Hãy đầu tư vào con cái của bạn. Hãy cho chúng thời gian, sự quan tâm và tình yêu của bạn. Vì chúng là tương lai.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15067
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TIN TỨC - SỰ KIỆN » Sự Kiện Trong Tuần
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
"Văn hoá - giáo dục phải là một trong những sứ vụ ưu tiên của GH"

WEBSITE GIÁO PHẬN VINH PHỎNG VẤN ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP

TTCG − BBT vừa nhận được bài phỏng vấn của WEB Giáo phận Vinh từ Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Đây là bài phỏng vấn thứ ba dành cho Đức cha Phaolô, được thực hiện từ Giáo phận của ngài. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

***

1. “Sự thật và Tình yêu” là châm ngôn mục vụ được Đức Cha lựa chọn. Châm ngôn này được gợi hứng từ đâu?

GM-NTH: Châm ngôn mục vụ của tôi là Sự thật và Tình yêu. Châm ngôn này được gợi hứng từ Thánh Kinh và muốn nhấn mạnh hai yếu tố căn bản của Kitô giáo: Sự thật được diễn tả bằng hai màu “đen-trắng”, lấy từ logo của Dòng Đa Minh, còn trái tim bao bọc chung quanh là biểu hiệu của tình yêu. Thấp thoáng bên dưới là hình ảnh con thuyền Giáo Hội đang rẽ sóng tiến về “Sự thật và Tình yêu”. Tất cả được nối kết với nhau và gắn chặt vào thập giá của Đức Kitô. Thật vậy, đối với các Kitô hữu, Đức Kitô chính là “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Không ai có thể đến với Thiên Chúa mà không ngang qua Người. Và cũng chẳng ai được cứu rỗi, nếu không yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta.

Châm ngôn có hai vế. Vế đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm kiếm tìm và phục vu Chân lý. Thánh Đa Minh đã lấy việc loan báo Tin Mừng và phục vụ chân lý như ơn gọi của Dòng Giảng Thuyết. Đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi này là phải tôn trọng phản ánh chính xác của sự vật khách quan, cũng như các quy luật và giá trị của chúng. Yêu cầu tôn trọng sự thật khách quan vẫn được coi là thái độ lương thiện trí thức. Đức Giêsu cũng thường căn dặn các môn đệ: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Theo Thánh Tôma Aquinô, việc truy tầm chân lý đòi hỏi thái độ chân thành và biết mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật “bất cứ từ đâu tới và bất kỳ do ai nói”.

Đối với các Kitô hữu, ngoài sự thật tự nhiên nói trên còn phải kiếm tìm sự thật siêu nhiên, có sức cứu độ và giải thoát con người. Đó chính “Ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi trần gian”, mà Đức Kitô đem đến. Chính Ngài đã tuyên bố với người Do Thái: Sự thật sẽ giải phóng các ông và làm cho các ông được tự do, trái lại, tội lỗi và lầm lạc sẽ nô lệ hoá con người, làm cho họ bị vong thân, băng hoại, khốn khổ (x. Ga 8,31-36).

Thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật sắc nét phần thứ hai của châm ngôn qua Bài ca Đức Ái (x. 1 Cr 13,1-14). Vị Tông đồ dân ngoại, mà tôi được hân hạnh nhận làm thánh quan thầy, quả quyết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi…”.

Lấy oán báo oán vẫn được coi là điều dĩ nhiên ở thời đại ấy. Chỉ một số hiền nhân hiếm hoi mới vượt khỏi cái lẽ thường tình và bắt đầu đặt vấn đề về hiện tượng “oán báo oán, oán chập chùng”. Lần kia, một môn sinh hỏi Khổng Tử: “Lấy ân báo oán được chăng?”. Vị vạn thế sư biểu trả lời: “Nếu lấy ân báo oán thì lấy gì báo ân?”. Và ngài đề nghị: “Lấy chính nghĩa báo oán và lấy ân báo ân”. Phải công nhận rằng đây là một quan niệm triết lý chính trị nhân bản và tiên bộ  mà suốt mấy ngàn năm qua nhân loại đã cố gắng thể hiện. 

Tuy nhiên, từ viễn ảnh tôn giáo, Thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu cố gắng đi xa hơn lẽ thường tình và ngay cả triết lý chính trị tiến bộ ấy. Ngài tha thiết nhắn nhủ: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa (…). Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt (…). Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,14.17.21).   

