Ngay cả nếu có ai đó nói rằng bạn chẳng có chút cơ hội gì, cũng đừng vì thế mà từ bỏ ước mơ của mình.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
Ngược dòng thời gian hành hương về Kon Kơxâm - Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar Jơlơng

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN HÀNH HƯƠNG VỀ KON KƠXÂM

TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI BAHNAR JƠLƠNG

CỘI NGUỒN - ĐẤT TỔ

***

 

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

LỜI NÓI ĐẦU

Ngày 27-12-2006, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, chính thức bổ nhiệm Cha Antôn Padua Nguyễn Văn Binh làm Chánh xứ tín hữu dân tộc Bahnar Jơlơng, thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Pah, gồm 9 làng, và Kon Mahar, cũng như một số họ đạo liên hệ trong xã Hà Đông, tỉnh Gialai.

Sinh ngày 9-8-1957, tại Phường Thắng Lợi, Thị xã Kontum, thuộc Giáo xứ Phương Nghĩa, Giáo phận Kontum.

Song thân: Micae Nguyễn Văn Nương và Anna Phạm Thị Hiếu.

Vào Tiểu Chủng viện Thừa sai Kontum năm 1970; Đại Chủng viện Học viện Đaminh Sài Gòn năm 1991. Thụ phong linh mục ngày 10-9-2003 tại Nhà thờ Chính toà Kontum do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh chủ phong.

Từ ngày 10-9-2003: Toà Giám mục Kontum.

Từ ngày 15-4-2004: Chánh xứ Kon Jơdreh và Tơring Kon Xơmluh.

Từ ngày 29-5-2005: Toà Giám mục, hiệu đính Kinh Thánh tiếng dân tộc Bahnar.

Nhân dịp bổ nhiệm này, nhất là đúng 155 năm tính từ năm các Cha Thừa sai tiên khởi đến sống giữa anh em dân tộc tại Kon Kơxâm (1851-2006), và năm sau, đúng 150 năm ngày Cha Bề trên tiên khởi đã qua đời nằm tại Kon KơXâm (1857-2007), chúng tôi xin hoạ lại khung cảnh lịch sử và những hướng lộ trình của các ngài băng rừng lội suối đến Kon Kơxâm và những thành quả cũng như khó khăn trong mục vụ, dựa vào một số tài liệu của Cha Dourisboure ÂN trong tập Hồi Ký nguyên tác: “Les Sauvages Bahnars”, Paris 1929; sách “Mở Đạo KONTUM” của Cha P. BAN và S. THIỆT, Nhà In Qui Nhơn 1933; sách của NGUYÊN HƯƠNG, “Địa phận KONTUM” trong Nguyệt san Văn Hoá, XII (1963), từ trang 205-214; cũng như kết hợp các lần đi thực tế những ngày gần đây tại một số làng trên vùng cư dân này.

Chúng tôi xin trình bày một số đề mục sau đây:

I. Khai phá vùng truyền giáo Tây Nguyên: vai trò Thầy Sáu Do

II. Đi khảo sát tại Kon Kơxâm

III. Các chi người Bahnar nói chung, người JƠLƠNG nói riêng

IV. Tiểu sử: Những vị thừa sai đầu tiên và trực tiếp xây dựng “CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO ĐỨC MẸ GIẢI  CỨU”

V. Các thời kỳ khó khăn và trăn trở (1932-1975) - Thống kê

Kết: Hình ảnh và hiện trạng hôm nay

I. KHAI PHÁ MIỀN TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN

A. HOÀN CẢNH, MỤC ĐÍCH, ĐỘNG LỰC CUỘC HÀNH TRÌNH

Đức cha STÊPHANÔ CUENOT THỂ, Giám mục Tông toà Địa phận Đông Đàng Trong (năm 1924 đổi tên Quinhơn) luôn nuôi hoài bảo tìm đường lên vùng Tây Nguyên truyền giáo cho anh em dân tộc. Mặt khác, dưới triều đại Vua Thiệu Trị, cuộc bắt đạo tàn bạo đã thúc bách vị tông đồ nhiệt thành cho tiến hành ngay việc tìm đường xuyên sơn đưa các vị thừa sai rao giảng Tin Mừng cho anh em dân tộc, đồng thời tìm nơi an toàn cho đoàn chiên đang bị sói dữ cắn xé có nơi tá túc an toàn hơn.

Vua Tự Đức lên ngai ngày 10-11-1847. Trong giai đoạn đầu, ông ân xá cho mọi Kitô hữu đang bị cầm tù được trở về cũ nhà làm ăn. Nhưng thực tế còn nhiều linh mục bị tra tấn và chết trong tù.

Ngay năm Tự Đức nguyên niên (1848), một chiếu chỉ ban hành hồi tháng 8. Sau khi nói lên những xấu xa của tà đạo, như bỏ việc thờ kính tổ tiên, móc mắt người sắp chết để làm bùa ngãi hoặc lòng người, chiếu chỉ nhấn mạnh đến việc thi hành nghiêm túc, phải buộc đá vào cổ của Tây Dương Đạo Trưởng ném xuống biển, về phần thưởng cho những kẻ bắt được chúng... Do đó, Đức Cha bằng mọi cách cho người tìm đường lên Tây nguyên. Cuối cùng. Thầy SÁU DO, vị tông đồ nhiệt thành can đảm, có một lòng phó thác vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, đã thành công hướng đạo cho đoàn truyền giáo lên vùng cư dân Tây Nguyên, sau nhiều lần dò dẫm và thất bại.

B. NHỮNG LỘ TRÌNH XUYÊN SƠN CỦA CÁC VỊ THỪA SAI

Không kể con đường đi dò dẫm của thầy Sáu DO (vào năm 1848) từ An Sơn (An Khê ngày nay) rảo bước, gánh gồng cơm nước cho ông chủ buôn bán vùng thượng đến Hadrung (Pleiku ngày nay) hoặc từ An Sơn đến những buôn làng phía bắc gần đó... Lộ trình chính yếu của đoàn truyền giáo xuất phát từ GÒ THỊ, nơi vị giám mục đang ẩn núp. Có nhiều lần đi theo những lối đi, với đoàn người khác nhau và trong thời gian khác nhau. Chúng tôi tóm tắt một số lần đi như sau:

1. Thầy Sáu Do giả danh “con buôn” cùng với 4 chủng sinh làm người hầu

Sau khi ở giúp việc cho ông Quyền, nhà buôn tại An Sơn, Thầy Sáu DO biết một số tiếng, một số buôn làng quanh An Sơn cũng như vùng Hadrung (Pleiku), thầy từ giã vai “đầy tớ” về trình bày mọi kết quả cho Đức Cha rõ để ngài định đoạt công việc tìm đường dẫn lối lên vùng dân tộc Tây Nguyên.

Đức Cha cho thầy nghỉ vài tháng và cho phép đem theo 4 chủng sinh để lên đường. Lần này thầy cũng không dám giáp mặt quan xin giấy phép buôn bán vì thời kỳ cầm đạo gắt gao, nên cả 5 thầy trò cũng gồng gánh làm “lái buôn chẳng đặng đừng”: đêm đi, ngày lại chui vào bụi rậm, hang sâu, ẩn núp có lúc cũng chui lầm vào hang cọp. Nhưng mọi sự tạm ổn được 5-6 ngày đường. Có lần sắp qua làng Plei Bông Mor, cả năm phải nằm ngoài rãy gần bến cạn suối Ayun (nay thuộc thôn một) quan sát động tỉnh hai làng Plei  Bông Pim và Plei Bông Mor gần đó.

Anh em dân tộc gọi Cha DO là “Bok LÀNH” vì tâm tính ngài hiền từ và tốt lành được thể hiện trong công việc an sinh lo cho người dân tộc như người có LÒNG NHÂN. Lòng nhân  này ngài hấp thụ từ cha mẹ. Ở đây thân sinh của ngài mang danh là NHƠN cũng không phải là vô lý.

2. Thành lập những trạm dừng chân

Đức Cha còn tiên liệu cơ sở giao liên giữa vùng cao với vùng Trung Châu cho các chuyến đi khai mở lên vùng Tây Nguyên sau này. Hiểu rằng cần phải có một cơ sở có giáo dân cư ngụ làm điểm giao liên, Đức Cha nhờ ông Cả AN[1] thuộc họ MƯƠNG LỠ (họ Gò Mục, thuộc địa sở Nhà Đá sau này) đem một số ít tín hữu đạo đức đến xây dựng và sống với người lương tại TRẠM GÒ (gần CỬU AN, An Khê ngày nay) để làm nơi trú chân cho các vị truyền giáo khi lên xuống vùng dân tộc Bahnar. Trong số người tín hữu ở điểm này có thầy lang Công giáo uy tín và được dân làng mến yêu.

TRẠM GÒ nằm một nơi hẻo lánh về phía tây bắc An Sơn (cách thị trấn An Khê ngày nay khoãng trên 10 cây số) và là làng người kinh cuối cùng theo hướng này. Đây cũng là cơ sở giữ trữ lương thực và nơi tập luyện quân lính của anh em Nguyễn Nhạc trước kia.

Để đến TRẠM GÒ, một con đường khó khăn nhưng dân kinh cũng có thể dùng đến, miễn là từ BẾN (hữu ngạn sông CÔN đối diện VĨNH THẠNH) vượt qua DÓC VÁN thẳng đứng giữa hai đỉnh núi: núi ông BÌNH và núi ông NHẠC. Tại BẾN (sau này có họ đạo ĐỊNH  QUANG) được Đức Cha cũng cho một số tín hữu đạo đức đến lập nghiệp và là nơi dừng chân tiếp đoàn truyền giáo lên xuống vùng Tây Nguyên qua ngả TRẠM GÒ không qua  An Sơn.

Trong khi xây dựng các sở này, Thầy Sáu Do vận động mua một môn bài buôn bán tại các buôn làng dân tộc lân cận ranh giới Trung Châu trên đường dẫn đến xứ người Bahnar.

3. Năm 1849-1850. Con người hướng đạo bình tĩnh và can trường

Đoàn thương buôn giả danh này vào những ngày đầu di chuyển an toàn từ Gò Thị qua  An Sơn đến bộ lạc Hadrung (Pleiku) theo trục quốc lộ 19 ngày nay. Một số người dân tộc vùng Hadrung tưởng bở đã gặp được đoàn con buôn giàu có, nên định bắt người cướp của. Giữa đêm khuya, thầy cùng các bạn đồng hành bỏ tất cả hàng hoá lại để thoát thân về Gò Thị, phải chịu đói nhịn khát vì không có gì đổi lấy miếng cơm cho đỡ đói.

Dầu thất bại lần này, Thầy Sáu Do cũng thu lượm được nhiều kết quả quan trọng đã làm chuyển hướng việc truyền giáo sau này: biết thêm tiếng thổ âm và khám phá ra một con đường khác, tuy khó khăn hơn, nhưng an toàn hơn, theo hướng bắc, sau đó đi về hướng tây nam. Đức Cha chọn con đường này.

Cuối năm 1849 và đầu năm 1850: hướng dẫn Cha Phêrô COMBES (Cha BÊ)

Chuyến đi lần sau có Cha COMBES (Cha BÊ đã đến Việt Nam vào năm 1949) cùng 3-4 thầy khác nữa được Thầy Sáu DO dẫn đường. Đoàn thám hiểm có đổi hướng di chuyển so với chuyến đi lần trước, đi từ GÒ THỊ đến TRẠM GÒ mất 3 ngày: hai ngày đi đường sông bằng ghe, ngược dòng sông CÔN đến địa điểm BẾN và từ đó mất một ngày đàng leo núi qua DỐC VÁN mới tới TRẠM GÒ[2]. Chuyến đi này chẳng may đoàn truyền giáo bị đàn voi rượt tại đèo Mang Giang, mỗi người cố thoát thân, một thầy bị trọng thương. Sau khi trốn thoát đàn voi, đoàn truyền giáo đương đầu cơn mưa như trút nước, khe suối đầy nước chảy cuồn cuộn, không sao tiến lên phía trước được. Cuối cùng, đoàn người bụng đói, lạnh thấu xương, quần áo tả tơi cũng đã lần mò về được GÒ THỊ để trình kết quả tội nghiệp cho Đức Cha. Khi nghĩ lại, Cha COMBES cũng ớn lạnh, nhưng tính vui vẻ, cha thường bảo: “Đó là cuộc viễn du của bọn thỏ đế”.

Đức Cha buồn và nói với họ:

“Vì thời tiết xấu còn kéo dài, cha cho các con 15 ngày nghỉ ngơi và sau đó các con lại lên đường. Và lần này, đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa!”.

