Print  
Cầu nguyện cá nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống (13)
Bản tin ngày: 14/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Với Mẹ Maria

Dưới bóng Thánh Thần

Trong túi tôi luôn có tràng chuỗi. Khi chỉ có một mình, tôi thầm thĩ lần chuỗi. Người thời đại có lắm thứ thẻ: thẻ căn cước, thẻ tín dụng, thẻ bảo hiểm, thẻ điện thoại… Một cách nào đó, tràng chuỗi là thẻ truyền thông với trời. Từ thế kỷ thứ V, người ta đã cầu nguyện với phần đầu của kinh Kính Mừng là lời của Thiên sứ Gabriel và bà Isave (Truyền Tin và Thăm Viếng). Phần hai được thêm vào từ thế kỷ XV theo lối kinh cầu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con”. Từ thời kỳ này đã phát sinh Chuỗi Mân Côi, người bình dân đọc 150 kinh Kính Mừng thay cho 150 Thánh vịnh, lấy căn bản là suy niệm mười lăm mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng. Nay Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm “Năm Sự Sáng” nữa. Các giai đoạn cuộc đời Chúa Cứu Thế được rảo qua cùng Mẹ Maria.

Cũng như mọi hình thức cầu nguyện khác, cái chính yếu của Chuỗi Mân Côi nằm ở tinh thần hơn là lời đọc. Cái ưu tiên ở đây là sự gặp gỡ thực sự với Đức Trinh Nữ Maria. Không có Mẹ, bạn không thể nào thâm nhập vào mối thân thiết với Thánh Tâm Chúa Giêsu được. Thực vậy, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Ngay từ buổi đầu, Giáo Hội đã ngắm nhìn Mẹ Maria qua Chúa Giêsu, cũng như Giáo Hội đã chiêm ngắm Chúa Giêsu qua Mẹ Maria”. Cái khó là khám phá ra được “cái bí quyết của Đức Mẹ” như thánh Grignon de Montfort gọi. Kho tàng ấy che khuất khỏi con mắt phàm nhân. Những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ được chôn giấu trong thinh lặng, “dưới bóng Thánh Thần”.

Bạn hãy cầu xin cho được hiểu ra điều đó. Nhiều người trẻ đã nhận được ơn đó qua cuộc hành hương Đền Thánh Đức Mẹ. Đây là lời chia sẻ của một thanh niên 19 tuổi sau cuộc Đại hội Thánh Thể ở Lộ Đức năm 1981: “Tại đây, tôi đã khám phá được Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, Mẹ Maria của tôi… Làm sao có thể không biết Mẹ, mà Chúa Giêsu đã ban làm Mẹ của chúng ta. Từ đây, tôi ký thác mọi sự cho Mẹ, vì Mẹ biết rất rõ con của Mẹ. Nhờ Mẹ Maria, tôi khám phá được tình yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu của người cha cho con cái”.

Một thiếu nữ cũng làm chứng: “Lúc Rước Lễ Trọng Thể, sau lời cầu nguyện với Đức Mẹ, tôi đã thêm rằng ‘nếu có bao giờ con chống lại Con Mẹ, thì xin cho con cũng không bao giờ rời tay Mẹ’. Sau đó, trong những năm đen tối chống lại Thiên Chúa, tối nào tôi cũng đọc ít nhất một kinh Kính Mừng. Mẹ đã đùm bọc tôi rất nhiều và cuộc trở lại của tôi xảy ra trong cuộc hành hương Thánh Thể tại đền thánh Đức Mẹ. Tôi có thể nói rằng khi ta kêu xin Người, Mẹ Maria không bao giờ buông tay và còn cho ta cảm nhận được sự che chở từ mẫu của Mẹ”.

