Thánh PHAOLÔ THÁNH GIÁ (1694-1775)
Ít có biến cố đẹp mắt để ghi lại cuộc đời của Paul Prannes Daniel. Thường trọn đời ngài dành cho cầu nguyện, sám hối và tôn sùng cuộc tử nạn của Chúa. Ngài là dụng cụ phổ biến lòng tôn sùng này với dòng tu ngài thiết lập, dòng Thương khó. Ngài sinh tại miền bắc Ý năm 1694 trong một gia đình trung lưu đạo đức. Dầu cuộc sống ngài cho tới tuổi 15 đã diễn ra như cuộc sống bình thường của người Kitô hữu, nhưng vào thời này, ngài đã trải qua một loạt trở lại khiến ngài dâng trọn đời cho việc cầu nguyện hãm mình: ngài quỳ gối lâu giờ, thực hành những việc phạt xác như ngủ trên đất và ăn chay liên tục, nhờ đó ảnh hưởng đối với những người đương thời, khiến nhiều người đi tu dòng hay là một linh mục triều.
Vào tuổi 20, việc gia nhập đạo quân Venise để bảo vệ Kitô giáo chống lại người Hồi cho thấy sau một thời lý tưởng ngài đã khác. Nhưng ngài đã trở lại đời sống cầu nguyện hãm mình.
Sáu năm qua đi và chỉ đến lúc 26 tuổi, ngài mới thấy rõ hơn chuỗi ngày tương lai của mình trong một loạt các thị kiến. Ngài hiểu rằng: mình phải lập một dòng tu đặc biệt tôn sùng cuộc khổ nạn. Trước hết, ngài bắt đầu nếp sống mà tu sĩ dòng Thương Khó sẽ phải sống, trong khi phát ra một quy luật gửi về Roma xin phê chuẩn. Sau một ít khó khăn, luật này đã được chuẩn nhận. Ngài và em mình là Gioan Tẩy Giả đã lập dòng ở Mote Argentaro và nhận những tập sinh đầu tiên. Đức Bênêđictô XIV đã buộc giảm nhẹ đôi chút sự khắc khổ trong đời sống tu trì và đi rao giảng trong các miền lân cận.
Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành rao giảng cuộc Thương Khó khắp nơi và gây được nhiều cuộc trở lại. Những năm cuối đời, ngài đã lập dòng các nữ tu thương khó. Bây giờ ngài được dân chúng coi như một vị thánh và mỗi khi đi qua đâu, ngài phải chịu đựng đám đông những người lo kiếm miếng vải áo ngài làm thánh tích, họ chạm tới ngài hay xin ngài chữa bệnh hoặc một ân huệ nào khác. Ngài qua đời ngày 18-10-1775 vào tuổi 80 và được phong thánh khoảng gần 1 thế kỷ sau, năm 1865.
Điều lạ lùng là vị thánh người Ý không hề rời xa quê hương mình sinh trưởng lại rất quan tâm tới việc trở lại của nước Anh mà ngài biết đến rất ít. Ngài nói: “Nước Anh luôn ở trứơc mặt tôi và nếu nước Anh trở lại Công giáo thì ích lợi cho Giáo Hội vô kể”. Dầu bản thân ngài đã không thể đi bước tích cực nào để cải tiến vấn đề, cũng cần ghi lại rằng 65 năm sau khi ngài qua đời, một tu sĩ, dòng Thương Khó, anh Dominicô Barbeni, đã tới nước Anh và trở thành dụng cụ đưa về hiệp thông với Giáo hội Jolm Hery Newman và nhiều người khác nữa, như thế là góp phần vào việc phục hồi đạo Công giáo tại xứ sở này.
Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)