tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
RSS EVERYTHING MEANING TO YOU
Cập nhật ngày: 11/7/2019 5:17:50 AM
Khi bom rơi xuống Vatican
Đền thờ Thánh Phêrô năm 1940
TT (Thành phố Vatican, 5/11/2019, CNA, Hannah Brockhaus) - Vào một đêm mùa thu đen tối ở Rome, nơi đang chịu sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và là mục tiêu của các cuộc tấn công ném bom của lực lượng Đồng minh và phe Trục. Nhà nước Thành phố Vatican là một lãnh thổ trung lập trong Thế chiến II, nhưng ngay sau 8:00 tối ngày 5 tháng 11 năm 1943, một chiếc máy bay nhỏ không mang dấu hiệu đã thả năm quả bom xuống Vatican. Chỉ có 4 quả phát nổ - quả đầu tiên phát ra gần nhà ga xe lửa Vatican, quả thứ hai phát nổ trên xưởng khảm của Bảo tàng Vatican phá huỷ một số tác phẩm bên trong, quả thứ bà làm hư hỏng các văn phòng trong toà nhà chính quyền, và quả thứ tư phát nổ trên mặt đất bên ngoài Nhà khách Santa Marta, làm cho kính trong cửa sổ phía sau Đền thờ Thánh Phêrô bị vỡ.

Không ai bị thương, nhưng cho đến thập kỷ trước, vụ đánh bom đã bị che giấu trong bí ẩn, bởi vì không có nhiều thông tin về người thực hiện vụ tấn công và tại sao. Vào thời điểm đó, Rome bị quân Đức chiếm đóng và là một phần của Cộng hoà Xã hội Ý, một quốc gia bù nhìn của Đức do Benito Mussolini lãnh đạo. Chính phủ Mussolini, cáo buộc Hoa Kỳ đã thả bom và báo chí phát xít đã buộc tội quân Đồng minh.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2010, tác giả Augusto Ferrara đã cho thấy những tài liệu ngay sau vụ đánh bom, Quốc vụ khanh Toà Thánh đã triệu tập một cuộc điều tra về nguồn gốc của vụ tấn công, gửi thư cho Đức, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh yêu cầu giải thích. Việc đổ lỗi cho cuộc đột kích đã bị cả ba quốc gia từ chối. Nhưng cuộc điều tra phát hiện ra rằng những quả bom được thả xuống từ một chiếc máy bay S.79 cung cấp bởi Cộng hoà Xã hội Ý, vốn đã rời khỏi sân bay của Viterbo, khoảng 50 dặm về phía bắc của Rome.

Tài liệu trong cuốn sách tiếng Ý, có tựa đề "1943. Bombe sul Vaticano", cho thấy vụ đánh bom được ra lệnh bởi Roberto Farinacci, một chính trị gia phát xít và cố vấn cho Mussolini, người muốn phá huỷ Đài Phát thanh Vatican vì nghĩ rằng đài này đang truyền thông tin quân sự cho "kẻ thù".

Vào Chủ nhật ngay sau vụ tấn công, đấng đáng kính Pius XII đã nói chuyện với mọi người ở Quảng trường Thánh Phêrô, giải thích những gì đã xảy ra và một cuộc điều tra đang được tiến hành. Nhưng khi khám phá được rằng vụ đánh bom có khả năng được thực hiện bởi một nhà lãnh đạo phát xít, ngài đã yêu cầu không cho báo chí biết, vì Ý vẫn còn chiến tranh.

Sau cuộc bỏ bom ngày 5 tháng 11, Vatican một lần nữa bị tấn công, vào ngày 1 tháng 3 năm 1944, khi một chiếc máy bay của Anh vô tình thả bom quá gần và đâm vào tường Vatican, giết chết một công nhân Vatican và làm bị thương một tu sĩ, cũng như phá vỡ cửa sổ của toà nhà Bộ Giáo lý Đức tin.

Vào tháng 5 năm 1943, sau khi những quả bom đầu tiên được thả xuống Rome bởi lực lượng Đồng minh, đấng đáng kính Pius XII đã viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt yêu cầu tổng thống bảo vệ Rôma càng nhiều càng tốt để "Rôma không bị đau đớn và tàn phá hơn nữa" và để giữ cho ngôi đền thờ quý giá của Rôma "khỏi sự huỷ hoại không thể khắc phục được". Roosevelt đã trả lời vào ngày 16 tháng 6 năm 1943, nói rằng, "các cuộc tấn công vào Ý bị hạn chế, ở mức độ có thể của con người, đối với các mục tiêu quân sự. Trong trường hợp cần thiết cho các máy bay Đồng minh hoạt động ở Rome, các phi công của chúng tôi được thông báo kỹ lưỡng về vị trí của Vatican và đã được hướng dẫn cụ thể để ngăn bom rơi xuống Thành phố Vatican".

Mặc dù vậy, các cuộc tấn công dữ dội đã được thực hiện ở Rome trước khi được quân Đồng minh chiếm lại vào ngày 4 tháng 6 năm 1944. Trong số đó là vụ đánh bom tàn khốc vào ngày 19 tháng 7 năm 1943, trong đó hàng ngàn thường dân đã thiệt mạng. Cùng ngày, sau khi cuộc đột kích kết thúc, Đức Piô XII và Đức Giáo hoàng Phaolô VI tương lai (lúc đó là Quốc vụ khanh Giovanni Montini) đã đi đến khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khu phố San Lorenzo, để tặng tiền cho đám đông đang tụ tập trước San Lorenzo fuori le Mura.
Mi Trầm