Sáng thứ ba 10/9, ĐTC Phanxicô đã từ
giã Madagascar để trở về Roma, kết thúc chuyến viếng thăm 7 ngày dày đặc
các hoạt động tại 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice.
Thời
gian ĐTC viếng thăm ngắn ngủi những cũng đã để lại những hình ảnh đẹp,
những tâm tình ấm áp, và trên hết là hy vọng cho những đất nước đang còn
đối diện với nhiều khó khăn thử thách.
Mozambique
ĐTC
đã viếng thăm Mozambique từ chiều ngày 4 đến chiều ngày 6/9 và dư âm
chuyến viếng thăm của ngài vẫn còn vang vọng sau khi ngài từ giã nước
này. Cha Bernardo Suate, phóng viên của Vatican News có mặt tại Mozambique, đã cảm nhận được niềm vui và gia sản mà ĐTC để lại cho Mozambique.
Quá tuyệt vời, quá mãnh liệt, được chờ đợi rất nhiều...
Cha
chia sẻ: “Sau khi ĐTC từ giã Mozambique, người dân dường như vẫn không
tin rằng họ đã có những ngày tuyệt vời với ĐTC: quá tuyệt vời, quá mãnh
liệt, được chờ đợi rất nhiều... Tôi đã nghe điều này từ các giám mục,
các linh mục mà tôi đã nói chuyện, và từ những người bạn, từ các giáo
dân... Những ngày thật đẹp! Điều mọi người hy vọng là ngọn lửa mãnh liệt
này sẽ không sớm tắt. Mong rằng niềm hy vọng mà sứ điệp của ĐTC mang
đến, sứ điệp về niềm hy vọng, về sự gần gũi, hoà bình và hoà giải, sẽ
được đón nhận và được thực hành trong cuộc sống hằng ngày.
Cha
Suate cũng hy vọng rằng, như chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II
cách đây 31 năm, bắt đầu cho một nền hoà bình thực sự và lâu dài, chuyến
viếng thăm của ĐTC Phanxicô cũng có thể mang lại hoà bình, bởi vì mọi
người đã đón tiếp ngài trong hân hoan vui mừng, điều này muốn nói rằng
sứ điệp, sự hiện diện và chính con người của ĐTC đã đánh động mọi người.
Báo chí: ĐTC Phanxicô là sự hiện diện của hoà bình
Trong
những ngày ĐTC ở Mozambique, báo chí nói đến tầm quan trọng của chuyến
viếng thăm; báo thân với chính quyền nhấn mạnh đến những lúc ĐTC nói với
người trẻ, nói về sự bình đẳng là cơ hội cho hoà bình. Nhưng cả báo đối
lập cũng nói rằng sự hiện diện của ĐTC phải được hiểu như là sự hiện
diện của hoà bình chứ không có mục đích chính trị.
ĐTC gần gũi những người nghèo hèn đau khổ...
Cha
Suate đã hiện diện khi ĐTC gặp những người nghèo khổ của Mozambique như
các trẻ em đường phố ở “Nhà Mátthêu 25”, các bệnh nhân tại Bênh viện
Zimpeto. Đối với cha, sự hiện diện của ĐTC là lời khích lệ người trẻ
đừng bỏ cuộc trước những khó khăn và nhiều người trẻ đã nhấn mạnh đến
điều này. ĐTC gần gũi những người nghèo, các bệnh nhân, những người rốt
cùng, bị loại bỏ. Cha nói: ĐGH Phanxicô luôn như thế. Lời đầu tiên ĐGH
nói, trong diễn văn đầu tiên của ngài, là nói với các nạn nhân của hai
trận bão ở Beira và Capo Delgado, để nói rằng ngài gần gũi với họ, chia
sẻ lo âu, đau khổ với họ… Giờ đây khi ĐTC đã giã từ chúng tôi, chúng tôi
nhận ra rằng cần thực hiện điều này trong cuộc sống mỗi ngày.
Madagascar
Tại
Madagascar, Cha Jean-Pierre Bodjoko, có mặt tại nước này trong những
ngày này, cho biết, chiếc máy bay của hãng hàng không Madagascar chở ĐTC
về Roma cất cánh giữa những tiếng ca vui mừng và những lời “au-revoir”,
tạm biệt!
