Tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
CHUYÊN ĐỀ » Bác Ái - Xã Hội
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/09/2010 12:00:00 SA)
A  A  A
Nhịp cầu Lòng Thương Xót trên kênh Đồng Tháp

“Tôi đã khóc vì không có giày để mang,

nhưng rồi đã ngừng khóc khi thấy người khác không còn chân để mang giày…”.

Cuộc sống hối hả và nhộn nhịp đôi lúc làm cho ta có thói quen bước đi vội vã với những âu lo toan tính, những gánh nặng đời thường. Nhiều khi cảm thấy mỏi mệt nhưng ta không dám dừng lại, sợ rằng chỉ cần chậm lại một giây thôi, ta sẽ mãi mãi bị bỏ lại phía sau. Ta cắm cúi bước đi. Và như thế, ngày qua ngày ta quên mất Thiên Chúa, quên mất những niềm vui, những hạnh phúc có quanh đây. Ta thờ ơ với mọi thứ, vô cảm với những người bên cạnh mình, chỉ mãi tìm kiếm danh lợi thú thoả mãn cho bản thân. Ta không biết rằng thế giới rất đẹp và có nhiều điều kỳ diệu. Ta như người lữ hành đơn độc không nối nhịp cầu nào với vũ trụ thiên nhiên, với tha nhân đồng loại và với Đấng Tạo Hoá.

Hạnh phúc trong đêm mưa

Tôi đã có được dịp nối những nhịp cầu như thế trong những lần cùng Đội Quân Áo Xanh của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo xứ Chí Hoà đem những phần quà cộng đoàn chắt chiu dành dụm cả tháng trời đến cho những gia đình khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Tháng 7 này, những Cánh Chim Xanh vượt một chặng đường khá dài và dừng chân tại họ đạo Long Thắng, xã Định Hoà, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, với hành trang là 1.000 phần quà cùng thuốc men, ảnh Lòng Thương Xót và tràng chuỗi mân côi.

Mùa hè Sài Gòn có những cơn mưa đến bất chợt làm cho không gian như dịu lại, khí trời mát mẻ dễ chịu. Tối thứ bảy, 24-7-2010, trước giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Nếu như bình thường, hạnh phúc nhất là được ở nhà, nằm trên chiếc giường ấm áp và đánh một giấc tới sáng. Tôi nghĩ thầm, có lẽ chuyến công tác lần này sẽ có ít bạn tham gia và phải xuất phát trễ vì cơn mưa càng lúc càng nặng hạt và sẽ kéo dài rất lâu, giờ này có ai muốn bước chân ra khỏi nhà đâu! Vậy mà khi đến điểm tập trung, tôi thấy những Cánh Chim Xanh đã có mặt gần như đầy đủ. Có nhiều bạn đến từ rất sớm, đang đứng co ro núp mưa dưới mái hiên chờ xe. Dù ướt và lạnh, nhưng trông ai cũng phấn khởi. Mọi người trò chuyện, cười nói, bắt tay hỏi han nhau rất nhiệt tình. Cơn mưa làm chúng tôi xích lại gần nhau hơn.

Tạ ơn Chúa, khi xe đến, mưa cũng nhẹ dần. Sau khi Chim Đầu Đàn lên từng xe dặn dò một vài điều cần thiết, cầu nguyện và chúc bình an cho cả đoàn, đoàn xe bắt đầu lăn bánh. Đội Quân Áo Xanh với hơn 150 thành viên lại lao vào một cuộc hành trình mới loan truyền Lòng Thương Xót Chúa nơi vùng sâu vùng xa. Dù đêm nay mưa gió, chúng tôi vẫn khởi hành đúng như giờ đã định.

Hạnh phúc chuyến đò đêm

8Sau 4 tiếng ngồi xe với chuỗi kinh Mân Côi, ca hát sinh hoạt cho quên chặng đường dài, cả đoàn chúng tôi đến được bến đò. Từ chỗ dừng xe phải đi bộ một quãng để đến được nơi ghe đậu. Mưa vẫn lất phất. Trời không trăng sao. Chúng tôi mò mẫm đi trong bóng tối. Lòng ai cũng lo sợ hàng hóa sẽ ướt hết trước khi kịp chuyển đến tay bà con!

