BÀI CA DÂNG MẸ
Tựa đầu vào ngực cha, con nghe biển hát lời ước mơ. Nép
mình vào lòng mẹ, con thấy cả trời bao dung.
Nếu ai hỏi trên đời này tình yêu nào cao cả nhất? Con xin
thưa : Tình mẹ. Ngôn từ nào đẹp nhất? Con xin thưa từ "mẹ"… và trái tim vĩ đại nhất?
Trái tim mẹ, trái tim để ban phát, để yêu thương, để hy sinh không biết mệt
mỏi.
Người ta thường nói bàn tay đong đưa vành nôi là bàn tay
thống trị cả toàn cầu. Mẹ là âm điệu ngọt ngào trên môi con. Mẹ là tiếng ru êm,
đầm ấm, lời ca bất tận thiên thu.
Không chỉ là tuyệt tác kỳ diệu của Thiên Chúa, Mẹ Maria
còn là Ðấng hiệp công cứu chuộc, có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh của nhân
loại.
Người phụ nữ tuyệt diệu
Rất nhiều tước hiệu cao trọng nói về Mẹ Maria: Mẹ Thiên
Chúa, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Nữ Vương Hoà Bình… đôi khi chúng ta quên mất một điều Ðức Maria cũng
là một người phụ nữ dịu hiền, đảm đang, vén khéo, nhẫn nhục, hy sinh… là người
phụ nữ có phúc trên hết các phụ nữ. Cuộc đời của Mẹ có thể gói trọn trong ý
nghĩa một tỳ nữ khiêm tốn: “Này
tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa”.
Với đôi tay vén khéo, tảo tần, Mẹ đã sống trọn vẹn vai trò người mẹ, người vợ
trong gia đình Nazareth. Nhiều Nguỵ thư, biết bao huyền thoại thêu dệt về Mẹ, nhưng trên hết
tất cả đều nhìn nhận Mẹ Maria là người phụ nữ sáng ngời về nhân cách, phẩm
hạnh, tiết trinh…
Ở sự dịu hiền và rất đỗi đơn thành nơi Mẹ, không ai có
thể thấy chút gợn vẩn của dối trá. Bao trùm tất cả là sự trinh khiết, trong
trẻo như bầu trời một sớm mùa thu. Nét thanh khiết ngoan nguỳ đến nỗi người ta như chạm vào khoảng trời của trầm mặc,
chân không, một thế giới của các cảm thức thẩm mỹ. Phải chăng Thiên Chúa đã kén
chọn và gìn giữ nơi Mẹ sự giản dị, thuần phác để chuẩn bị cuộc sáng tạo lần thứ
hai là sinh hạ Ðức Giêsu. Mẹ đã sống cuộc đời bình thường nhưng chẳng chút tầm
thường.
Cuộc đời Mẹ tưởng chừng như sự bình đẳng giữa ánh sáng và
bụi cát hay bụi cát được tinh luyện và toả sáng. Thiên Chúa sủng ái Mẹ như một Nữ hoàng. Thực ra,
trước hết Mẹ là con người của Thần Khí, Plena gratia. Khi cất lên hai tiếng “xin vâng”,
Mẹ Maria đã đón nhận sức sống Thần Linh, Mẹ sống trọn vẹn vai trò vị hôn thê
của Thánh Giuse, làm Mẹ Thiên Chúa mà vẫn giữ mình trinh khiết.
Giáo dục là nối dài sự sáng tạo. Ðức Giêsu đã đi vào lịch
sử nhân loại, học cách đối nhân xử thế, học lao động, học ăn, học nói, chịu sự
giáo dưỡng ân cần, nâng niu chăm sóc nơi Ðức Maria: “Ðức Giêsu tấn tới về khôn ngoan vóc dáng và ân sủng trước
mặt Thiên Chúa và người ta”
(Lc 2,25). Ðức Giêsu xét như là Con Thiên Chúa hay là con loài người chăng nữa
thì mối liên hệ mẹ -
con vẫn có tính hằng cửu, Mẹ mãi mãi là mẹ ngay cả lúc con đã khôn lớn. Người
ta thường nói người phụ nữ đẹp là nhấn mạnh về nhan sắc, ngoại hình, nhưng
người phụ nữ đẹp nhất lúc sống trọn ý nghĩa người mẹ, là lúc cúi mình bên nôi
của con, không lúc nào nghiêm nghị bằng lúc bồng con. Ðức Gioan Phaolô II trong
Thông điệp “Thân Mẫu Ðấng Cứu Thế” số 46 nêu bật nữ tính nơi Ðức Maria: “Khả năng trao ban hết mình vì tình yêu, sức mạnh chịu
đựng những sầu muộn, trung thành vô bờ bến và tận tuỵ không biết mệt mỏi, khả năng dung hợp trực giác với
những lời nâng đỡ và khuyến khích”.
