Print  
Vào Thành với Chúa
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

VÀO THÀNH VỚI CHÚA

Hằng năm khi đến Lễ Lá, chúng ta long trọng kỷ niệm biến cố Đức Giêsu vào thành Giêrusalem vinh hiển. Không dừng lại ở đó, mỗi người chúng ta được mời gọi đồng hành với Đức Giêsu trong trong Cuộc Thương Khó của Ngài, để có thể hy vọng tiến vào thành đô vĩnh cửu của Thiên Chúa.  

1. Từ cuộc vào thành lịch sử

Cuộc vào thành lịch sử của Đức Giêsu được nhắc đến trong Kinh Thánh (Lc 19,35–40) là biến cố hé mở vai trò và chương trình tình thương của Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Vinh quang mà Đức KiTô đem đến cho nhân loại không hệ tại ở những động cơ mang tính chất trần thế, mà nó hướng con người tới hạnh phúc đích thực viên mãn. Sự kiện Đức Giêsu vào thành Giêrusalem toát lộ dung mạo của Đấng Thánh khiêm nhường, hiền từ,  ngời sáng ánh vinh quang của “Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” trong tiếng tung hô nồng nhiệt của dân chúng và đoàn môn đệ.

        “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường..., tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ lớn tiếng hô lên: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !” (Lc 19, 36 – 38).

       Trong đoàn lũ đông đảo lớn tiếng ca tụng Đức Giêsu, có “tất cả đoàn môn đệ”, những con người đã từng theo sát vị Tôn Sư của mình trong hành trình rao giảng. Mặc dù đã được Đức Giêsu báo trước về cuộc thương khó của Người, nhưng trong tầm hiểu, tầm cảm hữu hạn của họ vẫn ngỡ rằng, Thầy mình đang và sẽ là “Đức Vua” đến chinh phục và đem lại cho họ vinh hoa trần thế. Họ không thể ngờ được, rồi đây chính “Đấng ngự đến nhân danh Chúa” sẽ kinh qua con đường của người “Tôi Trung Đau Khổ”, để tiến vào vinh quang bất diệt trên trời. Do vậy, nhiều người trong số họ đã ngã lòng thất vọng, chán chường, đau khổ, phản bội khi tận mắt chứng kiến “Đức Vua” mà mình tôn vinh phải khốn cực khốc thảm dưới bàn tay phàm nhân.

       Nhưng ý định và chương trình của Thiên Chúa nằm ngoài tầm nghĩ, tầm hiểu của con người. Vinh quang nơi Ngài không nhất thiết biểu hiện ở một vài lời ca tôn cảm tính, mà nó cần được gắn với cả một đời sống tận hiến cho vinh quang Thiên Chúa trong tình yêu xả kỷ. Mục tiêu cuộc vào thành của Đức Giêsu hệ tại ở giá trị này.      

2. Đến cuộc vào thành vĩnh cửu

       Cuộc vào thành Giêrusalem đã biểu dương vinh quang của Đức Giêsu. Nó khởi sự và dự báo cho vinh quang đích thực của Ngài, được biểu lộ trọn vẹn trong cuộc Phục Sinh vinh hiển và tiến vào Thành đô vĩnh cửu.

      Hướng tới Cuộc Khải Hoàn Mới, Đức Giêsu đã bày tỏ cho thấy, con đường mà Ngài dẫn chúng ta vào vinh hiển tuyệt đối cần phải đi qua Thập giá, như dấu chứng của lời đáp trả. Như vậy, lời chúc vinh đẹp nhất của chúng ta dành cho Chúa hệ tại ở thái độ dấn thân, vui sống cuộc thương khó giữa đời thường.

     Vinh quang của Đức Giêsu chính là Ngài đã dám chấp nhận đau khổ và đón nhận nó trong thân phận con người với tình yêu của Đấng được sai đến. Hành trình của Ngài tiến lên đỉnh đồi Can-vê hoàn toàn đối nghịch với cuộc nghinh rước trọng hậu khi Ngài tiến vào Giêrusalem. Chính những kẻ đã nồng nhiệt tung hô, chúc tụng Ngài đã quay mặt chối từ, đả kích và hô hào đòi giết Ngài: “Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá” (Lc 23, 21). Nhưng cũng từ bước ngoặt này, danh xưng “Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” được nghiệm sinh đúng nghĩa trong sáng Phục Sinh.

      Nhiều người trong chúng ta hôm nay không chấp nhận vinh quang Thiên Chúa qua cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức KiTô. Chúng ta giống như những người Pha-ri-siêu xưa muốn chối từ vinh quang của Đức Giêsu khi Ngài tiến vào Giêrusalem. Nhưng sự thực, Đức KiTô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã được Chúa Cha vinh thăng dưới ngọn cờ Thánh giá, trong lời chúc khen của muôn thần thánh trên trời. Tất cả, Thiên Chúa đã hành động cho chúng ta, những người đang được mời gọi tiến vào Giêrusalem mới.

3. Lời chứng tôn vinh Chúa.

      Trong ngày Lễ Lá, chúng ta thích được cầm những cành lá xanh tươi, hát vang lời ca: “Các trẻ Do thái, trên tay hoa lá reo mừng, hân hoa vang lời tụng ca….”; đó thật là một truyền thống ý nghĩa, đẹp đẽ, nói lên mối giao cảm của con người xưa-nay khi đặt mình trước vương quyền của Thiên Chúa.

     Nhưng có một điều quan trọng hơn, đã bao giờ bạn và tôi nghĩ về thái độ và bổn phận cần thiết của mình khi sống cho vinh quang Thiên Chúa? Vinh quang mà Ngài ban tặng cho chúng ta qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô.

     Chúa Giêsu đã làm theo ý Thiên Chúa, sẵn sàng tự hạ bằng lòng chịu chết trên Thập giá. Nhưng đây là con đường đưa Ngài tới vinh quang thật. Vinh quang Thiên Chúa thể hiện trước hết nơi con người, chính là chúng ta vui nhận thánh ý và bằng lòng chịu đau khổ để sống cho con đường vinh quang đích thực mà Đức KiTô đã mở ra.

     Chúng ta dễ nói, dễ cất lời tôn vinh Chúa trong Nhà thờ hay những nơi khác an bình, vô sự. Chúng ta cũng dễ nói những lời chứng về cái chết và cuộc Phục sinh của Đức Giêsu với những người đồng quan điểm với mình. Nhưng sẽ là một đòi hỏi, thách thức gay gắt, hoàn toàn không dễ dàng khi ta phải nói, phải sống những lời chứng ấy trước những đối tượng thù nghịch với ta về niềm tin, hay trước những hoàn cảnh bức bách đòi hỏi ta phải can đảm làm chứng cho vinh quang Thập giá.

       Chúng ta quen chúc tụng, ca khen Chúa bằng lời kinh, tiếng hát ở Nhà thờ, nhưng đừng quên bênh vực, minh chứng cho Công Lý – Sự Thật – Tình Thương của Ngài. Đây là lời đáp trả ý nghĩa và thiết thực nhất của chúng ta trong hành trình cùng Đức KiTô tiến vào Thành Đô vĩnh cửu.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn

(Đại Chủng viện Vinh Thanh)

 

In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print