Print  
Sứ điệp của HĐGH về Đối thoại Liên tôn nhân ngày Lễ Diwali của Ấn giáo
Bản tin ngày: 19/10/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Sứ điệp của Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn nhân ngày Lễ Diwali của Ấn giáo


“Cùng nhau cổ cũ cho tự do tôn giáo”


EMTY (Rôma, 20-10-2011, Zenit.org) - Nhân ngày lễ Diwali của Ấn giáo, ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch, và Đức TGM Pier Luigi Celata, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, hôm thứ năm 20-10-2011, đã công bố một Sứ điệp có chủ đề: “Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Cùng nhau cổ vũ cho tự do tôn giáo”.


Một thông tư của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã xác định rõ rằng Lễ Diwali được mọi người theo Ấn giáo cử hành và được mọi người biết đến dưới tên gọi “Deepavali”, có nghĩa là “tim đèn dầu”. Xét về mặt biểu tượng, dựa trên một huyền thoại cổ xưa, lễ này biểu tượng cho chiến thắng của chân lý trên dối gian, chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối tăm và chiến thắng của thiện trên ác. Trong thực tế, lễ này kéo dài trong vòng ba ngày và đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới và được nêu rõ nét bằng sự hòa giải trong gia đình, đặc biệt giữa anh chị em với nhau, và sự tôn thờ Thiên Chúa. Năm nay lễ này được mừng vào ngày 26-10-2011, tức là vào thứ tư tuần tới. Sau đây là nguyên văn Sứ điệp.

 

Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Cùng nhau cổ vũ cho tự do tôn giáo

Các bạn Ấn giáo thân mến,

1. Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn vui mừng được gửi đến các bạn những lời cầu chúc chân thành nhân ngày lễ Deepavali, được tổ chức vào ngày 26-10 năm nay. Ước gì Thiên Chúa, là nguồn mạch của mọi ánh sáng, chiếu sáng tâm hồn các bạn, gia đình các bạn cũng như các cộng đoàn của các bạn, để các bạn có thể hưởng một cuộc sống hoà bình và thịnh vượng!

2. Nhân dịp này, chúng tôi muốn duy trì truyền thống của chúng tôi là được chia sẻ với các bạn một suy nghĩ, do đó, năm nay, chúng tôi đề nghị với các bạn chủ đề về tự do tôn giáo. Chủ đề này hiện nay chiếm phần quan trọng trong hiện trường của nhiều nơi, làm cho chúng ta chú ý đến các thành viên trong gia đình nhân loại đang phải đương đầu với những thành kiến, với những tổn hại, với một chiến dịch tuyên truyền hận thù, với sự kỳ thị và bách hại dựa trên lý do tôn giáo. Tại nhiều nơi trên thế giới, tự do tôn giáo là câu trả lời cho những cuộc xung đột do tôn giáo đưa đẩy. Giữa cảnh bạo lực do những cuộc xung đột này gây nên, có nhiều người đang khát vọng một cuộc chung sống hoà bình và sự phát triển toàn diện về mặt nhân văn. 

3. Tự do tôn giáo được coi là một trong những quyền lợi cơ bản của con người và được ghi khắc vào trong phẩm giá con người. Nếu quyền lợi này bị tổn hại hay bị phủ nhận, thì tất cả những quyền lợi khác của con người cũng bị đặt lại vấn đề. Tự do tôn giáo tất yếu loại trừ bất cứ bó buộc nào, cho dầu trên bình diện cá nhân, trên bình diện nhóm, công đoàn hay các cơ cấu. Trong khi việc thực thi quyền lợi này bao hàm tự do cho bất cứ ai cũng đều được tuyên xưng, thực thi hay truyền bá tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, một cách công khai hay tư riêng, một mình hay với cả cộng đoàn, thì việc thực thi này cũng đòi buộc các cấp chính quyền dân sự, các cá nhân và các nhóm phải tôn trọng tự do của người khác. Ngoài ra, quyền lợi này cũng bao gồm quyền được thay đổi tôn giáo của mình.

4. Khi tự do tôn giáo được cổ vũ và tôn trọng, thì quyền lợi này sẽ cho phép các tín hữu nhiệt tình nhiều hơn nữa trong việc hợp tác với đồng bào của mình để xây dựng một trật tự xã hội công bình và nhân đạo. Nhưng khi tự do tôn giáo bị phủ nhận, bị huỷ bỏ hay vi phạm, thì “sự khẳng định một nền hoà bình chân chính và trường cửu của toàn thể gia đình nhân loại” cũng sẽ bị bóp nghẹt và bị tước đoạt (x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 2011). Có nhiều lĩnh vực mà qua đó chúng ta có thể góp phần một cách chuyên biệt cho công ích, ta chỉ cần nêu lên một ít lĩnh vực: lĩnh vực bảo vệ sự sống và phẩm giá của gia đình, lĩnh vực mang lại một nền giáo dục chắc chắn cho thanh thiếu niên, lĩnh vực về tính trung thực trong cách cư xử hằng ngày và trong việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như thế, chúng ta hãy tìm cách liên kết các nỗ lực của chúng ta nhằm chia sẻ trách nhiệm trong việc cổ vũ tự do tôn giáo, khi yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia đừng bao giờ khinh miệt chiều kích tôn giáo của con người.

5. Năm nay, sau ngày các bạn cử hành lễ Deepavali, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới về gặp gỡ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân một chuyến hành hương tại Assisi, để lặp lại lời cam kết cách đây 25 năm, bên cạnh Đức Chân phước Gioan Phaolô II, để giúp cho các tôn giáo có thể phục vụ hoà bình và hoà hợp. Chúng ta sẽ kết hiệp với họ một cách thiêng liêng, tin tưởng rằng các tín đồ sẽ luôn là một ơn phúc lành cho toàn thể thế giới.

Trong khi nhắc lại với các bạn những tâm tình thân ái của chúng tôi, chúng tôi xin chúc các bạn một ngày lễ Deepavali vui vẻ!

Hồng y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

Tổng Giám mục Pier Luigi Celata

Thư ký


G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print