Bí quyết để thành công là đừng bao giờ bỏ cuộc.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Đọc Sách
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 15/02/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (90-91)

(DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN)

Tác giả: Josef Holzer

Người dịch: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam
TRÌNH THUẬT 90
PIÔ IX CHỈ CÒN LÀ MỘT “GIÁO HOÀNG”

Sau khi thành phố Rôma và Quốc gia Giáo Hội bị chiếm ngày 20-9-1870, Giáo hoàng Piô IX ẩn mình trong điện Vatican và tự coi mình như một “tù nhân”. Mọi cố gắng thương thảo với vị “vua mới của nước Ý” theo sự thúc dục của Hồng y Quốc vụ khanh Antonelli đều bị Piô IX khăng khăng từ chối: “Non possumus”!

Không thể chờ được sự thay đổi ý kiến về phía giáo hoàng, vì ngài cương quyết không chịu từ bỏ Quốc gia Giáo Hội, vương triều Ý đại lợi ngày 13-5-1871 đã đưa ra một “Đạo luật bảo đảm” để ấn định quyền hạn và vai trò của giáo hoàng. Qua luật đó, vua Viktor Emanuel, người đã bị giáo hoàng dứt phép thông công, đề nghị giáo hoàng vẫn tiếp tục có hoàn toàn chủ quyền, được trả tiền hưu bổng hằng năm, được tự do liên lạc với các giám mục trên thế giới, tự do thi hành sứ vụ, tự do bổ nhiệm các giám mục ở Ý, không buộc phải tuyên thệ trung thành trước chính phủ Ý, và ngoài ra điện Vatican, điện Lateran và điện Castel Gandolfo sẽ là sở hữu của giáo hoàng.

Hai ngày sau, Piô IX bác bỏ đề nghị đó. Vì vậy, “vấn đề Rôma” vẫn bế tắc cho mãi tới khi có hiệp ước Lateran được ký kết giữa Piô XI và Mussolini vào năm 1929.

Để làm ra vẻ không công nhận chính phủ mới, năm 1874 Giáo hoàng Piô IX ký sắc lệnh “Non expedit” cấm tất cả tín hữu Công giáo Ý tham gia bầu cử chính trị. Lệnh này có hiệu lực mãi đến năm 1905. Hậu quả không lường của lệnh đó là đã giúp cho các phần tử chống Giáo Hội chiếm được đa số trong quốc hội Ý một cách dễ dàng.

Kể từ đây, Quốc gia Giáo Hội chấm dứt. Piô IX đã cố tìm mọi cách để bảo vệ uy quyền đời của mình. Nhưng ý Chúa lại “khôn ngoan” hơn, vì rồi ra sẽ thấy, uy quyền đó thật ra chỉ là một gánh nặng vô ích, càng ngày càng trở nên quá tải cho giáo hoàng và Giáo Hội và là đầu mối bất hoà giữa các thế lực. Cuối cùng, giáo hoàng không là một ông hoàng trần thế nữa mà chỉ còn là một “giáo hoàng thuần tuý”, chỉ còn là vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội. Đã qua rồi cái thời mà người ta vẫn cho rằng uy quyền và tự do của giáo hoàng chỉ có được bằng cách liên minh với một thế lực trần thế lớn mạnh. Cái lo ngại của Piô IX cũng không xảy ra. Ngài sợ nếu mất vương quyền đời thì sẽ bị lệ thuộc nước Ý. Trái lại, việc giải tán Quốc gia Giáo Hội đã mang lại cho giáo hoàng một thứ uy quyền tinh thần, như hiện nay ta đang thấy.

