Print  
Hiện trạng nghiện ngập trong xã hội Việt Nam và phương hướng phòng chống của UBBAXH-Caritas Việt Nam
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

 

HIỆN TRẠNG NGHIỆN NGẬP TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÒNG CHỐNG CỦA UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tổng Thư ký UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Nhập đề

- Nước Việt Nam chúng ta có số dân 87 triệu người. Tình trạng xã hội và kinh tế đang phát triển sau 2 cuộc chiến tranh lớn, từ 1945-1975, số người nghiện ngập đủ loại rất cao.

- Chúng ta mong ước xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

- Giáo hội Công giáo Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào việc xây dựng này qua những hoạt động bác ái của người tín hữu trong xã hội.

1. TÌNH TRẠNG NGHIỆN NGẬP HIỆN NAY

1.1. Nghiện ngập là gì?

Nghiện ngập là tình trạng lệ thuộc về thể lý và tâm lý của một người đối với một sự vật nào đó. Người này bắt buộc phải tìm kiếm và sử dụng sự vật đó bất chấp những hậu quả bất lợi trong cuộc sống. Người ta có thể nghiện trà, cà phê, rượu bia, ma tuý, thuốc lá, điện thoại, trò chơi trực tuyến, phim ảnh… dù rằng những sự vật này tự bản chất là tốt đẹp khi con người biết sử dụng chúng một cách đúng đắn.

1.2. Số người nghiện

Tính cho đến tháng 3-2010, ở Việt Nam hiện có:

- Khoảng 200.000 người nghiện ma tuý.

- Khoảng 23.000.000 người uống rượu bia.

- Khoảng 23.000.000 người hút thuốc lá.

- Khoảng 23.300.000 người sử dụng internet.

- Khoảng 40.000.000 người có máy điện thoại di động, vi tính cá nhân.

- Khoảng 40.000.000 người xem vô tuyến truyền hình mỗi ngày 2 giờ.

Trong số này có hàng chục triệu người rơi vào tình trạng nghiện ngập. Họ bị lệ thuộc vào vật chất, tạo nên những rối loạn, thậm chí bệnh tật, trong thể xác cũng như tinh thần và gây nên những thiệt hại lớn lao cho gia đình và xã hội.

1.3. Nhận thức về tình trạng nghiện ngập

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta thường sợ hãi và xa tránh những người nghiện ma tuý vì thấy những hậu quả tai hại và nhanh chóng của ma tuý đối với những người sử dụng chúng như: đau đớn trong cơ thể khi đói thuốc, tốn phí tiền bạc dẫn đến nghèo túng, nguy hiểm chết người khi chơi quá liều, nhiễm HIV khi dùng chung kim chích với người có HIV…

Nhưng còn rất nhiều loại nghiện ngập mà chúng ta không để ý do hậu quả không tức thời và mạnh mẽ như ma tuý. Tuy nhiên, về lâu dài những kiểu nghiện ngập này đều dẫn đến tình trạng suy nhược thể xác cũng như tinh thần. Thí dụ: nghiện cà phê, rượu bia, thuốc lá…

Nhiều người còn cho việc sử dụng chúng mang ý nghĩa đặc biệt vì nói lên tính cách độc lập, bình đẳng (phụ nữ hút thuốc lá), độc đáo của giới tính (“nam vô tửu như kỳ vô phong”: làm trai mà không uống rượu giống như lá cờ không tung bay được vì thiếu gió), hay sành điệu “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên mây” - thơ Hồ Zếnh)…

Nhiều kiểu nghiện mới xuất hiện trong vài năm gần đây đã lôi kéo nhiều người sa lầy mà không biết phải thoát ra như thế nào như: nghiện internet, nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện phim ảnh đồi truỵ, nghiện sex…

1.4. Hậu quả

Chúng ta phân biệt các loại hậu quả từ tình trạng nghiện ngập để tìm phương hướng điều trị cho cá nhân người nghiện và giúp đỡ cộng đồng xã hội có người nghiện sống chung (gia đình, thôn xóm, cộng đồng tu viện, xứ đạo…).

Người nghiện là một con người toàn diện với nhiều mối tương quan.

- Tình trạng nghiện ngập ảnh hưởng đến con người toàn diện về các lĩnh vực:

+ Thể xác (cơ thể suy nhược, các bệnh tật) và tinh thần (suy nhược, buồn chán, bị kích động, hoang tưởng...).

+ Đời sống nội tâm (bị cắn rứt, sâu xé) và ngoại giới (bị xáo trộn: ăn uống, ngủ nghỉ thất thường…).

+ Đời sống tự nhiên (ăn uống thất thường, xáo trộn quan năng) và siêu nhiên (mặc cảm tội lỗi, bị cám dỗ về những hành động như ăn cắp, thoả mãn tình dục…).

+ Đời sống cá nhân (yếu đuối, lệ thuộc) và tập thể (để lại những di chứng cho thế hệ tiếp theo như: chậm phát triển trí não, dị tật, nghèo đói, xã hội chậm tiến...).

