Gioan Maria Vianney sinh ngày 8-5-1786 tại Dardilly. Cha mẹ ngài là những nông dân trung kiên với đức tin. Suốt thời cách mạng Pháp, họ thường bí mật tiếp rước các linh mục đến trú ngụ. Vì vậy Gioan là một trẻ em có mặt trong các buổi lễ cử hành lén lút tại lẫm lúa và được chứng kiến rất nhiều mẫu gương anh hùng với đức tin.
Năm lên 11, Gioan được Cha Greboz cho xưng tội lần đầu. Tháng 5-1798, Gioan được mẹ dẫn sang nhà bà dì ở Ecully để dọn mình rước lễ vỡ lòng. Mùa xuân năm 1799, Gioan cùng với 15 em khác được rước lễ vỡ lòng trong một thánh lễ được cử hành giữa đống rơm. Ngài rước lễ rất sốt sắng và đã giữ cho đến chết tràng chuỗi Mân côi kỷ niệm ngày hạnh phúc này.
Năm 1800, thanh bình trở lại với các tín hữu, khi Napoléon nhận biết rằng không có tôn giáo thì không có một tổ chức nào có thể tồn tại vững bền được. Từ nhỏ Gioan đã muốn làm linh mục. Khi bày tỏ ý định tốt đẹp này, ngài đã 17 tuổi và mới chỉ qua bậc tiểu học. Mẹ ngài tán thành chí nguyện, nhưng cha ngài với óc thực tế đã băn khoăn rất nhiều và không chấp nhận. Mãi tới năm 1805, Gioan đến sống với Cha Belley, họ Ecully. Theo học với các bạn tuổi còn nhỏ, mà trí khôn ngài lại quá trì trệ. Đã vậy vào năm 1890, ngài lại còn phải nhập ngũ. Năm sau, ngài may mắn được trở về nhà.
Năm 1810, Gioan gia nhập Tiểu Chủng viện Verrières. Hai năm trôi qua, ngài là một chủng sinh học hành rất kém. Dầu vậy ngài cũng nhận vào đại chủng viện. Tại đây chuyển ngữ là tiếng Latinh, mà Gioan lại quá dở về môn này, khiến ban giám đốc khuyên thầy hồi tục. Không thất vọng một lần nữa, Cha Balley đảm nhận việc dạy dỗ người chủng sinh gương mẫu nhưng chậm trí này. Sau khi hoàn tất chương trình học, ngày 13-8-1815, Gioan Maria Vianney thụ phong linh mục tại nguyện đường Đại Chủng viện Grênoble. Ngài được gọi lên chức linh mục chính vì đời sống đạo đức.
Sau khi thụ phong, Cha Gioan Maria Vianney được cử làm phó xứ Ecully. Tháng 12-1817, Cha Balley qua đời, Cha Vianney được cử về làm chánh sở họ Ars. Khi bổ nhiệm, Cha Tổng Đại diện nhắn nhủ: “Đây là một họ đạo nhỏ bé nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu đến cho họ”.
Ngày 9-2-1818, Cha đến xứ lần đầu với hành lý khiêm tốn chất trên một chiếc xe tay, gồm một chiếc giường cũ, một rương sách và ít đồ lặt vặt khác. Tới gần làng, ngài dừng chân hỏi đường. Bọn trẻ chăn chiên không hiểu tiếng nói khác với thổ ngữ chúng vẫn dùng nhưng cũng đoán biết và chỉ lối cho cha. Khi biết được địa sở, Cha Gioan quỳ gối cầu nguyện cho những người sẽ là đoàn chiên của mình. Tới nơi, ngài vào thẳng nhà thờ và chìm trong kinh nguyện.
