc khải cho Môsê từ giữa bụi gai cháy phừng và còn thêm rằng Ngài sẽ giải thoát dân Ngài khỏi khốn khổ. Chỉ Chúa Giêsu mới dám dùng lại cho mình cái tên ấy: “Trước khi chưa có Abraham, Ta đã hiện hữu” (Ga 8,58). Giới lãnh đạo tôn giáo Dothái không hiểu nên kết án Ngài là phạm thượng, muốn ném đá Ngài và cuối cùng đẩy Ngài chết đóng đinh trên thập giá.

Chính qua sự khinh miệt phi lý đó mà mầu nhiệm thâm sâu nhất của Danh được bộc lộ: một Tình Yêu khiêm hạ đến độ nhận lấy địa vị phạm nhân, tự tước bỏ hết mọi trổi vượt bên ngoài: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Ph 2,9-11).

Bây giờ bạn hiểu được quyền năng vô biên của Danh Giêsu, một quyền năng của Thiên Chúa làm người, đặt trong tầm vóc của những kẻ bé nhỏ nhất. Quyền năng của tình yêu và khiêm hạ. Vậy bạn không còn ngạc nhiên khi cầu nguyện lại kêu nhân danh Chúa Giêsu. Tất cả mọi lời cầu nguyện đều được kết thúc: “Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con…”.

Bạn hãy luôn kêu cầu danh Chúa Giêsu, để dần dần danh Giêsu như được nối liền với nhịp tim của bạn: bạn yêu mến Chúa Giêsu trong tương quan với Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần. Như vậy, bạn vào trong mối hiệp thông tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Cái chính yếu là sự trung thành với Chúa Giêsu, đến đỗi chính Ngài lưu lại trong trái tim bạn, trong hơi thở bạn, trong tư tưởng bạn, trong cử chỉ của bạn. Danh trở thành phương tiện truyền thông. Nó như là chiếc lăng kính nhận lãnh và hội tụ ánh sáng của Chúa Kitô. Lăng kính này giúp chúng ta thắp lên ngọn lửa đã được nói đến: “Thầy mang lửa vào thế gian và ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).

Chúa Giêsu cầu nguyện trong bạn

Đối với đời sống kitô hữu, lời cầu nguyện đích thực chính là lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. “Tôi có cảm tưởng từ bao nhiêu năm qua tôi mang trong lòng mình lời cầu nguyện mà tôi chẳng hề hay biết. Lời cầu nguyện ấy giống như một suối nguồn bị một tảng đá đậy lại. Tới một lúc, Chúa Giêsu đã cất đi tảng đá. Bấy giờ, dòng suối bắt đầu chảy, và từ đó nó tiếp tục chảy mãi”.

Tôi sẽ trở lại với lời cầu nguyện liên tục này, nhưng bây giờ hãy tìm ý nghĩa của việc “cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu”. Ba lần trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ cầu nguyện nhân danh Ngài và Ngài hứa với họ là họ sẽ được nhậm lời: “Tất cả những gì chúng con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm cho, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu các con xin điều gì nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm cho các con” (Ga 14,13-14; 15,7-16; 16,23-24.26). Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu phải kèm theo sự thông hiệp với Ngài: Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài.

Chúa Giêsu là lời cầu nguyện trọn hảo. Trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, bạn thấy Ngài cầu nguyện luôn. Thánh Luca không bỏ qua cơ hội nào mà không chỉ cho chúng ta thấy. Chẳng hạn trước khi chọn mười hai tông đồ, nền tảng của Giáo Hội: “Chúa Giêsu đi lên núi để cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Lúc chịu phép rửa, lúc biến hình, khi hấp hối, trên thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện. Ngài là lời cầu nguyện sống động và phổ quát, vì vinh danh Cha Ngài và vì phần rỗi nhân loại.

Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc kịch chiến chống lại Sự Dữ. Ngài đã nói như thế này với Phêrô: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng các con như sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại, con hãy làm cho các anh em của con được nên vững vàng” (Lc 22,31-32). Và bây giờ, đã phục sinh từ kẻ chết, Ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện: “Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25).