Chính Đức Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài Giảng Trên Núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến chương Nước Trời: “… Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,7-10).

Thánh Gioan đã dám định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Đức Giêsu cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau… như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó, “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13,34-35).

2. Trong bài phát biểu ngày về với Giáo phận (27/5/2010), Đức Cha đã nói: “Cho đến nay, tôi dấn thân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục xã hội...", và trong bài trả lời phỏng vấn của Trang tin HĐGMVN, Đức cha tâm sự rằng cho đến thời điểm hiện tại, “vẫn còn lại 1 hội nghị quốc tế, 2 cuộc toạ đàm, 2 khoá thường huấn và 2 cuộc tuần tĩnh tâm”. Là Giám mục Giáo phận, với gánh nặng mục vụ, liệu Đức Cha có phải “hy sinh” những nghiên cứu, suy tư...?

GM-NTH: Càng ngày tôi càng ý thức tầm quan trọng của mối tương quan giữa đức tin và văn hoá trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ở thời đại chúng ta. Khá nhiều văn kiện của Toà Thánh và của các Hội đồng Giám mục đề cập đến vấn đề nóng bỏng này. Để loan báo Tin Mừng cho thời đại đa phức tôn giáo và đa văn hoá hôm nay, chúng ta phải tích cực dấn thân đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với các tôn giáo và các nền văn hoá. Công đồng Vatican II chính thức công nhận: “Có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hoá. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Ngài tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con Nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người qua các loại văn hoá riêng biệt của từng thời đại. Cũng thế, trải qua những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hoá khác nhau để phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân, qua lời rao giảng”.

Trên nguyên tắc, Tin Mừng không cần một mảnh đất riêng nào để sống và cũng chẳng đồng hoá với bất cứ nền văn hoá nào, nhưng trong thực tại lịch sử, công cuộc loan báo Tin Mừng không thể tách rời các nền văn hoá. Theo các Giám mục Á Châu, “văn hoá là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, thì những người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống (...). Từ viễn cảnh đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao Tin Mừng hoá và hội nhập văn hoá tương quan với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hoá. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hoá, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hoá nhân loại”.

Chỉ có thể gọi là một cuộc loan báo Tin Mừng thành công khi chất men Tin Mừng thực sự đi vào lòng người, hội nhập vào truyền thống dân tộc và biến thành văn hoá. Trong Văn thư thành lập “Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá”, Đức Gioan Phaolô II diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan mật thiết giữa Tin Mừng và văn hoá như sau: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hoá là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”.

Chính trong ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng loan báo Tin Mừng trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục phải là một trong những sứ vụ ưu tiên của Giáo Hội chúng ta. Nhưng làm sao kết hợp hài hoà trách nhiệm mục vụ truyền thống của một giám mục với việc dấn thân trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục? Hiện nay tôi đang cố gắng kiếm tìm một câu trả lời thoả đáng cho thách đố này.

3. Giáo phận Vinh là một giáo phận rộng lớn (với địa bàn rộng thứ nhì và số giáo dân đông nhất trong Giáo tỉnh Hà Nội) và là giáo phận giàu truyền thống. Đâu là định hướng mục vụ ưu tiên của Đức Cha sau khi nhậm chức?

GM-NTH: Trở về với Giáo phận Vinh tôi cảm thấy nguồn vui được trở lại môi trường tự nhiên, như người con xa quê được quay về miền Đất Mẹ, như máu chảy về tim… Theo kiểu nói của Thánh Augustinô, cùng với giáo dân Vinh, tôi là một Kitô mang đậm dấu ấn Nghệ-Tĩnh-Bình, và vì giáo dân Vinh, tôi đang cố gắng phấn đấu để trở thành một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Vinh, theo phong cách Nghệ-Tĩnh-Bình và mang tâm tình yêu thương của Đức Kitô. 

Tôi là một linh mục Dòng Đa Minh và được đào tạo để loan báo Tin Mừng trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - xã hội. Tôi không biết trên thế giới có trường nào dành riêng để đào tạo giám mục hay chăng? Riêng bản thân tôi chưa từng ghi tên theo học “kỹ năng làm giám mục”. Cũng chưa có dịp thực tập cách thức điều hành giáo phận. Hơn nữa, phải nói rằng hoạt động mục vụ của giám mục là một thế giới khá xa lạ với sinh hoạt bình thường của tôi. Chắc chắn trong thời gian đầu sẽ vác gậy và mũ đi theo “Đức cha già” Cao Đình Thuyên để học nghề.

