Hạnh phúc không tuỳ thuộc vào bề ngoài của sự việc, nhưng tuỳ thuộc vào cách bạn nhìn chúng.

Leo Tolstoy (1828-1910)
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Đọc Sách
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 15/02/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (98-99)

(DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN)

Tác giả: Josef Holzer

Người dịch: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam
TRÌNH THUẬT 98
GIOAN XXIII KHAI MẠC CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Khi đoàn rước xem ra dài vô tận từ trong điện Vatican tiến ra giữa Công trường Thánh Phêrô để từ đó tiến vào cửa chính của vương cung thánh đường thì chuông của tất cả các nhà thờ trong thành phố Rôma đổ liên hồi. Đi đầu cuộc rước là các thành viên trong Giáo triều Rôma trong áo choàng phụng vụ, rồi đến các nghị phụ mặc lễ phục màu trắng gồm: bề trên các dòng tu, giám mục, thượng phụ, sau cùng là các hồng y. Các hồng y thầy sáu mặc áo ngắn màu tím. Các hồng y linh mục mặc áo lễ. Các hồng y giám mục mặc áo choàng màu khói trắng. Sau cùng là Giáo hoàng Gioan XXIII ngồi trên kiệu. Ngài cũng đội mão giám mục. Đến trước tiền đường Nhà thờ Thánh Phêrô, ngài xuống kiệu, đi bộ vào vương cung thánh đường, nơi các nghị phụ đã an vị ngay gian giữa thánh đường. Trước đây, 700 nghị phụ của Công đồng Vatican I (1870) còn ngồi ở cánh phải nhà thờ. Cánh giữa nguyện đường lớn nhất thế giới này vừa đủ chỗ cho gần 3.000 nghị phụ của lần họp thứ hai này. Quả là một kỷ lục trong lịch sử các công đồng. Trong số 2.540 nghị phụ chính thức có khoảng 38% nghị phụ thuộc châu Âu, 31% thuộc châu Mỹ, 20% thuộc Á và Úc châu, 10% thuộc châu Phi, và khoảng một phần ba là các giám mục dòng.

Khoảng 12 giờ 30 ngày 11-10-1962, Gioan XXIII đọc diễn văn khai mạc Công đồng chung lần thứ 21 của Giáo hội Công giáo: “Hôm nay, Giáo Hội mẹ thánh hân hoan vui mừng vì nhờ thánh ý Chúa quan phòng đặc biệt mà chúng ta có được ngày hằng mong đợi này”. Vị giáo hoàng 77 tuổi này nghĩ rằng chỉ trong vòng 3 tháng ngài có thể tuyên bố kết thúc Công đồng.

Thời gian trôi quá nhanh!

Từ trước cho tới thời Công đồng Chung Vatican I (1870), muốn tham dự Công đồng, các nghị phụ phải đi bộ, đi ngựa hoặc bằng thuyền buồm. Trong thời trung cổ các ông cũng không còn có những trạm liên lạc thư tín rải rác của đế quốc Rôma để dừng chân nữa. Chính vì thế mà số người tham dự  công đồng trước đây tương đối ít. Đặc biệt các giám mục Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan và giám mục ở bắc Âu rất khó tham dự công đồng.

Đường tới công đồng cũng không phải là không nguy hiểm. Một chiếc thuyền chở các sứ thần của Byzantin tới dự Công đồng Lyon II (Pháp) đã đụng vào mỏm phía nam của Hy Lạp, vỡ tan từng mảnh. Chỉ có một hành khách trên thuyền sống sót. Martin Perez ở Ayala (Tây Ban Nha) cho hay trên đường đi dự Công đồng Trento đã bị giữ lại trên đảo Ibiza 3 tuần để tránh bọn cướp biển.

Để biết một cuộc hành trình đi đến địa điểm tổ chức công đồng kéo dài bao lâu, chúng ta hãy lấy trường hợp của Bartholomêô ở Martyribus làm điển hình. Ông khởi hành từ Braga (Bồ Đào Nha) ngày 24-3-1561 mà mãi đến ngày 18-5-1561 mới tới được Trento. Và thời gian trở về cũng phải ngót 2 tháng.