- Tình trạng nghiện ngập cũng ảnh hưởng đến các mối tương quan: với chính mình (không làm chủ được bản thân), với tha nhân (gây đau khổ buồn phiền cho người khác), với vạn vật (lạm dụng hay phung phí vật chất), với Thiên Chúa (xúc phạm đến Thiên Chúa yêu thương và có khi cắt đứt nguồn ân sủng với Ngài).

1.5. Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng

Mỗi người chúng ta đều cảm thấy mình có thể rơi vào tình trạng nghiện ngập nên đời sống là một cuộc chiến đấu không ngừng để làm chủ bản thân và mang lại hạnh phúc cho người khác.

Mỗi người cảm thấy sự sâu xé trong nội tâm mình: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (x. Rm 7,19).

Hơn nữa, vì “con người là một tinh thần mở ra cho Đấng vô biên cũng như cho mọi thụ tạo” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 130), nên con người có thể nhận được những ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua tình trạng nghiện ngập của mình. Tuy nhiên, con người cũng có thể bị những tinh thần khác (bạn bè, ma quỷ) chi phối để lôi kéo vào con đường nghiện ngập.

Con người hoàn toàn không cô đơn trong cuộc chiến trường kỳ này vì chúng ta có người thân, bạn bè, thần thánh và cả Thiên Chúa nữa.

2. PHƯƠNG HƯỚNG PHÒNG CHỐNG NGHIỆN NGẬP CỦA UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM

2.1. Hoạt động phòng chống nghiện ngập của Nhà Nước và của các tổ chức.

- Nhà Nước xây dựng một số trung tâm, bệnh viện để giúp đỡ những người nghiện ngập đặc biệt là nghiện ma tuý.

- Một vài tỉnh thành lớn có các trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần do những căng thẳng về tâm lý, do nghiện rượu…

- Hiện nay chưa có những trung tâm đặc biệt điều trị những loại nghiện mới mẻ như: internet, trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ, nghiện sex…

- Số trung tâm điều trị toàn quốc chỉ được vài chục ngàn bệnh nhân so với cả chục triệu người trong tình trạng tâm thần và nghiện ngập hiện nay. Theo thống kê của Trung tâm Tâm thần Quốc gia, cứ 100 người Việt Nam thì có 1 người bị bệnh tâm thần nặng, 10 người bị bệnh tâm thần nhẹ.

- Một số nhà tâm lý được tư vấn để giúp đỡ những loại bệnh nhân nghiện mới này.

2.2. Đường hướng chữa trị tại các trung tâm hiện nay

- Những bệnh nhân thường được chữa trị về thể lý với những triệu chứng như: rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần bằng những loại thuốc Tây y hay Đông y chưa được điều trị như một con người toàn diện với các mối tương quan.

- Nhiều bệnh nhân sống trong các trung tâm như những con người được tách biệt ra khỏi xã hội nên cảm thấy bị hất hủi, cô lập. Kết quả là số người khỏi bệnh rất ít. Số trung tâm thường quá tải bệnh nhân nên hầu như người bệnh chỉ được nuôi ăn và chữa trị thể xác, bỏ quên khía cạnh tâm lý và tâm linh, cũng như cộng đồng xã hội.

2.3. Đường hướng phòng chống và chữa trị của UBBAXH-Caritas Việt Nam

- Trước con số lớn lao của người nghiện trong cả nước cũng như để giảm bớt số người khuyết tật UBBAXH-Caritas Việt Nam đã muốn cùng với đồng bào cả nước hành động để phòng chống tình trạng nghiện ngập và xây dựng con người toàn diện cho dân tộc Việt Nam. Đây cũng là sứ mạng và trách nhiệm của người tín hữu Công giáo Việt Nam.

- UBBAXH-Caritas Việt Nam đã nghiên cứu và soạn thảo 3 chương trình liên kết với nhau:

+ Chương trình trợ giúp Người Khuyết tật (CT 02/TGKT/2010)

+ Chương trình Phòng chống Nghiện ngập (CT 03/PCNN/2010)

+  Chương trình Y tế Cộng đồng (CT 04/YTCĐ/2010)

- UBBAXH-Caritas Việt Nam chọn chiến lược “Phục hồi người nghiện, người khuyết tật, người bệnh dựa vào cộng đồng” (Community based rehabilitation) để thực hiện các chương trình này, vì UBBAXH-Caritas Việt Nam hiện nay là một tổ chức còn rất giới hạn về nhân sự và nguồn lực.

2.4. Chiến lược “Phục hồi Dựa vào Cộng đồng” là gì?  Và tại sao lại chọn chiến lược này?

Chiến lược này nhằm giúp cho những người trong cộng đồng nhận thức về tình trạng bệnh tật hay mối nguy hiểm của nghiện ngập để tự nguyện tham gia vào việc phòng chống và điều trị.