Đức Cha lại cho Cha FONTAINE (tên kinh là HOÀNG; dân tộc: Bok PHẨM) sửa soạn hành trang tháp tùng Cha COMBES lên đường.

4. Một kế hoạch mới táo bạo

Chuyến viễn du lần này, đoàn truyền giáo gồm hai linh mục thừa sai: Cha Phêrô COMBES và Cha FONTAINE, 7 thầy là thầy BẢO (thầy Tư), TÀI, CHÍNH, BIỂU, BƯỜNG, TIẾN và PHIÊN duới sự hướng đạo sáng tạo đầy táo bạo của Thầy Sáu DO[3]. Thầy vạch ra một kế hoạch thay vì di chuyển ban đêm sẽ đi ban ngày. Nhưng để che bớt làn da trắng có thể làm nguy hại bại lộ, mặt mày chân tay hai vị thừa sai bôi quét một lớp màu sậm, giống như màu da người Kinh. Nhờ vậy, đoàn vượt qua an toàn từ Bình Định đến Trạm Gò. Đoàn voi không rượt nữa, nhưng khó nhọc vất vả vượt đèo lội suối. Đương nhiên là vậy!

ĐẾN LÀNG BAHAM

Không rẽ xuống An Sơn hoặc thẳng đến Hadrung phái tây, nhưng từ TRẠM GÒ vượt qua sông BA rồi từ đó đến vùng dân BƠNÂM phía Bắc[4]. Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn là làng của một tên cướp, gọi là BAHAM (cha của thằng HAM). Mọi người dân tộc cũng như con buôn người Kinh ớn ông này lắm vì hắn tàn bạo, dữ tợn, háu của, đôi ba vợ; nhưng đoàn truyền giáo buộc lòng phải vào làng này, phó dâng mọi sự cho Chúa Quan phòng. Lạ thay! Trước mặt các vị thừa sai đầy râu ria rậm rạp, gương mặt khác thường, ông BAHAM xuống tinh thần, cho gì lấy đó không dám đòi hỏi, giữ đoàn lại làng 4, 5 ngày, sau đó mới chịu cho đoàn ra đi đến làng BƠLU, cách đó một ngày đàng. Ông chủ làng BƠLU là ông LẬP và cả dân làng khác hẳn với làng BAHAM: niềm nở hiếu khách, trọng đãi đoàn. Ông LẬP kết nghĩa anh em với Thầy Sáu DO.

5. Cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ với Bok KIƠM (Ông KHIÊM)
    Ông Khiêm và Thầy Sáu Do kết nghĩa anh em

Nhờ ông LẬP dẫn lối đến làng KON-PHAR, cách BƠLU 2 ngày đường. Đoàn truyền giáo lòng đầy hân hoan không còn sợ lái buôn người Kinh bắt gặp. Nhưng không ngờ một biến cố định đoạt cả công cuộc truyền giáo miền Tây Nguyên đang chờ đón họ tại KON-PHAR: gặp ông KHIÊM, một lãnh tụ đại diện triều đình HUẾ trên vùng này. Đức Cha luôn căn dặn đoàn truyền giáo phải xa lánh vùng ông KHIÊM hoạt động. Nhưng kìa hiện ra trước mắt một con người to lớn nghiêm nghị. Sau giây phút lo sợ, các ngài bình tĩnh lại sau vài câu nói ôn tồn của ông. Thấy vẻ sợ của nhóm truyền giáo, ông nói:

“Các ông từ đâu đến? Các ông có vẻ là những nhân vật quan trọng. Vậy lý do nào khiến các ông đã làm một cuộc hành trình vất vả như thế này? Hai ông này có phải là người Kinh ở một tỉnh rất xa xôi không? Tôi chưa bao giờ thấy người nào có nước da trắng như thế này. Hãy thành thật nói cho tôi. Tôi cảm thấy mến các ông. Mặc dầu các ông có chuyện gì ở đồng bằng, ở đây xứ Bahnar, các ông không phải sợ gì cả. Tôi, tôi như một ông vua cả vùng này, và những người Kinh cũng sẽ không làm gì được các ông, nếu tôi bảo vệ các ông”.

Thấy các vị thừa sai bối rối, ông KHIÊM để đoan chắc lòng thành của mình, xin kết nghĩa anh em với thầy Sáu DO. Ông KHIÊM chỉ vào hai vị thừa sai vừa nói: “Còn hai ông, tôi xin gọi là bố”. Sau khi hiểu nhau, ông dẫn đoàn lên nhà rông và kết nghĩa với thầy Sáu  DO với tất cả nghi thức theo phong tục của người Bahnar.

Ông KHIÊM đã chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối vào tình bạn, lo lắng vật chất cũng như giữ an toàn, không dẫn quan quân của Triều đình Huế đến lùng bắt các ngài. Đó là sự quan phòng của Chúa, nhờ vậy việc truyền giáo ngay từ đầu được xây dựng trên một nền tảng tình thân tự nhiên, chân thành giữa các chủ làng với Thầy Sáu DO, và nhờ đó, tình cảm, lòng tin tưởng dần dần hội nhập vào cư dân vùng Bahnar dễ dàng hơn.

HƯỚNG ĐẾN KON KƠXÂM

Sau một vài ngày nghỉ ngơi tại KON-PHAR, ông KHIÊM trong tình kết nghĩa với Thầy Sáu DO đã đưa bạn mình cùng toàn thể đoàn truyền giáo đến KON-KƠLANG về hướng tây nam cách đó một ngày đường tới nhà ông BLIU, chủ làng và là bạn ông và nhờ ông tận tình giúp đỡ. Sau đó, vì sợ con buôn người Kinh, trong khi chờ đợi những làng xa hơn chịu nhận đoàn đến tá túc, ông BLIU đã đưa đoàn ra giữa cánh đồng âm u hoang vắng dựng nhà. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên vùng Tây Nguyên.

a. Năm 1850-1851: ĐÓN ĐOÀN TRUYỀN GIÁO THỨ HAI - CUỘC GẶP MẶT CẢM ĐỘNG

Ngày 11-11-1850, Thầy THÁM em Thầy Sáu DO dẫn đường cho hai linh mục thừa sai lên vùng Tây Nguyên là Cha DOURISBOURE (Cha ÂN, 24 tuổi) và Cha DESGOUTS (Cha ĐỀ, 45 tuổi). Được tin, Thầy Sáu DO vội vã từ KƠLANG đi đón. Đoàn khởi hành qua ngã  TRẠM GÒ vào trung tuần tháng 11, vượt núi hướng về làng BAHAM. Với sự thận trọng, cuối cùng Thầy Sáu đã gặp được các vị, tay bắt mặt mừng. Ở một vài ngày tại nhà ông BAHAM, sau đó đến làng BƠLU và được đón tiếp niềm nở. Cha Đề kiệt sức. Từ BƠLU đến KON-PHAR phải mất 2 ngày đường leo núi. Trời mưa dai dẳng trong tháng 11 tại Tây Nguyên đã làm cho các lối đi hầu như không sử dụng được nữa. Nghỉ tại làng BƠLU một tuần lễ, mừng Giáng Sinh trên vùng Tây Nguyên lần đầu tiên. Trong những ngày cuối của năm cũ, đoàn vừa ra khỏi làng BƠLU, mưa tầm tả, bầu trời tối mịt, màn đêm buông xuống trong khi các ngài ở giữa rừng, được số anh em thượng đi theo làm một cái chòi lá để qua đêm. Chúng ta nghe lời tự thuật của Cha ÂN về cảnh tượng này:

“Cha DESGOUTS Đề không còn hơi sức chuyện vãn được nữa. Ngài nói: “Tôi chịu hết nổi rồi” và nằm dài dưới đất. Sáng hôm sau, để đánh thức ngài dậy, tôi mừng năm mới, đó là ngày 1-1-1851. Tôi nói với ngài: “Này Cha, can đảm lên, chỉ còn 2 ngày đàng nữa là chúng ta sẽ ôm nhau hôn các bạn thân hữu của chúng ta thôi”.

“Chúng tôi lại lên đường, nhưng vừa đi được độ trăm bước thì Thầy Sáu DO đang mở đường đi trước, bỗng hét lên một tiếng và nói to “Laudate Dominum omnes gentes” (Hãy ngợi khen Thiên Chúa, hỡi các chư dân). Tôi đã đạp phải chông và thầy ngã, ngồi bệt xuống, một cây chông bằng lồ ô sắc nhọn đã xuyên thủng bàn chân của thầy”.

Máu chảy lai láng, đau nhức, dần dần bàn chân thầy sưng lên. Vì đầu chông còn nằm trong bàn chân, mặt mày thầy tái nhợt như xác chết. Cha ÂN nói tiếp:

“Nhưng chính trong trường hợp gây cấn như thế, ta mới thấy  đức tin của Thầy sáng chói một cách đặc biệt. Thầy Sáu không ngừng lắp bắp: “Chúc tụng Thiên Chúa. Tôi bắt đầu năm mới tốt quá”.

Người làng dân tộc đã cắm chông nghe tin đến xin lỗi và làm một cái cáng chuyển Thầy về làng nghỉ ngơi và băng bó vết thương. Thầy Sáu cố làm cho họ yên tâm và an ủi họ và ráng sức bớt vẻ mặt đau đớn kẻo làm cho họ thêm buồn lòng.

Ngày hôm đó, đoàn cố gắng đến KON-PHAR. Thầy Sáu DO nằm trên chiếc cáng lắc lư làm vết thương đau nhói, và đành nằm lại KON-PHAR một thời gian. Thầy không có mặt khi 4 vị thừa sai hội ngộ tại KƠLANG. Đó là ngày 2-1-1851. Ít lâu sau, Thầy mới đến nơi, được một dân làng KON-PHAR cõng trên lưng đưa tới.

Mấy ngày sau, vết thương của Thầy lành dần, và 3 tháng sau, phần đầu chông nằm lại bên trong mới tự mở đường trồi lên phía mu bàn chân.

b. NHỮNG NGÀY LƯU TẠI KƠLANG VÀ KHÁM PHÁ MIỀN ĐẤT HỨA

Nhờ tình bạn kết nghĩa anh em với Thầy Sáu DO, ông KHIÊM có lần đến thăm đoàn truyền giáo đang ở tại KƠLANG, thấy bữa ăn bên cạnh nồi cơm chỉ có một mớ hổ lốn lá cây rễ cỏ ngoài rừng, ông ứa nước mắt. Hai ngày sau khi ông ra về, các người làm của ông đã đem đến cho đoàn 1/4 con trâu, một con heo và năm ba con gà làm quà tặng bạn.

Ngày tháng trôi qua tại KƠLANG, thiếu thối, bệnh tật, cô đơn, đau khổ, nhất là chưa đi đâu và tìm cho ra mảnh đất. Đức Cha lưu ý:

Khi các cha đến chỗ cách KƠLANG một vài ngày đàng về hướng tây, và nếu các cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các cha sẽ tìm thấy vùng đồng bằng ở hai bên bờ sông, các cha hãy hạ trại lưu trú ở đó và hãy biết rằng các cha đang ở trong  vườn nho được giao phó cho các cha chăm sóc vậy”[5].

II. ĐI KHẢO SÁT TẠI KON KƠXÂM

Chính nhờ tình anh em kết nghĩa giữa Thầy Sáu Do và các Ông Khiêm, Ông Lập, Ông Bliu... cũng như nhờ biết được một số vốn tiếng dân tộc, với tính hiếu hoà, khôn ngoan, thận trọng và sáng kiến, linh động của Thầy, dần dần đoàn truyền giáo đến ở tại KON-KƠXÂM một thời gian. Chúng tôi xin trích đoạn trong quyển sách “Les sauvages Bahnars”, Paris 1929,  chương 6 của cha Dourisboure như sau[6]:

“Thoạt khi chúng tôi gặp ông Hmur làng Kơ-lang và được biết ông từ đâu đến, chúng tôi vội vã hỏi ông xem trong trường hợp chúng tôi đến thăm nhà ông liệu ông có bằng lòng hay không. Ông trả lời nếu chúng tôi muốn lưu trú tại Kon KơXâm thì ông không có quyền ưng thuận mà không hỏi ý kiến dân làng trước; nhưng nếu chỉ đi chơi và có ông Bliu tháp tùng thì ông ta sẵn sàng đón tiếp chúng tôi tại nhà ông một ngày hai đêm. Đó là tất cả lòng mong ước của chúng tôi lúc này; và chúng tôi đã hẹn ngày nhất định để ông khỏi đi đâu vắng nhà.

