Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân
Côi (2)
Bài 2: Những cột mốc: 1955-2005
Hugues Rovarino, OP
1. Từ tháng 10-1955
Phong trào các
Nhóm Mân Côi xuất hiện chính thức vào tháng 10-1955. Cha Eyquem, tu sĩ Đa Minh,
người sáng lập, đã nhắc lại vào năm 1957, trong khi đó thì Phong trào đang còn
trong giai đoạn phôi thai, khi cho xuất bản một tập sách nhỏ mang tựa đề: Kinh
Mân Côi trong một Giáo Hội trong tình trạng truyền giáo (Le Rosaire dans l’
Église en Etat de Mission).
Chúng ta
cũng biết rằng “hình thức cầu nguyện chung với nhau” phổ biến hằng tháng được
cử hành tại tư gia đã diễn ra vào tháng 11-1958 theo hứng khởi của bà Colette
Couvreur là người, từ vài ba tháng, đã cùng Cha Joseph Eyquem suy tư về sứ vụ
này; thời điểm này là giai đoạn thứ hai trong quá trình hình thành nếp sống của
Các Nhóm Mân Côi. Trong những năm này, những yếu tố về những gì sẽ trở thành
một cây to lớn đã được kiểm nghiệm. Những Nhóm Mân Côi đã có một lịch sử. Những
Nhóm Mân Côi đó sống bằng một ký ức và một tinh thần. Chúng có một mục đích và
một cách thế hiện diện. Điều đó nảy sinh từ kết quả của một quá trình tổng hợp:
mối ưu tư loan báo Tin Mừng đã ngự trị trong con người Cha Joseph Eyquem và lời
nhắc nhở mang tính phổ quát hay Công giáo, luôn luôn kiên vững trong Giáo Hội
của Chúa Kitô.
2. ... Và ân sủng của một truyền thống trải
qua bao nhiêu thế kỷ từ năm 1470
2.1. Trong
mảnh đất phì nhiêu của lời cầu nguyện cùng Đức Maria
Trước khi
xét đến những bước nhảy tốt đẹp của một cuộc mạo hiểm mang tính truyền giáo
trong tương lai và sống động trong những năm gần đây, chúng ta hãy nghĩ đến
những thực tại để biết cách làm cho đơm hoa kết trái nhờ ân sủng của lời cầu
nguyện bằng chuỗi Mân Côi.
Phong trào Nhóm
Mân Côi là một trong những nhánh cây, mà từ nhiều thế kỷ và nhất là tại tất cả
các châu lục, đã bén rễ sâu vào mảnh đất của lời cầu nguyện với Đức Maria được
liên kết với truyền thống thiêng liêng của các đan sĩ Dòng Chartreux và Dòng
Xitô. Lời cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi được đề nghị và được tổ chức vào thế kỷ
XV; đoàn thể đầu tiên xuất hiện từ năm 1470, được thành lập tại Douai, miền Bắc
nước Pháp. Chẳng bao lâu sau, đoàn thể này có mặt tại Cologne, Đức; và sáng
kiến hứng khởi của Chân phước Alain de la Roche, tu sĩ Đa Minh, cứ thế phát
triển rộng ra khắp nơi.
2.2. Chiêm
niệm Kitô giáo mang tính chất truyền giáo
Lời cầu
nguyện bằng Kinh Mân Côi này, được nảy sinh từ vùng sông Ranh tiếp giáp với Hà
Lan (rhéno-flamande) và trong sự chiêm ngắn nhân tính của Chúa Kitô, cho phép
chúng ta suy niệm về những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu
Kitô và những điều Chúa mạc khải cho con người biết trong đời sống của Người.
Cách cầu nguyện này trình bày cho chúng ta nhất là mẫu gương của Đức Maria, Mẹ
của Chúa Giêsu, mà trong Mầu nhiệm Truyền Tin làm sáng tỏ việc Chúa Giêsu đến
trong trần gian. Cách cầu nguyện này, ngay từ đầu, rất bình dân, đã đi cùng đời
sống truyền giáo của Giáo Hội, cắm rễ sâu trong đời sống của Giáo Hội được diễn
tả trong nghệ thuật và văn hoá của tất cả mọi nền văn hoá.