Tổn phí cho cuộc hành trình đi dự công đồng cũng không phải ít. Đặc biệt là một gánh nặng cho các giám mục Ái Nhĩ Lan trong lần đi dự Công đồng Lateran III ở Rôma. Cuộc sống hằng ngày ở nhà của các vị chỉ dựa vào 3 con bò sữa.

Chỉ từ Công đồng Vatican I các nghị phụ mới bắt đầu được sử dụng xe lửa và tàu chạy bằng hơi nước. Trước đây thư mời dự công đồng cần cả tháng mới tới tay người nhận. Ngày nay chỉ cần 48 tiếng đồng hồ là các giám mục châu Phi, châu Úc, Nhật Bản đã nhận được thư mời. Với phương tiện kĩ thuật ngày nay, công đồng có thể triệu tập và khai mạc trong vòng một tuần lễ.

Một vị linh hướng trở thành giáo hoàng

Piô XII từ trần ngày 9-10-1958. Ngài là người bị nhiều dị nghị vì đã không công khai chống lại việc Hitler giết người Do Thái. Ngày nay, chúng ta biết ngài không làm điều đó vì rằng sau khi các giám mục Hà Lan lên tiếng phản đối thì bọn Quốc Xã lại càng truy nã mạnh hơn. Nhưng Piô XII đã làm tất cả những gì có thể làm được trong quyền hạn của ngài. Hơn 5.000 người Do Thái được che giấu trong các tu viện, trong các nhà thờ Công giáo và ngay cả trong Vatican. Sau chiến tranh ngài lo lắng cho những tù binh và những người mất tích. Cơ quan thông tin và tìm kiếm do ngài cho thiết lập đã nhận được 11 triệu câu trả lời. Uỷ ban cứu trợ của giáo hoàng đã góp phần xoa dịu nỗi thống khổ của dân châu Âu bằng việc gửi quà hàng cứu trợ. Và sau chiến tranh các cường quốc thắng trận muốn đổ gán tội ác gây chiến lên đầu cả dân Đức, nhưng Piô XII đã cực lực chống lại hình thức quy tội tập thể này.

Trong tâm trí mọi người Piô XII được coi là một giáo hoàng điển hình: một quý tộc sang trọng, giàu kiến thức, một nhà trí thức với nét mặt thoát tục và với dáng người tu hành khắc khổ. Cả thế giới đều biết đến cung cách đặc biệt hay giang tay và ngước mắt lên trời của ngài. Một sự kiện lại càng ngạc nhiên là ngày 28-10-1958, 51 vị hồng y hiện diện đã bầu Hồng y Giuseppe Roncalli, Thượng phụ Giáo phận Venezia (Ý), lên kế vị Piô XII với danh hiệu Gioan XXIII. Gioan XXIII là con trai của một gia đình vùng núi nghèo, dáng người to béo, nhưng đơn sơ đạo đức. Kế tục một Piô “gầy trơ xương” là một Gioan “núng nính” nặng nề. Người ta coi ngài chỉ là một “giáo hoàng chuyển tiếp” trong lúc chờ đợi tìm ra một người tầm cỡ như Piô XII khác. 

Cuối thời Trung Cổ đã có một vị giáo hoàng chọn danh hiệu Gioan XXIII, nhưng vị này đã bị Công đồng Konstanz năm 1415 cách chức. Hồng y Roncalli đã chọn danh hiệu này để loại bỏ tên vị giáo hoàng không chính thức kia ra khỏi danh sách giáo hoàng.

