Print  
Lịch Phụng vụ tháng 4-1012
Bản tin ngày: 28/03/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Trong tháng 4-2012, chúng ta sẽ mừng các Chúa Nhật Lễ Lá, Tuần Thánh, Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Kính Lòng Thương Xót Chúa), Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Chúa Nhật 4 Phục sinh (Chúa Nhật Chúa Chiên Lành).
 
CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Năm B) (ngày 1-4) để kỷ niệm Chúa Giêsu long trọng vào Thành Giêrusalem và bắt đầu Tuần Thương Khó (Tuần Thánh).

Nghi thức làm phép lá trước Thánh Lễ: Chủ Tế mặc phẩm phục màu đỏ và nghi đoàn tiến đến chỗ dân chúng tập họp, chào giáo dân và nhắc nhở về ý nghĩa ngày Lễ, rồi đọc lời nguyện làm phép lá và rảy nước thánh, công bố Tin Mừng (Năm B): Maccô 11,1-10 (hoặc Gioan 12,12-16) nói về việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem và dân chúng vui mừng đón rước Chúa, tay cầm cành lá vừa đi vừa ca hát.

Sau đó tất cả long trọng rước vào nhà thờ để dâng Thánh Lễ.

Bài đọc 1 (Isaia 50,4-7) nói về những nhục nhã “Người Tôi Tớ Chúa” nhẫn nhục chịu đựng để đền tội nhân loại.  Bài đọc 2 (Philiphê 2,6-11): Thánh Phaolô nói về việc Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa thật nhưng đã xuống thế làm người, chịu khổ nạn và chịu chết để cứu chuộc nhân loại chúng ta; nhưng đã sống lại và về trời vinh hiển.  Bài Phúc Âm là Bài Thương Khó theo Thánh Matcô (14,1-15.47) kể lại từ lúc Chúa Giêsu và các Tông đồ cầu nguyện tại vườn cây dầu, rồi Chúa Giêsu bị bắt, bị hành hạ nhục nhã, vác thập giá, và chịu đóng đinh và chết trên Thánh Giá; rồi được tháo xác xuống và an táng trong mồ đá.

Sau Bài Thương Khó, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.

Sau Chúa Nhật Lễ Lá, là Tuần Thánh; đặc biệt là ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh. (Xin xem bài “Tìm hiểu về Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh”)
 
ĐẠI LỄ PHỤC SINH
 
THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH (vào đêm Thứ Bảy ngày 7-4):  Chủ tế mặc phẩm phục màu trắng, làm phép Nến Phục Sinh và đốt lên ở cuối thánh đường, sau đó rước Nến Phục Sinh cháy sáng lên Cung Thánh và lấy lửa mới từ cây nến Phục Sinh đốt nến cho giáo dân, rồi xông hương cây Nến Phục Sinh và long trọng hát (hoặc đọc) Bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh. Tiếp theo là đọc 7 Bài đọc trích trong Cựu Ước nói về lịch sử ơn Cứu độ. Tiếp theo mỗi bài đọc là Đáp ca và Lời Cầu nguyện.  Sau 7 Bài đọc, chủ tế long trọng xướng kinh Vinh Danh và đọc Lời Cầu nguyện, rồi đọc Bài Thánh Thư (Rôma 6,3-11) nói về việc Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc tội chúng ta, nhưng đã sống lại và lên trời để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Khi chúng ta chịu phép Rửa Tội là chúng ta chết đi với tội lỗi và sống lại đời sống mới nhờ ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Sau đó, mọi người đứng và chủ tế long trọng Xướng kinh “Alleluia” cùng với Đáp ca; rồi đọc Bài Phúc Âm (Năm B: Maccô 16,1-8) nói về việc Chúa Giêsu sống lại, ra khỏi mồ và hiện ra với các bà đạo đức đi viếng mồ Chúa lúc sáng sớm, rồi các bà báo tin cho các Tông đồ.

Sau bài giảng, Chủ tế làm phép nước rửa tội, rồi mọi người lập lại Lời Tuyên hứa khi Rửa Tội. Sau đó, Chủ tế long trọng Ban Phép Rửa Tội cho dự tòng.

Tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ (không đọc Kinh Tin Kính, không đọc lời nguyện giáo dân, vì đã có trong nghi thức Rửa Tội).

THÁNH LỄ BAN NGÀY tiếp tục diễn tả niềm vui Chúa đã sống lại thật, y như lời Ngài đã hứa. Mỗi người chúng ta cùng vui mừng với cuộc sống lại của Chúa và chúng ta cùng vui mừng vì được sống lại trong đời sống mới của con cái Chúa; nhất là các anh chị em tân tòng càng vui mừng phấn khởi vì đã được ơn thanh tẩy trong đêm Phục Sinh và gia nhập gia đình Giáo Hội, trở nên các tín hữu con cái Chúa. 
 
Bài đọc 1 (Sách Tông đồ Công vụ 10,34,37-43) ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô nói về Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô các Tiên tri đã loan báo. Ngài đã sinh xuống trần gian, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, rồi chịu khổ nạn và chịu chết; nhưng Ngài đã sống lại và hiện ra với các Tông đồ là những người đã được theo Chúa trong thời gian Ngài rao giảng. Bây giờ các Tông đồ sẵn sàng làm chứng về việc Chúa đã sống lại.  Bài đọc 2 (Côlôsê 3,1-4): Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta là các tín hữu, chúng ta đã tin Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời vinh hiển, chúng ta hãy luôn hướng tâm trí về trời, chứ đừng chỉ nghĩ đến những sự phù vân trần gian. Bài Phúc Âm (Gioan 20,1-9) ghi lại việc Chúa Giêsu sống lại ra khỏi mồ; các bà đạo đức đi viếng xác từ sáng sớm, thấy mồ đã mở ra, và vội chạy về báo tin cho các Tông đồ. Phêrô và Gioan vội chạy ra mồ, và chứng kiến tận mắt và hiểu ra lời Kinh Thánh đã nói trước “Ngài phải sống lại từ cỏi chết!”. Các Ngài đã thấy và đã tin việc Chúa sống lại thật.
       
Nếu Thánh Lễ cử hành vào ban chiều, có thể đọc Bài Phúc Âm (Luca 24,13-35) ghi lại việc Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với 2 môn đệ trên đường đi về làng Emmaus để củng cố đức tin cho hai ông, và hai ông đã nhận ra Chúa và vội vàng trở về lại Giêrusalem để loan tin cho các Tông đồ, và mọi người đều vui mừng phấn khởi.
         
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH (ngày 15-4) (Năm B) (Kính Lòng Thương Xót Chúa). Sau cả một Mùa Chay dài và Tuần Thánh chúng ta đã có dịp suy ngẫm về sự thương khó và chịu chết của Chúa Giêsu để đền vì tội lỗi chúng ta, sau đó chúng ta mừng Chúa đã sống lại thật và chúng ta cũng được sống lại thật với Chúa qua Bí tích Rửa Tội. Hôm nay, Giáo Hội muốn đặc biệt nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót Chúa và kêu gọi chúng ta hãy luôn nhớ đến và cầu xin lòng thương xót Chúa.
 
Như chúng ta đã biết: trong mỗi Thánh Lễ chúng ta đều đọc lời kinh thương xót: Xin Chúa thương xót chúng con… Xin Chúa Kitô thương xót chúng con… Xin Chúa thương xót chúng con… Khi chúng ta suy niệm “Kinh Lòng Thương Xót Chúa”, chúng ta thấy rõ nhấn mạnh rất nhiều về lòng thương xót Chúa đã thương yêu chúng ta là những người tội lỗi và hy sinh Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô đền vì tội lỗi chúng ta. Ngay lời mở đầu chúng ta đọc: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa trút hơi thở cuối cùng, những nguồn sống đã tuôn trào đến các linh hồn, và cả một đại dương lòng Chúa Thương Xót được mở ra cho toàn thế giới. Ôi Nguồn Mạch Sự Sống là lòng thương xót khôn dò, xin hãy bao trùm toàn thế giới, và trút hết toàn thân Ngài trên chúng con”. Sau đó, chúng ta đọc “Ôi Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch lòng thương xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa”. Rồi mở đầu mỗi chục kinh, chúng ta đọc: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Con Rất Yêu Dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Rồi chúng ta đọc nhiều lần vừa suy niệm lời cầu xin tha thiết: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.
 