Trong mấy năm vừa qua, tôi đã có dịp giảng dạy ở Đại Chủng viện Vinh Thanh và thăm một số họ đạo. Nhưng Giáo phận Vinh là một giáo phận rộng lớn và giàu truyền thống, nên dĩ nhiên phải tiếp tục học hỏi và tiếp cận thực tế nhiều hơn nữa. Trước mắt, tôi cố gắng tiếp tục và kiện toàn những gì đang có. Sau đó sẽ cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân kiếm tìm một chương trình mục vụ thích hợp cho giáo phận. Tuy nhiên, nếu hỏi về yếu tố ưu tiên trong chương trình mục vụ thì, đối với tôi, luôn luôn vẫn là sứ vụ loan báo Tin Mừng và đào tạo nhân sự.

4. Vào lúc này, Đức Cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Nghệ-Tĩnh-Bình?

GM-NTH: Một linh mục Giáo phận Vinh đã diễn tả cái khắc nghiệt của Nghệ-Tĩnh-Bình như sau: “Quê tôi gạt sỏi tìm cơm/Hết mưa, thôi hạn lại cơn bão gần”. 

Như một quy luật bù trừ của Tạo Hoá, chính từ vùng đất khô cằn đó đã xuất phát nhiều con người tài năng, can trường, khí tiết và đầy cá tính. Hình như trong điều kiện thiên nhiên nghiệt ngã đó, con người chỉ có thể vươn lên nhờ năng lực của trí tuệ, sự kiên nhẫn và phấn đấu của bản thân.

Người ta đã kể quá nhiều giai thoại về cái ngang, bướng, bộc trực và kiên cường của người dân xứ Nghệ. Có người xếp dân Nghệ vào loại dân có “máu cách mạng”, gàn bát sách, hung hăng tiết vịt, liều lĩnh và đôi khi thích cầm đèn chạy trước ô tô. Rất tiếc phạm vi giới hạn của bài phỏng phấn không cho phép kể lại tất cả, chỉ xin trích dẫn một vài nhận định.

Sau một thời gian sống và giảng dạy tại Vinh, GS Nguyễn Văn Mạnh đã nhận định về người Nghệ như sau: “Tôi cho rằng dân Nghệ Tĩnh sống quá khắc khổ và có một ý chí rất quyết liệt. Họ đã muốn gì thì phải tranh đoạt bằng được. Và quá tự hào, tự phụ về quê hương mình. Cãi nhau với người Nghệ Tĩnh là dại. Vì họ tự cho là đúng nhất, giỏi giang nhất và vì thế cãi đến cùng, lý sự đến cùng, căng thẳng, quyết liệt đến cùng, khiến đối phương mệt quá, đành phải bỏ cuộc. Dân Nghệ Tĩnh nói chung có tật hay khoe khoang. Khoe tài, khoe giỏi, khoe quê hương cái gì cũng nhất, từ chính trị đến văn hoá nghệ thuật. Ở đâu, trên xe lửa, trong ôtô bus, hay ở những cuộc gặp mặt đông người nào đó, tiếng Nghệ Tĩnh cứ oang oang như muốn lấn át tất cả”.

GS Hoàng Ngọc Hiến, gốc Nghệ Tĩnh và cũng có phong cách rất ư là “Nghệ”, đã nói về đồng hương của mình như sau: “Người Nghệ Tĩnh cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”.

Linh mục thừa sai Abgrall, quen gọi là Cố Đoài, từng giữ chức Cha Chính Giáo phận và cũng là một ứng viên sáng giá giám mục Đại diện Tông toà ở Vinh, sau nhiều năm truyền giáo tại vùng đất Nghệ-Tĩnh-Bình, đã đưa ra một nhận định thật sâu sắc: “Những người dân ở đây luôn đi đầu trong nổi loạn và đi sau cùng khi phải đầu hàng”. Nhiều người đã mỉm cười và gật gù đắc chí khi đọc nhận định này, vì trên tổng thể, nó vẫn còn đúng cho đến hôm nay. 

