Print  
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố Năm Linh Mục
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI CÔNG BỐ NĂM LINH MỤC

Diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Bộ Giáo sĩ nhân dịp Hội nghị khoáng đại ngày 16.3.2009

Kính thưa Quý Đức Hồng y,

Anh em trong hàng giám mục và linh mục thân mến,

Tôi rất vui được đón tiếp anh em trong buổi triều yết đặc biệt này, vào thời điểm tôi sắp lên đường sang Châu Phi, ở đó tôi sẽ trình bày Instrumentum Laboris cho Đại hội đặc biệt lần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục dành cho Châu Phi, sẽ được tổ chức tại Rôma vào tháng 10 tới. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Claudio Hummes về những lời lẽ ân cần ngài đã nói để diễn tả tâm tình của anh em và tôi cảm ơn anh em về lá thư thật hay anh em đã viết cho tôi. Cùng với ngài, tôi chào mừng tất cả anh em, các Bề trên, các viên chức và các thành viên của Bộ Giáo sĩ, cùng với lòng biết ơn về tất cả công việc anh em đã làm để phục vụ một lãnh vực quan trọng trong đời sống Giáo Hội.

Chủ đề mà anh em đã chọn cho Hội nghị khoáng đại lần này là “Căn tính thừa sai của linh mục trong Giáo Hội xét như chiều kích nội tại của việc thi hành ba chức năng của linh mục”. Chủ đề này gợi lên một vài suy tư về công việc anh em làm trong những ngày này và hoa trái phong phú mà công việc này chắc chắn sẽ mang lại. Nếu toàn thể Giáo Hội đều mang tính truyền giáo, và nếu mọi Kitô hữu, nhờ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức (x. Giáo lý HTCG, số 1305), đều lãnh nhận lệnh truyền phải tuyên xưng đức tin cách công khai như là trách vụ [quasi ex officio], thì cũng từ quan điểm này, chức linh mục thừa tác được phân biệt với chức tư tế cộng đồng, không chỉ về thứ bậc nhưng là về mặt hữu thể. Thật vậy, lệnh truyền cho các tông đồ “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho tất cả tạo thành” (Mc 16,15) là lệnh truyền làm nên chức linh mục thừa tác. Như chúng ta biết, lệnh truyền này không chỉ đơn thuần là một bổn phận được trao cho những người cộng tác, nhưng cội rễ của lệnh truyền này phải được tìm lại xa hơn về thời gian.

Chiều kích thừa sai của chức linh mục phát sinh từ chính bí tích Truyền chức thánh, làm cho linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Vì nên đồng hình đồng dạng với Chúa nên linh mục phải gắn bó toàn tâm toàn ý với điều mà truyền thống Giáo hội vẫn gọi là apostolica vivendi forma. Điều này có nghĩa là tham dự vào “sự sống mới”, nói theo nghĩa linh đạo, là “một lối sống mới”, lối sống mà chính Chúa Giêsu đã sống và các tông đồ đã bước theo. Qua việc đặt tay của giám mục và lời nguyện thánh hiến của Giáo Hội, các ứng viên trở nên những con người mới, trở nên presbyter. Trong ánh sáng này, sẽ thấy rõ ràng ba chức năng (tư tế, tiên tri, vương đế) trước hết là một hồng ân rồi sau đó mới là công việc, trước hết là sự tham dự vào một sự sống, rồi kế đó mới là potestas (năng quyền). Dĩ nhiên, truyền thống vĩ đại của Giáo Hội đã có lý khi tách biệt hiệu quả bí tích khỏi hoàn cảnh sống cụ thể của cá nhân linh mục, và như thế sự mong đợi hợp lý của các tín hữu được bảo vệ cách thích hợp. Tuy nhiên, sự giải thích đúng đắn này về mặt giáo thuyết không làm mất đi nỗi khao khát hết sức cần thiết, khao khát hướng đến sự hoàn thiện về mặt đạo đức, nỗi khao khát nằm sâu trong mọi con tim linh mục đích thực. 

Để khuyến khích các linh mục trong nỗ lực vươn tới sự hoàn thiện này, sự hoàn thiện vốn là nền tảng cho những hiệu quả của thừa tác vụ linh mục, tôi đã quyết định thiết lập một Năm đặc biệt cho các linh mục, kéo dài từ 19-06 này cho đến 19-06-2010. Thật vậy, đây là năm kỷ niệm năm thứ 150 ngày qua đời của cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, một mẫu gương đích thực của vị mục tử phục vụ đoàn chiên Chúa Kitô. Cùng với các đấng bản quyền của các giáo phận và các bề trên các cộng đoàn dòng tu, Bộ Giáo Sĩ có nhiệm vụ thúc đẩy và phối hợp những sáng kiến khác nhau về linh đạo và mục vụ, nhằm làm cho mọi người nhận biết rõ ràng hơn vai trò và sứ vụ của linh mục trong Giáo Hội cũng như trong xã hội ngày nay.