Cánh cửa Giáo Hội rộng mở 

Giáo hoàng Roncalli sinh ngày 25-11-1881 tại Sotto il Monte trong Giáo phận Bergamo. Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo có 13 người con, làm linh mục, giáo sư ở Chủng viện Bergamo, rồi tuyên úy quân đội. Năm 1921, ngài về Rôma, được bổ nhiệm năm 1925 làm đại diện Toà Thánh ở Sofia (Bungari) rồi sứ thần ở Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp, năm 1944 làm khâm sứ ở Paris. Và cuối cùng năm 1953 làm Tổng Giám mục và Thượng phụ Giáo phận Venezia. Dù ở trách vụ nào, ngài cũng không quên công tác linh hướng thực tế của mình. Ngài là người am hiểu các mối âu lo và bức bách của “người bình dân” trong Giáo Hội, đồng thời cũng rất am tường tình hình thế giới. Sứ vụ có tính cách lịch sử của Piô XII là hướng dẫn Giáo Hội trong thời đệ nhị thế chiến, chống lại chủ nghĩa Quốc xã và Cộng sản. Sứ vụ của Gioan XXIII là mở lớn cánh cửa Giáo Hội. Một mặt để “không khí trong lành” tràn ngập Giáo Hội. Mặt khác để có thể nhìn rõ hơn những nhu cầu cấp thiết của tha nhân. Chính Piô XII cũng đã đặt vấn đề triệu tập công đồng, nhưng phải đợi một Gioan XXIII bản lãnh mới dám triệu tập, bởi cho tới lúc đó ai cũng xem chuyện họp công đồng là điều đầy rủi ro, bất trắc.

Chỉ là một hiểu lầm?

Triệu tập Công đồng Chung Vatican II để đưa Giáo Hội vào một thời đại mới là một tin chấn động thế giới. Hồng y Ottaviani và Tổng Giám mục Ruffini, Giáo phận Palermo, ngay sau cuộc bầu giáo hoàng ít lâu đã xin Gioan XXIII triệu tập công đồng. Nhưng khi loan báo mở công đồng Gioan XXIII cho hay đây là một “ơn Chuá ban”. Từ gần 100 năm nay đã không có một công đồng nào. Rõ ràng con thuyền Giáo Hội thời gian qua đã được lèo lái bởi nhiều vị giáo hoàng suất sắc. Phần Gioan XXIII, ngài coi trọng việc cộng tác của các giám mục. Dù có quyền không sai lầm do Công đồng Vatican I trao, ngài vẫn mời gọi giám mục đoàn cố vấn và muốn củng cố nguyên tắc làm việc chung trở lại. Tóm lại, Gioan XXIII là một vị bình dân và được yêu mến nhất về nhiều phương diện.

Vì Gioan XXIII loan báo về một công đồng “hiệp nhất” (oekumenisch), cho nên nhiều người nghĩ đến “phong trào hiệp nhất” và cho rằng đây sẽ là một công đồng có sự tham dự của nhiều nhánh Kitô giáo với mục đích tái hiệp nhất với Chính thống và Tin lành. Hiểu lầm bắt nguồn từ chữ “hiệp nhất”, là một từ ngữ quen dùng trong Giáo Hội. Thực ra, đối với Giáo hội Công giáo, khi từ này đi chung với từ công đồng thì không có nghĩa gì khác hơn là một “công đồng chung”, trong đó có sự tham dự của mọi giám mục và nghị quyết của công đồng có giá trị cho toàn thể Giáo Hội.

Gioan XXIII là người đã gây ra hiểu lầm này, khi vào ngày 30-1-1959, ngài đã nói trong một bài diễn văn không soạn trước: “Chúng ta hãy tới với nhau. Hãy chấm dứt phân rẽ!”. Nhưng cùng năm này, ngày 14-6, ngài xác định lại rõ hơn: Chỉ khi nào Giáo Hội nhận biết mình rõ ràng hơn, thì lúc đó Giáo Hội mới có thể nói: Hãy đến với chúng tôi! Theo ý ngài, việc đại kết với các Giáo Hội khác chỉ có thể thực hiện được sau khi chính tự Giáo Hội đã thích nghi được với những yêu cầu của thời đại (“aggiornamento”). Ngày 29-6-1959, ngài kể ra những mục tiêu cấp thiết nhất mà Giáo Hội phải làm trước khi nói chuyện tái hiệp nhất, đó là phát huy đức tin Công giáo, canh tân nếp sống đạo của các tín hữu và đưa Giáo Hội thích nghi với thời đại.

