Thánh Sêbastianô, Tử đạo (Thế kỷ III)
Thánh Sêbastianô là công dân của hai thành phố vì cha ngài quê quán tại Nac-bon (Narbonne) và mẹ ngài quê quán tại Milanô. Năm 283, ngài gia nhập quân đội. Thánh Sêbastianô nói: sự hiền lành, khôn ngoan, tài khéo, quảng đại, ngay thẳng và cả trăm đức tính khác khiến triều đình sớm biết tới thánh nhân. Hoàng đế Điôclêtiano quý mến và đặt ngài làm đại úy phòng vệ của ông. Vai trò này giúp cho thánh nhân dễ dàng đến với các nhà tu để an ủi khích lệ đức tin của các Kitô hữu bị bách hại.
Dịp may đã đến cho ngài thi thố lòng nhiêt hành của mình khi Marcô và Marcelinô, hai hiệp sị bị kết án tử hình vì danh Chúa. Lúc ấy họ suýt bị lung lay đức tin vì những dòng nước mắt của cha mẹ già yếu lẫn vợ con. Thánh nhân đã có mặt kịp thời để khuyến khích họ.
Ngài nói: Hỡi các chiến sĩ Chúa Kitô, các bạn hy sinh linh hồn bất tử cho thân xác bùn đất sao? Các bạn chối bỏ đức tin, phản bội Thiên Chúa, hiến thân cho ma quỷ và từ khước triều thiên sắp sáng chói trên đầu các bạn sao?
Đang khi nói những lời này, một ánh sáng chói loà tràn ngập ngôi nhà của người giữ ngục. Vợ của người giữ ngục tên là Zoê được khỏi bệnh câm. Lời nói của Thánh Sêbastianô với vài phép lạ kèm theo đã khơi dậy lòng can đảm nơi các vị tử đạo, cải hoá cha mẹ họ và khoảng 60 lương dân khác.
Nhưng cuộc trở lại cảm kích nhất là cuộc trở lại của Crômat (Cromace), viên tổng trấn Roma. Ông ta bị bệnh lậu và nghe biết rằng Thánh Sêbastianô, nhờ sức mạnh thầm kín nào đó, có thể chữa lành nhiều bệnh tật. Ông đến xin thánh nhân cầu khẩn trời cao cho mình được lành bệnh, thánh nhân nhận lời: Tôi rất muốn, nhưng với điều kiện là ông phải thiêu huỷ các ngẫu tượng và theo đạo đã.
Đầu tiên ông không chịu nhưng rồi cũng ưng theo. Ông phá huỷ một số lớn các ngẫu tượng. Nhưng bệnh lại trầm trọng hơn. Ông than thở với thánh nhân: Nghe lời ông tôi đã phá huỷ các tượng thần. Ông đã hứa cho tôi hết bệnh. Bây giờ tôi lại khổ cực hơn bao giờ hết.
Thánh Sêbastianô trả lời: Thưa hoàng công, việc ngài phá huỷ các tượng chẳng nhằm gì nếu ngài còn cố giữ lại một tượng thôi. Hãy tiêu huỷ nó đi hết và ngài sẽ được toại nguyện.
Crômat tuân theo và ông đã hết bệnh. Ông và cả gia đình đã theo đạo. Từ chức, ông về miền quê và nhà ông đã trở thành nơi nương náu cho các Kitô hữu bị đánh hại.
Năm 286, ngọn lửa bách hại bùng lên dữ dội. Phần đông các Kitô hữu trốn về miền quê. Thánh Sêbastianô xin đức giáo hoàng cho phép ở lại Rôma để hướng dẫn và nâng đỡ những người còn lại. Đức giáo hoàng đã trả lời ngay: Hỡi con, hãy ở lại chiến trường để giúp đỡ các chiến sĩ và hãy tỏ ra là một chiến sĩ gan dạ bảo vệ đức tin.
Một kẻ bội giáo đã tố giác ngài với hoàng đế; giận dữ, Điôcletianô triệu vời ngài tới ngay. Thánh nhân vừa tới, hoàng đế nói liền: Sêbastianô, ta đã quý mến ngươi, ta cho ngươi ở trong hoàng cung và coi ngươi như người nhà mà bây giờ ngươi thù nghịch với hoàng đế và các thần linh sao?
Sêbastianô khiêm tốn trả lời: Mình chỉ có thể phục vụ hoàng đế và tổ quốc khi thờ phượng một Thiên Chúa chân thật và khinh bỏ các ngẫu tượng bằng gỗ đá. Tức giận, hoàng đế truyền lập tức trói thánh nhân lại và bắn tên cho đến chết. Khi thân thể ngài đầy ngập thương tích, người ta tưởng ngài đã chết và bỏ mặc tại chỗ. Ban đêm, một goá phụ tên là Irênê đến lấy xác ngài để mai táng. Nhưng thật lạ lùng khi thấy ngài còn sống. Bà liền đưa về nhà săn sóc cho đến khi thánh nhân bình phục hoàn toàn.
Lúc ấy các Kitô hữu khuyên ngài nên tìm đường lẩn trốn. Nhưng sau khi cầu nguyện, ngài quyết định đến trước Điôcletianô tuyên xưng đức tin một lần nữa. Trước mặt hoàng đế, ngài nói: Các thầy cả thờ ngẫu thần làm cho nhà vua coi các Kitô hữu như là kẻ thù của tổ quốc. Nhưng đó chỉ là vu khống. Trái lại, phải coi như là người xây dựng tổ quốc mới đúng, bởi vì họ không ngừng cầu nguyện cho tổ quốc được cứu rỗi và nên phồn thịnh.
Ngạc nhiên, không biết có phải là Sêbastianô ông đã ra lệnh giết không, ông hỏi lại cho chắc. Khi đã biết chắc, ông truyền đem thánh nhân ra pháp trường đánh đòn cho chết rồi vất xác xuống rãnh. Một mệnh phụ tên là Lucina đã chôn cất ngài vào một nghĩa địa ở dưới hầm.
Từ đó nơi này được mệnh danh là Hang Toại đạo Thánh Sêbastianô và ngày nay cũng tại nơi này có xây một đại thánh đường lấy tên là Vương cung Thánh đường Thánh Sêbastianô
Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)