Thiên đàng của Chúa

“Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Mẹ”

Lời Truyền Tin mở ra mọi cánh cửa của các mầu nhiệm vui mừng: niềm vui của các thiên thần, niềm vui của con cái Thiên Chúa, niềm vui của mọi tạo vật, niềm vui của Mẹ Maria. Bạn có thể kín múc đầy tràn kho tàng vô tận Thiên Chúa đã muốn đặt để nơi Mẹ cho chúng ta. Mẹ Maria là tạo vật vô tội, hoàn toàn vô tội. Mẹ đã bất ngờ mạc khải cho Bernadette ở Lộ Đức: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm”. Mẹ ý thức rằng mọi sự đều được ban nhưng không cho Mẹ, Mẹ chẳng có công trạng gì riêng, ngoại trừ luôn nói “xin vâng” với Chúa. Càng ý thức những kỳ diệu Chúa đã làm cho mình, Mẹ càng tràn đầy lòng biết ơn. Lời kinh Magnificat của Mẹ diễn tả rõ ràng trái tim tràn ngập tình yêu sung mãn của Mẹ.

Ơn cứu chuộc nhân loại được sung mãn nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu (CĐ. Vat. II, Ánh sáng Muôn dân, số 60) và chỉ một mình Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã muốn đổ xuống cho chúng ta qua Đức Mẹ. Từ nay, Ngài muốn rằng mọi sự trao đổi giữa Ngài với chúng ta phải qua Đức Mẹ. Vì thế bạn phải ký thác trọn vẹn cho Mẹ.

Nhưng bạn hãy coi chừng, có những kẻ chú giải làm biến dạng vai trò của Mẹ Maria và tập trung nơi Mẹ mọi sự tôn thờ như là đối với Thiên Chúa. Không, ta không tôn thờ Đức Mẹ, nhưng ta tôn thờ Thiên Chúa nơi Mẹ, hai việc rất khác biệt. Có thể diễn tả Mẹ như vàng ròng trong suốt, nghĩa là Mẹ nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa và không giữ lại gì cho Mẹ. Trên chiếc thang bắc thẳng lên trời, Mẹ là bậc đầu tiên, là người hướng dẫn chìa tay ra giúp ta dễ bước lên. Nhờ Mẹ, Chúa Giêsu không còn quá trừu tượng, quá lý tưởng khiến con người không tiếp cận được. Nhờ Mẹ, Chúa đặt một góc thiên đàng giữa lòng thế giới tội lỗi. Tất cả chiến thuật của Chúa là tưới gội mặt đất già cỗi của chúng ta từ cái điểm nhỏ bé này, “nơi Người là mọi suối nguồn của chúng tôi” (Tv 86,7).

Nơi nương ẩn cho người có tội

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử”.

Lời cầu xin nầy có thể thích hợp cho bất cứ ai. Nơi đây, bạn đặt mình ở điểm khởi hành, từ con số không, làm bạn đồng hành cùng những người tội lỗi nhất. Bạn kết nối với lời kêu cứu của những người bất hạnh bên bờ vực thẳm: Mẹ ơi, cứu con với! Khi bị cạm bẫy tội lỗi hay khi gặp đau khổ khốn khó, bạn hãy kíp chạy đến nơi ẩn núp của lòng từ mẫu Mẹ, như một trẻ sơ sinh. Chính dưới chân thập giá mà Mẹ đã trở nên “Mẹ Nhân Lành” của tất cả mọi người. Chính ở đó, “Mẹ đã đau khổ cực độ cùng Con Một, liên kết với hiến tế của Con bằng trái tim từ mẫu của Mẹ, thuận ý bằng tình yêu với lễ vật sinh bởi thân xác Mẹ” (Vat II, ASMD, số 58).

Bạn hãy chậm rãi đọc lại câu căn bản này của Công Đồng, mỗi chữ đều được cân nhắc kỹ. Đàng sau các lời ấy là một sự đồng cảm vô tận. Mẹ Sầu Bi đã ngắm nhìn “hoa quả lòng Mẹ” bị hành hình trên thập giá. Bị đâm thâu, Mẹ hiến dâng cùng Con vì phần rỗi của mọi tội nhân. Không bao giờ trong lịch sử nhân loại có một người đàn bà đã trải qua một cuộc tử đạo dường ấy. Những gì Chúa chịu trên thân xác thì Mẹ chịu trong trái tim Người. Ngoài những khổ đau thể lý, chúng ta không thể nào cân nhắc được sự rộng lớn và sâu thẳm của mầu nhiệm ấy.

