Cha mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dạy con cái cách thức giao tiếp. Con trẻ sẽ học theo những thói quen của cha mẹ và sử dụng chúng trong giao tiếp, cả những thói quen tốt lẫn xấu. Những thói quen mà chúng có được và những mẫu gương chúng nhìn thấy nơi cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cách chúng giao tiếp sau này.
Việc trở thành những bậc cha mẹ gần gũi chính là kỹ năng mà tất cả những bậc cha mẹ đều phải đạt được. Đó chính là lắng nghe con trẻ khi chúng cần được lắng nghe; đó chính là biểu lộ cho chúng biết rằng bạn hiểu rõ những khó khăn mà chúng đang đối mặt; đó chính là chậm xét đoán và trách mắng, nhưng mau mắn và thật tâm trong sự tán thành và khen ngợi; đó chính là bày tỏ cho con trẻ biết rằng chúng rất quan trọng đối với bạn bằng cách sẵn lòng dành thời gian lắng nghe những gì chúng nói; đó chính là nhận ra rằng đôi khi con trẻ chỉ cần nói chuyện, và thông qua việc lắng nghe, bạn có thể giúp chúng có được những kết luận đúng đắn mà không cần đến “lời chỉ dẫn”; đó chính là thể hiện sự quan tâm đến chúng và sẵn lòng giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên, nhưng không phải đàn áp hoặc ra lệnh bắt con trẻ phải làm theo bạn. Trở nên “gần gũi” có nghĩa là con cái cảm thấy thoải mái đến bên bạn trong những lúc vui cũng như những lúc khó khăn, và chúng biết rằng bạn sẽ cố gắng thông hiểu.
Khi một trong những đứa con của bạn muốn nói chuyện với bạn trong khi bạn đang bận rộn, phản ứng của bạn sẽ là thế nào? Bạn có dành thời gian để cảm thông một cách chân thành mỗi khi con cái tìm kiếm sự thông hiểu nơi bạn không? Bạn có chậm giận và mau mắn trong lời khen ngợi không? Tự nhìn nhận bản thân, bạn có phải là người dễ dàng để cùng nói chuyện không? Rất có ích khi tự hỏi bản thân những đặc điểm nào nơi một người làm họ trở nên dễ dàng để cùng trò chuyện, và tại sao lại như thế. Tự hỏi bản thân những câu hỏi này và cố gắng để cải thiện những mặt còn yếu kém, sẽ giúp bạn trở nên những bậc cha mẹ gần gũi hơn, và như thế, con cái sẽ cảm thấy thoải mái hơn và thường xuyên mong muốn được trò chuyện với bạn về những chuyện riêng tư của chúng.
Ví dụ khi con của bạn vừa trở về từ chuyến tham quan bảo tàng khoa học và cậu bé hớn hở kể cho bạn về chuyến đi. Bạn đang bận rộn nên đã gật đầu và nói: “Vui nhỉ!”, nhưng rồi ngay lập tức tiếp tục công việc bạn đang dang dở. Chính cách phản ứng ấy làm giảm đi mức độ gần gũi của bạn trong tâm trí của con trẻ. Dần dần chúng nghĩ rằng bạn không quan tâm đến những gì chúng nói.
Hãy suy nghĩ
Hãy nghĩ về những đặc điểm của một người khiến bạn cảm thấy dễ dàng trò chuyện với họ. Trong số những đặc điểm ấy, đặc điểm nào cần đến trong việc trò chuyện với con cái để có thể dần hoàn thiện cuộc trò chuyện và thảo luận với chúng?
|