Từ KơLang đến Kon KơXâm xa chừng một ngày đường, và rải rác trên tuyến đường này phải đi qua 7-8 làng Thượng, nhưng chúng tôi đã không vào một làng nào. Vì không có con đường nào khác ngoài con đường nối liền giữa các làng với nhau, vì thế nếu không muốn đi theo lối độc đạo đó thì buộc lòng phải mở con đường khác xuyên qua cỏ cao bụi rậm trong rừng. Chúng tôi đã làm như thế, vì vậy cuộc hành trình trở nên vô cùng vất vả. Lúc chập choạng tối, chúng tôi đến gần làng PơNăng, cách Kon KơXâm độ nửa tiếng đồng hồ. Làng này đang mừng lễ, đang vui chơi đủ trò, có cả nghi thức hạ trâu của người Bana nữa. Tất cả dân làng đã tụ tập trên một sân rộng lúc chúng tôi đi ngang qua sườn đồi bên kia làng. Ý chúng tôi là muốn đi vòng ngoài để tránh như đã tránh các làng khác. Nhưng chúng tôi đã bị phát hiện và tội nghiệp cho đám dân tưởng chúng tôi là kẻ địch đến đánh lén. Lập tức cả làng kinh hãi, hết mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con đều thi nhau la hét nghe thật khủng khiếp như họ thường làm khi gặp nguy biến. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đi qua luôn và không việc gì phải sợ nữa thì yên tĩnh dần dần trở  lại, họ ngừng la hét và niềm vui bị xáo trộn chốc lát nay tiếp tục trào dâng.

Khi chúng tôi đến hàng rào bao quanh Kon KơXâm thì trời đã sập tối. Cổng làng đóng kín, ông Bliu bèn gọi ông Hmur; nhưng ông này nghĩ rằng trước khi ra gặp chúng tôi, nên cho dân làng biết trước việc chúng tôi đến. Tất cả đàn ông nhóm họp tại nhà rông để thảo luận có nên cho chúng tôi vào làng hay không. Thời đó ông Hmur là người có uy tín nhất làng, vì nỗi tiếng chính trực, can đảm khi chiến đấu, và biết khéo léo giải quyết những vụ việc khó khăn. Ông đã đứng về phía chúng tôi, và ý kiến thuận của ông mang tính quyết định trên nhiều ý kiến khác. Tuy nhiên, cuộc bàn cãi kéo dài, và tiếng thảo luận khá sôi nổi thấu đến tai chúng tôi. Phần chúng tôi vẫn kiên nhẫn đứng trước cổng làng đóng kín, chờ đợi mà không biết kết cục sẽ ra sao. Cuối cùng ông Hmur đã thắng, ông liền ra mở cửa đưa chúng tôi vào nhà ông và chúng tôi qua đêm ở đó.

Khi đến Kon KơXâm, chúng tôi đã gặp con sông mà chúng tôi đã từng nghe nói rất nhiều, đó là dòng Dakbla, chảy từ Bắc xuống Nam, và đến Kon KơXâm thì sông đổi hướng rẽ về hướng Tây. Tôi xin nói ngay rằng con sông khi chảy đến Kon KơXâm thì đã trở nên khá rộng, nhưng vì bị thắt bóp lại giữa hai dãy núi làm dòng chảy trở nên rất siết. Ngoại trừ mùa mưa nước sông dâng lên rất cao, còn bình thường thì không sâu lắm.

Đã từ lâu Đức cha Cuénot từng nghe nói về một con sông chảy qua vùng người dân tộc Bahnar và đổ vào con sông lớn bên Lào, và dựa theo những chỉ dẫn đó, thì kế hoạch truyền giáo của Đức Cha thoạt tiên bao gồm một miền rộng lớn, trong đó có cả xứ Lào và như vậy nhiệm vụ được phân phối như sau: Cha Combes đảm trách truyền giáo cho dân Bahnar; Cha Desgouts thiết lập một tiểu chủng viện cho người An Nam; Cha Fontaine và tôi lãnh nhiệm vụ là khi gặp con sông Dakbla này, thì kiếm thuyền mà ngược dòng đến tận Lào.

Sáng hôm sau, chúng tôi công khai trình diện mặt mũi cho dân làng Kon KơXâm xem. Đám dân chưa bao giờ trông thấy chuyện kỳ lạ như thế. Chúng tôi vui sướng vì đã có thể làm thoả mãn tính tò mò của họ, dù hết mọi người kể cả những người mạnh dạn nhất đều giữ một khoảng cách nào đó, may thay họ có vẻ không sợ hãi lắm. Rất tiếc chúng tôi không thể trò chuyện với họ được cũng như không thể hỏi họ những chỉ dẫn về các vùng phụ cận vì chúng tôi không biết tiếng Bahnar. Chỉ một mình Thầy Sáu Do biết được đôi tiếng và vì ngôn ngữ bất đồng, nên chính Thầy cũng khó khăn lắm mới làm cho họ hiểu được. Chính vì vậy mà chúng tôi đã luống công vô ích khi cố gắng xin họ một chiếc ghe để xuôi dòng Dakbla kèm thêm một người hướng dẫn.

Làng Kon KơXâm nằm về phía tả ngạn sông Dakbla, có rào phòng thủ sát bờ nước. Phía bên kia bờ sông tức phía Tây, trước mặt chúng tôi có một ngọn núi cao chắn ngang tầm mắt. Dân làng đang nhìn ngắm dò dẫm chúng tôi, thì Cha Combes bèn nói với tôi: “Nào, Cha còn khoẻ, hãy thử lên ngọn núi kia và xem đàng xa có đồng bằng nào không”. Không đợi năn nỉ, tôi tiến về phía núi một mình, đang khi người bạn đồng liêu của tôi làm dân làng tò mò thích thú bằng cách cho họ xem một vài sản phẩm Tây phương mà họ không ngớt trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía.

Cuộc leo núi thật vất vả, tất cả gai góc, dây leo, cỏ rậm có trên mặt đất dường như hội tụ cả nơi đây. Chẳng có dấu vết đường mòn nào và sườn núi thì lại thẳng vách như bức tường, cuối cùng, sau nhiều cố gắng, tôi đã lên đến đỉnh núi, thở hổn hển chẳng ra hơi. Chính giữa đỉnh núi có một cây rất cao. Để nhìn được xa tối đa, tôi bèn leo lên cây này, và ở đó xảy ra một tai nạn mà hiện giờ khi nghĩ đến tôi vẫn còn thấy lạnh sống lưng. Trước hết vì tôi đã gắng quá sức để trèo núi, rồi leo lên cây, rồi gió lạnh đột ngột thổi đến khi trong người ước đẫm mồ hôi, hay vì nguyên do nào khác, tôi cảm thấy tối tăm mặt mày và bất tỉnh hoàn toàn khi vừa leo đến ngọn cây. Cơn bất tỉnh kéo dài bao lâu? vài giây chăng? vài phút hay lâu hơn? Tôi không biết chắc; điều rõ ràng là khi tôi tĩnh lại, tôi thấy hai tay đang ôm cứng thân cây, thất kinh hồn vía. Tôi vội thưa lớn tiếng: “Lạy Chúa, chỉ mình Chúa đã cứu con thoát chết. Chúc tụng Chúa đến muôn đời”. Cảm giác kinh hoàng mạnh mẽ đến nỗi, sau khi tuột xuống đất rồi, toàn thân tôi vẫn còn run lẩy bẩy.

Những vất vả khó nhọc của tôi đã chẳng đem lại kết quả gì; bởi vì những ngọn núi khác gần đó che kín chân trời hướng Tây không cho tôi nhìn thấy chi cả. Vì vậy tôi trở về thuật lại cho Cha Combes những cố gắng vô ích vừa qua và nhất là về lòng thương xót của Chúa quan phòng nhân hậu đã chiếu cố đến tôi. Tuy không hoàn toàn thành công như lòng mong ước, nhưng cuộc du hành của chúng tôi đến Kon KơXâm cũng đã là một biến cố quan trọng bởi vì nhờ ảnh hưởng của ông Hmur đối với dân làng và mối thịnh tình của ông ta dành cho chúng tôi, cho nên lúc trở về, chúng tôi đã quyết định sẽ sớm trở lại Kon KơXâm để cất nhà định cư ở đó.

Tuy nhiên, vì hoàn toàn không hay biết chuyện người ta đàm tiếu về mình, cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình như đã dự định. Ai trong số chúng tôi ít ốm đau thì đi với Thầy Sáu Do đến Kon KơXâm để làm một căn nhà nhỏ. Ông Hmur hết lòng đón nhận họ, nhưng người của chúng tôi đã sớm nhận thấy anh em Thượng đã không còn sẵn lòng đối với mình nữa. Tại Kon KơXâm cũng như tại nơi khác, khi thấy ai vận y phục người Kinh thì tất cả các bà liền chạy trốn. Lúc xin phép cất nhà ở trong làng thì mọi người đều từ chối, trừ ông Hmur. Ông này cho Thầy Sáu Do biết kết quả cuộc thảo luận như trên và dẫn Thầy đến một nơi xa làng độ một phần tư dặm, nơi thấp hơn và cũng trên bờ sông Dakbla và nói: “Các ông hãy dựng nhà ở đây. Đất này không thuộc về ai cả, tôi đảm bảo bên vực cho các ông”. Mặc dầu hết lòng với chúng tôi, người đàn ông can trường này cũng không hề cho chúng tôi hay biết về những lời bịa đặt mà tên Diong-Dia đã gieo rắc và đó cũng là nguyên nhân độc nhất đã làm chúng tôi mất uy tín nơi mọi người.

Làm xong nhà, Cha Combes và tôi rời KơLang đến trú ngụ tại Kon KơXâm. Cha Fontaine, chân còn đau nên chưa thể đi; còn Cha Desgoust vẫn phải nằm lại vì yếu quá, khi tưởng mình có thể đi được rồi và nhất quyết lên đường đến với chúng tôi, nhưng lực bất tòng tâm, dọc đường suýt nữa ngài đã phải chấm dứt chút hơi tàn của mình. Số là sau khi đi cho đến trưa, nói lết thì đúng hơn, ngài ngã quỵ vì kiệt sức, phải khiêng đến Kon KơXâm, dở sống dở chết. Và suốt cả ngày, chúng tôi đã sợ ngài qua đời mất! Một mình Cha Fontaine ở lại với hai thanh niên đang bệnh, và cũng đã bắt đầu thấy chán và vì không chịu nổi thêm nữa nên ngài cũng lên đường. Và rồi một hôm đẹp trời, chúng tôi vừa vui mừng vừa ngỡ ngàng thấy ngài đến với chúng tôi, thở hổn hển chẳng ra hơi. Ngài đã đi bằng một chân, chân kia chống nạng, vượt qua đoạn đường thật khủng khiếp suốt một ngày đường!”.

III. CÁC CHI (NHÓM) NGƯỜI BAHNAR NÓI CHUNG VÀ NGƯỜI JƠLƠNG NÓI RIÊNG

Việc phân loại người Bahnar khá khác biệt, tuỳ theo lối nhìn của từng tác giả và tuỳ từng thời đại.

1. Ngày nay, hầu hết các tác giả nghiên cứu về nhân chủng học các cư dân vùng Tây Nguyên đều công nhận cư dân Bahnar là 1 trong 4 dân tộc thiểu số lớn nhất ở Cao nguyên trung phần; số dân trên 100.000 người vào thập niên 1970, đông nhất là ở tỉnh Bình Định và Kontum.

Nguồn gốc dân tộc là Indonésien, tiếng nói thuộc loại MÔN-KHƠME. Họ có nhiều chi rải rác trong một địa vực rộng lớn từ nam tỉnh Bình Định (Bahnar Chàm ở Vân Canh, khoảng 5.000 người); ngược lên bắc Bình Định (Bahnar Kren, vùng Vĩnh Thạnh, An Lão, khoảng chừng 8.000 người); hướng về phía tây (Bahnar Roh ở rải rác trong vùng An Khê, ước chừng 12.000 người); Bahnar Bơnom hay Bonâm (đông An Khê, chừng 7.800 người), Bahnar Tolotenil (nam An Khê độ 10.343 người), Bahnar Alakong (bắc An Khê 11.000 người; một số ở quanh An Khê); Bahnar Tơsang (ở đông Pleiku) Bahnar Jơlar (ở bắc Pleiku); Bahnar JƠLƠNG (đông bắc Kontum) và Bahnar Rơngao (vùng thị xã Kontum).