Lời tâm sự của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu giúp chúng ta đoán biết được cường độ đồng cảm tình yêu giữa Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria nơi giới hạn tận cùng của cái chết: “Tôi bắt đầu đi Đàng Thánh Giá, bỗng chốc tôi bị tình yêu Chúa mãnh liệt chộp lấy mà tôi không giải thích được thế nào, dường như tôi hoàn toàn bị chìm ngập vào trong lửa. Ôi, lửa và sự dịu dàng cùng lúc! Tôi cháy lửa yêu mến và tôi cảm thấy, nếu thêm một phút nữa, một giây nữa thôi, thì chắc tôi không thể chịu đựng nổi sức nóng ấy mà không chết”.

Vâng, trọn vẹn liên kết với hiến tế của Con, Mẹ Maria đã hoàn toàn bị tiêu hao bởi cùng một lửa tình yêu như Con. Và Chúa Giêsu đã dứt khoát chọn giờ phút này để gửi gắm Mẹ cho chúng ta qua môn đệ Gioan: “Thưa Bà, đây là con Bà… Đây là mẹ con. Từ lúc ấy, môn đệ đưa Người về nhà mình” (Ga 19,26-27).

Như Têrêxa Nhỏ, từ nay bạn hãy nương ẩn dưới áo Mẹ. Sự đồng cảm phổ quát của Mẹ khiến Mẹ hiểu hết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta, với tất cả sự nhạy cảm tế nhị như ở tiệc cưới Cana. Mẹ tin tưởng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Chúa Giêsu và Thiên Chúa Ba Ngôi. Mẹ trở nên Người Kêu Xin Đầy Quyền Năng, đến độ Mẹ có thể lấy lại Lời Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha: “Con biết Cha luôn luôn nhậm lời con” (Ga 11,42). Thiên Chúa vui lòng để cho Mẹ diễn tả lòng thương xót vô cùng của Ngài, theo cách từ mẫu của Mẹ. Chính vì thế mà khi lần chuỗi, ta đọc đến mười kinh Kính Mừng cho một kinh Lạy Cha. Với sự khốn khó của mình, tốt hơn bạn hãy ở lâu với Mẹ Maria, lời cầu nguyện của bạn sẽ nên khiêm tốn hơn, nhưng được thanh luyện, được bao bọc và được nên đẹp đẽ nhờ lời chuyển cầu hoàn hảo của Mẹ, nó sẽ đi thẳng tới Trái Tim Chúa.

Suy niệm những mầu nhiệm đau khổ thập giá, bạn đừng sợ ẩn náu nơi Mẹ Maria. Trong mọi sự, bạn hãy luôn chạy đến với lời cầu xin từ mẫu của Mẹ. Bạn hãy luôn ở bé nhỏ đối với Mẹ. Tôi rất thích lặp lại câu này: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Mẹ. Và dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con”.

Bạn hãy nghe một em bé giải thích mẫu tượng Đức Mẹ bồng ngữa Chúa Giêsu: “Nó tượng trưng tất cả những gì em có được, Mẹ Maria và Chúa Giêsu của em. Hãy nhìn hai khuôn mặt Chúa và Mẹ nhìn nhau và thử đoán xem em ở chỗ nào đối với hai người? Em ở giữa Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Đó là chỗ mà em thích nhất, vì em được nghe hai trái tim đập và em thở cùng nhịp với chúng. Chỗ của em ở đó vì em quá nhỏ bé và yếu đuối, em phải được che chở. Nhưng hãy tin chắc rằng vẫn có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Em nằm nơi cổ Chúa Giêsu và em được chấn lại để ít dễ bị ngã hơn”.

Mẫu gương của các thánh

“Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ…”

Vâng, Mẹ Maria là thánh, ở mức độ không thể nào vượt qua được đối với một tạo vật. Nhưng không có nghĩa là mọi sự đã được an bài trước và Mẹ không có một tiến bộ nào. Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, nói rằng cuộc đời của Mẹ như một cuộc hành hương đức tin, mỗi ngày một lớn lên, cho đến hiến tế cao độ nhất. Rồi tấm lòng từ mẫu thiêng liêng của Mẹ soi sáng Giáo Hội. Sau thời gian thập giá là thời gian các mầu nhiệm vinh hiển. Hiện diện giữa lòng cộng đoàn tín hữu đầu tiên, Mẹ toả chiếu quyền năng Chúa Thánh Thần cho tất cả những ai đến với cộng đoàn.

