Print  
Cẩm nang Caritas Việt Nam
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Xin click vào đây để xem file: Portals/0/D/Cam nang Caritas Viet Nam.pdf

 

Linh đạo bác ái

Linh đạo này rút ra từ giáo huấn của Công đồng Vatican II, từ bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ban hành, năm 2004, nhất là từ Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình yêu) của ĐTC Bênêđictô XVI, công bố ngày 25-12-2005.

Hội viên Caritas được mời gọi sống triệt để «tinh thần bác ái». Bác ái là tình yêu thương, là sự chia sẻ, quan tâm đến đau khổ, thiếu thốn về mặt vật chất và tinh thần của từng cá nhân. Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái là tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ.

Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một trách nhiệm của người Kitô hữu, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Thực thi đức ái Kitô giáo trước hết là lời đáp trả trực tiếp và khẩn cấp trong những hoàn cảnh cụ thể: cho người đói có lương thực, người trần truồng có áo quần, người bệnh được chữa trị chăm sóc… (x. Mt 25,40). Qua sự dấn thân phục vụ những anh chị em bé mọn nhất, con người sẽ gặp gỡ được chính Đức Giêsu, và trong Đức Giêsu con người sẽ gặp gỡ Thiên Chúa là nguồn tình yêu vì «Yêu người là con đường dẫn đến Thiên Chúa, và quay lại với tha nhân sẽ làm cho chúng ta ra mù loà không gặp được Ngài» (Thông điệp, số 16).

Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái. «Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi» (2 Cr 5,14). Thật vậy, con người có khả năng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và đáp lại tình yêu đó. Vì thế, cách nhìn của họ về người khác không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, nhưng từ cách nhìn của Đức Kitô để khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người mình phục vụ. «Chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào» (TĐ, số 18).

Như thế, mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau. Tình yêu bác ái được trao tặng cách nhưng không cho những con người cụ thể, đặc biệt cho những người sống bên lề xã hội, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị. Nó không phải là phương tiện để chiêu dụ tín đồ như một ít người đã hiểu lầm.

Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước tiên là trách nhiệm của từng người Kitô hữu, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm những hoạt động bác ái. Caritas là một tổ chức của Giáo Hội nhằm khơi dậy ý thức về tình bác ái yêu thương nơi mọi người trong xã hội, từ đó dẫn đến những hoạt động thiết thực giúp đỡ nhau (x. TĐ, số 20).

Những hội viên Caritas sẽ được đào tạo về chuyên môn với những kỹ năng nghiệp vụ để hoạt động bác ái hiệu quả hơn (x. TĐ, số 31a). Nhưng trên hết mọi sự, họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn «chúng tôi là những đầy tớ vô dụng» (Lc 17,10). Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. TĐ, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu dạy chúng ta rằng «luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu» (x. Mt 22,40; Ga 15,12; CĐ. Vatican II Gaudium et Spes, số 38). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn vẹn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Trong phạm vi xã hội, sự thật này cũng y như vậy. Các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31.14,1) để dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội (x. Tóm lược HTXH, số 580).

Theo linh đạo này, mỗi hội viên Caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu.

(Trích trong Cẩm nang Caritas Việt Nam)

In ngày: 20/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print