TP. Hồ Chí Minh − Lúc 15 giờ ngày 28-8-2008, Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Ban Mục vụ Chăm sóc Người có HIV/AIDS TGP TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho khoảng 400 bệnh nhân, đặc biệt là những người sống với HIV/AIDS, tại Nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh, do Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức ông Robert Vitillo, thuộc Caritas Quốc tế và là Chủ tịch Tổ chức CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), Lm. G.B. Phương Đình Toại, Trưởng ban Mục vụ HIV/AIDS của TGP. TP. Hồ Chí Minh, và 8 linh mục khác đang hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS.
Tham dự Thánh lễ còn có Bà Tiến sĩ Bác sĩ Rabia Mathai, thuộc Tổ chức CMMB (Catholic Medical Mission Board), các tu sĩ, bác sĩ, y tá và giáo dân đang làm việc tại các phòng khám, nhà mở, mái ấm, các nhóm tư vấn, cầu nguyện và chăm sóc hỗ trợ người có HIV/AIDS tại TGP TP. Hồ Chí Minh.
Trong Thánh lễ này, có hơn 100 bệnh nhân có HIV/AIDS đã nhận lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân do Đức ông Vitillo và 4 linh mục cử hành.
Trong bài giảng, Đức ông R. Vitillo đã chia sẻ rằng lần nào đến Việt Nam ngài cũng xúc động vì thấy đức tin của người tín hữu thể hiện qua hành động và cuộc sống khi quy tụ thành những buổi gặp gỡ như thế này. Và mỗi lần rời Việt Nam, ngài lại mang những tâm tình này đi khắp nơi. Đặc biệt trong lần trở lại Việt Nam này, ngài nói có nhiều lý do để cảm thấy được khích lệ và có thêm niềm vui. Lý do thứ nhất, có một đồng nghiệp cùng đồng hành với ngài là Tiến sĩ Bác sĩ Rabia Mathai, đang làm việc trong một tổ chức Y tế Công giáo tại New York, Hoa Kỳ, chuyên giúp cho các Giáo Hội ở các nơi trên thế giới về HIV/AIDS; và ngài hy vọng khi biết về tình trạng của Việt Nam, bà có thể làm một cái gì đó cho đất nước này. Lý do thứ hai, Caritas Việt Nam đã chính thức được thành lập trở lại, và hứa hẹn sẽ hoạt động mạnh hơn trong những năm tới.
Ngài cũng chia sẻ niềm vinh dự được tham dự Thánh lễ cầu nguyện và chữa lành cho bệnh nhân, được cử hành đúng vào ngày lễ Thánh Augustinô, vị Tiến sĩ Hội Thánh, và cũng là vị thầy vĩ đại về kinh nghiệm hoán cải. Chính thánh nhân sẽ nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến vai trò, sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong đời. Ngài mời gọi mỗi người hãy hoán cải đời sống, noi theo gương sáng của thánh nhân, tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Và nhất là đừng quên câu nói thời danh của thánh nhân: “Linh hồn tôi sẽ còn khắc khoải bao lâu nó chưa được nghỉ yên trong Chúa”.
Với các bệnh nhân, ngài chia sẻ rằng, với những bệnh tật và đau khổ mà chúng ta gánh chịu, nhiều khi chúng ta có cảm giác cô đơn, dường như chúng ta đã bị Chúa bỏ rơi. Như xưa, chính Chúa Giêsu đã đến với tất cả những người đau khổ, bệnh tật. Ngài không đứng xa xa, nhưng lại gần, chạm vào họ và chữa lành cho họ, thì ngày nay, bằng cách này cách khác, Chúa vẫn hiện diện và chữa lành qua hành động của những người đang đồng hành với chúng ta đây. Cùng với lời chia sẻ này, ngài mời gọi từng bệnh nhân tiến lên để chịu phép xức dầu bệnh nhân, với ý thức rằng để vượt qua bệnh tật, mỗi người cần đến sức mạnh của Thiên Chúa và chính Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh đó.
Sau Thánh lễ, mỗi bệnh nhân được nhận một phần quà, còn các linh mục, tu sĩ và giáo dân đang làm đang làm việc tại các phòng khám, nhà mở, mái ấm, các nhóm tư vấn, cầu nguyện, và chăm sóc hỗ trợ người có HIV/AIDS đã có gần 2 giờ gặp gỡ trao đổi và giao lưu với Đức ông Robert Vitillo tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Sau phần gặp gỡ trao đổi, tất cả cùng chia sẻ bữa ăn huynh đệ.
Một điều đặc biệt là Đức ông R. Vitillo cũng vừa mới tham dự 2 Hội nghị Thế giới về HIV/AIDS: 6-2008: Hội nghị dành cho các Bộ trưởng Bộ Y tế của nhiều chính phủ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, bàn về vấn đề HIV/AIDS của toàn thế giới. Và vào đầu tháng 8 này, Hội nghị HIV/AIDS Thế giới lần thứ 17 được tổ chức tại Mexicô, với khoảng 22.000 bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên y tế… bàn thảo về vấn đề HIV/AIDS trên toàn thế giới.