UBBAXH-Caritas Việt Nam nhận thức rằng cộng đồng tín hữu Việt Nam đã được đào tạo về giá trị của con người toàn diện và đang xây dựng một nền nhân bản tâm linh. Đây là những cơ sở giúp cho việc phòng chống nghiện ngập và chữa trị người bệnh đạt kết quả cao.

UBBAXH-Caritas Việt Nam nhận thức rằng cộng đồng Kitô hữu gồm nhiều tín hữu quảng đại, sẵn sàng dấn thân cho công cuộc lớn lao này. Hơn nữa, đây là một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ từ cấp trung ương đến giáo phận, giáo xứ và từng tín hữu.

Các dòng tu trong Giáo hội Công giáo Việt Nam với những cơ sở vật chất và nhân sự được đào tạo có thể đóng góp rất nhiều cho các chương trình và dự án phòng chống nghiện ngập mà không cần phải xây dựng những trung tâm điều trị riêng biệt vừa tốn kém nguồn lực, vật chất, vừa lãng phí thời gian, công sức.

Một thí dụ cụ thể: để xây dựng một trung tâm điều trị cho 100 người nghiện, chúng ta phải chi ra khoảng 5-10 tỷ để xây dựng các cơ sở như: nhà ở, nhà ăn, phòng điều trị, các thiết bị…, chúng ta cần từ 5-10 nhân viên phục vụ, cần tiền bạc để nuôi dưỡng bệnh nhân và trả lương cho các nhân viên. Dù chúng ta có xây được 100 trung tâm như vậy thì số người được chữa trị chẳng thấm vào đâu so với số người nghiện trong xã hội. UBBAXH-Caritas Việt Nam cũng không thể có nguồn tài chính lớn lao để thực hiện việc xây dựng các trung tâm này.

Còn nếu chúng ta chọn lựa chiến lược phục hồi dựa vào cộng đồng, chúng ta chỉ cần gây ý thức trong cộng đồng mà không cần phải xây dựng các cơ sở. Chúng ta chỉ cần huấn luyện một số người tình nguyện hiểu biết các phương pháp và kỹ năng chữa trị để họ có thể truyền thông cho những người khác, và những người này có thể săn sóc người thân của mình đang bị nghiện ngập, đang ở trong tình trạng khuyết tật hay bệnh tật tại ngay chính gia đình của mình. Các dòng tu có thể trở thành những nơi đào tạo và tư vấn cho các tình nguyện viên, cũng như các bệnh nhân. Các tu sĩ giờ đây lại đang thực hiện sứ mạng chữa lành bệnh nhân như Đức Giêsu đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong đời sống trần thế của Người.

2.5. Thực hiện các chương trình này như thế nào?

Chương trình phòng chống nghiện ngập được thực hiện bằng những hoạt động sau đây:

- Tổ chức các khoá đào tạo nhân sự về phòng chống các loại nghiện khác nhau, về đào tạo về giá trị và kỹ năng sống.

- Tổ chức các buổi nói chuyện về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho cộng đồng.

- Phổ biến trên trang web của Caritas Việt Nam các bài học, các phương pháp và kỹ năng để phòng chống nghiện ngập và điều trị những người nghiện.

- Biên soạn bộ tài liệu về giá trị và kỹ năng sống cho chương trình đào tạo nhân bản toàn diện và phổ biến trên trang web của Caritas Việt Nam.

- Biên soạn và in các cuốn cẩm nang dành cho người khuyết tật, cho người nghiện từng loại cũng như cho quần chúng về lĩnh vực y tế cộng đồng.

- Xây dựng một vài trung tâm điều trị thử nghiệm đồng thời làm nơi đào tạo các tình nguyện viên phục vụ người khuyết tật, người nghiện trong cả nước.

Caritas Việt Nam đang cộng tác với các giáo phận để thực hiện các trung tâm sau:

+ Trung tâm Phục hồi Người bệnh Tâm thần do Nghiện rượu bia, thuốc lá, internet, trò chơi trực tuyến, phim, sex, phá thai tại Kalong, Đà Lạt, Lâm Đồng.

+ Trung tâm Phục hồi Trẻ chậm Phát triển Trí não, Trẻ Tự kỷ tại Chợ Gạo, Mỹ Tho.

+ Trung tâm Phục hồi Người nghiện Ma tuý tại xã Tóc Tiên, Bà Rịa, Vũng Tàu.

+ Trường Trung học Dạy nghề Hoà Bình cho học sinh nghèo, người khuyết tật tại Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai.

Kết luận

Trong tinh thần được thúc đẩy bởi lòng bác ái của Thiên Chúa và tình yêu của Đức Giêsu Kitô cũng như được tràn đầy ân sủng của Thánh Thần, mỗi tín hữu trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô trong việc chữa lành những người bị nghiện ngập và mỗi tu viện trở thành nơi quy tụ những người khốn khổ, tật bệnh để được chữa lành.

 

 

Caritas VN
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print