Tác giả bài viết là một bà mẹ người Việt đang sống ở Cộng hoà Czech. Chị viết bài này vì muốn chia sẻ nỗi khổ của chị với các bà mẹ trong nước, chứ chưa biết rằng ở Việt Nam nhiều gia đình đang Tây hơn cả Tây!
Xã hội ngày nay và cuộc sống hiện đại nơi xứ người đang làm mất đi nét thanh đẹp trong cuộc sống. Nhất là đối với một số gia đình vì quá tham công tiếc việc mà quên mất rằng đằng sau tấm bình phong hào nhoáng bên ngoài, con cái đang dần sa ngã.
Buổi sáng, tôi dậy sớm và đi làm bình thường như mọi ngày. Cô con gái duy nhất trong nhà vẫn mải miết “tô son, kẻ phấn”. Tuy mới 16 tuổi nhưng cháu lại dậy thì sớm và trông “đỏm dáng” hơn các bạn nhiều. Cháu hay xin mẹ tiền mua đồ dùng học tập hay ăn quà sáng. Vì thương con (cháu là con một) nên cháu xin một tôi cho hai. Thời gian gần đây, thấy cháu thường dùng những đồ “hiệu” đắt tiền như điện thoại, lắc tay… tôi hỏi thì cháu bảo là bạn tặng sinh nhật. Tôi chỉ nghĩ cháu đi học trường Tây và chơi với các bạn Tây nên sự xuất hiện của những món quà sinh nhật đó cũng dễ hiểu. Buổi tối, khi đi học về nếu không có việc gì, cháu lại chúi đầu vào “chat chit” với các bạn trên mạng...
Cho đến ngày nhận được giấy mời của nhà trường, tôi ngỡ ngàng choáng váng khi con tôi mới 16 tuổi đầu mà đã phạm tội lừa đảo! Cháu cùng một số bạn đã lên mạng đặt mua hàng qua Internet và thản nhiên dùng. Có lẽ các cháu cứ nghĩ rằng mình đặt hàng rồi “chuồn” thì họ không biết đâu mà mò. Tôi vô cùng xấu hổ với nhà trường và mọi người. Một lần đi Praha lấy hàng, tôi ngồi tâm sự nỗi khổ tâm với một người bạn nghe thì còn hốt hoảng hơn khi nghe kể con gái chị cũng đua đòi không kém. Cháu năm nay mới tròn 15 tuổi, vậy mà chị đã không dưới hai lần đưa con đi bệnh viện để “giải quyết hậu quả” của việc buông lỏng bản thân! Mặc dù gia đình đã dùng đủ mọi biện pháp ngăn chặn, khuyên can, nhưng rồi do tính chất công việc và thời gian không cho phép chị kiểm soát con 24/24, chuyện gì đến đã đến. Vì quá giận và bất lực mà chị từ không nhìn mặt con nữa.
Nói đến đây, chị quay mặt nhìn sang đám trẻ Tây đang đi trước mặt: “Cũng chỉ tại tụi trẻ mắt xanh kia thôi, xã hội tân tiến quá nên lớp trẻ tự do yêu đương. Chúng hôn nhau giữa đám đông và coi xung quanh như chết hết. Chứ ở Việt Nam chúng ta, con trai con gái đi học còn phải ngồi cách xa, vậy mà ở đây chuyện tày đình như thế chúng vẫn cho là nhỏ!” Tôi góp ý: “Chị sai rồi, xã hội tân tiến nhưng đâu có luật nào cho phép trẻ vị thành niên yêu nhau? Sự việc ngày hôm nay có phần lỗi chính là do chúng ta dạy dỗ con cái chưa tốt và chủ quan. Chúng ta không nên đổ lỗi cho xã hội vì con người làm cho xã hội thay đổi, chứ xã hội không thể tác động đến con người!” Thấy chị không bằng lòng với nhận xét của mình, không muốn hai bên căng thẳng nên tôi lảng sang chuyện khác. Nhưng thực sự, tôi cũng thấy mâu thuẫn khi chính bản thân mình cũng đã có lần đổ lỗi cho xã hội làm hư hỏng con!
Dù sao trường hợp của con tôi và con chị bạn vẫn cần sự chăm lo giáo dục của gia đình. Trẻ em tuy ham chơi và bướng bỉnh là thế nhưng vẫn cần bàn tay che chở của các bậc phụ huynh. Không nên ruồng rẫy con trẻ trong mọi tình huống, nhất là khi con trẻ đã phạm sai lầm. Chính bản thân tôi phải rút kinh nghiệm vì quá ham kiếm tiền mà ít để ý đến con. Khi biết con mình mua hàng “không thanh toán”, tôi đã phải cố gắng che đậy và bồi thường thiệt hại cho nhà cung cấp. Nhưng có một số phụ huynh không hiểu vì tiếc tiền hay cũng “ngông” giống con trẻ mà cãi bừa và đổ lỗi cho nhà cung cấp “cả tin”.
Qua câu chuyện của gia đình tôi và người bạn, chỉ mong các bậc phụ huynh khác chăm lo để ý hơn đến con em mình, nhất là các cháu gái đang ở tuổi dậy thì.