Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Thánh Biển Đức, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.
Vào cuối thế kỷ thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của
những người mà thế giới Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.
Một người thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia
muốn trốn thoát khỏi cuộc loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn
núi Subiaco để dìm mình trong cuộc sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh
tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng Chúa phán trong tâm hồn:
có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn. Càng ra sức
làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.
Lấy những thôi thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người
thanh niên quý tộc ấy đã quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí
hướng và thiết lập tu viện đầu tiên tại Montecassino.
Chàng đã nói với Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau:
“Chúng ta giam mình trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách
những người khác, nhưng là để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa
và thông đạt cho thế giới, để học hỏi một cách sâu xa hơn nền văn minh
vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn minh ấy chiếu sáng giữa
những người anh em của chúng ta. Tôn chỉ của chúng ta là thập giá và cái
cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự cầu
nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động”.
Những điểm chính trong quy luật của chúng ta là: Hát 7 lần một ngày để
ca tụng Chúa và làm cho màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca
tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng,
học hỏi những sự trên trời và dịch lại những tác phẩm cổ điển. Sau cùng,
phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất là tại bàn ăn, là
nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.
Vị thánh đã đưa ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn
mạng của toàn thể Âu Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay,
nền văn minh nhân bản của thế giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý
tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu thương để ca tụng Chúa và phục vụ
con người.
Giữa cơn khủng hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến
hiện nay tại hầu hết các nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu
đầy hy vọng: các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh
niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật, nhưng trống rỗng, hơn bao giờ
hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu phải cầu nguyện, phải
sống kết hợp với Chúa.
Ðời sống tu trì, dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một
lẩn trốn đầy sợ hãi trước thế gian... Người tu sĩ đích thực xa lánh thế
gian, chứ không xa lánh con người. Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa
đoạ của thế gian, để rồi lại kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, dễ thở
hơn, dễ sống hơn.
Ðó không chỉ là sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm
niệm và cầu nguyện, mà cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu
Kitô luôn được mời gọi để thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế
tục, để tiêu diệt nơi mình những sức mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo
một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới, nhưng không thuộc về thế
gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh của họ là kiến
tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên chính
những cái chóng qua ở đời này.
|