Mẫu gương thinh lặng, cầu nguyện
Thinh lặng là quê hương của mọi niềm cảm mến và cậy tin.
Chỉ hai tiếng xin vâng, Ðức Maria đã dệt đời mình bằng thần khúc của sự thinh
lặng. Không phải thứ thinh lặng trống rỗng vô hồn nhưng là chân trời từ bi ấm
áp, sâu sắc và tế nhị. Như tiếng đàn lia (Lyre) mà người nghệ sĩ chỉ tấu ở
những cung trầm nhất, như con tằm kéo kén cho ta những sợi tơ vàng óng ánh. Sự
thinh lặng của trìu mến nhưng luôn cháy bỏng lời kinh Magnificat (Lc
1,46-55).
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi…”.
Sự thinh lặng âm thầm mà thấu đạt mọi lẽ khôn ngoan, quán
thông những nỗi đau của sinh linh bé bỏng… Cầu nguyện là cách kết hợp với Chúa và lắng nghe ý định
của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã kết hợp Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận định mệnh mà
ông già Simêon báo trước một thanh gươm sẽ xuyên qua
lòng bà… (x. Lc 2,35).
Người ta rất sợ sự thinh lặng, có hay chăng chỉ là tránh
liên luỵ đến bản thân, trốn
tránh, an phận. Nơi Ðức Maria,
sự thinh lặng đồng nghĩa với đời sống cầu nguyện, là tát cạn chính mình để sức
mạnh của Thiên Chúa được thực hiện. Sự thinh lặng của Mẹ có thể gây hiểm lầm,
tắc trách cho Thánh Giuse khi phải đón nhận bào thai trái với luân thường đạo
lý con người và xã hội. Nhiều người cho rằng Thánh Giuse tìm kế “hoãn binh”
từ chối vai trò phu quân đối với Ðức Maria, đúng hơn vì Thánh Giuse tôn trọng
sự trinh khiết, trầm mặc nơi Ðức Maria, không muốn phá vỡ khoảng nội tâm thần
cảm nơi Ðức Maria.
Với nhạy cảm rất “phụ nữ”,
rất “mẹ” mà phép lạ tiệc cưới Cana được thực hiện. Phải chăng đó
là bài thực tập đầu tiên của Ðức Giêsu hay sự hiện diện của Mẹ báo trước men
nồng rượu mới, khai mở một thời Tân Ước, bình minh ơn cứu độ.
Dưới chân thập giá, khi ánh hoàng hôn lịm tắt chính là
lúc bình minh ơn cứu độ toả sáng trong lòng mẹ.
Trực diện với cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, một thực tế trần trụi, phi lý và gai
góc, Mẹ vẫn can đảm đón nhận ý Chúa cách trân trọng như một báu vật Thiên Chúa
trao. Chính lúc này vai trò làm mẹ đã đạt đến đỉnh cao.
Lời cầu nguyện của Mẹ không chỉ là lời thầm thĩ trong
lòng nhưng bừng sáng rực rỡ trong lòng Hội Thánh. Cùng với các Tông đồ, Mẹ đón
nhận Thánh Thần khai sinh Hội Thánh sau khi Ðức Giêsu thăng thiên (x. Cv 2,4).
Mẹ là cửa ngõ đưa ta vào hiệp hoan cùng Hội Thánh, bởi Mẹ là Đền Thờ của Thiên
Chúa, Toà Ðấng Khôn Ngoan… là
hình ảnh vọng phu chung thuỷ chờ Ðức lang quân.
Noi gương Mẹ, Hội Thánh cũng thi hành chức phận làm mẹ với con cái mình trong
việc giảng dạy, bí tích, cầu nguyện… Hội Thánh cũng phải thuỷ chung, trinh khiết vì là hôn thê của Ðức Kitô.
Ðức Maria là hình ảnh lý tưởng của Hội Thánh tinh tuyền,
không tì ố, không vết nhơ, không nhăn nheo, Hội
Thánh vinh hiển chia sẻ sự toàn thắng của Ðức Giêsu trên tội lỗi và sự chết.