Những ai đi qua Mẹ đều được uốn nắn theo hình ảnh của Đấng Thánh Độc Nhất là Chúa Giêsu Kitô. Công đồng Vat. II nhấn mạnh nhiều về điểm đó: “Mẹ Thiên Chúa là gương mẫu của Giáo Hội trong lĩnh vực đức tin, bác ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô”. Những ai đến nương ẩn nơi Mẹ đều được làm thay đổi con tim và tính tình. Nương tựa không có nghĩa là ấu trĩ. Tuy nhiên cũng phải tránh những tình cảm vô bổ, ‘mê tín’…

Muốn thế, cần thiết phải nội tâm hóa việc sùng kính Đức Mẹ, không chỉ nhìn Mẹ như một con người được đặt trước mặt bạn, nhưng là một hiện diện sống động ở trong bạn. Bí quyết của Đức Mẹ triệt để có tính cách nội giới. Nhờ Mẹ, Thiên Chúa muốn cho chúng ta hiểu được rằng cái chính yếu của đời sống chúng ta là ở trong cuộc hành hương nội giới. Ngài chờ đợi chúng ta đủ khó nghèo để nhận lãnh sự giáo dục mới cho tâm hồn chúng ta.

Nếu bạn muốn để Đức Mẹ uốn nắn bạn, bạn hãy nghe lời khuyên của thánh Grignon de Montfort: “Cần phải làm mọi việc trong Mẹ Maria, nghĩa là phải tập quen dần dần hồi tâm hầu tạo nên trong chính mình một ý tưởng hay một hình ảnh thiêng liêng về Trinh nữ Maria. Mẹ sẽ là nhà cầu nguyện cho linh hồn dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu của mình”.

Đặc sủng tận hiến cho Mẹ Maria dẫn tới sự tước bỏ tất cả vì Mẹ: của cải vật chất, sức khoẻ thể lý, dự tính nhân loại, nhất là các lợi ích thiêng liêng. Bỏ đi tất cả tinh thần sở hữu, ngay cả những công nghiệp mà các hành động tốt mang lại cho chúng ta. Tuyệt đối khiêm nhượng, khó nghèo thiêng liêng, hoàn toàn sẵn sàng thưa “xin vâng” với Chúa. Mẹ Maria chỉ có một sự vội vã là chuyển sang cho bạn ngọn lửa ở trong Mẹ và giao phó Mẹ cho thánh ý Thiên Chúa. Mẹ biết cách làm cho lời Fiat của bạn thành Magnificat. Khi tinh thần của Mẹ Maria cháy lên trong bạn và vươn cao như ngọn lửa vui mừng, bạn có thể lấy lại chính những lời của Mẹ, nhất là sau Hiệp lễ, bạn hãy kết hiệp với Mẹ mà hát lên “Linh hồn tôi ngợi khen  Chúa, thần trí tôi nhảy mừng trong Đấng Cứu Chuộc tôi”. Chớ gì lời tạ ơn nội tâm của bạn liên kết với mọi anh chị em bạn làm nên lời kinh Magnificat vĩ đại của Giáo Hội lữ hành.

Lạy Mẹ Đấng Cứu Thế,

Là Cửa Trời luôn rộng mở,

Là Sao Biển ngời sáng,

Xin hãy đến cứu dân vấp ngã,

đang tìm chổi dậy.

Vạn vật bỡ ngỡ:

Mẹ đã sinh ra Đấng dựng nên Mẹ,

mà vẫn mãi mãi khiết trinh.

Mẹ hãy nhận lấy lời chào thiên sứ Gabriel

Và thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

VI

Cho đến cùng

Cầu nguyện cho đến cùng, chính là yêu cho đến cùng. Bạn đã bước đi trên đường ánh sáng, và cuối đường, Thiên Chúa đang chờ đợi bạn. Như một lữ hành không mệt mỏi, bạn phải kiên trì cho đến cùng, nghĩa là cho đến chết. Đừng bao giờ thôi nhìn vào mục tiêu vĩnh cửu và không ngừng tìm sống một tình yêu ngày càng hoàn hảo, như thánh Phaolô diễn tả trong bài ca ngợi bác ái của ngài (1 Cr 13).