Syllabus phê phán những sai trái của thời đại

“Syllabus errorum” (= Bản kê các sai lầm) là một thí dụ về ảnh hưởng của tiếng nói giáo hoàng trên thế giới. Nội dung Syllabus chỉ là nhắc lại những điểm mà Giáo Hội đã kết án trước đây. Đây là một bản văn đính kèm với tông thư “Quanta cura”, công bố năm 1864 và được gửi tới tất cả các giám mục. Bản văn đề cập tới 80 điểm sai lầm của thời đại, như thuyết phiếm thần (Pantheismus: coi Thượng đế đồng nhất với thiên nhiên), thuyết dửng  dưng coi tất cả các tôn giáo đều có giá trị như nhau, chủ nghiã xã hội và chủ nghiã cộng sản vì hai thuyết này chối bỏ quyền tư hữu và đặt gia đình lệ thuộc vào nhà nước - Bản Tuyên ngôn Cộng sản xuất hiện năm 1848 - chủ nghĩa tự nhiên cổ xuý cho việc loại tôn giáo ra khỏi xã hội, chủ nghiã duy lý và đặc biệt là chủ nghiã tự do (Liberalismus) chủ trương đưa “khoa học và tự do lên thành một thứ tôn giáo”. Nơi đâu những người theo chủ nghĩa tự do nắm quyền, ở đó họ lập tức đưa ra những đạo luật thù nghịch với Giáo Hội.

Một số điểm trước đây bị “Syllabus” kết án, nay rõ ràng phải được xét lại, chẳng hạn như những điểm kết án sau đây: “Mỗi người được tự do chọn lựa cho mình một tôn giáo nào mà lý trí mình cho là đúng”. Hoặc “Qua tôn giáo mình, con người có thể tìm thấy cho mình con đường nên thánh và sự cứu độ đời đời”. Hoặc “Nghiên cứu triết học không cần phải quan tâm tới mạc khải”.

Nhà giáo sử Seppelt đã viết từ năm 1933 rằng “chỉ có thể giải thích đúng được các đoạn văn này khi người ta hiểu được ý hướng của những người viết ra chúng và hiểu được đâu là ý nghĩa phê phán của giáo hoàng. Hơn nữa, cần phải hiểu rằng đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản được nêu lên bằng một lối nói thật mạnh nhằm gây chú ý nhiều hơn”. Syllabus xuất hiện trong lúc Giáo Hội bị tấn công từ mọi phiá, cho nên phải hiểu nó là một lối “tự vệ” của giáo hoàng. Dù vậy, có những phê phán trong Syllabus tới nay vẫn còn giá trị.

Phê phán đúng

Có thể kể ra đây ít điều tiêu biểu mà Piô IX đã phê phán đúng:

Lý trí con người, tự bản chất, là quy luật và tự nó có đủ khả năng tạo hạnh phúc cho con người và các dân tộc...

Đức tin ki tô giáo mâu thuẫn với lý trí con người, mạc khải của Thiên Chúa làm thương tổn sự phát triển toàn diện của con người...

Những lời tiên tri và phép lạ trong Sách Thánh chỉ là tưởng tượng của các thi sĩ. Chính Chúa Kitô cũng là một nhân vật giả tưởng...

Các sắc lệnh Toà Thánh cản trở đà tiến bộ tự do của khoa học...

Giáo Hội chỉ được hành xử quyền của mình khi được phép và đồng ý của nhà nước...

Giáo Hội tự nó không có quyền chiếm hữu và tư hữu...

Mọi quyền hành xuất phát từ nhà nước và nhà nước có quyền hành vô hạn...

Giáo huấn Giáo hội Công giáo đi ngược với hạnh phúc và ưu điểm của xã hội con người...

Nhà nước có quyền can thiệp vào chuyện tôn giáo, đạo đức và giáo sĩ. Nhà nước có thể quyết định ngay cả về việc quản trị các phép bí tích...

Nhà nước có thể và phải nắm quyền lãnh đạo các trường công lập...

Nhà nước có thể ngăn cấm các giám mục và giáo dân không được tự do liên lạc và trao  đổi với giáo hoàng Rôma...

Chính quyền dân sự có quyền cấm các giám mục thi hành nhiệm vụ...

Chính quyền nhà nước có thể giúp đỡ cho tất cả những ai muốn hồi tục hoặc rút lại lời thề...

Không chấp nhận một lực nào khác ngoài lực sẵn có trong chính vật chất đó...

Uy quyền chẳng gì khác hơn là tổng hợp các lực vật chất...

Từ bỏ một lời tuyên hứa dù lành thánh hoặc một hành động tội phạm dù xấu xa chừng nào chăng nữa cũng không đáng kết án, chuyện đó được phép và ngay cả được khuyến  khích, nếu như người ta làm vì lòng yêu nước...

