Print  
Cần nối kết tính chuyên nghiệp và chuyên môn với niềm tin và tấm lòng của người môn đệ Đức Kitô trong công tác bác ái xã hội
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

TP. Hồ Chí Minh - Lúc 16g30 ngày 30-7-2008, Khoá Huấn luyện Nâng cao Năng lực Ứng phó Đại dịch HIV và Trau dồi Kiến thức Tính dục học Ứng dụng đã có Thánh lễ Tạ ơn, kết thúc 3 ngày học hỏi, tại Hội trường Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, số 43 Nguyễn Thông, P.7, Q.3, TP. HCM, do Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có Lm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, phụ trách truyền thông Giáo phận Kontum, và Lm. Đa Minh Trần Công Hiển của Giáo phận Xuân Lộc.

Sau Thánh lễ, Ban Tổ chức Khoá Huấn luyện đã trao chứng chỉ cho các tham dự viên. Số tham dự viên tính đến cuối ngày hôm nay là 160 người, với 36 dòng tu. Đây là lần đầu tiên Uỷ ban Bác ái Xã hội tổ chức Khoá Huấn luyện về HIV/AIDS cho các đối tượng chủ yếu là tu sĩ nam nữ, lại còn lồng ghép vào một phần nội dung không nhỏ về Tính dục học, một lĩnh vực xưa nay vốn khó nói cho các tu sĩ.

Thông qua khoá học này, Ban Tổ chức muốn nói rằng HIV/AIDS đang là vấn đề báo động. Với con số 100 người nhiễm HIV mới và 40 người chết vì AIDS mỗi ngày tại Việt Nam, việc phòng chống căn bệnh thế kỷ này không còn là vấn đề của riêng ai, mà là một mặt trận chung, trong đó mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tích cực tham gia vào.

Trong phần đúc kết khoá học trước Thánh lễ, Lm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhận định rằng công tác bác ái từ thiện gắn liền với với căn tính và hiện diện trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Cha nhắc lại điều Đức Giáo hoàng Beneđictô XVI trình bày về căn tính Công giáo, trong đó việc thi hành công tác bác ái xã hội là 1 trong 3 điểm cốt yếu, bên cạnh việc học hỏi, sống và loan báo Lời Chúa; và cử hành và tham dự các bí tích.

Cha nói thêm rằng việc thực hiện công tác bác ái xã hội, hôm qua, cũng như hôm nay và ngày mai đây vẫn là một trong những bổn phận cốt yếu của người Kitô hữu. Tuy nhiên, trải qua 2000 năm lịch sử đã có những hình thức và cách thế thực hiện khác nhau, tuỳ theo môi trường và yêu cầu cụ thể của thời đại. Trong giai đoạn đầu, công tác bác ái xã hội của Giáo Hội hầu như do các tu sĩ và linh mục thực hiện. Họ là các thánh nhân hay các chứng nhân sống động của Kitô giáo, mà động cơ thúc đẩy công việc này là niềm tin và lòng cảm thương. Công việc này hầu như nhấn mạnh đến từ thiện nhiều hơn là phát triển, thăng tiến nhân phẩm, nhân quyền. Từ cuối thế kỷ XIX, các tổ chức bác ái xã hội đã nhấn mạnh hơn đến việc phát triển và thăng tiến nhân phẩm, nhân quyền. Nhiều tổ chức bác ái xã hội Công giáo có tầm mức quốc tế đã chuyên môn và chuyên nghiệp hoá các công tác bác ái xã hội, nhưng ngược lại, thành viên của các tổ chức này lại thiếu niềm tin và thiếu tính chứng nhân.

Chính vì vậy, Cha nhấn mạnh, thách đố hiện tại mà Đức Beneđictô XVI và Cor Unum đang nêu lên cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là cho những người đang làm công tác bác ái xã hội: đó là làm sao kết hợp chuyên môn với niềm tin, niềm xác tín và thái độ chứng nhân; cũng như làm sao nối kết được tính chuyên nghiệp và chuyên môn cao với niềm tin, niềm xác tín và tấm lòng của người môn đệ Đức Kitô.