Tình yêu nhẫn nại

Những đức tính nào bạn cần để đi cho đến cùng? Thưa hãy vất bỏ những gì làm bạn vướng bận, rồi thay thế vào hành trang cái rất quan trọng, tiên quyết, không thể thiếu này là Sự Nhẫn Nại.

Nhiều người muốn thấy mình đã đến đích, mà không chịu đi qua con đường dẫn đến đích. Có những kẻ bắt đầu vào cuộc sống thiêng liêng quá nôn nóng, muốn thấy mình ngày một ngày hai đã nên thánh thiện rồi! Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Trong số những kẻ ấy, một số đông vạch ra những chương trình nên thánh lớn lao với những kế hoạch tuyệt vời, nhưng vì thiếu khiêm tốn mà lại quá tự phụ, họ vấp ngã nặng chẳng khác gì những bậc cao họ muốn trèo lên. Những người đó không có lòng nhẫn nại chờ đợi thời giờ của Chúa, Đấng sẽ ban cho họ nhân đức khi Ngài thấy là tốt”.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã muốn đạt được vô địch thế giới về sự thánh thiện. Mẫu gương anh hùng của cô bé là Jeanne d’Arc. Têrêxa đã mơ làm những kỳ công cho Chúa và chết tử đạo, dường như có thể chinh phục được sự thánh thiện bằng mũi gươm. Nhưng Ngài sớm hiểu được rằng đó là lý tưởng sai lầm. Tuổi trẻ cần theo đuổi một mộng ước, nhưng sớm muộn gì cũng phải khám phá ra những định luật của thực tế. Tất cả chúng ta đều bắt đầu thử mở cửa Nước Trời bằng cách cố hết sức đẩy, đẩy đến kiệt lực, trong khi những người biết lưu tâm nhất khám phá thấy rằng một ngày kia cửa sẽ tự mở ra… khi kéo nhẹ một cái. Ngay khi Têrêxa vượt qua được giai đoạn đó, Ngài có thể làm một cuộc chạy vĩ đại tiến đến một hình thức thánh thiện khôn tả.

Bạn cũng thế, bạn cũng đã khởi đầu cuộc mạo hiểm tìm kiếm một sự thánh thiện mới mẻ: sự thánh thiện của bạn. Bạn hãy trang bị cho mình sự nhẫn nại để tiến hành một cuộc chạy có nền tảng. Hãy nhắm toàn thể cuộc sống bạn, không phải chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, mà là thời gian dài lâu. Bạn hãy học cho biết bản thân đầy đủ để biết mỗi ngày, cho đến khi bạn có thể đi thật xa… Sự quảng đại thôi không đủ. Điều quan trọng là phải biết lượng sức để khỏi kiệt lực: tạm thời chịu đựng bất toàn hơn là vội vượt lên sự thánh thiện không đạt tới được. Tâm hồn cháy lửa tình yêu thì mềm mại, dịu dàng, khiêm tốn và nhẫn nại. Như vậy rồi, bạn hãy tiến bước, luôn luôn chạy tới trong cùng một hướng, không hề ngã lòng. Kẻ nào không tiến tới là phải lùi lại.

Tình yêu là lưu tâm

Chờ đợi thời giờ của Chúa là chân trời của tình yêu nhẫn nại. Thời giờ đó không phải là duy nhất trong cuộc đời bạn. Nó tương hợp với mỗi giai đoạn biến đổi mà Chúa cho thấy hoạt động của Ngài. Bây giờ tôi muốn nói đến giai đoạn bạn có quyền ước ao và chuẩn bị: đi từ cầu nguyện đến chiêm niệm. Cho đến lúc này, tôi mới chỉ cho bạn những lối suy niệm, đôi khi hướng tới lời cầu nguyện sâu xa hơn. Bây giờ đến lúc phải rõ rệt hơn. Vì tình yêu Chúa phải xâm chiếm cuộc đời bạn, bạn được mời gọi cầu nguyện liên tục. Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy cầu nguyện không ngừng” (Lc 18,1; 1 Th 5,17). Các thánh mọi thời và mọi kiểu đều đã thực hành mệnh lệnh đó.

“Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 6,47). Chính Chúa Giêsu dư biết mục tiêu tối hậu đó con người khó đạt tới được. Nhưng Ngài thêm ngay rằng không gì là không thể đối với Thiên Chúa. Vấn đề là thực hiện cái không thể với ân sủng của Chúa. Vậy làm thế nào để nhận lãnh và sống ơn Chúa 100%? Câu trả lời căn bản có tên là chiêm niệm.

Khi bạn kiên trì lâu dài trong việc cầu nguyện, bạn tìm được một sự chú ý có phẩm chất làm cho bạn hiện diện với Chúa. Dần dần các suy nghĩ, các câu nói được xóa đi khỏi trí bạn để nhường chỗ cho một hiện diện thinh lặng. Sự hiện diện và gần gủi nầy luôn trở nên thinh lặng hơn, như hai người yêu lặng lẽ ở bên nhau, không cần nói với nhau một lời nào nữa, chỉ có ánh mắt và con tim lên tiếng nói. Như thế, càng gần Chúa, ta càng hiểu sâu xa, con tim rộng mở và hiến dâng…

Chiêm niệm không là gì khác ngoài sự chú tâm tràn đầy tình yêu cho Thiên Chúa. Ngay khi bạn bắt đầu sống chiêm niệm, bạn hãy bỏ rơi đi những câu nói, những bản văn, những tình cảm. Chừng nào bạn có thể, hãy ở bình an lặng lẽ, không làm gì, mà cũng chẳng nói năng gì. Hãy để cho bạn được mang đi. Hãy để trí bạn thanh thản, khỏi mọi tư tưởng, mọi lo âu, mọi hiểu biết. Bạn hãy bằng lòng với một sự chăm chú đầy yêu thương cho Chúa. Bạn hãy tự nhủ đó là thời khắc đặc ân cho công cuộc của ân sủng Chúa ở trong bạn. Bạn không biết thế nào, nhưng Thánh Thần Chúa thực hiện một sức mạnh nhiệm mầu trong linh hồn bạn. Ngài vẽ chân dung mới của bạn và khi hết nguyện gẫm bạn được thay đổi ở một mức độ tình yêu cao hơn.

Để cho thời gian chiêm niệm trải rộng như vết dầu loang ra dần và biến đổi tận căn đời sống hằng ngày của bạn, bạn cần yêu mến Chúa trọn thời gian: Bạn nhớ Chúa buổi tối khi đi ngủ, buổi sáng khi thức dậy, trong khi di chuyển, trước khi làm việc, lúc ăn cơm… Kẻ nào yêu mến thật sự thì lúc nào cũng nghĩ đến tình yêu, từ sáng đến tối, dù là những lúc bất ngờ nhất: “Tôi ngủ, nhưng tim tôi vẫn thức” (Ct 5,2).

Tình yêu chịu đựng tất cả

Không ai có thể đạt tới tình trạng chiêm niệm ấy nếu không nhận được ơn Chúa. Điều duy nhất mà Chúa xin bạn là chuẩn bị chính bản thân bạn. Không phải chỉ bằng lời cầu nguyện càng lúc càng giản dị và sâu xa, mà còn bằng một đời sống càng ngày càng được hiến dâng: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Nhưng làm sao hiến mạng sống bạn, nếu bạn không để mất đi tính ích kỷ và kiêu ngạo của bạn? Chúa Giêsu năng nhắc cho các môn đệ rằng họ cần từ bỏ nhiều thứ, ngay cả mọi sự, để theo Ngài. Mất đi tất cả để được lại tất cả cách sung mãn.

Bạn không cần phải vào sa mạc để sống nốt quãng đời còn lại của bạn đâu. Sa mạc có thể có ngay trung tâm cuộc sống hằng ngày của bạn. Căn bản là tình yêu kéo bạn đến với Chúa. Bạn hãy để chỗ tự do trong trái tim bạn cho một ý muốn, một ảnh hưởng, một thoả mãn duy nhất là của Chúa mà thôi.