3. Để phát
triển giá trị của lời cầu nguyện
Chiêm niệm
Kitô giáo được nuôi dưỡng bởi “những mệnh đề”. Đó là những thời điểm ngắn được
triển khai trong “Kinh Kính Mừng” sau khi đề cập đến Danh Thánh Chúa Giêsu, mầu
nhiệm được đề nghị suy niệm cho các tín hữu trong “một chục kinh”. Cách thức sử
dụng này đã được Cha Eyquem áp dụng để làm đơn giản hoá việc chiêm niệm của
người Kitô hữu qua Kinh Mân Côi. Kho tàng phong phú này đã suy giảm dần trong
những thế kỷ sau đó, vì ở Pháp người ta ngày càng ít lần hạt Mân Côi. Việc tái
khởi động đọc Kinh Mân Côi cho thấy mối bận tâm của Cha Eyquem là phải phát huy
giá trị của lời kinh này.
Vì vậy, ý
tưởng về Nhóm Mân Côi là một trong những bông hồng của tràng hoa Mân Côi vĩ đại
và rất bình dân này liên quan đến biết bao nhiêu đề nghị cầu nguyện thường
xuyên trong những cuộc hành hương, trong những cuộc gặp gỡ nửa tháng một lần
hay mỗi tháng một lần, được đánh dấu bằng những lời ngợi khen và chuyển cầu,
biết ơn và tin tưởng từ trái tim người này đến trái tim người kia đã thấm nhuần
tinh thần Tin Mừng...
3. Bức chân dung tại Vatican do Đức Giáo hoàng
Phaolô VI vẽ năm 1971
Ngày 19-5-1971,
khi đón tiếp khách hành hương của các Nhóm Mân Côi tại khán phòng trong Điện Vatican,
Đức Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố một cách đặc biệt như sau:
“Những nhóm
nhỏ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, huynh đệ và thân
hữu, anh chị em khuyến khích nhau cùng ưu tư và cùng ước mong với một sự giản
đơn mang tính chất Tin Mừng chính thức. Và anh chị em cùng nhau tìm kiếm trong
một bầu khí cầu nguyện với Đức Maria để hiểu sâu hoặc tìm lại đức tin, để khám
phá chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa chúng ta, và chắc chắn là khám
phá ra điều Thiên Chúa muốn anh chị em làm. Kinh Mân Côi cũng trở thành một
lương thực cần thiết nuôi dưỡng đức tin cho anh chị em.
Vì vậy, khi
nắm lấy Kinh Mân Côi như phương tiện cầu nguyện bằng sự hợp nhất huynh đệ và
bằng hoạt động tông đồ, các Nhóm Mân Côi có mục đích là tạo nên khắp nơi những
cộng đoàn cầu nguyện nhỏ quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria và mời gọi các
thành viên trong nhóm cùng suy niệm Tin Mừng, sống Tin Mừng và công bố Tin Mừng”.
Bức chân
dung này rất giống, đánh dấu một thực tại và phác thảo một nếp sống, đã được
nuôi dưỡng từ rất sớm. Bức chân dung đó vẫn còn là một cột mốc quan trọng.
4. Những phê chuẩn chính thức từ 1967-2005
Những lời
này của Đức Giáo hoàng giải thích cho mục đích của chúng ta. Ngay từ điểm đầu
tiên trong Hiến chương được phê chuẩn vào năm 1976, cùng năm đó, Hội đồng Giám
mục Pháp và Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Dòng Đa Minh) cũng
chấp thuận, những yếu tố của đặc tính này được nhắc lại.
Những yếu
tố đó cũng được đưa vào Hiến chương được chấp nhận vào năm 2004 tại Hội đồng
Quốc gia Pháp, có tính đến thực tại quốc tế của Phong trào kể từ ngày này. Thực
tại này dẫn đưa chúng ta tới Lisieux theo chân Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh
Nhan Chúa, bổn mạng tuyệt vời cho sứ vụ truyền giáo của chúng ta; Thánh Têrêxa
đã hiện diện đối với các Nhóm Mân Côi ngay cả trước khi các Nhóm Mân Côi thực
sự ra đời theo mong muốn thánh thiện của Cha Eyquem!