Việc chuẩn bị Công đồng Vatican II khởi sự năm 1960, sau khi Hồng y Quốc vụ khanh Tardini ngày 25-10-1959 chính thức cho báo chí biết không có dự tính mời các Giáo hội không phải là Công giáo. Đại diện của 18 Giáo hội không Công giáo chỉ có tư cách người quan sát mà thôi. Chuyện họ tới tham dự công đồng đã là một bước tiến trong nỗ lực đại kết của giáo hoàng. Nhớ lại, Piô IX cũng gửi thư mời các Giáo hội không Công giáo dự Công đồng Vatican I, nhưng tất cả đã từ chối thẳng thừng.

Ngày 11-10-1962, một tuần lễ trước khi khai mạc Công đồng, Giáo hoàng Gioan XXIII đi hành hương Loretto và Assisi. Đây là một việc làm trái với truyền thống xưa nay. Sau gần 100 năm lại có một giáo hoàng bước chân ra khỏi Vatican và thành Rôma. Từ nay, khái niệm “tù nhân trong Vatican” không còn nữa. Ngoài ra, cung cách cá nhân của vị giáo hoàng này còn tỏ hiện qua các cuộc thăm viếng nhà thương, các viện mồ côi và các trại tù trong thành phố Rôma.

Khoá họp đầu tiên của công đồng kéo dài tới ngày 8-12-1962. Gần cuối khoá, Đức Thánh Cha bị đau nặng. Ngài chỉ xuất hiện để đọc diễn văn kết thúc khoá họp trong Nhà thờ Thánh Phêrô. Gioan XXIII mất ngày 3-6-1963.

TRÌNH THUẬT 99
TIẾN VÀO TƯƠNG LAI BẰNG NHỮNG LỘ TRÌNH MỚI

“Tôi hết sức đau buồn báo tin cùng quý vị, Giáo hoàng Phaolô VI đã giã từ chúng ta ngày hôm nay, mồng 6-8-1978 lúc 20 giờ 40 phút”. Bằng lời vắn gọn đó người phát ngôn Toà Thánh đã loan báo cho thế giới biết về cái chết của Đức Thánh Cha. Phaolô VI, 81 tuổi, mất vì đứng tim tại Castel Gandolfo. Thông điệp cuối cùng của ngài là những lời chia sẻ về số phận của những người đói khát và đau khổ mà “số lượng đang càng ngày càng gia tăng một cách đáng sợ” và số phận của những người “không thể hoà nhập vào xã hội được”.

Lúc rời Vatican đi nghỉ ở Castel Gandolfo, Phaolô VI đã có linh cảm là sẽ không trở lại nữa. Ngài nói: “Tôi ra đi nhưng không biết có trở về hay không và không biết về bằng cách nào”.

Ngày 21-6-1963, Hồng y đoàn bầu Hồng y Giovanni Battista Montini lên kế vị với danh hiệu là Phaolô VI. Hồng y Montini đã được mọi người chú ý từ lâu, có thể nói ngài đã được nhắc đến từ sau khi Piô XII mất, dù lúc ấy ngài chưa có tước hồng y.

Phaolô VI lên với một gánh nặng quá tải của Gioan XXIII để lại. Gánh nặng đó là Công đồng Vatican II. Ngày 29-9, ngài khai mạc khoá họp thứ hai của Công đồng với những lời như sau: “Chúng ta sẽ không khi nào quên những đường hướng mà ngài (Gioan XXIII) với tư cách là người khai sinh Công đồng đã khôn ngoan chỉ bảo”. Những “đường hướng” đó là: đào sâu việc nhận diện Giáo Hội, canh tân nội tình Giáo Hội, hỗ trợ việc hiệp nhất Kitô hữu và đối thoại với thế giới.

“Hiệp nhất các tín hữu”

Nỗi lo lắng của của Phaolô VI về sự phân rẽ giữa các Giáo hội Kitô giáo được thể hiện qua lời thú tội khi bắt đầu sứ vụ của ngài: “Về lỗi lầm của chúng con trong sự chia rẽ này, chúng con khẩn cầu xin Chúa thứ tha và cũng xin anh chị em (trong các Giáo hội chị em) tha thứ, nếu vì chúng tôi mà anh chị em cảm thấy bị xúc phạm. Về phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tha thứ những bất công đã xảy đến cho Giáo Hội và sẵn sàng quên đi những đau buồn lớn lao do mối hiềm khích và chia rẽ lâu dài gây ra”.