2. Dân tộc Bahnar phát xuất từ đâu? Theo những địa danh, yếu tố văn hoá cổ đại, các huyền thoại... người ta có thể giả định trên mảnh đất đang được người Bahnar cư trú đã có một dân tộc cổ đại mà nay không còn nữa. Đó là người lùn, đen thuộc đại chủng Oxtralid. Người Bahnar ở nơi khác đến lấn chiếm vùng cư dân này. Một số người cho rằng người Bahnar từ phía tây nam đến; một số người khác cho rằng họ tự miền biển chạy lên vùng núi do các cuộc lấn chiếm của dân tộc Chàm từ miền biển và của các cư dân khác vì bị dân Chàm đánh đuổi, nên theo dọc sông Ba, và sông Hin tây tiến, dần dần đến tận vùng Hadrung (vùng quanh núi Hadrung, người Kinh gọi là núi Hàm Rồng) và mặt nam của tỉnh Gialai ngày nay. Phía bắc, cư dân Sơđang, phía tây người Rơngao và Halang án ngự. Giả thuyết sau có sức thuyết phục hơn.

Sau ngày thống nhất (vào những năm 1981), người Bahnar có khoảng 110.000 người; ở tỉnh Gialai và tỉnh Kontum có trên 96.000 người. Họ đã có ý thức thống nhất về dân tộc, tuy do những cuộc chiến giữa các bộ tộc trên vùng Tây Nguyên này, nhất là vì những con đường chiến lược của Chàm và của các thế lực khác. Dân tộc Bahnar tự phân giới khá rõ ràng và cũng có những nhóm khác nhau, đến nỗi nhiều nhóm chưa rõ mình thuộc dân tộc nào.

3. Vì đường giao thông khó khăn, do thời cuộc phức tạp, các vị thừa sai đã đến truyền giáo vùng Tây Nguyên cho người Bahnar vào năm 1852 và những năm kế tiếp được giới hạn tại thì xã Kontum và đông bắc Kontum (người Jơlơng). Địa dư dân cư của vùng cư dân này được Cha Bề trên Combes Bê trình bày trong lá thơ gởi cho các vị bề trên Trường Truyền giáo Hải ngoại Paris, viết tại Kon Kơxâm ngày 29-9-1853 như sau[7]:

“Người Bahnar cư trú tại vùng đất nằm khoảng 14 độ và vài phút bắc vĩ tuyến và khoảng 104 độ đông kinh tuyến. Vùng đất của họ của họ ở bị giới hạn: phía đông đông bắc do dân Bơnam; phía bắc tây bắc là người Sơđang; phía tây là cư dân Rơngao và người Halang. Người Jrai ở phía nam, một cư dân đông đảo và quan trọng nhất dưới mọi khía cạnh”.

“Số làng người Bahnar lên tới 90 đến 100 làng và cư dân không quá 25.000 người. Họ cư trú một vùng đất 15 đến 20 dặm từ đông sang tây và cũng bằng khoảng đó từ bắc xuống nam.

“Tất cả mọi nơi rừng là rừng nối tiếp nhau và rậm rạp, bị người bản địa đốn phá dần dần. Núi khắp nơi, tuy không cao nhưng toả về tứ hướng. Cảnh trí này lẽ tự nhiên tạo nên một số lớn sông suối, thác nước khắp nơi. Có một số chảy xuống phía đông về Trung Châu, một số khác đổ dòng về triền núi trái ngược và phụ lưu cho sông Bla, một con sông bắt nguồn từ vùng cư dân Sơđang dọc theo vùng cư dân Bahnar từ bắc xuống nam và đổ vào một con sống lớn của Lào tận xa ngút ngàn”.

Ngày nay, dù cảnh rừng rú um tùm, cây cối sông suối, dã thú của ngày xa xưa đã mất một phần lớn, nhưng các sông núi chính yếu vẫn còn và gợi lại cho ta như điểm mốc làm chuẩn để đi tìm lại những địa danh một thời đã in vết chân truyền giáo của các vị thừa sai tiên khởi.

* Về sông suối

Trung tâm Truyền giáo Kon Kơxâm nằm tả ngạn sông ĐAK-BLA, dòng chảy theo hướng bắc-nam đến Kon-Kơxâm đột ngột đổi hướng về phía tây. Cha Dourisboure có viết: “Đến Kon Kơxâm, điều đáng chú ý nhất là chúng tôi đã gặp con sông mà chúng tôi đã nghe nói đến rất nhiều. Đó là con sông DAK-BLA, chảy từ bắc xuống nam, nhưng đến Kon Kơxâm thì bỗng chốc đổi dòng và chảy về hướng tây. Nơi đây, con sông đã khá rộng, nhưng nước chảy rất siết vì dòng sông nằm ở giữa  hai dãy núi (...)”.

Sông PƠNE từ đông bắc đổ vào thượng lưu sông ĐAK-BLA.

Sông PƠKEI từ dãy núi phía đông Kon Kơxâm chảy nhập vào sông Dak-Bla gần Kon-Kơxâm.

Suối MƠTƠNG (có khi gọi PƠTONG) chảy suốt từ Pleiku (An Mỹ), lấy nước của suối ĐAK-DOA, ngang qua vùng nam Kon Sơlăng sau khi được phụ thêm nước của suối Sơmei, rồi ngược lên bắc nhập vào sông Đak-Bla, gần KON-BAH. Vùng đất nhiều sông suối đầm lầy, nhất là vùng PƠKEI mà đầu thế kỷ này cha GUERLACH CẢNH đã hy sinh tự nguyện xin đến truyền giáo dân  SƠNGLOK.

* Về dân cư

Cư dân BAHNAR-JƠLƠNG hiền hoà, nhưng còn lạc hậu nghèo khổ, là nạn nhân của bệnh tật như sót rét rừng, dịch đầu mùa..., nhất là luôn bị sức ép của cư dân Hadrung nằm phía đông đông nam.

“Vì các cuộc đột kích không ngừng của nhóm người Hadrung mà hơn 100 làng Bahnar, khi chúng tôi đến cao nguyên vẫn còn định cư các phần đất phía nam sông Mơtông và sông Dak-Bla, đã phải phân tán và đi sáp nhập vào các làng ở bên kia sông. Do vậy, một vùng mênh rộng lớn, trước kia rất đông dân cư và đất đai rất tốt cho việc trồng trọt, nay phải bị bỏ hoang, không một bóng người”.

Đây là phần đất và cư dân mà Trung tâm Truyền giáo Kon-Kơxâm phải đảm nhận rao giảng Tin Mừng suốt một thời gian dài với những thời kỳ thăng trầm.

IV.  TIỂU SỬ CÁC VỊ THỪA SAI KHAI MỞ KON KƠXÂM

1. CHA BỀ TRÊN COMBES

Cha Gioan Phêrô Combes, vị tông đồ tiên khởi vùng Truyền giáo Tây Nguyên.

Ngài nhập Hội Thừa sai Paris ngày 17-9-1847.

Thụ Phong linh mục ngày 17-6-1848.

Lên đường đến Vùng Truyền giáo Đông Dương (Đàng Trong) vào ngày 6-9 cùng năm; bị cướp bể tấn công 6, 7 lần và bị thương nặng.

Vừa đến nơi, vào năm 1850, được gởi lên vùng dân tộc Bahnar cùng với Thầy Sáu Do. Phải lui về và báo cáo cho đức giám mục con đường xuyên sơn hầu như không thể đi được; Đức cha Cuênot cho nghỉ thời gian ngắn và lệnh phải lên đường ngay. Trước nhất tạm trú tại Kơlang và sau đó lưu tại Kon Kơxâm. Phải chịu bao cực khổ thể xác cũng tinh thần: hầu như cơn sốt rừng hoành hành liên tục, thiếu lương thực và bị dân bản địa chống đối.

Năm 1851, Cha Combes được bổ nhiệm Bề trên Vùng Truyền giáo; được Đức cha Cuênot muốn tấn phong làm giám mục và đặt làm giám mục phó. Ngài soạn kinh buổi sáng tối bằng tiếng Bahnar. Nhưng một ít giờ sau khi nhận tin này, vị thừa qua đời vào ngày 14-9-1857. Được an táng tại Kon Kơxâm theo nghi lễ thông thường. Sau một thời gian, Địa phận di hài ngài về Kontum. Nay hài cốt ngài lưu giữ tại Nhà nguyện Chủng viện Thừa sai Kontum cùng với các linh mục thừa sai ngoại quốc khác cũng như linh mục bản quốc. Thành quả truyền giáo gặt hái được ngoài mong ước.

CHA COMBES Ở KON KƠXÂM[8] - CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO ĐỨC MẸ GIẢI CỨU”

Giữa 4 vị thừa sai ở miền Thượng Bahnar lúc bấy giờ chỉ có 2 người được diễm phúc làm lễ mỗi ngày đó là Cha Combes ở Kon KơXâm và Cha Desgouts ở RơHai. Sau mấy tháng chuyên chăm học tâp, Cha Combes tàm tạm nói được tiếng Bahnar, vì vậy anh em Thượng bắt đầu giao tiếp càng ngày càng nhiều với ngài và không bao lâu họ đã nhận ra lời vu khống của Diong Dia và họ càng tin tưởng ngài. Họ mời Cha Combes bỏ căn nhà ngoài rừng về mà dựng nhà ở giữa làng họ. Dân làng Kon Kơ Xâm dựng lên cho ngài một ngôi nhà trong làng và ngài đã đặt ngôi nhà và dân làng dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Từ đó, Kon KơXâm mang tên “CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO ĐỨC MẸ GIẢI CỨU”.

CHA COMBES QUA ĐỜI VÀO NGÀY 14-9-1857 [9]

Trước kia, lúc chúng tôi mới đến ở Kon KơLang, Cha Combes có nói:

“Ước gì trước lúc chết, tôi được diễm phúc rửa tội cho 5 người lớn; hoặc ít nữa là giúp chuẩn bị rửa tội cho 15 dự tòng, lúc đó tôi sẽ vui vẻ đọc kinh “Nunc dimittis”. (Giờ đây xin cho tôi tớ Chúa được về).

Thiên Chúa nhân lành đã nhận lời ngài và còn ban hơn thế nữa. Không kể một đoàn đông đảo các cháu nhỏ con cái lương dân mà ngài đã đưa về Thiên đàng, cùng 2 người già được ngài giúp trở lại Đạo và đã rửa tội cho họ trong giờ sau hết, thì ngài đã ban phép Rửa cho 34 người lớn, và tất cả không trừ ai, đều đã trở nên những Kitô hữu tuyệt hảo. Ngài cũng sửa soạn cho 23 dự tòng có nhiều triển vọng trong tương lai. Vâng phải, đã tới giờ đọc câu: “Nunc dimittis” và ra đi bình an. Và dường như Thiên Chúa muốn chứng tỏ rõ ràng việc Người gọi Cha Combes về với Người chỉ vì Người đã nhận lời cầu xin của Cha, cho nên Cha đã qua đời mà không mắc bệnh hoạn gì cả, giữa lúc đang thi hành nhiệm vụ tông đồ là giảng dạy anh chị em dự tòng.

Ngày 10-9, Cha Verdier đi Kon KơXâm thăm người đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi; cả hai cùng ở với nhau trọn hai ngày. Ngày 14, lúc Cha Verdier sắp lên đường trở về Kon Trang, Cha Bề trên đã nói với ngài:

“Hôm nay tôi thấy không được khoẻ lắm, và vì người ta không biết việc gì có thể xảy ra, cho nên tôi muốn xưng tội trước khi Cha đi về”. Ngài đã xưng tội, và cha Verdier nói với ngài:

“Xem nào, nếu Cha bệnh thì tôi ở lại với Cha. Không có gì cấp bách phải về cả, vì ở Kon Trang đã có Cha Dourisboure ở với giáo dân của ngài rồi.

“Không, không, không cần. Tôi chỉ muốn giữ đúng luật và dọn mình sẵn sàng cho mọi biến cố thế thôi, Cha cứ việc lên đường. Tôi tưởng là không có việc gì đâu”. Và cả hai chia tay nhau. Cũng ngày hôm đó, vào buổi trưa, có Cha Bảo từ Nam Bộ đến Kon Kơ Xâm, đem lên một gói thư, thư từ Âu Châu hay từ các miền Truyền giáo khác, thư từ An Nam nữa. Mỗi người trong chúng tôi đều có thư. Nhiều phong thư gởi cho Cha Combes, trong đó có một bức thư của Đức cha Cuénot chỉ thị cho ngài trở xuống Nam Bộ, vì Đức Cha muốn tấn phong ngài làm giám mục và đặt làm giám mục phó (...). Tôi nghiêng về việc tin rằng là thư của Đức Cha đã gây một ấn tượng nặng nề góp phần không nhỏ dẫn đến cái chết của Cha Combes. Cả ngày hôm đó, trái với mọi khi, ngài tỏ ra buồn phiền. Đến chiều tối ngài vẫn dạy Giáo lý như thường lệ, ngài nói “giảng dạy họ không làm tôi mêt đâu”, nhưng buổi học Giáo lý kéo dài không được lâu, Cha Combes cho họ về và nói: “Hôm nay tạm đủ rồi; Cha thấy trong người không được khoẻ”. Lúc dự tòng ra khỏi nhà thì ngài cảm thấy tự nhiên yếu hẳn, rồi ngài quỵ xuống, bị cấm khẩu và có lẽ bất tỉnh. Cha Bảo hiện ở đó vừa kịp làm phép xức dầu cho ngài, và Cha Combes đã về với Chúa (...).