Đức ông đã giới thiệu những số liệu mới nhất về tình hình HIV/AIDS trên toàn thế giới. Theo con số thống kê (năm 2008), trên thế giới có khoảng 33 triệu người nhiễm HIV/AIDS (có đến 45% trong số này là người trẻ (từ 15-25 tuổi), 2/3 số người này sống tại các nước Nam Phi, 5 triệu người sống tại Châu Á). Năm 2007, thế giới có 2,7 triệu người nhiễm mới (tức mỗi ngày trên thế giới có khoảng 7.400 người nhiễm mới), và có 2 triệu người chết vì AIDS. Nhận định về tình hình này, một số nước có tỉ lệ nhiễm giảm, nhưng một số nước tỉ lệ đó lại tăng lên, trong đó có Việt Nam (tỉ lệ nhiễm tăng gấp đôi từ giữa những năm 2000-2005), Indonesia và Pakistan.
Tình trạng này dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu dân số (có quá ít người ở độ tuổi trung niên để chăm sóc cho người già và trẻ em), tuổi thọ càng ngày càng giảm (hiện nay tuổi thọ trung bình ở Châu Phi là 30-45 tuổi), gia tăng tình trạng nghèo đói (ước tính phải chi 82% tổng thu nhập của gia đình để lo cho 1 người nhiễm HIV), càng ngày càng nhiều số trẻ mồ côi vì HIV (Châu Phi hiện có khoảng 12 triệu trẻ em mồ côi vì HIV, đa số thiếu ăn trầm trọng và không được học hành), và người phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nhiều nhất vì vấn đề này.
Điểm đặc biệt lưu ý là Liên Hiệp Quốc đã chính thức khuyến cáo nên cho các bệnh nhân dùng thuốc khi số tế bào CD4 hạ xuống mức 340/mm3 máu, thay vì đợi tới 200 như quy định của Bộ Y tế đang áp dụng cho các cơ sở điều trị ở Việt Nam hiện nay.
Đức ông cũng nêu lên một hiện tượng đáng mừng là càng ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được uống thuốc đặc trị ARV và càng ngày càng có nhiều phụ nữ nhiễm HIV mang thai được tiếp cận thuốc để phòng lây nhiễm sang con. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ có khoảng 30% người lớn và 15% trẻ em được uống thuốc đặc trị. Chỉ riêng năm 2007, có tới 290.000 trẻ chết vì không có thuốc, và những trẻ này đều chết dưới 2 tuổi. Một tin mừng khác là đã huy động được một nguồn quỹ lớn hơn để hỗ trợ cho người có H, hiện quỹ toàn thế giới có hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì con số này tuy có dồi dào hơn trước nhưng vẫn chưa đủ vì cần có 20 tỷ USD để lo cho vấn đề này.
Tình hình trên cho thấy HIV vẫn còn là một vấn đề lớn trên toàn thế giới mà mọi người phải quan tâm. Tình hình đó cũng cho thấy tầm quan trọng trong việc giáo dục người trẻ (45% số người nhiễm tuổi từ 15-25, đa số lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục). Bạn trẻ cần hiểu biết những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, cần được giới thiệu những giá trị đạo đức, giá trị của tình yêu, giá trị của sự sống. Cho đến nay, việc tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV đều chỉ đưa ra một liệu pháp duy nhất là sử dụng bao cao su. Nhưng đối với Giáo hội Công giáo, Giáo Hội luôn khuyến khích bạn trẻ không quan hệ tình dục trước hôn nhân, và chung thuỷ trong hôn nhân, như Đức Gioan Phaolô II đã đề cao: “Muốn chiến thắng HIV/AIDS thật sự, chiến thắng HIV/AIDS một cách có trách nhiệm, cần cổ vũ sự phòng bệnh, qua việc tôn trọng giá trị thánh thiêng của sự sống, đào tạo con người hiểu đúng về tình dục, đức khiết tịnh và lòng chung thuỷ trong hôn nhân”.
Nhiều người ngày nay vẫn cho rằng đây là biện pháp cổ hủ, lỗi thời, nhưng theo nghiên cứu mới đây ở Thái Lan cho thấy, số người nhiễm mới ở Thái Lan giảm nhiều do liệu pháp thay đổi hành vi (giảm số lượng bạn tình, không quan hệ tình dục trước hôn nhân) thông qua thông tin, truyền thông, khuyến cáo.
Đức ông cũng cho biết nhiều Hội đồng Giám mục trên thế giới đã đưa ra những chương trình cụ thể nhằm giáo dục bạn trẻ về vấn đề này. Như Giáo hội Công giáo tại Ấn Độ chẳng hạn, Hội đồng Giám mục tại nước này đã lên chương trình giáo dục người trẻ ở trong và ngoài trường học. Tại đây, có 20.000 trường học Công giáo, trong khi chỉ có 2% dân số Ấn Độ là Công giáo; và có hơn 100 chương trình hỗ trợ cộng đồng cho người có H trên toàn Ấn Độ.
Đức ông nhấn mạnh rằng việc chăm sóc mục vụ, tâm linh cho người có H là thế mạnh nhất mà Giáo Hội chúng ta làm được cho người có H, bên cạnh thuốc men, y tế, thông tin, truyền thông. Ngài mời gọi hãy làm mọi cách có thể và làm một cách chuyên nghiệp cho những người có H, với bàn tay, tâm trí và con tim của Đức Giêsu. Để kết thúc phần giao lưu và chia sẻ, Đức ông đã mượn lời của Hội đồng Giám mục Ethiopia: “Tất cả chương trình mục vụ của chúng ta cho người có HIV/AIDS phải được xây dựng theo ánh sáng của Chúa Kitô”. Và người Công giáo trước đại dịch HIV/AIDS được mời gọi nên thánh, thực hành đức khiết tịnh và sống sao để làm chứng cho những giá trị của Nước Trời.