Các Bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Năm B) nhấn mạnh đến lòng tin, chính Đức Tin mạnh mẽ nơi lòng thương xót Chúa giúp chúng ta biết kêu xin lòng thương xót Chúa và phó thác mọi sự nơi lòng thương xót Chúa và yêu thương phục vụ mọi người. Bài đọc 1 (Cv 4,32-35) ghi lại cộng đồng tín hữu đầu tiên sống hoà hợp yêu thương và chia sẻ của cải để giúp đỡ nhau và cũng làm chứng việc Chúa Giêsu đã sống lại thật. Bài đọc 2 (1 Gioan 5,1-6) nhắc nhở chúng ta hãy yêu mến Chúa, giữ giới răn Chúa, thắng đoạt những quyến dũ của thế gian và sống kết hiệp với Chúa và yêu thương nhau. Bài Phúc Âm (Gioan 20,19-31): Một lần nữa, Chúa Giêsu sống lại đã hiện ra với các Tông đồ để củng cố đức tin cho các ngài, đặc biệt cho “kẻ cứng lòng tin” Tôma và đem lại niềm an ủi cho mọi người chúng ta, khi Chúa nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin!”
 
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (22-4) (Năm B) tiếp tục nhấn mạnh Đức Tin nơi Chúa Giêsu đã sống lại sau khi đã chết để đền vì tội lỗi chúng ta. Chính Đức Tin kiên vững đó sẽ giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, giữ các giới răn Chúa và yêu thương phục vụ mọi người trong tình yêu của Chúa. Bài đọc 1 (Cv 3,13-15.17-19) ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô về việc Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô mà các Tiên Tri đã loan báo trước trong Cựu Ước. Chính Ngài đã sinh xuống trần gian để chết cho tội lỗi chúng ta và đã sống lại thật và đã hiện ra với các Tông đồ và nhiều người khác. Chính niềm tin đó giúp chúng ta chiến thắng thế gian, từ bỏ tội lỗi và đáng được hưởng ơn Chúa cứu chuộc. Bài đọc 2 (1 Gioan 2,1-5): Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta là Chúa Giêsu đã chết để đền vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy xa lánh dịp tội và nếu có yếu đuối sa ngã, chúng ta hãy vững tin nơi tình yêu Chúa và xưng thú tội lỗi và ăn năn trở lại. Bài Phúc Âm (Luca 24,35-48): Khi hai môn đệ làng Emmaus trở về để tường thuật cho các môn đệ khác về việc Chúa Giêsu đã hiện ra với hai như thế nào. Ngay lúc đó, Chúa Giêsu lại hiện ra với các ông và ăn uống trước mặt các ông và bảo các ông hãy làm chứng nhân cho Chúa và ra đi rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và trở về với Thiên Chúa để được ơn cứu rỗi.
 
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (ngày 29-4) (Năm B) thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Câu xướng trước Phúc Âm: “Ta là Chúa Chiên Lành; Ta biết các con chiên của Ta và các con chiên của Ta biết Ta”. Bài đọc 1 (Cv 4,8-12) ghi lại nhũng lời Thánh Phêrô nói với các thủ lãnh và kỳ lão Do Thái và xác định chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất cho chúng ta được ơn cứu rỗi và các Tông đồ rao giảng và chữa lành nhờ Danh Chúa. Bài đọc 2 (1 Gioan 3,1-2)  cho chúng ta biết: vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con của Chúa và sau này chúng ta sẽ được nên giống Chúa và “Người như thế nào, chúng ta cũng được thấy như vậy”. Bài Phúc Âm (Gioan 10,11-18) ghi lại lời Chúa Giêsu nói Ngài là Chúa Chiên nhân lành đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên và luôn ở cùng đoàn chiên, Ngài biết từng con chiên và các con chiên cũng biết Ngài. Ngài sẵn sàng đi tìm và đưa các con chiên lạc trở về với đoàn chiên để “tất cả thành một đoàn chiên theo một Chúa Chiên”.

Lm. Anphong Trần Đức Phương
In ngày: 30/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print