Vừa nghe tin Cha Combes mất, cả làng Kon KơXâm đâu đâu cũng nghe tiếng rên rỉ khóc than. Mặc dầu mưa to, trong đêm tối, nhà của người chết chốc lát nên quá nhỏ bé để chứa dân làng. Lúc đó là mùa lúa trổ bông, phần lớn dân làng đi canh rẫy, không có mặt ở làng; người ta báo động, giục hết mọi trống, giống như những lần có tai hoạ lớn vậy. Nghe tiếng chiêng trống báo động, những người giữ lúa gần xa đều bỏ rẫy chạy về làng, và cả làng họp mặt đông đủ, vây quanh ngôi nhà người chết. Tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo đều thành tâm khóc thương nhà thừa sai; xác Cha Combes được mặc phẩm phục linh mục và chôn cất với tất cả nghi lễ thông thường (...). “Khi biết tin Cha Combes qua đời, tôi (Cha Dourisboure) lập tức lên đường đi Kon KơXâm. Anh em Thượng đang chờ tôi, họ tiếp đón tôi rất chân tình, thể hiện qua cử chỉ và thái độ, tha thiết chia buồn vối tôi. Đặc biệt các tân tòng tội nghiệp, họ quấn quýt vây quanh tôi, cái chết của Cha Combes làm họ trở thành côi cút. Khi tôi đến thì xác người quá cố đã được mặc phẩm phục linh mục, và được đặt trong quan tài rồi, tôi đã cho chôn cất ngài với tất cả lễ nghi thông thường. Từ lúc đó, Kon KơXâm không hề quên vị tông đồ của mình, sau nhiều năm dài họ vẫn đến cầu nguyện trước ngôi mộ của Cha Combes”.

Một người chiến sĩ Chúa Kitô nằm xuống, một người lính can trường khác đến thay: vất vả, nhưng vẫn đứng trụ giữa cánh đồng truyền giáo đầy triển vọng, nhất là cần con người chiến sĩ can trường chèo chống con thuyền Giáo Hội vùng truyền giáo Tây Nguyên đang gặp thử thách: CHA DOURISBORE ÂN.

2. CHA DOURISBOURE

Vào ngày Giáo Hội cử hành ngày sinh nhật Mẹ Thiên Chúa, một cuộc sống 40 năm lao động, thiếu thốn và khổ đau đã chấm dứt trên trần gian và chúng ta tin rằng Thiên Chúa thưởng cho cuộc sống ấy trên trời. Chính tại Nhà Quản lý ở Marseille, vài ngày sau khi trở về, Cha Dourisboure, vị tông đồ nổi tiếng của người Thượng Bahnar, đã hoàn tất sứ vụ của mình và nghỉ yên trong Chúa. Chúng ta mượn ở tuần báo Bayonne và ở cuốn kỷ yếu về “tác phẩm của những người ra đi” (Bulletin de l’oeuvre des partants) vài chi tiết về cuộc đời của nhà truyền giáo này.

Sinh ở Briscous (Giáo phận Bayonne) ngày 19-9-1825, trong một gia đình Công giáo đạo đức... Ngài hoàn tất những lớp học đầu tiên về chức linh mục với hạng ưu ở Tiểu Chủng viện Larressore.

Về thể xác cũng như về tinh thần, ngài có một diện mạo sáng sủa và rất hiếm khi các bạn học của ngài thời đó có ý chê bai tinh thần cởi mở, tính trung thực, thẳng thắn của ngài, cũng sự hào hiệp, hăng say tràn trề mà ngài mang đến bất cứ đâu trong công việc cũng như trong lúc vui chơi. Họ thuật lại nhiều về niềm tin sống động của ngài, tình thương xót sâu xa và ước muốn làm điều thiện của ngài. Tương lai truyền giáo đã được bộc lộ nơi người chủng sinh trẻ. Đây là điều chính ngài đã nói về những tình cảm lúc ấy trong một quyển sách ngài viết theo lệnh của giám mục 20 năm sau.

Tôi còn nhớ những năm tháng khi tôi còn ở Tiểu Chủng viện Larressore. Lúc ấy tôi chỉ là một học sinh trẻ lớp đệ tam (lớp 10). Nhưng người ta đọc được nơi phòng ăn tập thể những dòng chữ của M. Michel viết trong từ nhà tù Huế rằng: “Ôi chao! Tôi không còn thấy thèm ăn miếng bánh tôi cầm trên tay. Tôi không nghe, không đọc được nữa và trong sâu thẳm tâm hồn tôi, tôi thích thú nghe một tiếng nói nào đó bảo tôi! Và con cũng thế, con cũng sẽ là một nhà truyền giáo. Điều đó đã xảy ra hơn hai mươi năm sau, và khi nhớ lại kỷ niệm này, nước mắt tôi lại trào ra”.

Người chủng sinh trẻ tuổi này tận dụng tối đa những khát khao cao cả này. Những ai biết cậu vào thời đó vẫn nhớ về lòng sùng kính đặc biệt sống động của cậu đối với Bí tích Thánh Thể. Sự nhiệt tình của cậu được thấy rõ dưới chân bàn thờ, và cậu thường nói với các bạn học về tình yêu đối với Mình Thánh Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là đối tượng tôn kính của cả cuộc đời cậu; nơi đó chính là bí mật sức mạnh của cậu giữa những thử thách cam go nhất, nơi đó chính là lò nung nấu cho lòng hăng say của cậu. Cậu xem mọi cực khổ chẳng là gì cả khi mỗi sáng cậu bước lên bàn thánh”. Về vấn đề sự chết, ngài tin tưởng: “Trong căn bệnh của tôi, điều làm tôi đâu khổ nhất và cũng là điều tôi thực sự nuối tiếc, đó chính là sự thiếu thốn mà tôi đã chịu đựng rất lâu là không thể cử hành hy tế thánh”.

Về lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể, như một sự bổ sung tự nhiên, ngài kết hiệp lòng sùng kính trìu mến và tin tưởng vào Đức Maria, Đấng mà ngài luôn tin là ngài đã được những ân huệ đặt biệt. Những ơn mà ngài vui sướng tuyên xưng.

Sau một năm ở Đại Chủng viện Bayonne, năm 1846, người chủng sinh hăng say lên đường đi chủng viện thừa sai ngoại quốc. Ngài ở đó 3 năm.

Được gởi qua Đông Dương, ngài được chỉ định vào một sứ vụ mới mà Đức Giám mục Cuénot muốn lập nên nơi người Thượng, tức là những người miền núi đã làm nên đường phân thuỷ giữa sông Mêkông và biển.

“Vào năm trước, có hai linh mục, Cha Combes và Cha Fontaine, đã thâm nhập vào miền hẻo lánh này, Cha Dourisboure sẽ gặp lại họ.

15 năm sau, ngài nhận lệnh kể chuyện về sứ vụ của ngài. Trước tiên, ngài xin hỏi rằng ngài có thể viết ra không? Và ngài hỏi ai dám liều mình đọc quyển sách của vị linh mục nghèo, người đã khiêm tốn đặt dưới ngòi bút của mình một thứ ngôn ngữ hoang sơ thay vì một thứ tiếng Pháp chính xác và văn vẻ như người ta đòi hỏi không? Đức Giám mục đồng ý, vị thừa sai ra đi và viết nên một tập sách nhỏ với nhan đề: “Dân Làng Hồ”, một sự hoà quyện những câu chuyện cảm động, những hành động anh hùng mà một nhà thơ có thể xen vào trong vàng và kim cương.

Tất cả những ai đã có cơ hội đọc nó đều thán phục nó, và tôi biết không phải là ít người đã đọc cả trăm trang sách ấy trong tư thế quỳ gối, nước mắt lưng tròng và kết thúc quyển sách bằng lời cầu nguyện sốt sắng nhất.

Chính từ quyển sách này mà chúng ta rút ra để phác hoạ những công việc của Cha Dourisboure. Từ đó về sau, từ sau cái chết của ngài, các bạn hữu của ngài không viết gì cho chúng ta cả. Họ lấy làm hài lòng là đã làm nên một câu chuyện mà không kể lại nó. Được Thiên Chúa biết đến thôi là đủ cho họ rồi.

Cha Dourisboure lên đường vào ngày 11-11-1850 khi màn đêm buông xuống. Cùng đi với ngài có một vị thừa sai già, người mà ngài đã vẽ nên một bức chân dung đáng yêu nhất, một trong những tạo vật thiên nhiên đặc biệt mà một cách nào đó đã thể hiện một đức hạnh, một phẩm chất nào đó. Đó là Cha Desgouts, một linh mục rất tốt lành với mọi người và trong mọi sự, đến nỗi người ta chỉ có thể gọi ngài là Cha Desgouts tốt lành.

Sự hấp dẫn và an toàn trên đường họ đi được định nghĩa trong quyển “Cẩm nang của các thừa sai đầu tiên”: “Tôi không biết con đường nào khó khăn hơn, nhưng hổ và voi thương tôi hơn là những người anh em chúng tôi”.

Sau 5 tuần viễn du, họ đến nhà các Cha Combes và Fontaine, và dưới mắt họ, như lời đầu tiên của Cha Dourisboure: “Cha Combes ơi, làm sao mà Cha có thể ở được”.

Chao ôi! Bản thân ngài còn đứng được nhưng cũng đã vướng phải nữ hoàng độc ác của vùng hoang dã, đó là sốt rét rừng; còn Cha Fontaine thì đã nằm kiệt sức trên chiếc chiếu mà từ đó ngài không còn phải trỗi dậy để trở về Đông Dương nữa.

Họ không quy phục được ai theo đạo, không làng nào đón nhận họ, họ bị đối xử như các tù nhân, hoặc ít ra là như những kẻ khả nghi.

Và qua 1 năm, họ ở đó trong một cái chòi bằng lá mà chính họ dựng nên. Trong lúc run lập cập vì sốt rét và không có một loại thức ăn nào khác ngoài gạo, cây cỏ, những rễ cây mà họ vất vả tìm kiếm trong rừng. Họ trung thành ở đó và lẽ ra cuối cùng Thiên Chúa chấp thuận thử thách của họ nhưng ngược lại Thiên Chúa đã để họ phải chết.

Rất xúc động về những câu chuyện này rất mạnh mẽ và dẻo dai, mang trong tim ước mơ đẹp, rất dễ dàng đối với tuổi trẻ và sức mạnh, Cha Dourisboure thả mình trong vòng tay bè bạn, thì thầm lời thơ thanh tao và cảm động cùng với một nụ cười trên môi.

Chúng ta cùng chịu đau khổ và chúng ta sẽ ít đau khổ hơn”.

Tuy vậy, những đau khổ này rất dữ dội, dù là chịu đựng chung với nhau, ở cổng làng Kơlang nhỏ bé và không có một lời kể nào có giá trị hơn lời kể được viết rất nhẹ nhàng này. (trích từ kỷ yếu “tác phẩm những người ra đi”).

“Thường thường, chúng tôi mỗi người nằm dài trên chiếu của mình, nơi bốn góc một lò sưởi được đào giữa căn lều. Những người mà cơn sốt tóm được đang đánh nhau với nó “trong khả năng của họ”: những người khác thì thư giãn một chút, cầu nguyện, cười đùa, hát thánh vịnh, nói chuyện hoặc hút thuốc tẩu. Vào ban ngày, những người được cơn sốt để cho nghỉ ngơi một chút thì đi tìm măng tre, cây dương sỉ non hoặc các loại rau khác có thể ăn được ở trong rừng; trở về nơi ở, họ cho chúng vào nấu trong một nồi đất để dùng làm gia vị cho cơm là món ăn duy nhất. Vào một ngày lễ, một trong những người Kinh của chúng tôi bắt được một con cá to. Đây là một biến cố. Cha Combes, ở cương vị bề trên, chia nó ra làm 4 phần đều nhau, và mỗi chúng tôi trang trọng đặt một chút cá vào trong tô cơm của mình. Ngược lại, chúng tôi đã quyết định nhịn ăn hoàn toàn, trừ người nấu cơm, tất cả đều đang bệnh mà.