Ðức Maria với đời tận hiến
Một trong những chiều kích Thần học đề cập đến Ðức Maria
vị hôn thê của Chúa Thánh Thần, tư tưởng này xuất hiện trong thần học Tây phương
từ thế kỷ XIII với Thánh Phanxicô Assisi. Ý tưởng hàm hồ gây không ít hiểu lầm về cuộc hôn
nhân không cân xứng ấy. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều: sự trinh khiết trọn đời nơi
Ðức Maria nói lên sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà trong đó Ngôi Lời
sinh ra bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần gìn giữ trọn vẹn sự trinh khiết nơi Ðức
Maria trong khi hạ sinh Ðấng Cứu Thế. Các nhà tu đức học đề cao Ðức Maria là
Ðấng trinh khiết vẹn tuyền, vâng phục triệt để và rất mực khiêm tốn, kiên tâm
cầu nguyện trong thử thách và ân cần phục vụ tha nhân (x. Lc 2,39; Ga 2,3). Ðó là những phẩm tính của người tân
hiến. Ðôi khi người tu sĩ xin hết ơn này đến ơn khác mà quên học hỏi nơi Ðức
Maria sống kết hợp với Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần thấm nhập và hoạt
động nơi Ðức Maria thì cũng sẽ nâng đỡ bước chân người tận hiến. Ý thức thân
phận tì nữ khiêm hạ, Ðức Maria luôn nương dựa vào
sức mạnh Chúa Thánh Thần nên vượt qua những rào cản của con người. Chúng ta nằm
bẹp trong vật chất, bị trói buộc trong vị kỷ và đam mê, nên không nhận ra sức
mạnh của Thần Khí.
Nếu tâm hồn ta là tình yêu thì một kỷ niệm nhỏ cũng trở
thành hằng hữu. Mẹ Maria đón nhận Ðức Giêsu không phải như một kỷ niệm hay một
sinh linh bé bỏng mà đón nhận Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Thế, là đón nhận cả nhận
loại. Cuộc đời tận hiến của ta phải là cuộc thống nhất giữa thân và tâm, giữa
Thiên Chúa và con người. Chính lúc xin vâng là lúc Ðức Maria trao cuộc đời và
vận mệnh cho Thiên Chúa, là lúc không còn sống cho riêng mình nữa. Tình yêu
thúc đẩy Mẹ vượt đường xa dốc thẳm đến miền sơn cước vì ý thức mang trong dạ
Ðấng cứu thế. Ở đó Bà Elizabeth
được coi là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng. Tình yêu trong Ðức Maria luôn
phát khởi ra bằng hành động. Mẹ đã hành động như các vị ngôn sứ xưa đã làm là
chuyển trao ơn cứu độ đến mọi người.
Sống trong thế giới đầy biến đổi tân tiến và cũng vô cùng
phức tạp, người tu sĩ luôn mang trong mình tình yêu và nhạy cảm như Ðức Maria
để có thể lắng nghe những đòi hỏi của Tin Mừng, những quay quắt khổ đau của tha
nhân, những ngổn ngang của cuộc đời. Như Ðức Maria luôn đồng hành cùng Hội
Thánh, người tu sĩ phục vụ và sống khó nghèo như một nữ tì khiêm tốn.
Sứ thần chào Mẹ “Mừng vui lên! Hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng Bà”, không lời chào nào đẹp đẽ và trân trọng hơn nữa, Mẹ
đáng được tôn trọng trước mặt Thiên Chúa, nhưng trong vòng tay của Mẹ nhận loại
mãi mãi là trẻ thơ bé bỏng mà Mẹ là bầu trời bao bọc, chở che. Mẹ là bài ca dệt
bước con đi:
“Con ơi, bài ca mẹ sẽ uốn nắn điệu nhạc quanh con như vòng
tay âu yếm.
Bài ca mẹ sẽ mơn trớn trái tim con như cái hôn chúc lành.
Khi con đơn độc, bài con người ca mẹ sẽ ngồi cạnh con thì
thầm bên tai con.
Bài ca mẹ sẽ như đôi cánh chắp vào mộng mơ con
đưa con tới tận bờ bến không tên.
Nó sẽ như ngôi sao chung thuỷ trên đầu khi đường con đêm tối mịt mù.
Bài ca mẹ sẽ ở trong mắt con và đưa nhãn quan con vào
lòng sự vật.
Và khi tiếng mẹ lặng im, bài ca mẹ sẽ bật lên trong trái
tim hồng của con”.
(R. TAGORE - Mảnh trăng non)