Như chủ đề của Hội nghị khoáng đại đã nhấn mạnh, sứ vụ của linh mục được thực hiện “trong Giáo Hội”. Bốn chiều kích (Giáo Hội, hiệp thông, phẩm trật, giáo thuyết) là những chiều kích tuyệt đối cần thiết cho mọi sứ vụ chân chính, và chỉ như thế thì hiệu quả thiêng liêng mới được bảo đảm. Bốn chiều kích này cần phải luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau: sứ vụ “mang tính Giáo Hội” bởi vì không ai rao giảng chính mình, nhưng là trong và qua nhân tính của mình, mọi linh mục phải ý thức rằng họ mang đến cho thế giới một Đấng Khác, là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là kho tàng duy nhất mà người ta mong tìm được nơi linh mục. Sứ vụ mang “tính hiệp thông” vì sứ vụ này được thực hiện trong sự hiệp nhất và hiệp thông mà những khía cạnh quan trọng về mặt xã hội hữu hình chỉ là thứ yếu. Hơn thế nữa, sự hiệp nhất và hiệp thông này phát xuất từ sự kết hợp thân tình với Chúa, điều mà linh mục phải là chuyên viên, để linh mục có thể khiêm tốn và tín thác dẫn đưa các linh hồn được trao phó cho ngài đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa. Cuối cùng, chiều kích “phẩm trật” và “giáo thuyết” muốn tái khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật trong Giáo Hội và việc huấn luyện về giáo thuyết, việc đào tạo khởi đầu và đào tạo liên tục, không chỉ về mặt thần học mà thôi.

Việc nhận biết những thay đổi xã hội sâu xa trong những thập niên gần đây phải thúc đẩy chúng ta vận dụng những khả năng tốt nhất trong Giáo Hội cho việc đào tạo các ứng viên linh mục. Cách riêng, các giám mục phải thường xuyên quan tâm đến các linh mục là những người cộng tác chính yếu của các ngài, bằng việc vun trồng tương quan với tình phụ tử cũng như bằng sự quan tâm đến việc thường huấn, nhất là từ quan điểm giáo thuyết và linh đạo. Sứ vụ thừa sai cắm rễ sâu cách đặc biệt trong việc đào tạo tốt, được phát triển trong mối hiệp thông với truyền thống không hề đứt đoạn của Giáo Hội. Trong ý nghĩa này, cần phải khuyến khích các linh mục, nhất là thế hệ trẻ, hiểu biết cách đúng đắn những văn bản của Công Đồng Vaticanô II, được giải thích trong ánh sáng của toàn bộ kho tàng giáo huấn của Giáo Hội. Có lẽ cũng thật khẩn thiết đối với việc khôi phục ý thức –vốn là tâm điểm trong sứ vụ của Giáo Hội– thúc đẩy các linh mục hiện diện –một hiện diện đặc trưng và có thể nhận ra– trong những lãnh vực văn hoá và bác ái, thông qua phán đoán đức tin cũng như những đức tính cá nhân và cả tu phục của các ngài. 

Là Giáo Hội và là linh mục, chúng ta loan báo Đức Giêsu Nadarét là Chúa và là Đấng Kitô, là Đấng chịu đóng đinh và Đấng phục sinh, là chủ tể thời gian và lịch sử, với xác tín rằng chân lý này đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của con tim nhân loại. Cả nội dung cũng như phương pháp loan báo Chúa Kitô đều tìm thấy được trong mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời, nghĩa là sự kiện Thiên Chúa làm người như chúng ta. Tâm điểm năng động đích thực của sứ vụ nằm ở đây: Đức Giêsu Nadarét. Tính trung tâm của Chúa Kitô giúp cho ta hiểu đúng đắn về chức linh mục thừa tác, không có chức linh mục đó thì có lẽ cũng chẳng có Thánh Thể, chẳng có sứ vụ và chẳng có chính Giáo Hội. Theo đó, cần phải cảnh giác để chắc chắn rằng những “cấu trúc mới” hay những tổ chức mục vụ không được hoạch định dựa trên cách giải thích sai lầm về việc thăng tiến giáo dân trong một thời đại người ta muốn làm việc mà không cần đến các thừa tác viên có chức thánh. Lý do là vì trong trường hợp đó, những tiền đề cho việc giải thể chức linh mục đã được đặt ra, và những điều được gọi là “giải pháp” khả thi có lẽ cũng lại giống như những nguyên nhân đích thực đã tạo nên những vấn đề hiện nay liên quan đến thừa tác vụ.

Tôi chắc chắn rằng trong những ngày này, công việc của Hội nghị khoáng đại, dưới sự che chở của Mẹ Hội Thánh, sẽ có thể xem xét những ý tưởng ngắn này mà tôi mong được các hồng y, tổng giám mục và giám mục quan tâm tới. Tôi khẩn cầu hồng ân thiên quốc tuôn đổ dồi dào trên anh em, và như bảo chứng cho lời khẩn cầu này, tôi ban Phép lành Toà thánh cho anh em và cho mọi người thân yêu của anh em.

Bênêđictô XVI

In ngày: 21/12/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print