Và lời cuối cho sự can đảm lớn này, cho sự kiên nhẫn rất anh hùng này, lời lặp lại không ngừng dưới hình thức này hay hình thức khác, như một điệp khúc được mỗi nhịp tim hát lên:

Khổ đau của chúng ta là những đau khổ rất yêu dấu, bởi vì Đức Giêsu đã xức thơm cho chúng bằng một sự trìu mến lớn lao”.

Tuy thế, hàng tuần hàng tháng trôi qua mà tình hình không thay đổi. Ít bị suy nhược hơn các bạn đồng hành, Cha Dourisboure cùng đi với Cha Combes khám phá vùng đất mới này. Họ đã thành công khi tìm được một miếng đất nhỏ ở Kon Kơxâm, ở Rơhai. Họ mua một căn nhà với giá 5 phơ-răng, sau đó họ tìm một người bảo vệ, một già làng tên là Hmur, người mà hơn một lần đã dùng quyền của mình để ngăn cản việc trục xuất họ hoặc để cứu họ.

Thế là họ bắt đầu khai phá rừng. Sau đó, theo lệnh của Đức Giám mục Cuénot, Cha Dourisboure đi thành lập nơi bộ tộc người Sêđang ở Kontrang một trung tâm buôn bán giữa người Rơngao, Sêđang và người Lào.

Niềm vui đầu tiên của ngài là làm phép rửa cho một em nhỏ. Đó là vào ngày 1-1-1852, trong lúc buồn chán, thấy tinh thần suy sụp, và cảm thấy thập giá có vẻ nặng hơn, ngài thấy nhiều người Thượng cùng chạy vội về một chỗ, ngài hỏi họ cái gì khiến họ tò mò thế. Người ta trả lời cho ngài biết là có một đứa trẻ sắp chết. Nhanh như có sẵn trong đầu, ngài lấy ngay một bình đầy nước và chạy đến làm phép rửa cho đứa bé đang hấp hối. Và ngay lập tức, tâm hồn ngài như muốn hát lên, phát ra một âm thanh hân hoan, ngài xót thương những người có cuộc sống không được như cuộc sống của ngài. Ôi, con vui sướng Chúa ơi, quả là một sự ngọt ngào tuyệt diệu Chúa làm lan toả trong lòng nhân loại, thật hừng hực và rực rỡ ánh sáng Chúa chiếu toả và tăng thêm sức mạnh cho nhân loại!

Tuy nhiên, điều đó cũng không là và cũng không thể là niềm hạnh phúc lớn nhất của một nhà truyền giáo.

Một phép rửa cho một đứa trẻ không làm nên một giáo đoàn Kitô. Những biến chuyển nơi con người mới là cần thiết. Đó chính là mục đích được đeo đuổi với rất nhiều khó khăn. Mục đích này đạt được vào ngày 16-10-1853. Ngày này có thể được xem như ngày thành lập việc truyền giáo cho người Thượng, Cha Dourisboure làm phép rửa cho 2 tân tòng đầu tiên của ngài, họ là 2 bạn trẻ tên là Giuse Ngui và Gioan Pat.

3 năm trôi qua từ khi ngài đến quê hương miền Thượng. Trong 3 năm này, ngài đã làm phép rửa cho 2 người ngoại, 2 tháng sau, Cha Combes làm phép rửa cho 1 người nữa là Hmur, già làng Kon Kơxâm. Các giáo hội được khai sinh như thế: khó khăn và chậm chạp, chịu đựng, như mọi sự thay đổi, quy luật của chuẩn bị; như mọi sự khai sinh, quy luật của đau khổ.

Tôi không ngạc nhiên tí nào về những ai biết được những lao nhọc của việc tông đồ khi nói rằng “cái khó khăn nhất đã được làm rồi”. Tìm cho được 100 tân tòng trong khi người ta mới chỉ có 10 người là một công việc gian khổ. Tìm được người đầu tiên trong họ là công việc vất vả cực kỳ. Truyền giáo là một công việc sáng tạo. Tài năng không thôi thì chưa đủ, cần có sự thánh thiện, và sự thánh thiện chỉ có thể là hoa trái của những gian khổ và những cuộc đấu tranh liên lỉ.

Có phải điều này muốn nói rằng mọi sự sẽ trở nên dễ dàng nếu có được những điều trên? Chắc chắn là không. Cha Dourisboure còn phải trải qua biết bao thời điểm đen tối và phải chịu những cuộc tấn công thô bạo.

Mối ngờ vực của người Thượng chỉ giảm đi một cách chậm chạp. Các vị thừa sai gặp phải hầu như ở khắp nơi một sự chống đối dai dẳng như ban đầu. Thật hoài công khi họ tỏ ra nhã nhặn và không phản kháng; cũng hoài công khi họ thuyết phục kẻ vu khống, và cũng thật hoài công khi họ cho người ta gạo, tiền vào thời đói kém. Không có gì soi sáng tinh thần cũng như không có gì xoa dịu được những con tim.

Trong cuộc chạy đua tìm kiếm các tâm hồn, Cha Dourisboure được đặt vào cùng một sự  nhọc nhằn như những vị khác.

Một ngày, ngài bắt đầu đi xa. Ngài đi từ sáng, đi trong những bụi cỏ lớn, trong vùng sình lầy. Đến 5 giờ chiều, trên đường đi, ngài thấy đói, khát, mà chẳng tìm thấy một con suối, cũng không có lấy một hạt gạo hay hạt ngô nào cả. Cuối cùng, ngài thấy một túp lều của một gia đình Thượng, ngài tiến lại gần và khiêm tốn xin một ly nước.

Một người phụ nữ xuất hiện nơi ngưỡng cửa và từ chối ngay lập tức và đuổi ngài đi bằng một thái độ hăm doạ.

Vị thừa sai cúi đầu và tiếp tục lên đường.

Cơn sốt bắt đầu trở lại, đôi chân run lên không cho ngài đi nữa. Ngài bị lạc đường. Muốn thử leo lên một thân cây để định hướng, ngài không đủ sức nữa. Dừng lại để lấy hơi và lắng nghe. Không có gì cả. Không một tiếng động có thể giúp ngài biết có con người để mà định hướng. Khắp nơi bao trùm một sự im lặng tuyệt đối của rừng rậm. Chỉ có tiếng rơi của những chiếc lá, tiếng những con cu gáy gù lên lời kinh chiều của chúng phá tan đi sự im lặng ấy. Đêm đến, sổ nhật ký của ngài ghi lại những dòng này, những dòng chữ mà dường như lòng sùng kính và đầy rung cảm của vị tông đồ này đã mượn nơi Thánh Phanxicô Atxidi: “Bên cạnh tôi có một thân cây bật gốc nằm rạp xuống đất, tôi ngồi sát bên nó. Tôi nghĩ nếu mình có một tí lửa để hong khô quần áo và tránh cho cơ thể đang bị đóng băng bằng những giọt mồ hôi. Ôi, Chúa ơi, Chúa ơi, nếu con có một ít lửa! Trong cái gùi của tôi có một quyển sách Kinh Nhật Tụng, một cái tẩu thuốc, một hộp diêm và một miếng bùi nhùi nhỏ để mồi lửa. Tôi cẩn thận nhặt vài chiếc lá khô, vo nhỏ chúng lại và run lên vì không thành công, bởi tôi còn là một kẻ mới học nghề. Tôi bật diêm, miếng bùi nhùi bắt lửa, nhưng nó quá nhỏ đến mức bị cháy rụi trước khi bắt lửa với những chiếc lá. Với que diêm cuối cùng, niềm hy vọng của tôi cũng tắt ngấm. Khi ấy, tôi thấy mình thiếu thốn tất cả, tôi không biết niềm vui siêu nhiên lớn lao nào chiếm lấy con người tôi nữa. Không thể kìm hãm được niềm hạnh phúc của mình, tôi rửa mình và bắt đầu hát với tất cả sức lực của mình:

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa đến muôn đời vì những ân huệ Ngài ban! Và tiếng vang lặp lại bên tai: ‘… đến muôn đời… vì những ân huệ Ngài ban’. Tôi mời tất cả các bạn đồng hành của tôi trong rừng sâu, tức là những sinh vật hoang dã, cùng với tôi ca khen Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Ôi Chúa ơi, con lặp lại nhiều lần trong cảnh thiếu thốn này, ‘Ngài có nhận con là thừa sai của Ngài không?’”

Giữa những đau khổ mà chúng ta có thể phác hoạ, trong những năm tháng trôi qua, tất cả những người bạn của ngài đều chết đi hoặc là trở lại miền Xuôi để rồi không bao giờ trở về nữa. Ngài không có ai ở với ngài nữa ngoại trừ một linh mục người Kinh. Dầu sao đi nữa, ngài vẫn không nản lòng.

Ngài cưu mang một chương trình truyền giáo mới, đơn giản và dễ thực hiện, có thể là không phù hợp với người Kinh, nhưng lại rất phù hợp với người Bahnar.

Chương trình này chỉ có một dòng chữ: thiết lập những ngôi làng toàn tòng. Cha Dourisboure bắt đầu thực hiện chương trình này vào năm 1865.

Tập họp các con chiên sống rải rác giữa những buôn làng có người lương sinh sống, ngài dẫn họ đến một vùng đất được chọn lựa kỹ, định cư họ ở đó, cung cấp cuốc, cày, trâu bò, hạt giống cho họ, dạy họ cách thức trồng cấy, chăm sóc ruộng nương, buộc họ phải dự trữ lương thực cho những ngày đói kém. Tóm lại là ngài khai hoá họ, đồng thời với việc Kitô hữu hoá họ dần dần.

Chương trình thành công. Từ đó, ngài gây ảnh hưởng và được gán cho tước hiệu “nhà sáng lập hội thừa sai Bahnar”.

Nhưng để đánh giá giá trị của một con người, biết những gì người ấy làm thôi thì chưa đủ, cần thiết phải biết người ấy làm điều ấy với cái gì. Cha Dourisboure truyền giáo cho người Thượng, tức là những đứa trẻ to xác, những kẻ hồ nghi, có óc thù hằn, nhẹ dạ, hay thay đổi, kiêu căng… từ một sự ngu dốt tuyệt đối, một nền văn hoá tri thức trống rỗng.

Để áp đặt lên họ, để họ tin vào lời ngài, ngài có được một ơn hiếm có và cao vời, đó là ý chí kiên vững. Vũ khí của ngài là khí phách kiên cường, nhưng ngài có được bao nhiêu khí phách ấy?

Tuy nhiên, ý chí không phải là bí quyết thành công cuối cùng của ngài. Phải thêm vào đó thể chất vạm vỡ của ngài có thể chịu đựng những căn bệnh mà những người khác phải chết vì nó.

Khi ấy, nếu ngài không ngã gục thì ngài đã thấy hoạt động của mình bị tê liệt và khó khăn thêm chất chồng. Thường thường, bệnh sốt rét rừng hành hạ ngài trong suốt chuyến đi và thúc đẩy ngài chờ đợi đoạn kết của cuộc khủng hoảng hoặc là cái chết, trong khi sự cứu giúp về nhân lực thì quá xa vời. Nhiều lần khác, căn bệnh bắt ngài nằm liệt trong túp lều ngài ở cùng với Cha Besombes vừa mới đến. Và đến một ngày, cả hai vị truyền giáo, sau khi đã giúp nhau lãnh Bí tích Hoà Giải và phép xức dầu, đều lần lượt lăn ra bất tỉnh.

Đây thực sự không phải là tột cùng của đau khổ và bị bỏ rơi sao?

Sự vĩ đại mang tính khắc khổ của cảnh này như xem thường mọi sự miêu tả. Cảnh này có thể gợi ra cho một hoạ sĩ để hoạ sĩ ấy vẽ nó với 2 tình cảm kinh hoàng và thán phục.

Hai người Pháp, hai linh mục còn trẻ, xanh xao, hốc hác, đang hấp hối, dựa vào nhau để trao ban cho nhau lời xá tội cuối cùng. Xung quanh họ, những người Thượng câm lặng, ngạc nhiên trước cái chết của hai người ngoại quốc có thể được tôn kính hoặc bị ghét bỏ, những người luôn bị nghi ngờ và sống ẩn sau lớp lưới của túp lều tranh tre. Hình ảnh đó giải thích một bức hoạ, đúng hơn là soi chiếu cho một bức tranh về sự hy sinh thập giá của các vị thừa sai.

Chắc chắn đây không phải là hình thức tử đạo mà 20 năm về trước được Cha Dourisboure đã mơ ước, nhưng đây chính là cách tử đạo không gây ồn ào, không một xu dính túi, không bị tra tấn và đổ máu. Tuy vậy, đây là hình thức tử đạo mà người tử đạo phải chịu không ít đau khổ trong một thời gian dài.