Nhà xứ Ars thật nghèo nàn với vài đồ vật thật sơ sài. Chính cha sở trẻ họ đạo lại coi đời sống cầu nguyện hãm mình là phương thế để thành công. Trong khi mọi người còn triền miên giấc điệp, ngài đã xách đèn từ nhà xứ sang nhà thờ để cầu nguyện. Trước Nhà Tạm, nhiều lần với nước mắt ướt cả sàn nhà, ngài tha thiết cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin lãnh chịu tất cả, nhưng xin Chúa cải hoá họ đạo của con... Con bằng lòng chịu mọi đau khổ như Chúa muốn, miễn sao họ biết hồi tâm hối cải.
Chìm đắm trong kinh nguyện, Cha Gioan không quan tâm tới nhu cầu thể xác, mà ngài coi như cái thây ma. Ngủ đã ít, ngài lại thường nằm trên sàn nhà. Đồ đạc người ta dâng cúng, ngài đem cho người nghèo... Ngài nói đùa: “Tôi không hề mất áo choàng bao giờ. Chuyện ăn uống ngài cũng chẳng quan tâm đến, tự mình nấu ăn, ngài chỉ nấu một nồi khoai rồi treo lên tường.
Khi đói ngài ăn một hai củ và củ thứ ba là “để cho vui miệng”. Nồi khoai thường để lâu đến nỗi những củ cuối cùng thường bị mốc meo. Ngài hãm mình như vậy cho tới năm 1827, khi các chị Dòng Chúa Quan Phòng nấu ăn cho ngài.
Hơn nữa, thánh nhân còn tự ý hãm mình. Mỗi đêm ngài đều đánh tội trước khi ngủ. Trên tường phòng ngài còn loang lỗ nhiều vết máu.
Với một đời sống cầu nguyện hy sinh như vậy, thánh nhân nỗ lực canh tân họ đạo. Về xứ được ít lâu, ngài sớm nhận ra được 3 tệ đoan trong họ đạo là sự lãnh đạm với việc đạo đức, thói quen làm việc xác ngày Chúa Nhật và tật ham khiêu vũ.
Để chấn hưng lại tình trạng suy đồi kia, dĩ nhiên thánh nhân gia tăng lời cầu nguyện và việc hãm mình. Trong hoạt động ngài đi thăm viếng các gia đình. Sửa lại tình trạng thiếu hiểu biết về đạo, ngài lo dạy giáo lý cho trẻ em. Suốt 27 năm, Cha thánh Gioan ngày nào cũng trung thành với viêc dạy giáo lý. Đối với người lớn, cha dọn bài giảng rất kỹ lưỡng. Ngồi trong phòng thánh cạnh Nhà Tạm, Cha viết bài giảng; đêm thứ bảy cha học và tập giảng để cho hôm sau lời giảng của cha rất đơn sơ, nhưng xoáy vào lòng người nghe.
Chẳng hạn ngài nói:
- Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khoẻ cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.
- Càng cầu nguyện người ta càng ham thích, như một con cá trồi lên mặt nước rồi chìm mình trở lại và luôn bơi đi mãi. Linh hồn đắm chìm trong lời cầu nguyện sẽ mất hút trong sự êm dịu của cuộc đàm thoại với Chúa.
Các câu chuyện nhỏ Cha kể nhiều khi có giá trị như một bài giảng. Chẳng hạn Cha nói về một em nhỏ bị đau bịnh:
- Con đau đớn lắm không?
Cậu bé trả lời:
- Hôm qua con không đau đớn gì và ngày mai con cũng hết khổ.
Cha hỏi lại:
- Vậy con muốn được lành bệnh không?
- Trước khi bệnh con hung dữ, khỏi bệnh con dám như vậy lắm. Để như thế này là tốt hơn cả.
Chống lại tật làm việc xác, cha nói: - Ngày Chủ Nhật là của Chúa. Mà anh em ăn trộm cũng chẳng lợi ích gì cho anh em. Tôi biết có hai phương thế chắc chắn để trở nên nghèo khó là làm việc ngày Chúa Nhật và lấy của kẻ khác.