Lời cầu nguyện nghèo hèn của chúng ta sẽ được nhậm lời, nếu được trung thành liên kết với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Đàng sau Danh của Ngài là chính con người của Chúa Giêsu mà bạn đón nhận ở trong bạn: tình cảm, ý muốn, tư tưởng và Trái Tim của Ngài. Bạn càng cầu nguyện với Ngài và bắt chước Ngài, bạn càng được biến đổi trong Ngài và được Ngài ở trong bạn. Chúa Kitô muốn truyền thông sức mạnh vô biên của lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta. Dù bạn chưa cảm nhận được sức mạnh nội tại đó, bạn hãy bắt đầu tham gia vào mọi chiều kích lời cầu nguyện của Ngài với đức tin. Một ngày kia bạn có thể nói theo kiểu Thánh Phaolô rằng “không còn phải là tôi nữa, mà là chính Chúa Kitô cầu nguyện trong tôi”.

Chúa Kitô muốn lời cầu nguyện của Ngài vang lên khắp vũ trụ, từ xích đạo tới bắc cực, từ cực đông cho tới cực tây. Ngài muốn mọi người đều có thể chiếm lấy lời cầu nguyện của Ngài làm của mình và dâng nó lên cho Thiên Chúa.

IV

Trong Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần cũng đáng được tôn thờ như Chúa Cha và Chúa Con. Chính Ngài biến đổi chúng ta tự bên trong. Không có Chúa Thánh Thần, không thể có lời cầu nguyện. Nhưng với Thánh Thần, lời cầu nguyện trở nên sống động, sốt sắng.

Xin Chúa Thánh Thần hãy đến và ở trong chúng con

Trong tất cả những lời cầu nguyện xin ơn, thì việc cầu xin Chúa Thánh Thần là quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người” (Lc 11,13). Chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức, thì còn phải xin lại làm gì? Thưa Nghi thức chưa đủ, cần phải mở rộng trái tim cho ơn Chúa thấm nhập cách tiệm tiến. Điều quan trọng là bạn không quên Chúa Thánh Thần. Hãy trở lại với Ngài, tôn thờ Ngài, xin Ngài hành động ở trong bạn.

Nếu bạn có được cái nhìn đủ trong suốt hầu thấy sự nghèo khó, bất lực, vụng về của bạn để cầu nguyện và yêu mến, chắc chắn bạn sẽ kêu lên với tất cả tâm hồn: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến trong con, xin thanh tẩy con, xin đốt lên trong con ngọn lửa tình yêu của Chúa”. Cứ kiên trì kêu xin, bạn sẽ được nhậm lời. Bạn đừng có nghi ngờ. Hãy tin tưởng ở lời hứa của Chúa Giêsu. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, tín nhiệm, khiêm cung, tự chủ” (Gl 5,22). Đó là những cái bạn phải kêu xin. Càng hy vọng, bạn càng đạt được điều bạn xin, vì “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Cuối cùng, Thánh Thần là thầy dạy cầu nguyện lớn nhất. Chính Ngài làm cho chúng ta trở nên những nghĩa tử có thể kêu lên với Chúa “Abba, lạy Cha” (Rm 8,15). Hơn nữa, “Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả” (Rm 8,26).

Phúc cho những ai than khóc

Từ khi mới lọt lòng mẹ, con người đi vào đời với tiếng khóc và nước mắt. Bao nhiêu nước mắt đã chảy trong suốt dòng đời! Có những người đau khổ đến cạn nước mắt, đến chai cứng, đến vô cảm… Nhưng cũng có những người quá đa cảm đến bệnh hoạn…

Ở đây tôi chỉ nói đến nước mắt trong chiều hướng thiêng liêng. Ân huệ nước mắt mời gọi bạn mở lòng ra cho một tình cảm mới. Có những mối cảm xúc mạnh mẽ khiến bạn có thể khóc lúc cầu nguyện, khi ngắm nhìn Chúa đóng đinh, trước một con người đang đau khổ, một cảnh thương tâm… Nếu bạn không khóc bao giờ, bạn hãy xin Thánh Thần ơn nước mắt đó. Nhưng nếu bạn khóc một cách dễ dàng, bạn hãy tìm sức mạnh nội tâm và sự an ủi của Ngài.