Không chỉ nói suông. Hành động thực thi lời thú đó của Phaolô VI đã làm thế giới ngạc nhiên. Ngày 7-12-1965, ngài công bố giải vạ tuyệt thông mà Rôma đã ra cho Byzanz vào năm 1054, vạ đã khiến Giáo hội Đông phương tách lìa khỏi Rôma. Cùng ngày, Thượng phụ Athenagoras ở Konstantinôp cũng rút lại vạ tuyệt thông đối với Giáo hội Rôma. Vạ này đã được Giáo hội Đông phương ra trả đũa ngay sau khi bị Rôma tuyệt thông. Ngày 25-7-1967, đích thân Phaolô VI đến viếng thăm Thượng phụ Athenagoras tại Konstantinôp. Cùng năm đó, ngày 28-10, Thượng phụ đã đến Rôma thăm viếng đáp lễ. Hai vị Phaolô VI và Athenagoras đã gặp nhau trước đó ở Giêrusalem nhân dịp Phaolô VI du hành vùng Cận đông từ ngày 4 đến 6-1-1964.

Phaolô VI tại Giêrusalem

Phóng viên của tờ báo Đức “Frankfurter Allgemeine Zeitung” tường thuật chuyến viếng thăm Đất Thánh lần đầu tiên của một giáo hoàng như sau: “Đoàn xe của Giáo hoàng đến cổng thành Damakus lúc 16 giờ 45 ngày thứ bảy, trễ mất 80 phút. Hoàng hôn đã sớm phủ xuống trên những tháp canh chen chúc, trên những mái nhà vòm và trên cả những tháp giáo đường Hồi giáo. Những người Ảrập dậm chân đứng đợi. Các máy phóng thanh oang oang những bài hát đạo, âm thanh đến đinh tai nhức óc. Lá cây dừa được phân phát cho dân chúng đang đứng đợi. Lực lượng an ninh Ảrập địa phương rải đầy trên mái nhà, rải đầy khắp đường phố. Trên cổng thành tráng lệ do Soleiman kiến thiết gờm sẵn một ụ súng máy. Giáo hoàng phải ngồi đợi trong xe 20 phút, không ra được vì dân chúng bao vây quanh xe, có kẻ nhoài cả người trên mui xe. Tất cả các bài diễn văn trong buổi tiếp tân phải huỷ bỏ...

Dòng thác người cuồn cuộn tuốn về đường Via Dolorosa. Phaolô VI giờ đã được đưa ra khỏi đám đông. Chung quanh ngài chỉ toàn là kẻ lạ. Cảnh sát mặc thường phục bao vây chặt chẽ quanh ngài. Ngài bị xô bên này, kéo bên kia. Xe cứu thương chạy ngang qua các cổng thành để nhận những người bị thương...

Tối khuya, lúc 10 giờ 30, Giáo hoàng tới chầu Mình Thánh trong nguyện đường ở vườn Giệtsimani. Trước đó đã có một thay đổi bất thường, vượt ngoài chương trình của Vatican đưa ra. Benediktos, thượng phụ của Giáo hội Chính thống Hy Lạp tại Giêrusalem, đến thăm Phaolô VI. Giáo hoàng phải tới thăm đáp lễ. Theo lệ thường Giáo hoàng chưa từng tới thăm đáp lễ bất cứ một vị nguyên thủ quốc gia nào. Nhưng cuộc thăm đáp lễ Benediktos là điều kiện cho những gì kế tiếp. Không có việc thăm hỏi Benediktos, thì có lẽ đã không có cuộc gặp gỡ đại kết với Thượng phụ Athenagoras ở Konstantinôp”.