Để chống lại tật ham khiêu vũ, đã có lần Cha đến giữa đám để giải tán. Lần khác Cha bỏ tiền trả cho nhạc công để anh rút lui. Tích cực hơn, Cha lập hội Mân Côi để tập họp các thiếu nữ vào việc thực hành đạo đức này.
Hơn nữa, trong họ có 7 quán rượu, Cha hết sức khuyên nhủ và cả chúc dữ nữa để họ đổi nghề. Cuối cùng cả 7 quán đều đóng cửa.
Thấy trọng trách của một chủ chiên quá nặng nề. Đã 4 lần Cha Gioan tìm cách trốn khỏi họ đạo. Nhưng rồi Cha đã bị phát giác, tiếng chuông reo vang và người ta đổ xô ra đường để giữ Cha lại. Nỗ lực của Cha không dễ dàng được tiếp nhận. Người ta tìm nhiều cách để vu khống cho Cha nhiều tội tày trời. Thành công của Cha khiến cho nhiều người nghi ngờ và ghen tị, đến nỗi toà giám mục phải mở cuộc điều tra. Sau nữa, chính quỷ dữ cũng phải công khai phá Cha dưới nhiều hình thức như xê dịch đồ đạc, la lối om sòm, hiện hình kỳ quái... đến độ đốt cháy cả giường nằm.
Nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, Cha nói:
- Khi đến Ars, nếu biết được tất cả những gì tôi phải chịu chắc tôi chết liền.
Nhưng ơn thánh Chúa đã nâng đỡ ngài. Mỗi ngày trong thánh lễ, ngài được thấy chính Chúa Giêsu. Dần dần họ Ars đã được biến đổi, hương thơm thánh thiện còn bay lan rộng ra khỏi ngôi làng bé nhỏ và hẻo lánh này. Khách thập phương từ khắp nơi đổ xô đến, để được chiêm ngưỡng một Cha sở thánh thiện, để được nghe lời ngài, để xưng tội. Cha Gioan đã làm vui lòng mọi người.
Suốt 20 năm trời, Cha như chôn mình trong toà giải tội, từ sau lễ tới 11 giờ trưa, rồi từ 1 giờ chiều tới 8 giờ tối. Sau này khi được qua đời, Cha được chôn cất tại Nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả, cạnh toà giải tội mà người ta gọi là phép lạ lớn nhất ở Ars.
Tận tuỵ với các linh hồn, Cha Gioan cũng được ơn thấu tỏ lòng người. Ngày kia có một du khách tới Ars để đi săn. Nhìn ông với con chó bên cạnh, ngài nói: “Con chó của ông thật đẹp, nhưng linh hồn chẳng đẹp tí nào”. Cúi mặt, người du khách vào toà xưng tội.
Một người đàn bà khác nghe Cha nói: “Ông ấy đã được rỗi. Giữa thành cầu và giòng nước, ông đã kịp ăn năn tội...”. Thế là Cha đã biết nỗi lo âu sầu của bà, vì cái chết mới đây của chồng bà. Ngài đã mang lại cho bà niềm an ủi khi cho biết rằng: nhờ những bó hoa và vài lần cầu nguyện với vợ mỗi tháng Đức Mẹ, mà người chồng xấu số kia đã được cứu rỗi.
Đời sống của Cha Gioan là một mẫu gương tận tuỵ vì Chúa và vì các linh hồn, ngài thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được hao mòn vì Chúa và các linh hồn”.
Quả thực, Cha Gioan đã hao mòn vì phụng sự. Ngày 2-8-1859, Cha chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4-8-1859, Cha trút hơi thở cuối cùng với sự mãn nguyện.
- Phải chết lành khi người ta sống trên thánh giá.
Ngày 31-5-1925, Cha Gioan được tuyên phong hiển thánh, và năm 1929, Đức Piô XI đặt Cha làm “bổn mạng các cha sở trên toàn thế giới”.
Nhân kỷ niệm 150 năm ngày thánh nhân qua đời, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập Năm Linh Mục từ lễ Thánh Tâm 1-6-2009 đến 11-6-2010.
Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)