Hậu quả ghê gớm

Đạo binh của giáo hoàng chẳng thế lực nào còn coi ra gì. Nhưng, với một lá thư luân lưu, Giáo hoàng đã làm cả thế giới rúng động. Lá thư khiến sự đối địch giữa tín hữu Công giáo và Tin lành ở Hòa Lan trở nên gay gắt. Ở Pháp, những người theo thuyết tự do phản đối mấy tuần liền và cấm phổ biến “Syllabus”. Chính quyền Nga và Ý từ chối không cho ấn hành bản văn. Giáo hoàng bị nhạo cười ở Anh. Người đức lấy làm tiếc về chuyện “trật đường rầy” của Giáo hoàng. Nhà cầm quyền Áo thì sợ giới giáo sĩ được thế đòi thêm trong việc thi hành thỏa ước vừa mới ký với giáo hoàng. Nói chung, những người theo thuyết tự do đánh giá tài liệu này là lạc hậu, phản tiến bộ, phản văn hoá, là một lời “tuyên chiến” với nền văn hoá mới và với các quốc gia tân tiến.

Piô IX cương quyết chống lại thuyết tự do đương thời, coi nó như là “một sai lầm của thế kỷ”. Ngài đã một lần lên án cái gọi là “chủ nghiã tự do Công giáo” như sau: “Chủ nghĩa tự do Công giáo là một thứ chân trong chân ngoài, một chân theo Giáo Hội, một chân theo tinh thần buông thả của thời đại. Một chân theo Ta, một chân theo bọn thù nghịch. Chân này theo chân lý, chân kia theo lầm lạc”. Tất cả mong ước của Piô IX là làm sao có được những thứ “hiệp sĩ tuyệt hảo”, chưa bị tiêm nhiễm một chút gì nếp sống buông thả của thời đại. Piô IX tuy không kết án những người công giáo theo thuyết tự do, nhưng dưới mắt ngài, họ tất cả đều là những kẻ đáng ngại.

Một tín điều mới

Syllabus không được ban ra từ “ngai toà” (ex cathedra), nên không phải là không sai lầm, không buộc phải tin. Giáo huấn Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, ban hành ngày 8-12-1854, trái lại, là một tín điều “ngai toà”, buộc phải tin.

“Đây là một chân lý đức tin được Chúa mạc khải, là Maria ngay từ giây phút đầu thai -  nhờ một hồng ân đặc biệt và nhờ công nghiệp Đức Kitô - đã được Chúa giữ gìn khỏi mọi tì ố tội nguyên”.

Nhiệm vụ quyết định của giáo hoàng khi muốn đưa một giáo huấn lên thành tín điều là xét xem giáo huấn đó có phải là một “chân lý đức tin được Chúa mạc khải” hay không hay giáo huấn đó đã có trong mạc khải (qua Sách Thánh hoặc truyền thống) hay không. Ngay chính giáo hoàng cũng không thể “sáng chế” ra một tín điều mới, nên tín điều Mẹ vô nhiễm cũng chẳng phải là một chuyện gì mới lạ, vì truyền thống mừng lễ này đã có trong Giáo hội Đông và Tây phương cả ngàn năm nay rồi.

Việc loan báo tín điều Mẹ vô nhiễm vào thời điểm đó còn muốn chứng tỏ quyền năng của một giáo hoàng, một mình ngài có thể ra quyết định tối hậu cho toàn thế giới công giáo về những gì liên quan tới đức tin hoặc luân lý mà không cần phải có sự đồng ý của công đồng. Vấn đề “không sai lầm” của giáo hoàng đã là đề tài quan trọng nhất của Công đồng Vatican I.

TRÌNH THUẬT 91
“HOAN HÔ GIÁO HOÀNG KHÔNG SAI LẦM!”

“Tuyệt diệu, không thể tả được”, đó là cảm tưởng của Giám mục Ullathorne, Giáo phận Birmingham (Anh), về buổi lễ khai mạc Công đồng Vatican I ngày 8-12-1869. Cánh phải Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma được biến thành chỗ họp công đồng. Các nghị phụ ngồi 8 hàng theo thang cấp, mặc áo choàng kim tuyến lấp lánh và đội mão giám mục màu trắng. Giám mục kể tiếp: “Cả thế giới chưa từng thấy một hội nghị đông đảo các đấng bậc cao dày học vấn và kinh nghiệm như thế”.