Muốn thế, trước hết bạn hãy học không còn phàn nàn, nhưng phản ứng với bộ mặt vui vẻ trong mọi hoàn cảnh vì tình yêu Chúa. “Không có gì ghê tởm cho bằng những lời phàn nàn của kẻ chỉ mất chiếc khăn tay trước mặt người phải mất tất cả, những lời phàn nàn của kẻ đau ngón tay trước người sắp phải chết, những lời phàn của kẻ nhàm chán cuộc sống tiện nghi bên cạnh người rách rưới… mà không một chút phàn nàn”.

Bạn hãy tập từ bỏ tiện nghi, tính mê ăn… Mỗi khi bạn có thể, mà không bất tiện chi và trong kín đáo, bạn hãy tự tước bỏ cái làm bạn thích thú. Bạn hãy dâng sự hy sinh đó cho Chúa, để làm vui lòng Ngài. Bạn sẽ sớm gặt hái được một niềm vui tồn tại lâu dài. Nếu bạn luôn tìm bắt chước con đường nghèo hèn Chúa Giêsu đã chọn, một ngày kia bạn sẽ tìm lại được tất cả những gì bạn đã từ bỏ. Thánh Phaolô chia sẻ: “Thực ra tôi đã học cho biết tự lấy làm đủ trong mọi hoàn cảnh. No hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen đi cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được tất cả” (Ph 4,12-13).

Tình yêu hy vọng tất cả

Chiêm niệm và hy sinh là hai cánh cho tình yêu bay đi đến tận cùng đường của nó. Người chiêm niệm là con người của khát vọng mà sách Khải Huyền nói tới (x. Kh 22,17). Thay vì sợ chết, người kêu gọi nó, bởi vì nó là bạn đường bắt buộc để đi đến sự sống vĩnh cửu. Tình yêu càng lớn lên trong trái tim người, người càng để nó mang lấy thương tích mà chỉ có một cách chữa là khơi sâu thêm vết thương. Như Maria Madalena đổ dầu thơm vào chân Chúa Giêsu, người dám làm những sự điên rồ vì Chúa. Sự trọng kính của con người không còn cản bước người khi phải bộc lộ một tình yêu và hy vọng vượt quá lẽ thường. Người sống mỗi ngày một hơn cái định nghĩa của sự thánh thiện này: “Một trạng thái của con tim làm chúng ta nên khiêm tốn và nhỏ bé trong tay Chúa, ý thức sự yếu đuối của mình và tin tưởng đến táo bạo vào lòng tốt của Cha” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).

Sự nghèo hèn và khao khát của người càng khiến người van xin Chúa như ăn mày. Nhưng sự van xin đó chứa đựng mọi hình thức của cầu nguyện: ca ngợi, thờ lạy, tạ ơn. Nó hoà nhập với sự thinh lặng nội tâm. Vì sự thinh lặng của một con người đã được thanh thoát cũng chính là lời cầu nguyện. Bất cứ cử động nào của con tim đều như một tiếng nói âm thầm và kín đáo ca ngợi Đấng Vô Hình.

Bất cứ bạn ước mong gì nơi Chúa, bạn sẽ nhận được như bạn hy vọng. Nếu bạn chỉ có một niềm hy vọng nhỏ bé, bạn sẽ nhận lãnh được ít. Nếu niềm hy vọng của bạn lớn lao, bạn sẽ lãnh nhận được nhiều. Nếu niềm hy vọng của bạn triển nở trong lời cầu nguyện và hy sinh liên tục, bạn sẽ lãnh nhận được tất cả. “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Bạn hãy hy vọng sự thánh thiện của bạn. Bạn hãy hy vọng đời sống vĩnh cửu. Bạn hãy hy vọng phần rỗi của anh chị em bạn. Bạn hãy hy vọng Chúa Kitô trở lại trong vinh quang.

Niềm hy vọng Kitô hữu vượt quá mọi kỳ vọng nhân loại. Vì niềm hy vọng Kitô giáo đặt mọi sự nơi Mầu nhiệm Phục Sinh, nó có thể đương đầu với mọi thử thách thánh giá. Niềm hy vọng ấy sẽ cho bạn can đảm để đi cho tới cùng sự hy sinh cao cả nhất. Bạn hãy nhớ lại lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với Giới trẻ Thế giới ở Saint Jacques de Compostelle: “Các bạn đừng sợ trở nên những vị thánh”.