Sau hết, vị tử đạo này đã tiêu hao hết khí chất mạnh mẽ của một người miền núi Pyrênê và Đức Giám mục Charbonnier đã lệnh cho ngài phải trở về Pháp để nghỉ ngơi hồi sức.

Thời ấy, những người có phúc gặp ngài và trò chuyện với ngài đề lưu giữ kỷ niệm sống động về vị tông đồ đạo đức và can đảm của người Bahnar, người mà đau khổ không thể làm mất đi sự vui tươi và nghị lực.

Người ta được lợi gì khi nghe ngài kể về những niềm vui và hiểm hoạ của ngài, và bằng cách nhấn mạnh về nỗi u buồn nào, ngài nói đi nói lại về cái chết của những người cùng chiến đấu với ngài, bởi tất cả họ đã ra đi: Arnoux, Desgouts, Fontaine, Verdier, Suchet, Besombes đã chết, và người tuyệt vời nhất là Cha Combes cũng đã ra đi. Người ta kêu gọi một lực lượng ưu tú vào giờ phút cuối của một chiến thắng mang nhiều chết chóc. Chỉ một mình Cha Dourisboure còn sót lại. “Thiên Chúa đã ban cho ngài được sống lâu, đó chính là ân huệ của Thiên Chúa, Đức Hồng y Piô nói như thế”.

Ngài ở lại Pháp khoảng 1 năm và sẽ tiếp tục công trình của ngài.

15 năm trôi qua, chúng tôi không kể về những năm tháng ấy. Dường như những năm tháng ấy là khoảng thời gian đẹp nhất, có ít đau khổ mà lại sinh sôi nảy nở nhiều. Khoảng 1.000 người Thượng gia nhập Đạo. Vị thừa sai già yếu của họ trở nên vị thủ lãnh vĩ đại, như là vua của họ, xét xử các kiện cáo, ngăn cản chiến tranh, lập thôn làng, quy định luật lệ.

Năm 1885, ngài hoàn toàn kiệt sức, không còn sức lực để đi truyền giáo nữa, ngài phải chịu muôn vàn vất vả của cuộc đời người tông đồ; ngài được gọi về miền xuôi và được cắt đặt làm bề trên đại chủng viện. Công việc quá nhiều so với sức khoẻ yếu kém của Ngài. Ngài đi viện bài lao Hông Kông. Nơi đó, ngài hoàn tất việc soạn thảo và cho in quyển từ điển Bahnar, một công trình đòi hỏi một nghị lực lớn.

Luôn bị bệnh tật đè nặng, ngài được gởi đi Pháp. Đây là giai đoạn cuối của cuộc đời ngài. Ngài chết khi đang trên đường đến Marseille với tuổi đời 65, 41 năm linh mục và tông đồ.

Dưới cái nhìn của con người, thì con người là vĩ đại trong phạm vi những gì con người tạo nên. Trong khi công trình của ngài mang tính thiêng liêng, vượt trên con người, thì sự vĩ đại của nó được đánh giá bằng tất cả sự cao vời như khoảng cách giữa đất với trời vậy. Cha Dourisboure trong khi còn là con người, ngài đã làm một công trình vượt trên con người, một công trình thần thánh.

3. CHA GUERLACH

Cha Gioan Baotixita Maria Guerlach sinh ngày 14-7-1858, tại Metz (Moselle), thuộc Giáo xứ Saint Martin. Ngài học tiểu học ở trường làng. Sau khi người Đức xâm chiếm một phần lớn miền Lorraine trong cuộc chiến 1870, ngài đã đến học tại viện Saint Pierre Fourier ở Lunéville. Ngài không ghi danh học Y khoa ở Paris, như người ta lầm tưởng, nhưng vì lòng ao ước tận hiến đời mình cho sứ vụ tông đồ, nên ngài đã vào Chủng viện Xuân Bích, và ở đây được 2 năm, lãnh nhận  các chức nhỏ. Ngày 6-9-1879, ngài đến học tại chủng viện của Hội Thừa sai Paris. Chịu chức linh mục ngày 4-3-1882. Lên đường sang Địa phận Đông Đàng Trong vào ngày 12-4 cùng năm.

Trong thời gian 5 tháng ở Xoài học tiếng Việt, ngài có ý tưởng tốt là chép lại cuốn từ điển Bahnar của Cha Dourisboure, mà nếu không chép lại thì đã mất hết vào năm 1855 rồi.

Cuối năm 1882, ngài được sai lên miền truyền giáo Thượng và được chỉ định ở Pơlei Jơdreh.

Chẳng bao lâu, ngài trở nên người có uy thế; mặc dù ngài không phải là bề trên nhưng ngài lại có ảnh hưởng lớn trên các bổn đạo và trên các lương dân. Chính nhờ ngài mà sự phát triển của miền truyền giáo này, được gieo trồng từ hơn 30 năm nay, trở nên lớn mạnh.

Vào năm 1885, khi đó cuộc bách hại đạo đã làm mất đi cơ hội cho cuộc xâm chiếm Bắc kỳ của Pháp, thì ngài tổ chức bảo vệ những người Thượng có đạo. Ngài dẫn đầu đoàn người tham chiến đến tận biên giới vùng đất của người Việt và khiến một quan chức đang dung nạp những bộ lạc người Jarai chống lại việc truyền giáo phải trốn chạy.

Vào năm 1887, bị những bộ lạc Jơrai này cùng với một nhà thám hiểm người Pháp, là trung uý Metz, cướp phá, nên ngài chấp nhận kế hoạch chấm dứt nạn cướp bóc này,  cũng như chấm dứt những cuộc đánh nhau liên tục giữa các buôn làng với nhau. Ngài đã thành công hoàn toàn khi chinh phạt chống lại những người Jơrai. Vào năm 1888, theo những lời giới thiệu chính thức, ngài sẵn sàng trợ giúp cho ông vua Mayréna; nhưng khi ngài biết rằng vị vua này không được nước Pháp công nhận, nên ngài ngưng việc trợ giúp. Bị tố cáo là phản bội trong sự việc này, ngài phải tự biện hộ mình trước Rheinart, viên toàn quyền Đông Dương, và trước viên chức, kẻ tố cáo ngài, đã bị cách chức.

Vào năm 1890, ngài được bổ nhiệm làm bề trên tạm thời miền Thượng. Năm tiếp theo, ngài giúp đỡ những sĩ quan của đoàn Pavie với hết khả năng quyền hạn của ngài. Ngài hướng dẫn, làm thông dịch cho họ và tiếp đãi nơi ăn chốn ở lâu dài. Một ít lâu sau đó, ngài cũng phục vụ cho các sĩ quan của những đội quân được phái đến để ngặn chặn quân Xiêm xâm chiếm. Cùng thời gian đó, ngài làm việc tích cực để hoán cải lương dân và thu được nhiều kết quả hơn những vị tiền nhiệm: từ năm 1888 đến năm 1894, ngài đã dạy dỗ và rửa tội hơn 1.200 tân tòng.

Khi sắp mãn nhiệm kỳ bề trên tạm thời, ngài nhận nhiệm sở Pơlei Maria. Trong khi cơn dịch bệnh đậu mùa năm 1895 đang hoành hành khắp miền, thì ngài đã tiêm chủng vácxin hơn 7.000 người. Về Pháp năm 1896 để nghỉ ngơi dưỡng sức, ngài tham dự nhiều cuộc gặp mặt để cố gắng thu hút sự quan tâm của các thính giả cho miền truyền giáo. Sau khi quay lại Kontum, ngài phụ trách địa sở Plei Rơhai, gồm có 1.500 bổn đạo, và ngài bắt đầu xây dựng nhà thờ. Tiếp đến, ngài được bổ nhiệm coi địa sở Pơkei, nhưng trú ngụ ở Kon Xơnglok.

Vào năm 1903, quá mệt nhọc ở trong xứ Thượng, ngài được giao phó coi sóc xứ đạo Tourane và cộng đoàn ở nhà thương quân sự của thành phố này; ngài cũng chiếm được cảm tình của người Âu châu nơi đây. Các nữ tu Phaolô thành Chartres bị đuổi khỏi nhà thương, nên ngài cho các nữ tu dùng những căn nhà xây để trú ngụ và giúp đỡ các nữ tu thành lập một trường học và trường nữ công; ngài cũng đặt móng xây một ngôi nhà thờ to lớn, vững chắc. Vào năm 1906, bởi do một cuốn sách “Tác phẩm hão huyền”, ngài đã đáp trả một cách vẻ vang cho hàng loạt những tấn công được công bố trên báo chí và được ghi trong một tập sách của Camille Paris có tựa đề “Những nhà truyền giáo miền Á Châu, Tác phẩm hão huyền của các ngài”.

Vào năm 1908, ngài trở lại miền Thượng và nhận lại nhiệm sở cũ, là Plei Rơhai. Năm 1909, sau cái chết của Cha Vialleton, ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Giám mục và bề trên miền Thượng; ngài ở tại Kontum. Ngài dùng ảnh hưởng của mình khiến cho chính quyền Pháp chấp nhận những người Thượng, là những con người không có hiểu, không tận hưởng  mọi chính sách của nhà nước. Ngài qua đời tại Kontum vào ngày 29-1-1912, sau 30 năm sống đời mục vụ tông đồ, với bao công việc, bao thành công và phục vụ tổ quốc. Khi ngài qua đời, miền truyền giáo đã phát triển với con số: 120 giáo điểm, 11.645 tín hữu sống đạo, 5.000 dự tòng. Những lá thư mà ngài đã công bố thì rất nhiều và hữu ích. Phần thư từ còn lại chưa được công bố thì nhiều, rất đáng kể và chứa nhiều điều thú vị.

V. THỐNG KÊ VỀ ĐỊA SỞ KON-MAH

Trung tâm Truyền giáo Kon Kơxâm không tồn tại lâu sau khi Cha Bề trên tiên khởi đại diện cho Đức cha Cuênot Thể trên vùng Truyền giáo Tây Nguyên qua đời ngày 14-9-1857.

 

 TÊN HỌ ĐẠO

NĂM TÒNG GIÁO

LIMH MỤC
PHỤ TRÁCH

NĂM PHỤ TRÁCH

KON KƠXÂM

1853

Cha Phêrô Combes

1852 - 1857

   bỏ đạo

   trở lại

2/8/1856

2/8/1901

 Cha Phêrô Dourisboure

Cha Besombes

 Cha Bảo

1857 – 1866

1863 – 1866

1866

  

 

Cha Soubeyre

cha Guerlach

4/6/1880

1891 - 1896

 

 

cha poyet

1896 - 1898

KON PƠNĂNG

1858

Cha Dourisboure

1858 - 1866

   bỏ đạo

1873

Cha Hugo

1871 - 1873

   trở lại đạo

30/01/1889

Cha Guerlach

1893 - 1896

KON KƠTU

01/1889

Cha Poyet

1896 - 1898

KON TƠLEH

08/1890

Cha Guerlach

1893 - 1896

   nhập-với    KON KƠTU

1895

 

 

KON HAH

31/10/1890

Cha Guerlach

1893 - 1896

KON BAH

như trên

Cha Boyet

1896 - 1898

KON KƠMO

11/1893

Cha Guerlach

1893 - 1896

KON CHANG KONG

8/07/1893

Cha Poyet

1896 - 1898

KON TƠIOK

cuối 02/1897

Cha Poyet

1897 - 1898

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                           

Cha Jannin

1898 - 1906

Cha Bober

1906 -1911

Cha Charasson

1911 - 1914

Cha Thìn

1914 - 1917

Cha Guichard

1917 - 1920

Cha Décrouille

1920 - 1922

Cha Kemlin

1922 - 1924

Cha Truyện

1924 - 1927

Cha Giuse Décrouille

1927 - 1935

Cha Gương

1935 - 1940

Cha Cẩn

1940 - 1944

Cha An

1942 - 1944

Cha Nghĩa

1944 -

 

Trong năm 1913, địa sở có 916 giáo dân toàn tòng.

Trong năm 1946, địa sở có 720 giáo dân[10].

Trong năm 1948, địa sở gồm 693 giáo dân dân tộc và 6 giáo dân kinh gồm 8 họ đạo[11].

Sau nạn Văn Thân, Kon Kơxâm vẫn là một trong những trung tâm cơ sở truyền giáo tồn tại:

 

Bản đồ 1889 của Cha Adrien Launay

 

H. Các Tơring người Bahnars Jơlơng (Echos năm 1937)

BẢNG KÊ 1: ĐỊA SỞ KON - MAH  (Từ năm 1956-1975)[12]

NĂM

LINH MỤC PHỤ TRÁCH

SỐ HỌ    ĐẠO

GIÁO DÂN

DỰ TÒNG

GIÁO PHU

1956

Cha Antôn ĐEN

8

716

 

9

1958

Cha BONNET

7

682

 

8

1959

           nt

7

643

 

 

1960-1975

Cha Đom. Đỗ Hữu TOÁN

(nhập vào KON JƠDREH)

 

 

 

 

 

Từ năm 1975, các cha sở Nhà thờ Chính toà phụ trách anh em dân tộc vùng Jơlơng.