Con đường đất trơn trượt và lầy lội, vì trời mưa từ sáng nên bùn ngập đến tận mắt cá chân. Mặc dù trời tối đen, nhưng vì đã quen với những lần di chuyển trong đêm thế này nên những Cánh Chim Xanh vẫn nhanh chóng đưa hàng đến bến. Đến đây, chúng tôi lại gặp một khó khăn khác. Vì nước xuống quá thấp nên 2 chiếc ghe chở hàng bị kẹt không ra được. Thế là hơn chục bạn nam phải bỏ dép, xắn quần nhảy xuống nước để đẩy ghe ra. Sau này khi mọi việc đã xong các bạn mới thú thật, lúc ấy vừa đẩy vừa sợ bị đỉa cắn, nhưng không ai dám nói, chỉ mong cho hàng hoá được chuyển lên ghe an toàn. Bác lái ghe nhìn những Cánh Chim Xanh, ngạc nhiên: “Đây là đội bốc xếp chuyên nghiệp phải không?”

Tạ ơn Chúa! Ai cũng vui vì không có bao hàng hoá nào bị ướt, dù những Cánh Chim Xanh đã lấm lem bùn lầy.

Những chiếc ghe bắt đầu lướt đi trong màn đêm. Vì đã nhường 2 chiếc ghe để chất hàng hoá, nên hơn 100 bạn áo xanh còn lại dồn lên chiếc ghe cuối cùng, chật ních, xếp lên nhau như cá mòi! Ai cũng mỏi nhừ và chỉ muốn lăn ra ngủ, nhưng không ai có thể chợt mắt được trong gần hai tiếng lênh đênh trên sông. Phần vì quá phấn khởi khi hàng hoá đã lên ghe bình an, phần vì ghe quá chật, mỗi người phải ngồi bó gối, không có chỗ duỗi chân ra được, và liên tiếp bị muỗi xâu xé. Càng đi càng thấy mình trước giờ sao mà hạnh phúc quá. Ở thành phố cũng có muỗi, nhưng so với muỗi ở đây thì muỗi thành phố giống như bị suy dinh dưỡng!

Chúng tôi đến nhà thờ khi chuông đồng hồ điểm 4 giờ sáng Chúa Nhật. Những cánh chim xanh tranh thủ rửa mặt mũi tay chân, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho thánh lễ lúc 6 giờ sáng. Trời vẫn mưa lất phất. Ngồi quây quần bên nhau húp bát cháo nóng, dù bên ngoài gió rất lạnh, nhưng lòng ai cũng thấy ấm áp bởi sự đón tiếp rất nhiệt tình của cha sở và bà con giáo dân ở đây. Chủ và khách, tất cả đều thức trắng đêm, rôm rả chuyện trò. Cây cầu xa lạ không còn nữa. Chưa bao giờ tôi được ăn chén cháo nóng ngon như thế!

Cây cầu Lòng Xót Thương

9Miền đất nơi chúng tôi dừng chân lần này thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Dưới sự dẫn dắt của người mục tử trẻ trung năng động, đến nay Giáo xứ Long Thắng đã có hơn 700 giáo dân. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số dân cư trên toàn xã là 10.000 dân mới thấy được chặng đường truyền giáo ở đây vẫn còn dài và nhiều lắm những khó khăn. Bà con ở đây chủ yếu sống bằng làm ruộng, trồng lúa nước. Vùng đất tuy đông dân, nhưng hầu hết không có đất canh tác, chỉ đi làm mướn, công việc khi có khi không, miếng cơm manh áo rất bấp bênh.

Từ ngày được bổ nhiệm về vùng “đất chết” này, nỗi niềm trăn trở của người mục tử trẻ là làm sao để nơi này trở thành “đất sống” cho đàn chiên được sống như lời Chúa Giêsu: “Ta đến để chiên Ta được sống, và sống dồi dào”. Việc đầu tiên là sửa sang lại khu vực chung quanh nhà thờ cỏ hoang phủ kín đường đi lối về. Sau đó là tạo phương tiện cho bà con đi lại dễ dàng. Làm những cây cầu nối hai bờ sông.