Ghi nhớ những lời bình an và hy vọng của ĐTC
Cha
chia sẻ: Người Madagascar nói chung, tín hữu Công giáo hay không, ghi
nhớ những lời bình an và hy vọng của ĐTC trong chuyến viếng thăm này, để
đối diện với những thách thức của sự kém phát triển và bệnh tật đang
hoành hành trong đất nước. Người Madagascar đánh giá cao lời của ĐTC
Phanxicô, nhắc lại những điều tạo nên bản chất của văn hoá Madagascar,
cụ thể là "fihavanana", là tinh thần liên đới, đoàn thể, thân tộc, hoà
giải, mà những người lãnh đạo thường lãng quên.
Đồng thời, những
lời của ĐTC trong bài giảng hay trong diễn văn trước chính quyền, xã hội
dân sự và ngoại giao đoàn, vì lợi ích chung của Madagascar, là sự ủng
hộ đối với công việc của các giám mục, để chống lại sự mất cân bằng xã
hội, vì một xã hội công bằng, không tham nhũng, không có dính bén nguy
hiểm với sức mạnh của tiền bạc và lợi nhuận cá nhân.
Tiếng kêu đau khổ trước nạn phá rừng...
Chuyến
tông du của Đức Thánh Cha cũng là một tiếng kêu đau khổ trước sự khai
thác rừng không kiểm soát tại hòn đảo vĩ đại này. Đối với người dân
Madagascar, ĐTC đã chạm đến điểm thực của cuộc sống hàng ngày của đất
nước khi nhìn thấy thế hệ tương lai của nó bị hy sinh và bị tổn hại
trước nạn phá rừng quá mức, nạn cháy rừng, chặt phá các cây quý giá,
xuất khẩu gỗ bất hợp pháp vì lợi ích của một nhóm thiểu số.
Hy
vọng rằng tất cả những điều này thay đổi và người dân sống trong niềm
vui vẫn là mong muốn của tất cả người dân Madagascar sau chuyến viếng
thăm khích lệ này của ĐTC.
Maurice
Chuyến viếng thăm lịch sử
ĐTC
Phanxicô chỉ thăm Maurice vài giờ nhưng chuyến viếng thăm của ngài đã
được coi là lịch sử... Một Thánh lễ quy tụ 100.000 người, viếng thăm Đền
Thánh Chân phước Laval, và một thông điệp gửi đến chính quyền được dân
chúng đón nhận ... Trong hai bài phát biểu, ĐTC đã đề cao tinh thần của
người Công giáo và canh tân đức tin của họ. Đó là nhận định của Xavier
Sartre, phóng viên Vatican News tại Maurice.
Niềm vui, cảm xúc... hiệp nhất
Những
nụ cười, những giọt nước mắt của niềm vui và cảm xúc, những bài hát hỗn
hợp... của các tín hữu Công giáo và cả Ấn giáo và Hồi giáo, tất cả đều
tôn vinh cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô .. và cảm giác hiệp nhất của
toàn bộ dân tộc... Đây là những gì xuất hiện ở Maurice trong ngày này
tại Đền Thánh Chân phước Laval, vị tông đồ của hòn đảo, khuôn mẫu của
linh mục như mong muốn của Đức Phanxicô...
Quan tâm đến người trẻ
ĐTC
đã ca ngợi sự giàu có của con người ở Maurice, cuộc sống hài hoà đặc
biệt này, mặc dù có những căng thẳng không thể tránh khỏi, nhưng ngài
cũng kêu gọi quan tâm đến những người trẻ để họ không phải là kẻ yếu thế
của một nền kinh tế mở rộng nhưng không quan tâm đến hạnh phúc của
người dân... ĐTC cũng khuyến khích người Công giáo hãy vui mừng và loan
truyền đức tin của họ theo cách này, không bao giờ bỏ cuộc khi gặp khó
khăn...
ĐTC đã nhắc với các nhà chức trách rằng để duy trì sự tin
tường giữa những người cầm quyền và người dân, cần phải chống tham
nhũng và làm gương tốt, quan tâm đặc biệt đến môi trường.
Ôm trọn Ấn Độ Dương
Trên
đường đến Maurice, ĐTC đã ôm trọn Ấn Độ Dương, ngài không chỉ thăm hòn
đảo này mà còn tất cả những nơi khác: Rodrigues và Agalégas, Réunion,
quần đảo Comores và Seychelles… Ngài đã đặt các nơi này trên bản đồ của
Giáo hội… canh tân đức tin của các tín hữu và củng cố các mối quan hệ
giữa các cộng đồng khác nhau…