Nhưng cũng chính nhờ cá tính và chí khí bất khuất đó mà người Nghệ-Tĩnh-Bình luôn kiên cường, hăng say dấn thân và dám đương đầu với những nghịch cảnh. Về mặt tôn giáo, Vinh là một giáo phận lớn, nhiều truyền thống, nhân lực dồi dào và tổ chức chặt chẽ. Có lẽ ít ở nơi nào người ta gặp thấy các tín hữu yêu mến Giáo Hội và gắn bó với các giám mục… như ở Giáo phận Vinh. Những sinh viên Công giáo hăng say dấn thân nhất tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… phải chăng cũng là nhóm sinh viên gốc Vinh? Giới trẻ gốc Giáo phận Vinh cũng đang hiện diện đông đảo tại hầu hết các dòng tu ở Việt Nam, đến độ nhiều người đã ví von: “Trời đất đầy Vinh… quang Chúa”.   

Nhân dịp Năm Thánh 2010 này, ước mong sao cộng đồng Dân Chúa tại Vinh biết cùng với Giáo hội Việt Nam “ôn cố tri tân” để tích cực loan báo Tin Mừng. Thiết tưởng cũng nên nhìn lại chính mình để phát huy hơn nữa sở trường và cố gắng giảm thiểu khía cạnh tiêu cực. Đặc biệt, trong thời đại hôm nay làm sao gia tăng đối thoại, đa diện hơn trong cách nhìn và mềm dẻo hơn trong phê phán cũng như đường lối ứng xử.

5. Sau cùng, là một người có nhiều duyên nợ và cũng đã từng dấn thân trong lĩnh vực truyền thông, Đức Cha có điều gì muốn chia sẻ với độc giả Web Giáo phận.

GM-NTH: Theo luật lệ hiện hành, tại Việt Nam truyền thông xã hội vẫn hoàn toàn trực thuộc Nhà nước. Vì vậy, mặc dù, cả nước có tới 702 cơ quan báo chí và hầu như tỉnh nào cũng có truyền thanh hay truyền hình, nhưng tất cả báo đài hiện nay đều trực thuộc cơ quan công quyền. Trước mắt, xã hội dân sự chưa hình thành và chưa thực sự đóng góp phần tích cực của mình cho truyền thông.

Riêng đối với giới Công giáo, trên cả nước, chỉ vỏn vẹn 2 tờ báo dành riêng cho giới Công giáo. Tờ “Người Công giáo Việt Nam” ở Hà Nội, chỉ phát hành vài ngàn tờ một tuần và có ảnh hưởng rất hạn chế. Tờ “Công giáo và Dân tộc” có 2 ấn bản: Tuần báo với gần 15.000 tờ và Nguyệt san với khoảng 3.000 tờ. Nhưng cả hai đều là cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên của UBMTTQVN. Về mặt pháp lý, Giáo hội Công giáo chỉ có tờ Hiệp Thông, và cũng chỉ mới xuất hiện từ 10 năm nay (12-1998), dưới hình thức một “Bản tin”, lưu hành nội bộ, với số lượng theo giấy phép chỉ vỏn vẹn 100 bản (trong thực tế, số lượng in nhiều hơn) và hai tháng mới ra một kỳ. Rất tiếc là Giáo Hội cũng chưa tận dụng và khai thác tối đa phương tiện ít ỏi này.

Vì không có phương tiện truyền thông nên nhiều lần giới Công giáo bị nhiều thiệt thòi. Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn than: “Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi này nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi là sự thật bị cắt xén, bị bóp méo, thêm râu ria, có khi là sự thật một chiều, một mặt. Phải chăng nguyên nhân là do quan điểm cho rằng sự thật chỉ là những gì có lợi cho mình? Hoặc do cái nhìn bị giới hạn bởi hoàn cảnh? Hoặc do nỗi sợ hãi nào đó thường núp bóng sau lưng những hình thức bạo lực? Và hậu quả trước mắt là dễ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, hoặc gây nhiễu và làm biến chất những mối quan hệ xã hội”.

Các Giám mục Việt Nam cũng đã nhận định về thực trạng truyền thông tại Việt Nam như sau: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó, con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cho cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến vấn đề này”.

Các Giám mục đề nghị giải pháp khắc phục là: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những méo mó cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng và văn minh”.