Đồng Tháp chằng chịt kênh rạch. Muốn từ bên này qua bên kia sông phải đi đò hoặc liều mình qua những cây cầu khỉ hay “cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”. Người mục tử xắn tay áo vận động nhà hảo tâm kiến tạo những cây cầu xi măng bêtông chắc chắn để bà con qua lại dễ dàng an toàn, nhất là khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ sáng sớm hay chiều tối. Đã có những cây cầu thành hình, và lần này, Cha Linh hướng cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo xứ Chí Hoà kêu gọi cộng đoàn đóng góp xây dựng cho bà con ở đây một cây cầu mang tên “Cây Cầu Lòng Thương Xót”. Cây cầu nối Lòng Thương Xót của Chúa đến với con người, và nối lòng xót thương của con người với nhau, người thành phố với người miền sông nước.

Giếng nước Lòng Thương Xót

le 6gTiếng gà gáy sáng đánh thức những Cánh Chim Xanh còn đang ngái ngủ cũng vừa kịp lúc chuông nhà thờ đổ vang báo giờ thánh lễ. Từ lâu lắm rồi, tôi mới nghe được tiếng gà gáy sáng nơi thôn dã, thật yên bình làm sao.

Cha sở được một phen ngạc nhiên vì giáo dân hôm nay đi lễ rất đông. Cha xúc động nói, đây là thánh lễ đông nhất trong suốt 3 năm giữ tác vụ linh mục ở đây. Bình thường vì đường sá xa xôi cách trở, vì bận rộn công ăn việc làm, người dân ít đến nhà thờ đi lễ. Ngày Chúa Nhật, chỉ khoảng 100 đến 150 giáo dân là đông lắm rồi. Chúng tôi nghe mà thấy xót xa. Chẳng bù cho ở Nhà thờ Chí Hoà, mỗi chiều thứ năm có đến 10.000 người đến tham dự giờ cầu nguyện và thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Khuôn viên nhà thờ không còn một chỗ trống!

Thánh lễ bắt đầu trong bầu không khí ấm áp gần gũi. Dù đã thấm mệt vì cả đêm di chuyển không ngủ, người linh mục lãng tử vẫn mang đến cho bà con một bài giảng rất sống động. Những lời ca tiếng hát, những cái bắt tay, những cử chỉ thể hiện tình yêu thương làm mọi người phấn khởi hẳn lên.

Người mục tử trẻ được mời gọi chia sẻ về “Giếng Nước Lòng Thương Xót”. Miền Tây sông nước chằng chịt, thế nhưng nước sạch để dùng lại là vấn đề nan giải. Họ tắm giặt, rửa rau, vo gạo, nấu ăn trên cùng một dòng sông! Cha xứ trẻ thao thức đêm ngày mong sao có nước sạch cho bà con dùng. Sau khi cầu nguyện, bắt đầu cho thi công việc khoan giếng. Mũi khoan tới 30 mét thì chạm phải đá cứng. Dừng tay cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa rồi tiếp tục khoan. 100 mét, 200 mét, 300 mét… chưa thấy nước trào lên. Lòng tin bị thử thách. Tín thác vào lòng Chúa Xót Thương, tiếp tục khoan thêm mấy chục mét nữa. Lời cầu xin đã ứng nghiệm. Mạch nước trong lành trào dâng. Cha sở đem nước lên tỉnh, lên thành phố, vào viện Pasteur phân chất. Tất cả mọi kết quả xét nghiệm đều xác định nước ở giếng này rất tinh khiết, hợp vệ sinh, có thể uống được ngay mà không cần phải qua hệ thống xứ lý nào nữa. “Thật diệu kỳ! Thật lạ lùng!” Từ người khoan giếng đến người xét nghiệm đều thốt lên như thế. Cha sở xúc động nghẹn ngào không kể hết được những điều lạ lùng Chúa làm, và đặt tên cho nó là “Giếng Nước Lòng Thương Xót”. Giếng đó có thể cung cấp nước miễn phí cho toàn bộ dân trong vùng từ 10.000 đến 20.000 người sử dụng thoải mái. Một tượng đài Chúa Giêsu sẽ được dựng bên bờ giếng để mỗi ngày đến đây múc nước uống, bà con dù lương hay giáo được nhắc nhở đó là giếng nước do Lòng Chúa Xót Thương ban tặng!