Có 774 giám mục trong tổng số khoảng 1.050 giám mục trên toàn thế giới về Rôma dự công đồng. Nhờ có xe lửa và tàu thuỷ chạy bằng hơi nước mà nhiều giám mục ở các địa phương xa xôi lần đầu tiên đã đến được Rôma. Hội trường muôn màu muôn vẻ: 146 giám mục từ các nước Ănglô Xắc xông, 30 vị đến từ Trung và Nam Mỹ, 49 vị từ Hoa Kỳ, 50 vị từ châu Úc, 41 vị từ Ấn Độ và Viễn Đông, 9 vị từ Phi châu. Các nghị phụ người Ý chiếm 35%. Năm vị chủ tịch tiểu ban, tất cả các thư ký, 2/3 cố vấn và chuyên viên công đồng đều là người Ý. Chức vụ tổng thư ký công đồng do một người nước ngoài đảm trách, đó là Giám mục Joseph Feßler, Giáo phận St. Poelten (Áo).

Đúng lúc cần có công đồng

Ngày 6-12-1864, hai ngày trước khi phổ biến “Syllabus”, Piô IX lần đầu tiên hỏi riêng một số hồng y đang hiện diện ở Rôma về ý định triệu tập công đồng. Các hồng y tán thành ý định này, bởi vì từ Công đồng Trento đến nay đã hơn 300 năm rồi. Ngoài ra cũng còn nhiều lý do quan trọng nữa cho thấy nhu cầu cần có một công đồng mới. Hồng y tổng trưởng người Đức Reisach muốn có công đồng mới để giải quyết những tồn đọng do phong trào cải cách tạo ra, bởi vì theo ông, Công đồng Trento đã chưa dứt khoát trong việc phản bác các sai lầm căn bản của cải cách, cụ thể là việc họ chối bỏ phẩm trật trong Giáo Hội và quyền giáo huấn không sai lầm của giáo hoàng. Cũng nên nhớ rằng, với các “Điều khoản” tự do năm 1682,  Giáo hội Pháp vẫn còn đang sống trong tâm trạng đề cao công đồng, nghĩa là họ cho rằng mọi quyết định của giáo hoàng chỉ thực sự không sai lầm sau khi đã được công đồng biểu quyết. Ở Đức, tâm tình đó đã được thể hiện qua chủ trương của Giám mục Phụ tá Giáo phận Trier là Hontheim (“Febronius”), vị này cho rằng ưu quyền của Giáo hoàng Rôma chỉ có tính cách danh dự, trên thực tế ngài không hơn gì các giám mục khác. Đề tài tranh cãi về vị thế của giáo hoàng này, được nêu lên lần đầu tiên do Marsilius Padua, phải có một trả lời và quyết định dứt khoát.

Đắn đo và do dự

Piô IX đã đắn đo rất lâu trước khi quyết định triệu tập công đồng. Mãi cho đến ngày 26-6-1867, trong dịp có khoảng 500 giám mục trên thế giới về Rôma dự lễ giỗ 1800 năm hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngài mới công khai hoá ý định. Một năm sau, ngài ra tông thư công bố chính thức công đồng sẽ khai mạc ngày 8-12-1869.

Các nhà cầm quyền châu Âu hồi hộp hướng nhìn về Rôma. Thủ tướng Bayern (Đức) là ông hoàng Hohenlohe lưu ý công đồng chớ nên quyết định về chuyện “không sai lầm của giáo hoàng”, bởi vì theo ông, một quyết định như thế sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị các quốc gia. Đồng thời ông yêu cầu các nhà cầm quyền khác nên chung tay hành động để ngăn chặn Công đồng về điểm này. Kế hoạch của ông thất bại, vì nước Áo và nuớc Phổ chần chờ không muốn tham gia.

Trước khi họp đã có hai phe

Trước khi công đồng khởi sự, đã có hai phe. Một phe ủng hộ chuyện “không sai lầm”, lo gom góp chữ kí để xin giáo hoàng đưa vấn đề vào chương trình nghị sự của công đồng. Nhóm này vận động được 380 chữ ký. Nhóm chống đối chỉ có 140 chữ ký. Lãnh đạo nhóm ủng hộ là Hồng y Manning, Giáo phận Westminster. Các vị ở nhóm chống đối phần lớn là người Pháp, người Đức (Hefele, Ketteler) và người Áo (Rauscher, Schwarzenberg).