Giáo hoàng của hoà bình

Phaolô VI đã có tổng cộng 9 chuyến du hành đến năm lục địa. Ngài tham dự Đại hội Thánh Thể Thế giới tại Bombay (Ấn Độ), nói chuyện trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), thăm Tổ chức Lao động Quốc tế ở Genève (Thuỵ Sĩ) và Hội đồng Thế giới các Giáo hội. Ngài đã đến châu Phi (Uganda), đến Nam Mỹ (Kolumbien), đến Manila (Phi Luật Tân), Samoa, Úc và Hương cảng (Hongkong).

Trong 15 năm tại vị, ngoài các chuyến đi vòng quanh thế giới, Phaolô VI còn nhiều lần giấn thân cho hoà bình thế giới bằng qua các tông thư và diễn văn. Đặc biệt Thông điệp “Populorum Progression” (Phát triển các Dân tộc), tài liệu nói về nền hoà bình thế giới, đã được các quốc gia thế giới thứ ba đón nhận nồng nhiệt.

Ngài cũng dùng các cuộc gặp gỡ để phục vụ hoà bình. Tổng cộng Phaolô VI đã tiếp riêng 92 vị nguyên thủ quốc gia và các vị lãnh đạo chính phủ. Từ năm 1963 đến 1978, ngài còn có quan hệ, tiếp xúc ngoại giao với 39 quốc gia. Ngài đã không bao giờ biết mệt mỏi trong công cuộc gây dựng hoà bình thế giới.

Chỉ trong những năm cuối cùng thế giới mới hiểu được...

Ngay từ nhỏ Phaolô VI đã yếu về thể lý và tâm lý. Dù vậy, cho đến những ngày cuối đời ngài vẫn không chịu giữ gìn sức khoẻ. Hồng y Koenig (Giáo phận Wien, nước Áo) phát biểu về Đức Phaolô VI sau khi ngài từ trần: “Dù không to khoẻ như vị tiền nhiệm, ngài vẫn không xa cách mọi người. Có lẽ chưa có vị giáo hoàng nào phấn đấu cho tình thương và sự thông cảm giữa con người với con người như ngài. Hai cánh tay từ tốn và rụt rè giang rộng của ngài là một biểu tượng. Ngài cũng không được những người trong nhà thương mến như vị tiền nhiệm. Chỉ mãi tới những năm cuối đời thế giới mới biết rằng mình đã có được một giáo hoàng như thế nào”.

“Lịch sử sẽ giữ tên ngài”

Trong Thánh lễ Cầu hồn, Hồng y Confalonieri ca ngợi công nghiệp của Phaolô VI: “Lịch sử sẽ lưu mãi tên ngài vì vô số công trạng của ngài”. Hồng y nhắc nhớ đến Công đồng đã được “ngài quyết tâm hướng dẫn và đã đưa tới kết thúc tốt đẹp” và đến giai đoạn sau Công đồng “khi có một số người xem ra lầm lạc hoặc đi quá giới tuyến canh tân mà các nghị phụ công đồng đã đề ra”. Phaolô VI đã “giải thích cặn kẽ và cảnh giác trong tình cha con, đầy cương quyết nhưng cũng tế nhị thận trọng”. Theo lời Hồng y Confalonieri, điểm nổi bật nơi Phaolô VI là “tôn trọng nhưng không yếu mềm, rõ ràng minh bạch với đầy cảm thông, không muốn gây thương tổn cho ai và kiên nhẫn nhìn xa”. Ngài có một tấm lòng “đầy nhân hậu”.Ngài nói chuyện với mọi người để củng cố đức tin nơi họ. Ngài đến với mọi anh em trong các Giáo hội bạn để chia sẻ âu lo và mong ước của ngài về sự hiệp nhất của Giáo Hội”.

Giáo hoàng Gioan Phaolô I từ trần sau 33 ngày tại vị

Khi Phaolô VI mất ngày 6-8-1978, Hồng y đoàn đã lên tới 130 vị. Theo thủ tục bầu đã được Phaolô VI sửa đổi thì chỉ có 116 vị có quyền bỏ phiếu, vì các vị khác đã trên 80 tuổi. Trong số 116 vị có quyền bầu có 65 hồng y của châu Âu, 23 vị của châu Mỹ Latinh, 15 vị của bắc Mỹ, 12 vị của châu Phi, 11 vị của châu Á và 4 vị của châu Úc. Thực sự chỉ có 111 hồng y về Rôma dự cuộc bầu. Cuộc bầu cử nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội diễn ra ngày 26-8-1978 đã chọn Hồng y Albino Luciani, Thượng phụ Giáo phận Venezia, 65 tuổi, lên kế vị Phaolô VI. Ngài chọn tên hiệu là Gioan Phaolô I. Sở dĩ chọn tên hiệu kép này là vì ngài muốn tiếp tục theo đuổi đường lối của hai vị tiền nhiệm: Gioan XXIII và Phaolô VI.