Đến ngày 27-12-2006, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận, chính thức bổ nhiệm Cha Antôn Padua Nguyễn Văn Binh làm chánh xứ.     

PHẦN KẾT       

Từ thị xã Kontum đến Trà Quỳnh: 14 km

Từ Trà Quỳnh đến Kon Sơlăng: 17 km

Từ  Kon Sơlăng đến Kon Sơlal: hơn 3 km

Từ Kon Sơlal đến Kon Kơxâm: 14 km

Xã Hà Tây thuộc Huyện Chư Pah có tất cả 9 làng, tính từ đường quốc lộ vào Kon Kơxâm như sau:

1 - Kon Sơlăng. Làng này kỳ cựu, được thành lập từ năm 1857 thời cha Bảo (linh mục Bản xứ) và Cha Desombes Kính (1866-1867).

2 - Kon Băh. Làng này nay dời về xã Hà Tây; những trước kia nằm trong sâu nội địa tòng giáo ngày 31-10-1890 đồng thời với Kon Mah.

3 -  Kon Pơnăng tòng giáo năm 1858 vào thời Cha Dourisboure, bỏ đạo năm 1873 và trở lại đạo 30-1-1889. Thời kỳ đầu cũng nằm sâu nội địa.

4 - Kon Chang, tòng giáo 8-7-1893, thời kỳ Cha Guerlach (1893-1896). 

5 - Kon Hơngleh.

6 - Kon Măh tòng giáo ngày 31-10-1890.

7 - Kon Sơlal, tòan tòng, có 480 tín hữu.

8 - Kon Kơmo, tòng giáo tháng 11-1893 thời Cha Guerkach.

9 - Kon Sơbai, trước kia vào năm 1911 trực thuộc địa sở Kon Mahar, tòng giáo ngày 4-6-1893.

Số giáo dân trên 3.000 người. Riêng Kon Sơlal là 480 người. Ngôi nhà thờ sắp xây dựng thuộc Kon Pơnang.

Tất cả 9 làng này đã dời cư ra phía gần đường cái lộ, để nhường chỗ cho nông trường cây cao su. Hiện nay nông trường cao su trồng được trên 2.000 ha, cây tuổi 4-5 năm.

KON KƠXÂM nay thuộc thôn KON BĂH, xã Hà Tây, huyện Chư Băh, tỉnh Gialai, có 2 hộ còn sinh sống tại mảnh vườn trước kia các cha thừa sai đến tá túc vào năm 1851 và Cha Bề trên Combes Bê đã xây dưng “CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO ĐỨC MẸ GIẢI CỨU”. Tại nơi đây, còn gia đình ông bà cụ: Petrô Dyik hiện nay 70 tuổi và bà Maria Hyer, 68 tuổi. Theo lời ông Petrô Dyik kể lại khi ông lên 10 tuổi (khoảng năm 1946), cha ông là A. Nơr ngủ mơ thấy có người báo mộng hãy trồng cây “kàna” trong vườn ông nơi có mộ người, mới sống yên lành. Ông vào rừng chặt một cành cây “kàna[13] và trồng trên đầu mồ, đến nay cây không to, nếu như trồng nơi khác, thân cây này phải rất to phải 2 người ôm mới hết thân cây. Nhưng cây này 60 năm mà chu vi chúng tôi đo được 1 mét 2, đường kính  là 4 m mà thôi. Theo ông nói: đây là điều lạ. Có một cây thánh giá gần cây Kàna và ở đây có 3 mộ đã chôn: giữa là Cha Combes Bê (đã lấy cốt), một mộ là Anrê Tốt và bên nữa là một người con của chú giáo phu nay đang sống tại Kon Sơlal. Ngoài hai ông bà cụ đang sinh sống tại làng Kon Kơxâm cũ này (nay có tên là Kon Băh), có vợ chồng của con gái út của ông nữa. Họ lam nương rẫy: trồng mì, bắp, trồng cây tre lấy măng cũng như  đị đánh bắt câu cá trên sông Dak-Bla ngay sát nhà ông. Ông nuôi bò. Sống khá chật vật, dầu vậy không bỏ làng đi nơi khác.

 

Dưới gốc cây kàna “long chơlách”, nơi đã an táng Cha Bề trên Combes năm 1857

 

Phần cột nhà thờ thứ hai tại Kon Kơxâm

Tại Kon Kơxâm này, còn có gốc cột nhà nguyện thời kỳ của Cha Combes. Đây là nguyện được dân làng làm sau khi họ chấp nhận cho các người xa lạ đang sống trong rừng sâu, ngoài làng, thượng nguồn sông Dak Bla, phía đông bắc, rất nguy hiểm vì thú dữ và bầy muỗi rừng. Chúng tôi cũng thấy được bên kia đối diện Kon Kơxâm (hữu ngạn sông) có núi rất cao, rậm rạp cây to. Các chú giáo phu làng Kon Sơlal cho biết tên núi đó là Yă Jrais, có lần Bok Lành đã lên trên núi Yă Jrais này[14].

Hành hương về cội nguồn, nơi vị Bề Trên đầu tiên vùng Tây Nguyên là Cha Phêrô Combes Bê đã nằm xuống, gởi thân vào lòng đất Kon Kơxâm dù chỉ một thời gian (+ 1857). Không muộn! 155 năm sau kể từ ngày các vị truyền giáo đầu tiên đã đến cư trú giữa anh em dân tộc Bahnar Jơlơng (vào năm 1851), đến nay cũng không trễ, lại một con người linh mục được sai đến để tiếp nối hiện diện tại nơi đó với sứ mạng đem Tin Mừng đến cho những con người nhỏ bé bị thua thiệt. Ơn Chúa là niềm Hy Vọng, là Nguồn Sinh Lực, là Ánh Sáng soi đường cho những người Chúa thương tiến bước: dân tộc Bahnar Jơlơng vậy.

Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

 

 



[1] (13) P. Ban và S. Thiệt, “Mở Đạo Kontum”, Quinhơn 1933, trang 15.

[2] Từ Gò Thị đi 2 ngày đường ghe, ngược sông Côn đến một trạm dừng chân bên hữu ngạn sông mà Cha Dourisboure ghi là BEN (là Bến như bến đò, nơi khúc sông cạn tàu ghe ghé đậu) sau này có một họ đạo trực thuộc địa sở Đồng Phó gọi là Định Quang (thuộc xã Bình Quang, huyện Tây Sơn). Từ Đồng Phó theo ngược dòng sông Côn lên nguồn khoảng trên mươi cây số, thì gặp họ Định Quang này. Họ này được các cha sở Đồng Phó giao cho ông Trịnh Cống coi sóc nhà cửa. Đến năm 1945, họ Định Quang bị phân tán. Chính ông Trịnh Cống cũng lo làm vườn nhà chung trên vùng Kon Roi phía thượng nguồn sông Côn.

(Trên đây là lời kể của ông Trịnh Cẩn con ông Trịnh Cống. Hiện ông Trịnh Cẩn làm ban chức  việc họ Phú Thiện, địa sở Phú Bổn).

Chúng tôi xin ghi lại tài liệu của Giáo sư Lam Giang, “Hùng Khí Tây Sơn”, Tạp Chí Tây Sơn, 1971,  trang 35): “Phía ngoài sông Lê có một con đường đi 3 ngày đến xứ mọi Con Roi. Tại đó có một con đường theo hướng nam bắc rất bằng phẳng, tương truyền do thượng tướng nhà Tây Sơn làm ra. Đường này từ thượng du Bình Định thông suốt đến thượng du Nghệ An vừa dứt. Lại từ xứ mọi Con Roi đi lên 20 ngày đến xứ Kon Tanh, có một hòn đá dài và ngang một trượng, có mắt, có miệng  hình như đầu con rắn. Lại có một hòn nữa dài ước 10 trượng hình như cây gươm. Cạnh đấy có dấu chân người to lớn, dài hơn 1 trượng, bề ngang 4, 5 thước, bề sâu 1 thước. Người mọi tương truyền đó là chỗ người thần chém mãnh xà trừ hại cho dân rồi bay lên trời”.

Từ Bến đến Trạm Gò thật sự đi bộ mất 7, 8 tiếng đồng hồ, lên một cái  dốc núi thẳng đứng, rồi mới đến Trạm Gò (nay là Cửu An, xã Tú An, huyện An Khê. Trước đây có một họ đạo nhánh của An Khê gọi là họ Cửu An, bị di tản vào năm 1962, 1963 về An Khê)... Vùng An Khê bao gồm có Trạm Gò (Cửu An) trước kia là căn cứ của Tây Sơn. Từ đó vua Thái Đức, Quang Trung, tướng Tây Sơn, tiến đánh các nơi (x. thêm Lam Giang, id., tr. 33-38).

[3]  x. Hlabar Tơbang, năm 1915, tr. 23.

[4]  Hlabar Tơbang, id., tr. 23 tt.

[5]  Theo tờ “Chức dịch thư tín”, id., số 33, tháng 1-1936, tr. 385.

[6]  x. Dourisboure, “Les sauvages Bahnars”, Paris 1929, chương 6.

[7]  Xem phần cuối của tập hồi ký của Cha Dourisboure, “Sauvages Bahnars”.

[8]  x. Dourisboure, id., chương 11.

[9]  x. Dourisboure, id., chương 23.

[10]  Echos de la Mission, tháng 8-9 năm 1947.

[11]  Echos de la Mission, ngày 15/8/1948.

[12]  Bôl De Iao Phu, của Địa phận Kontum; xem lịch giáo phận.

[13] Người dân tộc trong vùng gọi cây này là “long chơlách”.

[14]  Thời kỳ đầu tiên, hai vị thừa sai, Thầy Sáu Do, cùng một số người khác đến thăm Kon Kơxâm. Trong dịp này, Cha Dourisboure và Thầy Sáu Do lên đó để quan sát tìm đồng bằng như  Đức cha Cuênot đã căn dặn.. Cha Dourisboure leo lên ngọn cây cao, và bị ngất, trong khi vẫn bám vào cành cây, không bị rớt. Nguy hiểm đã qua khỏi. Chúa an bài cho công trình của Ngài không bị ngắt quãng. Do đó dân làng truyền khẩu rằng thầy “bak Lành” có lên trên nói Yă Jrais.

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Ngược dòng thời gian hành hương về Kon Kơxâm - Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar Jơlơng

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   73 tin bài trong TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
  Tại sao Vatican II gọi Giáo hội là ‘Dân Thiên Chúa’ | Father Joseph Thomas
  Câu chuyện chưa biết về Quả cầu vàng của Đền thờ Thánh Phêrô | Mi Trầm
  Bảy sự Thương khó của Đức Maria | Cao Nguyên
  Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học khẳng định Truyền thống | Thérèse Puppinck
  Các giám mục nói rằng thuỷ phân (an táng bằng nước) không khả thi đối với người Công giáo | J-P Mauro
  Tại sao Thánh Bonaventura được mệnh danh là “Bác sĩ thiên thần” | Philip Kosloski
  Cách Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina lan rộng ra toàn thế giới | TT
  Nhà thần học luân lý giải thích Giáo huấn Công bình về Chiến tranh và Cuộc chiến ở Ukraine | Cao Nguyên
  Lịch sử đầy biến động của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Mátxcơva | Cao Nguyên
  Con Hổ trong văn hoá Việt | Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Điều gì xảy ra tại buổi Dâng Chúa vào Đền thánh? | Jimmy Akin
  Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới | VoetCatholic
  Cảm tưởng về Tết trong Nam | Vương Hồng Sển
  Tục tắm nước lá mùi đêm Tất niên: ‘Tẩy sạch’ những muộn phiền năm cũ | Tuệ Anh
  Tướng do tâm sinh: Người thiện tâm có tướng mạo hiền lành phúc hậu | An Hoà
  Thủ tục filibuster là gì và tại sao filibuster quan trọng với nước Mỹ? | Hải Đăng
  Đạo Công giáo có cho phép thuỷ táng không? | Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
  3 cách Rửa tội khác nhau trong Giáo hội Công giáo | Mi Trầm
  Điều kỳ diệu của Orvieto: Nguồn gốc ấn tượng của Lễ Mình Máu Thánh Chúa | Kathy Schiffer
  Tâm lý ngày Tết | Thượng Chi (Phạm Quỳnh)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@