Phần nhiều các vị chống đối không hẳn chối bỏ việc không sai lầm của giáo hoàng, song họ cho rằng chưa đúng lúc để đưa vấn đề này ra. Một số người khác ngại rằng một khi đã có tín điều “không sai lầm” thì giám mục đoàn chỉ còn là một cơ quan thi hành lệnh của giáo hoàng. Một số khác lại sợ có sự lạm dụng, khi cho “giáo hoàng quyền không sai lầm trong lĩnh vực đức tin thì cũng có nghĩa là người ta cho ngài sử dụng quyền này trong các lãnh vực khác” (Leroy Beaulieu). Lại có kẻ bảo rằng Giáo Hội đang trên đường dân chủ hoá; hướng tiến này còn có ai tin nữa khi Giáo Hội trong lúc đó lại cứ tiếp tục củng cố hình thái quân chủ. Đó là chưa nói đến các nỗ lực đại kết có thể sẽ bị đình trệ. Thực tế cho thấy là những lo âu kia đã không có căn cứ.

Những người ủng hộ thì bảo Sách Thánh và truyền thống Giáo Hội cho thấy việc không sai lầm của giáo hoàng có căn bản trên sự mặc khải của Thiên chúa. Như đã nói trên, khi đưa một giáo huấn thành tín điều, người ta chỉ làm chuyện duy nhất là xét xem giáo huấn đó có do “Chúa mạc khải” hay không, chứ người ta không "làm" cho giáo hoàng trở thành "không sai lầm". Câu Sách Thánh sau đây được phe ủng hộ đưa ra để chứng minh cho quan điểm mình: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh (Phêrô) để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã tìm thấy lại niềm tin, thì hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,2). Vì thế, chỉ còn phải bàn xem giáo hoàng không sai lầm trong lãnh vực nào và trong những điều kiện nào mà thôi. Ngoài ra, cũng cần phải bàn xem tương quan giữa quyền không sai lầm của giáo hoàng và giám mục đoàn như thế nào, nghĩa là có phải giáo hoàng hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của đoàn giám mục và giáo huấn của ngài chẳng cần phải được sự chấp thuận của công đồng hay không.

“Tự thân” không sai lầm

Cuộc góp ý khởi sự ngày 9-5-1870. Có tất cả 140 bài góp ý dài liên quan đến đề tài không sai lầm của giáo hoàng. Cuộc biểu quyết sơ khởi diễn ra ngày 13.07 với 451 phiếu thuận, 88 phiếu chống, 62 phiếu thuận với điều kiện. Nội dung bản dự thảo như sau:

“Với sự đồng ý của thánh Công đồng Ta dạy và truyền đây là một tín điều được Chúa mạc khải, là khi Giáo hoàng Rôma phát biểu từ ngai toà (ex cathedra), nghiã là khi ngài nhờ năng quyền tông đồ tối cao nhân danh vai trò chủ chăn và thầy của toàn thể tín hữu Công giáo quyết định một điều gì về đức tin hay luân lý buộc cả Giáo Hội phải tin, thì, nhờ sự trợ giúp của Chúa, như Ngài đã hứa qua Thánh Phêrô trước đây, ngài không thể sai lầm. Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo hội khả năng không sai lầm đó trong việc quyết định những gì thuộc đức tin hoặc luân lý. Và các quyết định đó của giáo hoàng Rôma tự nó, không cần thông qua sự đồng thuận của Giáo Hội, sẽ không còn thay đổi được nữa”.

Ngày 15-7, những nghị phụ chống đối (giám mục các giáo phận Paris, Muenchen, Mainz) xin giáo hoàng gạch bỏ mấy chữ cuối: “không cần thông qua sự đồng thuận của Giáo Hội”. Giáo hoàng cự tuyệt. Vì thế, 60 giám mục, với sự đồng ý của giáo hoàng, rời khỏi kinh thành Rôma, để khỏi phải bỏ phiếu “chống”. Nhờ thế mới có được đa số tuyệt đối cho tín điều không sai lầm của giáo hoàng: 533 nghị phụ đồng ý, chỉ có 2 phiếu chống.