Khi được bầu, Gioan Phaolô I đối với công luận thế giới là một nhân vật không tên tuổi. Nhưng khi thấy ngài tươi cười xuất hiện trên bao lơn Nhà thờ Thánh Phêrô, đám đông dân chúng nồng nhiệt vỗ tay reo hò chào ngài, như chào một vị mà họ đã từng mong đợi. Chính ngài cũng tỏ ra chẳng hứng thú lắm về việc đắc cử. Với các hồng y đã bầu mình, ngài nói: “Xin Chúa tha thứ cho quý vị về những gì quý vị đã gây ra cho tôi”.

Thân phụ của Hồng y Luciani là một thợ nề, đảng viên đảng xã hội, một người chống giáo sĩ, đã một thời sang làm thợ khách ở Đức và Thuỵ Sĩ. Vì thế, những người nghèo trên thế giới đặt hy vọng nhiều vào ngài. Nhưng ngài đã mất sau 33 ngày tại vị vì bị đứng tim. Không ai hiểu được cái chết đột ngột này, nhưng cũng chẳng ai quên được nụ cười của ngài.

Gioan Phaolô II đến từ Đông Âu

Ngày 16-10-1978, Hồng y Wojtyla, Tổng Giám mục Giáo phận Krakau (Ba Lan) được chọn làm Giáo hoàng, với danh hiệu Gioan Phaolô II. Vị cuối cùng không phải người Ý là giáo hoàng người Đức Hadrian VI, đã cách nay 455 năm. Gioan Phaolô II không những chỉ là người Slavơ đầu tiên mà còn là vị giáo hoàng đầu tiên xuất hiện từ trong vùng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Đối với báo chí thế giới, sự kiện Hồng y Wojtyla đắc cử là một “tin chấn động”. Nhưng đối với tín hữu Công giáo, cuộc bầu này đã chứng tỏ cho thấy rằng Giáo Hội hôm nay cũng không kém trẻ trung và năng động như Giáo Hội của 2000 năm trước. Nó cũng cho thấy là Giáo Hội ngày nay vẫn có thể tìm ra được những con đường mới để đi vào thế giới.

Còn tiếp

Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (98-99)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   179 tin bài trong TÀI LIỆU » Đọc Sách
  Vatican II đã trở lại trong các bản tin, đặt ra câu hỏi: Vatican I là gì? | Cao Nguyên
  Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan | Minh Nhật biên tập
  Tết của mẹ | Thanh Phong
  Gặp gỡ Sandra Sabattini, một thiếu nữ 22 tuổi mới được phong chân phước | Cao Nguyên tổng hơp
  Kinh Mân Côi là sự sùng kính với cả Trái tim, Trí óc và Thân thể | Susan Klemond
  Tòa thánh báo cáo về cuộc đàm phán giữa Taliban để ngăn chặn thảm họa nhân đạo | Cao Nguyên dịch
  Tam Nhật Thánh: Tìm thấy các biểu tượng của 7 Bí tích trong Kinh Lạy Cha | Julia Kang - Cao Nguyên dịch
  Phép lạ của Thánh Giuse về chiếc máy bay gãy đôi nhưng không thiệt hại nhân mạng | Mi Trầm
  Đấng đáng kính TGM Fulton Sheen viết về Thánh Giuse | Cao Nguyên
  Sách mới về ĐTC Phanxicô: “Thiên Chúa và thế giới sẽ đến” | Ngọc Yến
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (11) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (10) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (9) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (8) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (7) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (6) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (5) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (4) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (3) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (2) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@