Chính Thánh Thần sẽ khơi lên trong bạn một dòng suối sâu thẳm làm vọt lên những nước mắt khác, thứ nước mắt mà Chúa Giêsu đã tuyên bố với các bà đi theo Ngài trên đường thập giá: “Các ngươi đừng khóc cho Ta, nhưng đúng hơn hãy khóc cho các ngươi và cho con cháu các ngươi” (Lc 23,28). Đó là cánh cửa của thống hối. Nước mắt thống hối rửa sạch linh hồn bạn, như một phép rửa mới: nước mắt được chúc phúc của ơn giải thoát. Chính Chúa Giêsu cũng đã chảy nước mắt như thế mà khóc thương cho thành thánh Giêrusalem (Lc 19,41-42).

Ơn nước mắt của Chúa Thánh Thần làm phát triển những đức tính mạnh mẽ: yêu thương, an bình, hoan lạc… Đó là cái chiến thắng khi nước mắt thống hối cạn khô và đời sống trở thành niềm vui. Vâng, Thánh vịnh có lý khi nói: “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan”.

Lời Chúa soi sáng

Trên kia tôi không chịu cách đọc Thánh Kinh “may rủi”, nghĩa là mở đúng chỗ nào đọc chỗ đó. Nhưng ở đây lại khác, bạn có thể mở đọc Thánh Kinh “một cách may rủi” như thế này:

Bạn hãy bắt đầu bằng cầu nguyện, trong trạng thái chú ý nội tâm sâu xa, tin tưởng vào ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Bạn xin Chúa ban một lời nào cho bạn. Cách này được Thánh Augustinô làm chứng trong sách “Confessions” của Ngài: Đang đi dạo trong vườn, ngài nghe vang lên từ nhà bên cạnh câu hát “Cầm lấy, đọc đi! Cầm lấy, đọc đi!”. Bối rối, ngài đứng dậy cầm lấy Tân Ước, mở ra đọc, gặp một bản văn của Thánh Phaolô trả lời chính xác với nhu cầu lúc ấy của Ngài.

Một thí dụ khác: Có một người giàu có đến gặp Thánh Phanxicô Assisi với ý muốn thay đổi cuộc sống. Để được soi sáng cho chọn lựa của mình, ông ta lần lượt “rút” ba bản văn Thánh Kinh, trước mặt Thánh Phanxicô. Cả ba đoạn văn đều cùng một chiều hướng: từ bỏ tất cả, bán của cải và theo Chúa. Và ông ta đã thực hiện như vậy.

Tuy nhiên, để lấy quyết định cho cả một cuộc đời rất hiếm, thường là để tìm lương thực thiêng liêng: soi sáng, củng cố, thêm sức, sửa chữa… Nhưng không được lạm dụng, tò mò muốn biết một cái gì đó không đến từ Thánh Linh. Trong trọng kính Lời Chúa và cầu nguyện, bạn hãy chờ đợi một thúc đẩy nội tâm trước khi chọn đọc một bản văn.

Chờ đợi…

Lạy Chúa,

Con đã biết Chúa một thời gian,

Con đến cầu nguyện với Chúa.

Nhưng đã từ lâu, tận đáy lòng,

Con ao ước được gặp Chúa thực sự:

Gặp Chúa, khám phá ra Chúa thế nào,

Để Chúa trở thành trung tâm điểm đời con,

Là niềm vui duy nhất và trọn vẹn cho đời con.

Tận đáy lòng, con ao ước Chúa gởi Thánh Thần,

Đem Ơn Hiện Xuống làm cho con sống,

Tràn đầy chân lý và tình yêu.

Lạy Chúa,

Con biết Chúa chờ đợi giờ của Chúa,

Cách nào, lúc nào, phương tiện nào,

Để Chúa tỏ mình ra cho trái tim con,

Chúa sẽ nói ra điều Chúa muốn ở con

Bằng cách gọi đúng tên con.

Nhưng lạy Chúa,

Con chờ đợi lúc ấy cách thụ động quá,

Dù đó là lúc rất đẹp,

Vì là lúc Chúa đến.

Lạy Chúa, xin đừng chậm trễ nữa,

Hãy đến cùng con,

Như con đang cố đến với Chúa.

Lạy Chúa,

Con tìm kiếm Chúa và con khao khát Chúa.

Còn tiếp

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print