Tường thuật của một chứng nhân

Thomas Moszley, tu sĩ Anh giáo tường thuật trên báo “The Times” ở Luân Đôn về cuộc biểu quyết ngày 18-7-1870 như sau:

“Những người bạn của đức Thánh Cha kể cho tôi là ngài xúc động khi bước vào giáo đường. Lúc qùy gối cầu nguyện ngài hơi run.

Rồi mọi sự cũng qua đi. Thánh lễ ngắn gọn. Bài quốc ca của Giáo hội công giáo trổi lên, chưa bao giờ người ta hát hùng hồn như thế. Tiếp theo là giây lát thinh lặng. Rồi tổng thư ký công đồng (Feßler) với một giọng lanh lảnh đọc bản tín điều. Sau đó xướng danh các nghị phụ. Những tiếng đồng ý tiếp nối đồng ý... Bỗng một tiếng sét phá vỡ không khí biểu quyết. Cơn mưa bão đe doạ từ sáng sớm bây giờ mới nổi lên dữ dội. Các nghị phụ phải thi nhau la to “đồng ý” với mưa bão sấm chớp rền vang. Tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như thế kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Những ai đã xem, đã chứng kiến tận mắt cảnh công bố tín điều này sẽ không bao giờ quên được...

Cơn mưa bão trở nên dữ dội nhất khi kết quả cuộc biểu quyết được đệ trình cho giáo hoàng. Trời tối đen kịt. Người ta phải mang tới một ngọn đèn lớn để ngài đọc những lời quyền năng được Chúa ban cho ngài. (“Với sự đồng ý của thánh Công đồng, Ta tuyên bố những gì vừa đọc lên là chung quyết và Ta khẳng định điều đó bởi uy quyền tông đồ của Ta”).

Lúc này tôi đang đứng ở cánh nam nhà thờ, cố lần mò trong bóng tối tiến về phía giáo hoàng. Những tiếng động dữ dội vang ra từ phòng hội khiến tôi nhảy lên ngó trước nhìn sau, nhìn ngang nhìn ngửa. Tiếng động càng lúc càng lớn dần. Rồi màn bí mật bỗng mở ra, khi tôi thấy cả một rừng khăn tay trắng đang nhảy múa trước mắt. Các nghị phụ vỗ tay vui mừng. Đám đông đứng ngoài phòng hội cũng vỗ theo. Tiếng động dữ dội vang tới chỗ tôi đứng: “Hoan hô giáo hoàng không sai lầm! Hoan hô chiến thắng của người công giáo!” Mọi người đều quỳ gối, một đám đông tôi chưa từng thấy trong Nhà thờ Thánh Phêrô. Và giáo hoàng ban phép lành cho họ, giọng ngài rõ ràng, êm dịu, có thể nhận ra ngay giữa muôn ngàn giọng khác...”.

Còn tiếp

Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (90-91)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   179 tin bài trong TÀI LIỆU » Đọc Sách
  Vatican II đã trở lại trong các bản tin, đặt ra câu hỏi: Vatican I là gì? | Cao Nguyên
  Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan | Minh Nhật biên tập
  Tết của mẹ | Thanh Phong
  Gặp gỡ Sandra Sabattini, một thiếu nữ 22 tuổi mới được phong chân phước | Cao Nguyên tổng hơp
  Kinh Mân Côi là sự sùng kính với cả Trái tim, Trí óc và Thân thể | Susan Klemond
  Tòa thánh báo cáo về cuộc đàm phán giữa Taliban để ngăn chặn thảm họa nhân đạo | Cao Nguyên dịch
  Tam Nhật Thánh: Tìm thấy các biểu tượng của 7 Bí tích trong Kinh Lạy Cha | Julia Kang - Cao Nguyên dịch
  Phép lạ của Thánh Giuse về chiếc máy bay gãy đôi nhưng không thiệt hại nhân mạng | Mi Trầm
  Đấng đáng kính TGM Fulton Sheen viết về Thánh Giuse | Cao Nguyên
  Sách mới về ĐTC Phanxicô: “Thiên Chúa và thế giới sẽ đến” | Ngọc Yến
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (11) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (10) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (9) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (8) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (7) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (6) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (5) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (4) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (3) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (2) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@