Kết thúc Thánh lễ, trong tâm trí mỗi người cứ vang vọng mãi Lời Chúa: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở cho”.

Hạnh phúc là cho và nhận

Không như những lần trước phải di chuyển đến nhiều địa điểm, lần này 1.000 phần quà của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Giáo xứ Chí Hoà đóng góp được chuyển đến tận tay bà con ở 10 họ đạo của toàn hạt Sa Đéc ngay tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Long Thắng. Khi thánh lễ vừa xong, những Cánh Chim Xanh ngay lập tức bắt tay vào công việc chia mì gói, muối vào các bao, xếp quần áo, gạo vào vị trí, và chuẩn bị bong bóng cho các em. Mọi thứ đã sẵn sàng. Lần lượt từng người được các bạn áo xanh giúp đỡ mang gạo và quần áo ra đến tận cổng, chất lên xe mang về. Chim Đầu Đàn ra sức hướng dẫn và nhắc nhở chúng tôi phải luôn vui tươi khi phục vụ và thật cẩn thận để không bỏ sót một ai. Những khuôn mặt khắc khổ ánh lên niềm vui. Họ ôm trong tay bao gạo, mì, quần áo, lòng mừng khấp khởi. Tôi bỗng thấy họ như trẻ thơ vui sướng khi được nhận quà. Có lẽ vì cuộc sống quá chật vật, quá khó khăn đã chôn vùi những giây phút thảnh thơi của người dân nơi đây. Món quà nhỏ nhưng hạnh phúc dường như quá lớn…

con keu ghe dua Ma dzia nhe!Tôi ra đến cổng và thấy có một bạn áo xanh đang ngồi bên lề đường trò chuyện với một bà cụ tóc bạc. Tò mò, tôi lại gần. Bà cụ khuôn mặt hằn sâu những dấu vết thời gian, đôi mắt mỏi mệt nhìn về xa xăm. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất chính là nụ cười của bà. Nụ cười móm mém mà sao đầy niềm lạc quan. Hỏi ra mới biết bà chỉ sống một thân một mình, không con cháu, không người thân, không ruộng vườn. Để đến đây nhận quà bà phải đi bộ từ nhà gần 2 tiếng. Năm nay bà 64 tuổi, nhưng thoạt nhìn tôi cứ ngỡ bà đã hơn 80 tuổi. Bà kể, ngày xưa cũng có đất đai, nhưng rồi đau ốm, lại chỉ có một mình, riết rồi bán ăn dần dần, tới giờ “hổng còn miếng nào”! Tôi hỏi những ngày không có việc thì bà sống bằng gì. Đáp lại tôi là nụ cười buồn và sự im lặng. Rồi bà lo lắng: “Tui đến để khám bệnh, nhưng không ai trông chừng giúp mấy bao gạo. Tui sợ hết thuốc cô ơi!” Thế là anh bạn áo xanh của tôi lập tức đứng lên nhờ người đến trông giúp hàng hoá để đưa bà cụ vào khám bệnh.

Tôi còn nghe các bạn áo xanh kể một câu chuyện thương tâm khác. Một ông lão có bàn tay phải đã bị bom đạn lấy đi mất. Một tháng ông tìm được công việc làm mướn dăm ba bữa, rồi sau đó phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của các sơ các thầy, và những người dân tốt bụng xung quanh. Ông bảo: “Ai cho gì ăn nấy thôi, có một tay đi xin việc mà có chỗ nào họ nhận đâu!”. Tôi nghe mà thấy lòng nặng trĩu.

Cùng lúc những cánh chim xanh phát quà ở sân trước, thì trên hiên nhà thờ các bạn áo xanh khác chăm chú làm đẹp, tỉa tót mái tóc hoe vàng cháy nắng cho các cô bé cậu bé. Trong nhà thờ, 4 bác sĩ làm việc cật lực để khám bệnh cho bà con. Nghe nói có khám bệnh và phát thuốc miễn phí, bà con mừng vui khấp khởi. Họ kéo đến rất đông khiến các bác sĩ làm việc không kịp ăn sáng, không kịp giải lao. Mãi đến tận trưa toa thuốc vẫn còn nhiều mà thuốc mang theo đã sắp hết. Cuối cùng, chúng tôi buộc lòng phải để bà con đến sau ra về vì những thứ thuốc được kê ra đã không còn nữa. Hy vọng lần sau sẽ có nhiều bác sĩ tình nguyện đi khám bệnh và nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thuốc hơn nữa.