Tình trạng yếu kém về truyền thông xã hội của giới Công giáo Việt Nam ngoài lý do “pháp lý” nêu trên, phải chăng còn có yếu tố nội bộ, do sự thiếu nhiệt thành, thiếu năng động, ít sáng tạo và tổ chức yếu kém? Chúng ta đang sống trong giai đoạn thông tin kỹ thuật số: Thông tin không chỉ được phổ biến trên nguyệt san, tuần san hay nhật báo, mà trên mạng, với nhịp độ từng giờ, từng phút và từng giây.

Thật vậy, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở để bùng nổ thông tin qua các trang web và các blog cá nhân. Đây là một hình thức thông tin mới, hấp dẫn, năng động, đa dạng, vừa bằng chữ viết, vừa kèm theo hình ảnh hay minh hoạ. “Kể từ buổi sơ khai năm 1997 đến nay, blog đã tăng vùn vụt về số lượng và ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng to lớn của mình. Thế giới hiện có hơn 70 triệu trang blog tồn tại, với hơn 1,5 triệu bài viết mới mỗi ngày, trong đó, blog sử dụng tiếng Việt đã lên đến con số hơn 3 triệu. Với webblog cá nhân, người đưa tin có trang web để tự thể hiện mình, nối kết chia sẻ hình thành mạng xã hội, giải phóng sự thật ra khỏi những rào cản và lăng kính của các thiết chế quyền lực truyền thống, thách thức ngay cả các tập đoàn truyền thông đang áp đặt thông tin ở quy mô quốc gia hay toàn cầu”.

Nếu truyền thông là “diễn đàn hàng đầu của thời hiện đại” mà chúng ta cần khai thác để phục vụ công tác loan báo Tin Mừng, thì “Giáo Hội sẽ cảm thấy sai lỗi trước mặt Chúa nếu không sử dụng các phương tiện truyền thông cho sứ vụ Phúc Âm hoá”. Nếu báo viết bị hạn chế, tại sao không phát triển báo mạng? Các trang web hiện nay không phải là công cụ thông tin hiện đại, hữu hiệu, năng động và nhanh nhất? Có bao nhiêu người Công giáo sử dụng blog cá nhân này để thông tin, giáo dục và loan báo Tin Mừng? Mấy năm gần đây cũng đã xuất hiện một số trang Web Công giáo, nhưng chất lượng của các trang web đó như thế nào và được độc giả đón nhận ra sao?

Trong tinh thần trách nhiệm và xây dựng tương lai, xin được kết thúc bài phỏng vấn này với tâm nguyện của Giáo chủ Biển Đức XVI gửi giới trẻ: “Các bạn trẻ rất quý mến, các con hãy dấn thân đem vào nền văn hoá truyền thông và phương tiện thông tin mới mẻ này những giá trị mà cuộc sống của các con dựa vào! Vào thời sơ khai của Giáo Hội, các Tông đồ và các môn đệ của các ngài đã mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho thế giới Hy-La: khi đó, công tác Phúc Âm hoá, để được phong nhiêu, đòi hỏi phải hiểu biết cách chăm chú nền văn hoá và các phong tục của các dân ngoại này với mục đích chạm đến tâm trí của họ. Ngày nay cũng thế, việc loan báo Chúa Kitô trong thế giới công nghệ kỹ thuật mới giả thiết sự hiểu biết sâu xa về chúng để sử dụng chúng cách đúng đắn. Chính nơi những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện truyền thông mới mẻ này, mà đặc biệt bổn phận Phúc Âm hoá “lục địa kỹ thuật số” này thuộc về các con. Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con!”

Ước mong sao gia trang (trang Web) của giáo phận có thêm cộng tác viên trẻ và phát triển hơn nữa về mọi phương diện. Để thực hiện được điều đó, đã đến lúc cộng đồng Dân Chúa cần ý thức hơn nữa vai trò của truyền thông và tích cực hỗ trợ trang Web của giáo phận chúng ta.

WEB GP. Vinh thực hiện

 

 

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

"Văn hoá - giáo dục phải là một trong những sứ vụ ưu tiên của GH"

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 3-2024
Cầu nguyện cho những vị tử đạo mới
Chúng ta hãy cầu nguyện để những ai có nguy cơ phải mất mạng sống vì Tin Mừng tại các nơi khác nhau trên thế giới, làm giàu cho Giáo Hội bởi lòng dũng cảm và sự nhiệt thành truyền giáo của họ.
For new martyrs
Pope Francis urges the faithful to pray during March for “those who risk their lives for the Gospel in various parts of the world.”
Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@