Trở lại với đất nước chúng ta, trước đây, khi Giáo hội Việt Nam có nhiều cơ sở và công tác bác ái xã hội, thì những người làm công tác này chủ yếu là các tu sĩ và họ cũng làm theo chiều hướng từ thiện. Nhưng khi không còn sở hữu các cơ sở nữa, gần như các tu sĩ lui vào hoạt động âm thầm. Và hiện nay, nhiều thiện nguyện viên giáo dân đang đảm trách các công tác bác ái xã hội, đặc biệt là dấn thân vào môi trường phục vụ người có H. Tại TP. HCM, hiện có khoảng 25 nhóm đồng hành, yểm trợ, chăm sóc, điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS. Và một sự trùng hợp lý thú là các cơ sở lớn của Công giáo đang lo cho người có H đều mang tên Mai (Maria): Trung tâm Mai Hoà, Mai Linh, PK Mai Khôi, Mai Tâm, Mai Anh... 

Đứng trước đại dịch này, đã đến lúc các tu sĩ và các dòng tu nên xuất hiện và nhập cuộc với các giáo dân trong cuộc chiến cam go này. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn trong lời chia sẻ ngắn gọn trong Thánh lễ đã nhắn nhủ: "Noi gương Đức Giêsu, trong suốt cuộc đời rao giảng, Ngài đã không ngừng hành động để cứu vớt những người nghèo khổ, tật bệnh, bị ma quỷ kiềm chế, thậm chí cho kẻ chết sống lại... để giới thiệu cho họ Nước Trời hay Vương Quốc của Thiên Chúa. Đó là một Nước của sự sống, của tự do, của sung túc, của sức khoẻ, của an lành; Nước của Công lý và Hoà bình, của Thánh thiện và ân sủng, của tình thương và ơn cứu độ. Đức Giêsu đã đồng hoá mình với Nước Trời, cho nên Nước Trời không phải ở đây hay ở kia, mà là đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Nước đó đáng quý giá vô cùng, vì đó là Thiên Chúa Ngôi Lời ở trong con người, giống như viên ngọc quý và kho tàng mà chúng ta phải biết nhận ra được giá trị và tìm mọi cách để chiếm hữu. Và hôm nay, trong Thánh lễ kết thúc khoá học này, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy ra đi để xây dựng Nước Trời, và đem Nước ấy đến cho người khác, bằng cách nói lên Lời Sự Thật và Sự Sống cho những người đau khổ, nghèo túng, nhất là cho những anh em có H đang sống quanh ta".

Khoá tập huấn này là bước đầu bước đầu trên tiến trình nâng cao năng lực cho những người dấn thân trong công tác bác ái xã hội tại Việt Nam. Sắp tới, Uỷ Ban sẽ tổ chức các khoá tập huấn tương tự cho các nhóm tu sĩ và giáo dân ở nhiều nơi, cũng như tổ chức các khoá tập huấn chuyên ngành như: Tư vấn cho thanh thiếu niên, Kỹ năng sống cho người trẻ, Chăm sóc và điều trị, Kỹ năng làm cha mẹ cho người lớn... Ngoài ra, cũng cần nâng cao tính chuyên môn và chuyên nghiệp cho các trung tâm điều trị cho người có H, và xây dựng thêm các mái ấm cho người có H...

Như người Samaria nhân hậu trên đường đi Giêrikhô, chúng ta cần vượt qua thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H… chúng ta không còn phải là những người đóng vai thầy tư tế, và thầy Lêvi (x. Lc 10,29-37) tránh sang bên đường để đi, mà biết chạnh lòng, sẵn sàng xuống khỏi “lưng lừa” để chăm sóc, chữa trị..., đồng thời cũng phải làm sao để biến đổi “con đường Giêrikhô” thông qua việc truyền thông, giáo dục... để giảm thiểu đến mức có thể những thanh thiếu niên rơi vào tay "bọn cướp" là thảm hoạ của căn bệnh thế kỷ này.

 

BBT
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print