“Sứ điệp của tôi đơn giản trong hai chữ thôi: Bình An và Hy Vọng! Bình An vì chiến tranh đã dạy cho tôi rằng chỉ có hòa bình thật sự trong tâm hồn, được chính Chúa Giêsu ban tặng. Hy Vọng là khả năng nhìn thấy vô hình, khả năng đã cho Đức Maria sức mạnh đứng vững trước cái mà mọi người gọi là Chấm Dứt: thật ra đó chỉ là mới Bắt Đầu! Can đảm lên! Đời sống với Chúa Giêsu thật đáng giá! Hãy cho Ngài tất cả… Không chậm trễ, không lấy lại, không nếu, không nhưng, không trừ… Đó là hạnh phúc đích thực!”

Thinh lặng chiêm niệm

Bạn hãy làm thinh đi

Chúa Giêsu đang nói với bạn,

Nhưng Ngài nói cách dịu dàng,

Ngài thủ thỉ trong khi bạn lại la hét,

Nên bạn chẳng nghe được Ngài.

Tuy nhiên đã từ lâu,

Ngài cố gắng làm cho bạn nghe được tiếng Ngài.

Nhưng Chúa lịch sự và giản dị,

Ngài chờ khi nào bạn thôi nói.

Để nói với bạn, Ngài biết lắng nghe bạn.

Bây giờ đến phiên bạn,

Bạn hãy thử cố gắng lắng nghe Ngài.

Bạn hãy đi vào sa mạc,

Hãy tạo nên thinh lặng:

Chung quanh bạn, và ở trong bạn.

Trong sa mạc,

Không thể nào mà không nghĩ đến Chúa.

Tình Yêu thật lặng lẽ.

Nhưng có những thinh lặng dồn nén,

Những tiếng kêu bị chặn lại trong tim,

Những thinh lặng rộn ràng,

Những thinh lặng ích kỷ.         

Nhưng cũng có những thinh lặng dâng hiến,

Những thinh lặng đón mời,

Những thinh lặng lắng nghe,

Những thinh lặng yêu thương.

Vâng, lạy Chúa,

Con nín lặng và ngắm nhìn Chúa.

Con nhìn Chúa và như vậy là đủ cho con.

Hai cái nhìn gặp nhau là thinh lặng,

Và lấy làm đủ cho nhau.

Bạn làm thinh và Chúa nín lặng,

Bạn chiêm ngắm Chúa và Chúa nhìn bạn,

Bạn yêu mến Chúa và Chúa mến thương bạn.

Thời gian không còn tính đếm nữa,

Không còn gì hiện hữu quanh bạn,

Ngoài ra chỉ còn có Chúa.

Và Chúa nói với bạn,

Có lẽ chỉ qua một cái nhìn,

Một nụ cười trẻ thơ,

Sự nhỏ nhẹ của một người không nhà,

Một cử chỉ tầm thường,

Hay là qua tạo vật.

Có những thinh lặng rộn ràng,

Và có những thinh lặng yêu thương,

Những thinh lặng lặng lẽ.

Tôi đói sự thinh lặng.

Nhưng thinh lặng nào?

Lạy Chúa,

Con cám ơn Chúa về sự thinh lặng dưỡng nuôi con,

Sự thinh lặng con nhận lãnh như quà tặng,

Và nó không ngừng nói với con về Chúa,

Như miếng bánh thánh này,

Mà con thưởng thức từng chút một,

Và nó đã làm con dịu cơn đói.

Lạy Chúa,

Trong rộn ràng và tiếng động của cuộc sống,

Con chìm đắm, con mất hút, con đi xa,

Và linh hồn con mệt lả.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng dẫn dắt con

Đến điều chính yếu: Chúa ở trong con.

Sự sung mãn để Chúa ở trong con,

Để con chỉ hiện hữu bởi Chúa.

Những chuyện vãn thành tiếng động

Sẽ xoá đi dần khỏi ký ức con.

Và thinh lặng đổ đầy cho con:

Bây giờ, con xin Chúa hãy ở lại.

HẾT

 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
XBVN
In ngày: 20/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print