Sau bữa cơm trưa, những cánh chim xanh tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi dạo xung quanh nhà thờ. Các bạn vào nhà dân xung quanh lân la làm quen, thăm hỏi, và tìm hiểu cuộc sống của bà con. Nhiều bạn rất thích thú với công việc trồng nấm ở đây, nhưng khi được biết đó là công việc nuôi sống biết bao con người trong những ngày “rỗi rãi” việc đồng áng, ai cũng thấy ngậm ngùi.

Chim Đầu Đàn ríu rít tập trung 150 bạn trẻ trong Đội Quân Áo Xanh lại để rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới có được thời gian sinh hoạt giao lưu với nhau trong những chuyến công tác bác ái. Được đứng bên nhau ca hát nhảy múa, được nói cười và chia sẻ với nhau những niềm vui, tôi ngỡ như mình đang ở trong một đại gia đình, xung quanh tôi là anh chị em, là những người thân thiết nhất. Bỗng dưng thấy những khuôn mặt ấy, những nụ cười ấy, sao mà đáng yêu đến kỳ lạ.

Nhịp cầu Lòng Xót thương

noi vong tay lonChia tay miền sông nước, chúng tôi trở về Sài Gòn phồn hoa lúc nửa đêm. Thân thể mệt nhoài nhưng ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người, một chồi non đang từ từ hé mở, chồi non của yêu thương và hy vọng. Lời cảm ơn dạt dào cảm xúc của người đại diện lúc chia tay còn văng vẳng đâu đây: “Suốt 80 năm trời, từ khi thành lập giáo xứ đến giờ, đây là lần đầu tiên giáo xứ được một đoàn công tác bác ái hùng hậu đến chia sẻ nhiều như thế. Cả giáo xứ như hồi sinh sau giấc ngủ dài. Cả đời tôi, hôm nay mới có được một ngày vui trọn vẹn như thế!”

Sống trong một xã hội duy vật, con người dường như bị cuốn vào vòng xoáy của những bon chen, lo toan, tính toán và hưởng thụ. Mỗi người là một ốc đảo. Con người cảm thấy cô độc ngay trong chính gia đình mình, cộng đoàn mình. Không có nhịp cầu tri âm. Không có cây cầu nối liền hai bờ ngăn cách.

Theo nhịp xe lắc lư, tôi nhẩm hát bài “Nhịp Cầu” của nhạc sĩ Ý Vũ trong CD “Tiếng Hát Truyền Thông”:

“Có những nhịp cầu là đường đưa ta đi. Giúp em đến trường, giúp em đến chợ quê. Giúp cho tây sang đông, nối liền đôi bờ sông, những nhịp cầu thơ mộng và bao thân thương. Từ hai hướng đôi nơi hẹn hò, nhịp cầu nối bao nhiêu chuyện trò. Hết chia lìa, ta gặp nơi ta mong chờ.

Ta yêu, yêu rất nhiều. Ta yêu mến bạn. Nhịp cầu để ta cảm thông, cho đất vươn lên tới trời, cho ta được gặp gỡ người. Thôi ngại ngùng, thôi lìa xa, cho tim cùng tim thiết tha, cho môi cùng môi hát ca…”.

Lời ca ấy sao thật thấm thía với tôi sau chuyến công tác này. Tôi thấy niềm bình an hạnh phúc trào dâng.

Tạ ơn Chúa đã cho con cơ hội và phương tiện để tìm kiếm hạnh phúc của đời mình. Tạ ơn Chúa đã dạy con biết trân trọng những gì đang có, dạy con biết nối những nhịp cầu tri âm, nhịp cầu cảm thông yêu thương giữa con với Chúa, và giữa con với tha nhân.

Đó chính là NHỊP CẦU CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG.

Lênh đênh trên kênh Đồng Tháp

tháng 7-2010

Diệu Minh
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Nhịp cầu Lòng Thương Xót trên kênh Đồng Tháp

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@